Báo Nhật nói đường sắt Cát Linh - Hà Đông "là ví dụ mới nhất của dự án của nhà thầu Trung Quốc có vấn đề".
Công trình thi công đường sắt Cát Linh - Hà Đông - Ảnh minh họa
Việc hoãn chạy thử liên động toàn hệ thống đường sắt tuyến Cát Linh - Hà Đông được truyền thông Việt Nam cho hay là vì Trung Quốc chưa giải ngân khoản vay 250 triệu đôla.
Nikkei Asian Review tường thuật, lẽ ra đường sắt Cát Linh - Hà Đông chạy thử vào cuối tháng Chín nhưng nay "giới chức Việt Nam nói rằng các hạng mục thi công dự án này không thể tiếp tục cho đến khi Trung Quốc giải ngân khoản tiền trên vốn được cam kết từ năm ngoái.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chạy dài trên 13 km với 12 nhà ga, khởi đầu từ nhà ga Cát Linh được xây dựng trên phố Hào Nam và ga cuối là nhà ga Hà Đông. Chủ đầu tư của dự án này là Cục Đường Sắt Việt Nam và nhà thầu là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường Sắt Trung Quốc theo vốn đầu tư ODA.
Theo Nikkei Asian Review, việc xây dựng tuyến đường sắt trên cao này được lập dự án từ năm 2008 đến năm 2013 với chi phí 552 triệu đôla Mỹ với 419 triệu đôla trong số đó vay của Trung Quốc.
Nhưng sau khi khởi công năm 2011, số vốn đã đội lên đến 868 triệu đôla năm 2016 với 250 triệu đôla từ hiệp định bổ sung thêm vốn.
Việc giải ngân khoản này lẽ ra được tiến hành hồi tháng Ba, nhưng đã bị trì hoãn do "các thủ tục phức tạp" tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank).
Báo Zing cho hay công trình "đã hoàn thành 95% giá trị xây lắp nhưng vẫn cần kinh phí để hoàn thiện các hạng mục cuối cùng"
'Mất lòng tin'
Tờ báo Nhật cũng ghi nhận : "Việc hoãn chạy thử là vấn đề mới nhất của dự án gây tranh cãi vốn để xảy ra nhiều tai nạn, thương vong cho người qua đường".
"Vật liệu kém chất lượng, việc lắp đặt bị lỗi và công nhân không được đào tạo gây ra mối quan ngại về an toàn".
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị xem là ví dụ điển hình cho các dự án của nhà thầu Trung Quốc có vấn đề. Khảo sát cho thấy hầu hết các dự án này đều bị quan ngại về chất lượng, tiến độ chậm trễ và đội chi phí quá mức. Điển hình là sân vận động quốc gia Mỹ Đình với mức đầu tư 69 triệu đôla ; việc mở rộng khu phức hợp thép trị giá 360 triệu đôla ở tỉnh Thái Nguyên ; nhà máy sắt thép 264 triệu đôla ở tỉnh Lào Cai ; một dự án bauxite trị giá 1,4 tỷ đô la ở Tây Nguyên...
Việc để xảy ra sai sót, thiết bị quá cũ, gây tai nạn tại các dự án này đã trở nên phổ biến, gây mất lòng tin về các dự án do Trung Quốc hậu thuẫn. Nhiều dự án đang được tái thẩm định lại.
Hồi tháng Hai, báo chí trong nước trích thuật Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra và làm việc với các đơn vị liên quan tới tuyến đường sắt này. Ông nói "ùn tắc giao thông đang là thách thức với các đô thị lớn, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế cũng như chất lượng cuộc sống của người dân, làm gia tăng ô nhiễm". Nguyên nhân chậm tiến độ khiến ảnh hưởng đến giảm ùn tắc giao thông Hà Nội được lãnh đạo Chính phủ chỉ ra là do "quản lý đầu tư bằng hình thức thầu trọn gói còn thiếu kinh nghiệm ; giai đoạn đầu quản lý dự án còn rất hạn chế ; công tác giải phóng mặt bằng ở Hà Nội khó khăn ; vốn đầu tư thay đổi…".
Nikkei Asian Review cũng nhận định Hà Nội đang bị mắc kẹt với các dự án tưởng là 'rẻ' nhưng đội vốn.
Sự thèm khát vốn thúc đẩy một số nhà đầu tư trong nước phớt lờ quan ngại của công chúng để tiếp tay cho các đối tác Trung Quốc.
Tháng trước, Geleximco, một công ty xuất nhập khẩu của Việt Nam, và đối tác Trung Quốc Sunshine Kaidi, đề xuất đầu tư sân bay quốc tế Long Thành trị giá nhiều tỷ đôla. Các công ty này hứa hẹn hoàn thành dự án trong vòng ba đến 5 năm "với mức chi phí thấp nhất có thể được".
Tuy vậy, Bộ Quốc phòng Việt Nam nêu quan ngại về an ninh quốc gia sau khi hai sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài, cùng với website của Vietnam Airlines từng bị tin tặc Trung Quốc tấn công năm ngoái.
Theo Nikkei Asian Review
Nguồn : BBC, 21/09/2017