Ông Nguyễn Hữu Vinh, từng là cán bộ thuộc Cục bảo vệ chính trị 1 đã có những góp ý trên BBC Việt ngữ, mà theo tác giả là cực kỳ đáng giá trong cải tổ, đổi mới, hay khiến cho lực lượng công an xác hợp với cụm từ Công an nhân dân.
Có nhiều than phiền về ứng xử của công an Việt Nam trong những năm gần đây
Ông đề cập đến số lượng an ninh vượt trội so với cảnh sát, đề cập đến tình trạng chính trị hóa trong lực lượng an ninh khiến cho lực lượng lực chú trọng bảo vệ quyền lực của đảng, thay cho hoạt động phản gián và bảo vệ an ninh quốc gia trước các thế lực bên ngoài.
Thực tế cho thấy, khi nhắc đến bộ máy an ninh hiện tại, nhận diện ngay tình trạng ‘bảo vệ an ninh quốc gia’ chính là ‘chống phản động’.
Giới phản động lại chính là nhóm người thực hiện các hành vi theo đuổi quyền con người, điều mà Việt Nam từng bước buộc phải cam kết gắn với các Công ước quốc tế.
Cho đến nay, nhóm phản động trong mắt bộ máy an ninh tập hợp các nhóm dân oan liên quan đến đất đai, nhóm trí thức liên quan đến lĩnh vực xuất bản, báo chí,… mà cả nhóm liên quan đến tôn giáo.
Các khía cạnh của đa phần nhóm phản động thực hiện không hướng đến thành lập một đảng phái chính trị nhằm cạnh tranh quyền lực trực tiếp với với đảng chính trị – Đảng cộng sản Việt Nam. Mà là những người thực hiện các quyền về tự do ngôn luận, tự do lập hội, và tự do biểu đạt.
Thế nhưng, cho đến nay, cách nhìn của chính quyền Đảng cộng sản Việt Nam vẫn coi các hành vi thực hiện quyền, hay các tổ chức – cá nhân tham gia cổ vũ thực hiện quyền là những đối tượng nguy hiểm.
Giống như thời Đông Đức, tại Việt Nam xuất hiện những cá nhân không đáng tin cậy về mặt chính trị. Hay nói cách khác, các cá nhân – tổ chức bị quy chụp mọi lúc, mọi nơi như là yếu tố chống phá đảng, chống phá nhà nước và hoạt động lật đổ. Điều này khiến cho toàn bộ xã hội trở thành một cuộc chiến giữa người Việt với nhau, tạo ra rào cản lớn về mặt đoàn kết dân tộc, tích tụ thêm các tư tưởng phản kháng và hận thù trong lòng chế độ.
Chỉ một sự kiện Đồng Tâm mà toàn bộ giới hoạt động miền Bắc bị canh giữ, với tương quan trung bình 3 viên an ninh cho một người thuộc loại ‘không đáng tin cậy’. Nếu xét 50 nhà hoạt động, thì tương đương với 150 viên an ninh ăn lương chỉ để canh những người không làm mất đi chủ quyền quốc gia, hay tổn hại quyền độc lập, tự chủ của dân tộc.
Câu chuyện trở nên càng lúc càng khó hiểu hơn khi hết các hội đoàn và cá nhân bị buộc tội vì ‘an ninh quốc gia’, khái niệm được hiểu là sẽ làm mất quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam.
Thế nhưng, các tổ chức – cá nhân ‘phản động’ lại không hoạt động nhằm khiến cho quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam mất đi, mà ngược lại, trợ giúp cho chính Đảng cộng sản Việt Nam kiểm soát quyền lực vô biên của mình.
Hãy xem quyền lực vô biên của Đảng cộng sản Việt Nam cách hành xử có phần đứng ngoài vòng pháp luật của lực lượng Công an.
Vợ ông Lê Đình Kình, bà Dư Thị Thành khi đối mặt với lực lượng công an đến Thôn Hoành vào sáng sớm 9/1 đã nhận thông điệp ‘đầy nhân văn’ : cho mày về để mày lo hậu sự cho chồng cho con mày.
Nghệ sĩ Thịnh Nguyễn, người bị vô cớ bắt giữ, tạm lưu bởi lực lượng an ninh với tuyên bố : vì an ninh quốc gia, bắt thì khỏi cần nhân chứng luôn.
Cách làm việc chỉ dựa trên quan điểm mơ hồ là ‘an ninh quốc gia’ khiến cho tinh thần góp ý, phản biện đối với Đảng cộng sản Việt Nam trở nên dè dặt, trong lúc Đảng cộng sản Việt Nam trở nên xấu xí hơn trong mắt người dân.
Cải tổ hay đổi mới lực lượng công an theo cách góp ý của ông Nguyễn Hữu Vinh tức làm nghĩa vụ của lực lượng này đối với xã hội xác hợp hơn, hành xử văn minh hơn, và đưa lực lượng này về đúng với tinh thần ‘vì dân phục vụ’.
Nhưng để đổi mới được lực lượng này, thì trước hết phải đến từ nhận thức đổi mới của người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam. Và có lẽ, ông Trần Quốc Vượng là người có ‘tư duy’ về chế độ phù hợp thực tiễn hơn so với ông Nguyễn Phú Trọng trong một quan điểm liên quan đến vấn đề chế độ gần đây. Và có thể chính ông Vượng nếu cởi mở tiếp tục về tư duy lãnh đạo của Đảng, có thể thiết lập một mô hình chủ nghĩa xã hội thị trường tại Việt Nam trong tương lai, mô hình đảm bảo dân chủ, tự do và công bằng thực tế như ở các quốc gia Đông Âu.
Mọi sự thay đổi đối với lực lượng công an sẽ là cứu nguy của chế độ này. Và cần phải duy trì một yếu tố cốt lõi, trong đó phân biệt rạch ròi, các tiếng nói ‘đồng thuận tuyệt đối’ đối với các chủ trương – chính sách của Đảng cộng sản Việt Nam không làm cho chính đảng hay chế độ này tốt lên, mà thúc đẩy nhanh hơn sự suy tàn của một chế độ. Thực tế quá trình hình thành của Đảng cộng sản Việt Nam cho đến nay cho thấy, những quan điểm khác biệt, thậm chí xét lại, phá rào đã trở thành một yếu tố giúp chính chế độ vượt qua những thời điểm nguy cấp nhất trong lịch sử.
Đổi mới lực lượng công an, là không tìm cách chụp mũ những người bất đồng chính kiến trong xã hội là ‘những đối tượng hoạt động nhằm xâm hại an ninh, chủ quyền và độc lập, tự chủ của quốc gia.’ Bởi làm sao một chủ thể hoạt động, vận động quyền con người dựa trên các Công ước quốc tế lại khiến cho chủ quyền quốc gia, hay an ninh quốc gia bị xâm hại cho được ? Trừ phi chính nhà nước coi các Công ước đó là yếu tố gây xâm hại an ninh quốc gia và quyền tự chủ đất nước.
Đổi mới lực lượng công an theo quan điểm của ông Nguyễn Hữu Vinh là phương cách, là hướng đi đúng cho lực lượng này trong tương lai, để xứng đáng hơn với đồng thuế mà nhân dân bỏ ra để nuôi lực lượng này.
Ngân Bình
Nguồn : VNTB, 03/02/2020
Trước Thăng Long (Hà Nội) và Huế, Hoa Lư (Ninh Bình) là kinh đô của ba triều đại Việt Nam, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Thái Tổ. Cố đô Hoa Lư vẫn còn đó với bãi lau ngày xưa Đinh Bộ Lĩnh cưỡi trâu "tập trận", giờ là khu đất rộng được lát nền chắc chắn.
Đi đò trong khu danh thắng Tràng An, Ninh Bình. Courtesy Dân Trí
Ninh Bình mùa sau Tết tràn ngập không khí vui hội đầu Xuân từ tháng Giêng đến tháng Ba. Du khách trẩy hội cũng đi cầu duyên cầu may ở những ngôi chùa cổ hay chùa Bái Đính, rộng 539 ha. Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác nhận quần thể chùa Bái Đính có hành lang 1.700 mét dài nhất Châu Á. Mỗi vị La Hán trong số 502 bức tượng được dựng dọc hành lang có nét mặt và tư thế khác nhau.
Tháng Năm và tháng Sáu là thời điểm vụ lúa chín. Nhìn từ đỉnh Núi Múa (gần 500 bậc thang), sắc vàng ươm của những bông lúa trĩu hạt rực rỡ bên dòng nước trong vắt của con sông Ngô Đồng uốn mềm dẫn vào khu Tam Cốc-Bích Động, được điểm xuyết thêm những con đò nhỏ, nhẹ nhàng rẽ nước nhịp theo tay chèo của người lái đò. Trong buổi chiều tà ngắm những tia nắng cuối ngày ẩn sau những ngọn núi đá vôi cao chừng 200 mét, lòng người chợt chùng xuống, nhẹ nhàng thả theo những cánh chim về tổ ở khu Vườn Chim Thung Nham cách đó không xa.
Vẫn nằm trong quần thể danh thắng ở huyện Hoa Lư, Tràng An nổi tiếng là một trong những nơi có cảnh quan tháp Karst đẹp và quyến rũ nhất thế giới. Giữa những ngọn núi dạng tháp là các hố trũng hẹp khép kín, các đầm lầy thông nhau qua hệ thống suối xuyên ngầm. Dù đi xe máy hay đi đò trong khu vực này, du khách luôn có cảm giác như lạc vào cõi thần tiên, trầm trồ vì sự hùng vĩ.
Bà Dương Thị Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Bình, giới thiệu thêm với RFI tiếng Việt về các khu danh thắng của tỉnh.
"Ninh Bình là tỉnh có tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú, hấp dẫn, đặc biệt có hệ thống núi đá vôi và các hang động xuyên thủy với hệ sinh thái độc đáo đan xen với tài nguyên du lịch nhân văn, những di tích lịch sử, văn hóa. Tiêu biểu như cố đô Hoa Lư đã hình thành và đứng vững từ hàng nghìn năm ; nhà thờ đá Phát Diệm - đây là một quần thể kiến trúc độc đáo, thể hiện sự kết hợp tinh túy giao hòa giữa kiến trúc kiểu chùa đình phương Đông với kiến trúc nhà thờ phương Tây.
Về du lịch sinh thái, có quần thể danh thắng Tràng An đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động là khu du lịch đẹp nổi tiếng của Ninh Bình vẫn giữ những nét nguyên sơ thiên tạo với nhiều hang động và di tích lịch sử có giá trị như vịnh Hạ Long.
Khu du lịch sinh thái Vân Long là vùng đất ngập mang đầy huyền thoại, một điểm du lịch tuyệt đẹp, đồng thời là khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước rộng, lớn nhất của đồng bằng Bắc Bộ. Vườn quốc gia Cúc Phương cũng là đơn vị bảo tồn thiên nhiên đầu tiên của Việt Nam. Đó là những tài nguyên du lịch. Có thể nói đây là lợi thế to lớn để phát triển du lịch Ninh Bình".
Dòng sông Ngô Đồng, dẫn vào khu Tam Cốc, nhìn từ đỉnh Núi Múa, Ninh Bình. CC/Tuan Mai
Hiệu ứng phim Kong : Skull Island quảng bá du lịch cho Ninh Bình
Theo số liệu thống kế của sở Du Lịch Ninh Bình được công bố ngày 03/10/2017, trong chín tháng đầu năm, tổng số khách du lịch đến Ninh Bình đạt trên 6 triệu lượt, tăng 10,1%, trong đó khách quốc tế đạt trên 640.000 lượt, tăng 19,6%, khách nội địa đạt trên 5,4 triệu lượt, tăng 9,1%, so với cùng kỳ năm 2016. Ngành du lịch Ninh Bình hy vọng sẽ đón thêm hơn 800.000 lượt khách, trong đó khoảng hơn 200.000 lượt khách quốc tế trong bốn tháng cuối năm vì đây là mùa cao điểm của du khách quốc tế.
Tỉnh Ninh Bình đặt ra mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thật sự vào năm 2030. Theo giải thích của bà Dương Thị Thanh, để thực hiện được mục tiêu này, tỉnh và Hiệp Hội Du Lịch tỉnh đã đề ra 8 giải pháp để phát triển du lịch bền vững và thu hút khách đến Ninh Bình. Ngoài những giải pháp về cơ cấu, hoàn thiện chính sách, xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao và quảng bá thương hiệu, yếu tố nhân lực và khu vực tư nhân cũng được ngành du lịch của tỉnh chú ý.
Cụ thể là tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư tham gia phát triển du lịch, đào tạo phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, tạo việc làm cho người lao động giúp xóa đói giảm nghèo. Bà Dương Thị Thanh giải thích :
"Về chương trình đào tạo của ngành du lịch Ninh Bình, hàng năm thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức cộng đồng và phát triển du lịch bền vững, bảo vệ di sản, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa, văn minh du lịch.
Đối với cộng đồng dân cư và những hộ kinh doanh cá thể, ngành thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng ngắn ngày, hai hoặc ba ngày, về kỹ năng giao tiếp, về nghiệp vụ sơ đẳng để làm sao đó họ biết cách làm du lịch. Đặc thù của du lịch Ninh Bình là phần lớn người nông dân làm du lịch. Chẳng hạn như người chở đò, họ đi cấy đi cầy, khi có khách thì họ chở đò, vì thế ngành du lịch thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng nâng cao và để cho người ta hiểu được cách làm du lịch và kỹ năng giao tiếp.
Đối với đội ngũ hướng dẫn viên, ngành du lịch tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật thông tin về hướng dẫn, thay đổi chính trị kinh tế của đất nước cũng như của địa phương. Tiếp theo nữa là mở các lớp bồi dưỡng về ngoại ngữ để nâng cao kỹ năng giao tiếp của đội ngũ làm du lịch ở các khách sạn nhà hàng hay là chở đò, để giao tiếp với khách một cách tự tin hơn và nhằm mục đích cuối cùng là thu hút khách đến Ninh Bình và phát triển du lịch Ninh Bình ngày càng bền vững".
Khu danh thắng Tràng An, Ninh Bình.RFI / Tiếng Việt
Du lịch giúp người dân cải thiện đời sống
Anh Dũng là một trong những người đầu tiên kinh doanh dịch vụ khách sạn tại làng Xuân Áng Nội, xã Ninh Xuân, cách khu danh thắng Tràng An chừng 3 km. Nhạy bén trong việc nắm bắt được tiềm năng du lịch của tỉnh, anh đi học hai năm về chuyên ngành, sau đó tự xoay sở tài chính để xây ngôi nhà nghỉ hai tầng Limestone View Homestay. Tuy nhiên, theo anh, không phải ai cũng làm được mà cần sự đồng hành của chính quyền địa phương :
"Đúng là phát triển du lịch thì người dân được hưởng lợi nhiều. Ai có trình độ, học tập, rồi về mở mang việc kinh doanh thì đời sống cũng khá lên. Nhưng chủ yếu, dân bây giờ trình độ rất thấp, chưa học du lịch, chưa học gì nên ít người biết lắm. Nếu nhà nước tạo điều kiện đào tạo hoặc sau khi ra trường mà vay vốn làm ăn thì sẽ tốt hơn.
Thực tế ở Ninh Bình, đúng là du lịch đang phát triển rất mạnh, trong tương lai, cũng như Hạ Long, nếu người dân đáp ứng đủ yêu cầu học hành, rồi có vốn làm ăn kinh doanh, mở nhà nghỉ, mở nhà hàng thì đúng là tốt thật. Người dân tự phát hết, ai biết thì làm thôi. Tôi được đi học hai năm, tìm hiểu về du lịch, rồi đi làm có kinh nghiệm, sau đó đứng ra mở nhưng chính quyền chẳng đến hỏi han tình hình hay hỏi có cần vốn liếng hay không".
Tam Cốc- Bích Động, "Vịnh Hạ Long trên cạn" ở Ninh Bình - courtesy 24h.com.vn
Du lịch phát triển cũng giúp đời sống của người dân được cải thiện. Một số người có đất đai bên ria đường Tràng An, có điều kiện kinh tế hoặc vay được vốn thì mở nhà hàng, nhà nghỉ. Một số khác chuyển sang kinh doanh hàng quán, thuê lại ki-ốt do doanh nghiệp quản lý khu danh thắng Tràng An xây dựng, với giá khoảng 30 triệu đồng mỗi năm. Còn người nông dân thì tham gia chèo đò để có thêm thu nhập trong lúc nông nhàn. Anh Dũng giải thích :
"Nếu mà đò thường xuyên thì cải thiện được một chút. Ví dụ như ngày trước, thu nhập từ nông nghiệp, một năm trung bình mỗi người được khoảng 10 triệu đồng. Nếu mà đi đò thường xuyên thì mỗi năm thu nhập được 20-30 triệu, khá hơn một chút.
Nhưng bây giờ, vào mùa du lịch thì được, vào mùa Tết thôi. Ngoài ra những mùa kia thì doanh nghiệp toàn bố trí những người nào lao động để đổi đò. Có nghĩa là, người đi đò phải đi lao động một ngày để đổi một chuyến đò. Ví dụ như những ngày không phải vào mùa khách thì phải đi làm cho doanh nghiệp không công một ngày thì mới được đổi một chuyến đò. Đi lao động có nghĩa là đi nhặt cỏ, trồng cây… mất một công, một ngày 8 tiếng. Hôm sau, doanh nghiệp mới sắp xếp cho một chuyến đò. Một chuyến là 200.000 đồng, nhưng một chuyến phải chia cho hai công, còn có 100.000/ngày.
Một tháng, nếu đều ra thì được khoảng 20 chuyến, nghĩa là lương không bằng công nhân. Hơn nữa, người dân tranh thủ đi đò rồi về nhà người ta nuôi con gà, con trâu, con bò, trồng cây hoa quả. Người ta tranh thủ thời gian rảnh rỗi để đi đò. Công việc chính không phải là đò đâu".
Cổng chính vào khu du lịch Tam Cốc-Bích Động, nổi tiếng như "vịnh Hạ Long trên cạn" hay "Nam thiên đệ nhị động", Ninh Bình - RFI / Tiếng Việt
Chỉ cách Hà Nội 93 km, du khách hoàn toàn có thể đến du lịch Ninh Bình một ngày hoặc một cuối tuần để tận hưởng cảnh quan còn hoang sơ. Trong những năm gần đây, Ninh Bình đã phát triển nhiều công trình hạ tầng phục vụ du lịch, từ nhà ga mới đến bến xe và con đường Tràng An hiện đại với hai làn đường, tạo điều kiện cho du khách từ khắp miền về tham quan.
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 30/10/2017