Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

jeudi, 30 mars 2023 15:45

Niềm tin cạn kiệt

Hiện tại không đủ miếng ăn thì còn ai dám nghĩ đến tương lai ?

niemtin01

Trong hai năm 2020 và 2021, lần đầu tiên số người rút bảo hiểm một lần vượt quá số người tham gia, lần lượt là 761 ngàn và 863 ngàn người - Ảnh minh họa

Sử dụng tiền bảo hiểm một lần là dùng thu nhập tương lai chi tiêu cho hiện tại. Thế nhưng như một số người lao động chia sẻ, hiện tại không đủ miếng ăn thì còn ai dám nghĩ đến tương lai ?

Ở đây dường như còn có thêm nguyên do là người dân không mấy có niềm tin vào các chính sách an sinh của nhà nước.

"Trong hai năm 2020 và 2021, lần đầu tiên số người rút bảo hiểm một lần vượt quá số người tham gia, lần lượt là 761 ngàn và 863 ngàn người. Tính cả năm 2022, gần 5 triệu người rút một lần trong giai đoạn 2016-2022.

Với quy định người lao động chỉ được rút bảo hiểm xã hội sau một năm thất nghiệp, con số này chắc chắn sẽ không dừng lại trong năm nay, khi làn sóng sa thải công nhân ở khu công nghiệp tăng mạnh vào nửa cuối 2022.

Hiện tượng trên nói lên nhiều điều. Về ngắn hạn, nó cho thấy sự thất bại của hệ thống an sinh làm giá đỡ cho người lao động lúc khó khăn, bất chấp nhiều nỗ lực chính sách trong hai năm đại dịch. Sử dụng tiền bảo hiểm một lần là dùng thu nhập tương lai chi tiêu cho hiện tại. Như một số người lao động chia sẻ, hiện tại không đủ miếng ăn thì còn ai dám nghĩ đến tương lai ?

Về dài hạn, nó đặt ra những vấn đề nan giải khi Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số.

Một mặt, hệ thống an sinh, đặc biệt là bảo hiểm xã hội, sẽ không đủ khả năng gồng gánh chi phí phúc lợi của một đất nước "già", nếu tiếp tục vận hành như hiện tại" – ông Nguyễn Khắc Giang, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), thuộc Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, có cảnh báo nhìn thẳng vào sự thật như vậy trước những tung hô lâu nay và mới đây nhất về chuyện "cơ đồ bền vững" là nhờ công lao hạn mã của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Vẫn theo góc nhìn của ông Nguyễn Khắc Giang, với hàng triệu lao động vừa bước ra khỏi hệ thống an sinh, việc đảm bảo thu nhập đủ tích lũy cho tuổi già là thách thức lớn. Với họ, đó là câu chuyện của 20 năm sau mà không phải ai cũng đủ sức lực quan tâm.

Câu hỏi đặt ra : để tránh chuyện ám ảnh vỡ quỹ bảo hiểm xã hội từ chuyện rút một lần, thì liệu có nên lựa chọn đề xuất tách biệt tuổi hưu với tuổi nghề ?

"Cần tách tuổi nghề và tuổi hưu nhằm tạo cho người lao động có cơ hội tham gia bảo hiểm xã hội. Muốn làm được điều này chúng ta cần đảm bảo số tiền đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội phải công khai, minh bạch. Nên coi đây là bài toán lâu dài cho quỹ bảo hiểm xã hội" – không ít ý kiến đặt vấn đề như vậy từ lúc Việt Nam chưa điều chỉnh tăng tuổi hưu và kéo theo đó là chuyện tiền lương hưu nhận được.

Ngoài ra đề xuất phương án tách tuổi hưu và tuổi nghề còn được cho là cách nhằm ngăn chặn tình trạng "giữ ghế" hạn chế cơ hội của thế hệ trẻ.

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến hết năm 2022, cả nước có hơn 17 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, độ bao phủ mới đạt 38% lực lượng lao động trong độ tuổi và còn khoảng 28,4 triệu người chưa vào hệ thống.

Độ bao phủ bảo hiểm xã hội tăng chậm trong khi số người "về một cục" lại tăng, bình quân cứ hai người vào hệ thống thì một người rời đi. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thống kê giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm gần 750.000 lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Khoảng 10% lao động rút một lần có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 10 năm trở lên.

Có một thực tế mà những lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng cần nắm rõ về hiện tình, đó là với những lao động "thất nghiệp tuổi 35", tìm việc làm mới là vô cùng khó khăn. Họ sẽ phải kiếm sống qua ngày trong khu vực kinh tế phi chính thức với thu nhập thấp hơn, trong khi gánh nặng "trẻ cậy cha, già cậy con" từ gia đình tăng lên.

Nếu không được doanh nghiệp nào khác nhận, không có gì khó hiểu khi phần lớn số lao động này chọn rút bảo hiểm một lần. Lựa chọn khác, chờ 25 năm sau để nhận lương hưu với cuộc sống bấp bênh, chỉ tồn tại trong giả thuyết của người làm chính sách. Phần lớn họ sẽ bước vào tuổi nghỉ hưu với rất ít hoặc không có khoản tiết kiệm dự phòng nào.

Nhìn xa hơn, cải cách thị trường lao động là một phần của yêu cầu cải cách toàn bộ nền kinh tế, với mục tiêu đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Nói một cách khác, nếu thật sự cầu thị, biết lắng nghe, thì người đứng đầu Đảng phải đủ dũng cảm nhận lỗi trước quốc dân về những tuyên bố "đầy mật ngọt" về chuyện "cơ đồ bền vững" của ông ở các diễn văn cho đến báo cáo nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Bởi một khi không nhận ra sai lầm thì các quyết sách mà Tổng bí thư đưa ra sẽ rất có thể tiếp tục đi theo vết đổ từ các tuyên bố ảo tưởng…

Hồng Dân

Nguồn : VNTB, 30/03/2023

Additional Info

  • Author Hồng Dân
Published in Diễn đàn