Hôm 14 tháng Chín, Thông Tấn Xã Việt Nam công bố ảnh cho thấy ông Nông Đức Mạnh ngồi cạnh Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự lễ kỷ niệm 70 thành lập Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Ông Nông Đức Mạnh (thứ hai, trái qua) trong ảnh chụp đề ngày 14 tháng Chín. (Hình : Vnanet.vn)
Một ngày trước, mạng xã hội râm ran tin đồn cựu tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh qua đời. Tin này được ghi nhận phát xuất từ một số blogger có nhiều lượt follow và có chủ đích gây bàn tán.
Đây không phải lần đầu có tin giả về các cựu lãnh đạo cộng sản Việt Nam qua đời trong bối cảnh các báo nhà nước thường chậm trễ khi đưa tin về cái chết của những người thuộc diện "tứ trụ", cựu "tứ trụ".
Tuy đã không còn làm tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam được hơn chín năm, nhưng ông Mạnh vẫn thường xuyên xuất hiện cạnh người kế nhiệm–ông Trọng trong các sinh hoạt của đảng.
Hôm 14 tháng Chín, người ta thấy ông Mạnh kè kè bên ông Trọng trong lễ "50 năm thực hiện di chúc Hồ Chí Minh" và đi cạnh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong lễ kỷ niệm 70 năm giải phóng tỉnh Bắc Kạn…
Sự nghiệp chính trị của ông Mạnh được đánh giá khá mờ nhạt, nếu không kể tin đồn rằng ông chính là con trai của Hồ Chí Minh. Một trong những phát ngôn "để đời" của ông Mạnh là câu nói được báo Khánh Hòa đăng tải hồi tháng Tám, 2003 : "Tôi ví dụ như để phát triển du lịch thì nông nghiệp phải phát triển theo hướng nào để hỗ trợ ? Ngoại thành Nha Trang phải trồng loại rau gì để cung cấp cho các khách sạn, Diên Khánh phải trồng cây gì và các huyện trong tỉnh phải trồng thứ gì, nuôi con gì, quy hoạch ra sao để có nền nông nghiệp sạch".
Phát ngôn nêu trên sau đó đã thành "chuyện cười" trên mạng xã hội mỗi khi các blogger đề cập về chuyện các lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam quen thói đến các địa phương chỉ đạo suông mà không có hiểu biết gì về tình hình thực tế.
Có lẽ vì ngại bị công luận đàm tiếu nên sau này, mỗi khi dự các lễ hội của đảng, ông Mạnh chỉ chụp hình chứ không lên tiếng "chỉ đạo" như trước.
Tuy đã lâu không còn là người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam, ông Mạnh vẫn gây bàn tán quanh chuyện ông cưới người vợ sau tên là Đỗ Thị Huyền Tâm, "đại biểu Quốc hội Việt Nam". Đài Á Châu Tự Do hồi tháng Năm, 2018 đưa bình luận về bà Tâm : "Trước khi trở thành ‘thứ phi’ của ông Nông Đức Mạnh, bà Đỗ Thị Huyền Tâm đã có lúc lao đao về những món nợ khổng lồ với ngân hàng, theo đó có tin cho biết suýt chút nữa thì bà Tâm đã phải ‘tra tay vào còng’. Nhưng sau khi trở thành vợ sau của cựu Tổng bí thư Mạnh, vị thế của bà Huyền Tâm đột nhiên ‘mạnh’ hẳn lên. Không những chẳng bị hề hấn gì với vòng tố tụng hay lao lý, công ty của bà Huyền Tâm còn thầu được những công trình BOT đáng giá, từ đó trả hết nợ cho ngân hàng và lại còn dôi ra một khoản tích lũy lớn".
Về phần ông Nông Quốc Tuấn, con trai ông Mạnh và là phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Việt Nam, giới quan sát đánh giá ông này khó có triển vọng được "cơ cấu" lên cao hơn sau khi đã bị loại khỏi Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII.
Ủy ban Dân tộc Việt Nam là cơ quan ngang cấp Bộ của chính phủ cộng sản Việt Nam, có chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc, làm đại diện chủ sở hữu phần vốn của nhà nước tại doanh nghiệp thuộc ủy ban quản lý theo quy định của pháp luật. (T.K.)
******************
Đức bố ráp, bắt 9 người Việt trong cuộc truy quét chống buôn người qua kết hôn giả (VOA, 13/09/2019)
Cảnh sát ở Berlin và 4 bang của Đức vừa đột kích 33 địa điểm được cho là có dính dáng đến hoạt động buôn người và bắt giữ 9 công dân Việt Nam tại đây, AP đưa tin ngày 13/9.
Đức là một trong những điểm đến của hoạt động buôn người từ Việt Nam sang Châu Âu, thông qua ngả Đông Âu.
Theo các công tố viên Berlin, các cuộc đột kích nhắm vào các nghi phạm bị cáo buộc đã dàn xếp các cuộc hôn nhân giả và quan hệ cha con giả để được quyền cư trú tại Đức.
Chín người Việt Nam bị bắt giữ đều không có quyền cư trú phù hợp và cảnh sát đã tịch thu điện thoại di động, tài liệu và tiền mặt của các nghi phạm.
Tin cho hay có khoảng 300 cảnh sát đã tham gia vào các cuộc đột kích ở Berlin, Brandenburg, Sachsen, Mecklenburg-West Pomerania và North Rhine-Westphalia.
Đức là một trong những điểm đến khi bọn tội phạm buôn người từ Việt Nam sang Châu Âu, thông qua ngả Đông Âu.
Giá đưa lậu một người sang Đức dao động từ khoảng 10.000 – 15.000 Euro (11.300 – 17.000 USD), theo đài DW. Trong đa số trường hợp, nạn nhân buôn người và gia đình họ sau đó đều trở thành con nợ của kẻ buôn người và buộc phải làm những công việc phạm pháp ở các quốc gia điểm đến để trả nợ.
Năm ngoái, cảnh sát liên bang Đức cũng đã lùng soát một khu trung tâm Việt Nam là chợ Đồng Xuân, một phần trong chiến lược truy quét lớn của nước này nhắm vào các mạng lưới buôn người thông qua kết hôn giả.
***********************
Nhà nước cộng sản Việt Nam thú nhận ‘tham nhũng tràn lan’ (Người Việt, 12/09/2019)
Trong chín tháng qua, cơ quan điều tra đã khởi tố 214 vụ án tham nhũng với 487 bị can, tăng 56 người so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có nhiều vụ án kinh tế lớn "đã chứng minh được yếu tố tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp" được dư luận quan tâm.
Ông Nguyễn Bắc Son và ông Trương Minh Tuấn, cựu bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông bị khởi tố về tội "nhận hối lộ". (Hình : Lao Động)
Theo báo VNExpress, sáng ngày 12 tháng Chín, 2019, tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cộng sản Việt Nam, trình bày thẩm tra phúc trình của chính phủ về "Công tác phòng chống tham nhũng năm 2019", bà Lê Thị Nga, chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cho biết trước đây một số các vụ án kinh tế lớn mà "dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng" nhưng cơ quan điều tra không chứng minh được nên phải xử theo hướng kinh tế, thì nay nhiều vụ án đã chứng minh được.
Điển hình như vụ hai cựu bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông là Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn, bị khởi tố về tội "nhận hối lộ".
Và vụ bà Nguyễn Thị Kim Anh, phó phòng Phòng chống tham nhũng, Thanh tra Bộ Xây dựng và đồng phạm nhận hối lộ trong quá trình thanh tra tại một số đơn vị của tỉnh Vĩnh Phúc.
Hoặc vụ năm cán bộ thanh tra tỉnh Thanh Hóa nhận hối lộ trong lúc thanh tra một số địa phương của tỉnh Thanh Hóa. Hay như vụ ông Đặng Trường An, phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tân Châu (Tây Ninh) nhận hối lộ…
Tuy nhiên, theo bà Nga tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, "tham nhũng vặt" vẫn chưa bị đẩy lùi. Đặc biệt, khi sự việc phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng lớn "lợi ích nhóm", hay "sân sau" được đẩy mạnh, thì "loại tội phạm này sẽ chuyển sang thủ đoạn đối phó, che giấu dưới các hình thức tinh vi, phức tạp hơn…".
Chẳng hạn, trong lĩnh vực cổ phần hóa, mua bán tài sản công, ở nơi nào có hiện tượng "nhà nước mua đắt, bán rẻ" các tài sản lớn, thì ở đó có dấu hiệu của những vụ tham nhũng lớn. Đa số các vụ án sai phạm lớn về kinh tế trong giai đoạn vừa qua đều có yếu tố vụ lợi với số tiền rất lớn như vụ Công ty Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe Nhìn Toàn Cầu AVG ; vụ liên quan đến khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm ; sai phạm tại Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam…
"Tình trạng này làm giảm niềm tin của người dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật, là vấn đề cần được Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao… đánh giá đúng về thực trạng và có giải pháp khắc phục", bà Nga đề nghị.
Theo báo Tiền Phong, về thu hồi tài sản bị thất thoát do tham nhũng, theo phúc trình của chính phủ, trong giai đoạn điều tra, các cơ quan đã thu hồi được hơn 615 tỷ đồng (26,5 triệu USD) và hơn 11.800 mét vuông đất, kê biên 795 tỷ đồng (34,3 triệu USD).
Ngoài ra, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tích cực yêu cầu và áp dụng nhiều biện pháp tố tụng tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản giá trị trên 10.000 tỷ đồng (431,8 triệu USD).
Trả lời báo chí về việc giải quyết các vụ án tham nhũng lớn bị phanh phui kể trên, ông Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công an, chỉ cho biết "các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ điều tra theo đúng kế hoạch của Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng". (Tr.N)
"Đừng nghe, hãy nhìn" vẫn chạm đến những "nỗi đau" giản dị của người cộng sản.
Trong hệ thống sách lịch sử, người dân Việt Nam sau 1975 đến nay hay đọc và được giảng dạy về những mảnh đời cộng sản giản dị. Nhưng dần dần, khi thông tin bắt đầu đa chiều, và những mảnh khất của đời sống lãnh đạo cộng sản được hé lộ, thì sự… giản dị được hiểu theo định nghĩa rất… cộng sản.
"Đơn sơ và giản dị, nhà sàn… và dinh thự"
Cố Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh mất đi để lại nhiều dư âm dư luận, xấu có, tốt có. Và hẳn nhiên, sự từ trần của ông lại làm nổi lên những bài báo với nội dung phản ánh đời sống, quan điểm của cố Chủ tịch nước, trong đó, đức tính được nhấn mạnh là… sự giản dị (hay cần-kiệm-liêm-chính).
Facebooker Trương Huy San, trong một chia sẻ về cái chết của cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã cho biết, trong bài báo "Cái bắt tay của Chủ tịch nước trong giờ giải lao" có ghi lời của Thiếu tướng Hoàng Kiền, mà theo đó, cố Chủ tịch nước đã từng chia sẻ với ông Kiền rằng, "Tôi sống trong một căn hộ ở đây. Tôi không có biệt thự nào".
Nhưng sự thật, theo ông Trương huy San cho biết, các con của Cố chủ tịch nước Lê Đức Anh từ Bắc chí Nam về nhà cửa không thau kém ai. Bản thân Cố chủ tịch nước cũng có một dinh thự tại Pasteur (Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) và đang tiếp tục ở nhà công vụ số 5A Hoàng Diệu (Thành phố Hà Nội) cho đến khi mất đi.
Căn dinh thự có địa chỉ 240 Pasteur của cố Chủ tịch nước theo thời giá cho thuê trên trang dichvubds.vn là 418 triệu đồng Việt Nam/tháng (tương đương 18.000 đô-la Mỹ-tháng). Nếu so với thu nhập bình quân mà giai cấp công nhân đạt được, theo công bố của Viện Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) vào tháng 7/2018 là 5 triệu đồng Việt Nam/tháng, thì để đạt được ngưỡng 1 tháng của lãnh đạo "giản dị", người công nhân phải làm việc liên tục trong 7 năm trời, không ăn và không mặc.
Và đó mới chỉ là căn dinh thự cho thuê.
Trong khi đó, căn nhà công vụ tại đường Hoàng Diệu được tính hàng trăm tỷ đồng Việt Nam, bởi nơi đây là khu an ninh nhất, xanh và mát nhất của thủ đô Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Nếu Cố chủ tịch nước Lê Đức Anh thực sự "giản dị" thì đáng lý ra, ông phải trả lại nhà công vụ sau thời gian đương nhiệm, ít ra như nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu.
Cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh xứng đáng được hưởng như thế, bởi ông là trải qua ba cuộc chiến, và là "anh hùng trong chiến tranh" ? Có lẽ vậy, hoặc nói trong tư thế của người ở phe thắng trận thì, ta thắng và ta có quyền.
Nhưng "quyền hưởng thụ" thành quả của cuộc chiến không nên trở thành một chỉ dấu cho sự "giản dị", bởi bằng cách đó, nó khiến sự giản dị của người cộng sản hoàn toàn thoát khỏi những từ điển thông thường. Sự "giản dị" của người cộng sản sẽ được định nghĩa bằng việc có hàng ngàn mét vuông đất và con cháu cũng tương tự như thế.
Người cộng sản mà ở tầm lãnh đạo chưa bao giờ nghèo, ít nhất về mặt bằng thu nhập chung của quốc dân, chỉ là họ không biết che giấu khéo léo cái giàu của mình đi. Nhưng cũng như sự "tất yếu của dòng thác cách mạng", thì dòng thác của thông tin sẽ phơi bày các kẻ hở, chân tướng và những câu chuyện "giản dị" nhuốm màu truyền thuyết, hư ảo, làm nên tính chất thánh thần của những nhà lãnh đạo cộng sản. Nó dìm chết những kẻ bồi bút, nô bút tìm cách che giấu sự thật trần trụi về những ông bà hoàng, những lãnh chúa thời hiện đại, và khoác lên vai họ những tấm áo rách giả tạo của dân nghèo.
Sẽ không che giấu được, trừ phi không có. Và câu chuyện của cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh sẽ là bài học cảnh giác của người dân trước những thông tin "ca tụng" người lãnh đạo cộng sản.
Không chỉ lãnh đạo cộng sản thời cuộc chiến, mà cả lãnh đạo thời hòa bình.
"Đừng nghe, hãy nhìn" vẫn chạm đến những "nỗi đau" giản dị của người cộng sản.
Nguyễn Hiền
Nguồn : VNTB, 26/04/2019
Đêm nào cụ Mượt cũng bị Thị Hến lôi vào cuộc vui xác thịt như một cực hình. Thị mới bước qua tuổi ngoài năm mươi rừng rực hồi xuân mà cụ Mượt thì đã xấp xỉ tuổi tám mươi, dù răng chắc, gối bền đến mấy mà phải cứ như máy may suốt đêm, làm sao không cực hình. Hôm sau cụ Mượt xác xơ, phờ phạc như con cú gặp trời mưa, ngồi đâu ngủ gật đấy. Thị Hến bảo gì, cụ Mượt nghe nấy. Tài khoản ngân hàng của cụ Mượt, của chìm của nổi nhà cụ Mượt, bỗng trở thành của Thị Hến.
Thị Hến cựu Đại biểu quốc hội bà Đỗ Thị Huyền Tâm (ảnh VietnamFinance)
Lúc còn quyền lực đầy mình, được đón rước đi khắp nơi trong nước nhưng đầu óc trống rỗng, đến đâu cụ Mượt cũng chỉ có một câu cửa miệng : Trồng cây gì, nuôi con gì. Như câu cửa miệng của cụ Cố Hồng trong kiệt tác Số Đỏ của tài năng văn chương kiệt xuất Vũ Trọng Phụng : Biết rồi ! Khổ lắm ! Nói mãi ! Nay dù hết quyền nhưng vị thế đã có của cụ Mượt vẫn là một thế lực giúp cho Thị Hến trong việc làm ăn của Thị và Thị chủ động đến với cụ Mượt. Cụ Mượt cần cho Thị Hến cũng chỉ là làm con Sam, nuôi con Hến mà thôi.
Dưới sự lãnh đạo của bà Đỗ Thị Huyền Tâm, Minh Tâm Group đến nay đã trở thành một nhóm các doanh nghiệp hàng đầu tỉnh Bắc Ninh, hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực bất động sản, giao thông, giáo dục, kinh doanh khách sạn, sản xuất phân bón, bao bì, thức ăn chăn nuôi… Ảnh Trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ của Minh Tâm Group (VietnamFinance)
Thời thuộc địa, thực dân phong kiến, một tài năng văn chương quí hiếm như Vũ Trọng Phụng. Quí hiếm đến mức Vũ viết chữ nào, các báo phấp phỏng đón chờ chữ nấy đưa vội đến nhà in. Người đọc nóng lòng mong đọc từng kì feuilleton của Vũ đăng trên các báo. Cả đời hì hục, miệt mài viết, viết đến chết trong lao lực mà tác phẩm của tài năng văn chương Vũ Trọng Phụng để lại cho đời chưa đến một gang tay sách,
Cả đời cụ Mượt chỉ nói được câu trống rỗng, mòn cũ trồng cây gì, nuôi con gì. Chưa tính đến những việc ăn tàn phá hại khác, quyền lực đầy mình mà vô tích sự như vậy cũng là làm hại dân, hại nước, cản trở sự phát triển của đất nước. Cuối đời cũng chỉ biết làm con Sam, nuôi con Hến mà cụ Mượt bỗng được nhà xuất bản Cuội, một nhà xuất bản tầm cỡ quốc gia không biết nhặt nhạnh ở đâu những lời mạ vàng của cụ Mượt xuất bản thành trước tác bốn tập sách dày tới hơn hai gang tay.
"Sách này mà bán tìm được người mua còn khó hơn người trúng số đặc biệt".
Đúng là thời rực rỡ với những kẻ như cụ Mượt.
Phạm Đình Trọng
(14/04/2019)
Một nhà đầu tư nhỏ lẻ vừa thoái vốn ?
Câu chuyện sẽ chẳng có gì đáng chú ý, nếu nhà đầu tư đó đúng là nhỏ lẻ, không mang tên Đỗ Thị Huyền Tâm – cựu đại biểu quốc hội và biến thành vợ sau của Nông Đức Mạnh sau khi ông Mạnh trở thành cựu tổng bí thư.
Cựu đại biểu quốc hội Đỗ Thị Huyền Tâm thoái hết vốn khỏi Tập đoàn Minh Tâm – Kim Dung/Kỳ Duyên
Mẩu tin nhỏ nhưng lại gây tính thời sự và nghi ngờ lớn là với tư cách chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Tâm (Minh Tâm Group), bà Đỗ Thị Huyền Tâm vừa thoái hết vốn khỏi doanh nghiệp này.
Tỉ lệ sở hữu của bà Huyền Tâm đã biến sạch từ 81% thành 0%.
Câu chuyện vợ chồng "Lão Răng Chắc"
Minh Tâm Group có tiền thân là công ty trách nhiệm hữu hạn Minh Tâm được thành lập năm 2001, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi. "Dưới sự lãnh đạo của bà Đỗ Thị Huyền Tâm", Minh Tâm Group được mô tả đã trở thành một nhóm các doanh nghiệp hàng đầu tỉnh Bắc Ninh, hoạt động đa ngành trong các lĩnh vực bất động sản, giáo dục, kinh doanh khách sạn, sản xuất phân bón, bao bì, thức ăn chăn nuôi…
Tuy nhiên, trước khi trở thành "thứ phi" của ông Nông Đức Mạnh, bà Đỗ Thị Huyền Tâm đã có lúc lao đao về những món nợ khổng lồ với ngân hàng, theo đó có tin cho biết suýt chút nữa thì bà Tâm đã phải "tra tay vào còng". Nhưng sau khi trở thành vợ sau của cựu tổng bí thư Mạnh, vị thế của bà Huyền Tâm đột nhiên "mạnh" hẳn lên. Không những chẳng bị hề hấn gì với vòng tố tụng hay lao lý, công ty của bà Huyền Tâm còn thầu được những công trình BOT đáng giá, từ đó trả hết nợ cho ngân hàng và lại còn dôi ra một khoản tích lũy lớn.
Trong khi đó, từ thời làm tổng bí thư, Nông Đức Mạnh đã rước lấy nhiều tai tiếng với biệt hiệu "Lão Răng Chắc" – được người đời diễn giải theo tư cách "ăn cú nào chắc cú nấy", cùng thói che đỡ cho nạn tham nhũng trở nên bất diệt. Sau khi đã "về vườn", một trong những tai tiếng nổi bật ghê gớm như thế là khung cảnh phòng khách nhà ông Mạnh không khác gì cung điện thời vua chúa, để rất nhiều người tham gia mạng xã hội thấy không gì thích hợp với sự lên án phẫn uất hơn là lấy luôn hình ảnh cung điện ấy để đối chiếu với cảnh những túp lều rách nát của dân và trẻ nhỏ bần cùng xin ăn, đu dây qua suối dữ ở Việt Nam.
Còn giờ đây, cái gia đình "cung điện" trên lại một lần nữa bị "soi" : vợ sau của cựu tổng bí thư thoái sạch vốn để làm gì ?
"Chuyển đi đâu ?"
Trường hợp thoái vốn của bà Đỗ Thị Huyền Tâm lại khiến nhiều người nhớ lại vụ nữ đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường có quốc tịch ở… Cộng hòa Malta.
Vụ việc trên xảy ra vào tháng Bảy, 2016, ngay trước thời điểm thông qua lần cuối tư cách của gần 500 đại biểu quốc hội. Malta là một quốc gia chỉ rộng có 300 cây số vuông, nằm ở một xó của Châu Âu, tạo ấn tượng nổi bật nhất nhờ vào hai việc : trở thành rổ đựng bóng trong các trận cầu quốc tế, và dễ tránh thuế đánh vào tài sản cá nhân.
Nhưng vấn đề có lẽ không chỉ nằm ở chỗ tư cách đại biểu quốc hội xen kẽ tư cách "công dân Malta" của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, mà từ vụ việc của bà Hường, người dân đã có hẳn một bằng chứng xác thực về chuyện đến cả Đại biểu quốc hội Việt Nam cũng chuẩn bị "ra đi tìm đường cứu nước" như thế nào, thay vì trước đây chỉ nghe đồn đoán về "một bộ phận không nhỏ" đã chuẩn bị nhảy lên máy bay chuồn ra nước ngoài nếu tổ quốc "có biến".
Thật thế, trong những năm gần đây, một số đại gia và quan chức khi gặp nhau trên bàn nhậu thường nháy mắt đầy ngụ ý "Đặt vé chưa ?"
Trước đó là một câu hỏi khác "Có thẻ xanh chưa ?"
Cũng đã từ lâu, trong giới đại gia và quan chức, đặc biệt ở khu vực Hà Nội, đã phổ cập kinh nghiệm cần một khoản chi phí 500.000 USD để được nhập tịch Canada. Ngay trước Đại Hội XII của đảng cầm quyền vào năm 2016, một đơn thư gửi đến Bộ Chính Trị đã tố cáo bà Nguyễn Thị Thanh Phượng, con gái thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng, có quốc tịch Mỹ…
Dù chẳng ai dám nói trắng ra, nhưng nhiều quan chức và thương gia đều ngầm hiểu với nhau là việc có thêm một quốc tịch nước ngoài mà do đó vi phạm luật Việt Nam là "chẳng có gì xấu trong tình hình hiện nay". Mà tình hình hiện nay lại là một núi lửa đang chực chờ phun trào, bao gồm những biến động chính trị nội bộ không thể lường trước, làn sóng phản kháng xã hội của các tầng lớp nhân dân ngày càng dữ dội, trong đó phải kể đến tâm lý "hồi tố tài sản tham nhũng" và sự trả thù của người dân một khi chế độ không còn nằm trong tay lớp quan lại nhũng nhiễu.
Có người kể lại một câu chuyện mới đây. Trong một buổi sinh hoạt chi bộ, có ba nhân vật – một cựu ủy viên trung ương đảng, một cựu quan chức công an, một cựu quan chức quân đội. Cả ba người này chẳng đoái hoài gì đến nghị quyết đảng được đọc bởi bí thư chi bộ, mà chỉ sôi nổi hỏi thăm nhau về chuyện "đã chuyển chưa" và còn tận tình hướng dẫn nhau "chuyển đi đâu" : bây giờ chuyển ngoại tệ vào nhà băng Thụy Sĩ không còn an toàn nữa vì Thụy Sĩ vừa thông báo sẽ bạch hóa danh sách khách hàng gửi tiền theo một thỏa thuận mà nước này ký với Mỹ ; mà gửi đi Mỹ cũng chẳng còn an toàn vì chính sách của Trump thay đổi khó lường ; do vậy chỉ còn cách gửi ngoại tệ tại những nước còn an toàn như Canada, Úc, New Zealand…
Trong buổi sinh hoạt chi bộ trên, một quan chức đương nhiệm còn khoe rằng vừa "tống" được hai chục mẫu đất ở khu vục sân bay Long Thành, Đồng Nai, cũng vừa thu xếp cho vợ và ba con cư trú ổn thỏa ở Anh, còn ông này thì chỉ chờ ngày "lên đường".
Nghe thế mới biết sự đời đảo điên đến đến thế nào. Chẳng khác gì việc các quan tham Trung Quốc chuyển tài sản cho các thành viên trong gia đình mang ra nước ngoài và họ không giữ gì trong tay. sau khi gia đình định cư an toàn ở nước ngoài những quan tham này mới lên kế hoạch thoát thân.
Trước đây, những điểm đến hàng đầu cho các dòng tiền Trung Quốc chảy ra nước ngoài phi pháp là Mỹ, Châu Âu, Australia, Canada… Tại Mỹ, Los Angeles là điểm đến ưa thích nhất của các quan tham Trung Quốc. Còn vào lúc này thì lại là những cái tên quốc gia mới hơn và lạ hơn…
"Anh ả ra đi tìm đường cứu nước"
Mặc dù từ lâu đã có nhiều dư luận về hiện tượng các quan chức Việt âm thầm tẩu tán tài sản ra nước ngoài, nhưng chỉ đến năm 2016 lần đầu tiên mới bật ra thông tin theo một cách "chẳng giống ai" : sự rò rỉ bất ngờ và sau đó là tiết lộ của vụ Hồ sơ Panama đã lôi ra ánh sáng việc Việt Nam có tới 189 cá nhân và tổ chức với 19 công ty vỏ bọc được thành lập ở nước ngoài, chủ yếu là tại các "thiên đường trốn thuế". Tổng cộng có đến 92 tỷ USD được chuyển phi pháp từ Việt Nam ra nước ngoài trong những năm qua.
Sau khi đã có "vé", đến một thời điểm nào đó lớp quan chức "ăn của dân không chừa thứ gì" sẽ nhảy lên máy bay để "chuồn", bỏ lại một đất Việt cạn kiệt tài nguyên, khủng hoảng chính trị và xã hội tan hoang.
Còn về trường hợp "cặp đôi hoàn hảo", dư luận xã hội đang rất nghi ngờ về động tác thoái sạch vốn của bà Đỗ Thị Huyền Tâm – "thứ phi" của cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh – liệu có phải là một bước chuẩn bị để "anh ả ra đi tìm đường cứu nước" trong tương lai gần, bỏ lại đất nước "con cháu Bác Hồ" tan hoang và khánh kiệt.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 24/09/2017
*****************
Cung điện nguy nga tráng lệ của cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh
Tổ ấm của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và bà vợ bé Đại biểu quốc hội Đỗ Thị Huyền Tâm
Nguồn : Việt Mỹ Thời Báo, 29/03/2017