Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nhiều nữ công nhân may của Việt Nam bị lạm dụng tình dục và chịu bạo lực

Một nghiên cứu mới công bố của tổ chức Fair Wear Foundation và Care International mới đây cho biết nhiều nữ công nhân ngành may của Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với tình trạng bị lạm dụng và bạo lực, thậm chí bị hãm hiếp.

may1

Hình minh hoạ. Hình chụp hôm 20/10/2015 : các nữ công nhân may ở nhà máy may 10, ngoại thành Hà Nội  AFP

Nghiên cứu được thực hiện dựa trên phỏng vấn của 763 phụ nữ ở các nhà máy tại 3 tỉnh của Việt Nam. Trong đó có đến hơn 43% phụ nữ được hỏi cho biết họ thường phải đối mặt với tình trạng bạo lực và lạm dụng.

Những hình thức lạm dụng cụ thể được nghiên cứu đưa ra bao gồm : sàm sỡ, tát, hãm hiếp, doạ cắt hợp đồng. Bà Jane Pillinger, chuyên gia về bạo lực giới và tác giả của nghiên cứu được The Guardian trích lời cho biết kết quả này đã cho thấy điều kiện làm việc mà những nữ công nhân ngành may của Việt Nam đang phải đối mặt tại các nhà máy nơi có khoảng 20.000 công nhân làm việc.

Bà Annabel Meurs, phụ trách khu vực Việt Nam của Fair Wear Foundation cho biết đây là nghiên cứu đầu tiên tìm hiểu về tình trạng bạo lực và lạm dụng tình dục ở các nhà máy may ở Việt Nam, bao gồm cả việc làm thêm giờ quá mức, lương thấp, thời gian làm việc kéo dài và khoán sản phẩm quá mức do các nhãn hàng lớn áp đặt.

The Guardian trích lời bà Pillinger cho biết, tên của các nhà máy, nhãn hàng mà các nhà máy này nhận may gia công được giữ bí mật để khuyến khích các nữ công nhân mạnh dạn tham gia nghiên cứu, nhưng có khả năng lớn các nhà máy này có liên quan đến các nhãn hàng lớn của Mỹ và EU.

Hiện có khoảng 2 triệu người làm việc trong khu vực may mặc của Việt Nam, với 80% trong số này là phụ nữ. Nghiên cứu mới cho biết có đến gần 90% số phụ nữ được hỏi cho biết họ phải nghe những lời nói có tính sỉ nhục trong năm qua, bao gồm những nhận xét không hay về cơ thể họ hay người nào đó, các lời nói đùa về tình dục hoặc cả các hành động sách nhiễu. Hơn 49% người được hỏi cho biết họ gặp tình trạng bạo lực, sách nhiễu khi đi làm hoặc từ chỗ làm về. Khoảng 34% cho biết họ bị các hành động lạm dụng như hôn hít, sờ mó, đánh đập, đấm.

Những người được hỏi cũng cho biết họ phải làm việc quá thời gian thường xuyên. Có đến hơn một nửa số phụ nữ được hỏi cho biết họ phải làm việc quá 60 tiếng trong tháng qua, nhiều người cho biết họ không được trả tiền cho thời gian làm quá giờ.

Những người phụ nữ cũng được phỏng vấn cũng cho biết họ chịu sức ép môi trường làm việc rất lớn, không dám đi vệ sinh.

Dệt may là một trong những ngành xuất khẩu chính của Việt Nam. Năm 2018, ngành nay đạt doanh thu xuất khẩu là 36 tỷ đô la. Mỹ hiện là thị trường lớn nhất của dệt may Việt Nam với 40% kim ngạch xuất khẩu ngành này là vào thị trường Mỹ, theo báo cáo ngành dệt may của Công ty chứng khoán quốc tế năm 2018. Phần lớn các sản phẩm may mặc của Việt Nam là hàng gia công cho các nhãn hiệu nước ngoài.

Published in Việt Nam

"Tiền lương không đủ sống và hệ lụy" là chủ đề buổi tọa đàm của tổ chức Oxfam Việt Nam cuối tháng Hai vừa qua , trình bày thông tin và cái nhìn toàn cảnh về cuộc sống lay lắt kẹt trong đói nghèo của công nhân ngành may bao lâu nay.

may1

Một công nhân đang làm việc tại một xưởng may quần áo, ngoại thành Hà Nội, 2013. AFP

Để thực hiện việc này, Oxfam đã phối hợp với Viện Công nhân và Công đoàn, phỏng vấn hơn 80 công nhân tại các nhà máy thuộc 4 vùng lương cùng với 6 cuộc thảo luận nhóm tại các hãng xưởng may.

Tại buổi tọa đàm, bà Phạm Thu Lan, viện phó Viện Công nhân và Công đoàn, cho biết mức lương tối thiểu theo qui định của Việt Nam thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để trang trải chi phí cho những nhu cầu cơ bản như nhà ở, chăm sóc sức khỏe và giáo dục.

Vẫn theo lời bà, số liệu khảo sát cho thấy 66% công nhân không đủ tiền trang trải nhu cầu sinh hoạt, 31% không thể dành dụm được gì từ tiền lương, 37% luôn trong tình trạng vay mượn nợ nần, còn 28% cho hay tiền lương rẻ không bảo đảm chi tiêu ăn uống cho gia đình trong tháng.

Bà Nụ, một cư dân ở khu công nghiệp Tân Hương tỉnh Tiền Giang, đang làm việc trong một công ty may mặc tại đó :

May giày da, túi xách da, may áo quần. Lương rất thấp, trung bình 4 triệu mấy tới 5 triệu, tăng ca thì tính một tiếng đồng hồ 25.000 ngàn. Cuộc sống của công nhân nếu hai vợ chồng thì đủ còn nếu có con thì không đủ, tiền nhà trọ hết một triệu, rồi cơm nhà mang theo vì cơm công ty chất lượng không bảo đảm vệ sinh, thành thử 15.000 một bữa ăn, làm 7 giờ rưỡi sáng tới 5 giờ chiều, còn nếu tăng ca thì được 6 triệu mà làm tới 7 giờ tối. Nếu tăng ca thường xuyên thì được 7 triệu mấy, nhưng phải tăng đều, ngày nào cũng tăng mới được 7 triệu mấy, cuộc sống không có ổn định.

Chị Hoa, làm trong bộ phận may của công ty Pouchen do người Đài Loan làm chủ ở Biên Hòa, Đồng Nai, có mức lương cơ bản trên 6 triệu Đồng một tháng :

Tám năm rồi thì lương cơ bản là 6 triệu 211 ngàn, còn những người làm mới 4 hay 5 năm thì lương cơ bản của họ thấp hơn, tầm 5 triệu mấy tới 6 triệu. Mình có nhà và không có gia đình thì cũng tạm đủ, còn lương cơ bản mà không có nhà thì không đủ đâu. Một năm công ty lên có 600.000 thì tiền bảo hiểm xã hội lên, bảo hiểm y tế cũng lên, tiền công đoàn năm nay cũng lên, 10.000 lên 15.000, tính ra công nhân đâu còn lại bao nhiêu.

may2

20.000 công nhân công ty Pouchen tiếp tục đình công hôm 26/2/2016. Courtesy LD

Theo chị Hoa thì đa số công nhân ngành may là phụ nữ, ngoài công ty Pouchen còn có những xưởng may lớn khác nữa :

Công ty may Đồng Tiến cũng có, công ty may Đồng Nai cũng có, mấy công ty may mặc đó hình như tăng ca nhiều. Rất nhiều công nhân họ nói ở Biên Hòa, Đồng Nai mức lương của Pouchen so với các công ty khác cũng hơi ổn định chứ nhiều công ty khác lương bổng thấp, tiền tăng ca hay phúc lợi thấy cũng không có được thỏa đáng nữa. Chủ yếu những khu vực như bên Dĩ An có những công ty may của Trung Quốc thì mức lương thấp hơn bên này nhiều mà tăng ca cũng nhiều nữa, nghe nói một ngày ba bốn tiếng.

Mức lương cơ bản thấp trong ngành may ở các tỉnh phía Nam đặc biệt đã gây khó khăn hơn cho công nhân nhập cư so với công nhân ngay địa phương mình. Đó cũng là xác nhận của chị công nhân tên Hoa ở Đồng Nai :

Cực chứ, công nhân không có nhà hay ở ngoài Bắc mà vô đây làm thì phải nói là tiết kiệm tối đa mới có tiền muôi con hay lo lắng cho gia đình. Như bây giờ hai vợ chồng và hai đưa con, lương hai vợ chồng cộng lại mười mấy triệu mà hai đứa con tiền học, tiền trọ tiền ăn uống này kia cộng lại rốt cuộc còn bao nhiêu đâu.

Trường hợp chị Lan, từ 2012 đã làm trong công ty may Sao Vàng của chủ Đài Loan tại huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, thì cuộc sống không đến nỗi dù cũng mức lương cơ bản năm sáu triệu :

Công ty này khoảng từ 5 đến 6 nghìn người, nếu không tăng ca thì lương cơ bản là 5 triệu 170 nghìn chưa tính phụ cấp tất tần tật vào lương cơ bản. Nói chung ở quê mức độ ấy cũng bình thường, còn nếu ở phố thì không đủ được. Tăng ca thì như bây giờ mỗi ngày tăng ca một tiếng. Ở quê nói chung giá cả nó cũng rẻ, rau quả thì mình trồng mình ăn. Hiện tại công ty này có đóng bảo hiểm và có chế độ đầy đủ hết, nó cao hơn nhất trong các công ty nhỏ ở huyện Quỳnh Phụ này. Hầu như được tuyển vào thì họ ở đấy họ làm luôn, lứa như chị toàn đi công ty này hết.

Theo nhận định của Oxfam Việt Nam, ngay cả mức lương mà hầu hết công nhân may kiếm được tuy có cao hơn mức lương tối thiểu quốc gia nhưng cũng chưa bằng mức được coi là đủ sống.

Số liệu từ Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy hiện tại mức lương tối thiểu trung bình quốc gia tại Việt Nam là 3 triệu 340 ngàn đồng, tính ra chỉ bằng 37% mức lương của sàn lương Châu Á và bằng khoảng 64% mức lương do tổ chức Liên minh Lương đủ sống toàn cầu tính cho Việt Nam.

Hệ lụy của mức lương không đủ sống thì khảo sát của Oxfam chỉ nhắm vào cảnh nghèo đói, nhưng theo một nhà báo trong nước không muốn nêu tên thì ngoài nghèo đói có những hệ lụy khác nữa mà đối tương bị tác động là lao động nhập cư phái nữ ;

Về mặt cơ bản thì Luật của Việt Nam đưa ra một mức lương tối thiểu, họ không làm sai luật đâu, mức lương tối thiểu thực ra rất thấp. Người công nhân không hình dung ra được các vấn đề đâu, người ta làm cật lực, mỗi tháng bốn năm triệu với khoảng 12 tiếng lao động trong một ngày, kể cả 8 tiếng thì cũng không đáng bao nhiêu cả. Câu chuyện ở đây là các nữ công nhân sống không nổi rồi bị tha hương bị rơi vào tệ nạn xã hội các thứ là có thật. Mình cũng có nhiều người quen là phóng viên trong cùng nghề thì họ cũng phản ánh đa phần khá đúng về những chuyện đấy.

Trở lại với buổi tọa đàm của Oxfam Việt Nam tháng trước, phó giám đốc Oxfam tại Việt Nam là bà Nguyễn Thị Lê Hoa cho biết trong số những cuộc đình công xảy ra từ 1995 đến nay thì gần 40% vụ nằm trong ngành may với lý do chính là tiền lương thấp.

Tuy nhiên có điều nghịch lý, vẫn lời bà Nguyễn Thị Lê Hoa, mặc dù phải làm việc nhiều giờ và phải vật lộn với đồng lương không đủ sống, chừng như đa số công nhân ngành may vẫn bày tỏ sự an phận là ít nhất mình còn có việc làm để có đồng lương nhất định so với các lãnh vực khác.

Được hỏi về điều này, chị Nụ ở công ty may tại Tiền Giang nói vắn tắt :

Cũng có đòi tăng lương nhưng ai đòi thì nó kiếm chuyện nó cho nghĩ, bởi vậy không ai dám nói nữa.

Chị Hoa thuộc công ty Pouchen ở Đồng Nai trả lời rõ hơn :

Công nhân đa số không nắm Luật Lao Động, cũng không quan tâm nữa. Có nghĩa họ làm thì họ thấy mỗi ngày kiếm được 3 bữa cơm và có tiền cho gia đình vậy là đủ, họ không quan tâm tới phúc lợi như vậy có thỏa đáng hay chưa, ít người quan tâm lắm.

Nguồn tin từ trong nước cho hay 2 ngày sau buổi tọa đàm với chủ đề Lương không đủ sống và hệ lụy do Oxfam Việt Nam tổ chức, tại Nghệ An hơn 1500 công nhân may mặc thuộc công ty Haivina Kim Liên cũng quyết định ngưng cuộc đình công kéo dài trong 2 ngày 26 và 27 tháng Hai.

Đây là công ty may mặc có 3.000 công nhân, lý do bãi công là vì kiến nghị trước đó đòi tăng lương cơ bản đồng thời yêu cầu chủ đáp ứng những chế độ về quyền lợi, không được bắt thợ ở lại làm thêm khi đã hết giờ làm vân vân… đã không được tập trung giải quyết thỏa đáng.

Đến ngày 28 cuộc nghỉ việc tập thể ở công ty may Haivina Kim Liên kết thúc vì những vấn đề tranh cãi từ phía công nhân đã được chủ thỏa thuận.

Theo khuyến nghị của Oxfam Việt Nam, cần bảo đảm quyền lợi cơ bản trong chuỗi cung ứng , bảo đảm trách nhiệm trả mức lương đủ sống, phải xây dựng, công bố, giám sát và thực hiện lộ trình về mức lương đủ sống cho công nhân.

Về phía các doanh nghiệp may trong nước, phải có sự phối hợp giữa các bên liên quan về mức lương đủ sống, cần minh bạch về đơn hàng và đơn giá tiền lương cũng như định mức lao động phú hợp.

Về phần chính phủ, cần thiết phải nâng mức lương tối thiểu hiện tại lên mức đủ sống, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi hơn hầu có thể trao quyền cho công đoàn nhằm thực hiện thương lượng tập thể về lương bổng cũng như điều kiện làm việc.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 06/03/2019

Published in Diễn đàn