Nhưng giải pháp "Hai Quốc gia" sẽ chỉ được bắt đầu thảo luận khi cuộc chiến Gaza kết thúc.
Người Palestine di tản khỏi miền Bắc Gaza, 12/11/2023.
Trước các cuộc biểu tình chống cả Israel và Mỹ khắp thế giới ; nhất là tại thế giới Hồi Giáo, kể cả các nước Á Rập vốn là đồng minh, chính phủ Mỹ đã đáp ứng. Tổng thống Joe Biden và Ngoại trưởng Antony Blinken kêu gọi Israel hãy ngưng bắn tạm một thời gian để cho thường dân Palestine di tản. Các nhà ngoại giao trong Nhóm G-7 họp ở Tokyo nhắc lại đề nghị này. Quân đội Israel đồng ý ngưng bắn 4 giờ mỗi ngày ở chiến trường phía Bắc giải Gaza. Nhưng làn sóng chống Mỹ chỉ nguội bớt khi nào một quốc gia Palestine ra đời, song song với Israel.
Ngày Thứ tư, ông Blinken nhắc lại ý kiến bác bỏ chủ trương của Israel muốn trở lại chiếm đóng dài hạn dải Gaza như trước năm 2005, và ý định thúc đẩy dân Palestine trong giải Gaza chạy về phía Nam để, sau cùng, xua đuổi họ qua tị nạn bên Egypt. Ông Blinken nói ở Tokyo, sau khi cuộc chiến Gaza chấm dứt phải có "một chính quyền của người Palestine. "Sau đó họ sẽ "kết hợp Chính quyền Palestine" đang cai trị vùng Tây Ngạn. "Chúng tôi nói rất rõ ràng, không chấp nhận Israel tái chiếm đóng (Gaza) ; cũng nói rõ ràng, không được bắt dân Palestine phải di tản (vĩnh viễn)".
Chính phủ Israel không tỏ ra một dấu hiệu nào là họ ủng hộ "Giải pháp Hai quốc gia" đang được Mỹ nhắc lại. Ngày Thứ hai, Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói rằng, sau khi tiêu diệt được lực lượng Hamas, quân Israel sẽ kiểm soát vùng Gaza trong một thời gian vô giới hạn.
Nhưng chiếm đóng vô thời hạn bằng cách nào ? Nước Israel sẽ tốn người, tốn của không biết bao giờ ngừng ! Theo báoTimes of Israel dùng tài liệu của Sở Thống Kê chính thức, dân số Israel năm 2021 có 9,5 triệu, kể cả gần một triệu người chiếm đất lập trại định cư trong vùng Tây Ngạn. Chỉ có gần 7 triệu (74%) là người gốc Do Thái ; gần 2 triệu (21%) gốc Á Rập, và gần nửa triệu thuộc các sắc dân khác. Thống kê của Chính quyền Palestine cho biết có hơn ba triệu dân sống ở Tây Ngạn, hơn hai triệu ở giải Gaza.
Netanyahu nghĩ rằng bảy triệu người gốc Do Thái có thể kiểm soát cuộc sống của hơn năm triệu người Palestine trong "thời gian vô hạn !" Năm triệu dân bị trị sẽ phải theo luật lệ do chính phủ Israel đặt ra, các quyền tự do hội họp, tự do phát biểu bị kiềm chế gắt gao để ngăn ngừa những vụ "intafada" (nổi dậy), không được tự do đi ra nước ngoài, mà vẫn phải đóng thuế cho chính phủ Israel, trong lúc những người Israel gốc Do Thái được quyền tự do lập các làng định cư mới, lấn chiếm đất đai của tổ tiên người Palestine.
Các chính phủ Israel đã thi hành chủ trương này từ năm 1967, trong giải Gaza và vùng Tây Ngạn, sau khi khởi chiến và đánh bại quân đội các nước Á Rập, Syria, Jordan và Egypt trong "Cuộc chiến 6 Ngày" (5 đến 10 tháng 6). Từ năm đó, dân Palestine không ngừng nổi dậy, tổ chức những những vụ khủng bố, ám sát. Đó là những chiến thuật của các dân tộc bị thống trị, kể cả dân Do Thái trước khi lập quốc. Trong những năm 1945–46, Menachem Begin, sau này làm thủ tướng Israel, đã chỉ huy đội quân Irgun của ông tấn công vào các cơ sở của chính quyền Anh đang quản trị vùng Palestine. Họ đặt bom phá Khách sạn King David, giết chết 91 người, có người Anh, người Á Rập và người Do Thái. Sau khi Liên Hiệp Quốc quyết nghị lập hai nước cho người Do Thái và người Á Rập ở Palestine, ngày 9 tháng 4 năm 1948 quân Irgun và nhóm Lehi đã tấn công làngDeir Yassin giết chết hàng trăm dân Á Rập.
Chính phủ Mỹ không thể nào can thiệp vào nội tình chính trị Israel để tiến hành "Giải pháp Hai Quốc gia" mà họ vẫn cổ động. Khi nào còn làm thủ tướng thì ông Netanyahu sẽ không chấp nhận. Ông Biden đã dùng một "tín hiệu" nhẹ nhàng. Trong chuyến đi Israel vừa qua, ông đã đề nghị Netanyahu cho biết ông sẽ làm gì khi chuyển giao quyền hành cho người kế nhiệm – mà không nói việc đó sẽ diễn ra trong thời gian chiến tranh còn tiếp diễn hay đã chấm dứt.
Ông Biden dám nói điều này vì biết địa vị của ông Netanyahu đang yếu. Các chính sách của ông phần lớn đã thất bại. Dân Israel bất mãn vì lực lượng quân sự và tình báo không đoán trước được cuộc đột kích của quân Hamas. Ngày 29 tháng 10, ông Netanyahu đã viết trên mạng xã hội, phê phán các cấp chỉ huy các cơ quan tình báo và quân đội, đổ cho họ tội sơ suất này, trong lúc quân Israel bắt đầu tiến vào giải Gaza. Không có người lãnh đạo một quốc gia đang lâm chiến nào lại công khai hạ thấp giá trị của lực lượng bảo vệ nước mình như vậy ! Netanyahu đã phải xóa bỏ lời kết án và xin lỗi ; nhưng dân Israel sẽ không quên. Và họ cũng nhìn thấy các chủ trương sai lầm của ông thủ tướng nhiều lần trước đó.
Đầu năm nay, Netanyahu đưa ra một dự luật nhằm cắt bớt quyền hành của ngành tư pháp. Ông muốn cho Quốc hội quyền truất phế các thẩm phán Tối cao Pháp viện – để phe đa số thuộc chính phủ của ông tăng thêm quyền lực. Hầu hết giới lãnh đạo quân đội và các cơ quan tình báo phản đối dự luật này. Hàng trăm ngàn quân nhân trừ bị đã xuống đường, cảnh cáo nếu dự luật đó được thông qua họ sẽ từ chối không trình diện khi đến hạn được gọi nhập ngũ. Netanyahu phải rút bỏ ý định trên, nhưng đã tạo mối hiềm nghi, xung khắc giữa chính phủ và quân đội. Nhiều tướng lãnh đã kết tội Netanyahu chia rẽ quốc gia trong khi đang bị các lực lượng thù nghịch đe dọa.
Không đủ số ghế trong cuộc bầu cử năm ngoái, Netanyahu phải thoả hiệp với thủ lãnh các đảng chính trị bảo thủ, cực đoan với chủ trương đề cao chủng tộc, để tiếp tục làm thủ tướng với một chính phủ liên hiệp. Ông chấp thuận các chính sách trợ cấp cho các "trường đạo" của các giáo sĩ, những trường này chỉ lo dạy giáo lý, kinh kệ, không cần dạy toán và khoa học. Ông cũng trợ cấp cho người gốc Do Thái đi lập các làng định cư trong vùng đất chiếm đóng ở Tây Ngạn. Đám dân định cư này cũng thuộc phành phần cực đoan, quá khích nhất ; họ đã tấn công, giết nhiều người Palestine ở các làng chung quanh.
Netanyahu muốn chứng minh cho thế giới, nhất là chính phủ Mỹ, thấy rằng không thể đối thoại với thủ lãnh Mahmoud Abbas của dân Palestine vì ông ta quá yếu kém. Ông nâng đỡ nhóm Hamas ở giải Gaza để giảm bớt uy tín của Chính quyền Palestine ở vùng Tây Ngạn. Abbas theo chủ trương ôn hòa nên cũng không được dân Palestine trong vùng Tây Ngạn ủng hộ ; và bị dân trong giải Gaza còn coi thường hơn nữa.
Đây là một thủ đoạn của ông Netanyahu để bác bỏ chủ trương "Hai Quốc gia" vẫn được chính phủ Mỹ cổ động và các người lãnh đạo Israel trước đây đồng ý.
Các ông Joe Biden và Antony Blinken sẽ phải vượt qua các chướng ngại do ông Netanyahu bày. Ông Blinken đã đi một vòng các nước Á Rập đồng minh để cam kết ủng hộ việc thành lập một nước Palestine. Các nước này trước đây coi đó là một điều kiện để họ công nhận nước Israel, nhưng lâu nay đã quên lãng. Nhưng bây giờ, sau khi dân chúng biểu tình khắp nơi, họ sẽ lập lại đòi hỏi này một cách mạnh mẽ hơn.
Nhưng giải pháp "Hai Quốc gia" sẽ chỉ được bắt đầu thảo luận khi cuộc chiến Gaza kết thúc. Chính phủ Mỹ và các nước trong nhóm G-7, đa số vẫn hỗ trợ Israel, có thể ủng hộ giải pháp lập một đạo quân quốc tế do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, đến giải Gaza giữ an ninh, trật tự thay thế quân Israel. Đạo quân này sẽ lập ra một guồng máy hành chánh lâm thời. Ông Mahmoud Abbas sẽ được mời cử người tham dự vào guồng máy nhà nước này. Hiện nay chính quyền Abbas vẫn "trả lương" cho khoảng 40,000 công chức ở Gaza dù không phải làm việc. Sau khi đắc cử năm 2005, đảng Hamas đã sa thải họ, tuyển mộ các viên chức hành chánh mới.
Sau một thời gian, chính quyền lâm thời có thể tổ chức bầu cử cho dân Palestine ở cả dải Gaza và vùng Tây Ngạn chọn người đại diện cho họ, thành lập một chính phủ mới, làm nền móng cho một nước Palestine độc lập, có chủ quyền, cai quản 5 triệu dân Palestine. Từ nay đến đó phải mất nhiều năm, ông Abbas, năm nay 87 tuổi, có thể không còn sống nữa.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 13/11/2023
Biểu tình ủng hộ Palestine ở London có phải là biểu tình cho hòa bình không ?
Hải Di Nguyễn, Diễn Đàn Thế Kỷ, 11/11/2023
Liên tục sáu cuối tuần vừa qua, ở London, Anh Quốc liên tục có biểu tình ủng hộ Palestine (hay nói đúng hơn, chống Israel), ngay cả thứ Bảy 11/11, Armistice Day hay Remembrance Day (ngày đình chiến Thế chiến thứ Nhất, hay còn là ngày tưởng niệm những người đã ngã xuống trong cuộc chiến). Ngoài ra cũng có các đợt biểu tình lẻ tẻ giữa tuần, như "chiếm đóng" các trạm metro, xe lửa như Charing Cross, Waterloo, hay London Victoria.
Báo chí tiếng Anh thường dùng từ "peace march" (diễu hành hòa bình), nhưng thật ra đây có phải là biểu tình cho hòa bình không ?
Thứ nhất, vụ biểu tình ủng hộ Palestine đầu tiên diễn ra ngay sau vụ thảm sát ngày 7/10 và trước khi Israel đáp trả.[i] Ngay sau vụ thảm sát người Do Thái kinh khủng nhất từ sau Holocaust, ngay sau khi 1.400 người bị giết chết dã man ở Israel, ngay sau khi Hamas tung lên mạng những hình ảnh đẫm máu của vụ khủng bố và tuyên bố đang giữ 250 con tin.
Một trong những vụ tai tiếng của truyền thông Anh trong thời gian qua là khi ITV phỏng vấn Latifa Abouchakra, một phụ nữ người Palestine, về vấn đề phân biệt người Hồi giáo. Sau đó bị khui ra Latifa Abouchakra không chỉ làm việc cho Press TV, công cụ tuyên truyền cho nhà nước Iran bị cấm ở Anh Quốc, mà còn quay video mừng rỡ sung sướng ngay sau vụ khủng bố ngày 7/10, gọi đó là "khoảnh khắc chiến thắng".[ii]
Thứ hai, đâu là biểu ngữ kêu gọi Hamas thả con tin, nếu người biểu tình thực sự muốn chấm dứt chiến tranh ở Gaza ? Đâu là biểu ngữ kêu gọi Hamas ngừng chiến và ngưng tấn công Israel, hay dòng chữ "ceasefire now" chỉ dành cho Israel, sau khi Hamas giết 1.400 người trên lãnh thổ Israel, cưỡng hiếp phụ nữ, đốt chết hoặc chặt đầu trẻ con, tra tấn nạn nhân trước mặt gia đình, rồi "khoe thành tích" trên internet ? Đâu là biểu ngữ kêu gọi LHQ và các nước phương Tây tạo áp lực để Hamas trao trả con tin và ngừng bắn, hay người biểu tình chỉ muốn áp lực để các nước Anh, Mỹ ngừng ủng hộ Israel ?
Cũng như phong trào phản chiến trước đây khăng khăng đòi Mỹ rút khỏi Việt Nam, nhưng chẳng quan tâm khi Bắc Việt tiếp tục đánh Nam Việt ?
Thứ ba, khi Campaign Against Antisemitism phỏng vấn một số người ở London biểu tình chống Israel, người thì gọi Hamas là "chiến binh tự do", người thì nói "Hamas không phải là khủng bố, Mỹ mới là khủng bố, Israel là khủng bố", người thì gọi vụ thảm sát ngày 7/10 là "tia sáng hy vọng".[iii]
Ngoài ra cũng có những người thẳng thừng ủng hộ Hamas, như hai phụ nữ ở London dán hình dù lượn, gợi tới hình ảnh khủng bố Hamas dùng dù lượn bay vào Be’eri và thảm sát người Israel.[iv] Cũng trong ngày 11/11 vừa qua, Armistice Day của Anh, tại London có một số người đeo băng buộc đầu kiểu Hamas.[v]
Ủng hộ khủng bố trên chính đường phố London.
Thứ tư, những người bênh vực thường nói ủng hộ Palestine không có nghĩa là ủng hộ Hamas, và tôi cũng tin rằng nhiều người xuống đường để kêu gọi ngừng chiến và muốn chấm dứt đau thương giết chóc ở Gaza. Nhưng đâu là những cuộc biểu tình ủng hộ Palestine nhưng chống Hamas ? Đâu là biểu ngữ phản đối Hamas, tách bạch bọn khủng bố và người dân Palestine ?
Tôi đã nhìn thấy một số người Do Thái đi chung với người ủng hộ Palestine, tôi đã nhìn thấy một số người Do Thái phản đối Israel và Netanyahu, tôi đã nhìn thấy một số người Do Thái với dòng chữ "not in our name" và kêu gọi ngừng chiến. Nhưng đâu là những người Palestine với dòng chữ "not in our name" ?
Trên thực tế, khi Sherwin Savadkoohi, một người Iran bất đồng chính kiến, mang biểu ngữ chống Hamas lại hai lần bị phía ủng hộ Palestine xô đẩy, tấn công.[vi]
Thứ năm, đây có phải là biểu tình cho hòa bình không, khi nhiều người hô hoặc cầm biểu ngữ "from the river to the sea, Palestine will be free", tức kêu gọi xóa sổ nhà nước Israel ?[vii] Đây có phải là biểu tình cho hòa bình không, khi một số người cầm dòng chữ "please keep the world clean" với hình vẽ người quăng ngôi sao David vào thùng rác ?[viii]
Đây có phải là biểu tình cho hòa bình không, khi có những dòng chữ nhắc tới thuyết âm mưu cho rằng người Do Thái kiểm soát truyền thông và khống chế toàn thế giới ?[ix]
Đây có phải là biểu tình cho hòa bình không, khi có người kêu gọi jihad từ quân đội các nước Hồi giáo ?[x] Đây có phải là biểu tình cho hòa bình không, khi nhiều người biểu tình kêu gọi nổi dậy, kêu gọi intifada ?[xi] Đây có phải là biểu tình cho hòa bình không, khi có người giương cờ jihad và cầu Allah nguyền rủa người ngoại đạo, nguyền rủa người Do Thái ?[xii]
Đây có phải là biểu tình cho hòa bình không, khi có câu hô hào "Khayber Khayber ya yahud jaish al Mohammed Sa’ar Yaud", nhắc tới vụ thảm sát người Do Thái ở Khaybar, Ả Rập vào thế kỷ VII, và không chỉ một lần ?[xiii] Đây có phải là biểu tình cho hòa bình không, khi một phụ nữ hét lên "death to all the Jews" tại ngay trạm xe lửa London Victoria và không ai phản ứng ?[xiv]
Thứ sáu, một số người nói, không phải ai tham gia biểu tình chống Israel cũng ủng hộ Hamas hay bài Do Thái. Nhưng ngày 11/11 vừa qua đã là tuần thứ sáu : tại sao họ vẫn tiếp tục sánh vai với những kẻ ca tụng Hamas, những kẻ muốn xóa sổ Israel và giết hết người Do Thái ?
Tại sao họ vẫn tham gia, khi báo chí đã đưa tin 3 trong số 6 nhóm tổ chức biểu tình chống Israel ở London có liên hệ với Hamas ?[xv]
Tại sao họ vẫn đi chung với đảng Socialist Worker, khi đảng này đăng một bài viết ngày 9/10 với tựa đề "Hãy vui mừng khi cuộc kháng chiến của người Palestine làm nhục nhà nước Israel phân biệt chủng tộc", so sánh vụ thảm sát ngày 7/10 với sự kiện Tết Mậu Thân, xem cả hai là sự kiện để ăn mừng ?[xvi]
Tại sao họ vẫn hô hào "from the river to the sea, Palestine will be free", khi họ biết đó là lời kêu gọi xóa sổ nhà nước Israel ?[xvii]
Đâu là video những người biểu tình cho Palestine và lên tiếng chỉ trích hoặc phản đối khi nghe thấy những câu hô hào về diệt chủng người Do Thái, kêu gọi jihad, kêu gọi intifada ? Hay những người xung quanh đều reo hò và hùa theo, như trong các video truyền nhau trên mạng, hoặc im lặng và tiếp tục sánh vai ?
Nếu bạn tham gia biểu tình chống nhà nước Trung Quốc và có người này người nọ kêu gọi giết chết người Trung Quốc, bạn có tiếp tục đi lần hai không ? Lần ba ? Lần bốn ?
Trong các cuộc biểu tình vừa qua, dĩ nhiên sẽ có nhiều người thực sự quan tâm đến người Palestine, thực sự muốn chấm dứt đau thương ở Gaza. Nhưng bao nhiêu trong số đó thực ra chỉ thù ghét người Do Thái và thù ghét phương Tây ?
Hải Di Nguyễn
Nguồn : Diễn Đàn Thế Kỷ, 11/11/2023
[i] https://www.lbc.co.uk/news/palestine-israel-war-hamas-london-met-police-patrol-celebrating/
[ii] https://deadline.com/2023/10/itv-news-apologizes-interview-hamas-latifa-abouchakra-1235582715/
[iii] https://twitter.com/antisemitism/status/1722203846523687178
[iv] https://www.dailymail.co.uk/news/article-12708053/Two-women-charged-wearing-pictures-Hamas-paragliders-pro-Palestine-march.html
[v] https://twitter.com/hurryupharry/status/1723341935790653566
https://twitter.com/hurryupharry/status/1723348269307208119
[vi] https://twitter.com/sarahraviani/status/1720895916503179724
Một lần khác: https://twitter.com/visegrad24/status/1723401067470237834
[vii] https://www.thejc.com/news/news/thousands-chant-from-the-river-to-the-sea-at-london-march-4HfHBsMCwaoBPAU6B6OJJa
https://twitter.com/hurryupharry/status/1723317139182928294
[viii] https://www.jpost.com/diaspora/antisemitism/article-771890
https://twitter.com/OliLondonTV/status/1721176529013457063
[ix] https://twitter.com/hurryupharry/status/1723370447440363988
https://twitter.com/hurryupharry/status/1723333941115953501
[x] https://twitter.com/TPointUK/status/1715747573074477070
[xi] https://twitter.com/hurryupharry/status/1718225597028036708
https://twitter.com/hurryupharry/status/1718260115000951011
[xii] https://twitter.com/MrAndyNgo/status/1715783191326511151
[xiii] https://twitter.com/hurryupharry/status/1718287119452663969
Lần khác: https://twitter.com/hurryupharry/status/1723343503868969371
[xiv] https://twitter.com/antisemitism/status/1723628811122573668
[xv] https://www.telegraph.co.uk/news/2023/11/06/former-hamas-chief-behind-pro-palestine-armistice-day-march/
[xvi] https://socialistworker.co.uk/international/rejoice-as-palestinian-resistance-humiliates-racist-israel/
[xvii] https://twitter.com/IncMonocle/status/1723321953308627221
*****************************
11/11 : London biểu tình lớn ủng hộ Palestine dù chính quyền không muốn
Nguyễn Hùng, VOA, 15/11/2023
Số người tham gia tuần hành nhiều tới mức màđầu đoàn người đã về tới điểm tập trung gần Đại sứ quán Hoa Kỳđược cả nửa tiếng mà phần còn lại của đoàn diễu hành vẫn còn tiếp tục tiến về.
Hình 1 : Hàng trăm ngàn người kêu gọi đình chiến ở Gaza đã xuống đường ở London hôm 11/11/2023 trong cuộc biểu tình ủng hộ Palestine lớn nhất từ khi khu xung đột giữa Israel và Hamas bùng nổ sau vụ Hamas thảm sát hơn 1.400 người dân Israel và bắt cóc hàng trăm người. Bất chấp việc Thủ tướng Rishi Sunak và Bộ trưởng Nội vụ lúc bấy giờ Suella Braverman phản đối, những người tổ chức biểu tình vẫn nhất quyết không hoãn cuộc xuống đường.
Hình 2 : Lý do Thủ tướng Anh không muốn có cuộc biểu tình là vì nó diễn ra trong Ngày tưởng niệm những người lính Anh đã ngã xuống trong các cuộc chiến khác nhau. Ông Rishi Sunak nói cuộc biểu tình vào ngày 11/11 thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với sự kiện đầy ý nghĩa. Trong khi đó Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman, người mới mất chức hôm 13/11, đả phá quyết định cho cuộc biểu tình diễn ra của cảnh sát.
Hình 3 : Cảnh sát đô thành London hoạt động độc lập với chính quyền và làm theo luật chứ không theo chỉ thị của các chính trị gia. Người đứng đầu cảnh sát đô thành, Sir Mark Rowley, nói luật chỉ cho phép cấm biểu tình nếu có cơ sởđể khẳng định sẽ có nguy cơ rối loạn nghiêm trọng. Ông Rowley nói không có cơ sởđể nói như vậy nên ông không thể ngăn cản biểu tình.
Hình 4 : Thực tế cuộc biểu tình của hàng trăm ngàn người đã diễn ra trong hòa bình hôm 11/11. Hơn 100 người bị cảnh sát bắt, phần lớn là những người của phe cực hữu toan pháđám biểu tình ủng hộ Palestine. Người ta cũng đổ lỗi cho bà Bộ trưởng Nội vụđã mất chức viết bài chê trách cảnh sát trên báo khiến phe cực hữu được cớ xuống đường thách thức cảnh sát.
Hình 5 : Trực thăng của cảnh sát luôn dõi theo các hoạt động ở trung tâm London. Một phóng viên BBC có mặt tại phòng trực tiếp theo dõi tình hình trên đường phốở London nói các hình ảnh từ trực thăng chuyển về rõ tới mức người ta có thể thấy cốc bia của một người đang bị theo dõi được uống cạn tới đâu. Tôi cũng phải dùng ống kính Sony 400mm mới có thể chụp được dòng chữ cảnh sát trên trực thăng mà mắt thường không nhìn thấy.
Hình 6 : Những người biểu tình nói hàng ngàn trẻ em đã thiệt mạng trong hơn một tháng Israel tấn công Gaza. Họ cũng tố cáo Israel đô hộ các vùng đất của Palestine trong đó có cả Bờ Tây vàĐông Jerusalem từ hàng chục năm nay. Trong số các khẩu hiệu người biểu tình hô có"One, two, three, four, occupation no more ; five, six, seven, eight, Israel is a terrorist state", tạm dịch là"một, hai, ba, bốn, cắt tận rốn chếđộ chiếm đóng ; năm, sáu, bảy, tám, Israel làđám khủng bố".
Hình 7 : Cuộc biểu tình ôn hòa tới mức nhiều người mang theo trẻ con và cả thú cưng. Truyền thông Anh nói có lúc đoàn người trải dài gần 4km từ khách sạn Hilton trên Park Lane tới Đại sứ quán Hoa Kỳở Nine Elms.
Hình 8 : Một số người biểu tình cầu nguyện trong lúc cuộc tuần hành diễn ra. Tôi thấy người biểu tình cầu nguyện ngay cạnh ga tàu ngầm, bên cạnh xe chắn đường của cảnh sát và trong ảnh này là trên cầu Vauxhall, cách Đại sứ quán Hoa Kỳ không xa.
Hình 9 : Số người tham gia tuần hành nhiều tới mức màđầu đoàn người đã về tới điểm tập trung gần Đại sứ quán Hoa Kỳđược cả nửa tiếng mà phần còn lại của đoàn diễu hành vẫn còn tiếp tục tiến về. Một số người biểu tình tố cáo Israel là chếđộ phân biệt chủng tộc khi người Israel được ưu đãi còn người Palestine bị chia ra làm nhiều dạng khác nhau để có cách đối xử khác nhau. Người biểu tình tố cáo có một số khu ở Israel người Palestine không được phép tới trong khi người định cư Do thái tiếp tục chiếm đất của người Palestine ở Bờ Tây, nhiều khi dùng tới cả bạo lực đểđẩy người Palestine khỏi vùng đất của họ.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 11/11/2023