Ngày 19/02/2019, Genie Nguyễn của Voice of Vietnamese Americans phỏng vấn Dr. Patrick Cronin về tình hình Biển Đông sau khi ông tham dự cuộc họp với các nước ASEAN tuần trước đó.
Tiến sĩ Patrick Cronin – Asia Pacific Security Chair, Hudson Institute. (Photo courtesy of Doanh Vu)
Genie Nguyễn : Thưa Tiến sĩ, được biết ông vừa tham dự hội nghị tại Đông Nam Á. Xin ông vui lòng chia sẻ nhận định về tình hình Biển Đông, các khó khăn Trung Quốc gây ra cho Đông Nam Á và Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc.
Patrick Cronin : Tôi đã có cuộc thảo luận sâu rộng cả ở Phi Luật Tân và Nam Dương. Tại Nam Dương, chúng tôi tham dự một cuộc Hội Thảo với tất cả các thành viên của ASEAN – Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á. Thật khó tóm tắt tất cả các điều thảo luận trong vài phút .
Tôi nghĩ vấn đề Biển Đông là đề tài chính. Và an ninh hàng hải. Cả hai liên quan đến kinh tế, sự quan trọng của tất cả mọi thứ từ cá đến tài nguyên biển, đến sự giao thương, nhưng cũng tối quan yếu cho sự độc lập và chủ quyền của các nước Đông Nam Á.
Tiến sĩ Dewi Fortuna Anwar, một trong những trí thức được kính trọng nhất tại Nam Dương, và là một trong những người sáng suốt nhất tôi biết, diễn tả rất đúng sự thách thức các nước Đông Nam Á phải đối mặt để bảo vệ quyền tự chủ về chiến lược của mình trong tương lai. Phải có sự hợp tác với các nước bên ngoài, như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, nếu Đông Nam Á không muốn bị ép buộc phải chấp nhận một bản Quy tắc ứng xử Biển Đông ngược với quyền lợi của họ .
Một trong những quan tâm tại Đông Nam Á hiện nay là Trung Quốc đã thay đổi chiến thuật đối với Quy tắc ứng xử tại Biển Đông. Sau nhiều năm cố tình kéo dài thời gian thương thảo về Bộ Quy tắc ứng xử, bây giờ Bắc Kinh lại hối hả thúc đẩy một Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông thuận lợi cho mình và theo luật lệ của mình.
Trung Quốc cho thấy hai ưu tiên then chốt của họ trong bản nháp Quy tắc ứng xử :
1. Trung Quốc muốn có quyền phủ quyết các tập dượt quân sự hay chuyển binh của các lực lượng quân đội bên ngoài khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là quân đội Hoa Kỳ, như các cuộc diễn tập tự do hàng hải của Hoa Kỳ. Chúng tôi đã thực tập 15 cuộc cuộc diễn tập tự do hàng hải này từ năm 2015. Các cuộc diễn tập này được chia đều ra giữa các đảo Hoàng Sa và Trường Sa, với một lần tại Scarborough Shoal. Nhưng nếu Trung Quốc có thể ngăn cản các cuộc cuộc diễn tập tự do hàng hải này, thì họ có thể uy hiếp các lực lượng Hải Quân của các quốc gia Đông Nam Á một cách dễ dàng, tùy tiện, và họ biết chắc như vậy .
2. Trung Quốc muốn kiểm soát sự khai thác tài nguyên và phát triển. Việt Nam có kinh nghiệm này đầu tiên, năm 2014 với giàn khoan dầu Hải Dương 981 mà Trung Quốc đã ngang ngược đặt trong hải phận Việt Nam. Việt Nam đã bị Trung Quốc bắt nạt. Họ sử dụng chiến thuật đâm tàu. Tôi còn nhớ đã từng thăm một chiếc tàu cá Việt Nam bị đâm bởi Trung Quốc, với "chiến lược bắp cải", khi họ sử dụng nhiều vòng vây hàng hàng lớp lớp, bắt đầu là những tàu biển có trang bị, giả dạng làm ngư dân, nhưng không hề có lưới hay dây câu vì họ không thực tâm câu cá. Họ là những lực lượng bán quân sự, bao quanh họ là lực lượng tuần dương, mà dưới quyền Tập Cận Bình trực thuộc quyền chỉ huy quân sự, không phải dân sự, và rồi sau cùng là lực lượng hải quân chính quy của Trung Quốc. Như vậy đây chính là một cách uy hiếp, dọa nạt, một cách kiểm soát mà Trung Quốc thực thi.
Tôi vừa ở Phi Luật Tân, và chúng tôi thấy tận mắt họ sử dụng chiến thuật này hôm nay, tại Phi Luật Tân, tại Thitu và Pegasa, hai đảo nhỏ của quần đảo Trường Sa. Người Phi đang tìm cách sửa lại đường bay của họ trên rặng Pegasa. Trung Quốc đã bồi cát với mức độ chưa từng thấy, rồi quân sự hóa các đảo nhân tạo này, gồm cả 3 đường bay quân sự vĩ đại tại Trường Sa, mỗi sân bay dài bằng phi trường Changi của Singapore, phi trường hiện đại nhất Đông Nam Á. Đáng lẽ để yên cho Phi Luật Tân sửa lại đường bay của họ, Trung Quốc phát động chiến dịch "vòng vây bắp cải" này, hàng hàng lớp lớp, dân quân ở 2 dặm sát bờ biển, rồi lính tuần dương, rồi hải quân Trung Quốc, 95 chiến thuyền tụ lại trong tháng 12. 95 chiến thuyền đối với những người Phi Luật Tân nhỏ bé trên đảo, đó có phải là dọa nạt và uy hiếp không ?
Rồi Trung Quốc nói : "Chúng tôi muốn viết lại luật lệ". Đó là những điều họ muốn viết trong Bộ Quy Luật Ứng Xử. Họ không muốn bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào có thể bảo vệ chủ quyền, độc lập, và được thịnh vượng. Họ muốn các nước Đông Nam Á phải van lạy Bắc Kinh.
Việt Nam đã luôn đi đầu trong việc phản đối Trung Quốc, và điều tôi lo sợ, đây là điều đúc kết chính trong cuộc thảo luận về Biển Đông vừa qua, là Việt Nam sẽ bị cô lập bởi các nước Đông Nam Á khác, các thành viên của ASEAN - Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Bởi vì Tổng thống Duterte tại Manila đã bị mua chuộc bởi Trung Quốc, và ông ta là người thực tế, do đó ông ta sẽ cân nhắc các lựa chọn của mình, và nếu thấy không thể đánh lại Trung Quốc, thì ông ta sẽ theo Trung Quốc, sẽ bị kéo theo.
Trong khi ấy, thì Thái Lan – một đồng minh khác của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á lại đang nhận nhiều đầu tư lớn từ Trung Quốc, và đang sắp có cuộc bầu cử năm nay. Thái Lan cũng đang giữ chức Chủ tịch ASEAN năm 2019. Việt Nam sẽ là Chủ tịch ASEAN năm tới. Như vậy mọi chuyện có thể được sắp xếp cho năm nay, hay năm tới, và Việt Nam sẽ ở trong thế vô cùng khó xử, hoặc chấp nhận Bộ Quy tắc ứng xử mà tất cả các thành viên khác đều đồng ý trừ Việt Nam, hay sẽ bị thất bại trong vai trò Chủ tịch ASEAN.
Chính vì thế mà chúng ta cần bảo đảm rằng Việt Nam không bị cô lập và bị rơi vào thế khó xử kia.
Tôi xin đổi đề tài. Tổng thống Trump vừa đến Hà Nội. Ông đã thăm Việt Nam hai lần, trong hai năm, nhiều hơn bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào. Tổng thống Trump đã chứng tỏ sự hỗ trợ của ông cho một bang giao Việt – Mỹ đang phát triển mạnh mẽ, xây dựng từ chính quyền trước đến chính quyền này. Đây là một khuynh hướng rất tốt, rất tích cực và quan trọng cho quan hệ Việt – Mỹ.
Nói chung, tại Đông Nam Á, tôi nghĩ Hoa Kỳ có thể làm nhiều hơn, có nhiều cơ hội lắm. Chúng ta cần có một vị thứ trưởng ngoại giao đặc trách Á Châu, một đại sứ tại Singapore, một đại sứ tại ASEAN… Nhưng đó chỉ là những điều nhỏ. Tôi nghĩ điều chính là chúng ta đang đi đúng hướng, và chúng ta cần cùng làm việc với khối dân Đông Nam Á trẻ trung đầy sức sống này, vì họ chính là trung tâm của một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Genie Nguyễn : Ông có nghĩ rằng chính quyền Việt Nam đã hợp tác đúng mức với Hoa Kỳ trên các lãnh vực an ninh quốc phòng, hay họ vẫn nghiêng về Trung Quốc nhiều hơn ?
Patrick Cronin : Tôi nghĩ Việt Nam có chính sách đối nội khác với chính sách đối ngoại.
Về đối ngoại và an ninh, chính sách của chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục đi sát hơn với Hoa Kỳ, làm việc với Nhật Bản, làm việc với các nước bên ngoài. Thực ra, họ tiếp tục chính sách cân bằng các thế lực với rất nhiều nước khác, để Trung Quốc không thể có quá nhiều ưu thế.
Về chính sách đối nội thì phức tạp hơn. Chúng ta rất mong được thấy Việt Nam cải thiện một cách nghiêm túc. Tôi nghĩ chúng ta cũng cần phải thực tế hơn về sự thay đổi ấy sẽ diễn ra thế nào. Tôi không nghĩ rằng bất cứ ai tại Hoa Kỳ muốn thúc giục Việt Nam thay đổi, nhưng chúng ta thực lòng muốn thấy dân Việt được thịnh vượng, có tự do, và không bị đẩy vào sự áp đặt như ở Trung Quốc. Hiện nay Trung Quốc đang gia tăng sự đàn áp lên dân chúng, không chỉ ở Tân Cương, mà nói thẳng ra là những trí thức, luật sư nhân quyền, đủ thứ người tại Trung Quốc bị đàn áp. Chúng ta muốn thấy Việt Nam chuyển đổi ngược với hướng đi của Trung Quốc. Bởi vì dân chúng Việt Nam rất kỳ diêu. Như chúng ta nghe thấy Tom Rose nói hôm nay, những người tỵ nạn Mỹ gốc Việt đã đóng góp rất nhiều vào xã hội Hoa Kỳ.
Chúng ta đã chia sẻ một lịch sử chuyển từ chiến tranh sang bình thường hóa quan hệ rồi trở thành bạn thân. Chúng ta có thể tiếp tục phát triển tương quan này lên đến mức độ chiến lược. Việt Nam cần Hoa Kỳ. Hoa Kỳ rất muốn xây dựng quan hệ chiến lược với Việt Nam. Do đó tôi hy vọng rằng chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam sẽ dần dần tương hợp với sự phát triển quan hệ này.
Genie Giao Nguyen
Nguồn : Voice of Vietnamese Americans, 13/03/2019