Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vac-xin phòng Covid của Pfizer : Vẫn chỉ là hy vọng

Một tia hy vọng lóe lên giữa đại dịch Covid-19 với thông báo vac-xin của Pfizer đạt hiệu quả 90%. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vẫn tiếp tục dằng dai. Tổng thống mãn nhiệm không thừa nhận thất bại, đòi kiện, phe thắng cử bắt tay vào việc, chuẩn bị tiến trình chuyển giao quyền lực dự báo sẽ còn rối ren. Chính phủ Pháp loay hoay bế tắc giữa phong tỏa Covid đợt 2. Đó là những chủ đề chính của các báo Pháp ra ngày hôm nay, 10/11/2020.

bio1

Tập đoàn Đức BioNTech, đối tác của hãng Mỹ Pfizer trong việc sản xuất vac-xin ngừa Covid-19.  AFP/File

Le Figaro với tựa chính trang nhất Covid-19 : "Hứa hẹn vac-xin đang rõ dần". Trong khi đó, tựa lớn trang nhất của Les Echos đơn giản nhưng không dấu được vui mừng : " Hy vọng".

Hôm qua (09/11) tập đoàn dược phẩm Mỹ Pfizer thông báo các kết quả sơ bộ thử nghiệm lâm sàng đợt 3 : vac-xin ngừa Covid -19 do hãng bào chế đạt hiệu quả tới 90%. Đây là một tin vui cho cả thế giới đang lao đao vì trận đại dịch suốt gần một năm nay.

Theo Le Figaro, như vậy là trong cuộc đua bào chế vac-xin ngừa Covid đã diễn ra từ nhiều tháng qua, Pfizer hợp tác với hãng Đức BioNTech đã vượt lên trước với kết quả thử nghiệm đáng khích lệ. Mặc dù còn tiếp tục phải được kiểm tra xác nhận, nhưng Pfizer đã khởi động khâu sản xuất vac-xin và xin giấy phép khẩn cấp lên cơ quan chức năng của Mỹ.

Le Figaro ghi nhận "Viễn cảnh có vac-xin đang ở gần với Pfizer. Cách đây 10 tháng, tập đoàn dược của Mỹ vẫn không được trông mong nhiều trong cuộc đua vac xin. Giờ đây hãng có thể sẽ là một trong những người cán đích trước tiên".

Vẫn còn trở ngại trước mặt

Sau thắng lợi đầu tiên, sản phẩm của Pfizer vẫn còn phải qua các công đoạn mấu chốt nữa mà Le Figaro nhận định là "các giai đoạn cuối của cuộc chạy đua vượt chướng ngại vật thực sự".

Trước hết để được lưu hành tại thị trường ở Mỹ, vac-xin phải xin cấp phép khẩn cấp với cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA). Pfizer phải tập hợp dữ liệu an toàn vac-xin trong hai tháng thử nghiệm giai đoạn 3. Thêm vào đó, hãng phải giải trình liên quan đến khâu sản xuất. FDA có thể cho ý kiến đồng ý trong vài ngày hoặc vài tuần. Song song đó, hồ sơ của Pfizer cũng đang được Cơ quan quản lý dược phẩm của Châu Âu (EMA) kiểm tra. Hồ sơ đã được nộp từ 6/10 và liên tục được phòng thí nghiệm của Pfizer bổ sung. Vì tính cấp bách của đại dịch, các thủ tục xét duyệt sẽ được rút ngắn thời gian.

Vẫn theo Le Figaro, thách thức lớn nữa của Pfizer là vấn đề sản xuất vac-xin. Dự kiến sản xuất 1,3 tỷ liều, hứa hẹn từ nay cuối năm cho ra 50 triệu liều. Đây là một khối lượng khổng lồ. Cam kết như vậy buộc hãng phải tiến hành song song thiết lập quy trình sản xuất với nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cùng thử nghiệm lâm sàng, dù chưa biết kết quả ra sao. Điều chưa từng có từ trước tới nay trong quy trình bào chế vac-xin này đặt hãng trước những rủi ro tài chính. Đến lúc này, Pfizer cho biết đã đầu tư 2 tỷ đô la cho nghiên cứu và sản xuất vac-xin.

Nhưng để sản xuất vac-xin phòng Covid, Pfizer liên kết với hãng dược Đức BioNTech, để có 7 cơ sở sản xuất trên khắp thế giới, không phải xây mới nhà máy, mất thời gian. Còn một vấn đề nữa, đó là vận chuyển sản phẩm. Vac-xin của Pfizer phải được bảo quản ở -70°C. Đây sẽ là vấn đề đau đầu cho việc triển khai chiến dịch tiêm chủng.

Vẫn trong hồ sơ này, Le Figaro nhắc lại, thông báo đầy hy vọng của Pfizer không có nghĩa là cuộc đua vac-xin trên thế giới đã kết thúc. Trên thế giới có tới 9 ứng viên vac-xin trong top về đích, tức đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Trong đó có các loại vac-xin của phòng thí nghiệm Trung Quốc Sinopharm và Sinovac, Sputnik V của Nga và của các phòng thí nghiệm Châu Âu AstraZeneca và Johnson&Johnson cũng đang tiến triển theo hướng tốt, tuy có thể hơi chậm.

Công hiệu thấy ngay trên thị trường tài chính

Les Echos không thể thiếu góc nhìn về kinh tế qua sự kiện đang được cả hành tinh mong chờ này với bài viết : "Hứa hẹn về phương thuốc trị đại dịch làm bùng nổ thị trường chứng khoán thế giới".

Les Echos cho biết, tin mừng của Pfizer đưa ra chỉ trong vài giờ đã làm thị trường chứng khoán thế giới tưng bừng, sau những ngày lo âu vì những bất trắc của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và khủng hoảng kinh tế do đại dịch. Từ Wall Street, sang Châu Âu, Châu Á, các chỉ số chứng khoán tăng vọt lên đến hai chữ số. Đặc biệt, cổ phiếu của những công ty chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của khủng hoảng y tế lần này tăng mạnh. Đó là những lĩnh vực như hàng không, du lịch, xe hơi hay bất động sản.

Cũng ở khía cạnh kinh tế, Le Figaro cho biết, từ cuối tháng 10, các nhà phân tích tài chính đã tính toán nếu thành công, Pfizer sẽ đạt doanh thu 3,5 tỷ đô la trong 2021 và 1,4 tỷ đô la trong năm 2022. Riêng chính phủ Mỹ đã đặt trước 1,95 tỷ đô la để có được 100 triệu liều trước tiên (cùng 500 triệu liều bổ sung).

Hậu bầu cử Mỹ : Còn lâu mới xong ?

Chuyển qua với thời sự nóng khác đang được cả thế giới quan tâm theo dõi. Hậu bầu cử tổng thống Mỹ vẫn tiếp tục căng thẳng rắc rối kéo dài, đúng như ông Trump đã nói ngay sau ngày bỏ phiếu "cuộc bầu cử còn lâu mới kết thúc".

Le Monde chạy tựa chính : "Một tổng thống, hai nước Mỹ", để khẳng định lại thực tế một nước Mỹ bị chia rẽ trong và sau kỳ bầu cử tổng thống chưa từng có trong lịch sử nước này. Trong khi phe Dân chủ thắng cử muốn triển khai ngay công việc, thì tổng thống mãn nhiệm Donald Trump, như khi cuộc bỏ phiếu chưa bắt đầu, vẫn kêu bị gian lận bầu cử và không chấp nhận bị thua cuộc.

Le Monde ghi nhận "Joe Biden trước thách thức chuyển giao quyền lực đầy xáo động". Ba ngày sau khi các hãng truyền thông chính của Mỹ thông báo Joe Biden đắc cử tổng thống dựa trên các phiếu bầu đã kiểm xong, (Joe Biden được 75,5 triệu phiếu phổ thông và 290 đại cử tri - Donald Trump dành 71 triệu phiếu phổ thông và 214 đại cử tri). Donald Trump vẫn một mực không thừa nhận thất bại, phản ứng duy nhất là đòi kiện kết quả phiếu bầu mà ông cho là gian lận, nhưng không đưa ra bằng chứng nào. Không hề gọi điện chúc mừng người chiến thắng, tất nhiên cũng chẳng có lời mời đến thăm Nhà Trắng. Đó là những động thái mang tính truyền thống văn hóa chính trị ở Mỹ trong mỗi kỳ bầu cử tổng thống. Le Monde cũng nhắc lại, năm 2016 ngay sau khi có kết quả ông Trump đắc cử, ngày 10/11 tổng thống mãn nhiệm Obama đã mời ông Trump vào thăm Nhà Trắng để làm quen.

Trước thái độ như vậy của tổng thống, giám đốc Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tổng hợp (GSA), do ông Trump chỉ định năm 2017, vẫn không thấy chính thức công bố Joe Biden là người chiến thắng dù AP là hãng truyền thông duy nhất được xác tín và có trách nhiệm đưa kết quả bầu cử rõ rệt như trên. Thông báo của GSA chỉ là thủ tục, nhưng tạo điều kiện để quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra ôn hòa.

Trong khi đó, ông Joe Biden trên cương vị người thắng cử đang muốn bắt tay ngay vào việc hàn gắn chia rẽ, nhanh chóng đưa nước Mỹ vượt qua khủng hoảng Covid-19 cũng như những thách thức kinh tế. Nhưng ông đang vấp phải trở ngại đầu tiên trên đoạn đường ngắn đến ngày 20 tháng Giêng, chính thức bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thực sự.

Trong khi đó, theo Le Figaro, không có tin tức chính thức nào đưa ra từ Nhà Trắng. Truyền thông Mỹ chỉ biết dựa theo các nguồn thạo tin, có người thì nói đang thuyết phục tổng thống thừa nhận thất bại, những cũng có nguồn lại nói ông Trump và những người thân đang bàn chuyện tổ chức các cuộc tập họp phản đối kết quả bầu cử. 

Le Monde nhắc lại, ở kỳ bầu cử 2016, khi thấy đối thủ Hillary Clinton vừa vượt lên ở một số bang ông Trump cũng đã la toáng lên có gian lận. Các tố cáo của ông chỉ chìm xuống khi cuối cùng ông thắng cử.

Khủng hoảng dịch lần 2 : Chính phủ Pháp như gà mắc tóc

Trở lại với thời sự nước Pháp. Chủ đề nổi bật đó là cuộc chiến chống dịch Covid 19, với tâm điểm chú ý là cách xử lý của chính phủ.

Hầu hết các báo đều nhận thấy trong lúc mà đỉnh của đợt dịch thứ 2 vẫn chưa qua, trong những ngày qua chính phủ của thủ tướng Castex tỏ ra lúng túng, thông báo theo kiểu trống đánh xuối kèn thổi ngược về các biện pháp đối phó với dịch đã và sắp ban hành.

Đây cũng là hồ sơ chính của Libération. Tờ báo dành nhiều bài viết để cho thấy, trong vụ xử lý làn sóng dịch thứ 2 này, thủ tướng Castex đã chứng tỏ một người không có quyền lực, chỉ là người thực thi máy móc các chỉ đạo đường lối của tổng thống. Các bộ trưởng của ông những ngày qua liên tiếp đưa ra những phát biểu trái ngược nhau về cách thức xử lý khủng hoảng, khiến dư luận mất lòng tin, thậm chí không còn ủng hộ các biện pháp kiểm soát dịch của chính phủ.

Le Figaro thì kết luận trong bài xã luận rằng chính phủ của thủ tướng Jean Castex, trong cách hành động, cũng như phát ngôn, đang vô tình gieo hoài nghi về các quyết định của mình.

Anh Vũ

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế

Những điều cần biết về vắc xin covid-19 Pfizer

Đã có bước đột phá trong cuộc đua tìm kiếm vắc-xin chống virus corona.

pfizer1

WHO cho biết kết quả rất khả quan, nhưng cảnh báo rằng khoảng cách tài trợ 4,5 tỷ đô la có thể làm chậm việc tiếp cận các xét nghiệm, thuốc và vắc xin ở các nước có thu nhập thấp và trung bình [Dado Ruvic / Illustration / Reuters]

Các nhà sản xuất thuốc Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức)­ cho biết vắc xin thử nghiệm của họ có thể có hiệu quả 90% trong việc ngăn chặn Covid-19.

Thông báo hôm thứ Hai đã khiến thị trường chứng khoán tăng vọt với những kỷ lục mới và các nhà lãnh đạo chính trị hoan nghênh kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối - ngay cả khi các nhà khoa học và bác sĩ cảnh báo nhiều câu hỏi vẫn chưa được trả lời và cảnh báo không nên ăn mừng quá sớm.

Những gì đã được công bố ?

Các nhà sản xuất thuốc đã thử nghiệm thuốc trên khoảng 44.000 người ở sáu quốc gia, một nửa trong số đó đã được tiêm vắc xin, trong khi nửa còn lại được sử dụng giả dược.

Dữ liệu hôm thứ Hai là từ một phân tích tạm thời được thực hiện sau khi 94 người tham gia trong thử nghiệm tiếp tục phát triển Covid-19. Chưa đến 9 người mắc bệnh trong số họ đã được tiêm vắc xin.

Để xác nhận tỷ lệ hiệu quả, Pfizer cho biết họ sẽ tiếp tục thử nghiệm cho đến khi có 164 ca nhiễm Covid-19 trong số các tình nguyện viên, một con số mà Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đã đồng ý là đủ để cho biết vắc-xin hoạt động tốt như thế nào.

Pfizer cho biết họ sẽ cho bình duyệt dữ liệu và công bố trên tạp chí y khoa khi có kết quả từ toàn bộ quá trình thử nghiệm.

Các chuyên gia bên ngoài cho biết các chi tiết chính của dữ liệu cần được phân tích và cảnh báo rằng vẫn còn nhiều câu hỏi, như liệu vắc-xin có thể ngăn ngừa bệnh nặng hoặc biến chứng hay không, chống lại nhiễm trùng trong bao lâu và sẽ hoạt động hiệu quả như thế nào ở người cao tuổi.

Vắc xin hoạt động ra sao ?

Khi chủng ngừa là một phần vi rút đã suy yếu hoặc đã chết, hoặc vi khuẩn gây bệnh sẽ được tiêm vào cơ thể. Vắc-xin không khiến cơ thể bị nhiễm bệnh nhưng giúp cơ thể nhận ra yếu tố lạ và tạo ra phản ứng miễn dịch. Điều này có nghĩa là khi cơ thể bạn bắt gặp virus thực sự gây bệnh thì cơ thể nó sẽ sẵn sàng tấn công virus đó ngay lập tức.

Cách thức hoạt động của loại vắc-xin mới này được gọi là mRNA, nghĩa là bạn không thực sự được tiêm vi rút hoặc một dạng suy yếu của nó, mà chỉ một phần mã di truyền của virus corona. Điều này buộc cơ thể sản xuất một số protein của virus để hệ thống miễn dịch sau đó phát hiện ra những protein này và bắt đầu tạo ra phản ứng phòng thủ với chúng.

Phản ứng

Các nhà đầu tư đổ xô vào cổ phiếu ngân hàng, hãng hàng không và các công ty nhạy cảm về kinh tế khác đã bị vùi dập bởi các đợt đóng cửa và cấm đi lại do covid-19 trong nhiều tháng, đẩy các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ lên mức cao kỷ lục mới.

Cổ phiếu của Pfizer đã tăng hơn 6% ở New York, trong khi cổ phiếu của BioNTech tại Mỹ tăng 18%.

Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết kết quả rất khả quan, nhưng cảnh báo rằng thiếu khoản tài trợ 4,5 tỷ USD có thể làm chậm khả năng tiếp cận các xét nghiệm, thuốc và vắc xin ở các nước thu nhập thấp và trung bình.

Các chuyên gia cũng cảnh báo có thể có những thách thức lớn trong việc phân phối vắc-xin, đặc biệt là ở các nước nghèo hơn, nơi nguồn cung cấp điện không đủ, vì thuốc phải được bảo quản ở nhiệt độ đông lạnh công nghiệp để có tác dụng.

Tiếp theo là gì ?

Pfizer và BioNTech cho biết họ có kế hoạch nộp đơn lên FDA để được chấp thuận khẩn cấp cho phép sử dụng vắc xin này vào cuối tháng, khi họ sẽ có dữ liệu an toàn trong hai tháng của khoảng một nửa số người tham gia thử nghiệm. Có khả năng sẽ có quyết định trong tháng 12.

Để tiết kiệm thời gian, các công ty đã bắt đầu sản xuất vắc-xin này trước khi họ biết liệu nó có hiệu quả hay không. Hiện họ dự kiến ​​s sn xut ti 50 triu liu, hoặc đủ để bảo vệ 25 triệu người, trong năm nay.

Pfizer cho biết họ dự kiến ​​s sn xut ti 1,3 t liu vc xin vào năm 2021.

Ai đang xếp hàng mua vắc-xin ?

Pfizer và BioNTech có hợp đồng trị giá 1,95 tỷ USD với chính phủ Hoa Kỳ để cung cấp 100 triệu liều vắc xin bắt đầu từ năm nay. Họ cũng đã đạt được các thỏa thuận cung cấp với Liên Hiệp Châu Âu, Vương quốc Anh, Canada và Nhật Bản.

Nguyên tác : "Everything you need to know about Pfizer’s Covid-19 vaccine", Al Jazeera, 09/11/2020

Khánh An dịch

Nguồn : VNTB, 10/11/2020

Tham khảo thêm :

- Carl Zimmer and Katie Thomas, "Pfizer’s Covid Vaccine : 11 Things You Need to Know", The New York Times, 10/11/2020

- Nathalie Grover, "6 key questions about the Pfizer/BioNTech Covid-19 vaccine", The Guardian, 10/11/2020

- Ewen Gallaway, "What Pfizer’s landmark COVID vaccine results mean for the pandemic", Nature, 09/11/2020

 *******************

Covid-19 : Vaccine của Pfizer và BioNTech 'hiệu quả trên 90%'

James Gallagher, BBC, 09/11/2020

Đã có vaccine phòng chống virus corona đầu tiên có tác dụng ngăn ngừa được bệnh ở hơn 90% số người được tiêm, một phân tích sơ bộ cho thấy.

Các hãng phát triển vaccine này - Pfizer và BioNTech - gọi đây là "một ngày vĩ đại cho khoa học và nhân loại".

vaccine1

Vaccine của hai hãng đã được thử nghiệm trên 43.500 người tại sáu quốc gia, và không gây ra bất kỳ quan ngại nào về an toàn.

Các hãng có kế hoạch nộp đơn xin chuẩn thuận khẩn cấp để vaccine này được đưa ra sử dụng vào cuối tháng.

Một loại vaccine hữu hiệu kết hợp với các biện pháp chữa trị hiệu quả hơn đang được coi là cách thức tốt nhất để thoát khỏi những hạn chế đã và đang được áp dụng trong đời sống chúng ta hiện nay.

Hiện đang có khoảng 10 loại vaccine trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng, được gọi là giai đoạn thử nghiệm thứ ba, nhưng đây là vaccine đầu tiên cho kết quả.

vaccine2

Vaccine này sử dụng cách tiêm vào người một phần mã gene của virus để huấn luyện hệ miễn dịch trong cơ thể.

Các thử nghiệm trước đó cho thấy việc vaccine huấn luyện cơ thể, tạo ra kháng thể và một phần khác của hệ miễn dịch, được gọi là tế bào T, để chống lại virus corona.

Vaccine cần được tiêm hai liều, cách nhau 3 tuần.

Các thử nghiệm được thực hiện tại Hoa Kỳ, Đức, Brazil, Argentina, Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy 90% những người được tiêm đã tạo được khả năng phòng chống trong vòng bảy ngày sau khi tiêm liều thứ nhì.

Hy vọng tràn trề

Anh Quốc sẽ có 10 triệu liều tính đến cuối năm nay và thêm 30 triệu liều nữa đã được đặt mua.

Tuy nhiên, có những thách thức trong vấn đề hậu cần, do vaccine cần phải được lưu trữ trong điều kiện siêu lạnh, thấp ở dưới mức -80 độ C.

Cũng đang còn có những câu hỏi về việc trực khả năng miễn dịch sẽ kéo dài được bao lâu và về mức độ hiệu quả của vắc xin này đối với các nhóm độ tuổi khác nhau.

Thông tin sơ bộ đầy tích cực này đồng nghĩa với việc hãng dược phẩm khổng lồ của Mỹ và đối tác của họ từ Đức đang đi đầu trong cuộc đua vaccine, sau khi đã ký các thỏa thuận trước với chính phủ các nước trên toàn cầu nhằm cung ứng hàng trăm triệu liều.

Pfizer tin rằng hãng có khả năng cung ứng 50 triệu liều vào cuối năm nay và khoảng 1,3 tỷ liều vào cuối năm 2021.

Cổ phiếu của Pfizer tăng mạnh trong phiên giao dịch trước khi thị trường chính thức mở cửa, tăng 15%, còn của hãng Mỹ BioNtech tăng %.

Tin tức cũng khiến Chỉ số MSCI All Country World Index tăng giá trị thêm 500 tỷ đô la.

James Gallagher

Phóng viên Y tế và Khoa khọc

Nguồn : BBC, 09/11/2020

*********************

Covid-19 : Các nước Đông Á đã chận được làn sóng thứ 2 như thế nào

Mai Vân, RFI, 09/11/2020

Dịch Covid-19 tại Pháp càng lúc càng lây lan mạnh, trong bối cảnh Châu Âu đã soán ngôi Châu Mỹ trong vai trò đáng buồn là tâm điểm dịch bệnh của hành tinh, với 12 triệu trên tổng số 50 triệu ca nhiễm, và 24% của tổng số hơn 1,25 triệu ca tử vong trên toàn thế giới, theo số liệu được hãng tin Anh Reuters ngày 08/11/2020 công bố.

vaccine3

Covid-19 : Một lều xét nghiệm lưu động, gần Gare de Lyon, Paris. Ảnh chụp ngày 05/11/2020.  Reuters – Benoit Tessier

Đà bùng phát dữ dội của Covid-19 đã buộc rất nhiều nước Châu Âu phải tái ban hành các biện pháp chống dịch, từ giới nghiêm, hạn chế đi lại, cho đến phong tỏa toàn diện hay từng phần.

Tại Pháp, với số tử vong trong bệnh viện xoay quanh mức 400 ca trong nhiều ngày liên tiếp, tổng số người chết vì virus corona đã vượt ngưỡng biểu tượng 40 ngàn người hôm 07/11/2020. Bên cạnh đó, hàng ngày vẫn có thêm hàng chục ngàn ca nhiễm, mà kỷ lục mới nhất là hơn 60.000 trường hợp xét nghiệm dương tính trong 24 giờ ngày 06/11, (thậm chí là gần 87.000 ca hôm 07/11 sau khi cộng thêm các trường hợp ngày hôm trước chưa thống kê được do trục trặc máy tính).

Một lệnh phong tỏa toàn quốc trong 4 tuần lễ kể từ ngày 30/10 đã được chính phủ Pháp ban hành nhằm kềm hãm đà phát tán của virus. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là liệu biện pháp phong tỏa lần này có hữu hiệu hay không, khi thực tế ngoài đường phố cho thấy là sinh hoạt vẫn gần như là vào lúc không có phong tỏa trước đó.

Thành công của các nước Đông Á và Việt Nam

Trước các biểu hiện bất lực của Pháp và nhiều nước Châu Âu khác trong việc ngăn chặn làn sóng thứ hai của dịch Covid-19, và những khó khăn trong việc kềm hãm đà lây lan của virus, dư luận báo chí Pháp trong những ngày gần đây đã nêu bật kinh nghiệm chống dịch Covid-19 thành công từ các nước Châu Á, chủ yếu là các nước ở vùng Đông Á.

Trong bài "Covid-19 : Các nước Châu Á đã làm thể nào để chặn được dịch bệnh ngay từ ngoài cửa", nhật báo Le Monde ngày 06/11 đã nêu bật trường hợp của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Việt Nam, mà theo tờ báo là những nơi mà đợt dịch mùa xuân vừa qua đã bị "chế ngự" và "không có một làn sóng thứ hai".

Cùng một suy nghĩ, nhật báo Le Parisien trong bài viết ngày 07/11 mang tựa : "Covid-19 : Châu Á đã khống chế làn sóng dịch bệnh thứ hai như thế nào", đã ghi nhận rằng : "Một số quốc gia đã chứng kiến sự gia tăng các ca nhiễm, nhưng ở quy mô nhỏ hơn nhiều so với Châu Âu. Theo các chuyên gia, hiện tượng này có thể được giải thích bằng khả năng đáp ứng nhanh nhạy hơn và các biện pháp đối phó quyết liệt hơn".

Tạp chí Le Point ngày 04/11 không ngần ngại nói đến "Các bí quyết triệt để của Châu Á để tránh làn sóng Covid-19 thứ hai". Thông tín viên Le Point tại Hồng Kông đã so sánh : "Tại Pháp, mỗi biện pháp dù cực nhỏ, như đóng cửa các hiệu sách, giới nghiêm buổi tối… đều vấp phải sự phản đối, nhưng ở Châu Á lại không có tình trạng đó".

Ngay cả tạp chí Mỹ Atlantic ngày 16/10 cũng tư hỏi "Vì sao Châu Á xử lý dịch Covid-19 một cách hơn hẳn các nền dân chủ phương Tây ?"

Trên vấn đề này, ngày 04/11, Le Monde đã đăng tải ý kiến của Christophe Gaudin, giảng viên Khoa Học Chính Trị tại Đại Học Kookmin (Seoul), cho rằng tại Châu Á, hai nền dân chủ là Đài Loan và Hàn Quốc đã đối phó với dịch Covid-19 tốt hơn nhiều so với Trung Quốc và đó là hai tấm gương mà mọi người có thể học tập.

Về tình hình dịch bệnh tại khu vực Đông Á, Le Monde ghi nhận là ngay từ tháng Ba và tháng Tư, các nước chủ chốt ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á đã hạn chế gắt gao việc nhập cảnh và thiết lập những hàng rào kiểm tra y tế chặt chẽ tại các cửa khẩu, với biện pháp cách ly 14 ngày áp dụng một cách có hệ thống.

Tính đến nay, ngoài Trung Quốc có đến 4.739 người chết vì Covid-19, một con số vẫn còn bị tố cáo là không đúng với thực tế nghiêm trọng hơn nhiều, các nước còn lại đều ghi nhận số ca tử vong thấp hơn rất nhiều so với Châu Âu : Việt Nam (35), Thái Lan (59), cho đến Đài Loan (7), Hàn Quốc (475) và Nhật Bản (1.799).

Tại các nơi này, đợt dịch bùng lên vào mùa xuân đã bị khống chế rất tốt trong lúc làn sóng thứ hai hoặc đã bị nhanh chóng ngăn chặn, hoặc không xuất hiện. Một trong những lý do là các nước không hề hạ thấp cảnh giác từ mùa hè cho đến tận ngày nay.

Đối với Le Monde, thực tế cho thấy là các chủ trương không nới lỏng cảnh giác đã thành công : Cho dù dòng khách du lịch và doanh nhân đã cạn kiệt ở tất cả các quốc gia này, nhưng họ vẫn có thể tiếp tục cho kinh tế tiếp tục vận hành. Không chỉ cửa hiệu, hàng quán, cơ sở thể thao - văn hóa vẫn mở cửa, mà các nhà máy vẫn tiếp tục sản xuất.

Thậm chí Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam còn thấy ​​xut khu tăng vt t 6% lên 11% trong quý III so vi cùng k năm 2019, khi chưa có dch Covid-19, và c ba đều s tránh được suy thoái.

Đối mặt với tình trạng thiếu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ xã hội, Đài Loan vừa quyết định thu nhận nhân công nước ngoài và sẵn sàng tài trợ chi phí cách ly 14 ngày trong các trung tâm chuyên trách đối với các lao động thường đến từ Việt Nam, Philippines và Indonesia.

Tương phản rõ rệt với Châu Âu

Theo ghi nhận của Le Monde, chính sách chống dịch và cách ly tại các nước Châu Á rất chặt chẽ chứ không lỏng lẻo như tại Pháp nói riêng và Châu Âu nói chung.

Vào lúc chuẩn bị chấm dứt phong tỏa sau đợt dịch mùa xuân, Pháp đã từng nêu khả năng hai tuần cách ly bắt buộc đối với khách đến các sân bay của Pháp, nhưng trong thực tế, điều này không được áp dụng.

Công dân Pháp và người nước ngoài có thị thực hoặc giấy phép cư trú dài hạn, đã liên tục quay trở lại Pháp bằng các chuyến bay charter hoặc chuyến bay thương mại. Họ đến thẳng nước Pháp hoặc đi vòng qua các thủ đô của Châu Âu, và một số nước đã đến từ những nước nơi dịch Covid-19 đang hoành hành như Hoa Kỳ, Brazil hoặc Ấn Độ.

Theo Le Monde, nhiều người đã rất kinh ngạc lúc đặt chân đến Pháp khi thấy thiếu các biện pháp theo dõi y tế, mà họ chỉ cần viết một tờ khai danh dự là mình không có các triệu chứng, một tờ khai hiếm khi bị xét hỏi.

Tại Châu Á trái lại, kiểm soát ở các cửa khẩu rất nghiêm ngặt và việc cách ly được áp dụng rất chặt chẽ. Và đây là một chính sách quản lý được hỗ trợ bằng những biện pháp thích ứng. Ở Đài Loan, những người bị cách ly không có triệu chứng có thể tự cách ly ở nhà - với việc kiểm tra hàng ngày qua điện thoại, theo dõi bằng hệ thống định vị GPS và bị phạt rất nặng nếu vi phạm quy định cách ly.

Theo ông Pierre-Yves Baubry, làm việc tại văn phòng thông tin của chính phủ Đài Loan, các biện pháp cách ly hai tuần rõ ràng đã đóng một vai trò tích cực ngăn dịch bệnh bùng phát. Tại Hồng Kông, những người trở về từ nước ngoài cũng có thể tự cách ly ở nhà - nhưng phải đeo một chiếc vòng điện tử.

Đối với Le Monde, việc cách ly "cá nhân hóa" ít tốn kém hoặc ít gây phương hại đến các quyền tự do hơn so với các hình thức phong tỏa trên quy mô rộng lớn và lặp đi lặp lại như tại Châu Âu. Theo Le Monde, Châu Âu hoàn toàn có thể áp dụng một phương thức trung dung : những đợt cách ly ngắn hơn, kèm theo việc theo dõi những ca dương tính với những xét nghiệm thường xuyên.

Kinh nghiệm của Nhật Bản và Hàn Quốc

Nhật báo Le Parisien rất chú ý đến kinh nghiệm của Nhật Bản và Hàn Quốc, hai nước đã bị virus corona tấn công lần thứ hai vào mùa hè vừa qua nhưng đã kháng cự thành công. Tính theo tỷ lệ dân số, mức cao nhất của các ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày của hai nước này vào tháng 8 vừa qua thấp hơn gấp 50 lần so với mức hiện nay ở Pháp.

Theo ý kiến ​​ca các chuyên gia, điu này trước hết có thđược gii thích bng cách áp dng rt kp thời bộ ba "xét nghiệm, theo dõi, cô lập". Antoine Bondaz, chuyên gia về Châu Á tại Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp, nhận định : "Ngay cả một sự kiện nhỏ nhất cũng được phát hiện và kiểm tra ngay lập tức, và đó là yếu tố cơ bản. Chỉ cần một vài ca xuất hiện là hàng trăm người có thể bị xét nghiệm… Dân Châu Á phì cười khi thấy Pháp quyết định phong tỏa khi chỉ mới bị 40.000 ca nhiễm. Trong lúc tại Pháp, phong tỏa được thực hiện để tránh tình trạng quá tải trong các bệnh viện, tại Châu Á, người ta làm việc đó để chặn đứng đà lây lan của virus".

Để truy tìm các trường hợp nhiễm virus, một số quốc gia, trong đó có Nhật Bản, đã chọn phương pháp truy ngược về gốc, có nghĩa là truy tìm xem ai đã lây nhiễm cho một cá nhân bị xét nghiệm dương tính, thay vì chạy theo những người mà bệnh nhân này đã lây nhiễm sau đó. Phương thức đó cho phép phát hiện gốc tích của chuỗi truyền nhiễm và tìm ra những sự kiện đã phát tán dịch bệnh trên bình diện rộng.

Theo chuyên gia dịch tễ học Antoine Flahault, giám đốc Viện Y tế Toàn cầu ở Genève, phương pháp đó, kết hợp với việc cô lập nghiêm ngặt và có kiểm soát tất cả các ca dương tính được phát hiện, đã cho phép cắt đứt sớm nhiều dây chuyền truyền nhiễm trước khi virus lan rộng ra cộng đồng".

Mai Vân

Nguồn : RFI, 09/11/2020

Additional Info

  • Author Al Jazeera, Mai Vân, James Gallagher
Published in Diễn đàn