Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Một trận thắng thuyết phục của Việt Nam trước đối thủ Phillipines trong trận bán kết AFF cup diễn ra tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình.

Đây là chiến thắng đáng nhớ, bởi trước đó, hầu như các trận bán kết diễn ra trên sân này đều chỉ hòa và thua.

Nhưng điều đáng chú ý hơn là trước ngày diễn ra trận đấu, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã cho người di chuyển khoảng 40 quả bóng xích ở sân Mỹ Đình ra nơi khác, một cách để Việt Nam thắng theo cách rất… tâm linh.

xieng1

Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã cho người di chuyển khoảng 40 quả bóng xích ở sân Mỹ Đình ra nơi khác, một cách để Việt Nam thắng theo cách rất… tâm linh.

Điều càng đặc biệt hơn nữa, là những quả bóng xích là kết quả của quá trình chọn thầu không minh bạch vào hai thập niên trước, cái thời điểm mà chủ thầu đến từ Trung Quốc bỏ giá thầu cao hơn nhưng lại thắng.

Sau trận thắng nhiều người đặt câu hỏi là, có phải chính Trung Quốc đã ‘trấn yểm’ khiến cho nền bóng đá Việt Nam cứ mãi ngụp lặn trong ao bùn ? Cái giả thuyết này phần nào gỡ gạc cho sự tham nhũng và quan liêu bên trong bộ máy điều hành bóng đá Việt Nam, mà đại diện là VFF. Tuy nhiên, nó cũng gợi mở ra một giả thuyết thú vị về cái gọi là xiềng xích.

Nhà báo Phan Mai Lợi đăng tải trong group Góc nhìn báo chí – Công dân : Gỡ các quả bóng xiềng xích là có ngay chiến thắng. Thế mới hiểu vì sao cần chiến đấu cho tự do...

xieng2

Người Việt bị xiềng xích một cách vô hình về quyền tự do. Ảnh : minh họa

Một cách ám chỉ phá tan xiềng xích trong xã hội Việt Nam đương đại.

Xiềng xích là một cụm từ quan trọng của nền cách mạng Việt Nam, nhất là với những người cộng sản. Phá tan xiềng xích của thực dân tư bản, xiềng xích nô lệ để giải phóng dân tộc – những người cộng sản bằng khẩu hiệu này đã đổ vào cuộc chiến hàng vạn lớp thanh niên.

Nhưng giờ đây, khi hòa bình đã trôi qua 40 năm, nhiều người lại thấy một xiềng xích mới, xiềng xích của bạo tàn và dối trá. Chính xiềng xích này khiến cho xã hội dù được sơn phủ bởi lớp năng động là 'internet' cũng không giấu nỗi sự ì ạch bên trong.

Khác với Triều Tiên, Việt Nam đã đổi mới 20 năm qua, và internet len lỏi trong từng ngỏ ngách. Và cũng nhờ đó, xã hội Việt Nam không bị đông cứng như Triều Tiên, hay bị xếp lớp như xã hội Trung Quốc với bộ máy giám sát khổng lồ. Xã hội Việt Nam chuyển động, ngỏ ngách của xã hội bắt đầu được chú ý, và họ nhận ra, dối trá và bạo lực có ở mọi nơi.

Một trận cầu chiến thắng và ‘bão’ với sự hò hét, đua xe và những cái chết nằm lại tối ngày 6.12 và rạng 7.12 là hình tượng cho thấy, tính bạo lực và nổi điên trong mỗi con người. Nhưng khi ‘bão’ vì chiến thắng bóng đá, thì đồng thời sự dối trá lại hiện diện.

Dối trá về tự do.

Tự do của việc làm ‘loạn’ trong đêm chiến thắng thực ra là sự cởi bỏ dồn nén về việc ép chặt tự do trước đó.

Người Việt Nam chưa bao giờ có sự tự do đúng nghĩa hay thể hiện nó một cách đúng nghĩa. Sự dối trá và bạo lực ghìm chặt người Việt Nam trong một xã hội mà dòng chảy của quyền con người bị thắt cứng lại. Nếu đặt một cách hình tượng, thì quyền con người tại Việt Nam đã bị bạo lực và dối trá kết tội giảo hình.

Tác phẩm : ‘Đường về xiềng xích’ bởi Hilaire Belloc là tấm gương tương phản với 'Đường về nô lệ' của F. A. Hayek. Nhưng cả hai cũng ám chỉ một vấn đề : đó là sự tự do nhưng không tự do, mà là một biến thể của sự nô lệ tự do dưới bàn tay nhào nặn của nhà nước.

Người dân cứ xô bồ trong cái tự do mà nhà nước định nghĩa, nhưng không hiểu rằng, đó là sự tự do ràng buộc bởi xiềng xích, và họ chỉ có thua chứ không hề có thắng.

Xiềng xích ở Việt Nam khiến một nhóm dân Việt Nam trở nên mù quáng đến khó tin, họ từ chối sự minh bạch và tự do.

Cách đây không lâu, một nhóm thương binh và phụ nữ được chính quyền tỉnh Nghệ An triệu tập đội hình để tự do đấu tố một linh mục dưới mác 'lên án'.

Còn trên Facebook, sau chia sẻ của nhà báo Phan Mai Lợi, ông đã bị Facebooker Hong Quang xỉa xói : Bạn sang trung đông mà bắn nhau chiến đấu cho tự do

Hai nhóm người, dù khác nhau về độ tuổi, thậm chí là vị trí đứng trong xã hội, nhưng họ đều có điểm chung là từ chối sự tự do, và họ gián tiếp trở thành xiềng xích của dối trá, bạo lực và sự mê muội.

Một chiến thắng diễn ra chỉ bằng cách gỡ xiềng xích hữu hình, một dân tộc sẽ phát triển nếu gỡ bỏ xiềng xích vô hình. Nhưng điều này phải gia tốc, bởi sự ngu dốt và bạo lực đang ngự trị và thu hút đám đông mê muội, ngay cả với tầng lớp trung lưu.

Bà Phạm Đoan Trang trong bài phỏng vấn trên RFA đã không sai khi nhận định : Tầng lớp trung lưu Việt Nam không có khao khát dân chủ và tự do.

Nhưng cũng vì thế mà chúng ta cần chiến đấu cho tự do... Và tự do chưa bao giờ là miễn phí. Bao gồm cả việc gieo rắc sự tự do và nâng cao nhận thức của sự tự do bằng mạng xã hội Facebook.

Hoa Nghi

Nguồn : VNTB, 08/12/2018

Published in Diễn đàn