Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

dimanche, 25 octobre 2020 14:36

Pháp tăng cường quan hệ với ASEAN…

Pháp tăng cường quan hệ với ASEAN trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hãn

phap1

Tàu Vendemiaire của Hải quân Pháp tại một cảng ở Philippines ngày 12 tháng 3 năm 2018 - Reuters

Pháp trở thành đối tác của ASEAN

Tại cuộc họp thường niên tổ chức vào tháng 9 năm nay, Bộ trưởng Ngoại giao các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã chấp thuận việc Pháp mong muốn trở thành đối tác phát triển của tổ chức này. Bộ Ngoại giao Pháp đánh giá đây là một bước đi quan trọng trong việc tăng cường quan hệ của nước này với ASEAN và cùng chia sẻ tầm nhìn chung về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dựa trên sự bao trùm, tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế.

Chiều sâu hợp tác của Pháp trong phòng thủ và an ninh phản ánh sự đóng góp của nước này vào hòa bình và ổn định, đồng thời đem lại nền tảng cho một mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn với các cơ cấu phòng thủ của ASEAN. Cương vị mới của Pháp với tư cách là Đối tác phát triển của ASEAN mở đường cho sự cộng tác sâu rộng hơn vào thời điểm khi một số nước đang trở nên hướng nội.

Pháp là quốc gia nằm trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Những lợi ích kinh tế và chiến lược của Pháp trong khu vực làm cho nước này trở thành một bên tham gia cam kết với sự ổn định của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đây là lý do giải thích tại sao Pháp nỗ lực phát triển mối quan hệ đối tác với các nước châu Á-Thái Bình Dương cả ở cấp độ đa phương lẫn song phương.

Mục tiêu của Pháp là xây dựng các mối quan hệ hợp tác và kinh tế dài hạn với các quốc gia trong khu vực : Trong 10 năm qua, Cơ quan phát triển của Pháp đã hỗ trợ hơn 170 dự án trị giá hơn 4 tỷ euro ở các nước ASEAN để tăng cường phát triển bền vững. Ngoài ra, Pháp còn có một cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh và sự hiện diện của Pháp ở ASEAN đóng góp 20 tỷ euro trong đầu tư trực tiếp và 2.000 công ty cùng các chi nhánh của họ tạo ra 240.000 việc làm.

Chiến lược của Pháp về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Chiến lược của Pháp vì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bao trùm được công bố hồi năm 2018 có mục tiêu tăng cường sự can dự này trên mọi lĩnh vực. Vào thời điểm khi sự trỗi dậy kinh tế của khu vực châu Á tạo ra một thế giới với nhiều cơ hội và định hình các mối quan hệ quốc tế, Pháp đã quyết tâm tạo dựng đối tác với các quốc gia Đông Nam Á nhằm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và một môi trường ổn định cho mọi người.

Vị trí của khu vực này ngày càng có ý nghĩa chiến lược và ASEAN, theo nhiều cách thức, rất giống với Liên minh châu Âu (EU), đóng vai trò tập thể. Đối mặt với nguy cơ phân cực lớn hơn, cả ASEAN lẫn Pháp phải tăng cường hợp tác để đối phó với những thách thức toàn cầu hiện nay.

Pháp trước sau như một thể hiện rõ cam kết của họ đối với hòa bình và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Sự tham gia của nước này vào Đối thoại Shangri-La hàng năm ở cấp cao thể hiện điều đó.

phap2

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 2019 ở Singapore AFP

Các lực lượng vũ trang Pháp cũng có lịch sử tham gia các cuộc huấn luyện và tập trận chung với các đối tác Đông Nam Á, đặc biệt là với Lực lượng không quân Singapore. Các tàu hải quân và máy bay của Pháp được triển khai đều đặn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm tăng cường quyền tự do hàng hải và tự do hàng không, củng cố trật tự quốc tế dựa trên các nguyên tắc chia sẻ các giá trị của Pháp, ủng hộ chủ nghĩa đa phương và luật pháp dựa trên trật tự quốc tế, đồng thời hướng tới một thế giới an toàn hơn, dựa trên quản trị toàn cầu toàn diện.Những năng lực hoạt động này của Pháp cũng đóng một vai trò quan trọng trong an ninh hàng hải khu vực.

Pháp quan tâm đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì cho rằng họ là một cường quốc có chủ quyền trong khu vực trên cơ sở các vùng lãnh thổ và dân số của nước này (khoảng 1,6 triệu công dân Pháp đang sinh sống ở các vùng lãnh thổ hải ngoại ; hơn 200.000 công dân Pháp định cư tại các quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và 9/11 triệu km2 EEZ, khoảng 8.000 nhân viên quốc phòng đang đóng quân trên khắp khu vực). Đây cũng là một khu vực quan trọng đối với nền kinh tế Pháp : chiếm 60% dân số thế giới và 1/3 thương mại quốc tế. Hơn 1/3 kim ngạch xuất khẩu của nước này ngoài Liên minh châu Âu (EU) và hơn 40% kim ngạch nhập khẩu của nước này đến từ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Do đó, có thể nói mối quan hệ giữa Pháp và các quốc gia trong khu vực này được xây dựng trên cơ sở phụ thuộc về kinh tế.

Mặc dù các lợi ích của Pháp không trực tiếp bị đe dọa trong không gian Ấn Độ Dương Dương-Thái Bình Dương, nhưng nước này vẫn cần phải xác định một chiến lược quốc phòng hoàn chỉnh đối với khu vực này. Pháp cho rằng toàn cầu hóa làm gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau, và mọi mối quan hệ gần như ngay lập tức chịu ảnh hưởng của các sự kiện ở xa. Bất kỳ cuộc khủng hoảng nào ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đều để lại hậu quả trực tiếp đối với Pháp nói riêng và châu Âu nói chung.

Môi trường an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã chuyển biến theo hướng xấu đi trước tình trạng cạnh tranh gay gắt Trung-Mỹ, cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên, các mối đe dọa xuyên quốc gia, các cuộc xung đột lãnh thổ chưa được giải quyết và thậm chí là cả vấn đề hậu quả an ninh của biến đổi khí hậu trong thời gian qua. Bên cạnh đó, việc tất cả các quốc gia trong khu vực gia tăng các biện pháp quân sự có khả năng làm tăng nguy cơ leo thang. Điển hình là trường hợp Trung Quốc đang gia tăng các hành động trên biển Đông, khiến an ninh khu vực này biến đổi theo chiều hướng tiêu cực. Sự căng thẳng này có thể lan sang Ấn Độ Dương.

Hiện nay, Pháp đặc biệt quan ngại trước việc các quốc gia tăng cường đe dọa sử dụng vũ lực - cho dù đó là các phương tiện quân sự thông thường, lực lượng dân quân hay lực lượng bán quân sự, hoặc biến các lĩnh vực như không gian và kỹ thuật số thành lĩnh vực đối đầu. Mối đe dọa này chỉ làm gia tăng hiện tượng phân chia lợi ích giữa các quốc gia trong một khu vực vốn không có sự đồng nhất về tham vọng chính trị. Trong bối cảnh địa chiến lược không ngừng thay đổi này, tham vọng trên hết của Pháp là tăng cường mối quan hệ hợp tác với các quốc gia trong một khu vực rộng lớn. Pháp cũng muốn gia tăng ảnh hưởng và khả năng hành động của họ để duy trì môi trường an ninh thuận lợi cho các hoạt động kinh tế và chính trị của họ cũng như của các đối tác.

Tham vọng lớn của Pháp là tập trung nỗ lực vào việc đảm bảo sự tôn trọng đối với luật pháp quốc tế, như quy định về quyền tự do hàng hải và hàng không, nguyên tắc không phổ biến vũ khí hạt nhân và tăng cường thúc đẩy tiến trình đối thoại và thống nhất đa phương.

Thông qua việc triển khai lực lượng thường xuyên, Pháp cũng tham gia việc bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không. Mặc dù sự hiện diện quân sự của Pháp rất quan trọng nhưng vẫn bị giới hạn về quy mô ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. An ninh tập thể nhất thiết phải được đảm bảo trên cơ sở sự can dự của nhiều đối tác. Đây là lý do giải thích vì sao Pháp cam kết giúp châu Âu tăng cường sự hiện diện của họ ở lĩnh vực này. Khả năng hành động của Pháp tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở ra một cơ hội để huy động các đối tác châu Âu của Pháp trong một khu vực mà đa số đều có lợi ích.

Mỹ là đồng minh lịch sử và đối tác truyền thống của Pháp ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, do sự thống nhất về lợi ích quốc phòng và an ninh cũng như mức độ tương tác cao giữa lực lượng của hai nước. Pháp liên kết với Ấn Độ, Australia và Nhật Bản bởi một cộng đồng chung lợi ích và giá trị cho phép những nước này duy trì quan hệ hợp tác quốc phòng sâu rộng, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp và hàng hải. Khi sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực gia tăng, nhu cầu duy trì đối thoại với nước này cũng rất quan trọng.

Với tất cả các đối tác của mình tại khu vực Đông Nam Á, chiến lược quốc phòng của Pháp chú trọng đặc biệt đến hợp tác hàng hải. Pháp muốn tăng cường quan hệ đối tác song phương và khu vực ở khía cạnh "Nhận thức về các vấn đề hàng hải - MDA".

Chiến lược của Pháp phản ánh ảnh hưởng của cuộc cạnh tranh chiến lược Trung-Mỹ đối với sự cân bằng an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc làm thay đổi hoàn toàn sự cân bằng giữa các nhóm nước trong khu vực và dẫn đến sự thay đổi sức mạnh của lực lượng Mỹ. Nguy cơ là các đối thủ cạnh tranh lớn sẽ được khuyến khích tăng cường các hành động đơn phương và giảm bớt các hình thức hợp tác đa phương. Ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tình trạng không tuân thủ pháp luật và thiếu sự đồng thuận đa phương về những điều kiện liên quan đến quyền tiếp cận và sử dụng các không gian chung buộc Pháp phải tìm kiếm các giải pháp đối tác chiến lược để đối phó.

Là cường quốc hàng hải chịu trách nhiệm về EEZ lớn thứ hai trên thế giới, Pháp trên thực tế đã nhiều lần lên tiếng về tầm quan trọng của việc tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), đặc biệt là quyền tự do hàng hải và hàng không. Pháp thường xuyên tiến hành các hoạt động tự do hàng hải và hàng không ở bất cứ nơi nào khi cần thiết, kể cả ở biển Biển Đông. Pháp cũng đặc biệt chú ý tôn trọng luật pháp quốc tế bởi các hoạt động cải tạo và quân sự hóa các quần đảo trong khu vực này đã làm thay đổi hiện trạng và làm gia tăng căng thẳng. Pháp muốn tránh tình trạng việc đã rồi của Trung Quốc, không muốn để điều này tái diễn ở các khu vực khác như Bắc Cực hay Địa Trung Hải.

Hợp tác về an ninh và quốc phòng, Pháp triển khai với các nước ASEAN với tư cách là quan sát viên của Tổ chức Cảnh sát các nước Đông Nam Á (ASEANAPOL), cũng như việc triển khai các dự án với tư cách là đối tác phát triển của ASEAN hay tư cách quan sát viên tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tại các nhóm làm việc về an ninh hàng hải và hoạt động gìn giữ hòa bình. Pháp chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến an ninh hàng hải và môi trường, góp phần hỗ trợ các chiến dịch gìn giữ hòa bình và đấu tranh phòng chống tội phạm có tổ chức như chống buôn bán ma túy, nạn buôn người và đánh bắt cá bất hợp pháp, cướp biển, khủng bố và cực đoan đe dọa khu vực. Về an ninh hàng hải, Hải quân Pháp triển khai đều đặn tàu đến khu vực nhằm khẳng định ủng hộ của Pháp với tự do hàng hải và hàng không phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển.

Pháp cũng đã thiết lập quan hệ đối tác quan trọng với các quốc gia Đông Nam Á, trước hết là Singapore, Malaysia và Indonesia. Trong khu vực này, Pháp mong muốn hỗ trợ tăng cường quyền tự chủ chiến lược của các đối tác và góp phần củng cố cấu trúc an ninh hiện có. Trong bối cảnh này, Pháp tập trung hỗ các hành động của châu Âu trên danh nghĩa là một đối tác có ảnh hưởng trước những thách thức an ninh ở châu Á.

Việt Nam vốn là cựu thuộc địa của Pháp ở khu vực Đông Nam Á, cả hai quốc gia đều là thành viên trong khối Pháp ngữ. Hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2013.

Hợp tác kinh tế là lĩnh vực đạt được nhiều dấu ấn trong quan hệ song phương Việt – Pháp. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Pháp đã tăng hơn 3 lần từ khoảng 1,6 tỷ USD vào năm 2009 lên 5,3 tỷ USD vào năm 2019 (đứng thứ 3 tại châu Âu chỉ sau Đức và Hà Lan). Về đầu tư trực tiếp, tính lũy kế đến hết tháng 5 năm 2020, Pháp đang có 588 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đạt 3,56 tỷ USD, đứng thứ hai trong số các nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam (sau Hà Lan).

Pháp đang thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực quốc phòng. Pháp là nước phương Tây đầu tiên có tùy viên quốc phòng tại Việt Nam (1991). Thỏa thuận khung giữa hai nước được ký vào năm 1997. Nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pháp (11/2009), hai bên đã ký "Thỏa thuận giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nước CHXHCN Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Cộng hòa Pháp về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng".

Quan hệ hợp tác quốc phòng Việt-Pháp ngày càng phát triển : trao đổi đoàn thường xuyên, tổ chức họp tham mưu hàng năm, đối thoại an ninh, hỗ trợ xuất khẩu trang thiết bị khí tài, đào tạo sĩ quan, chiến hạm của Hải quân Pháp cập cảng Việt Nam. Một số lĩnh vực hợp tác mới cũng được mở ra (an ninh mạng, trao đổi chiến lược bản đồ quân sự, huấn luyện tiền triển khai cho các lực lượng chuẩn bị tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ, công nghiệp quốc phòng và trang bị, quân y, trao đổi kinh nghiệm giữa các quân binh chủng, thủy đạc...).

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hoà Pháp từ ngày 15 đến 20/9/2018, chiều 17/9/2018, tại trụ sở Bộ Quân đội Pháp, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Việt-Pháp đã ký Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giai đoạn 2018-2028 ; Thoả thuận sửa đổi Thoả thuận về hợp tác quốc phòng Việt-Pháp được ký năm 2009.

Gần đây, Pháp cùng với Đức và Anh đã gửi Công hàm lên LHQ để thể hiện quan điểm của "tam cường" về vấn đề biển Đông, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của UNCLOS và việc đảm bảo tự do hàng hải, tự do hàng không và duy trì luật pháp quốc tế tại khu vực này.

Những thách thức đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hiện nay đòi hỏi phải có nhiều hành động tập thể, hợp tác quốc tế, chủ nghĩa đa phương, cũng như tầm nhìn toàn cầu, vì những tác động có thể xảy đến mang tính phụ thuộc lẫn nhau. Đây là ý nghĩa trong chiến lược của Pháp ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Nguyễn Trường

Nguồn : RFA, 25/10/2020

Additional Info

  • Author Nguyễn Trường
Published in Diễn đàn