Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nhân vụ Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc :

Chúng ta đã và đang thực sự mất nước

Trước khi vào đề :

Người Tàu dù là Trung Quốc hay Tàu Cộng, Tàu thời Nhà Hán, Nhà Đường, Nhà Tống, Nhà Minh…, Tàu ở thời nào đi chăng nữa cũng vẫn là người Tàu, vẫn mãi mãi là tham lam, tàn bạo và hiểm độc. Đó là điều đầu tiên chúng ta cần ghi nhớ trước khi bàn về vấn đề này. Chuyện người Tàu thường xuyên tìm cách xâm chiếm Việt Nam với những mưu toan mỗi ngày một tinh vi thâm độc hơn trong lịch sử hiện đại là chuyện thường trực xảy ra từ lâu rồi nhưng nhiều người vì dễ tính, dễ quên nên chỉ nhớ lõm bõm. Vì vậy tác giả xin được kính gửi tới bạn đọc một bài viết không lâu trước đây của tác giả để bạn đọc có dịp nhớ lại cho chính xác, đầy đủ hơn.

Đúng ra đây là phần tóm lược bài thuyết trình tác giả trình bày tại buổi hội thảo mang chủ đề "38 năm nhìn lại : Hiện tình và tương lai Việt Nam" do Hội Ái Hữu Bưởi – Chu Văn An Nam California tổ chức ngày 14 tháng 7 năm 2013 tại Coastline Community College, Thành Phố Westminster, California, Hoa Kỳ.

pcd1

Ảnh thuyết trình đoàn, từ trái sang phải : giáo sư Trần Lam Giang, giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, giáo sư Lưu Trung Khảo, giáo sư Phạm Cao Dương và giáo sư Trần Huy Bích tại Little Saigon, California, ngày 14/07/2013.

Bài viết tuy được thực hiện từ 5 năm trước, từ đó đến nay nhiều biến cố quan trọng đã xảy ra, nhưng những gì được nêu lên vẫn còn nguyên những giá trị căn bản liên quan đến nguổn gốc sâu xa của vấn đề, của nó, đặc biệt là tham vọng và chủ trương bành trướng không bao giờ thay đổi của người Tàu dù là Tàu nào đi chăng nữa và như tác giả kết luận : Chính nghĩa của Người Việt quốc gia ngay từ những ngày đầu, từ thời Chính phủ Trần Trọng Kim hồi năm 1945, xuyên qua Quốc gia Vìệt Nam của Quốc trưởng Bảo Đại thời trước năm 1954, rồi Đệ Nhất, Đệ Nhị Cộng Hòa ở Miền Nam luôn luôn là đúng. Sự toàn vẹn lãnh thổ đã luôn luôn được coi là trọng và được nỗ lực bảo toàn.Lịch sử đã chứng minh điều này.

"Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di"

Lời Vua Lê Thánh Tông dụ bọn Kiến Dương Bá Lê Cảnh Huy năm 1473

"Chúng ta phải giành cho được Đông Nam Châu Á bao gồm cả miền nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Ma-lai-xi-a và Xin-ga-po. Một vùng như Đông-nam Châu Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản… xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy… Sau khi giành được Đông-nam Châu Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô-Đông Âu, gió đông sẽ thổi bạt gió tây".

"Chúng ta phải chinh phục trái đất. Mục tiêu của chúng ta là toàn thể trái đất"

Mao Trạch Đông tuyên bố trước Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc năm 1959

Nói về hiện tình đất nước ở vào thời điểm 2013 mà không nói tới tham vọng và cuộc xâm lăng của người Tàu, cuộc xâm lăng mới nhất, đang xảy ra trên lãnh thổ của nước ta là một điều vô cùng thiếu sót. Vì vậy thay vì góp thêm nhận định về hiện trạng kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục ở trong nước hiện tại, tôi xin phép Ban Tổ Chức và toàn thể quý vị cho tôi được nói đôi chút về đề tài nóng bỏng này, đề tài tôi tạm gọi là "Chúng ta đã và đang thực sự mất nước".

Vì thời giờ có hạn, tôi chỉ xin nói ra những điểm chính. Sau buổi hội thảo ngày hôm nay tôi sẽ xin ghi lại những chi tiết đầy đủ hơn và sẽ xin gửi tới quý vị sau. Cũng vì thì giờ có hạn, tôi sẽ không nói tới hay đúng ra không nói nhiều về Biển Đông với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Đường Lưỡi Bò của Trung Quốc và những gì đế quốc mới này đã và đang làm ở trong vùng biển này như thành lập Thành Phố Tam Sa, thiết lập các cơ cấu hành chánh, chánh trị, quân sự, đưa các tàu hải tuần xuống đe dọa các quốc gia liên hệ chặn bắt, các tàu đánh cá của ngư dân, đặc biệt là ngư dân Việt Nam… Lý do là vì tất cả đã trở thành đề tài thời sự thế giới, được nói tới gần như hàng tuần và luôn cả hàng ngày trên các đài phát thanh, các đài truyền hình quốc tế cũng như các đài phát thanh, đài truyền hình của người Việt, trên các trang mạng từ nhiều năm nay và đương nhiên trong những buổi gặp gỡ giữa anh em, bạn bè chúng ta.

Tôi cũng không nói hay nói rất ít về bản "Tuyên cáo về việc Nhà cầm quyền Trung Quốc liên tục có những hành động gây hấn, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam trên Biển Đông", ngày 25 tháng 6 năm 2011 và bản "Kiến nghị về Bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình hiện nay" của các nhân sĩ, trí thức nổi tiếng ở trong nước gửi Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam ngày 10 tháng 7 cùng năm và nhiều kiến nghị khác mà mọi người đều biết trước là sẽ không bao giờ được trả lời hay chỉ được trả lời quanh co hay gián tiếp.

Tôi cũng không nói hay nói rất ít về lối trả lời gián tiếp các nhà trí thức kể trên của Đảng cộng sản Việt Nam xuyên qua một bài báo đăng trên tờ Đại Đoàn Kết theo đó những người cầm quyền ở Việt Nam hiện tại đã tỏ ra vô cùng lúng túng trước câu hỏi về bản công hàm của Phạm Văn Đồng nhân danh Thủ tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa gửi Chu Ân Lai, Chủ tịch Quốc Vụ Viện nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, ngày 14 tháng 9 năm 1958. Đây là lần đầu tiên những người cầm đầu Đảng cộng sản Việt Nam, đã thừa nhận là họ đã lựa chọn nhường các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc để đổi lấy sự giúp đỡ của Trung Quốc trong cuộc xâm chiếm Miền Nam bằng vũ lực của họ sau đó. Đây cũng là lần đầu tiên họ, những người cầm đầu Đảng cộng sản Việt Nam, công nhận các chính phủ Quốc gia Việt Nam thời Quốc trưởng Bảo Đại và sau đó là Việt Nam Cộng Hòa là những chính phủ hợp pháp có trách vụ quản trị các quần đảo này theo Hiệp Định Genève cũng như những nỗ lực không thể chối cãi mà những chính phủ quốc gia này đã làm để bảo vệ các quần đảo này trong suốt thời gian các chính phủ này tồn tại.

Lý do chính yếu khiến tôi không nói hay chỉ nói rất ít về những sự kiện kể trên là vì tất cả hiện thời đang xảy ra ở Biển Đông và các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mới chỉ là diện, là bề ngoài, là mới chỉ là bắt đầu. Tất cả rồi cũng sẽ được giữ nguyên trạng trong một thời gian dài và dù muốn hay không Hoàng Sa cũng đã mất rồi, còn Trường Sa thì cũng mất nhiều phần, còn nhiều thế hệ nữa Việt Nam mới có thể lấy lại được hay có cơ hội lấy lại được. Trung Hoa cộng sản trong mọi hoàn cảnh cũng đã chiếm được và giữ được những phần quan trọng kể từ sau khi họ chiếm Hoàng Sa từ trong tay Việt Nam Cộng Hòa hồi tháng Giêng năm 1974 trong sự im lặng, đồng lõa của chính quyền cộng sản Hà Nội. Cái giá để cho Đảng cộng sản Việt Nam xâm chiếm miền Nam và thống nhất đất nước ta bằng võ lực phải nói là quá đắt cho dân tộc Việt Nam và cho chính họ.

Hoàng Sa, Trường Sa hay rộng hơn Biển Đông chỉ là những gì nổi bật bề ngoài, là cái diện ai cũng có thể thấy được trong tiến trình mất nước của dân tộc Việt Nam đầu Thế Kỷ 21 này. Vậy thì cái điểm nằm ở đâu ? Thưa quí vị, nó nằm ngay trên đất liền, trên lãnh thổ của chính quốc Việt Nam. Nó nằm rải rác ở khắp lãnh thổ nước ta chứ không riêng ở biên giới phía bắc, đành rằng ở biên giới phía bắc, người ta đã ghi nhận những sự nhổ và lui cột mốc, sự mất ba phần tư Thác Bản Giốc, những sự chiếm giữ các cao điểm có tính cách chiến lược từ trước và sau trận chiến 1979 giữa hai đảng cộng sản Á Châu và có thể từ xa hơn nữa, từ đầu thập niên 1950, khi cộng sản Việt Nam mở cửa biên giới phía bắc để nhận viện trợ của Trung Quốc nhằm tiếp tục cuộc chiến tranh chống Pháp và gián tiếp chống lại chính quyền Quốc gia Việt Nam lúc đó đã được thành lập bởi cựu hoàng Bảo Đại. Những thắc mắc về sự mất mát này cho tới nay vẫn chưa được hoàn toàn giải tỏa dầu cho đã được nhiều người đòi hỏi. Tôi sẽ nói thêm ở phần cuối về vấn đề này.

Có điều là đến giờ thì hai bên đã ký kết những thỏa ước và những cột mốc mới đã khởi sự được "cắm" rồi. Những điểm này tuy nhiên chỉ là ở dọc vùng biên giới. Quan trọng hơn và nguy hiểm hơn, bức thiết hơn là những điểm, mà không phải là điểm hiểu theo ý nghĩa đen của danh từ, nằm sâu ngay trong lãnh thổ của tổ quốc Việt Nam, dưới quyền quản lý của chính quyền cộng sản hiện tại nhưng vượt ra ngoài sự kiểm soát của chính quyền này. Những điểm vừa cố định, nằm nguyên một chỗ, vừa di động khắp nơi trên lãnh thổ, điển hình là những mỏ bauxite trên cao nguyên, những khu rừng đầu nguồn nằm ở cửa ngõ của những vùng biên giới Việt-Trung và Lào-Việt, những khu vực trúng thầu, những địa điểm thu mua các nông sản, những vùng nông dân bỏ trồng lúa, trồng khoai, những trại nuôi cá, điển hình là trại nằm không xa quân cảng Cam Ranh là bao nhiêu mà các nhà cầm quyền địa phương sau cả gần chục năm không hề biết, những khu phố kiểu Đông Đô Đại Phố ở Bình Dương… Tất cả đã trở thành những "thực dân địa", những "colonies" của người Tầu ngay trong lòng của lãnh thổ Việt Nam, nơi những ủy ban nhân dân vẫn còn làm chủ.

Nói cách khác, theo lời của các tác giả của Bản "Kiến nghị về bảo vệ và phát triển đất nước…" ngày 10 tháng 7 năm 2011 mà tôi đã dẫn trên đây thì "…mặt trận nguy hiểm nhất đối với nuớc ta mà Trung Quốc muốn dồn quyền lực và ảnh hưởng để thực hiện, đó là : thâm nhập, lũng đoạn mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa của nước ta. Đó là mặt trận vừa uy hiếp, vừa dụ dỗ nước ta nhân danh cùng nhau gìn giữ ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, gây chia rẽ giữa nhân dân ta và chế độ chính trị của đất nước, vừa lũng đoạn nội bộ lãnh đạo nước ta, làm suy yếu khối đại đoàn kết thống nhất của dân tộc ta, làm giảm sút khả năng gìn giữ an ninh và quốc phòng của nước ta. Đánh thắng nước ta trên mặt trận nguy hiểm nhất này, Trung Quốc sẽ đánh thắng tất cả".

Nói cách khác đó là chiến lược dùng quyền lực mềm thọc sâu vào lãnh thổ Việt Nam để nhẹ ra là đưa Việt Nam đến chỗ phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc, còn nặng ra là chiếm luôn cả nước.Đến lúc đó thì Hoàng Sa, Trường Sa và Đường Lưỡi Bò đương nhiên sẽ trở thành biển đảo của Trung Quốc.

Hãy tưởng tượng ngay trên Cao Nguyên Miền Nam, địa điểm chiến lược quan trọng nhất đã chi phối toàn bộ an ninh của miền nam Việt Nam và sự thống nhất của lãnh thổ quốc gia trong quá khứ, trong một khu vực rộng lớn, nằm ngoài sự kiểm soát của cả chính quyền trung ương lẫn chính quyền địa phương của người Việt, là một khu vực dành riêng cho người Tầu, không ai được nhòm ngó, không ai được ra vào. Họ được tự do mang người của họ vô, mang người của họ ra, được chở đồ của họ vô, chở đồ của họ ra một cách tự do, thong thả không qua một sự kiểm soát nào. Những người này là những người nào ? những đồ này là những đồ gì ? Làm sao biết được, ai mà biết được… cho đến biến cố tầy trời nổ ra ?

Cũng vậy, ở những khu rừng đầu nguồn và ở những địa điểm của những công trình xây cất có tính cách căn bản nhằm cung cấp điện năng, khoáng sản, dầu khí…những lãnh vực thuộc loại tối quan trọng liên hệ tới an ninh của quốc gia.nhìn vào con số 90% các "gói thầu" thuộc loại này được mở ra ở trong nuớc đã lọt vào tay các nhà thầu Trung Quốc. Nhiều gói lên tới hàng tỷ Mỹ kim với những món tiền lót tay không phải là nhỏ, từ 10% đến 15% tiền thầu. Hậu quả là những công trình do họ thực hiện phần lớn có phẩm chất kém, thời gian thi công kéo dài trong khi các nhà thầu Việt Nam, vì không đủ vốn, không đủ thế lực chỉ còn bất lực, đứng bên lề các đại công trường trên đất nước mình.

Nhưng nguy hiểm hơn hết vẫn là nạn nhân công người Tầu do chính các chủ thầu người nước họ mang sang để lao động thay vì các nhân công bản xứ. Ở khắp nơi, từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Đồ Sơn đến Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, đến Đà Nẵng rồi vô tới Bình Dương và Cà Mau… chỗ nào có nhân công người Tầu đều có những khu cư xá riêng cho họ, kèm theo là các chợ búa, các cửa hàng, các trung tâm dịch vụ, các nhà nghỉ, các quán cà phê, karoke mang chữ Tàu… để phục vụ cho họ. Người Việt Nam không riêng chỉ có thể đứng nhìn mà còn trở thành nạn nhân của tất cả những tệ hại do họ gây ra như ăn uống, nhậu say không trả tiền, phá phách, tiểu bậy, trêu gái, đánh lộn, kéo hàng trăm người đánh hội đồng người bản xứ khi có tranh chấp…

Những người Tầu được gửi sang Việt Nam để lao động kể trên thuộc thành phần nào ? Họ có phải thuần túy là dân lao động có tay nghề hay là những quân nhân thuộc những đơn vị đặc biệt, những đặc công tình báo được gửi sang để thực hiện một mưu đồ hiểm độc lâu dài hơn ? Hiện tại chưa có gì là rõ ràng mà chỉ là ức đoán. Có điều là họ hiện diện ở khắp nơi trên toàn quốc Việt Nam mà các nhà cầm quyền từ trung ương đến địa phương đều đã không kiểm soát được hay làm lơ không kiểm soát. Mặt khác, nếu nhìn vào những gì Trung Quốc đã làm ở Tân Cương, ở Mông Cổ và luôn cả ở Tây Tạng trong thời gian gần đây thì không ai là không khỏi lo ngại. Tỷ lệ số người gốc Hán ở các xứ này đã tăng gia dáng kể và sự cạnh tranh cũng như kỳ thị với sự thiên vị của nhà cầm quyền đã gây nên những cuộc bạo loạn trầm trọng. Liệu Việt Nam có thể tránh khỏi tình trạng đang xảy ra cho các nước này hay không ? Ta không được biết, nhưng chỉ nhìn vào miền cao nguyên với các công trình khai thác bauxite, với lượng nhân công gốc Tầu đông đảo, phần lớn là những thanh niên chưa có hay không có vợ, hậu quả của nạn giới hạn hai con của chính quyền Trung Quốc người ta không thể không lo ngại cho tương lai của miền đất chiến lược quan trọng bậc nhất của đất nước Việt Nam này, miền đất mà Hoàng đế Bảo Đại coi trọng đặc biệt với danh xưng Hoàng Triều Cương Thổ. Những thanh niên này sẽ lấy các thiếu nữ Thượng, sẽ sinh con đẻ cái và tất cả sẽ trở thành công dân xứ Thượng. Nếu điều này xảy ra thì rất là êm thắm, chỉ trong vòng hai thế hệ hay ba chục năm, chưa tới năm mươi năm, thời gian thuê các rừng đầu nguồn với giá rẻ mạt, những người Thượng gốc Tàu sẽ trở thành chủ nhân của các cao nguyên và qua một cuộc đầu phiếu êm ả và hợp pháp, miền đất rộng lớn, nhiều tài nguyên này sẽ trở thành của Tầu và biết đâu qua một tiến trình tương tự toàn bộ cả nước Việt Nam sẽ trở thành một tỉnh mới của nước Tầu, tỉnh Quảng Nam rộng trên ba trăm ngàn cây số vuông hay hơn nữa nếu bao gồm cả hai nước Lào và Căm bốt, sau hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, biên giới phía nam nước Tầu sẽ được mở rộng tới Vịnh Thái Lan về phía nam và về phía tây, tới bờ sông Cửu Long. Đó chính là ước mơ của những người tự nhận là Đại Hán mà suốt một ngàn năm vừa qua họ không đạt được.

Điều này không phải là không thể đến cho dân tộc Việt Nam, dân tộc Lào và dân tộc Căm-pu-chia trong nửa thế kỷ tới. Tất cả sẽ có thể xảy ra một cách bất ngờ "trước khi người lính của chúng ta được quyền nổ súng" nói theo lời của một tướng lãnh của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam trong một đoạn video được phổ biến rất rộng rãi và trong một thời gian dài trước đây. Chỉ tiếc là tính cách chính xác của đoạn video này cho tới nay chưa được phối kiểm. Vị tướng lãnh này là Trung tướng Phạm Văn Di, Chính ủy Quân Đoàn 7 của quân đội này.

Những gì tôi kể ra trên đây chỉ là những gì dễ thấy và được nhiều người thấy. Còn có nhiều hiện tượng khác tiềm ẩn hơn, thâm độc hơn do người Tàu cố ý gây ra như nạn hàng hóa rẻ tiền, thiếu phẩm chất của họ tràn ngập Việt Nam trong đó có những hàng độc hại, những thực phẩm có chứa các hóa chất gây bệnh chết người hay làm hại cho sức khoẻ cho loài người nói chung mà ảnh hưởng sẽ kéo dài trong nhiều thế hệ. Việc người Tàu xây hàng loạt nhiều đập trên thượng nguồn sông Cửu Long và sông Hồng Hà đe dọa sự an toàn và phong phú của các đồng bằng Châu thổ của các sông này, từ đó đe dọa cuộc sống của nhiều chục triệu người dân ở đây cũng là những hiện tượng người ta cần chú ý. Chưa hết, chuyện Trung Quốc tung tiền ra và đứng sau hai nước ở phía tây Việt Nam là Căm Bốt và Lào cũng đã và chắc chắn sẽ còn gây ra rất nhiều khó khăn cho Việt Nam mà những gì Căm Bốt đã làm trong Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN vừa qua là một bằng cớ, y hệt những gì cộng sản Bắc Việt đã gây ra cho Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc chiến tranh vừa qua.
Trên đây mới chỉ là hiểm họa do người Tàu từ phương bắc đem tới.

Còn có những hiểm họa khác do chính những người lãnh đạo ở Việt Nam hiện tại vì tham lam, vì trình độ hiểu biết kém cỏi, vì kiêu căng, vì mang bệnh thành tích… đã và đang gây ra cho chính dân tộc mình. Tôi muốn nói tới việc xây dựng bừa bãi và cẩu thả các đập thủy điện ở khắp nơi mà Sông Tranh 2 chỉ là một trường hợp điển hình. Nguy hiểm hơn nữa là việc xây dựng các nhà máy phát điện hạch tâm, khởi đầu là ở Phan Rang, bất chấp những kinh nghiệm khủng khiếp của người Nga ở Chernobyl, người Nhật ở Fukushima hay những sự thận trọng của người Pháp, người Đức, người Mỹ khi những người này quyết định cho đóng cửa hay ngưng hoạt động các lò điện này ở nước họ.

Nga, Nhật, Mỹ, Pháp, Đức… là những nước giàu có, tiền bạc nhiều, lại có những nền khoa học và kỹ nghệ cao, những chuyên viên giỏi, những người thợ có kinh nghiệm và vững tay nghề mà còn thận trọng tối đa như vậy, còn Việt Nam mình thì mặc dầu còn kém cỏi về đủ mọi mặt nhưng đã bất chấp tất cả. Người ta đã không đếm xỉa gì đến sự cảnh cáo của dư luận quốc tế cũng như quốc nội, Giáo sư Phạm Duy Hiển ở trong nước, Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn ở bên Pháp, những chuyên viên thượng thặng của người Việt đã hết lời can ngăn và đã viết nhiều bài điều trần với những lời lẽ vô cùng thống thiết nhưng không ai để mắt, để tai tới… cho đến khi đại họa xảy ra thì mọi sự đã quá muộn. Nên nhớ là với Fukushima, người Nhật chỉ riêng để làm sạch miền biển liên hệ đã phải bỏ ra nhiều tiền bạc, công sức và dự trù sẽ phải để ra bốn mươi năm mới thực hiện nổi.

Tham nhũng và nhất là bệnh thành tích phải chăng là nguồn gốc của đại nạn này ? Việt Nam phải là nhất, là cái gì cũng có, nhất là ở thời đại Hồ Chí Minh, Đỉnh cao của trí tuệ loài người. Cuối cùng chỉ tội nghiệp cho người Chàm vì địa điểm thiết lập những nhà máy này chỉ cách Tháp Chàm có năm cây số. Nếu chuyện gì xảy ra, con số hơn một trăm ngàn người còn sót lại của một dân tộc đã một thời hùng cứ ở miền trung và miền nam Trung Phần Việt Nam, có thời đã đánh bại người Việt, tràn ngập kinh đô Thăng Long, với một nền văn hóa giàu về hình tượng, nơi xuất thân của nhiều ca nhạc sĩ gốc Chàm sẽ một lần nữa bị tiêu diệt và lần này chắc chắn là lần chót. Nên biết thêm là nhà cầm quyền ở Việt Nam hiện dự trù sẽ thiết lập tổng cộng từ 8 đến 10 nhà máy điện hạch tâm, phần lớn là ở miền Trung mà Phan Rang chỉ là khởi đầu với 2 nhà, mỗi nhà 2 lò. Tất cả đều là mua của Nhật, Nga và luôn cả Đại Hàn sau các cuộc thăm viếng của các nhà lãnh đạo Đảng và chính phủ. Họ viện cớ là các nhà sản xuất đều nói là các lò họ làm là an toàn một trăm phần trăm nhưng ai mà tin được những kẻ ở giữa ăn huê hồng từ những hợp đồng tính từ 3 tỷ, 5 tỷ, 10 tỷ Mỹ Kim trở lên. Nếu chẳng may những vụ rò rỉ hay phát nổ của các lò xảy ra như ở Chernobyl hay Fukushima xảy ra thì một phần ba dân số cả nước, phần ba dân số bị coi là có quê hương "đất mặn đồng chua", là "đất cày lên sỏi đá", là "nghèo lắm ai ơi" với "mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn", nơi "Trời làm cơn lụt mỗi năm, khiến đau thương lan tràn, ngập Thuận An…", bây giờ lại bị đe dọa có thêm một đại nạn mới do chính các nhà lãnh đạo của nước mình gây ra treo sẵn trên đầu.

Trên đây chỉ là một số những gì đã và đang xảy ra trên đất nước Việt Nam của chúng ta mà mọi nguời ít nhiều còn quan tâm tới quê hương của mình, của ông cha mình đều nhận thấy. Còn rất nhiều chuyện khác lớn hơn, quan trọng hơn và có tính cách chiến lược hơn như sự lệ thuộc về chính trị, về kinh tế và luôn cả về văn hóa của Việt Nam vào Trung Quốc, nhất là việc cấm đoán người dân không được tỏ thái độ dù cho chỉ là để bày tỏ lòng yêu nước của mình, giam cầm, bắt bớ hành hạ, không cho họ biết tới những gì đã thực sự xảy ra liên hệ tới sự thịnh suy, tồn vong của quê hương và dân tộc họ. Đa số người dân đều mù tịt và vì mù tịt nên đa số đều dửng dưng, nếu không nói là vô cảm. Nhiều người đã ví giai đoạn mất nước và luôn cả diệt vong của dân tộc Việt Nam như một người đang hấp hối với cái chết từ bàn chân đã lên tới đầu gối và đang từ từ lên dần cho đến khi miếng bông đặt trên mũi đương sự không còn chuyển động nữa.

Câu hỏi được đặt ra là những người đang lãnh đạo đất nước ta hiện tại có biết rằng, như một truyền thống ngàn đời, Đảng cộng sản Trung Quốc hay ít ra là những người lãnh đạo của đảng này ngay từ những ngày đầu đã nuôi mộng làm chủ thiên hạ giống như Tần Thủy Hoàng ngày trước hay không ? Hay là họ vẫn tin tưởng vào "mười sáu chữ vàng" và "bốn tốt" mà cộng sản Tàu đã tặng họ để tự lừa dối và lừa dối dân mình ? Câu trả lời là có. Bằng cớ là năm 1979, khi hai đảng cơm không lành, canh không ngọt, môi không theo răng bị răng cắn bật máu, cộng sản Việt Nam không những chỉ tố cáo trước người dân ở trong nước mà còn trước dư luận thế giới qua những tài liệu do chính họ xuất bản từ Hà Nội, theo đó Mao Trạch Đông ngay từ giữa thập niên ba mươi của thế kỷ trước đã nuôi mộng theo chân Tần Thủy Hoàng muốn làm bá chủ của cả thế giới, bắt đầu là Đông Nam Á.

Trong hai tài liệu nhan đề "Sự thật về Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua" bằng tiếng Việt do Nhà xuất bản Sự Thật ấn hành năm 1979 và tái bản năm 1980, và "Chinese Aggression Against Vietnam", hồ sơ do Vietnam Courrier chủ biên, xuất bản ỏ Hà Nội năm 1979, ngay từ những trang đầu, người ta có thể đọc được những chi tiết như sau :

Ngay từ năm 1939, trong tài liệu nhan đề Cách Mạng Trung Quốc và Đảng cộng sản Trung Quốc do chính ông viết, Mao Trạch Đông đã nhận định : "Sau khi dùng chiến tranh đánh bại Trung Quốc, các nước đế quốc đã cướp đi nhiều nước phụ thuộc và một bộ phận lãnh thổ của Trung Quốc : Nhật chiếm Triều Tiên, Đài Loan, Lưu Cầu, quần đảo Bành Hồ và Lữ Thuận, Anh chiếm Miến Điện, Bu-tan, Nê-pan và Hương Cảng, Pháp chiếm An Nam…" Tiếp đến, một bản đồ trong một sách giáo khoa đã vẽ nhiều lãnh thổ của các nước trong vùng biển Đông Nam Á và Biển Hoa Đông là thuộc Trung Hoa. Sau đó, năm 1959, trong một buổi họp của Ủy ban Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, khi nói về bang giao quốc tế, Mao Trạch Đông phát biểu rõ hơn nữa về tham vọng thống trị toàn cầu của mình.

Lãnh tụ này nói : "Chúng ta phải chinh phục trái đất. Mục tiêu của chúng ta là toàn thể trái đất" hay hạn hẹp hơn và kế hoạch hơn : "Chúng ta phải giành cho được Đông Nam Châu Á bao gồm cả miền nam Việt Nam, Thái lan, Miến Điện, Ma-lai-xi-a và Xin-ga-po. Một vùng như Đông-nam Châu Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng sản… xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy… Sau khi giành được Đông-nam Châu Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô-Đông Âu, gió đông sẽ thổi bạt gió tây".

Về sự lấn chiếm lãnh thổ Việt Nam ở biên giới Trung Việt, qua tài liệu "Chinese Aggression Angainst Vietnam", chính quyền cộng sản Hà Nội tố cáo Trung Quốc vi phạm các Công Ước 1887 và 1895 ký kết giữa Nhà Thanh và nước Pháp, lấn chiếm 60 địa điểm trên lãnh thổ Việt Nam ngay từ trước năm 1949, sau đó, từ sau năm 1949, bất chấp sự xác nhận lại các công ước này bởi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vào năm 1957-1958, cộng sản Bắc Kinh lại sáp nhập thêm trên 90 địa điểm khác ở biên giới giữa hai nước.

Chưa hết, cũng theo tài liệu này, từ sau năm 1974 con số các cuộc xâm nhập lại tiếp tục gia tăng mạnh mẽ hơn với 179 vụ năm 1974, 294 vụ năm 1975, 812 vụ năm 1976, 873 vụ năm 1977 và 2.175 vụ năm 1978. Cuối cùng ngày 10 tháng 2 năm 1979, hai tiểu đoàn chính quy Trung Quốc đã tiến sâu 2 cây số vào lãnh thổ Việt Nam, chiếm đồn kiểm soát Thanh Loa, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

Vẫn chưa hết, trong trận chiến biên giới Hoa Việt lần thứ hai 1984-1987, sau một trận đánh ác liệt ở núi Lão Sơn, mà người Việt quen gọi là Núi Đất hay tọa điểm 1502, thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, quân Trung Quốc đã chiếm được núi này, 3.700 lính phòng thủ Việt Nam đã hoàn toàn bị tiêu diệt, xác của họ đã bị đơn vị chống hóa chất của bên địch thiêu hủy không còn vết tích. Lão Sơn không phải là tọa điểm duy nhất bị quân Trung Quốc đoạt mà còn nhiều tọa điểm khác như các tọa điểm 1030, 852, 211, 138, 156, 166, 167, 168… nằm sâu trong lãnh thổ Việt Nam. Sau trận này Việt Nam đã mất thêm từ 600 đếm 1000 cây số vuông lãnh thổ về tay Trung Quốc.

Có điều lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đã giấu nhẹm không cho dân chúng biết gì về trận chiến bi thảm này cho mãi đến khi Trung Quốc phổ biến phần nào trên các mạng của họ. Điều nên biết là trong thời gian này Trung Quốc luôn luôn dùng thủ đoạn cho di dân của mình sang khai thác đất đai hay cư ngụ trên lãnh thổ thuộc Việt Nam dọc biên giới, rồi sau đó áp lực bắt Việt Nam phải công nhận những vùng đất này là thuộc nước họ. Sự kiện này giải thích tại sao lại có chuyện điều đình và sửa lại các công ước mà trước Nhà Thanh đã ký với Pháp mà nội dung đã được hai phía làm sáng tỏ không lâu, trong các năm 1957, 1958 trước đó, như tôi đã nói ở trên qua các hiệp ước 1999, 2000. Chiến thuật này đang được họ dùng ở Biển Đông trên một quy mô rộng rãi hơn, lớn hơn qua việc họ chiếm Hoàng Sa và một số đảo thuộc Quần Đảo Trường Sa rồi tìm cách hợp thức hóa sau này.

Việt Nam giấu nhẹm nhưng Trung Quốc thì coi là quan trọng và quảng bá rộng rãi. Họ đã cho công bố hình ảnh Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương tới thăm địa điểm Lão Sơn này, kèm theo hình ảnh những công sự và đường sá mà họ thiết lập sau đó, nhắm về phía Việt Nam. Những sự kiện này khiến cho những ai quan tâm đến sự sống còn của đất nước không khỏi không liên tưởng tới sự kiện Giang Trạch Dân đã bay thẳng từ Trung Quốc đến bơi ở biển Mỹ Khê, Đà Nẵng như là biển nhà của mình thay vì phải qua Hà Nội gặp chủ nhà trước, hay Hồ Cẩm Đào đến bơi ở biển Hội An khi đến dự Hội Nghị OPEC, hay chuyện Đảng cộng sản Việt Nam cho phép và bảo vệ các thanh niên người Hoa rước đuốc thế vận qua Saigon và các đảo trong khi mọi cuộc tụ tập của người Việt đều bị đàn áp, cấm đoán.

Trước tình trạng cực kỳ nguy hiểm kể trên, câu hỏi được đặt ra là khả năng đề kháng của người Việt Nam như thế nào và những người có trách nhiệm bảo vệ đất nước và sự tồn vong của dân tộc đã có thái độ ra sao và đã làm gì ? Để trả lời cho câu hỏi này, có lẽ chúng ta còn cần có nhiều buổi hội thảo khác với những đóng góp của nhiều thuyết trình viên khác. Tạm thời tôi chỉ xin mời quý vị đọc lại bản kiến nghị mà tôi đã đề cập đến trong phần đầu của bài thuyết trình hay những bức thư mà Hòa thượng Thích Quảng Độ hay những bài viết của nhiều vị nhân sĩ, trí thức như Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Đại sứ Việt Nam ở Trung Quốc và nhiều người khác ở trong nước viết trong ít năm gần đây.

Trước khi ngưng lời, tôi xin được trích dẫn lời của Thiếu tướng Lê Duy Mật, nguyên Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân Khu 2, Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Giang trong thời gian chiến tranh biên giới, khi ông trả lời Biên tập viên Mặc Lâm của Đài Á Châu Tự Do, RFA, ngày 17 tháng 2 năm 2013 về sự kiện là "nhiều gia đình liệt sĩ của cuộc chiến 1979 đã không biết hài cốt con em mình nằm tại đâu vì sau đợt cắm mốc biên giới thì phần đất Việt Nam chôn hài cốt liệt sĩ đã thụt sâu về phía Trung Quốc. Thiếu tướng có nghĩ rằng nhà nước phải làm một điều gì đó để mang lại công bằng cho những người này hay không ?".

Nguyên văn câu trả lời của tướng Lê Duy Mật như sau :

"Nhà nước ta lệ thuộc không dám nói gì với Trung Quốc, nếu không phải bàn với ngoại giao Trung Quốc, quân đội Trung Quốc, nhà nước Trung Quốc thì mới có thể giải quyết được".

Câu trả lời của tướng Mật là về các liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến Việt Trung 1979 và 1984-1987, nhưng nội dung của nó đã bao gồm toàn bộ các vấn đề liên hệ đến bang giao Trung-Việt trong hiện tại. "Nhà nước ta lệ thuộc không dám nói gì với Trung Quốc" là nguồn gốc của tất cả. Đó là lý do tôi lựa chọn đề tài cho buổi thuyết trình ngày hôm nay, chưa kể tới tình trạng vô cảm của không ít người Việt trước hiện tình vô cùng nguy hiểm của đất nước, sự mất tin tưởng của đa số người dân và sự bất lực của giới trí thức và sự bất cập không đối phó được với tình thế mới trong mọi sinh hoạt từ chính trị đến kinh tế, xã hội và luôn cả văn hóa ở Việt Nam sau 38 năm cộng sản làm chủ toàn thể đất nước, và 27 năm đổi mới.

Lãnh đạo cấp cao của hai đảng cộng sản đã thỏa hiệp với nhau những gì trên đầu người dân Việt Nam từ sau cuộc chiến biên giới Trung-Việt, từ sau Hội Nghị Thành Đô 1990, từ sau những buổi gặp gỡ của Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và sau này Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang với các nhà lãnh đạo Trung Quốc ? Chỉ có những người này mới biết được nhưng không bao giờ và sẽ chẳng bao giờ họ nói ra cả.

Về điểm này, tôi xin được nhắc lại lời Vua Lê Thánh Tông dụ bọn các ông Thái Bảo Kiến Dương Bá Lê Cảnh Huy năm Hồng Đức thứ tư, 1473, nguyên văn như sau :

"Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di".

Lịch sử đã được chép, đang đuợc chép và sẽ còn được chép dù cho môn sử học, vì lý do nào đó, trái với truyền thống của dân tộc, trái ngay cả với nhận định "dân ta phải biết sử ta" của Hồ Chí Minh và ngược lại với chương trình giáo dục của bất cứ quốc gia độc lập và có chủ quyền nào, kể cả các quốc gia tiền tiến về khoa học và kỹ thuật, không còn được coi là quan trọng trong chương trình giáo dục của Việt Nam hiện tại. Đây cũng là một lý do khác đã và đang làm cho chúng ta mất nước.

Để kết luận ta có thể nói rằng những gì đang xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam dưới sự cai trị của người Cộng Sản hoàn toàn trái với thời người Việt Quốc Gia trước đó. Với người Việt Quốc Gia dù là ở bất cứ thời nào, từ Chính phủ Trần Trọng Kim hồi năm 1945, xuyên qua Quốc Gia Việt Nam hồi trước năm 1954, rồi Đệ Nhất, Đệ Nhị Cộng Hòa ở Miền Nam, sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc luôn luôn được coi là tối quan trọng và mọi người phải có nhiệm vụ bảo toàn. Lịch sử đã chứng minh điều này.

Xin cảm ơn Quý vị đã kiên nhẫn lắng nghe hay đã đọc và đọc lại bài thuyết trình này. Xin kính chào Quý vị.

Phạm Cao Dương

Nguồn : Nhật báo Văn hóa, 10/06/2018

Chú thích : Đây là phần tóm lược bài thuyết trình tác giả trình bày tại buổi hội thảo mang chủ đề "38 năm nhìn lại : Hiện tình và tương lai Việt Nam" do Hội Ái Hữu Bưởi – Chu Văn An Nam California tổ chức ngày 14 tháng 7 năm 2013 tại Coastline Community College, Thành Phố Westminster, California.

Published in Diễn đàn

Trước nạn Trung Quốc xâm lấn càng ngày càng rõ rệt : đọc lại những bài viết của của cố vấn Tàu ở Việt Nam trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (1946 1954

hoiky1

Trường Chinh, Hồ Chí Minh, Đại tướng Trần Canh (giữa), Trung tướng La Quý Ba (phải) tại Chiến khu Việt Bắc (Pắc Bó) năm 1950. Ảnh : Tieuxue.net

Đây là những bài viết của những người được gọi là những"lão đồng chí đã từng công tác trong Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tại Việt Nam đầu những năm 1950 của thế kỷ 20", theo lời của Nhóm biên tập của tập tài liệu có nhan đề Ghi chép thực về việc đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp (Hồi ký của những người trong cuộc), do Nhà xuất bản Lịch sử Đảng cộng sản Trung Quốc ấn hành ở Bắc Kinh năm 2002, bản dịch tiếng Việt của Trần Hữu Nghĩa và Dương Danh Dy hiệu đính.

Bản dịch này không ghi nơi xuất bản cũng như tên nhà xuất bản với lý do được viết là tài liệu lưu hành nội bộ và được gửi từ trong nước ra hải ngoại qua thư điện tử. Cũng vậy, ghi là "nội bộ" nhưng sách cũng không được ghi rõ là nội bộ của cơ quan nào, tổ chức nào. Dương Danh Dy là một nhà nghiên cứu được nhiều người tin cậy. Ông đã từng giữ chức Bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ở Bắc Kinh và Tổng lãnh sự ở Quảng Châu, Trung Quốc.

Tập tài liệu này dày 280 trang qua thư điện tử và gấp đôi, tức 560 trang theo khổ sách in nhỏ, gồm tổng cộng 10 bài, thêm hai trang "Lời cuốí sách". Tất cả đều ít nhiều được phổ biến trên một vài trang mạng ở hải ngoại nhưng không thường trực.

Tác giả đầu tiên là La Quý Ba, ngưòi được Trung ương đảng cộng sản Trung Quốc bí mật cử sang Việt Nam đầu năm 1950 làm đại diện liên lạc giữa Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc và Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương, sau này là Đại sứ đầu tiên của chính quyền cộng sản Trung Quốc ở Việt Nam. Bài viết của La Quý Ba này ngắn và có tinh cách tổng quát, được viết để tưởng nhớ Mao Trạch Đông.

Tác giả thứ hai là Trương Quảng Hoa. Ông này xuất thân làm công tác ở văn phòng cố vấn quân sự của Đoàn, lo về thống kê nên nắm vững tình hình giao nhận vật tư để báo cáo cho lãnh đạo của Đoàn. Trương Quảng Hoa có cả thảy bốn bài, đồng thời giữ vai trò sửa chữa và hiệu đính, kể cả sửa chữa và hiệu đính cho phần "Đại Sử Ký" tức phần niên biểu các sự kiện chính ở cuối sách trong đó có bài viết tổng quát và một bài viết về vai trò có tính cách quyết định của Tướng Trần Canh trong trận Đông Khê - Thất Khê. Chủ trương của Trần Canh cũng như của các cố vấn Tầu đối nghịch với chủ trương ban đầu của các chỉ huy trưởng Việt Minh, trong đó có các Trung đoàn trưởng Trung đoàn 102 Nguyễn Hữu An và Trung đoàn 88 Thái Dũng.

Người có bài thứ ba là Vu Hóa Thuần, viết về Vi Quốc Thanh trong cả hai trận Đông Bắc và Điện Biên Phủ, một vai trò cũng quyết định giống như vai trò của Trần Canh trong chiến dịch Đông Bắc. Vương Nghiên Tuyền nguyên ở trong ban tham mưu của tướng Trần Canh và là cố vấn cho Đại đoàn 308 trong thời chiến tranh chống Pháp, năm 1956 lại trở sang Vịêt Nam làm tổ trưởng Tổ chuyên gia quân sự cho đến năm 1957. Ông này có hai bài dài và coi như nòng cốt của tập sách.

Tiếp theo là các bài của Độc Kim Ba và của Như Phụng Nhất mà tiểu sử không được ghi dù là gián tiếp. Cuối cùng là một bảng niên biểu liệt kê theo ngày tháng tiến trình hoạt động của Đoàn cố vấn Trung Quốc từ ngày được thành lập, từ tháng Giêng và tháng Hai năm 1950 cho đến trung tuần tháng Ba năm 1956.

***************

Nói tới Chiến tranh Pháp-Việt Minh (1946-1954) không ai là không biết tầm quan trọng của viện trợ của cộng sản Trung Quốc cho cộng sản Việt Nam kể từ sau khi Đảng cộng sản Trung Quốc chiếm được toàn thể Trung Hoa lục địa. Hay chậm hơn và đúng hơn chút nữa là từ trung tuần tháng 8 năm 1950, khi hai đoàn cố vấn quân sự, một do Vi Quốc Thanh và Đặng Dật Phàm cầm đầu từ Quảng Tây và một do Trần Canh hướng dẫn từ Vân Nam đến bộ chỉ huy tiền phương của Việt Minh ở Quảng Uyên, Cao Bằng và được Võ Nguyên Giáp và Trần Đăng Ninh đón tiếp và thuyết trình.

hoiky2

Các cấp chỉ huy Trung đoàn của quân đội Trung Quốc, đóng quân tại bản Khuổi Nậm, Nà Kéo, Nà Mạ, và Nậm Lìn thuộc huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Ảnh : (internet).

Đây là thời điểm then chốt. Nó mở đầu cho một giai đoạn mới trong lịch sử Chiến tranh Việt Minh-Pháp hay Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, trong đó viện trợ của Trung Quốc đóng vai trò quyết định. Sau thời điểm này quân đội của tướng Giáp không còn phải "chiến đấu trong vòng vây", không còn chỉ đánh du kích nữa mà đã chuyển sang vận động chiến rồi sau đó là công kiên chiến để đánh bại địch quân của họ, theo sách lược của Mao Trạch Đông và kinh nghiệm của Quân đội nhân dân Trung Quốc.

Hồi ký của các nhà lãnh đạo Việt Minh trong đó có tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh quân đội, có Đặng Văn Việt, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174, con Hùm Xám của Đường Số 4, đều nói tới nguồn viện trợ duy nhất và thiết yếu này nhưng nói tương đối ít. Những chiến thắng của Việt Minh từ các trận Đông Khê và Cao Bằng trong chiến dịch Việt Bắc tới trận Điện Biên Phủ theo các chỉ huy người Việt này là do sự hoạch định chiến lược và chiến đấu của chính người Việt.

Các cố vấn Trung Quốc trong tập Ghi chép thực kể trên đã gần như nói ngược lại. Không những thế, họ còn viết nhiều hơn nữa, không riêng về quân sự như cung cấp dư dả súng ống, đạn dược, quân trang, quân dụng, soạn thảo tài liệu huấn luyện, tái tổ chức lại quân đội với chủ trương đặt nặng vai trò của chính trị trong quân đội, thành lập và võ trang những đại đơn vị mới như các Đại đoàn 316, 320, 325, 351 và một Trung đoàn công binh bên cạnh các Đại đoàn 304, 308, 312 và một số trung đoàn đã có từ trước. Họ còn giúp Việt Minh giải quyết những khó khăn về kinh tế, tài chánh, đặc biệt là về tiền tệ, lương thực để Việt Minh từ thế gần như thụ động, bị bao vây trên nhiều mặt trận, sang chủ động làm chủ chiến trường. Các cố vấn Tàu còn cho biết họ đã soạn thảo các chiến lược và trực tiếp tham gia chiến trận cùng với quân đội của tướng Giáp, từ đó đã giúp cho cộng sản Việt Nam toàn thắng.

Một cách tóm tắt, khi đọc tài liệu này ta có thể ghi nhận được những sự kiện sau đây :

Thứ nhất : Viện trợ của Trung Quốc cho cộng sản Việt Nam là do cộng sản Việt Nam yêu cầu qua văn thư của Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương gửi Mao Trạch Đông và Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc. Sự kiện này đã xảy ra tiếp theo hai chuyến đi bí mật của Hồ Chí Minh sang Bắc Kinh vào đầu tháng Giêng năm 1950 và vào mùa đông năm 1951.

Lần đi thứ nhất, khi Hồ Chí Minh đến Bắc Kinh thì Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai đã đi Moscow để ký Hiệp ước Tương trợ đồng minh hữu nghị Trung-Xô từ trước nên họ Hồ chỉ được Lưu Thiếu Kỳ đón tiếp rồi sau đó được Lưu Thiếu Kỳ thu xếp để sang Moscow.

Câu hỏi được đặt ra là trước khi đi, Mao và Lưu có biết là Hồ sẽ sang Bắc Kinh hay không ? Câu hỏi được đặt ra nhưng câu trả lời phần nhiều là có.

Nếu vậy tại sao hai người lại không đợi Hồ Chí Minh sang Bắc Kinh để rồi cùng đi ? Câu trả lời phần nào có thể thấy được nếu người ta theo dõi những gì đã xảy ra sau đó.

Thứ nhất là trong buổi tiệc, do Bộ chính trị trung ương Đảng cộng sản Liên Xô tổ chức để khoản đãi Hồ Chí Minh, khi họ Hồ mới tới Moscow tối ngày 6 tháng Hai năm 1950, Staline đã không đến dự và Staline chỉ tiếp ông Hồ nhiều ngày sau đó và tiếp ở phòng làm việc của mình với sự có mặt của nhiều ngưới khác, trong đó có cả Vương Gia Tường là Đại sứ Trung Quốc ở Liên Xô.

Thứ hai là trong buổi tiếp tân chiêu đãi trọng thể dành cho Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và toàn thể các đoàn viên phái đoàn Trung Quốc, Hồ Chí Minh cũng được mời, có thể là không chính thức vì chuyến đi của ông là bí mật. Lợi dụng cơ hội này và khi Staline rất vui, Hồ Chí Minh đã ngỏ ý xin được ký một hiệp ước tương tự như hiệp ước Trung-Xô mà Mao Trạch Đông đã ký với Staline trước đó. Staline đã từ chối.

Trương Quảng Hoa đã kể lại cuộc đối thoại giữa hai người như sau :

Staline rất vui, trong bữa tiệc luôn luôn trò chuyện với khách. Hồ Chí Minh nắm lấy thời cơ này cười hỏi Staline : "Đồng chí còn có chỉ thị gì nữa đối với công tác của Việt Nam chúng tôi không ?". Staline cười : "Tôi làm sao có thể chỉ thị cho đồng chí, đồng chí là Chủ tịch nước, quan còn to hơn tôi mà !".

Hồ Chí Minh lại nói : "Các đồng chí đã ký hiệp ước với Trung Quốc, nhân tôi ở đây, chúng tôi cũng muốn ký một hiệp ước !". Staline nói : "Thế người ta hỏi đồng chí từ đâu ra ? Chúng tôi giải thích như thế nào ?".

Hồ Chí Minh nói : "Điều đó rất dễ, đồng chí cho chiếc máy bay chở tôi lượn một vòng trên trời, sau đó cho người ra sân bay đón tôi, đưa một tin trên báo, không được sao ?".

Staline cười lớn nói : "Đó là quá sức tưởng tượng đặc biệt của người phương Đông các anh" (trang 21).

Họ Trương ghi tiếp là "Rất nhiều người dự tiệc cũng đều cười vang lên".

Chi tiết này chứng tỏ cuộc đối thoại giữa Hồ Chí Minh và Staline là công khai trước mặt mọi người. Nhưng xét toàn bộ người ta thấy Staline tỏ ra rất lạnh nhạt, không tôn trọng Hồ Chí Minh, đã mỉa mai khi trả lời những câu hỏi nghiêm chỉnh và quan trọng của họ Hồ. Không những thế Staline còn đem những đề nghị của Hồ ra làm trò cười cho những người có mặt trong buổi chiêu đãi và thẳng thừng từ chối những lời yêu cầu của họ Hồ, trong đó có đề nghị ký một hiệp định là điều ông này rất mong muốn.

Tại sao vậy ? Theo Trương Quảng Hoa, Staline lo lắng Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc, là Ti Tô thứ hai. Nhưng đọc kỹ chi tiết hơn, người ta thấy hai điều. Một là Staline có chủ trương muốn Hồ Chí Minh đẩy sớm hơn và mạnh hơn cách mạng xã hội và kinh tế thay vì chỉ lo đánh Pháp để sớm tiến tới chủ nghĩa vô sản và hai là Staline đã cùng Mao Trạch Đông, và ngay cả trước đó không lâu, Lưu Thiếu Kỳ trong một chuyến đi bí mật sang Nga, đã từng thảo luận và đồng ý với nhau về vai trò viện trợ cho cộng sản Việt Nam của Trung Quốc rồi. Đây là lý do chính và Hồ Chi Minh khi được các lãnh đạo cộng sản Trung Quốc thu xếp cho sang Nga chỉ là để nghe một chuyện đã được sắp xếp rồi.

Riêng về cá nhân Hồ Chí Minh, xuyên qua cuộc đối thoại này, người ta thấy phần nào bản chất thực tế, kiên nhẫn, chịu đựng, quyền biến đến độ lì lợm, sẵn sàng dùng những biện pháp lừa dối như ông đã thường làm ở Việt Nam của ông.

Cuối cùng thì chuyến đi Liên Xô của Hồ Chí Minh hoàn toàn thất bại, không giành được gì từ phía Liên Xô, không được Staline coi trọng như Mao Trạch Đông để từ đây Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam phải nghe và hoàn toàn trông cậy vào viện trợ của Trung Quốc.

Vận mệnh của Đảng cộng sản Việt Nam nói riêng và vận mệnh của dân tộc Việt Nam cũng như lãnh thổ Việt Nam nói chung, có thể đã bị quyết định ngay từ chuyến đi của Hồ Chí Minh này. Nói như vậy là vì khi làm cố vấn bắt buộc chuyên gia Trung Quốc phải nghiên cứu địa hình, địa diện, các cao điểm chiến thuật, chiến lược, trục lộ giao thông cùng các tiềm năng khác có thể khai thác... bằng chính tai mắt và khối óc của mình. Đó là chưa kể khi họ vạch và làm đường vận chuyển khi khí giới, quân trang quân dụng được vượt qua biên giới, chở sang cho Việt Minh. Các cao điểm chiến lược, các cột mốc biên giới hẳn khó lọt qua con mắt của các chuyên gia quân sự Trung Quốc ngay từ thời điểm này để chuyển về cho Trung ương Đảng của họ, không cần phải đợi tới bốn chục năm sau.

Về chủ trương giữ bí mật cho những chuyến đi của Hồ Chí Minh và sau này là về Đoàn cố vấn Trung Quốc cũng là điều người ta cần chú ý.

Phía nào thực sự chủ trương giữ bí mật và tại sao phải giữ bí mật ? Câu hỏi cần phải được đặt ra, cũng như Hồ Chí Minh có hứa hẹn gì với Mao Trạch Đông và các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc để đánh đổi lấy viện trợ của Trung Quốc không ?

Cũng vậy có thật viện trợ này là không hoàn trả và hoàn toàn vô vị lợi dựa trên nghĩa vụ quốc tế giữa các đảng cộng sản với nhau hay không hay ngược lại, có liên hệ gì tới sự nhượng bộ của cộng sản Việt Nam đối với cộng sản Trung Quốc sau này không ?

Về điều này người đọc nên để ý tới sự gợi ý của Staline là Trung Quốc giúp cho Việt Nam một con gà thì Việt Nam có thể trả lại cho Trung Quốc một trái trứng. Con gà là quân sự, là kinh tế, tài chính, là lương thực, là tiền tệ, còn trái trứng là cái gì ?

Cũng vậy, sự giữ bí mật này có liên hệ gì tới cách giải thích sự thỏa hiệp với Pháp của Hồ Chí Minh hồi năm 1946 trước đó, đại khái là thà ngửi c... thằng Tây ít năm còn hơn là làm nô lệ thằng Tầu thêm một ngàn năm nữa, hay những gì họ Hồ và Đảng cộng sản đã lên án phía Việt Quốc, Việt Cách mấy năm trước đó ? Hay giữ bí mật theo yêu cầu của Nga và của Tầu hay tất cả ? Người viết sẽ trở lại vấn đề này trong một bài khác.

Cũng cần phải để ý tới sự kiện là thời điểm của cuộc viếng thăm là đầu năm 1950, lúc Liên Xô sau thế chiến thứ hai chưa đủ mạnh và cộng sản Trung Quốc chỉ mới lên cầm quyền ớ Trung Hoa Lục Địa không được bao lâu. Cả hai lúc đó đều không muốn gây chuyện trực tiếp với Pháp và gián tiếp với Hoa Kỳ.

Thứ hai : Viện trợ cho Việt Nam không phải chỉ vì nhu cầu của Việt Nam mà cả Trung Quốc vì ở thời điểm 1950 Trung Quốc cũng có nhu cầu đánh đuổi quân Pháp nhằm bảo đảm biên giới phía Nam của mình chống lại tàn dư của Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Điều này cũng được các tác giả nói tới. Chiến dịch Đông Bắc và sau này đánh Tây Bắc và sang Lào thay vì đồng bằng sông Hồng mà các cố vấn Trung Quốc đã bắt ép các nhà chỉ huy quân sự Việt Minh phải chấp nhận cũng nhằm mục tiêu này.    

Thứ ba : Có một sự khác biệt về chủ trương chiến lược và chiến thuật giữa các cố vấn Trung Quốc và các tướng tá Việt Minh.

Phía Việt Minh bị bó buộc phải nghe theo trong đó có mục tiêu tấn công như đánh để tiêu diệt địch hay đánh để chiếm các cứ điểm hay các thị trấn ?

Địa điểm tấn công, đánh nơi nào trước, Cao Bằng hay Đông Khê, đồng bằng sông Hồng hay Lai Châu, Tây Bắc và Lào ? Đánh nhưng vẫn phải lưu tâm tới hoàn cảnh của các chiến sĩ anh em, đồng bào của mình hay đánh để thắng với bất cứ giá nào ?

Cuối cùng các cố vấn Trung Quốc khi không thuyết phục các tướng tá Việt Minh được đã luôn luôn báo cáo về cho Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc và Mao Trạch Đông để Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc liên lạc với Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam và Hồ Chí Minh và cuối cùng các cố vấn Trung Quốc đã luôn luôn thắng thế.

Chủ trương của họ đã được Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam chấp nhận, đồng thời may mắn cho họ, kết quả là đã chiến thắng.

Đọc các bài víết này người ta có cảm tưởng là các chiến thắng của Việt Minh từ Đông Bắc đến Điện Biên Phủ hoàn toàn là do công lao của các cố vấn Trung Quốc, từ đầu đến cuối, từ hoạch định chiến lược, lựa chọn địa điểm để đánh đến trực tiếp tham gia theo dõi, chỉ huy trận đánh và trực tiếp can thiệp ngay khi cần.

Các tướng tá Việt Nam đều là thiếu kinh nghiệm, nhút nhát, không dám chấp nhận gian khổ. Chẳng hạn như trong chiến dịch Việt Bắc, Trần Canh và Vi Quốc Thanh đã nghiên cứu tỉ mỉ phòng tuyến Quốc lộ 4 của Pháp để đưa ra đề nghị đánh Đông Khê trước thay vì Cao Bằng. Đề nghị này đã được Hồ Chí Minh lúc đó lên thị sát mặt trận, trực tiếp phê chuẩn thay vì qua Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Họ Hồ còn chỉ thị thêm rằng : "Chiến dịch này chỉ được thắng, không được thua !", đúng như chủ trương của Trần Canh. Lý do là vì Hồ đã quen bíết Trần Canh từ lâu trước đó, từ năm 1925 - 1926, đã yêu cầu Mao Trạch Đông cử Trần Canh sang giúp và tin cậy ở Trần Canh đồng thời biết rõ nhu cầu Trung viện.

Chỉ được thắng, không được thua hay thắng bằng bất cứ giá nào, bất kể sự hy sinh của binh sĩ là chủ trương của Trần Canh, khác với chủ trương của Võ Nguyên Giáp và của Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 Đặng Văn Việt.

Trong trận Đông Khê khi vị Trung đoàn trưởng này khi thấy bộ đội của mình bị thương vong quá nhiều có định rút lui, Vi Quốc Thanh đã điện thoại cho cố vấn Trương Chí Thiện của trung đoàn này, thúc đẩy vị chỉ huy của trung đoàn này, điều chỉnh bố trí và đánh tiếp.

Giữa Trần Canh và Võ Nguyễn Giáp tối ngày 4 tháng 10 năm 1950 cũng đã tranh cãi nặng nề qua điện thoại khi quân Việt Minh tấn công chiếm núi Cốc Xá sau ba ngày liên tiếp và bị thiệt hại nặng, Bộ chỉ huy tiền phương Việt Minh ra lệnh cho bộ đội tạm ngưng tấn công để nghỉ ngơi chỉnh đốn.

Tranh cãi nặng qua điện thoại đến độ Trần Canh có lúc đã nói to : "Nếu trận này không đánh nữa thì tôi xin cuốn gói chuồn". Và nói tiếp : "Vào giờ phút then chốt này, bộ chỉ huy mà dao động thì chôn vùi thời cơ rất tốt để chiến dịch thắng lợi", đồng thời dập mạnh điện thoại xuống.

Nhưng rồi sau đó Trần Canh đã liên lạc thẳng với Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Trung Quốc. Kết quả là Hồ Chí Minh đã ra lệnh cho bộ đội tiếp tục, còn Mao Trạch Đông thì khuyến cáo phải nhanh chóng tiêu diệt địch cho dù thương vong quá lớn cũng không nên quá lo, không nên dao động (trang 41).

Những chi tiết này cho thấy ít ra tướng Giáp và Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174 - là những nhân chứng ở thời điểm cuốn sách này được ấn hành (năm 2002), hay khi bài điểm sách này được viết (đầu mùa xuân năm 2013) hiện vẫn còn sống - có thẩm quyền xác nhận hay phủ nhận, đồng thời cũng có quyền giữ im lặng.

Thứ Tư : Trong việc giúp Việt Minh huấn luyện và tổ chức lại quân đội, các cố vấn Trung Quốc còn giúp và rất có thể đã áp lực các nhà lãnh đạo của đảng này thực hiện một cuộc chỉnh huấn với chữ dùng trong tài liệu là chỉnh quân chính trị.

Công tác này đã được các cố vấn Trung Quốc lưu ý từ ngay những ngày đầu, nhưng mãi đến mùa hè và mùa thu năm 1953 mới trở thành qui mô toàn diện. Nó nằm trong chủ trương cách mạng căn bản của Mao Trạch Đông và luôn cả của Staline. Qua khuyến cáo của Staline khi Staline tiếp Hồ Chí Minh hồi đầu năm 1950, với những dấu hiệu đầu tiên đã lộ rõ qua những nhận xét của các cố vấn Trung Quốc về các cấp chỉ huy của bộ đội Việt Minh khi họ thấy những vị chỉ huy này có trình độ học vấn cao, ghi chú nhanh, học giỏi, nhưng nặng đầu óc tư sản, nhút nhát, sợ gian khổ, sợ khó khăn, không có tầm nhìn chiến lược... trong khi các binh sĩ cấp dưới ít học và không được thăng thưởng. Những ngôn từ như tố khổ, giác ngộ giai cấp... đã được Vu Hóa Thầm nhắc tới trong bài viết của tác giả này (trang 63).

Chiến dịch chỉnh huấn quân sự, chính trị qui mô này đã được phối hợp với phong trào cải cách ruộng đất lúc này đang được tiến hành ở các cứ địa của Việt Minh ở Việt Bắc.

Những sĩ quan xuất thân là các sinh viên, học sinh, những thành phần trí thức, quan lại, tư sản đã tham gia Vệ quốc đoàn từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến do Việt Minh lãnh đạo thuần túy chỉ vì yêu nước, không còn được phục vụ như xưa nữa. Ngay danh xưng Vệ quốc đoàn cũng bị thay thế để trở thành Quân đội nhân dân.

Một giai đoạn trong cuộc chiến tranh chống Pháp của Việt Minh đã đi qua, kèm theo với tất cả những gì đẹp đẽ nhất và lãng mạn nhất của nó. Trung đoàn trưởng Đặng Văn Việt, con Hùm Xám của Đường số 4, thay vì trở thành ít ra là thiếu tướng - vì đã đánh bại không phải một mà hai đại tá của quân Pháp theo tiêu chuẩn của Hồ Chí Minh khi ông này phong cấp đại tướng cho Võ Nguyên Giáp - đã bị gửi qua Trung Quốc làm tân khóa sinh của một trường sĩ quan của người Tầu. Cũng may là họ Đặng nhờ ơn phước của dòng họ, còn sống sót.

Trong sinh hoạt văn học nghệ thuật phải chăng vì danh xưng Vệ quốc đoàn không còn dược dùng nữa, những bài hát tràn ngập lòng yêu nước đại loại như :

Đoàn Vệ Quốc Quân một lần ra đi

Nào có mong chi đâu ngày trở về.

Ra đi, ta đi bảo tồn sông núi.

Ra đi, ra đi thề chết chớ lui...

hay những bài thơ đẹp và vui tươi như :

Đoàn Vệ Quốc áo đen

Vượt qua sườn Tam Đảo

Sau những ngày dông bão.

Việt Bắc giặc lui rồi

Lũ tàn quân xơ xác

Chiến sĩ ta reo cười

Chim rừng vang tiếng hát.

Các anh như bầy chim,

Nẻo rừng sâu bay tới.

Huyện Tam Dương im lìm

Bỗng dưng vào đại hội.

và :

Đêm liên hoan đầu người nhấp nhô như sóng biển ngang tàng.

Ta muốn thét cho vỡ tan lồng ngực vì say sưa tình thân thiết Vệ quốc đoàn.

Hoàng Cầm, Đêm Liên Hoan

Sau những năm này không còn được ai sáng tác nữa hay có sáng tác cũng chẳng bao giờ được phổ biến. Tất cả chỉ còn là một hoài vọng để cho những người lính già lâu lâu ngồi nhớ lại kể cho nhau nghe hay viết cho nhau đọc.

Chỉ tiếc rằng cái đẹp vừa hào hùng vừa lãng mạn của thời trai trẻ mà chính họ cũng như thời thế đã tạo được cho họ đã không toàn vẹn như cái đẹp của người lính già thuở Bình Mông ngày trước :

Buông tay gầu vui lại thuở Bình Mông.

và ngâm hai câu thơ của vua Trần Nhân Tông :

Bạch đầu quân sĩ tại

Vãng vãng thuyết Nguyên Phong.

Lính già phơ tóc bạc,

Kể chuyện thủa Nguyên Phong.

Trần Nhân Tông (Xuân Nhật Yết Chiêu Lăng)

 Ngô Tất Tố dịch

Cùng với viện trợ của người Tàu và sự can thiệp "không khoan nhượng" của các cố vấn Tầu cũng như cuộc "chỉnh quân chính trị", cuộc cải cách ruộng đất tiếp theo và sự loại trừ danh xưng Vệ quốc đoàn, thay thế bằng Quân đội nhân dân, cuộc chiến tranh giành độc lập của người Việt Nam do Hồ chí Minh và Đảng Việt Minh lãnh đạo không còn là cuộc chiến tranh giành độc lập nữa. Nó đã thực sự trở thành chiến tranh ý thức hệ nhằm xây dựng xã hội chủ nghĩa dưới sự chỉ đạo của Bắc Kinh và gián tiếp từ Mạc Tư Khoa.

Câu đầu tiên Hồ Chí Minh hỏi Staline trong buổi tiếp tân chiêu đãi trọng thể dành cho Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và toàn thể các đoàn viên phái đoàn Trung Quốc, "Đồng chí còn có chỉ thị gì nữa đối với công tác của Việt Nam chúng tôi không ?" dẫn trên, nếu đúng, cho ta thấy rõ điều này.

Trên đây chỉ là một vài nhận xét mà người viết đọc tài liệu này, đọc và nhận ra được.

Hy vọng tác phẩm này cũng như những tác phẩm tương tự sẽ được phổ biến rộng rãi hơn và được nhiều người đọc hơn, nhất là những người được các tác giả của những hồi ký này bằng cách này hay bằng cách khác nói tới, hầu có thể đóng góp thêm sự thực về một giai đoạn cực kỳ khó khăn và cực kỳ phức tạp và tế nhị nhưng không phải là không có những nét đẹp riêng của lịch sử Việt Nam trước khi mọi sự trở thành đen tối như người ta thấy sau này vì dù sao đây mới chỉ là tiếng nói của một phía. Điều đáng tiếc là cho đến nay hầu như tất cả đều im lặng, một sự im lặng đáng sợ.

                                   Phạm Cao Dương

                  Khởi viết đầu Xuân 2013, sửa lại đầu Hè 2017 


Tiến sĩ Phạm Cao Dương là nhà sử học, nguyên Giáo sư các trường Đại học Việt Nam Cộng Hòa trước 1975 và một số Đại học Hoa Kỳ sau năm 1975

Published in Diễn đàn
Trang 2 đến 2