Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thông qua các cuộc tập trận, Trung Quốc gửi một thông điệp mạnh mẽ để cảnh báo Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản không nên kích động Triều Tiên nữa.

Hải quân Trung Quốc đang tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật theo kế hoạch từ ngày 14 - 18/12, tại vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.

Đây chỉ là một trong nhiều cuộc tập trận quân sự mà Trung Quốc tiến hành trong thời gian gần đây cả trên biển, trên không và trên đất liền.

Mức độ gia tăng các cuộc tập trận ngày càng nhiều

Kể từ cuối năm 2016 đến nay, khi cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên nóng trở lại và căng thẳng giữa Hoa Kỳ - Triều Tiên gia tăng, Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc tập trận quân sự xung quanh khu vực bán đảo Triều Tiên.

Trọng tâm các cuộc tập trận của hải quân, không quân và lục quân được chuyển về khu vực vùng biển phía bắc Trung Quốc, mà chủ yếu là biển Bột Hải và Hoàng Hải.

Theo ước tính, trong hơn một năm qua, các lực lượng hải - lục - không quân Trung Quốc đã tiến hành tổng cộng 9 cuộc tập trận có quy mô lớn trên biển Bột Hải và Hoàng Hải.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là một phần trong kế hoạch thể hiện sức mạnh quân sự toàn cầu của quân đội Trung Quốc.

tq1

Không quân Trung Quốc tập trận quy mô lớn gần Triều Tiên (Ảnh : AP)

Chỉ tính riêng từ cuối tháng 7 đến nay, các lực lượng hải - lục - không quân Trung Quốc đã tiến hành 5 cuộc tập trận trên vùng biển quanh bán đảo Triều Tiên.

Đầu tiên là cuộc tập trận kéo dài 3 ngày hồi cuối tháng 7 vào dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa.

Mặc dù chi tiết cuộc tập trận không được giới quan chức Trung Quốc tiết lộ, tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, thì đây là cuộc tập trận có quy mô lớn, phong tỏa trên 40.000 km2 khu vực trung tâm biển Hoàng Hải và có cả sự tham gia của hải quân Nga [1].

Tiếp đến là cuộc tập trận 4 ngày cũng trên vùng biển này diễn ra từ ngày 4 - 8/8, chỉ sau đúng một tuần Triều Tiên tiến hành thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) lần thứ hai.

Theo đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), các lực lượng tham gia cuộc tập trận này đã thực hiện các bài tập tấn công và phòng thủ bằng cả tàu chiến mặt nước, tàu ngầm, các thiết bị hỗ trợ không quân và lực lượng phòng vệ biển.

Các bài tập đã mô phỏng điều kiện chiến đấu trong thực tế, thực hiện các bài chiến thuật đánh chặn bằng đường không, đường bộ và đường biển, cũng như khả năng sử dụng các loại vũ khí, phương tiện chiến đấu của quân đội [2].

tq2

Hải quân Trung Quốc thực hiện các bài tập tấn công trong cuộc tập trận (Ảnh : scmp)

Cuộc tập trận thứ ba diễn ra hôm 5/9, chỉ hai ngày sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần 6.

Trong cuộc tập trận này, các lực lượng hải quân, không quân và lục quân Trung Quốc đã thực hành các bài đánh chặn chiến thuật, nhằm bắn hạ các loại tên lửa được dùng để mô phỏng "cuộc tấn công bất ngờ" đang bay ở tầm thấp trên vùng biển Hoàng Hải [3].

Cuộc tập trận thứ tư diễn ra vào ngày 7/12, cũng có quy khá lớn, với sự tham gia của 40 tàu chiến được huy động từ ba hạm đội Bắc Hải, Đông Hải, Nam Hải, trong đó có tàu khu trục Type-056 lớp Hualan, tàu khu trục Changzhou và chiến hạm Type-052D lớp Putian.

Lực lượng tham gia cuộc tập trận này đã thực hành các bài tập mô phỏng tình huống tác chiến thực tế, như đối phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa đa đầu đạn ở độ cao "cực kỳ thấp" và xử lý một số tình huống khẩn cấp trong điều kiện thời tiết phức tạp [4].

Cuộc tập trận thứ năm vẫn đang diễn ra trên vùng biển Bột Hải, với một khoảng không gian phong tỏa lên tới 276 km2.

Theo nguồn tin từ các quan chức Cơ quan An ninh trên biển Trung Quốc, cuộc tập trận này được diễn ra trong 4 ngày từ chiều 14/12 đến chiều 18/12, tuy nhiên, quy mô và số lượng tàu chiến tham gia không được tiết lộ [5].

Ngoài các cuộc tập trận hải quân kết hợp với không quân và lục quân trên vùng biển Hoàng Hải, thì mới đây nhất, không quân Trung Quốc cũng tiến hành một cuộc tập trận độc lập vào ngày 3/12, tại những khu vực "chưa từng được biết đến" trên vùng trời biển Hoàng Hải và biển Hoa Đông, gần báo đảo Triều Tiên.

Tham gia cuộc tập trận này có nhiều loại máy bay chiến đấu, máy bay trinh sát, máy bay điều khiển và cảnh báo sớm, cùng phối hợp tác chiến với các đơn vị tên lửa đất đối không [6].

Đó là chưa kể đến hàng loạt các cuộc tập trận lớn nhỏ của lực lượng lục quân và biên phòng Trung Quốc tại Trung tâm huấn luyện phức hợp Chu Nhật Hòa (Zhurihe) thuộc khu tự trị Nội Mông gần biên giới với Triều Tiên, và cuộc tập trận chống tên lửa mô phỏng trên máy tính với quân đội Nga vào ngày 11/12 vừa qua [7].

tq3

Lực lượng tên lửa Trung Quốc thực hiện các bài tập đánh chặn (Ảnh : AP)

Ngoài ra, hải quân Trung Quốc còn tiến hành các cuộc tập trận ở một số nơi khác như Biển Đông, Biển Baltic và căn cứ quân sự của nước này tại Djibouti (Châu Phi).

Như vậy, chỉ trong vòng một khoảng thời gian chưa đầy 5 tháng, kể từ cuối tháng 7 cho đến nay, Trung Quốc đã tiến hành rất nhiều cuộc tập trận lớn nhỏ ở gần bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là trên khu vực biển Hoàng Hải và Bột Hải.

Lý do đằng sau các cuộc tập trận là gì ?

Những động thái quân sự này của Trung Quốc đã đặt ra rất nhiều nghi vấn về lý do đằng sau các cuộc tập trận.

Dưới góc nhìn của người viết, xin đưa ra ba lý do sau đây :

Thứ nhất, Trung Quốc muốn gửi thông điệp răn đe đến Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản rằng, Bắc Kinh sẽ không ngồi yên nếu các hành động gia tăng áp lực của liên minh này dẫn đến xung đột quân sự với Bình Nhưỡng.

Ngay sau khi Triều Tiên phóng thử quả tên lửa đạn đạo liên lục địa Hawsong-15 hôm 29/11, Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã kích hoạt cuộc tập trận kéo dài 5 ngày nhằm gia tăng áp lực lên Triều Tiên.

Cuộc tập trận này được coi là lớn nhất từ trước đến nay, khi liên minh Mỹ - Hàn đã điều động tới 230 máy bay chiến đấu, trong đó có đến 6 máy bay tàng hình Raptor F-22 và hàng chục nghìn binh sĩ [6].

Thế nhưng, không như các lần tập trận trước, khi Trung Quốc thường không có động thái gì rõ ràng, lần này Trung Quốc bất ngờ tiến hành tập trận không quân trên vùng biển Hoàng Hải và vùng biển ở phía Đông bán đảo Triều Tiên vào đúng ngày liên quân Mỹ - Hàn kích hoạt cuộc tập trận.

Động thái này của Bắc Kinh chắc chắn muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ để cảnh báo Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản không nên kích động Triều Tiên nữa.

Bởi Bắc Kinh sẽ không cho phép xảy ra bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào trên bán đảo Triều Tiên, vì điều đó sẽ làm phương hại đến lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Thứ hai, qua các cuộc tập trận này nhằm chứng minh năng lực hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng hải - lục - không quân của Trung Quốc, cũng như sẵn sàng chuẩn bị cho tình huống xấu nhất nếu xung đột quân sự xảy ra trên bán đảo Triều Tiên.

Năng lực hiệp đồng tác chiến quân binh chủng trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào đều có vị trí rất quan trọng, đảm bảo cho việc thực hiện chính xác, hiệu quả kế hoạch tác chiến đã đề ra nhằm quyết định cục diện trên chiến trường.

Trong chiến tranh hiện đại, càng đòi hỏi trình độ tác chiến hiệp đồng giữa các lực lượng hải quân, lục quân và không quân cao hơn, trên một khu vực rộng lớn hơn và trong những điều kiện khó khăn hơn.

Bởi vậy, tất cả các nước trên thế giới hiện nay đều rất coi trọng việc xây dựng quân đội có năng lực tác chiến hiệp đồng quân binh chủng đạt đến trình độ cao.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tập trung rất nhiều nỗ lực để xây dựng yếu tố then chốt này, và đây còn được coi là một trong những lý do khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải đẩy nhanh tiến độ cải tổ quân đội.

Thời gian qua, khi tần suất các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc có sự phối kết hợp giữa các lực lượng hải - lục - không quân diễn ra ngày càng nhiều, giới chuyên gia nhận định :

Động thái này của Bắc Kinh muốn chứng tỏ sự tiến bộ nhanh chóng của quân đội nước này về năng lực tác chiến hiệp đồng quân binh chủng ngoài thực địa, trong phạm vi không gian rộng lớn tới hàng trăm kilômét vuông.

Đồng thời, cũng là chỉ dấu cho thấy sức mạnh của quân đội nước này đang vươn tới đẳng cấp thế giới và sẽ có đủ khả năng ngăn chặn bất cứ cuộc xung đột quân sự nào xảy ra trên bán đảo Triều Tiên.

Thứ ba, Trung Quốc muốn phô trương sức mạnh của hải quân nước này và thể hiện vị thế của một cường quốc hải quân toàn cầu.

Trong các cuộc tập trận gần đây của liên minh Mỹ - Nhật - Hàn nhằm gia tăng sức ép đối với Triều Tiên, phía Hoa Kỳ đã điều động rất nhiều tàu chiến hiện đại.

Trong đó phải kể đến cuộc tập trận diễn ra hôm 7/11, khi xuất hiện các tàu sân bay hạng nặng USS Ronald Reagan, USS Nimitz và USS Theodore Roosevelt [8].

Do đó, việc gia tăng các cuộc tập trận trên biển của Trung Quốc trong một phạm vi rộng lớn cũng chính là động thái nhằm phô trương sức mạnh của hải quân nước này trước các lực lượng hải quân của Hoa Kỳ và đồng minh.

Trong cuộc tập trận diễn ra vào ngày 7/12, Trung Quốc đã huy động 40 tàu chiến hiện đại từ ba hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải, trong đó có tàu khu trục Type-056 lớp Hualan, tàu khu trục Changzhou và chiến hạm Type-052D lớp Putian.

Động thái này của Bắc Kinh chính là lời nhắc nhở đối với Hoa Kỳ về năng lực thực sự của hải quân Trung Quốc cũng không hề kém cạnh.

Ngoài ra, có một số dấu hiệu nữa cho thấy, hải quân Trung Quốc đang thể hiện vị thế của một cường quốc toàn cầu, khi có những động thái mở rộng địa bàn hoạt động.

Trong đó có chuyến đi biển kéo dài 6 tháng tới hơn 20 quốc gia nằm trong tuyến đường thuộc sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc.

Hoạt động này của hải quân Trung Quốc nhằm thể hiện năng lực bảo vệ lợi ích quốc gia ở nước ngoài liên quan đến an ninh năng lượng và thương mại ở các khu vực Trung Đông và Châu Phi.

Đồng thời cũng là cách để giúp Trung Quốc thể hiện vị thế của một siêu cường quân sự.

Tóm lại, hành động gia tăng các cuộc tập trận của Trung Quốc trong thời gian gần đây nhằm nhắc nhở Hoa Kỳ cần phải thận trọng để tránh xảy ra xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên - điều mà Trung Quốc không cho phép.

Đồng thời, thông qua các cuộc tập trận này cũng để chứng tỏ với thế giới về sức mạnh của quân đội Trung Quốc từ các loại vũ khí, trang bị, phương tiện hiện đại đến năng lực tác chiến hiệp đồng quân binh chủng, cũng như khả năng tác chiến ngoài biển xa trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.

Phạm Doãn Tình

Nguồn : GDVN, 18/12/2017

Tài liệu tham khảo :

[1] http://www.telegraph.co.uk/news/2017/07/21/us-closely-tracking-chinese-navy-baltics-war-games-russia

[2] http://www.financialexpress.com/world-news/for-military-exercises-china-to-seal-off-part-of-yellow-sea-on-august-5/793841

[3] http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2109907/china-shoots-down-incoming-missiles-during-exercise

[4] https://www.express.co.uk/news/world/892609/north-korea-news-latest-nuclear-war-china-military-drills-warning-US-donald-trump

[5] http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2124378/chinese-navy-starts-live-fire-drill-north-korean-waters

[6] http://www.telegraph.co.uk/news/2017/12/05/china-stages-drills-warning-us-south-korea-amid-nuclear-tensions

[7] http://mb.ntd.tv/2017/12/15/russia-and-china-send-message-to-us-north-korea-with-military-drills

[8] https://www.theguardian.com/world/2017/nov/13/north-korea-us-is-escalating-tension-with-military-exercises-in-peninsula

Published in Diễn đàn

Khi tính pháp lý bị đuối người ta thường hay lớn tiếng để lấn át, và cố đưa cái mình tự đặt ra lên trên luật pháp quốc tế, bất chấp sự phản đối của công luận.

Lấy hành động lấn át luật quốc tế

Hôm 10/10, Mỹ đã điều tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Chafee tiến hành hoạt động tuần tra bình thường gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc ngang nhiên chiếm đóng, ngay sau đó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã lớn tiếng rằng :

"Hoa Kỳ không được có hành động vi phạm luật pháp Trung Quốc và luật lệ quốc tế có liên quan, phương hại đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc".

tuantra1

Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ảnh : AP.

Cùng với đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã điều hộ tống hạm lớp 054A được trang bị tên lửa Hoàng San, cùng hai chiến đấu cơ J-11B và trực thăng Z-8 ra để quan sát và cảnh báo tàu tuần tra của Mỹ.

Trong khi đó, hãng tin Reuters hôm 11/10 dẫn lời 3 quan chức cao cấp Mỹ cho biết, tàu khu trục USS Chafee chỉ đến rất gần vùng biển quanh quần đảo Hoàng Sa, bên trong vùng 16 hải lý, nhưng không đi vào bên trong vùng 12 hải lý [1].

Bởi vậy, những phát ngôn và hành động này của Trung Quốc đã bị công luận quốc tế chỉ trích là thái quá, trước một hành động mang tính hợp pháp của Hoa Kỳ.

Đành rằng, khi có những sự kiện được quốc tế quan tâm, thì việc các quốc gia đưa ra những tuyên bố và phản ứng của mình cũng là điều bình thường, nhưng phải trên cơ sở luật pháp quốc tế và tính khách quan, minh bạch trong đánh giá sự kiện.

Ở trường hợp này, tàu tuần tra của Mỹ đã thực hiện đúng quy định của luật pháp quốc tế, đó là thực hiện "tự do hàng hải" trong vùng biển quốc tế - hay còn gọi là biển cả.

Bởi theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Trung Quốc là một thành viên đã tích cực tham gia xây dựng nên, quy định :

Điều 87. Tự do trên biển cả

1. Biển cả được để ngỏ cho tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển. Quyền tự do trên biển cả được thực hiện trong những điều kiện do các quy định của Công ước hay và những quy tắc khác của pháp luật quốc tế trù định. Đối với các quốc gia dù có biển hay không có biển, quyền tự do này đặc biệt bao gồm :

a) Tự do hàng hải ;

b) Tự do hàng không ;

c) Tự do đặt các dây cáp hoặc ống dẫn ngầm với điều kiện tuân thủ Phần VI ;

d) Tự do xây dựng các đảo nhân tạo hoặc các thiết bị khác được pháp luật quốc tế cho phép, với điều kiện tuân thủ phần VI ;

e) Tự do đánh bắt hải sản trong các điều đã được nêu ở Mục 2 ;

f) Tự do nghiên cứu khoa học với các điều kiện tuân thủ các Phần VI và VIII.

2. Mỗi quốc gia khi thực hiện các quyền tự do này phải tính đến lợi ích của việc thực hiện tự do trên biển cả của các quốc gia khác, cũng như đến các quyền được Công ước thừa nhận liên quân đến các hoạt động trong Vùng.

Điều 88. Sử dụng biển cả vào mục đích hòa bình

Biển cả được sử dụng vào các mục đích hòa bình

Điều 89. Tính bất hợp pháp của những yêu sách về chủ quyền đối với biển cả

Không một quốc gia nào có thể đòi đặt một cách hợp pháp một bộ phận nào đó của biển cả thuộc vào chủ quyền của mình [2].

Tại sao vùng nước giữa các cấu trúc địa lý ở quần đảo Hoàng Sa thuộc về biển cả, thì Tiến sĩ Trần Công Trục đã phân tích cụ thể trong bài viết "Phải chăng cuộc "chiến tranh pháp lý" trên Biển Đông đã mở màn ?".

Bởi vì trên thực tế, tàu tuần tra USS Chafee của Mỹ chỉ thực hiện việc "tự do hàng hải" trong vùng biển cả, không có hành động gây hại trong lãnh hải của bất kỳ quốc gia nào cũng như trong vùng biển quốc tế.

Vậy mà Trung Quốc lại lớn tiếng cho rằng hành động của Hoa Kỳ làm "phương hại đến chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc".

Trung Quốc đã hoàn toàn yếu về pháp lý, lại hay đánh tráo khái niệm

Đến đây, dư luận quốc tế lại đặt câu hỏi rằng : Trung Quốc lấy cơ sở pháp lý nào để lên án hành động "tự do hàng hải" vừa qua của Mỹ ở Biển Đông ?

Với tư cách là một thành viên tham gia xây dựng tích cực và đã phê chuẩn Công ước, Trung Quốc phải thừa hiểu đâu là vùng biển quốc tế trên Biển Đông, quyền và nghĩa vụ của các quốc gia ven Biển Đông cũng như các nước khác trên thế giới.

Đằng này, Trung Quốc lại nhắc lại luận điệu sai trái cũ bằng cách đánh tráo khái niệm khi đưa yêu sách "chủ quyền" ra để biện minh cho thái độ sai trái của một thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Trong khi về mặt chủ quyền, tất cả các chứng cứ pháp lý đều chứng minh một cách rõ ràng rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Sự thật lịch sử đã chứng minh, đến trước thế kỷ XX, ngoài Việt Nam ra, không có quốc gia nào trong khu vực có bằng chứng để chứng minh họ đã xác lập chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

tuantra2

Đơn vị lính bảo an thực hiện nghi thức chào cờ trên đảo Hoàng Sa (Ảnh tư liệu).

Cho đến tận đầu thế kỷ XX, sách "Trung Quốc Địa lý Giáo khoa" của Trung Quốc xuất bản năm 1906 vẫn không hề đề cập về cái gọi là Tây Sa và Nam Sa, mà chỉ ghi rằng điểm cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam.

Trong khi đó, nhà nước phong kiến Việt Nam trong suốt 3 thế kỷ - từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, trải qua 3 triều đại khác nhau (Chúa Nguyễn, Tây Sơn và Nhà Nguyễn), với tư cách là Nhà nước Đại Việt, đều đã thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình, là tiến hành chiếm hữu và thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, bằng việc thành lập các Đội Hoàng Sa, Bắc Hải, Quế Hương, Đại Mạo, Hải Ba ra quản lý, khai thác hai quần đảo này.

Ngay từ thời chúa Nguyễn, đã thiết lập tổ chức hành chính nhà nước đối với hai quần đảo này, khi đặt Hoàng Sa thuộc phủ Thừa tuyên Quảng Ngãi.

Đến đời vua Minh Mạng, đã cho dựng bia chủ quyền, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

tuantra3

Tờ lệnh của Quan Bố Án Sát tỉnh Quảng Ngãi về việc phái binh thuyền vâng mệnh triều đình ra đảo Hoàng Sa thực thi nhiệm vụ vào ngày 15/4 năm Minh Mạng thứ 15 (1834) Ảnh tư liệu.

Khi thực dân Pháp xâm lược và đặt ách đô hộ đối với Việt Nam, Pháp cũng đã quản lý hai quần đảo này với tư cách đại diện cho Nhà nước Việt Nam về đối ngoại.

Đến năm 1956 khi Pháp rút khỏi Hoàng Sa và Trường Sa thì chính quyền Sài Gòn đã ra tiếp quản và lập nên các đơn vị hành chính mới.

Như vậy là, suốt từ thời chúa Nguyễn (thế kỷ XVII) đến khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa ra tiếp quản hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam đã thực thi việc chiếm hữu thật sự và liên tục đối với hai quần đảo này.

Đối với Trung Quốc, phải đến năm 1951, mới đưa ra được tuyên bố đầu tiên về cái gọi là "chủ quyền" ở Biển Đông tại Hội nghị San Francisco (Mỹ), khi ông Chu Ân Lai cho rằng Hoàng Sa, Trường Sa, Đông Sa luôn là một phần lãnh thổ của Trung Quốc, tuy nhiên, Hội nghị đã bác bỏ ngay yêu sách này [3].

Còn trên thực địa, Trung Quốc đã dùng vũ lực để chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay chính quyền Việt Nam Cộng hòa vào năm 1974.

Bởi vậy, Trung Quốc không có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hành động tuyên bố chủ quyền, xâm lấn, bồi đắp, khai thác… trên hai quần đảo này đều vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Cho nên phản ứng của họ chỉ như một "trò lố"

Rõ ràng, Trung Quốc hoàn toàn yếu về pháp lý trong bất cứ tuyên bố nào của họ về chủ quyền ở Biển Đông, cũng như phản ứng đối với hoạt động của các nước trong vùng biển này.

Trong khi Việt Nam có đầy chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để chứng minh chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, do đó đã có phát biểu đầy trách nhiệm và xây dựng đối với hoạt động "tự do hàng hải" của Mỹ vừa qua.

Trả lời báo giới vào chiều ngày 12/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết :

"Tất cả các quốc gia đều được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

Việt Nam tiếp tục đề nghị các quốc gia có những đóng góp xây dựng và tích cực trên cơ sở luật pháp quốc tế vào việc duy trì hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật trên Biển Đông".

Từ đây nhìn lại phát biểu của bà Hoa Xuân Oánh mới nhận ra một điều, khi tính pháp lý bị đuối thì người ta thường hay lớn tiếng, mạnh miệng để lấn át, và cố đưa cái mình tự đặt ra (luật pháp Trung Quốc) lên trên luật pháp quốc tế (UNCLOS 1982), bất chấp sự phản đối của công luận.

Nó cũng giống như cái cách mà Trung Quốc ngụy xưng trước đây về cái gọi là "đường lưỡi bò" đã bị Tòa Trọng tài quốc tế thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 ở The Hague bác bỏ, hay gần đây lại thêm cái gọi là "Tứ Sa" nữa.

Phải đâu cứ mạnh miệng là được !

Bởi vậy, xem ra sự phản đối của Trung Quốc đối với hoạt động tuần tra trên Biển Đông của Mỹ vừa qua cũng chỉ như một "trò lố".

Đến đây tác giả chợt nhớ đến một câu thành ngữ của văn hóa phương Đông :

"Nói người phải nghĩ đến ta, Sờ vào sau gáy xem ta thế nào ?".

Phạm Doãn Tình

Nguồn : GDVN, 15/10/2017

Tài liệu tham khảo :

[1] http://www.reuters.com/article/us-usa-china-military-exclusive/exclusive-u-s-warship-sails-near-islands-beijing-claims-in-south-china-sea-u-s-officials-idUSKBN1CF2QG

[2] https//m.thuvienphapluat.vn/ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982

[3] https//www.maxreading.com/ Cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

[4] Lao động/ Việt Nam lên tiếng về tình hình trên Biển Đông.

Published in Diễn đàn