Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

vendredi, 15 septembre 2017 17:46

Chỉ còn Nàng Thơ

Ngày 16/9/2017, tiễn đưa Tiến sĩ  về thế giới người hiền, chỉ còn nàng thơ.

Nhà thơ Thanh Tùng tuyên bố như tổng kết, như khái quát cuộc đời mình : Tôi đã bị hai người đàn bà bỏ, nhưng tôi quyết không để Nàng Thơ bỏ tôi !

tho1

Nhà thơ Thanh Tùng đón ngày mới tại nhà riêng. Ảnh: Phạm Đình Trọng

Người đàn bà thứ nhất nhan sắc mặn mà, đằm thắm và cũng say đắm thơ, khi ra đi đã để lại cho nhà thơ nỗi đau và sự nuối tiếc. Một cuộc tình đắm say mà lỡ dở. Tâm hồn nhà thơ đã chưng cất nỗi đau ấy thành thứ rượu quí chôn vào thời gian. Thứ rượu quí đó được gọi tên là :

Thời Hoa Đỏ

Trong câu thơ của em

Anh không có mặt

Câu thơ hát về một thời yêu đương tha thiết

Anh đâu buồn mà chỉ tiếc

Em không đi hết những ngày đắm say.

Dù đã bước ra khỏi cuộc đời nhà thơ, đã vắng bóng trong cuộc sống hàng ngày nhưng người đàn bà đắm say ấy chưa khi nào rời khỏi trái tim Tiến sĩ  :

Em để lại trong tim tôi một mũi dao

Thỉnh thoảng lại nhấn sâu thêm một chút

Tôi mang nó suốt đời còn em thì không biết.

tho2

Nhà thơ Thanh Tùng, ngoài cùng bên trái tại Đại hội 6, hội Nhà Văn Việt Nam. Hà Nội, 2010. Ảnh : Phạm Đình Trọng

Người đàn bà thứ hai làm việc với những con số khô khan, kế toán ở một công ty quản lí, chăm sóc vườn cây và thảm cỏ thành phố vì thế bàn chân không rời mặt đất, mắt luôn nhìn xuống cỏ, trong tay luôn có chiếc máy tính và những con số, những phép tính cộng trừ cứ bám riết trong nghĩ suy, trong vui buồn. Còn nhà thơ của chúng ta trong cuộc vật lộn kiếm sống nuôi vợ con đã từng làm đủ việc. Thầy giáo dạy thể dục ở trường cấp hai. Công nhân quai búa trong một xưởng cơ khí máy móc thì ít, sức người thì nhiều. Vệ sĩ áp tải hàng trên những tuyến đường sông chạy giữa um tùm sú vẹt nơi nương náu đám đầu trộm đuôi cướp. Đôi vai trần vác những bao hàng nặng một tạ chạy từ kho xuống tàu biển. Chủ sạp sách báo nhỏ bên hè phố. Người đàn ông tất bật với những công việc của cơ bắp và mồ hôi nhưng mắt luôn nhìn lên trời xanh và một chiếc lá vàng rơi cũng làm tâm hồn thảng thốt. Khác nhau hướng nhìn và tầm nhìn. Khác nhau cả sự rung động của trái tim. Nhưng hai người đến với nhau khá nhanh vì có ông mối, nhà thơ Hoàng Hưng là chỗ thân thiết, tin cậy của cả hai người.

tho3

Nhà thơ Thanh Tùng cùng các nhà văn, nhà thơ Trần Hoài Dương, Phạm Đình Trọng, Văn Lê, Thái Thăng Long. Ảnh : Phạm Đình Trọng

Một buổi tối tôi đến thăm nhà thơ Hoàng Hưng khi đó gia đình anh còn ở con đường nhỏ khuất giữa những khối nhà cũ kĩ, lô xô, chen chúc, đường Nguyễn Thanh Tuyền, quận Tân Bình, gần nhà tôi khi đó.  Biết hôm sau tôi ra Hà Nội, Hoàng Hưng mừng rỡ hối hả giục tôi ra Hà Nội thì xuống ngay Hải Phòng, tìm Thanh Tùng, bảo Thanh Tùng vào Sài Gòn gấp.

Cám cảnh nỗi cô đơn của ông bạn thơ Thanh Tùng, Hoàng Hưng nhắm được người phụ nữ vốn cũng là dân Hà Nội nhiều đời như anh. Bố mẹ nàng có nhà cao cửa rộng ở phố lớn giữa Hà Nội nhưng từ năm 1954 khi những người nông dân mặc áo lính và áo đại cán tràn vào làm chủ Hà Nội thì những người chủ đích thực của Hà Nội thanh lịch, hào hoa bỗng trở nên lạc loài, phải rời Hà Nội, tứ tán đi khắp nơi. Người đi mở đất khai hoang trên núi rừng Tây Bắc. Người ra vùng mỏ Đông Bắc cuốc than. Người về vùng sâu vùng xa dạy học. Còn nàng thì giấu cái gốc gác Hà Nội trong màu áo xanh thanh niên xung phong. Gần năm mươi tuổi nhưng nàng vẫn là con gái. Nghe Hoàng Hưng giới thiệu về ông nhà thơ thợ thuyền từng trải cuộc sống, lận đận tình duyên, nàng đầy thương cảm và xúc động đón nhận sự vun đắp của ông anh Hoàng Hưng. Hoàng Hưng bảo tôi rằng nàng vừa rời nhà Hoàng Hưng trước khi tôi đến chỉ vài phút.

tho4

Trong một sự kiện của Tiến sĩ . Ba người đàn ông giữa ảnh đã gặp lại nhau ở thế giới Người Hiền, Nhà thơ Thanh Tùng, nhà văn Trần Hoài Dương, nhà văn Trần Đồng Minh. Ảnh : Phạm Đình Trọng

Với nỗi nhớ cái rét, năm nào khi ngọn gió heo may xào xạc trên vòm sấu cổng cửa Bắc thành cố Hà Nội tôi cũng trở về chốn cũ để mỗi buổi chiều lại chạy xe chầm chậm dưới vòm xà cừ đường Hoàng Diệu, ngắm cổng Tây thành cổ Hà Nội, tìm lại bóng dáng thời trai trẻ tôi đã để lại nơi đây. Con đường kỉ niệm dẫn tôi ra hàng liễu bên Hồ Tây để tôi lặng nhìn màn sương huyền thoại bảng lảng trên hồ và cảm nhận ngọn gió heo may se lạnh trên má, trên cánh tay trần. Năm nay tôi ra Hà Nội ngoài nỗi nhớ đó còn vì một sứ mệnh của trái tim do nhà thơ Hoàng Hưng giao phó.

Tôi đến phố Nguyễn Đức Cảnh khi đường phố Hải Phòng vừa lên đèn. Chưa đến nhà 44 tôi đã nhận ra Thanh Tùng đang rải những rổ, rá, chậu, xô nhựa xanh, đỏ ra một khoảng hè phố. A, bây giờ nhà thơ lại làm nghề bán đồ nhựa trên vỉa hè. Thấy Thanh Tùng vui vẻ đón nhận sự mai mối của ông bạn Hoàng Hưng và chấp nhận sự điều động của ông mối, tôi thấy nhẹ nhõm vì đã hoàn thành nhiệm vụ với hai nhà thơ. Cả buổi tối đó tôi ngồi bán hàng với Thanh Tùng nhưng đến một người khách dừng lại nghiêng ngó xem hàng cũng không có.

Chỉ mấy tháng sau, tôi cùng nhà văn Trần Hoài Dương, nhà văn Trần Đồng Minh đến dự đám cưới Tiến sĩ  ở nhà cô dâu, đường Chu Văn An, quận Bình Thạnh, Sài Gòn.

Người đàn bà thứ hai đã tạo ra một bước ngoặt, một dấu mốc lớn trong cuộc đời Tiến sĩ , đưa nhà thơ vào với nắng gió nồng nàn, phóng khoáng đất phương Nam, đưa nhà thơ vào với ấm áp bầu bạn văn chương đang quây quần ở phương Nam, Hoàng Hưng, Trần Mạnh Hảo, Trần Hoài Dương, Nguyễn Vũ Tiềm, Nhật Tuấn, Nguyễn Thái Sơn, Trần Quốc Toàn, Lê Thiếu Nhơn… Nhưng người đàn bà đó lại không thể gắn bó được lâu dài với nhà thơ.

Như trên tôi đã viết nàng là con người của những con số. Mắt nàng luôn nhìn xuống cỏ và trong tay nàng không rời chiếc máy tính với những con số tiền bạc, với những phép tính cộng trừ. Còn nhà thơ của chúng ta hai bàn tay trắng mà đôi mắt luôn ngước lên vòm trời và trong mắt nhìn đắm đuối của nhà thơ, vòm trời cứ xanh thẳm và đầy khắc khoải. Vòm trời đó là của Nàng Thơ.

Em nào đọc nổi

Mảnh hồn tôi run mãi ở trên cao

Tôi vất vả mang trái tim đầy ắp.

Chỉ còn Nàng Thơ nồng nàn đi đến tận cùng với Thanh Tùng

Phạm Đình Trọng

Sài Gòn, 15/09/2017

Published in Văn hóa
jeudi, 07 septembre 2017 20:49

Những lớp người công cụ

Từ bao giờ ngành giáo dục chỉ chăm chăm biến thế hệ trẻ thành công cụ của chính trị, không biết đến sứ mệnh cao cả và thiêng liêng của những người thầy là đánh thức những tâm hồn của lớp người đang hình thành nhân cách, gieo những hạt mần nhân văn vào những mảnh hồn được đánh thức đang khát khao cái đẹp, khát khao lí tưởng.

congcu1

Trường Trung học phổ thông Thanh Chương 3, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An ngày khai trường 5/9. Ảnh: Báo Dân Trí

Từ bao giờ một ngày hội vui hồn nhiên, náo nức biến thành một ngày làm việc khô khan, tẻ nhạt, nặng nề.

Ngày khai trường là ngày hội của tuổi học trò, ngày náo nức trở lại trường gặp bầu bạn sau một mùa hè rời phòng học, xa bạn bè, xa thầy cô, xa mái trường thân yêu, xa mảnh sân trường lưu giữ bao kỉ niệm còn tươi rói.

Từ bao giờ ngành giáo dục đã biến ngày hội vui khai trường thành ngày khai giảng nặng nề, khô khan, màu mè hình thức. Khai giảng thì chỉ còn là ngày bắt đầu làm việc của những người thầy trang nghiêm, đạo mạo, không còn là ngày náo nức vui gặp gỡ của những gương mặt học trò bừng sáng như những tia nắng sớm.

Từ bao giờ ngành giáo dục đã biến ngày đầu năm học, tức là ngày tết của học trò, của tuổi trẻ hồn nhiên thành ngày của người lớn, biến sân trường rộn rã tiếng cười nói của những thanh âm mảnh mai non nớt như tiếng chim, sân trường của những tà áo tung bay, của những bàn chân sáo tung tăng ríu rít thành sân khấu chính trị của quan chức.

Học trò thay vì được tụm năm, tụm ba, kể cho nhau nghe những ngày hè xa nhau rồi vào lớp dành thời gian làm quen với lớp mới, thầy mới, bạn mới thì phải ngồi bó gối trong hàng ngũ chỉnh tề nghe những quan chức rao giảng, huấn thị những lời đao to búa lớn nhưng sáo rỗng, mòn cũ muôn thuở.

Học trò thay vì thích thú mặc bộ đồ mới đón năm học mới như đứa trẻ xênh xang áo mới đón ngày tết lại phải mặc đồng phục đồ lính, đội mũ lính, mang vẻ mặt xung trận, đi ắc ê một, hai, tập những bước đi đầu tiên của rô bô công cụ, của bầy đàn, muôn người như một, không có cá nhân, không còn cá tính.

Chưa tính đến nội dung giáo dục của nhà trường bị chính trị hóa nặng nề, áp đặt, méo mó, chỉ nhìn hình thức tập hợp học trò đã thấy những lớp người trẻ, tương lai của đất nước đang bị nền giáo dục xã hội chủ nghĩa làm hư hỏng như thế nào.

concu2 (2)

Những lớp người trẻ mặc đồng phục đồ lính, đội mũ lính, mang vẻ mặt xung trận, tập những bước đi đầu tiên của rô bô công cụ, của bầy đàn, muôn người như một, không có cá nhân, không còn cá tính.

Cơ đồ Việt Nam không phải chỉ bị mất đất đai biên cương, biển đảo, tài nguyên bị bòn rút, đất nước bị tàn phá tan hoang, rừng biển bị sang nhượng, nền kinh tế bị thất thoát, thua lỗ lụn bại mà cả những thế hệ trẻ cũng đang bị hủy hoại.

Đất nước với một nền giáo dục không tạo ra những con người sáng tạo chỉ tạo ra những con người công cụ. Đó là đất nước nô lệ, đất nước bị chiếm đóng.

Phạm Đình Trọng

(07/09/2017)

Published in Diễn đàn
vendredi, 01 septembre 2017 19:02

Bạc phúc cho dân, bạc mệnh cho nước

Từ đời sống bóng đá đến đời sống xã hội

Đội bóng đá U22 của Việt Nam tại kì Sea Games 29 Malaysia 2017 là đội bóng mạnh. Một dàn cầu thủ tài năng và rất đồng đều. Cả đội hình dự bị cũng không chênh lệch bao nhiêu so với đội hình chính thức. Sức mạnh của kĩ thuật cá nhân, những tài năng bóng đá Việt Nam được đào tạo, rèn luyện bài bản chính qui hiện đại từ tuổi nhỏ với những ông thầy đến từ những nền bóng đá hàng đầu thế giới. Sức mạnh kĩ thuật đồng đội của một đội hình nhiều năm tập luyện và thi đấu bên nhau, cảm nhận được từng bước chạy, từng đường bóng của đồng đội như đọc được suy nghĩ của nhau. Sức mạnh của sức trẻ được chăm bẵm đầy đủ và sức bền được tích lũy như sức nén của chiếc lò so. Sức mạnh của những tài năng khát khao thể hiện mình và khao khát chiến thắng.

bongda1

Đội bóng đá U22 của Việt Nam tại kì Sea Games 29 Malaysia 2017 là đội bóng mạnh

Một vị trí duy nhất sút kém không tương xứng với toàn đội là người trấn giữ khung thành. Nhìn dáng người thanh mảnh, nhẹ nhõm của cầu thủ mang găng tay đứng trong khung thành đã thấy sự mong manh và thấy khung thành quá thênh thang, chênh vênh, trống trải. Không hiểu sao, người trấn giữ khung thành mong manh như vậy của đội U22 lại vừa được ông huấn luyện viên mới của đội tuyến quốc gia gọi lên đội tuyển.

Bóng đá Thái Lan vẫn là đối thủ lớn nhất của bóng đá Việt Nam ở mọi kì Sea Games. Những kì Sea Games trước, Thái Lan là đội bóng có sức mạnh vượt trội. Nhưng kì này sức mạnh Thái Lan không còn đáng kể nữa. Trận ra quân quá cam go, chật vật mới có được tỉ số hòa 1 – 1 trong may mắn của Thái Lan trước Indo là một minh chứng.

Bóng đá Phi không còn những cầu thủ nòi từ những lò đào tạo khét tiếng trời Âu nhập tịch dân Phi, khoác áo đội tuyển Phi. Bóng đá của xứ sở bóng chày, của xứ sở đấm bốc lại trở về sàn sàn với nền bóng đá chưa có bóng dáng chuyên nghiệp Căm Bốt, sàn sàn với nền bóng đá non trẻ Đông Timor.

Trong thế lực và trong tương quan đó, giấc mơ vàng của bóng đá Việt Nam ở Sea Games 2017 hiển nhiên là trong tầm tay. Chỉ còn đợi người có tài cầm quân, thấy được mạnh yếu của từng cá thể cầu thủ, sử dụng sắp xếp đội hình để triệt tiêu cái yếu, khuyếch đại cái mạnh, giúp những cá thể cầu thủ bộc lộ được tài năng và phối hợp nhịp nhàng trong đội hình, tạo được vẻ đẹp huy hoàng nhất và tạo ra sức mạnh lớn nhất của đội bóng, chinh phục mọi trở ngại, thực hiện giấc mơ vàng.

Nhưng…

Bóng đá là thể thao nhưng bóng đá cũng là nghệ thuật. Nghệ thuật của sức mạnh. Nghệ thuật của những tài năng cá thể kết hợp hài hòa, uyển chuyển với đồng đội, biến hóa mau lẹ như những tia chớp tạo thành nghệ thuật của cả đội hình, tạo ra cảm hứng về cái đẹp cho hàng vạn trái tin say đắm, hàng vạn tâm hồn ngất ngây vây kín quanh sân vận động. Sức hấp dẫn của bóng đá là cái đẹp của những tài năng cá thể kết hợp lại thành cái đẹp của cả đội hình. Đó chính là nghệ thuật

Cái đẹp lộng lẫy nhất, huy hoàng nhất của bóng đá là bàn thắng. Bàn thắng là sự thăng hoa, là sự phô diễn của những tài năng cá thể, những nghệ sĩ bóng đá trên sân cỏ kết hợp với nhau tạo nên sự ngây ngất, huy hoàng, lộng lẫy của cái đẹp bóng đá. Như sản phẩm công nghiệp là thành quả của cả một dây chuyền sản xuất công nghệ cơ khí. Bóng đá vừa là thể thao, vừa là nghệ thuật của văn minh công nghiệp. Khác hẳn với thể thao và nghệ thuật của nền sản xuất nông nghiệp thô sơ chỉ là tài năng của những cá thể đơn lẻ

Sản xuất nông nghiệp thô sơ, tự cấp, tự túc là hoạt động của những cá thể đơn độc và những gia đình riêng lẻ. Trong sản xuất là :

Trên đồng cạn, dưới đồng sâu

Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa.

Trong thể thao là đấu vật, ném còn. Trong nghệ thuật là những giọng chèo, giọng lí, giọng ví dặm giọng ca cải lương. Trong thưởng thức nghệ thuật là :

Trúc xinh trúc mọc đầu đình

Em xinh em đứng một mình cũng xinh.

Con người của nền văn minh nông nghiệp thủ công, tâm hồn khép kín, tầm nhìn hạn hẹp, chỉ chăm chăm nhìn xuống mảnh đất dưới chân mình, chỉ biết lợi ích riêng tư, cục bộ, hẹp hòi của một cá thể, của một cộng đồng nhỏ bé.

Thế giới đã đi qua nền văn minh công nghiệp rực rỡ ánh sáng, bước lên nền văn minh tin học sán lạn, nền văn minh cho con người những năng lực kì diệu, thần tiên. Đau khổ thay và cũng căm phẫn thay cho người dân Việt Nam, chế độ độc đảng, độc tài đã níu giữ xã hội Việt Nam găm lại thời lãnh chúa phong kiến, nối tiếp thời phong kiến trung cổ kéo dài đến tận hôm nay và sẽ còn tồn tại dài dài cùng thể chế cộng sản. Chế độ độc đảng, độc tài cộng sản đã kéo xã hội Việt Nam tụt lại sau văn minh loài người ba, bốn thế kỉ. Đã bước sang thế kỉ hai mươi mốt, thiên niên kỉ thứ ba, đã là thời của văn minh tin học nhưng xã hội Việt Nam vẫn là thời của lãnh chúa.

bongda2

Con người Việt Nam dù đang sử dụng laptop, smartphone vẫn là con người của nền sản xuất nông nghiệp cổ lỗ, con người chỉ biết đến những lợi ích riêng tư, hẹp hòi, cục bộ.

Lãnh chúa cộng sản còn đau khổ, tối tăm hơn cả lãnh chúa phong kiến. Trong xã hội tăm tối đó, con người Việt Nam dù đang sử dụng laptop, smartphone vẫn là con người của nền sản xuất nông nghiệp cổ lỗ, con người chỉ biết đến những lợi ích riêng tư, hẹp hòi, cục bộ. Những nhóm lợi ích đang ngang nhiên thống trị quyền lực nhà nước, thống trị cả nền kinh tế, thống trị đời sống xã hội là sự hiển hiện của con người nông nghiệp manh mún, con người chỉ biết có lợi ích nhỏ bé, riêng tư, cục bộ. Ở vị trí quốc gia, phải chăm lo lợi ích cho dân cho nước nhưng trong xã hội lãnh chúa tăm tối, những con người của nền văn minh nông nghiệp manh mún nắm quyền lực quốc gia chỉ lo cho lợi ích cục bộ riêng tư. Đặt lợi ích của đảng cộng sản, lợi ích của những nhóm quyền lực mang danh đảng cộng sản, mang danh nhà nước cộng sản lên trên lợi ích đất nước, lên trên lợi ích toàn dân.

Sự thất bại thảm hại của đội bóng đá U22 Việt Nam đầy sức mạnh ở Malaysia tháng 8/2017 này, một thất bại đau đớn ê chề, không vượt qua được vòng đấu bảng, cũng do người nắm sức mạnh đội bóng là con người của nền văn minh nông nghiệp manh mún, ở vị trí quốc gia nhưng chỉ lo cho lợi ích cục bộ riêng tư.

Với sức mạnh hiện nay của bóng đá Việt Nam, đấu với những đội bóng non trẻ, còn ở đẳng cấp thấp, với đấu pháp và đội hình nào, sức mạnh đó cũng dễ dàng chiến thắng. Và chúng ta đã thắng Đông Timor 4–0, thắng Campuchia 4–1, thắng Philippines 4–0. Nhưng đấu với đối thủ của nền bóng đá đã trưởng thành, dù bóng đá Việt Nam có sức mạnh vượt trội hơn nhưng đấu pháp sai và đội hình khập khiễng do cách dùng người nhỏ nhen, cục bộ, sức mạnh đó sẽ bị triệt tiêu, kết cục cay đắng sẽ đến. Chúng ta đã phải nhận sự cay đắng đó trong trận đấu với đội bóng xứ vạn đảo Indonesia. Càng cay đắng ê chề hơn trong trận đấu với đội bóng xứ Thái đang thời sa sút.

Qua diễn biến trận bóng đá Việt Nam – Indonesia, người xem bình thường cũng nhận ra rằng người cầm quân đội bóng xứ vạn đảo nhận thức được sức mạnh bóng đá Việt Nam. So tương quan lực lượng, phần thắng không thể đến với họ. Nếu thua, họ sẽ phải trắng tay về nước. Và người cầm quân đội bóng xứ vạn đảo đã hóa giải sức mạnh đối thủ bằng hai chiêu là. Một, cho cầu thủ thực hiện lối đá "tiều phu đốn củi" chặn đứng đối thủ có kĩ thuật bằng áp sát dùng sức mạnh tiều phu đốn gục đối thủ. Hai, đi đêm với trọng tài để trọng tài đứng về phía họ, bỏ qua những lỗi thô bạo của họ. Những tiều phu xứ vạn đảo liên tục đốn hạ giò cẳng cầu thủ Việt Nam đều được ông trọng tài xứ Oman Tây Á bỏ qua. Điển hình là cuối trận đấu, cầu thủ Quang Hải Việt Nam đi bóng áp sát khung thành đối thủ, bị đối thủ quét mũi giầy như người thợ cắt cỏ quét lưỡi hái. Quang Hải đổ gục. Một quả penalty rành rành cho Việt Nam cũng bị ông trọng tài bỏ qua.

Dù áp đảo đối thủ suốt trận đấu nhưng người cầm quân đội bóng Việt Nam không cơ mưu ứng phó, lại dùng người theo tình cảm nhỏ nhen, cục bộ làm cho đội bóng Việt Nam mất đi sức mạnh của kĩ thuật cá nhân và kĩ thuật đồng đội, trận đấu mất đi vẻ đẹp nghệ thuật của những cầu thủ nghệ sĩ trình diễn tài năng trên sân cỏ. Đội bóng phải chịu 90 phút hành hình, tra tấn của bạo lực và phải chấp nhận tỉ số hòa 0 – 0 đầy bất lợi, đầy nguy hiểm vì đã bị đẩy ra mấp mé bên rìa cuộc chơi.

Phải lấy tinh chống lại thô. Cần có những cầu thủ có kĩ thuật khéo léo và nhạy cảm nghệ sĩ để chống lại lối chơi của sức mạnh cơ bắp tiều phu đốn củi. Trong dàn cầu thù U22 Việt Nam, mọi vị trí đều có những cầu thủ có phẩm chất như vậy. Nhưng ở vị trí quan trọng nhất, vị trí mũi nhọn tấn công ghi bàn, cầu thủ tài năng, có kĩ thuật khéo léo, có nhạy cảm nghệ sĩ để có cái duyên ghi bàn thắng đã phải ngồi ghế chầu rìa và người cầm quân đã đưa một cầu thủ đệ tử đồng hương, đá bóng chỉ bằng sức mạnh đôi chân, không có cái đầu tỉnh táo, càng thiếu hụt cái hồn nhạy cảm nghệ sĩ. Để rồi những bàn thắng mười mươi mà đồng đội bằng kĩ thuật khéo léo vượt qua sự truy cản thô bạo đưa bóng đến chân cầu thủ có tên Tuấn Tài được người cầm quân ưu ái đưa vào sân đều bị Tuấn Tài vụng về kết thúc hỏng.

Xin hãy đọc những dòng của một chuyên gia bóng đá chỉ ra cái sai trong dùng người dẫn đến một trận cầu cay đắng của bóng đá Việt Nam : "Từ miếng đánh dọc biên, Văn Toàn tạt vừa tầm vào trước cầu môn nhưng Tuấn Tài quá sức vụng về đẩy bóng thẳng vào tay thủ môn Tama" Và tiếng than của ông chuyên gia bóng đá cũng là tiếng than của môn thể thao thời công nghiệp nằm trong tay những con người còn mang nặng trĩu trong tư duy căn tính nông dân manh mún, nhỏ nhen, hẹp hòi, cục bộ : "Làm nghề hơn 30 năm, tôi chưa khi nào thấy một tiền đạo lại vô duyên với việc sút cầu môn như Tuấn Tài vào tối 22/8. Cả hai tình huống ngàn vàng đều đi qua, phủi sạch mọi công sức của đồng đội trong một trận cầu mà U22 Việt Nam xứng đáng có ba điểm cùng chiếc vé sớm vào bán kết" (Tuổi Trẻ, 23/8/2017).

Tưởng rằng sau trận đấu cay đắng không ghi được bàn thắng trước đội bóng tầm thường, thô thiển và ngọn đèn đỏ báo động bị loại khỏi cuộc chơi đang nhấp nháy trước mặt buộc người cầm quân đội bóng đá U 22 Việt Nam phải nhận ra sai lầm trong dụng quân, phải thoát ra khỏi cái hẹp hòi cục bộ, phải đứng ở vị trí quốc gia mà hành xử. Nhưng không. Cầu thủ vụng về, đã mang công lao và tài năng của cả đội đổ xuống sông xuống biển, đã làm mất chiến thắng của toàn đội trong trận đấu mới diễn ra trước hai ngày lại được người cầm quân đưa vào sân trong trận đấu phải ghi được bàn thắng, phải thắng đội Thái mới mở được đường đi tiếp.

Trong trận đấu phải thắng mới tự cứu được mình nhưng với cách dụng quân của người cầm quân nhỏ nhen, cục bộ, bàn thắng đã không có mà còn phải nhận ba bàn thua. Không còn là cay đắng nữa mà là nhục nhã. Sự nhục nhã ở phương diện quốc gia.

Con người công nghiệp là con người của lí, con người của sự nghiệp. Con người nông nghiệp cổ lỗ là con người của tình. Tình yêu gia đình. Tình yêu quê hương. Con người nông nghiệp là con người của gia đình. Cả cuộc đời người nông dân chỉ là

"Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà

Cả ba việc ấy ắt là phải lo".

uộc đời của họ chỉ quanh quẩn từ túp lều tranh ra cánh đồng cạn, cánh đồng sâu, từ chiếc cối xay cối giã của việc nhà đến mảnh sân đình của việc làng.

Tầm nhìn hạn hẹp. Tình cảm khép kín. Cả cuộc đời cầu thủ và cuộc đời cầm quân của người cầm quân đội U 22 Việt Nam ở SEA Games 2017 cũng chỉ quanh quẩn ở mảnh đất xứ Nghệ . Trong tầm nhìn của ông, ông chỉ thấy lứa cầu thủ đàn em Lê Quốc Vượng, Phạm Văn Quyến và lứa cầu thủ học trò Hồ Tuấn Tài.

Cái cay đắng nhục nhã mà bóng đá Việt Nam phải nhận vì đã giao môn thể thao của văn minh công nghiệp cho một con người khá tiêu biểu cho nền văn minh nông nghiệp cổ hủ. Khái quát hơn, bóng đá Việt Nam chỉ phát huy được hết sức mạnh nội lực, rũ bỏ được cay đắng, tủi nhục, vươn lên ngang tầm thời đại khi những người làm bóng đá là những con người đích thực của nền văn minh công nghiệp. Nhưng thể chế lãnh chúa cộng sản đang và sẽ kìm hãm xã hội Việt Nam dừng lại mãi mãi ở nền văn minh nông nghiệp lạc hậu thì không thể có con người của văn minh công nghiệp. Vì vậy chỉ khi đất nước thực sự thoát khỏi thời lãnh chúa cộng sản, bóng đá cùng các hoạt động thể thao, văn hóa, nghệ thuật mới có thể phát triển.

Từ nỗi đau của bóng đá Việt Nam vì một môn thể thao của văn minh công nghiệp trong tay những con người còn mang nặng căn của nền nông nghiệp manh mún, lại chạnh nghĩ đến nỗi đau của người dân Việt Nam ở thời văn minh tin học vẫn phải sống trong thể chế lãnh chúa cộng sản còn nghiệt ngã hơn cả lãnh chúa phong kiến.

bongda3

Những lãnh chúa cộng sản cha truyền con nối đã truyền nối căn tính ích kỉ, nhỏ nhen, hẹp hòi của nền sản xuất nông nghiệp manh mún cổ lỗ, kìm hãm xã hội Việt Nam mãi mãi trong trì trệ, ngưng đọng, tăm tối, lạc lõng với loài người.

Lãnh chúa cộng sản hiển hiện khi bà phó bí thư đảng của thành phố Phương Nam lớn nhất nước vốn là con của ông bí thư tỉnh ủy một tỉnh miền Đông Nam Bộ thời chiến tranh, phủ dụ dân chúng rằng : Con lãnh đạo lại làm lãnh đạo là hồng phúc cho dân. Con vua thì lại nghiễm nhiên làm vua, lãnh đạo dân nhưng không cần đến lá phiếu của người dân, người dân bị tước quyền công dân, tước quyền làm chủ đất nước. Đó là cha truyền con nối của thời lãnh chúa phong kiến, thời người dân chỉ là bầy nô lệ. Thời văn minh công nghiệp mà bà phó bí thư một thành phố công nghiệp lớn nhất nước vẫn mang tư duy của thời lãnh chúa phong kiến, tư duy của con người thời nông nghiệp cổ lỗ.

Những người cộng sản lứa đầu đã nhập khẩu học thuyết đấu tranh giai cấp máu và nước mắt về đất nước của yêu thương, thương người như thể thương thân, hết dìm đất nước trong tan hoang của chiến tranh cách mạng, lại dìm đất nước trong xơ xác kiệt quệ của những nhóm lợi ích tham lam vơ vét cướp bóc mà nhóm lợi ích lớn nhất là đảng cộng sản đã tham lam cướp đoạt cái quí giá nhất của người dân là quyền lực của nhân dân. Học thuyết đấu tranh giai cấp đã đưa giai cấp vô sản, lớp người đói khổ, không tài sản, không trí tuệ, lớp người nuôi bản thân chưa xong lên lãnh đạo đất nước, làm đất nước ngày càng xơ xác kiệt quệ.

Những lãnh chúa cộng sản cha truyền con nối đã truyền nối căn tính ích kỉ, nhỏ nhen, hẹp hòi của nền sản xuất nông nghiệp manh mún cổ lỗ, kìm hãm xã hội Việt Nam mãi mãi trong trì trệ, ngưng đọng, tăm tối, lạc lõng với loài người. Đó là sự bạc phúc của dân, bạc phận của nước và càng bạc phận với những hoạt động đòi hỏi những tài năng đỉnh cao như bóng đá, như văn học nghệ thuật !

Sài Gòn, 01/09/2017

Phạm Đình Trọng

Published in Diễn đàn

Quân đội cố giành chức năng làm kinh tế cho thấy thống lĩnh quân đội hiện nay chỉ là mấy ông tướng nông dân, những người chỉ có tầm nhìn hạn hẹp, không vượt ra khỏi mảnh ruộng manh mún, riêng tư của gia đình mình.

quandoi1

Quân đội nhân dân Việt Nam bên cạnh chức năng chủ yếu là “đội quân chiến đấu” bảo vệ tổ quốc, còn có hai chức năng khác là “đội quân công tác”.

Những ông tướng nắm sức mạnh quân sự của đất nước, bảo đảm lợi ích của đất nước là toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm lợi ích của nhân dân là được sinh sống trên đất nước bình yên, là thế đứng của dân tộc Việt Nam trước thế giới. Ở tầm quốc gia lớn lao như vậy nhưng những ông tướng nông dân cố níu giữ chức năng quân đội làm kinh tế là đã đặt lợi ích cục bộ của nhóm quyền lực nhà binh lên trên lợi ích của đất nước, của nhân dân. Quân đội làm kinh tế thực ra chỉ là nhóm quyền lực nhà binh khai thác năng lực quân đội vào hoạt động kinh tế mang lại lơi nhuận cho nhóm quyền lực nhà binh mà thôi.

Quân đội làm kinh tế đã phá hỏng cả hai yếu tố về tổ chức bắt buộc phải có của quân đội là tập trung và chuyên nghiệp. Quân đội làm kinh tế thì đội quân đó chỉ là những lao binh chuyện nghiệp và những chiến binh nghiệp dư. 

1. Chiếc bóng của quyền lực

Được đảng chia cho chiếc ghế quyền lực Thủ tướng Chính phủ và được Quốc hội theo lệnh đảng bỏ phiếu hợp thức hóa sự chia chác đó, ngày 27/6/2006 trên diễn đàn Quốc hội, ngay sau cuộc bỏ phiếu chỉ là thủ tục, trong niềm phấn khích, hào hứng, ông Thủ tướng mới Nguyễn Tấn Dũng nghiêm trang, trịnh trọng tuyên bố : Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay.

Ở phương diện quốc gia, ông Thủ tướng Dũng nói như đinh đóng cột về chống tham nhũng trước Quốc hội, trước tai mắt quốc dân, trước truyền thông trong nước và thế giới nhưng Chính phủ của ông Dũng lại là Chính phủ tham nhũng tàn bạo nhất, tồi tệ nhất, ngang nhiên nhất, bòn rút, cướp bóc của dân, đục khoét, vơ vét của nước khủng khiếp nhất. Những vụ tham nhũng, thất thóat hàng trăm ngàn tỉ đồng ở Vinashine, Vinalines, PVC (Tổng công ty xây lắp dầu khí)..., những vụ cướp đất đổ máu ở Văn Giang, Dương Nội...những vụ do tham nhũng rước thảm họa về hủy diệt sự sống, hủy diệt kinh tế đất nước như Bô xít Tây Nguyên, rước thảm họa về trút xuống đầu dân như thép Formosa, nhiệt điện Vĩnh Tân, giấy Hậu Giang... đều diễn ra dưới thời ông Thủ tướng "quyết liệt chống tham nhũng".

Trong thực đơn tham nhũng thì tham nhũng quyền lực là món béo bở nhất, ngon xơi nhất và xơi bẫm nhất. Dù tham nhũng quyền lực gây nguy hại lớn nhất, lâu dài nhất cho đất nước, ông Thủ tướng Dũng cũng không từ. Chỉ xin dẫn một minh chứng. Thời ông Dũng đầy quyền lực, ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, hai con trai ông Dũng chẳng có tài cán, công trạng gì, chỉ là những cậu ấm nhung lụa vẫn liên tiếp nhảy cóc rất "đúng qui trình" trên những chiếc ghế quyền lực lớn. Đó chính là sự tham nhũng quyền lực.

Bằng tấm gương tham nhũng của mình, ông Thủ tướng Dũng đã bật đèn xanh cho cả bộ máy quản lí nhà nước của ông hối hả tham nhũng, ngang nhiên tham nhũng, quyết liệt tham nhũng. Thủ tướng Dũng và cả Chính phủ của ông Dũng tham nhũng như tằm ăn rỗi. Một Chính phủ ăn tàn phá hại, vay nợ khắp thế giới nhưng vay bao nhiêu cũng không đủ cho những cái dạ dày tham nhũng như những cái thùng không đáy, chỉ chồng chất thêm gánh nợ khổng lồ lên đôi vai gầy của đất nước và đè nặng trĩu xuống tấm lưng còng của người dân. Vậy mà ông Dũng không từ chức như lời hứa mà ông còn làm một lèo hai nhiệm kì Thủ tướng làm cho nền kinh tế đất nước tiêu điều, lụn bại, xã hội đen tối, thối nát, văn hóa thấp kém, đạo đức suy đồi, thẩm mĩ xã hội méo mó, bệnh hoạn chưa từng có từ trước đến nay.

Tham nhũng là tội phạm và chỉ có quyền lực mới có thể tham nhũng vì thế người có quyền lực nào cũng tỏ ra mình trong sạch, liêm khiết, miễn trừ với tham nhũng bằng lớn tiếng chống tham nhũng. Nhưng quyền lực luôn có xu hướng lạm quyền và thiên lệch nhằm mang lại lợi ích cho người có quyền. Đó là tham nhũng. Tham nhũng thực sự là chiếc bóng lù lù phía sau quyền lực.

Nhận ra chiếc bóng tham nhũng đen tối luôn đồng hành cùng quyền lực, từ thế kỉ 18, các nước bước vào kỉ nguyên công nghiệp sau cách mạng tư sản dân quyền đã phân chia quyền lực nhà nước thành ba nhánh, tam quyền phân lập, để giám sát lẫn nhau. Ba nhánh quyền lực hoàn toàn riêng biệt, độc lập, lập pháp - hành pháp - tư pháp, như ba ngọn đèn pha từ ba góc của tam giác quyền lực chiếu vào nhau, quét đi bóng đen tham nhũng của quyền lực.

Nhà nước độc tài cộng sản dù có tam quyền nhưng không phân lập. Cả ba nhánh quyền lực lập pháp - hành pháp - tư pháp đều đặt dưới sự thao túng, chỉ đạo của đảng cộng sản, đều chỉ là những sân khấu, những sàn diễn do đảng cộng sản là tổng đạo diễn. Thao túng, chỉ đạo, điều khiển, chỉ huy diễn xuất cả lập pháp và tư pháp là đảng đã đứng ngoài và đứng trên pháp luật. Điều 16 Hiến pháp xác nhận : Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nhưng chỉ thị 15 của đảng cộng sản lại cho đảng viên được quyền đứng ngoài Hiến pháp, đứng trên pháp luật khi qui định cơ quan điều tra phải báo cáo cấp ủy đảng và được cấp ủy đảng cho phép mới được điều tra đảng viên vi phạm pháp luật. Quan chức có quyền lực nhà nước cũng là đảng viên có quyền lực lớn trong đảng, dù có tội tày đình, pháp luật đành bó tay không dám động đến.

Thời Thủ tướng Dũng, một ông trong Chính phủ là Tổng Thanh tra, trong đảng là ủy viên trung ương. Từ một cán bộ đảng với mức sống bình thường như mọi cán bộ vô sản trong xã hội Việt Nam đang còn phải xóa đói giảm nghèo. Chỉ sau một thời gian ngắn có quyền lực lớn ông bỗng có khối tài sản khổng lồ, biệt phủ hoành tráng, nhà đất thênh thang ở Sài Gòn, ở quê nhà, cùng những dấu hiệu đầy đủ, rõ ràng của tham nhũng trong đề bạt bổ nhiệm quan chức dưới quyền. Nhưng pháp luật chỉ xăm soi hùng hổ điều tra và quyết liệt xử tù nặng một thanh niên dân đen thất nghiệp vì quá đói phải cướp ổ bánh mì vài ngàn đồng. Còn ông quan đảng viên có dấu hiệu tham nhũng hàng trăm tỉ đồng thì pháp luật không được phép vào cuộc. Và ông quan thanh tra là ủy viên trung ương đảng có biểu hiện đầy đủ và rõ ràng của tham nhũng chỉ phải nhận kỉ luật nhẹ nhàng, êm ái trong nội bộ đảng vì "có dấu hiệu vi phạm về tài sản, chế độ chính sách của Nhà nước". Có dấu hiệu vi phạm về tài sản, chế độ chính sách Nhà nước là đã vi phạm pháp luật. Nếu được vào cuộc, pháp luật không thể dừng lại ở dấu hiệu vi phạm.

Từ thế kỉ 18, nhà nước văn minh hiện đại với tam quyền phân lập đã xuất hiện trên thế giới. Người dân ở đó được thực sự làm chủ nhà nước. Bằng lá phiếu thực sự tự do, người dân bầu ra ba nhánh quyền lực riêng biệt, độc lập kiểm soát nhau, ngăn chặn tham nhũng, trước hết là ngăn chặn tham nhũng quyền lực. Đến tận thế kỉ 21, xã hội Việt Nam vẫn đen tối, ngột ngạt trong xã hội tập quyền đảng trị. Nền văn minh tập quyền đảng trị đã kéo xã hội Việt Nam lùi về tận thời văn minh lãnh chúa, tụt lại sau văn minh của loài người ít nhất ba thế kỉ.

Nền văn minh tập quyền đảng trị là nền văn minh của quyền lực độc tài. Quyền lực của nhân dân bị đảng tước đoạt rồi đem chia chác trong nội bộ đảng. Độc đảng thao túng quyền lực. Không có tam quyền phân lập, không có quyền lực giám sát quyền lực. Đó là mảnh đất màu mỡ của tham nhũng. Những người có quyền lực nhà nước đều là những yếu nhân vai vế trong đảng, đều được chỉ thị 15 đặt ngoài Hiến pháp, đặt trên pháp luật. Đó là những hạt giống đỏ đầy khát vọng quyền lực và khát vọng vinh thân phì gia được cấy vào mảnh đất màu mỡ tham nhũng.

Một quyền lực đơn lẻ lạm quyền để vụ lợi đã vô cùng nguy hại. Quyền lực càng lớn, nguy hại càng rộng. Lịch sử Việt Nam đang phải chứng kiến và ghi nhận từ thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng những quyền lực nhà nước liên kết với nhau và liên kết với quyền lực đồng tiền thành những nhóm lợi ích lớn và đầy sức mạnh mang danh tổ chức đảng cộng sản, mang danh tổ chức nhà nước cộng sản thao túng nền kinh tế, thao túng đời sống xã hội chỉ vì lợi ích nhóm. Sự thao túng của những nhóm lợi ích có quyền lực nhà nước đã đẩy hàng triệu người dân vào cảnh thất cơ lỡ vận, không còn đường sống. Tạo ra dòng dân oan ngày càng đông, vật vờ như những bóng ma đói năm 1945. Làm chảy máu xối xả ngân khố. Gây nguy khốn cho nước. Xã hội ngày càng bất công, bất an và bất bình.

Trong những nhóm lợi ích đó có nhóm lợi ích military, nhóm lợi ích nhà binh của những ông tướng và đứng đầu là tướng bốn sao, Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh. Nhóm lợi ích cực mạnh của những công thần mang lon tướng nắm giữ sức mạnh an ninh quốc phòng.

2. Chiếc bóng của quân đội làm kinh tế

Ngày 18/12/2007, trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông tướng bốn sao, Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh cũng trang nghiêm và trịnh trọng không kém ông Thủ tướng Dũng khi tuyên bố chống tham nhũng. Ông Dũng hùng hồn còn ông Thanh thì đầy tâm tư khi khẳng định : Việc chuyển các lực lượng quốc phòng làm kinh tế ra ngoài cho các bộ dân sự quản lí là chắc chắn, chứ các đơn vị quốc phòng loay hoay lo xây dựng, làm kinh tế cũng mệt mỏi... Phải tách ra để quân đội tập trung lo việc huấn luyện, xây dựng quân đội chính quy hiện đại, phòng thủ đất nước.

Hai nhiệm kì ông Thanh đứng đầu Bộ quốc phòng cũng trong hai nhiệm kì ông Dũng đứng đầu Chính phủ. Vừa nhậm chức, ông Dũng Thủ tướng mạnh mẽ tuyên bố chống tham nhũng thì ông Thanh Bộ trưởng ngay đầu nhiệm kì thứ nhất cũng phải dứt khóat hứa hẹn quân đội không làm kinh tế. Nhưng ông Thủ tướng đã không chống tham nhũng mà còn hối hả tham nhũng thì quân đội tội gì phải nhả mảnh đất kinh tế màu mỡ.

Trong suốt hai nhiệm kì đứng đầu Bộ quốc phòng của tướng Thanh, quân đội ào ạt tràn ra làm kinh tế với tốc độ vũ bão, gấp gáp, hối hả như sợ không kịp, như sợ vuột mất thời cơ, với lực lượng hùng mạnh, tương đương cả chục quân đoàn của hầu hết các quân, binh chủng và kinh doanh sinh lời trên tất cả các ngành nghề kinh tế, từ sản xuất, khai thác đến buôn bán, xuất nhập khẩu. Thần tốc ! Thần tốc hơn nữa ! Táo bạo ! Táo bạo hơn nữa ! Tổng lực quân đội xông ra làm kinh tế cũng thần tốc và táo bạo như trong chiến dịch tổng tấn công mùa xuân 1975. Hàng loạt tổng công ty, tập đoàn kinh tế quân đội ra đời : Tổng công ty Xăng dầu quân đội, Tổng công ty 28, Tập đoàn Viễn thông quân đội, Tổng công ty Hợp tác kinh tế, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty xuất nhập khẩu tổng hợp Vạn Xuân, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Tổng công ty 36, Tổng công ty 319, Tổng công ty 789, Tổng công ty xây dựng Lũng Lô, Tổng công ty Sông Thu. Tổng công ty Ba Son...

Say làm kinh tế đến mức các ông tướng liều mạng cắt cả 125 ha đất sân bay Gia Lâm và 157 ha đất sân bay Tân Sơn Nhất giao cho thế lực đồng tiền. Biến đất vàng sân bay của dân, của nước thành đất sinh lời của nhóm lợi ích military. Biến đất sân bay của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước thành sân golf, biệt thự, nhà hàng, khách sạn chỉ dành cho những ông chủ bộn tiền lui tới, tạo ra dòng chảy vàng ròng lợi nhuận chia chác nhau giữa bên góp đất và bên đổ tiền đầu tư. Đó là gì nếu không phải là tham nhũng tài nguyên quốc gia.

Say làm kinh tế đến mức mờ mắt, tối dạ không thấy cảnh chướng mắt gia đình trị khi ông Phùng bố làm Bộ trưởng quốc phòng liền đề bạt, điều động ông Phùng con làm Tổng giám đốc tổng công ty lớn bao trùm nhiều lĩnh vực kinh tế rộng lớn nhất và có thế lực mạnh nhất. Bộ quốc phòng để ông Phùng con Tổng giám đốc núp bóng quyền uy ông Phùng bố bộ trưởng, núp bóng an ninh quốc phòng giành được những hợp đồng béo bở nhất, có được những thuận lợi, ưu ái lớn nhất, tạo ra một vương quốc riêng khép kín mặc sức tung hoành ngoài vòng săm soi, kiểm tra, giám sát, hạch sách, những nhiễu mà các doanh nghiệp dân sự đều bị hành, đều phải mất rất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc mới vượt qua được. Dưới chiếc ô quyền uy Bộ quốc phòng của ông bố, ông con thênh thang tiến thân và hối hả làm giầu. Đó là gì nếu không phải là tham nhũng quyền lực.

quandoi2

Đại tá Phùng Quang Hải, con trai cựu Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh

Có một nghịch lí : Thời cương vực lãnh thổ của đất nước bị đe dọa, bị xâm lấn nghiêm trọng nhất. Giặc ngang nhiên quần đảo ngang dọc trên vùng biển của tổ tiên Việt Nam, hàng ngày lùng xục bắn giết dân lành Việt Nam, lẽ ra quân đội phải ở vị trí thường trực, sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Nhưng quân đội vẫn bình thản ồ ạt tràn ra làm kinh tế.

Và một trùng hợp : Thời quân đội tràn ra làm kinh tế ào ạt, rầm rộ nhất, thời những chỉ huy cấp cao quân đội có cuộc sống giầu sang phú quí nhất cũng là thời tướng quân đội được phong ào ạt, rầm rộ nhất.

Trong cuộc chiến tranh Nam - Bắc khốc liệt, với qui mô của cuộc chiến tranh hiện đại, rộng lớn. Cuộc chiến của hàng triệu binh lính mỗi bên với những chiến dịch tập trung nhiều quân đoàn. Thời trận mạc thử thách và đòi hỏi cần có nhiều tướng lĩnh cầm quân. Vậy mà đến năm 1975, quân đội Nhân dân Việt Nam chỉ có 36 tướng.

Buông súng ra làm kinh tế. Những người lính trở thành giầu có trên thương trường nhưng không có cuộc đời binh nghiệp, không cần đòi hỏi bản lĩnh cầm quân. Môi trường nhà binh đã bị pha loãng trong môi trường kinh tế. Tư duy và kĩ năng người lính đã tụt lại phía sau tư duy và kĩ năng kinh doanh. Không có thực tế thử thách rèn luyện và cũng không có nhu cầu đòi hỏi phải có tướng cầm quân với đội quân đang hăm hở làm kinh tế nhưng đội quân đó có tới 489 tướng lĩnh ! Một doanh nghiệp đơn thuần kinh doanh kĩ thuật viễn thông và cũng là doanh nghiệp giầu có nhất quân đội ở một thời điểm có tới ba ông tướng đang điều hành kinh doanh.

Thời trận mạc, bản lĩnh chiến trận của người cầm quân quyết định lon tướng. Thời quân đội làm kinh tế, thời thương trường, mọi giá trị đều theo giá thương trường, dường như lon tướng cũng tỉ lệ thuận với lợi nhuận, với đồng tiền. Do đó số lượng tướng bùng nổ như pháo hoa trên trời và đương nhiên không tỉ lệ thuận với sức chiến đấu của quân đội. Thời trận mạc, lon tướng phong cho con đường binh nghiệp người cầm quân. Thời quân đội làm kinh tế, lon tướng được phong cho những người có tâm tư hàm tướng như lời Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh : Không phong tướng anh em tâm tư !

Trong nhà nước độc tài đảng trị, không có tam quyền phân lập. Không có quyền lực giám sát quyền lực. Quyền lực nhà nước trở thành quyền lực của nhóm lợi ích. Với quyền lực của nhà nước độc tài, nhóm lợi ích đã tạo ra những trận lũ quét tham nhũng, quét tan hoang nền kinh tế đất nước. Trên những bãi hoang xơ xác, tiêu điều của những trận lũ quét tham nhũng Vinashine, Vinalines, PVC... để lại, mọc lên những cây nấm độc Phạm Thanh Bình, Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh. Đương nhiên cây nấm độc tham nhũng lớn nhất phải là ông Thủ tướng tham nhũng Nguyễn Tấn Dũng. Không những bản thân tham nhũng, ông Thủ tướng Dũng chính là người tạo ra những trận lũ quét tham nhũng Vinashine, Vinalines, PVC.

Trong môi trường vô cùng thuận lợi cho tham nhũng đó, những ông chủ doanh nghiệp đeo lon tướng, lon tá lại có thế giới riêng, lại có bức tường "an ninh quốc phòng" che chắn, hạch toán kinh doanh trong căn phòng kín "an ninh quốc phòng" làm sao lại không có những Phạm Thanh Bình, Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh.

Hãy nhìn cuộc sống đế vương với biệt thự lớn, biệt thư nhỏ lộng lẫy, với du thuyền sang trọng và đắt tiền hơn cả du thuyền của tỉ phú giầu có và ăn chơi nhất thế giới Aristote Onassis của con trai Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh, đại tá Phùng Quang Hải Tổng giám đốc tổng công ty con cưng của Bộ quốc phòng thì mức độ giầu có, mức độ ăn chơi, mức độ ngạo nghễ coi thường pháp luật của những ông trùm tham nhũng Phạm Thanh Bình, Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh cũng chả là gì so với Phùng Quang Hải.

Chiếc bóng của quyền lực nhà nước là tội phạm tham nhũng. Quyền lực nhà binh làm kinh tế được bảo hộ sau bức tường "an ninh quốc phòng" càng khó thóat chiếc bóng tội phạm tham nhũng. Quân đội làm kinh tế thực ra chỉ là nhóm quyền lực nhà binh khai thác năng lực quân đội vào hoạt động kinh tế mang lại lơi nhuận cho nhóm quyền lực nhà binh mà thôi. Vì thế ngay cụm từ "quân đội làm kinh tế" đã hàm chứa tham nhũng, tham nhũng năng lực quân đội, tham nhũng sức lính.

3. Liều đốp pinh (dopping) lợi nhuận

Quân đội làm kinh tế sẽ bị xét nét là hoạt động không đúng chức năng thì thiếu tướng Nguyễn Trường Xuân, tư lệnh Bộ Tư lệnh Hải Phòng liền cho những người lính làm kinh tế của ông mặc độ đồ lính rất chiến trận, rất chính trị và rất chiến lược : Làm giầu, đánh thắng.

Với bộ đồ loang lổ ngụy trang "làm giầu đánh thắng", lính của tướng Xuân mê mải ngày đêm rầm rộ buôn lậu mặt hàng đang có giá và đang cháy hàng lúc đó : đồ điện tử chính hiệu Nhật Bản. Cưỡi tàu quân sự rẽ sóng ra phao số 0, áp mạn vào chiếc tàu buôn biển xa của công ty VOSCO vừa từ Nhật về đang neo đợi. Ăn no hàng xe máy, điện tử do những thủy thủ VOSCO đưa từ Nhật về, chiếc tàu của những người lính làm giầu đánh thắng lại theo luồng lạch cũ quay về cặp vào những bến bãi quân sự. Từ những bến bãi khuất sau lau lách, hàng điện tử Made in Japan được đưa thẳng tới chợ Sắt, chợ đồ điện tử lớn nhất, sầm uất nhất của Hải Phòng và cũng nhờ những người lính làm giầu đánh thắng của tướng Xuân, chợ Sắt Hải Phòng cũng là chợ đồ điện tử lớn nhất cả nước thời đó.

Hàng hóa do những người lính làm giầu đánh thắng đưa ra thị trường chỉ là đồ phế thải của xã hội tiêu dùng Nhật Bản. Những xe máy, đồ điện tử còn xài tốt nhưng đã lỗi mốt, bị loại bỏ chất đống ở những bãi rác hàng tiêu dùng bên Nhật. Thủy thủ VOSCO chỉ việc thuê ô tô chở xuống tàu đưa về nước. Bày bán ở chợ Sắt, Hải Phòng, đồ điện tử phế thải đó có giá cao hơn hàng mới ra lò bán ở Nhật. Loại kinh doanh như vậy một vốn bỏ ra, ba, bốn lời thu về. Lợi nhuận tới 300%, 400%.

Cụ Các Mác, ông tổ của những ông cộng sản đã khái quát về lợi nhuận tư bản như sau : "Lợi nhuận gọi tư bản thức tỉnh. Với 10 % lợi nhuận, tư bản có mặt ở bất kì đâu. Với 50 % lợi nhuận, tư bản vô cùng liều lĩnh. Với 100 % lợi nhuận, tư bản sẽ chà đạp lên mọi luật pháp. Với 300 % lợi nhuận, tư bản không chùn tay trước một tội ác nào, kể cả nguy cơ phải lên giá treo cổ".

Bị cuốn vào dòng xoáy lợi nhuận tới 300 - 400%, tướng Nguyễn Trường Xuân không phải lên giá treo cổ cũng phải đứng trước vành móng ngựa tòa án binh.

Lợi nhuận là liều đốp pinh cực mạnh với người kinh doanh. Dù là những người lính nhưng đã làm kinh tế là phải lao theo lời lãi, lao theo đồng tiền, làm sao tránh được liều đốp pinh lợi nhuận.

Cứ nhìn cái cách ông tướng Bộ trưởng quốc phòng dành cho ông con trai vị trí người đứng đầu đơn vị làm kinh tế mạnh nhất Bộ quốc phòng, cứ nhìn cái cách mang quyền uy quân đội ra giành giật những dự án trăm tỉ, ngàn tỉ bạc, cứ nhìn cuộc sống đế vương của đại tá tổng giám đốc Phùng Quang Hải sẽ thấy liều đốp pinh đó.

Cứ nhìn sự liều mạng cắt đất dự trữ của sân bay làm vốn góp kinh doanh, biến đất sân bay thành sân golf, thành đất sinh lời cho nhóm lợi ích, cứ nhìn sự quanh co cố giữ sân golf ngang trái, trước đòi hỏi khẩn thiết của đất nước cần gấp gáp mở rộng sân bay nhưng những ông tướng cứ lần khân không trả đất cho sân bay cũng thấy rõ liều đốp pinh đó.

Cứ nhìn các ông tướng giãy nảy lên như đỉa phải vôi sau khi báo chí đưa tin lời khẳng định của thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ quốc phòng rằng quân đội không làm kinh tế nữa, cũng thấy rõ liều đốp pinh đó.

Ngày 23/6/2017, ông Thứ trưởng đại diện Bộ quốc phòng báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng : Hiện nay Bộ quốc phòng có chủ trương là quân đội không làm kinh tế nữa mà tập trung cho xây dựng quân đội vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại để bảo vệ đảng, bảo vệ đất nước và nhân dân. Tất cả các doanh nghiệp quân đội sẽ cổ phần hóa, thóai vốn hết. Cái nào của quốc phòng chỉ để phục vụ cho quốc phòng chứ không có lăn tăn gì hết. Quân đội sẽ không làm kinh tế vì như thế sẽ không thể hiện sức mạnh quân đội".

Lần thứ hai Bộ quốc phòng lại phải tự xác định quân đội không làm kinh tế nữa đã bộc lộ sự dùng dằng, day dứt lương tâm và trách nhiệm của những người lãnh đạo Bộ quốc phòng. Lương tâm và trách nhiệm Bộ quốc phòng là xây dựng quân đội chính qui, hiện đại.

Quân đội chính qui hiện đại trước hết phải là đội quân chuyên nghiệp. Nghiệp vụ của quân đội là cầm súng với trách nhiệm bảo vệ từng tấc đất, từng thước biển, từng khoảng trời đất nước nay lại lao vào những dự án, những công trình, với trách nhiệm làm cho đồng tiền sinh lời thì quân đội đó đâu còn chuyên nghiệp và quân đội đó không thể là quân đội chính qui hiện đại, không thể là quân đội thường trực với một trăm phần trăm sức chiến đấu.

Đến nay mới lại khẳng định quân đội không làm kinh tế nữa là đã quá trễ. Vì đã quá trễ nên vô cùng cấp bách. Tiếc thay, liều đốp pinh lợi nhuận của quân đội làm kinh tế đã làm bùng nổ một chiến dịch khá qui mô chống chủ trương đúng đắn quân đội không làm kinh tế nữa.

Báo Quân Đội Nhân Dân, cơ quan của Quân ủy trung ương và Bộ quốc phòng đã có vai trò phát động và tổ chức chiến dịch phản bác lại chủ trương quân đội không làm kinh tế, một chủ trương đúng đắn nhưng vô cùng khó khăn mới có được.

Suốt nhiều ngày cuối tháng sáu, đầu tháng bảy năm 2017, báo Quân Đội Nhân Dân mở chuyên mục "Kết hợp kinh tế với quốc phòng - nhiệm vụ chiến lược lâu dài" ngay trên trang nhất và ngày nào cũng có bài viết của phóng viên, bài phỏng vấn các tướng lĩnh, các quan chức từ trung ương đến tỉnh, huyện, các nhà khoa học, nhà lí luận. Với sự "định hướng" của người phỏng vấn thì tất cả những người được phỏng vấn đều khẳng định quân đội làm kinh tế là phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của Bộ Đội Cụ Hồ và là chủ trương xuyên suốt của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam.

Đặc biệt trong những ngày đó, báo Quân Đội Nhân Dân đều đặn đưa tin về sự xuất hiện của tướng bốn sao ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy trung ương, Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch ở các đơn vị quân đội.

Ở đâu tướng Lịch cũng chỉ nói một điều : Tham gia phát triển kinh tế, xây dựng kinh tế là chức năng, thể hiện được truyền thống của quân đội nhân dân Việt Nam. Nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế đã, đang và sẽ là một chức năng, nhiệm vụ chính trị của quân đội. Kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, Quân ủy trung ương và Bộ quốc phòng. Làm kinh tế không phải là phận sự của quân đội. Nhưng một ông tướng đứng đầu ba quân nói về quân đội làm kinh tế như một thứ quyền, như một chức năng đương nhiên của quân đội. Ông nói say sưa, quyết liệt như người nông dân nói về quyền được cày cấy trên mảnh ruộng của họ vậy !

Loại bỏ, chặn đứng những ý kiến trái chiều bằng viện dẫn chủ trương của đảng vẫn là thói quen của những quan chức nhờ đảng mà có quyền lực. Khi có nghị sĩ đòi hỏi Quốc hội phải xem xét thảo luận thấu đáo việc hệ trọng sát nhập Hà Tây vào Hà Nội, ông Chủ tịch quốc hội lúc đó là Nguyễn Phú Trọng liền phán : Việc sát nhập Hà Tây vào Hà Nội đã được Bộ Chính trị quyết định rồi. Thế là khỏi thảo luận, Quốc hội liền răm rắp biểu quyết thuận mở rộng Hà Nội ôm cả xứ Đoài mênh mông đồng ruộng, ôm cả dãy núi Ba Vì quanh năm mây trắng, đưa địa giới Hà Nội đến sát tận bờ sông Đà heo hút. Để chín phần mười diện tích thủ đô Hà Nội là núi rừng, đồng ruộng. Để nông thôn hóa, lạc hậu hóa thủ đô Hà Nội. Để kinh tế thủ đô Hà Nội là nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu. Để văn hóa thủ đô Hà Nội mang đậm màu sắc văn hóa làng xã.

Khi hàng trăm trí thức, hàng ngàn người dân kí kiến nghị đòi dừng dự án Bô xít Tây Nguyên nguy hại cho đất nước, ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liền băm bổ tuyên bố : Dự án Bô xít Tây Nguyên là chủ trương lớn của đảng. Kiến nghị đúng đắn và đầy trách nhiệm công dân của hàng trăm trí thức, hàng ngàn người dân đòi dừng khai thác Bô xít Tây Nguyên liền bị ném vào sọt rác. Chủ trương lớn của đảng đã bùn đỏ hóa rừng xanh đại ngàn Tây Nguyên, đã làm nền kinh tế đất nước phải triền miên gánh thua lổ hàng ngàn tỉ đồng năm này qua năm khác của dự án Bô xít…

Nay lương tâm và trách nhiệm người lính đòi hỏi quân đội không làm kinh tế nữa thì ông Bộ trưởng quốc phòng lại mang chủ trương của Đảng ra chống lại đòi hỏi của lương tâm và trách nhiệm người lính : Quân đội làm kinh tế là chủ trương nhất quán của đảng ! Ông Bộ trưởng Lịch cần nhớ rằng những thảm họa liên tiếp giáng xuống người dân và đất nước Việt Nam suốt mấy chục năm qua như cải cách ruộng, cải tạo tư sản, Nhân Văn - Giai Phẩm, xét lại chống đảng, tù đày những người tham gia chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đều là những chủ trương nhất quán của đảng cả đó.

Cải cách ruộng đất đã giết hại hàng trăm ngàn công dân ưu tú, những người giầu trí tuệ, giầu của cải đã có đóng góp vô cùng to lớn cho đất nước. Cải cách ruộng đất còn giết chết cả những giá trị văn hóa đạo lí của nền văn minh sông Hồng đặc sắc. Cải tạo tư sản đã đánh sập nền công nghiệp non trẻ và đầy triển vọng của đất nước, đã tiêu diệt, xóa sổ tầng lớp nghiệp chủ vừa hình thành đầy tài năng và đầy khát vọng chấn hưng đất nước.

Vụ Nhân Văn - Giai Phẩm và Xét lại chống đảng do đảng ngụy tạo ra đã hãm hại, tù đày đến chết, đến tàn phế những tài năng và khí phách lớn nhất của trí tuệ và tâm hồn Việt Nam. Giam cầm, tù đày không án hàng trăm ngàn người dân Việt Nam ở bên thua cuộc trong cuộc chiến tranh Nam Bắc đã gây hận thù và sự li tán, chia rẽ sâu sắc trong lòng dân tộc Việt Nam, cho đến tận hôm nay, gần nửa thế kỉ đã qua vẫn không thể hàn gắn.

Những chủ trương đó của đảng là những tội ác, những món nợ của đảng cộng sản Việt Nam với dân tộc Việt Nam sẽ mãi mãi khắc ghi trong lịch sử Việt Nam. Đảng cộng sản Việt Nam không thể trốn nợ được bằng sự trơ trẽn tung ra lời tung hô như phun đám khói hỏa mù : đảng cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm, để che lấp tội ác, để xí xóa món nợ với dân tộc Việt Nam !

Âm mưu thôn tính, xóa sổ đất nước Việt Nam trên bản đồ thế giới, biến Việt Nam thành chư hầu, thành ngôi sao thứ sáu trên lá cờ Đại Hán chưa lúc nào bành trướng Đại Hán bộc lộ rõ ràng và quyết liệt như lúc này. Đại Hán mới cướp hơn ngàn kilomet vuông đất đai biên cương phía Bắc của dải đất Việt Nam. Đại Hán vừa cướp cả quần đảo Hoàng Sa và nhiều đảo nhỏ của Việt Nam ở Biển Đông. Đại Hán đang hàng ngày bắn giết dân Việt Nam kiếm sống trên biển Việt Nam. Đại Hán quấy phá, gây sự, xua đuổi doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài liên doanh với Việt Nam khai thác dầu khí trên biển Việt Nam. Trách nhiệm bảo vệ toàn vẹn cương vực lãnh thổ, bảo vệ dân lành đang đè nặng lên đôi vai quân đội.

Vậy mà viên tướng Bộ trưởng quốc phòng lại muốn đảng cộng sản Việt Nam một lần nữa ghi thêm món nợ với lịch sử Việt Nam khi sự còn mất của đất nước đang bị đe dọa nghiêm trọng lại chủ trương quân đội làm kinh tế, nghiệp dư hóa quân đội, phân hóa sự thống nhất, tính thường trực của quân đội, làm suy yếu sức mạnh chiến đấu của quân đội. Sức mạnh quân đội đã bị phân tán, suy yếu thì từ chỗ không bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ, từ chỗ bỏ mặc Biển Đông của tổ tiên cho kẻ thù truyền kiếp làm chủ, bỏ mặc cho chúng mặc sức bắn giết dân lành Việt Nam đến chỗ khuất phục sức mạnh kẻ thù chỉ là bước ngắn.

Liều đốp pinh lợi nhuận của quân đội làm kinh tế đang làm mờ mắt, tối dạ cả người nắm trọng trách lớn nhất của quân đội.

4. Quân đội làm kinh tế : cái giá phải trả

Quân đội làm kinh tế không phải là luống rau xanh mà tiểu đội lính nào cũng đều chăm chút vun xới, tưới bón những buổi chiều sau một ngày mướt mồ hôi ở thao trường, sau một ngày căng trí não trong khoa mục kĩ thuật.

Quân đội làm kinh tế không phải chuồng nuôi heo mà bếp đại đội, bếp tiểu đoàn nào cũng phải có. Đó chỉ là tăng gia tự túc cải thiện bữa ăn hàng ngày có từ khi ra đời đội quân những người nông dân mặc áo lính và sẽ mãi mãi tồn tại như là lẽ tự nhiên cùng những người lính của nhà nước cộng sản. Tăng gia là công việc có trong lịch hoạt động hàng ngày của mọi người lính trong toàn quân. Sau giờ luyện tập nặng nhọc trên thao trường là giờ tăng gia như khoảng thời gian thư giãn giữa màu xanh mướt mát của vườn rau, mùa nào rau đó. Số kilogram rau cân cho nhà bếp của đơn vị là một trong những chỉ số thành tích thi đua của các tiểu đội. Hoạt động tăng gia sản xuất nhỏ bé khép kín trong từng đơn vị quân đội. Sản phẩm tăng gia sản xuất không lưu thông ra thị trường dân sự, không có mục đích kinh doanh sinh lời vì vậy không phải là làm kinh tế.

Quân đội làm kinh tế là những đơn vị quân đội lớn, là những lữ đoàn, sư đoàn, quân đoàn, binh chủng, quân chủng, bộ chỉ huy quân sự tỉnh lập những công ty, những doanh nghiệp mang năng lực của quân đội ra kinh doanh chuyên nghiệp trên thương trường quốc gia và quốc tế.

Lữ đoàn Lũng Lô thuộc binh chủng công binh chuyển sang làm kinh tế trở thành công ty Lũng Lô. Công ty Lũng Lô mang năng lực quân đội ra kinh doanh là mang nghề bắc cầu mở đường, mang xe công trình và máy chuyên dụng, mang kĩ sư công binh và lính cuốc sẻng ra làm những dự án, những công trình công nghiệp và dân dụng lớn. Công ty Lũng Lô còn kinh doanh cả ở lĩnh vực không liên quan đến nghề công binh như cho lính dựng cây xăng bên đường, kinh doanh bán lẻ xăng dầu.

Kinh doanh bằng năng lực quân đội là kinh doanh bằng quyền uy và công thần quân đội. Kinh doanh bằng mênh mông đất an ninh quốc phòng. Kinh doanh bằng vô tận nước sông công lính. Làm sao không lãi khẳm. Lãi khẳm đã làm mờ mắt, tối dạ nhiều người được trao những trọng trách lớn nắm giữ sức mạnh quân sự đất nước. Lãi khẳm đã làm nảy nòi ra quá nhiều nhóm lợi ích nhà binh và họ đang cố vơ công việc của bộ Công thương, vơ cả chức năng của những chợ lao công, chợ bán sức người về cho Bộ quốc phòng. Làm công việc của nhà kinh doanh chuyên nghiệp, nhiều nhóm quyền lực nhà binh còn bán sức lính cho các doanh nghiệp dân sự khai thác, bóc lột. Các nhóm quyền lực nhà binh cố đòi cho được chức nâng kinh doanh kiếm tiền trở thành chức năng đương nhiên của người lính và họ còn nống lên thành chủ trương nhất quán của đảng !

Nhưng lãi khẳm chỉ mang lại giầu có cho nhóm lợi ích nhà binh. Dù lãi khẳm bao nhiêu, dù số dương hạch toán có lớn bao nhiêu cũng không bù đắp được cái giá mà quân đội, mà đất nước phải trả cho việc làm kinh tế của những người lính.

Quân đội làm kinh tế đã tạo ra tầng lớp tư sản nhà binh, những ông chủ tư bản mang lon tướng, tá với cuộc sống đế vương hưởng thụ, lạc lõng với cuộc sống đang còn nhiều thiếu thốn, cơ cực của người dân, càng lạc lõng với cuộc sống gian khổ rèn luyện của người lính chân chính. Hình ảnh đã lộ sáng về cuộc sống đế vương của đại tá Phùng Quang Hải chỉ là một minh chứng. Còn bao nhiêu những tướng tá chủ tư bản đế vương chưa lộ sáng ?

Những ông chủ tư bản nhà binh đó đều giữ những trọng trách lớn trong sự nghiệp bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước. Nhưng tư duy của ông chủ kinh doanh, tư duy của nhà đầu tư góp vốn vào sân golf Tân Sơn Nhất sẽ lấn át tư duy của nhà cầm quân. Tư duy hòa bình hưởng lạc sẽ lấn át tư duy của người lính vì nước quên thân, vì dân quên mình.

Trước sự hung hăng cướp đất, cướp biển của Trung Quốc, trước tội ác của Trung Quốc hàng ngày bắn giết dân lành Việt Nam, mọi người dân Việt Nam bình thường, từ ông cán bộ về hưu đến cô bé học trò tiểu học đều sôi sục căm thù giặc Trung Quốc xâm lược mà những cuộc biểu tình tự phát bùng nổ liên tục suốt nhiều năm qua lên án hành động xâm lược của Trung Quốc là bằng chứng. Căm thù giặc cướp nước và sẵn sàng xả thân giữ nước của người dân là sức mạnh để tồn tại của dân tộc Việt Nam.

Mượn danh quân đội làm kinh tế, cha con ông Bộ trưởng quốc phòng mê mải làm giầu đã làm cho ông tướng đứng đầu ba quân của quân đội cộng sản Việt Nam Phùng Quang Thanh lú lẫn, mơ hồ, bạc nhược và đớn hèn đến mức đứng về phía kẻ thù hằn học với lòng yêu nước của người dân Việt Nam : Tôi thấy lo lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực đến Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng cái đó là nguy hiểm cho dân tộc. Ông tướng Thanh đớn hèn và bạc nhược hiểu rằng lòng dân Việt sôi sục căm thù quân Trung Quốc xâm lược là mối nguy hiểm khôn cùng cho quân xâm lược nhưng ông ta lại nói tránh đi là nguy hiểm cho dân tộc Việt Nam.

Quân đội làm kinh tế đã tạo ra một đội ngũ lính có nếp sinh hoạt riêng hoàn toàn không biết đến điều lệnh nội vụ của quân đội, không biết đến thao trường, không có kĩ năng, bản lĩnh và lẽ sống cao đẹp của người lính nhưng họ lại có mức sống cao hơn, có đời sống an nhàn, thanh bình hơn những người lính thực sự. Điều đó đã tạo ra sự phân hóa sâu sắc trong nội bộ quân đội, tạo ra sự cách biệt, bất bình đẳng không lành mạnh trong quân đội.

Quân đội là môi trường, là không gian của lí tưởng. Nơi công dân làm nghĩa vụ cao cả, thiêng liêng với đất nước : Bảo vệ Tổ quốc. Nơi người sĩ quan nắm trong tay sức mạnh phòng vệ của đất nước và chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước lịch sử về sự toàn vẹn cương vực lãnh thổ. Nơi khái niệm về Tổ quốc, về Nhân Dân, khái niệm về sự hi sinh, sự dâng hiến sáng rõ nhất, cụ thể nhất, thiết thực nhất và cũng cao đẹp nhất.

Quân đội cũng là nơi mọi người dân gửi trọn lòng tin yêu và nhận được sự ưu ái, đãi ngộ lớn nhất của người dân và của đất nước. Thời chiến tranh vừa qua, cả miền Bắc đói dài đói rạc. Từ người già đến đứa trẻ mới sinh đều không được ăn no, không được ăn đủ. Nhưng hạt thóc đóng thuế nuôi quân thì "thóc không thiếu một cân" và góp người ra trận thì "quân không thiếu một người". Với người dân, người lính là con người của sự hi sinh và cống hiến, là những người đẹp nhất, những người đáng yêu nhất, những người lấy thân mình làm cột mốc biên cương, lấy máu mình vạch ranh giới quốc gia. Dù đói ăn đến đâu, người dân cũng không để những người lính phải đói một bữa, để mong những người lính vững tay súng, đừng một phút giây xao lãng với nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc

Dân còn nghèo xơ xác, kinh tế đất nước còn thiếu trước, hụt sau vẫn dành cho quân đội lương cao bổng hậu chỉ mong quân đội tập trung vào bổn phận giữ gìn toàn vẹn cương vực lãnh thổ. Ơn dân, lộc nước lớn như vậy nhưng hơn chục năm qua, đất biên cương mất, biển đảo mất, chủ quyền lãnh thổ bị Trung Quốc xâm lấn ngày càng nghiêm trọng mà những nhóm lợi ích nhà binh vẫn mê mải mang năng lực quân đội ra làm kinh tế. Không phải chỉ là vô lương tâm, vô trách nhiệm mà còn là sự phản bội nhân dân.

Là không gian của lí tưởng, có người còn coi quân đội là nơi sạch nhất. Nhưng quân đội làm kinh tế thì không gian của lí tưởng không còn nữa. Nơi sạch nhất đã nhốn nháo cuộc chạy đua tìm kiếm lợi nhuận, đã làm hao hụt, mất mát đáng kể tình cảm yêu thương của người dân dành cho người lính. Nơi của những lí tưởng cao cả đã trở thành nơi ngự trị của đồng tiền, nơi bon chen, ráo riết tìm kiếm lợi nhuận của những nhóm quyền lực nhà binh.

Quân đội làm kinh tế mới có cuộc cướp đất bằng sức mạnh tàn bạo ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội. Cuộc cướp đất ở Đồng Tâm sẽ khắc ghi vào lịch sử Việt Nam một vết nhơ, một nỗi đau về một thời cộng sản đen tối và về một nhà nước cộng sản dùng sức mạnh quyền lực và sức mạnh bạo lực chà đạp lên pháp luật cướp mảnh đất của dân không thuộc đất sân bay Miếu Môn, cướp mảnh đất đã và đang thấm đẫm máu, mồ hôi, nước mắt người dân Đồng Tâm cho một nhóm lợi ích nhà binh. Với sức mạnh của quyền lực và sức mạnh của bạo lực, đơn vị quân đội làm kinh tế mang tên Viettel sẽ cướp được đất của dân Đồng Tâm nhưng lòng tin của người dân với nhà nước và tình yêu của người dân với người lính sẽ mất trắng. Nhà nước và quân đội đó không còn có nguồn sức mạnh vô tận của nhân dân nữa.

Tư liệu sản xuất tạo ra lợi nhuận của những nhóm quyền lực nhà binh là đất đai, sức lính và trang, thiết bị của quân đội thì đơn vị quân đội nào cũng có. Đơn vị làm kinh tế được chính danh và công khai mang đất đai, sức lính và trang thiết bị ra làm giầu thì đơn vị quân đội không làm kinh tế cũng làm giầu bằng đất đai, sức lính và trang thiết bị quân đội một cách lén lút. Và bao điều đau lòng, nhục nhã đã xảy ra.

Lính biên phòng Quảng Trị được trang bị tàu tuẫn tiễu biển, được cung cấp xăng dầu cho những chuyến ra khơi canh biển. Toàn quân nhộn nhịp làm kinh tế thì nhóm quyền lực nhà binh biên phòng Quảng Trị không có chức năng làm kinh tế cũng lén lút làm kinh tế bằng cách không thực hiện những chuyến tuần tra canh biển, neo tàu tuần tiễu tại bến nhưng khai khống những chuyến ra khơi rồi lấy xăng dầu của những chuyến đi biển khống đó bán đi lấy tiền chia nhau trong nhóm quyền lực.

Thời chiến tranh, người dân nhường đất ruộng đang cấy lúa cho lính phòng không lập trận địa pháo cao xạ. Người dân nhường cả hồ sen đẹp để người lính có trận địa pháo phòng không nổi trên hồ đón đúng hướng bay của máy bay Mỹ.

Chiến tranh qua đi. Những khẩu pháo cao xạ đã được đưa về kho quân khí, đưa về bảo tàng. Nhưng đất ruộng trận địa, mặt hồ trận địa không được trả lại cho dân mà trở thành tài sản của quân chủng Phòng không - Không quân để tài sản đó trở thành vốn lien doanh với doanh nghiệp dân sự. Nhà hàng nguy nga mọc lên trên đất ruộng trận địa. Nhà hàng trên du thuyền giữa hồ dập dìu khách thâu đêm. Hàng trăm hecta đất sân bay dân sự, sân bay quân sự cũng được nhóm quyền lực Phòng không - Không quân mang ra liên doanh để trở thành sân golf, sân tennis, nhà hàng, khách sạn, biệt thự cho thuê. 10 năm qua, 2006 - 2016, quân chủng Phòng không - Không quân là sắc lính làm kinh tế lớn nhất, mạnh nhất và say mê nhất.

Cũng 10 năm qua, 2006 - 2016, thời nhóm quyền lực Phòng không - Không quân làm kinh tế rầm rộ nhất, mê mải nhất cũng là thời hòa bình, máy bay quân sự chỉ có những chuyến bay huấn luyện, bay tuần tra nhưng máy bay bị rơi rụng, bị tan xác nhiều nhất. 19 máy bay bị tai nạn tan xác cùng với 49 người lính chết theo máy bay. Trong số máy bay tan tành có 6 máy bay tiêm kích Mig 21 và 5 máy tiêm kích hiện đại nhất, đắt tiền nhất, Su 22 và cả Su 30. Không thể không có mối liên hệ giữa sự mê mải làm kinh tế của nhóm quyền lực Phòng không - Không quân với sự tăng vọt những máy bay quân sự tan xác.

quandoi33

10 năm qua, 2006 - 2016, là thời hòa bình, máy bay quân sự bị rơi rụng, bị tan xác nhiều nhất : 19 máy bay bị tai nạn tan xác cùng với 49 người lính chết theo máy bay. 

Lời lãi nào của quân đội làm kinh tế có thể bù đắp được tính mạng của 49 người lính không quân mất đi cùng sự tan xác của 19 máy bay quân sự.

Lời lãi nào của quân đội làm kinh tế có thể bù đắp được máu của người dân Việt Nam hàng ngày đổ ra trên biển Việt Nam bởi quân đội bám bờ, ngư dân bám biển, quân đội mê mải làm kinh tế bỏ trống biển cho lũ cướp biển Trung Quốc làm chủ biển Việt Nam, mặc sức hung hăng bắn giết dân chài Việt Nam.

Lời lãi nào của quân đội làm kinh tế có thể bù đắp được sự mất mát của không gian lí tưởng mà quân đội nào cũng phải có. Lời lãi nào có thể bù đắp được sự mất mát lòng tin và tình cảm yêu thương của người dân dành cho người lính.

Quân đội làm kinh tế mang lại chút lợi nhuận cho nhóm quyền lực nhà binh. Cái phúc nhỏ nhoi của một dúm người. Quân đội làm kinh tế mang về cho ngân sách vài đồng tiền thuế. Cái lợi nhỏ xíu của nhà nước. Nhưng quân đội, nhân dân và đất nước phải gánh chịu thiệt hại quá lớn. Tâm hồn người lính bị tha hóa. Kỉ luật quân đội bị sói mòn. Sức mạnh quân đội bị phân tán vào công việc tìm kiếm lợi nhuận. Tổ chức quân đội bị phân hóa. Tính thường trực và tính chuyên nghiệp của quân đội không còn nữa. Sức mạnh chiến đấu của quân đội bị giảm sút nghiêm trọng. Trong khi biên cương biển đảo đang bị sức mạnh quân sự của Trung Quốc xâm lấn ngày càng trắng trợn và dữ dằn mà quân đội cứ mê mải làm kinh tế, tối mắt với lợi nhuận, đó là họa vô cùng lớn của đất nước.

Quân đội cố giành chức năng làm kinh tế cho thấy thống lĩnh quân đội hiện nay chỉ là mấy ông tướng nông dân, những người chỉ có tầm nhìn quá hạn hẹp, không vượt ra khỏi mảnh ruộng manh mún, riêng tư của gia đình mình. Như thời hợp tác xã nông nghiệp, người nông dân chỉ lo chăm chút cho mảnh ruộng năm phần trăm của gia đình mình còn ruộng hợp tác xã chỉ làm qua quýt theo tiếng kẻng cho hết giờ, cho đủ công điểm. Ruộng hợp tác xã cỏ tốt hơn lúa cũng bỏ mặc.

Những ông tướng nắm sức mạnh quân sự của đất nước, bảo đảm lợi ích của đất nước là toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm lợi ích của nhân dân là được sinh sống trên đất nước bình yên, là thế đứng của dân tộc Việt Nam trước thế giới. Ở tầm quốc gia lớn lao như vậy nhưng những ông tướng nông dân cố níu giữ chức năng quân đội làm kinh tế là đã đặt lợi ích cục bộ của nhóm quyền lực nhà binh lên trên lợi ích của đất nước, của nhân dân. Quân đội làm kinh tế thực ra chỉ là nhóm quyền lực nhà binh khai thác năng lực quân đội vào hoạt động kinh tế mang lại lợi nhuận cho nhóm quyền lực nhà binh mà thôi.

5. Lời cuối

Trong xã hội công nghiệp hiện đại, ở các nước công nghiệp phát triển cũng là các nước dân chủ thực sự, tổ chức xã hội hợp lí và hài hòa, mọi ngành nghề, mọi công việc đều phải chuyên nghiệp hóa triệt để. Xã hội hiện đại đòi hỏi mọi việc đều phải chuyên nghiệp đến nỗi thế giới tội phạm cũng phải chuyên nghiệp để có một tổ chức tội phạm lớn mạnh mới tồn tại được, đó là tổ chức tội phạm mafia.

Đi qua thời văn minh công nghiệp, loài người đã bước lên một nền văn minh rất cao, văn minh tin học. Nhưng xã hội Việt Nam vẫn ở thời văn minh trước công nghiệp. Các tổ chức, các hoạt động ở xã hội Việt Nam đều chưa có tính chuyện nghiệp.

Hai tổ chức quan trọng nhất đòi hỏi hoạt động chuyện nghiệp cao nhất là Quốc hội và quân đội đều không chuyên nghiệp.

Quốc hội là cơ quan lập pháp, nơi làm việc của những chính khách chuyên nghiệp và những nhà lập pháp chuyên nghiệp để tạo ra những bộ luật của thời đại văn minh ngang tầm thế giới. Quốc hội Việt Nam chỉ là bộ sưu tập về hình ảnh con người Việt Nam, có đầy đủ thành phần các dân tộc và đầy đủ các tầng lớp xã hội. Vì thế mỗi kì họp Quốc hội chỉ như một festival đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội hầu hết đều chỉ là những nghị sĩ nhiệp dư. : bà bí thư đảng ủy, ông chủ tịch tỉnh, ông giám đốc sở, ông bộ trưởng, ông tướng quân đội, tướng công an. Tất cả đều là đảng viên, đều mang ý chí của độc đảng đến nghị trường áp đặt cho Quốc hội. Không có nhà lập pháp chuyên nghiệp ở tầm chính khách. Những quan chức quan liêu chỉ biết những điều đã lạc hậu của cuộc sống trở thành nghị sĩ nghiệp dư làm luật ở Quốc hội. Luật chưa xây dựng xong đã lạc hậu với cuộc sống đất nước, lại càng lạc hậu với thế giới.

Quân đội là lực lượng vũ trang mang sức mạnh nền kinh tế đất nước và ý chí của dân tộc trong phòng vệ đất nước. Hai yếu tố về tổ chức tạo lên sức mạnh quân đội là tập trung và chuyên nghiệp. Không tập trung và chuyên nghiệp không thể phát huy sức mạnh vũ khí và sức mạnh của kĩ chiến thuật. Không tập trung và chuyên nghiệp, không thể là quân đội chính qui, hiện đại.

Quân đội làm kinh tế đã phá hỏng cả hai yếu tố về tổ chức bắt buộc phải có của quân đội là tập trung và chuyên nghiệp.

Quân đội làm kinh tế thì đội quân đó chỉ là những lao binh chuyện nghiệp và những chiến binh nghiệp dư.     

Phạm Đình Trọng

(10/08/2017)

Published in Diễn đàn
dimanche, 06 août 2017 14:25

Chiếc SmartPhone trên thảm cỏ

(Kể chuyện phim)

Bộ phim đang chiếu trên truyền hình kể lại một câu chuyện có thật : Một tên tội phạm chạy trốn và bị bắt. Nhưng để được hội đồng duyệt cho công chiếu rộng rãi, bộ phim đã phải sửa là kẻ tội phạm ra đầu thú.

Tên phim "Chiếc Smartphone Trên Thảm Cỏ" phải đổi thành Đầu Thú và chuyện phim chỉ bắt đầu từ khi tên tội phạm xuất hiện trên truyền hình với bộ mặt trì độn, âm u của một trí não đang còn trong cõi mịt mù tăm tối chưa thoát hẳn ra khỏi giấc ngủ cưỡng bức kéo dài. Với bộ mặt ngây ngô, trì độn, tên tội phạm nói lời ân hận đã chạy trốn tội lỗi do mình gây ra nhưng lương tâm con người xã hội chủ nghĩa đã không buông tha nên đã trở về đầu thú, đối mặt với sự thật.

http://www.dreamstime.com/stock-image-white-smartphone-screen-grass-smart-phone-background-image43859191

Chiếc smartphone sẽ là bằng chứng quí giúp an ninh Ger và luật pháp Ger vào cuộc.

Sửa theo ý hội đồng duyệt, bộ phim chỉ còn là cuộc đấu tranh pháp lí với tên tội phạm và vấn đề pháp lí của cuộc đầu thú. Còn những chi tiết liên quan đến cuộc truy bắt xuyên quốc gia, xuyên Châu lục đầy kịch tính, đầy hấp dẫn, vô cùng sinh động và rất cuộc đời mà bộ phim đã dựng lại trung thành với sự thật đều phải lược bỏ hết.

Bị bắt cóc phải sửa thành đầu thú nhưng kẻ đầu thú với bộ mặt u mê của một trí não chưa đủ tỉnh táo để có thể tự quyết định một điều gì, với tờ giấy viết tay lời đầu thú mà nét chữ cứng đơ như nắm tăm tre rải trên tờ giấy của bàn tay cầm bút chưa tự làm chủ được.

Người xem phim tinh ý sẽ nhận ra ngay rằng kẻ ngây ngô, u mê chưa có hoạt động của trí não, chưa có một chút le lói ánh sáng của tư duy kia chưa thể viết được lời đầu thú ngắn gọn, mạch lạc, đầy đủ ý tứ như vậy mà hắn chỉ viết theo lời đọc của người khác.

Còn đơn đầu thú phơi bày ra những lỗi chính tả quá thông thường, một học trò tiểu học có nếp học hành tử tế cũng không thể mắc là do nền tảng văn hóa nhà trường của cả kẻ viết và cả kẻ duyệt quá trống hụt, kết quả của lối học hành sống sít, học chỉ để lấy bằng cấp chứ không phải để lấy kiến thức. Cái học ở nước Diệt hôm nay là vậy. Bằng cấp cao chót vót trên đỉnh nhưng kiến thức ở dưới đáy.

Đề cao lương tâm con người xã hội chủ nghĩa, hội đồng duyệt phim đã làm cho bộ phim hay của sự chân thực, của cuộc sống sinh động trở thành gượng ép, hời hợt và giả tạo.

Câu chuyện chân thực của hiện thực cuộc sống là :

Cuộc săn đuổi tội phạm từ Á sang Âu có nguy cơ kết thúc với sự trốn thoát an toàn của tên tội phạm buộc những người săn đuổi phải liều lĩnh hành động quyết liệt, gấp gáp dù có vi phạm luật pháp quốc tế cũng phải liều.

Tên tội phạm từ nước Diệt trốn đến nước Ger và ngày N cơ quan tư pháp nước chủ nhà sẽ xem xét đơn xin tị nạn của tên tội phạm. Khả năng đơn xin tị nạn được chấp nhận rất lớn vì theo lời khẩn cầu của tên tội phạm và nhà chức trách nước chủ nhà cũng có thừa thực tế để biết rằng tòa án nước Diệt không xét xử theo luật pháp, theo tội trạng mà xét xử theo chỉ đạo, theo ý muốn của đảng cầm quyền, theo cuộc đấu tranh phe phái trong đảng và tên tội phạm có thể phải nhận bản án nặng nhất là tử hình. Được tị nạn, tên tội phạm của nước Diệt sẽ được luật pháp của nước Ger bảo vệ. Khi đó đụng đến tên tội phạm là đụng đến luật pháp nước Ger, là công khai thách thức luật pháp nước Ger.

Phải hành động trước ngày N. Thời gian gấp gáp. Chỉ còn cách duy nhất là bắt cóc. Bắt cóc thì không đáng bận tâm. Mật vụ nước Diệt đã quá thành thạo nghiệp vụ bắt cóc. Xông vào giữa đám đông trên quảng trường của thành phố mười triệu dân bắt cóc người biểu tình êm như ru. Người bị bắt không kêu được một tiếng đã đành mà đám đông người ở đó còn chưa kịp phản ứng gì thì chiếc ô tô của quân bắt cóc đã vút đi rồi. Quân khủng bố Hồi giáo cực đoan chỉ giỏi những vụ đánh lớn, đánh bom cảm tử vào nhà hát giết hàng trăm người, lao máy bay vào tòa nhà chọc trời giết hàng ngàn người. Còn việc bắt cóc từng người, từng người một, quân khủng bố chuyên nghiệp IS phải cắp sách sang học thầy mật vụ nước Diệt.

Cái khó là chặng đường đưa tên bị bắt cóc về nước Diệt. Nước Ger là đất nước của triết học, của những tư tưởng khai sáng, nơi những giá trị làm người trở thành thiêng liêng và luật pháp là lẽ sống, là nguyên tắc ứng xử tự nhiên trong xã hội như con người phải hít thở không khí trong không gian. Vì vậy không thể đưa tên bị bắt cóc lên máy bay từ nước Ger. Cũng không thể đưa tên bị bắt cóc lên chuyến bay chở khách thông thường mà phải có chuyến bay riêng.

Chuyến bay riêng. Những cái đầu mật vụ lên phương án bắt cóc liền nghĩ đến nước Ros. Vũ khí hiện đại của các nước công nghiệp phát triển phương Tây đều có tính năng vượt trội và giá cả rẻ hơn vũ khí của Ros, nhưng những người đi mua sắm vũ khí cho quân đội nước Diệt đều chọn mua vũ khí Ros. Vì khi bàn chuyện thanh toán, kẻ mua đòi các ông lái súng phương Tây chi hoa hồng chỉ vài phần trăm cũng không được đáp ứng. Còn đòi các ông Ros chi hoa hồng cho khách hàng tới vài chục phần trăm, các ông Ros cũng vui vẻ chấp nhận. Vì cái hoa hồng thơm ngào ngạt đó sẽ được cưa đôi giữa người mua và người bán. Ở đất nước tham nhũng đó cứ có tiền thì việc gì cũng xong, muốn gì cũng được. Muốn tàu vũ trụ cũng có. Để có được một chuyến bay riêng của Ros, số tiền phải chi sẽ là con số lớn khủng khiếp. Nhưng chi càng lớn thì mầu càng nhiều. Cũng như việc càng khó, càng tàn bạo thì thành tích của mật vụ càng lớn, công lênh càng lớn, chức tước càng mau thăng tiến. Mật vụ nước Diệt không từ nan bất kì việc gì, dù tàn bạo, thất đức đến đâu cũng không ngán là vì vậy. Việc càng tàn bạo, đám mật vụ càng hung hăng, quyết liệt.

Tìm được hướng giải thoát cho cái khó, đám mật vụ đông đảo từ nước Diệt kéo sang nước Ger lại tỏa đi. Người đến tăng cường đeo bám khách sạn tên tội phạm đang ẩn náu. Người sang nước Ros thuê máy bay. Người sang nước Czec tìm ô tô. Tuyệt đối không xài thứ gì dính dáng đến nước Diệt. Chỉ có kẻ ra tay buộc phải là mật vụ nước Diệt. Ngày N – 2 mọi việc mới xong xuôi. Chỉ còn ngày N – 1 để hành động.

Ngày N – 1.

Kia rồi, bóng hồng đang dẫn tên tội phạm lững thững đi đến chiếc ghế trong vườn cây ngút ngàn màu xanh. Thủ đô nước Ger vừa thức dậy sau một đêm hè dịu dàng. Người và xe lại dập dìu trên đường phố nhưng trong vườn cây mênh mông như một dải rừng bát ngát thật vắng vẻ, yên tĩnh. Thấp thoáng vài người thanh thản đi bộ. Người đàn ông cởi trần chạy trên lối đi uốn lượn đã khuất phía xa rồi.

Đang dạo bước bên bóng hồng bỗng tên tội phạm thấy phía trước và cả phía sau hai tốp thanh niên Châu Á đột ngột xuất hiện đang tiến lại phía hắn. Tên tội phạm hiểu ngay tình thế. Điều hắn thấp thỏm từ lâu không ngờ lại đến với hắn vào sáng chủ nhật mùa hè dịu dàng, trong xanh này. Tên tội phạm nghĩ ngay đến chiếc smartphone chứa nhiều điều có thể buộc tội hắn nhưng cũng có thể diễn giải được nhiều điều về hắn. Hắn vội thọc tay vào túi quần lấy chiếc smartphone ra thảy nhẹ vào bụi cây lúp xúp bên lối đi. Không dám ném mạnh sợ bóng hồng đi bên nhìn thấy, chiếc smartphone không tới được lùm cây, rơi xuống thảm cỏ.

Đúng lúc đó, tốp thanh niên Châu Á phía sau lướt tới. Tên tội phạm và bóng hồng bị bịt mồm, xốc nách lôi đi, không kêu được một tiếng. Chỉ kịp ngoái lại thấy chiếc smartphone vẫn còn nguyên trên thảm cỏ, tên tội phạm vững tâm. Bọn bắt cóc tràn qua, không đứa nào nhìn xuống thảm cỏ.

Chiếc smartphone sẽ là bằng chứng quí giúp an ninh Ger và luật pháp Ger vào cuộc. Không phản ứng chống cự nữa, tên tội phạm để mặc cho bọn bắt cóc lôi đi.

Phạm Đình Trọng

(07/08/2017)

Published in Diễn đàn
lundi, 17 juillet 2017 03:24

Quan cộng sản

Cung cách ứng xử trong cuộc sống của đám quan cộng sản, từ quan trẻ, cấp nhỏ như bà phó chủ tịch quận Lê Mai Trang, tới quan già, cấp cao như trung tướng Võ Văn Liêm cho người dân nhận ra rằng đám quan chức cộng sản chỉ có hình hài của con người thể xác, con người sinh vật, tuyệt nhiên không có hình hài của con người văn hóa, con người xã hội.

quan1

Cuộc sống của đám quan cộng sản, từ quan trẻ, cấp nhỏ như bà phó chủ tịch quận Lê Mai Trang...

Con người thể xác là sản phẩm của tự nhiên, của di truyền nòi giống. Con bò đẻ ra con bò. Con người thể xác chỉ là sinh vật trong tự nhiên, chỉ có phần “con” do cha mẹ sinh ra. Phần “con” đó dù cao 1,9 mét, nặng 90 kilogram hay chỉ cao 1,5 mét, nặng 40 kilogram cũng chỉ tính theo đơn vị con.

Con người văn hóa xã hội do chính mỗi người tự hình thành, tự tạo ra cho mình, tự sinh ra mình bằng cách tiếp nhận nền văn hóa xã hội của loài người để hình thành con người văn hóa của riêng mình, tạo nên hình hài “người” của mỗi người.

Con người thể xác chỉ có nhu cầu vật chất và chỉ biết đến giá trị vật chất. Dân gian có câu thành ngữ rất hay để chỉ hạng người chỉ có con người thể xác: Phường giá áo túi cơm. Con người văn hóa ngoài nhu cầu vật chất có giới hạn để nuôi sống con người cơ thể còn có nhu cầu vô cùng, vô tận về giá trị văn hóa, giá trị nhân văn. Con người văn hóa bình dị, tư nhiên thể hiện mình, khẳng định mình trong cuộc đời bằng giá trị văn hóa, giá trị nhân văn của mình

Con người thể xác chỉ biết có bản thân, chỉ lo cho bản thân. Làm quan là để lo cho người dân. Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Một xã hội tử tế thì kẻ chỉ có phần con, chỉ có con người thể xác không thể làm quan. Nhưng người dân Việt Nam trong nhà nước cộng sản hôm nay phải cay đắng, đau buồn nhận ra quan cộng sản có quá nhiều người chỉ có con người thể xác, không có con người văn hóa.

 quan3

...tới quan già, cấp cao như trung tướng Võ Văn Liêm

Chỉ có con người thể xác mà vẫn sỗ sàng tót lên ghế quan thì những quan chỉ có con người thể xác đó phải bảo vệ đến cùng cái thể chế đã cho những con người chỉ là thể xác, chỉ có phần “con” được vênh váo cưỡi lên đầu lên cổ những con người văn hóa.

Sài Gòn, 17/07/2017

Phạm Đình Trọng

Published in Diễn đàn
Trang 7 đến 7