Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Căng thẳng giữa Warszawa và Bruxelles chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngày 27/10/2021, Tòa án Công lý Liên Hiệp Châu Âu (CJUE) tuyên phạt Nhà nước Ba Lan một triệu euro mỗi ngày chậm thi hành án lệnh về việc giải thể Phòng Kỷ luật thuộc Tòa án Tối cao Ba Lan. Phán quyết này là đỉnh điểm mới nhất trong cuộc đọ sức dai dẳng giữa Warszawa và Bruxelles từ nhiều tháng qua. Ba Lan tính toán gì khi đọ sức pháp lý với Liên Hiệp Châu Âu ?

HUNGARY-V4

Thủ tướng Ba Lan, Mateusz Morawiecki, phát biểu trước phiên họp của nhóm Visegrad được tổ chức tại Thủ đô Hungary, ngày 14/10/2021. AP - Ronald Wittek

Trường đoạn pháp lý Ba Lan – Liên Hiệp Châu Âu

Mọi việc bắt đầu từ năm 2017, khi Ba Lan cho thành lập Phòng Kỷ luật thuộc Tòa án Tối cao Ba Lan, trong khuôn khổ một cuộc cải cách gây nhiều tranh cãi của ngành tư pháp Ba Lan. Cơ chế này cho phép giám sát các thẩm phán và có khả năng tước quyền miễn trừ để truy tố hình sự, hay giảm lương của những thẩm phán này.

Vào thời điểm đó, Ủy Ban Châu Âu đã cho khởi động điều 7 của Hiệp ước Liên Hiệp Châu Âu. Trên lý thuyết, điều khoản này cho phép Liên Âu, trong trường hợp Nhà nước Pháp quyền bị "vi phạm nghiêm trọng" tại một nước thành viên, có thể tước quyền bỏ phiếu của quốc gia đó. Nhưng trong thực tế, điều khoản này đã chưa được áp dụng trong trường hợp của Ba Lan.

Tòa án Công lý Liên Hiệp Châu Âu, ngày 8/4/2020, qua đơn khiếu kiện khẩn cấp của Ủy Ban Châu Âu, cáo buộc quy trình bổ nhiệm các thành viên của Phòng Kỷ luật là không bảo đảm tính "độc lập và vô tư" của tư pháp, đã yêu cầu Ba Lan cho đình chỉ "ngay lập tức" hoạt động của cơ quan này trong khi chờ xem xét những tranh chấp về cơ bản.

Một năm sau, ngày 06/5/2021, CJUE tuyên bố Phòng Kỷ luật của Tòa Bảo hiến Ba Lan là đi ngược với luật lệ của Châu Âu, một quan điểm mà Ba Lan đã nhanh chóng gạt bỏ, cho đấy là "một màn kịch chính trị mới", theo như lời thuật của báo Le Monde.

Sau nhiều lần cảnh cáo nhưng bất thành, án lệnh ngày 14/07/2021 của CJUE yêu cầu giải thể Phòng Kỷ luật "ngay lập tức" được ban hành. Ba Lan trong phản ứng đầu tiên đã tố cáo CJUE "vượt quá và lạm dụng thẩm quyền" trên phương diện trừng phạt tài chính. Tuy nhiên, đến tháng 8/2021, lãnh đạo chính phủ bảo thủ Ba Lan, thủ tướng Mateusz Morawiecki, đã có một cử chỉ hòa dịu, cam kết cho giải thể cơ chế trên trong vài tháng tới.

Chỉ có điều, do Warszawa "lời nói không đi đôi với hành động", Ủy Ban Châu Âu ngày 07/09/2021 đề nghị một biện pháp trừng phạt tài chính khi nhấn mạnh rằng "hệ thống tư pháp của Liên Hiệp Châu Âu phải độc lập và công bằng".

Như một hành động thách thức, ngày 07/10, Tòa Bảo Hiến Ba Lan châm ngòi nổ, với tuyên bố rằng một số điều khoản của Hiệp ước Liên Hiệp Châu Âu "không tương thích" với Hiến Pháp Ba Lan. Phát biểu này như một cơn địa chấn khi lần đầu tiên trong lịch sử Liên Hiệp Châu Âu, một nước thành viên đặt lại vấn đề về một trong những nền tảng cơ bản của định chế : Ưu tiên luật Châu Âu trên luật quốc gia.

Nhân quyền và bản sắc dân tộc khó thể song hành ?

Tuy nhiên, theo nhận định của nhà nghiên cứu về nhân chủng học Châu Âu đương đại, tiến sĩ Julia Laureau, trường đại học Công giáo Louvain, Bỉ, trên đài RFI, đương nhiên tư pháp là tâm điểm của sự căng thẳng, nhưng quan hệ Warszawa–Bruxelles xuống cấp từ nhiều năm qua còn do nhiều vấn đề khác :

"Kể từ khi đảng Pháp Luật và Công Lý (PiS) lên cầm quyền năm 2015, chính phủ Ba Lan tiến hành một loạt các cải cách, đặc biệt là trong lĩnh vực tư pháp. Chính ở điểm này mà Liên Hiệp Châu Âu mạnh mẽ chỉ trích, khi cho rằng độc lập về tư pháp, tam quyền phân lập đã bị chà đạp và có sự can thiệp của nhà nước vào hệ thống pháp luật.

Chính vì vậy mà Liên Hiệp Châu Âu đã khởi động thủ tục pháp lý chống lại Ba Lan. Rồi còn có các vấn đề về nhân quyền : quyền của cộng đồng đồng tính LGBT, nữ quyền như quyền được phá thai đã bị hạn chế hồi năm 2020, hay như việc thiếu tôn trọng quyền tị nạn đối với di dân… Có thể nói là ở đây có rất nhiều vấn đề gộp lại đang gây căng thẳng giữa Bruxelles và Warszawa".

Cuộc chiến pháp lý ngày nay giữa Ba Lan và Liên Âu còn là một cuộc chiến về bản sắc dân tộc đối với đảng bảo thủ PiS cầm quyền. Nhà nghiên cứu Julia Laureau lưu ý, đảng chính trị bảo thủ mang nặng tư tưởng chủ nghĩa dân tộc đã có thể lên cầm quyền nhờ vào chương trình tranh cử tái lập nền tảng bản sắc dân tộc quốc gia.

"Thủ tướng hiện nay, Mateusz Morawiecki, cũng là lãnh đạo của đảng cầm quyền, đã có dự định xây dựng lại đất nước dựa trên các tiêu chí chủ nghĩa dân tộc, nói một cách nôm na là da trắng thượng đẳng, dị tính dục, yêu nước, và trung thành với các giá trị truyền thống của Ba Lan như theo Công giáo chẳng hạn. Tóm lại đó là những gì theo phụ hệ. Tất cả những ai đi ngược lại với những giá trị trên đều bị chính phủ công kích".

Ba lý do

Điều nghịch lý là trước những chỉ trích mạnh mẽ từ nhiều nước thành viên, thủ tướng Ba Lan ngày 8/10 tỏ cử chỉ hạ nhiệt căng thẳng khi khẳng định rằng "vị trí của Ba Lan là và sẽ là trong gia đình Châu Âu".

Đảng cầm quyền PiS ý thức được rằng họ cũng rất cần đến Liên Hiệp. Le Figaro cho biết, Ba Lan là một trong số các nước thành viên hưởng lợi nhiều nhất từ nguồn ngân sách Liên Hiệp. Cuộc khủng hoảng lần này có nguy cơ tước mất nguồn quỹ hỗ trợ tái thiết đất nước hậu Covid-19 do Liên Hiệp Châu Âu khởi động trị giá 58 tỷ euro, tương đương với 10% GDP của Ba Lan, một khoản tiền không phải là nhỏ.

Vậy tại sao Ba Lan lại thổi bùng ngọn lửa căng thẳng ? Thứ nhất, nhà nhân chủng học cho rằng, đó còn là do có sự khác biệt trong cách nhìn về Liên Hiệp Châu Âu.

"Ở đây có một điểm thú vị là đảng cầm quyền PiS cho rằng chính họ mới là người bảo vệ thật sự Châu Âu, chính họ mới là người bảo vệ các bản sắc Châu Âu, các giá trị của nền văn minh Thiên Chúa giáo của Châu Âu. Do vậy, cần phải bảo vệ Ba Lan và Châu Âu nhờ vào chương trình xây dựng lại nền tảng chính trị".

Nói một cách khác, Ba Lan dưới chính quyền bảo thủ muốn xây dựng một Liên Hiệp Châu Âu theo cách nhìn của mình, hơn là đưa đất nước rời khối 27 nước thành viên. Tuy nhiên, đối với bà Julia Laureau, cách nhìn này còn tệ hại hơn một "Polexit" : "Bởi vì, trong nội bộ, chúng ta có một chính phủ có khả năng gây bất ổn, thậm chí phá hủy hệ thống pháp lý hiện có của Châu Âu".

Mục tiêu thứ hai của cuộc "so găng" là còn nhằm bảo vệ các chương trình cải cách tư pháp ở Ba Lan được tiến hành từ năm 2015. Chính phủ do đảng bảo thủ PiS cầm quyền làm mọi cách sao cho các quyết định của CJUE không được áp dụng đầy đủ tại Ba Lan. Chỉ có điều khi tiến hành một chiến thuật như vậy, chính phủ Ba Lan đã chia rẽ giới thẩm phán thành hai phe ở trong nước.

"Hiện tượng này đã được quan sát từ vài năm gần đây. Chính vì vậy mà chính phủ mới dấn bước, bởi vì có những thẩm phán, công tố viên phản đối các chương trình cải cách và vẫn muốn tiếp tục thông qua các điều luật theo như các quy định của Liên Hiệp Châu Âu. Nhưng đảng PiS cầm quyền đã cho thành lập một ban kỷ luật có khả năng trừng phạt những thẩm phán nào vẫn muốn dựa vào những luật lệ của Liên Âu trước khi dùng đến bộ luật của Ba Lan, vốn thể hiện chủ yếu quan điểm của đảng cầm quyền".

Lý do cuối cùng là vì tình hình chính trị nội bộ. Về mặt cơ bản, giới chuyên gia ghi nhận xã hội Ba Lan ủng hộ Liên Hiệp. Sự việc bùng lên gay gắt vào lúc cuộc bầu cử lập pháp 2023 đang đến gần. Người ta muốn chứng tỏ thế mạnh trước Bruxelles để thu hút tầng lớp cử tri cực đoan nhất của đất nước, đặc biệt là phe cực hữu của PiS, vốn dĩ có tư tưởng bài Châu Âu rất mạnh.

Về điểm này, bà Amelie Zima, chuyên gia thuộc Trung tâm Văn minh Pháp, trường đại học Warszawa, trên đài France Culture, nhận định :

"Rồi còn có chuyện đấu đá nội bộ giữa thủ tướng Ba Lan, Mateusz Morawiecki và bộ trưởng Tư pháp Zbigniew Ziobro, người có những đường lối cứng rắn hơn đối với Liên Hiệp Châu Âu. Ông Zbigniew Ziobro nhiều lần phê phán thủ tướng Ba Lan là quá hòa giải, quá mềm mỏng với Liên Âu, không bảo vệ đầy đủ các quyền lợi của đất nước".

"Polexit" lây lan ?

Dù vậy, phần lớn giới chuyên gia ghi nhận, khả năng xảy ra "Polexit" (Poland Exit - Ba Lan ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu) là rất thấp. Trái với Brexit, Ba Lan chưa bao giờ tổ chức trưng cầu dân ý về việc ra khỏi Liên Hiệp và có đến 80% số người được hỏi đều muốn Ba Lan ở lại trong khối.

Câu hỏi đặt ra : Liệu có nguy cơ tư tưởng chủ nghĩa chủ quyền quốc gia mà Ba Lan đang phô trương có sẽ lan rộng sang các nước Đông Âu hay không ? Về điểm này, Jacques Rupnik, giám đốc nghiên cứu danh dự tại CERI, trường Khoa học Chính trị SciencesPo lạc quan tin rằng nguy cơ này là rất thấp.

Theo ông, nhóm Visegrad (quy tụ bốn nước Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Czech và Slovakia) không còn là một khối như trước. Diện mạo chính trường tại Praha và Bratislava đang có những thay đổi, phe trung hữu cầm quyền ít nhiều thân Châu Âu, và do vậy sẽ không còn liên minh tự động như trước.

Khả năng đi đến điều gọi là "Polexit" tại những nước khác cũng khó thể xảy ra, vì những lợi ích kinh tế mà những nước đó đang hưởng từ Liên Hiệp Châu Âu và nhất là khi nhìn thấy những gì xảy ra tại Ukraine.

Dẫu sao thì vụ việc bùng phát vào thời điểm khá nhạy cảm. Thủ tướng Đức Angela Merkel rời chính trường, nước Pháp chuẩn bị giữ vai trò chủ tịch luân phiên. Sự việc làm lộ rõ sự phân hóa Đông – Tây trong nội bộ khối, vốn dĩ cũng đã bị chia rẽ thành hai khối Bắc – Nam từ thời khủng hoảng tài chính 2008. Sự gắn kết của khối 27 nước một lần nữa bị thử thách, nhất là trong bối cảnh Nga và Trung Quốc luôn tìm cách gây ảnh hưởng nhiều hơn trong lòng khối Liên Hiệp Châu Âu !

Minh Anh

Nguồn : RFI, 04/11/2021

Published in Diễn đàn