Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Theo thông báo đăng trên trang web của Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Hà Nội ra ngày 20/7/2018, Chính phủ Cộng hòa Séc đã gây nên một cú sốc đối với chính thể độc đảng ở Việt Nam : quyết định tạm ngừng tiếp nhận đơn xin thị thực dài hạn cho mục đích lao động và kinh doanh đối với công dân Việt Nam”.

sec1

Thông báo của Đại sứ quán Czech tại Hà Nội về việc ngừng cấp visa dài hạn cho người Việt. Động thái này diễn ra vài ngày sau khi Nguyễn Hải Long, một người Việt sinh sống ở Czech, thú tội trước tòa án Đức về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh cách đây 1 năm. Ảnh : VOA

Chỉ một tháng trước quyết định trên, vào tháng Sáu năm 2018 và trong khuôn khổ bàn luận về vấn đề ngân sách tài chính năm 2017 của ngành ngoại giao Cộng hòa Séc, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện nước này là ông Zaoralek đã bất ngờ tung ra một phát ngôn chấn động mang tính khẳng định “Việt Nam là tội phạm có tổ chức và trở thành mối đe dọa an ninh quốc gia hàng đầu”.

Ông Zaoralek cho biết visa cho sinh viên Việt Nam vào Séc là công cụ để đưa tội phạm vào nước này. Ông cũng nói rằng các băng nhóm Trung Quốc và Việt Nam đang sản xuất chất gây nghiện Pervitin để bán vào Đức và Séc…

Bất chấp phản ứng ngày 24/6/2018 của ông Hồ Minh Tuấn, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Cộng hòa Séc, chứ không phải của Bộ Ngoại giao Việt Nam, về phát biểu của Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Cộng hòa Séc là “hoàn toàn không phù hợp với sự phát triển tốt đẹp của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước những năm qua”, giới chóp bu Việt Nam đã lần đầu tiên như bị một cái tát nảy đom đóm từ chính đối tác mà họ luôn tự tin là ‘quốc gia có nền kinh tế thân thiện nhất với Việt Nam’.

Nếu nhìn rộng hơn, phát ngôn của ông Zaoralek không hẳn là một sự bất ngờ mà đã được tích tụ sau một khoảng thời gian đủ dài và chuỗi sự cố đủ dày. Phát ngôn này không chỉ liên đới mật thiết với quá nhiều bức xúc của cộng đồng người Việt ở Séc trước tình trạng Đại sứ quán Việt Nam tại nước này đã từ lâu biến cơ chế cấp visa thành một dịch vụ hay hơn thế nữa là vụ đầu cơ dành cho các quan chức của đại sứ quán, với giá thu visa gấp từ 4-5 lần so với mức quy định, mà còn nhằm chỉ trích nhiều thực trạng mà giới quan chức ‘ăn của dân không chừa thứ gì’ đã mang sang tận kinh thành cổ kính Praha.

Phát ngôn trên lại phát ra trong bối cảnh vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ đã lan đến Slovakia – quốc gia mà cùng với Cộng hòa Séc đã được tách ra từ Tiệp Khắc trước đây.

Vào tháng Tư năm 2018 và liên quan đến phiên tòa của Tòa án Đức xử Nguyễn Hải Long, đã bất thần bùng phát một thông tin liên đới một cấp cao hơn rất nhiều : Slovakia phải làm việc với phía Đức để xác minh khả năng ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an Việt Nam, đã sử dụng chuyến thăm của mình đến nước này hồi tháng Tám năm 2017 để làm bình phong cho vụ bắt giữ Trịnh Xuân Thanh.

Mặc dù sau đó Đại sứ Việt Nam tại Bratislava là ông Dương Trọng Minh đã hồi đáp yêu cầu của Bộ Ngoại giao Slovakia là ‘Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ có mặt ở Slovakia’, giới quan sát chính trị vẫn nhận ra một sự né tránh rõ rệt : câu trả lời của Đại sứ Dương Trọng Minh chỉ là ‘Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ có mặt ở Slovakia’, mà không hề thanh minh cho việc ‘Việt Nam không bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’.

Cho tới nay, tuyệt nhiên vẫn không thấy Bộ trưởng công an Tô Lâm hiện ra để ‘phản bác những luận điệu sai trái’ mới đây của phía Slovakia và Đức về vụ ‘Tô Lâm làm bình phong’. Hiện tượng quá trống vắng này càng khiến dư luận quốc tế tin rằng đã có một mối liên đới nào đấy giữa tướng Tô Lâm và Trịnh Xuân Thanh trong vùng lãnh thổ Slovakia.

Tuy chưa có quan chức nào của Slovakia tuyên bố một cách chính thức về tình trạng thực ra đã rạn nứt đáng kể giữa Slovakia và Việt Nam qua vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, nhưng thông tin của báo chí Slovakia và báo chí Đức đều phản ánh mối quan hệ này đang xấu hẳn đi, với sự cảnh giác cao độ của người Slovakia đối với giới mật vụ và ngoại giao Việt Nam.

Tình trạng rạn nứt giữa Slovakia và Việt Nam còn khiến ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa người đồng hương của Slovakia là Cộng hòa Séc với Việt Nam. Vào nửa đầu năm 2017, một quan chức cao cấp của Việt Nam là Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đến Séc để vận động nước này ủng hộ Việt Nam vào EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu). Khi đó, có vẻ giới lãnh đạo Séc còn lưỡng lự.

Còn đến giờ, đã chẳng có bất kỳ phản hồi nào từ giới lãnh đạo của Chính phủ Séc đối với EVFTA.

Séc nằm trong số những thị trường xuất khẩu lao động trong khối Liên Hiệp Châu Âu (EU) mà lao động Việt Nam làm việc như Bulgaria, Cộng hòa Síp, Cộng hòa Séc, Phần Lan, Pháp, Itallia, Manta, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, và Vương quốc Anh. 

Sau vụ Cộng hòa Séc tạm ngừng tiếp nhận đơn xin thị thực dài hạn cho mục đích lao động và kinh doanh đối với công dân Việt Nam, có thể cho rằng Việt Nam đã mất đứt ‘thị trường xuất khẩu lao động truyền thống’ mà nước này luôn kỳ vọng.

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 26/07/2018

Published in Diễn đàn