Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Toàn cầu hóa và khu vực hóa đang có những tác động đáng kể đến việc định hướng chính sách đối ngoại của các quốc gia. Những năm gần đây, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trở thành một trong những khu vực năng động nhất thế giới với những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập. Trong đó, tiểu khu vực Đông Nam Á, gồm 10 quốc gia ASEAN, đang đóng vai trò trung tâm trong nhiều mối liên kết toàn cầu và đang được nhiều cường quốc quan tâm đến.

ngaassean1

Kể từ sau cuộc khủng hoảng Ukraine, Liên bang Nga ngày càng quan tâm nhiều hơn tới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Điều này được thể hiện rõ trong chính sách "Hướng Đông" (Povorot na Vostok) của chính quyền Liên bang Nga. Nguyên tắc của chính sách này là phát triển toàn diện và củng cố quan hệ song phương với các nước, tham gia tích cực vào các tổ chức chính trị, kinh tế đa phương trong khu vực. Chính sách đối ngoại của Nga trong khu vực được xác định là phát huy hiệu quả của sự kết hợp giữa các lợi ích bên trong và bên ngoài nhằm bảo đảm an ninh quốc gia và sự phát triển của nước Nga, đặc biệt là vùng Viễn Đông và Siberia.

Các quốc gia ASEAN tin tưởng rằng Nga là một nhân tố quan trọng đối với hòa bình và phát triển thế giới cũng như có nhiều tiềm năng cho sự hợp tác và phát triển trong tương lai. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập khu vực đang diễn ra hết sức sôi động, quan hệ Nga – ASEAN ngày càng được đẩy mạnh. Việt Nam là một nước nằm trong ASEAN và có quan hệ mật thiết với Nga, vì vậy nghiên cứu quan hệ Nga – ASEAN trong giai đoạn này có thể xác định được vai trò của ASEAN trong chiến lược đối ngoại của một cường quốc như Nga và liệu mối quan hệ đó sẽ tác động như thế nào tới Việt Nam.

Quan hệ của Nga với các nước thành viên ASEAN

Brunei

Quan hệ ngoại giao giữa Nga và Brunei được thiết lập vào ngày 01/10/1991. Năm 2023 sẽ đánh dấu 32 năm sự kiện này. Quan hệ Nga-Brunei có truyền thống thân thiện. Cơ sở vững chắc cho sự hợp tác là các cuộc tiếp xúc song phương giữa các nhà lãnh đạo của hai nước, bắt đầu bằng cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah trong khuôn khổ Tổng thống Nga tham dự Hội nghị Cấp cao APEC tại Bandar Seri Begawan năm 2000. Chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah tới Nga diễn ra vào tháng 6/2005. Năm 2015, thương mại của Brunei với Nga đạt 25 triệu USD. Nhìn chung, mối quan hệ Nga – Brunei còn khá khiêm tốn và chưa thực sự có nhiều chuyển biến rõ rệt trong thời gian qua.

Campuchia

Mới đây, sau khi Campuchia tổ chức thành công cuộc tổng tuyển cử lần thứ 7. Bộ Ngoại giao Nga đã hoan nghênh kết quả của cuộc tổng tuyển cử và tái khẳng định mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống và tôn trọng lẫn nhau với Campuchia [1]. Phía Nga trước đó cũng đã gửi quan sát viên đến cuộc tổng tuyển cử tại Campuchia cùng với Trung Quốc. Dường như, quan hệ mật thiết của Campuchia với Trung Quốc giúp quan hệ Nga – Campuchia ổn định hơn và có nhiều cơ hội hợp tác phát triển hơn. Những nỗ lực thúc đẩy hợp tác với Campuchia cho thấy nước này là một đối tác quan trọng trong kế hoạch tăng cường sự hiện diện tại Đông Nam Á của Nga. Tuy vậy, tồn tại một số rào cản trong mối quan hệ song phương Nga – Campuchia, như việc Campuchia và Singapore đã đồng bảo trợ một nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc lên án hành động quân sự của Nga tại Ukraine.

Indonesia

Có thể nói, Indonesia là một trong những thành viên chủ chốt của ASEAN, nơi đặt trụ sở của tổ chức này, vì thế quan hệ ngoại giao của Indonesia cũng đóng vai trò tác động không nhỏ tới đường lối chung của ASEAN. Kể từ khi độc lập, Indonesia luôn được coi là một trong những đối tác hàng đầu của Nga ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Trong quá khứ, Nga là nước xuất khẩu vũ khí và thiết bị quân sự quan trọng bậc nhất của Indonesia, nước này từng mua nhiều xe bọc thép và máy bay từ Nga. Nhưng trong những năm gần đây, các thương vụ mua bán dường như bị trì trệ hơn do Indonesia cũng hướng tới Mỹ trong việc mua một số thiết bị vũ khí quân sự [2]. Trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, Indonesia đã không ngả về một phe nào nhất định và chỉ mong muốn cuộc xung đột sẽ sớm kết thúc, đảm bảo an ninh hòa bình cho khu vực và trên thế giới. Tính đến thời điểm hiện tại, Tổng thống Indonesia Joko Widodo vẫn là nhà lãnh đạo đầu tiên tại Đông Nam Á hội đàm với cả lãnh đạo hai bên kể từ khi cuộc xung đột nổ ra vào đầu năm 2022. Dẫu vậy, giữ một mối quan hệ gần gũi với Indonesia là điều vô cùng cần thiết với Tổng thống Putin để tạo điều kiện hợp tác với khu vực ASEAN nói chung và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói riêng. Ngược lại, phía Indonesia cũng sẽ sẵn sàng cho sự phát triển trong mối quan hệ của hai nước nhưng sẽ giữ một khoảng cách vừa phải để tránh bị lôi vào xung đột giữa các cường quốc.

Lào

Lào có thể nói là một trong những đối tác có độ tin cậy chính trị cao với Nga. Điều đó thể hiện trong chuyến thăm của Đoàn Đại biểu Cấp cao Đảng nước Nga thống nhất tới nước này vào tháng 5/2023. Trong chuyến thăm này, hai bên đã trao đổi về những phương hướng hợp tác trong thời gian tới nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước và trao đổi những bài học về sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào trong thời gian qua, cũng như về tình hình khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm. Hai bên cũng có thêm một số văn bản hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, quốc phòng [3]. Lào là một trong số ít các quốc gia Đông Nam Á phản đối việc loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc và gần như không lên tiếng về xung đột giữa Nga và Ukraine. Dẫu cho xu thế toàn cầu hóa yêu cầu sự hợp tác với cả các nước phương Tây là tất yếu nhưng Lào vẫn giữ lập trường trung lập và giữ mối quan hệ hữu nghị với Nga.

Malaysia

Là một trong những đối tác quan trọng của Nga tại khu vực Đông Nam Á, Malaysia đóng vai trò điều tiết không thể thiếu trong mối quan hệ chung Nga – ASEAN. Trong những năm gần đây, Nga và Malaysia tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, từ an ninh đến kinh tế. Cả hai quốc gia đều có quan điểm tương đồng hoặc phối hợp với nhau trong một số vấn đề khu vực và quốc tế. Malaysia cũng ủng hộ sáng kiến đẩy mạnh hợp tác hướng Đông của Nga và tiến hành hợp tác với Nga thông qua nhiều tổ chức đa phương ở khu vực. Mối quan hệ thương mại – kinh tế giữa hai nước có sự tăng trưởng đáng kể trong những năm qua [4]. 

Myanmar

Kể từ sau cuộc đảo chính vào năm 2021, Nga đang là cường quốc hiếm hoi công khai ủng hộ chính quyền quân sự tại Myanmar. Thời gian qua, Nga cũng đã cung cấp hỗ trợ cả về vũ khí và đào tạo quân sự cho chính quyền mới, trong khi phương Tây đã đặt ra những lệnh trừng phạt về cấm vận vũ khí để phản đối vụ đảo chính. Nhưng dường như sự trợ giúp của Nga không chỉ nhằm mục đích thu lợi nhuận từ việc buôn bán vũ khí mà còn nhằm khôi phục lại chỗ đứng của đất nước này tại khu vực chiến lược Đông Nam Á. Cuộc đảo chính là cơ hội để nước Nga thay thế ảnh hưởng của phương Tây ở Myanmar [5]. Vì thế, trong tương lai gần thì Nga có thể an tâm về mối quan hệ với Myanmar sẽ tạm thời duy trì ổn định và có lợi dành cho cường quốc này.

Trong cuộc xung đột Nga – Ukraine, giới lãnh đạo quân sự Myanmar, được đại diện bởi Tướng Min Aung Hlaing, đã công khai ủng hộ hành động của Nga, kêu gọi sự cần thiết của một cường quốc để bảo vệ chủ quyền của mình và duy trì sự cân bằng quyền lực trên trường thế giới. Tuy nhiên, lợi ích của Naypyidaw tại Liên Hợp quốc không được bảo vệ bởi các thành viên của chính quyền mà bởi ông Kyaw Mo Tong, đại diện chính phủ của bà Aung San Suu Kyi, người bị lật đổ ở nước này vào năm 2021 do một cuộc đảo chính quân sự.

Philippines

Trong phiên họp đặc biệt khẩn cấp của Đại hội đồng Liên Hợp quốc vào ngày 28/02/2022, Philippines đã công khai lên án hành động quân sự của Nga tại Ukraine. Đồng thời, Philippines hạn chế đề cập trực tiếp đến Nga tại Liên Hợp quốc.

Là một đồng minh thân cận của Mỹ trong khu vực, quan hệ Nga – Philippines phức tạp hơn nhiều so với một số các quốc gia khác trong khối ASEAN với Nga. Dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr, Philippines đã có những điều chỉnh nhất định trong chính sách ngoại giao, như việc cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, đồng thời cố gắng giữ vững những lợi ích quốc gia nhưng không bị kéo vào cuộc cạnh tranh, tranh giành ảnh hưởng giữa hai siêu cường này. Dẫu vậy, Nga vẫn là quốc gia có quan hệ kém sâu sắc hơn so với quan hệ giữa Philippines với Trung Quốc hay Mỹ. Hai nước trong thời gian qua cũng có một số bước tiến nhỏ trong quan hệ ngoại giao như một số thảo luận về các vấn đề cùng quan tâm. Nhưng dự đoán rằng, quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới, ít nhất là dưới thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr, quan hệ hai nước sẽ khó có những cột mốc đáng chú ý do tác động của mối quan hệ thân cận Philippines – Mỹ [6].

Singapore

Quan hệ giữa Nga và Singapore trong thời gian vừa qua đã không được thuận lợi, kể từ sau khi Nga phát động Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Bộ Ngoại giao Singapore lên án mạnh mẽ hành động của Nga nhằm vào Ukraine, nêu rõ sự cần thiết phải tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của nước này. Ngoài ra, trong các nước thành viên ASEAN, Singapore và Campuchia – nước chủ tịch ASEAN năm 2022, đã đồng bảo trợ một nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp quốc lên án hành động quân sự của Nga đối với Ukraine. Hơn nữa, trong quan hệ với Liên bang Nga, Singapore đã sử dụng một công cụ gây áp lực gần như chưa từng có – các biện pháp trừng phạt đơn phương, mà trước đây nước này chỉ sử dụng một lần vào năm 1978 sau khi Việt Nam đem quân vào Campuchia. Ngoài việc đình chỉ chuyến bay, hạn chế giao dịch tài chính với một số ngân hàng và tổ chức của Nga, Singapore đã áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các mặt hàng có thể được sử dụng trực tiếp "làm vũ khí hoặc công cụ để gây tổn hại hoặc khuất phục người Ukraine". Singapore sau đó đã lên tiếng phản đối và thậm chí cũng tham gia các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga cùng các nước phương Tây. Điều này làm cho quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng. Phía Nga sau đó cũng đã có những biện pháp đáp trả và đưa Singapore vào danh sách các quốc gia không thân thiện.

Thái Lan

Vào năm 2022 vừa qua, Nga và Thái Lan đã kỷ niệm 125 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Điều đó nói lên mối quan hệ lâu dài giữa hai quốc gia này. Việc chính phủ Thái Lan tuyên bố trung lập trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine có thể nói chính là cơ sở để vẫn tiếp tục phát triển mối quan hệ với Nga mà không bị sức ép từ các nước phương Tây. Có thể thấy, Thái Lan muốn giữ vai trò không ngả về bên nào quá nhiều, giống như hầu hết các quốc gia khác trong ASEAN nhằm có thể ổn định lợi ích quốc gia và tránh những mối nguy hại không đáng có. Thái Lan cũng đang cần sự ủng hộ của Nga trong việc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á – Âu [8], và Nga cũng mong muốn tăng cường hợp tác với Thái Lan trong nhiều lĩnh vực. Thái Lan vẫn là điểm đến du lịch hàng đầu của du khách Nga trong khu vực Đông Nam Á, cùng với Bali (Indonesia) hay Nha Trang (Việt Nam).

Việt Nam

Được ví như cửa ngõ vào Đông Nam Á của Nga, Việt Nam là một cầu nối không thể thiếu nhằm gắn kết Nga với khu vực ASEAN. Xuất phát từ mối quan hệ gắn bó, hữu nghị trong lịch sử, mối quan hệ Việt – Nga có thể coi là hình mẫu lý tưởng mà Nga mong muốn với các quốc gia khác trong khu vực. Thời gian gần đây, Việt Nam và Nga vẫn tiếp tục tăng cường quan hệ, trao đổi các cấp, nhất là cấp cao và có nhiều cuộc điện đàm, đối thoại song phương giữa hai bên. Việt Nam và Nga có độ tin cậy chính trị cao, mối quan hệ thương mại, kinh tế dẫu có phần bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 nhưng đã sớm phục hồi và tăng trưởng. Việc Việt Nam giữ vai trò trung lập nhưng vẫn ủng hộ Nga ở những lúc cần thiết như việc phản đối loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc cho thấy, Việt Nam vẫn luôn trân trọng mối quan hệ với Nga bất chấp những áp lực xuất phát từ việc hợp tác với các đối tác phương Tây như Châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, phía Nga cũng trông chờ lập trường rõ ràng hơn của Việt Nam trong cuộc xung đột Nga – Ukraine.

Quan hệ của Nga với ASEAN trong giai đoạn hiện nay

Ngày nay, nhân loại đứng trước một trật tự thế giới đa cực đang dần dần xuất hiện. Điều đó mang đến rất nhiều lợi ích nhưng cùng đi kèm với những hiểm họa như sự cạnh tranh, gia tăng ảnh hưởng của các nước lớn tới các khu vực chiến lược. Đông Nam Á có thể ví như là một ô cờ quan trọng trên bàn cờ địa chính trị mà bất kỳ cường quốc nào cũng khao khát có thể nắm bắt và gây ảnh hưởng tới khu vực đông dân, nhiều tài nguyên, kinh tế phát triển năng động này.

"Nga luôn đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN và mong muốn hợp tác nhiều hơn nữa với ASEAN trên nhiều phương diện". Đây chính là phát biểu của Đại sứ Nga tại Singapore Nikolai Kudashev nhân dịp kỷ niệm 56 năm thành lập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á. Theo ông, ASEAN nhiều chục năm qua phát triển theo các nguyên tắc của mình, trong đó nền tảng chính là tìm kiếm sự đồng thuận, cân bằng lợi ích. Đại sứ cũng nhắc lại rằng, trong cuộc họp hồi tháng 7, đại diện của Nga và ASEAN đã đặc biệt quan tâm đến các vấn đề như đối phó với những thách thức và mối đe dọa mới, bao gồm khủng bố, buôn bán ma túy cũng như các hình thức tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia khác [9].

Hợp tác giữa Nga và ASEAN sẽ trở nên thiết thực hơn bao giờ hết thông qua kế hoạch hành động dài hạn đến năm 2025, được thông qua tại Hội nghị Cấp cao Nga – ASEAN năm 2021. Kế hoạch đặc biệt coi trọng các lĩnh vực như giáo dục, công nghệ cao, số hóa và thành phố thông minh. Cuộc họp của các Bộ trưởng chủ yếu bàn về phát triển khoa học và công nghệ vào tháng 02/2023, cũng như các cuộc tham vấn đầu tiên giữa Nga và ASEAN về hợp tác kỹ thuật số vào tháng 6/2023 là một bằng chứng cho sự thành công của khuôn khổ hợp tác hai bên.

Ngoài ra, Nga còn muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Liên minh Kinh tế Á – Âu. Triển vọng này đã được đại diện của hai bên thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint Petersburg vào tháng 6 vừa qua. Nga coi ASEAN là một phần không thể thiếu trong khái niệm về Quan hệ Đối tác Á – Âu mở rộng do Tổng thống Putin đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Nga năm 2016.

Có thể thấy, trong bối cảnh đang bị các nước phương Tây cấm vận càng thúc đẩy mạnh mẽ, Nga xoay trục sang các khu vực khác để tìm kiếm hợp tác và ảnh hưởng. Trong đó, Đông Nam Á là khu vực cốt lõi, quan trọng tại Châu Á – Thái Bình Dương khi án ngữ vị trí chiến lược giữa Châu Á và Châu Đại Dương, giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Nơi đây cũng có tốc độ phát triển kinh tế cao và có các cơ hội mở ra những thỏa thuận hợp tác giúp cho Nga có thể gây dựng lại ảnh hưởng như dưới thời Liên Xô.

Dẫu vậy, Nga cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Về vị trí địa lý, đây không phải khu vực ngay sát Nga như Trung Á hay Đông Âu nên việc gây dựng ảnh hưởng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Chưa kể, đây vốn là nơi mà Mỹ và Trung Quốc cũng đã có những chỗ đứng nhất định, sẽ không dễ dàng để Nga có thể tham gia vào khu vực đang nóng hơn bao giờ hết này. Ngoài ra, một số đồng minh thân cận với Mỹ trong khu vực như Philippines hay Singapore sẽ không dễ dàng để Nga có thể có nhiều tác động sâu sắc hơn tại khu vực.

Hàm ý đối với Việt Nam

Sự phức tạp trong tình hình quan hệ quốc tế cũng gây ra những khó khăn, thách thức cho Việt Nam trong việc duy trì mối quan hệ với các cường quốc. Làm sao để vừa không tổn hại đến lợi ích quốc gia, vừa không quay lưng với những mối quan hệ hữu nghị lâu đời, vừa mở cửa nhưng vừa gìn giữ nét bản sắc dân tộc, không để cho những thế lực thù địch tận dụng thực hiện các chiến lược "diễn biến hòa bình" là một bài toán khó đối với Hà Nội.

Việt Nam vốn luôn được coi là một trong những quốc gia có quan hệ thân thiết nhất với Nga trong khối ASEAN, vì thế, việc duy trì và phát triển quan hệ với Nga là rất cần thiết. Với việc Nga tiếp tục mạnh mẽ xoay trục sang khu vực Châu Á, Việt Nam nên tận dụng quan hệ gần gũi với Nga để có thể hoàn thành tốt việc làm cầu nối cho hai bên. Việc quan hệ Nga – ASEAN trở nên tốt đẹp hơn cũng sẽ tạo rất nhiều lợi thế cho Việt Nam, đồng thời cũng sẽ thúc đẩy quan hệ song phương Việt – Nga lên một tầm cao mới.

Song, việc đẩy ASEAN quá gần với Nga cũng là một bước đi tiềm ẩn những rủi ro nhất định, vì có thể sẽ khiến các nước Châu Âu, Mỹ cảm thấy không hài lòng. Việc cần làm lúc này chính là duy trì tính chất trung lập của khối, việc phát triển quan hệ với Nga là cần thiết nhưng cần phải khéo léo và trong những khuôn khổ không làm cho Mỹ và phương Tây "nóng mặt".

Việt Nam từ sau khi Đổi mới đến nay đã trải qua nhiều giai đoạn, trong đó giai đoạn hiện nay có thể coi là một trong những giai đoạn có nhiều thách thức nhất khi quan hệ giữa các cường quốc đều căng thẳng. Vì thế, Việt Nam có thể rút kinh nghiệm từ sự duy trì vị thế trung lập của ASEAN giữa các cường quốc, và áp dụng chiến ngược "ngoại giao cây tre" để có thể vừa hợp tác, vừa phát triển với tất cả các cường quốc, nhằm phục vụ cho lợi ích quốc gia và dân tộc, nâng cao vị thế của đất nước và có tiếng nói lớn hơn tại các diễn đàn, tổ chức khu vực cũng như quốc tế.

Nguyễn Như Việt Anh

Nguồn : Nghiên cứu chiến lược, 05/09/2023

Tài liệu tham khảo : 

[1]. TASS (2023), "МИД РФ приветствовал успешное проведение выборов в Камбодже"
[2]. Sergey Guneev (2022), "Tổng thống Indonesia hy vọng đạt được điều gì ở Nga ?", Sputnik Việt Nam
[3]. Phạm Kiên, Bá Thành (2023), "Củng cố, nâng tầm quan hệ hữu nghị giữa hai nước Lào-Nga", TTXVN/Vietnam+
[4].ГСВ "Россия – Исламский мир" (2023), "Укрепление партнерства: Взаимоотношения России и Малайзии в контексте сотрудничества и доверия"
[5]. Phương Vũ (2021), "Nga muốn tăng cường quan hệ quân sự với Myanmar", Vnexpress
[6]. Phạm Lưu Bình (2022), "Quan hệ Philippines với Trung Quốc, Mỹ thời Tổng thống Ferdinand Marcos Jr và hàm ý đối với Việt Nam", Nghiên cứu Chiến lược
[7].
Jalelah Abu Baker (2022) "Ukraine Ambassador to Singapore urges global solidarity, ‘massive’ sanctions on Russia", Channel New Asia
[8]. VOV TV (2022), "Thái Lan tuyên bố trung lập trong xung đột Nga – Ukraine"

[9]. Alamak (2023), "Russia-ASEAN Cooperation: Navigating Challenges and Building a Strategic Partnership in a Multipolar World".

Additional Info

  • Author Nguyễn Như Việt Anh
Published in Diễn đàn