Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trưa ngày 15/8/2019, hàng trăm người gồm các giáo dân, lương dân và các linh mục thuộc khu vực hạ lưu đập Rào Nan đã tập trung đến Dự án đắp đập Rào Nan, thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình biểu tình để phản đối dự án nâng cao đập Rào Nan tại đây, đe dọa cuộc sống của hàng vạn người dân thuộc các xã hạ lưu đập.

quangbinh1

Những người biểu tình đã giơ cao khẩu hiệu : "Lũ lụt sẽ giết chết chúng tôi. Xin đừng vô cảm", "Phản đối xây dựng Thủy lợi Rào Nan, Xã Quảng Sơn", "Chúng tôi không muốn chết bởi Thiên tai, lại càng không muốn chết bởi nhân tai".

Theo tờ báo mạng Môi Trường, dự án Hệ thống thuỷ lợi Rào Nan do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Chủ đầu tư và giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư chuyên ngành thực hiện. Dự án với tổng mức đầu tư 350 tỷ từ nguồn vốn đầu tư trái phiếu Chính phủ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, thời gian thực hiện dự án từ năm 2017 đến năm 2021.

Phương án xây dựng công trình thuỷ lợi Rào Nan sẽ dựa trên hệ thống kênh đã có. Dựa trên nền móng của đập dâng tràn cũ, đập dâng tràn mới sẽ xây dựng bằng bê tông cốt thép dài 177,4m và cao 7m.

Cũng theo tờ báo này, từ khi có thông tin Dự án thuỷ lợi Rào Nan sẽ triển khai ở thôn Linh Cận Sơn, xã Quảng Sơn thì người dân địa phương phản đối gay gắt và quyết liệt vì Dự án này chỉ cách hộ dân gần nhất là 150m, nếu có sự cố vỡ đập sẽ uy hiếp đến tính mạng và cuộc sống của hàng thăm hộ dân trong thôn.

quangbinh2

Dự án này trực tiếp ảnh hưởng và đe dọa đến các xứ đạo như Diên Trường, Hòa Ninh, Văn Phú, Giáp Tam, Vĩnh Phước, Cồn Sẻ… thuộc thị xã Ba Đồn, Tỉnh Quảng Bình và đe dọa 9 xã thuộc hạ lưu của phía Nam Quảng Bình.

Người dân Quảng Bình vốn đã không lạ gì các dự án đập Thủy điện gây tai họa như thế nào, đe dọa cuộc sống của họ ra sao và chuyện tai họa do các đập Thủy điện gây ra họ đã từng nếm trải.

Trước đó, đập Thủy điện Hố Hô tại vùng Hương Khê, Hà Tĩnh đã gây nhiều tai họa khi xả lũ bất ngờ, nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà, biến tài sản của người dân tích cóp bao nhiêu đời trôi theo dòng nước.

Nhưng, chính quyền và nhà đầu tư chỉ phủi tay và người dân cứ kêu Trời.

Vì vậy, người dân tại đây đã phản đối quyết liệt dự án này khi dự định nâng cao thêm cả chục mét và đưa lên vùng có độ dốc lớn hơn.

Trước sự phản đối của người dân, nhà cầm quyền huyện Quảng Trạch và Nhà cầm quyền Quảng Bình đã tìm mọi cách để ép buộc cũng như lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để lừa bịp, trấn an người dân tại đây trước nguy cơ của hệ thống đập tại đây.

quangbinh3

Thậm chí, nhiều cán bộ đã thề thốt và "bảo đảm" rằng sẽ không ảnh hưởng đến đời sống người dân sau khi thi công đập.

Thế nhưng, nhiều người dân có hiểu biết và các linh mục đã tham gia phản đối, sự phản đối này được sự ủng hộ mạnh mẽ của không chỉ giáo dân tại đây mà cả rất đông đảo lương dân muốn phản đối nhưng không thể tập hợp được số lượng đông đảo.

Trước những hành động bảo vệ cuộc sống người dân của các linh mục, nhà cầm quyền đã lại dùng chiêu bài lừa bịp và vu khống các linh mục như đã dùng xưa nay ở nhiều nơi.

Đài truyền hình Ba Đồn đã vu khống linh mục Nguyễn Văn Hảo, quản xứ Diên Trường… rằng kích động người dân.

Những người biểu tình yêu cầu nhà cầm quyền có sự giải thích, đáp ứng các thắc mắc của người dân về dự án này chứ không chỉ vài lời thề thốt hứa hẹn chung chung.

Chia sẻ ý kiến về những lời thề thốt bảo đảm của các cán bộ cộng sản với sự an toàn của đập nước, người dân ở đây cho biết : "Khi nào cán bộ thề thốt đảm bảo đập an toàn bằng cách chuyển gia đình, vợ con và tài sản về dưới chân đập hoặc trong vùng bị đe dọa, thì khi đó người dân mới có thể tin lời cán bộ cộng sản".

Chia sẻ với chúng tôi, linh mục Phero Trần Văn Thành, Quản xứ Tam Tòa, người đã giữ chức Trưởng phân ban Caritas của Giáo phận Vinh tại Quảng Bình, thường xuyên phải đi cứu trợ lũ lụt cho chúng tôi biết : "Nếu dự án được thi công, khi dự án xả nước thì 9 xã sẽ bị ngập lụt hết. Đa số dân phản đối ở đó là dân lương ở xã Quảng Sơn, nhất là thôn ở ngay gần chân đập là thôn không có người công giáo. Trước đây đã có đập họ đắp cũ rồi. Bây giờ họ định đắp cao hơn và có nguy cơ đối với cuộc sống của người dân. Người dân thấy nguy cơ nên họ đã tập trung phản đối. Họ đã đưa các bản cam kết để người dân ký, nhưng người dân phản đối, không đồng ý".

Linh mục Bone Trương Văn Vút, người được các linh mục và giáo dân ví là "Cha Già Của Người Dân Tộc" bởi vì ngài là luôn quan tâm đến bà con nghèo ở các bản làng trong khu vực Quảng Bình… đã theo dõi và cho chúng tôi biết : "Đập này rất nguy hiểm, với độ cao so với mức người dân ở phải cao đến hơn 20 mét. Bây giờ họ định dời cao hơn, đắp cao hơn để lấy nguồn nước mạnh hơn. Điều này sẽ gây nguy hiểm cho đời sống, tính mạng của người dân. Đây là hạ lưu của hai nguồn sông là Nguồn Son và Nguồn Nậy. Do vậy lưu lượng nước sẽ rất lớn và đe dọa người dân.

Chính quyền đang đi vận động từng nhà để ký đồng ý thì họ sẽ dời nhà ngay chân đập. Nhưng những vùng dân hạ lưu này thì hết sức nguy hiểm với độ cao và lượng nước đó khi xả lũ thì chưa biết nó sẽ trôi đến đâu

Những người lương dân rất phấn khởi vì họ cho biết hôm trước họ đã phản đối nhưng chưa có đủ sức mạnh của lực lượng".

Cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa, sau đó mọi người giải tán và tất cả đồng tâm nhất trí về việc phản đối dự án đem nguy cơ đe dọa treo lơ lửng trên đầu người dân tại đây.

Video phỏng vấn các linh mục tại Quảng Bình :

Ngày 15/8/2019

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 15/08/2019 (nguyenhuuvinh's blog)

Published in Diễn đàn

Những ngày Tết Đinh Dậu vừa qua, người dân lại tiếp nhận thông tin cá lại chết hàng loạt ở Quảng Bình. Hàng loạt cá khoai đã chết tấp vào bờ gây sự sợ hãi và phẫn nộ của người dân.

formosa1

Hàng loạt cá chết tấp vào bờ gây sự sợ hãi và phẫn nộ của người dân

Những màn kịch độc ác

Ngay lập tức, ngày 2/2/2017, Nguyễn Viết Ánh - chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh, cho biết việc cá biển chết hàng loạt ở biển Hải Ninh những ngày vừa qua "là bình thường".

Thoạt nghe tin này, người ta nghĩ rằng ông Chủ tịch cho rằng cá chết là bình thường, vì biển vẫn độc - một điều hết sức hiển nhiên - để cảnh báo người dân đừng ăn chất độc vào mình mà gây đại họa sức khỏe người dân và suy tàn nòi giống Việt.

Nhưng không, ông ta giải thích rằng "chỉ là cá khoai, là loài cá sinh sống gần như trên mặt nước và có chu kỳ sống khá ngắn ngủi".

Thậm chí, tay Lê Văn Khởi - bí thư Đảng ủy xã Hải Ninh còn nói rằng do "tập trung ở một chỗ nên lượng cá chết tăng nhiều hơn bình thường".

Cái "bình thường" ở cách giải thích mà đến trẻ con cũng không thể nhịn được cười này đã phản ánh một điều : Họ đã không dám nói thật - Biển độc.

Tưởng chỉ có Quảng Bình mới có chuyện lấp liếm việc cá chết hàng loạt, đẩy người dân vào chỗ ăn cá độc.

Nhưng, không chỉ có Quảng Bình.

Ngày sau tết, 4/2/2017, trên một chương trình Tivi, người ta thấy ông Cục trưởng cục nuôi trồng Thủy sản và cả ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh lên nói rằng : Các loại cá đã nhiều trên biển Hà Tĩnh, điều đó chứng tỏ rằng biển đã sạch( !).

Nghe những lời này, người ta nhớ lại vẫn những lời nói, hành động của các quan chức nhà nước về việc nhiễm độc biển và thảm họa môi trường ở Miền Trung.

- Ngày 6/4, người dân phát hiện ra cá chết hàng loạt, thảm họa môi trưởng Biển Miền Trung bắt đầu được phát hiện. Hàng loạt các loại cá, chim, sinh vật biển kể cả san hô thi nhau "đi theo cụ Các Mác, cụ Lenin" mà "chưa rõ nguyên nhân". Cả nước hoảng hốt với thông tin này.

Thế nhưng.

- Ngày 23/4/2017, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh tuyên bố : "mực, tôm, cua cá vẫn đang sống thì người dân có thể ăn được. Ngoài ra, người dân cũng có thể yên tâm tắm biển ở các vùng biển này".

- Ngày 26/4/2017, Báo Hà Tĩnh, cơ quan của Đảng bộ Đảng cộng sản Hà Tĩnh tuyên bố : "Biển đã sạch hơn" và xúi ngư dân ra khơi đánh bắt.

Vậy rồi cá tiếp tục chết, mà không chỉ có cá. Người dân kêu điện thoại tận nhà Phó Chủ tịch Tỉnh đề nghị ông ăn cá và tắm biển Vũng Áng làm mẫu, ông lặn mất tăm.

Sau đó, hàng loạt màn diễn được quan chức từ Bộ trưởng Thông tin Truyền thông đến quan chức Quảng Bình, Đà Nẵng đã thi nhau tắm biển và ăn cá biển. Họ muốn làm mẫu cho người dân cứ vậy mà xơi cá. Mục đích là để ve vuốt và lừa đảo người dân, xoa dịu cơn giận dữ của họ với kẻ đã thủ ác gây ra Thảm họa môi trường cũng như những kẻ cố tình bao che cho nó.

Phải nói rằng, đó là những màn kịch độc ác.

Bởi không ai có lương tâm lại man rợ đến mức không cần kiểm nghiệm, không biết được mức độ độc tố ở biển ra sao mà vẫn xúi dân là "ông chủ" là "cha mẹ" mình đi ăn những chất độc đó.

Nếu có một con số thống kê, thử hỏi trong gia đình quan chức từ Hà Tĩnh đến mấy tỉnh Miền Trung, có những nhà nào dám ăn cá từ biển Miền Trung ? Tôi dám chắc là họ chưa bị điên.

Cho đến tận chiều tối 30/6/2017, chính phủ mới công nhận việc cá nhiễm độc chết do Formosa xả độc, sau khi đã dàn hàng loạt công an, cảnh sát các loại vào dằn mặt và đe dọa cơn phẫn nộ của người dân Miền Trung.

Thế nhưng, cũng trong việc công bố nguyên nhân cá chết, Thứ trưởng Bộ môi trường còn giấu giếm điều cốt tử khi người ta hỏi về kim loại nặng trong nước biển rằng "nói kến kim loại nặng là gây tổn hại cho dân tộc" - quả là một trò hài không thể cười nổi.

Tất cả những ví dụ trên, cho thấy một điều : Nhà cầm quyền hiện nay, đã bất chấp tất cả mọi vấn đề về sức khỏe, sinh mạng của người dân và sự tồn vong của nòi giống, chỉ nhằm để bảo vệ bằng được kẻ thủ ác, và đằng sau đó là những nhóm lợi ích đã đang tâm đầu độc đất nước này.

Biển sạch thật không ?

Phó Viện trưởng Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ cho rằng "Phải mất ít nhất 50 năm sau, hệ sinh thái biển ở bốn tỉnh này mới phục hồi lại như hiện trạng ban đầu".

Thế nhưng, chỉ cần 4 tháng sau, ngày 22/8/2016, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã tuyên bố trên báo chí : "Biển đã sạch, cá đã ăn được". Quả là sự thần kỳ chỉ có ở Việt Nam nếu tin theo lời quan chức cộng sản.

Có điều là sau đó lại hàng loạt vụ ngộ độc hải sản từ biển diễn ra liên tiếp. Và lại tiếp tục màn dối trá, quanh co vòng vo tam quốc nhằm che giấu nguyên nhân. Thậm chí gà chết sau khi ăn cá là "do gà ăn quá no".

Nghe câu nói này, nhiều người dù đau đớn cũng phải bật người mà rằng : Nếu ăn quá no mà chết, thì hàng loạt quan chức cộng sản tham nhũng đâu còn tồn tại, "lấy đâu ra cán bộ mà làm việc" như lời Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Việt Nam.

Ngồi Vũng Áng, ăn cá Vũng Tàu. Cá Vũng Áng đi đâu ?

Chúng tôi đã có mặt tại Vũng Áng những ngày sát tết trong đợt cứu trợ cho ngư dân có cái để đón xuân. Thảm họa môi trường đã xảy ra cách đó 9 tháng.

formosa2

Ngồi ngay tại Vũng Áng trong một bữa cơm trưa có món cá biển, chủ nhà sợ chúng tôi nghi ngại đã nói rõ : Đây là cá biển nhưng được người thân gửi từ Vũng Tàu ra chứ không phải cá biển miền Trung.

Khi hỏi về hải sản và những thứ từ biển nơi đây, người dân cho biết : Sau khi thảm họa môi trường xảy ra, nhiều ngư dân đã bị nhiễm độc chì và nhiều người đã bị ngộ độc cá. Hàng loạt người đi khám sức khỏe để đi lao động nước ngoài đã không thể đảm bảo sức khỏe vì cơ thể nhiễm chì. Từ đó, không ai dám ăn bất cứ sản vật nào từ biển.

Tuy nhiên, là những người con của biển, từ tấm bé đến khi xuống mồ con cá và hạt muối như ngấm vào từng thớ thịt đường gân của họ, do vậy thiếu cá thì không thể chịu được. Và họ phải nhờ người mua từ các nơi khác xa xôi gửi về để ăn cho đỡ nhớ.

Thế nhưng, gần đây khi những loài cá tầng đáy và tầng trung đã không thể sống được, thì những đoàn cá tầng nổi vẫn theo sóng vào tận đây. Và khi vào đây, thì rất dễ đánh bắt. Thậm chí, có thuyền còn đánh được cả ba bốn tạ cá khoai mỗi ngày. Dù giá rẻ thì vẫn bán được một số tiền kha khá.

Theo cách giải thích của ngư dân, thì cá đó từ ngoài khơi vào bị nhiễm độc thì càng dễ đánh bắt hơn bình thường. Bởi để lâu hơn thì cá sẽ ngấm độc và... chết. Hiện tượng mấy ngày tết vừa qua, cá ở Quảng Bình chết hàng loạt là vì sau khi nhiễm độc không bị đánh bắt do vào ngày gần tết, nên cá rủ nhau chết hàng loạt là vì vậy.

Khi chúng tôi tìm hiểu số cá đánh bắt được thì có ai kiểm định kiểm tra độ độc tố của nó trước khi đưa đi tiêu thụ hay không ? Câu trả lời là "Không", chưa có bất cứ một động thái nào từ cơ quan nhà nước nào kiểm tra để xem các loại cá nào hiện nay đã ăn được, loại nào không, mẻ cá nào có thể đưa ra thị trường và mẻ nào cần tiêu hủy.

Tất cả cứ mặc kệ người dân tự xử.

Người dân cho chúng tôi biết : Ở đây người dân không dám ăn, nên giá rất rẻ so với thị trường bình thường. Thế nhưng các đầu mối thu gom từ khắp nơi đổ về đây mua đưa đi, thì không ai quan tâm nó sẽ đi đâu nữa.

Và như vậy, nguồn cá độc từ Vũng Áng, từ vùng ô nhiễm cứ nối đuôi nhau ra đi "phục vụ" đồng bào cả nước.

Thật là một đại họa cho dân tộc khi nguồn kim loại nặng dồi dào từ Formosa qua những xe cá đi tung tăng ra khắp cả đất nước này rồi ngấm vào các tế bào người dân để gây họa lâu dài.

Thế nhưng, cũng trong chương trình TV đã nói ở trên, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh còn "tự hào" rằng "cá đánh bắt đến đâu đã được tiêu thụ đến đó" như một thành tích. Không hề thấy ông mảy may đặt câu hỏi rằng cá đó có thật sự đã sạch hay chưa, còn nhiễm độc hay không mà được tung ra thị trường cả nước ?

Trong khi đó, theo ngư dân, thì còn lâu mới nghĩ đến chuyện biển sạch và cá hết độc.

Sự dốt nát hay sự tê liệt của lương tâm ?

Vậy câu hỏi đặt ra là : Những cán bộ nói trên, từ Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường, trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, các Bí thư, Chủ tịch tỉnh, huyện, xã... vùng thảm họa và các cơ quan quản lý hoàn toàn không nghi ngờ về độc tố còn có trong cá hay không ? Hay họ hoàn toàn yên tâm là biển đã sạch và cá đã hết độc ?

Theo suy đoán của mỗi người bình thường, thì các cán bộ trên dù có diễn đủ bài, có phát biểu đủ lời về biển sạch, dù họ có diễn bài ăn hải sản để dụ người dân im miệng mà ăn... thì họ vẫn biết rất rõ là biển vẫn độc và cá vẫn không sạch.

Bằng chứng rất rõ là ông Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh đã hứa qua điện thoại với người dân là sẽ ăn cá và tắm biển Vũng Áng. Nhưng từ đó đến nay chưa thấy ông ta làm việc đó ?

Bằng chứng rất rõ là từ khi mấy bộ trưởng và quan chức ăn mẫu cho TV và đài báo tuyên truyền, đến nay chưa thấy ông nào đến ăn lại hoặc mua về nhà cho bố mẹ, vợ con họ ăn.

Bằng chứng rất rõ nữa, là chính họ đã không hề đặt ra vấn đề kiểm nghiệm lại biển cũng như các loài thủy sản để công bố công khai. Bởi họ biết rõ, nếu làm vậy thì công lao tuyên truyền dụ người dân sẽ bị bóc trần khi các con số lên tiếng.

Và một điều rất cốt yếu là nhà nước đã lỡ nhận 500 triệu dola của kẻ thủ ác Formosa để đền bù, thì số tiền đó có đủ đền bù cho những thiệt hại của người dân cho đến hết 50 năm, khi biển thật sự sạch ? Theo những người dân ở đây, thì có lẽ số tiền đó chỉ đủ để huy động số công an, cảnh sát cơ động để trấn áp các cuộc biểu tình, huy động công an, an ninh đi rình rập người dân... được một thời gian nữa. Còn sau đó, thì nhà nước lại lấy thuế của người dân cả nước mà bù lỗ cho thảm họa do Formosa.

Tạm kết

Nếu như, theo những gì người cán bộ cộng sản thể hiện, là do sự tối tăm dốt nát đã không cho họ thấy những nguy hiểm của việc mang độc tố kim loại nặng từ Formosa đến từng tế bào người dân, thì đó cũng là chuyện bình thường, một vấn nạn của xã hội cộng sản vốn tồn tại lâu nay của việc sử dụng "người nhà thay cho người tài".

Còn nếu như, họ cũng như những người bình thường, biết rất rõ các tác hại của chất độc khi đi vào từng bữa cơm người dân mang lại đại họa lâu dài cho dân tộc, nòi giống này... mà họ vẫn làm ngơ để "nói và hành động theo nghị quyết" mặc cho mọi hậu quả xảy ra.

Thì đã xảy ra thêm một thảm họa vô cùng lớn : Sự tê liệt đến mức báo động của lương tâm con người trong những người cộng sản.

Hà Nội, ngày 8/2/2017

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 08/02/2017 (nguyenhuuvinh's blog)

Published in Diễn đàn