Tuấn Việt, VNTB, 28/11/2020
Nếu căn cứ vào lý thuyết từ những nguyên lý về tổ chức quyền lực theo mô hình phân quyền trong cơ chế quyền lực nhà nước, cơ quan lập pháp luôn ở vị thế kiềm chế, đối trọng với hành pháp, tư pháp và biết cách tạo ra những lợi thế nhất định cho mình nhằm bảo đảm một cách vững chắc chủ quyền quyền lực của nhân dân, thì khi xem xét trường hợp Quốc hội Việt Nam, cho thấy quyền lực của cơ quan lập pháp Việt Nam chưa thực sự mạnh như mong muốn.
Nếu chỉ xem xét đơn thuần từ góc độ quy phạm, rõ ràng Quốc hội Việt Nam hoàn toàn chiếm ưu thế so với Chính phủ và Toà án. Tuy nhiên, công bằng mà nói, trong suốt thời gian qua, thực sự vai trò của Quốc hội chưa được đánh giá cao, và nhiều lúc còn bị lấn át bởi chính những cơ quan quyền lực được coi là yếu thế hơn.
Điều này đặt ra câu hỏi là liệu có phải Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước Việt Nam hay không ? Và nếu đúng, thì lý giải nó như thế nào cho thỏa đáng trước sự yếu thế của Quốc hội hiện nay.
Trong mô hình của các cơ quan lập pháp trên thế giới, rõ ràng Việt Nam không theo những tư tưởng phân quyền mạnh mẽ của các Nhà nước pháp quyền tư sản. Quốc hội Việt Nam với đặc thù là : Cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam – theo Điều 69, Hiến pháp 2013. Và từ đây quyền lực mới được chuyển tiếp đến các nhánh quyền lực còn lại. Quy định này cũng đã làm cho quyền lực nhân dân bị chuyển tiếp qua những bước trung gian, làm hạn chế hiệu quả hoạt động của cơ quan này.
Đối với vấn đề nhân sự, từ góc độ lý thuyết, khi hiệp thương lựa chọn các đại biểu để ứng cử vào thành phần của Quốc hội, người ta đã lựa chọn rất nhiều công chức, viên chức nhà nước để làm đại biểu Quốc hội, thành phần này sau khi được bầu vào Quốc hội sẽ đóng vai trò là các đại biểu kiêm nhiệm.
Ở đây có những lý do lo ngại rằng, nếu để quá nhiều đại biểu Quốc hội không phải là công chức, viên chức nhà nước sẽ làm mất vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đất nước.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây chính là Đảng sẽ không làm mất vai trò lãnh đạo của mình, nếu giới thiệu ứng cử vào đại biểu Quốc hội với tỷ lệ đảng viên cao nhưng vẫn không phải là công chức, viên chức nhà nước để tham gia ứng cử.
Một vấn đề nữa khi bàn về tập trung quyền lực ở Quốc hội, không nhất thiết đòi hỏi quá nhiều vị trí trong bộ máy nhà nước phải là đại biểu Quốc hội và được Quốc hội bầu.
Ở đây chỉ nên quy định rằng chỉ những vị trí : Chủ tịch nước, những người đứng đầu Chính phủ, tòa án, viện kiểm sát, mới bắt buộc phải là đại biểu Quốc hội và được Quốc hội bầu.
Còn các vị trí khác không nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội. Chẳng hạn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì phải là đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và do đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bầu là đủ, không nhất thiết là đại biểu Quốc hội và thậm chí không được là đại biểu Quốc hội.
Trong quá trình hiệp thương để lựa chọn đại biểu bầu vào Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc nên tìm những đối tượng thuộc thành viên Mặt trận, nhưng không thuộc đối tượng là công chức, viên chức nhà nước.
Tiếp đến, đối tượng lựa chọn là thành phần từ các đại biểu của Hội đồng nhân dân các cấp. Khi hoạt động, chức năng hoạt động của các đại biểu này cộng với năng lực của họ sẽ là cơ sở để lựa chọn, giới thiệu ứng cử vào đại biểu Quốc hội.
Về lựa chọn đại biểu là công chức, viên chức, nên coi công chức, viên chức nhà nước là một nghề và đại biểu Quốc hội cũng là một nghề – nghề chính khách.
Do đó, khi các công chức, viên chức nhà nước muốn thay đổi nghề nghiệp của mình, trước hết phải từ bỏ vị trí mà mình đang nắm giữ trong bộ máy nhà nước để tham gia ứng cử vào một nghề khác mới là hợp lý.
Bởi trong xã hội phát triển, ngày càng đòi hỏi sự chuyên nghiệp trong bất cứ hoạt động nào của xã hội, nhất là nghề đại diện cho quyền lực nhân dân càng cần những người chuyên nghiệp và tâm huyết. Nên khó có lý do chính đáng nào để quyền lực nhân dân được trao cho những đại biểu thiếu chuyên nghiệp và thiếu tâm huyết.
Một điều cần đề cập nữa ở đây là, việc cho phép quá nhiều nhân sự kiêm nhiệm của hành pháp, tư pháp tham gia vào lập pháp đã đẩy Quốc hội Việt Nam vào tình trạng mất ưu thế ngay trong quá trình lập pháp.
Tuấn Việt
Nguồn : VNTB, 27/11/2020
*******************
Thới Bình, VNTB, 28/11/2020
Kiểu gì thì các đảng viên là đại biểu Quốc hội cũng là những đảng viên cao cấp. Họ phải được thảo luận dân chủ về các quyết sách của Đảng. Ví dụ nên có các cuộc họp Ban Chấp hành trung ương mở rộng với sự tham gia của các đảng viên là đại biểu Quốc hội ; đặc biệt là khi Ban Chấp hành Trung ương thảo luận, quyết định những vấn đề liên quan đến chính sách, pháp luật.
Chính vì chưa có chuyện "họp mở rộng" nên lúc ở nghị trường sở dĩ các vị đại biểu quốc hội phản biện lại chính sách mà Đảng đưa ra, không hẳn là để phản đối mà là để nó trở nên minh bạch hơn.
Ngoài ra, "nghị quyết hóa" các chủ trương của Đảng, hiểu theo cách nào đó thì cũng là điều nghị sĩ của bất kỳ nước nào cũng làm. Điều khác biệt chỉ là như thế này thôi : Đảng của các nước hoạch định chính sách ngay trong lòng Quốc hội, chứ không phải là ở bên ngoài Quốc hội. Các đảng viên trúng cử chính là ban lãnh đạo của Đảng. Họ hình thành nên Đảng đoàn Quốc hội và quyết định chính sách ở trong Đảng đoàn.
Có điều trong Quốc hội ở xứ người luôn là tập hợp của nhiều đảng phái chính trị của thể chế đa nguyên, khác hẳn đơn nguyên như xứ Việt.
Đơn nguyên thì cũng cần dân chủ ngay trong chính nội bộ của Đảng đó. Bởi vậy nên mới đề xuất kiểu "họp mở rộng" như đã đề cập ở phần đầu bài viết.
Giả dụ như vì lý do tế nhị nào đó nên chưa thể có "các cuộc họp Ban Chấp hành Trung ương mở rộng", thì giải pháp nào là căn cơ với yêu cầu tiên quyết về thỏa mãn nội dung Điều 4.1 của Hiến pháp rằng "Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội" ?
Câu trả lời ở đây có thể đến từ nội dung của trang IPU : Liên minh Nghị viện Thế giới, tiếng Anh : Inter-Parliamentary Union, là hãy chấp nhận những nghị sĩ chuyên nghiệp, với tiêu chí chỉ phụng sự cao nhất là cho tổ quốc và nhân dân – bởi điều này về nguyên tắc, là phù hợp Điều 3, Hiến pháp Việt Nam : "Thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện".
Theo đó có sáu lợi ích khi xem nghị sĩ chuyên nghiệp là nghề cần thiết cho thể chế chính trị :
Thứ nhất, làm nghị sĩ là một nghề và nghị sĩ được nhận lương từ nghề nghiệp của mình. Việc nghị sĩ được nhận lương hay các thù lao hoạt động bắt nguồn từ ba lý do : (i) Tạo điều kiện để mọi công dân đều có thể thực hiện được quyền ứng cử và có cơ hội để trở thành nghị sĩ ; (ii) Công việc của Quốc hội ngày càng nhiều và càng phức tạp ; (iii) Ngăn ngừa tình trạng tham nhũng. Trả lương, thù lao và chi phí cho nghị sĩ ở một số quốc gia được quy định trong Hiến pháp và xem đây là nguyên tắc hiến định.
Thứ hai, làm nghị sĩ là một nghề nghiệp đặc thù, mang tính cá nhân, độc lập và làm việc trong điều kiện cường độ lao động cao, thường xuyên di chuyển, xa gia đình, gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều đối tượng.
Theo một khảo sát gần 700 nghị sĩ trên toàn thế giới do IPU thực hiện năm 2011, những người được hỏi cho rằng, việc phục vụ cử tri chiếm nhiều thời gian nhất trong các hoạt động của họ. Bên cạnh các hoạt động của nghị viện, các nghị sĩ đều dành khoảng 30-40 giờ mỗi tuần cho việc gặp gỡ, tiếp xúc cử tri. Do vậy, cần phải có những chế độ đãi ngộ và điều kiện làm việc mang tính ưu đãi để nghị sĩ hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Thứ ba, nghị sĩ được nhận mức lương cao so với mặt bằng chung về thu nhập nghề nghiệp trong xã hội. Ở một số nước, Hiến pháp và luật quy định mức lương của nghị sĩ tương đương với mức lương của Bộ trưởng, Thẩm phán tối cao, Thị trưởng thành phố…
Tỷ lệ chênh lệch giữa lương của nghị sĩ với mức lương trung bình ở Italia là 4,95 lần ; Hoa Kỳ là 3,1 lần ; Nhật Bản là 3 lần. Ngoài tiền lương, đại biểu nhận được rất nhiều các phụ cấp và các chi phí khác nhau (điều kiện bảo đảm). Mức thu nhập và chi phí cao thể hiện sự đãi ngộ xứng đáng của xã hội đối với vị trí, vai trò của nghị sĩ, vừa thể hiện tính đặc thù nghề nghiệp.
Điều đáng lưu ý là các phụ cấp và chi phí được trả một cách công bằng và tuân thủ đầy đủ các tiêu chí định sẵn như phân định vùng miền với thủ đô, nông thôn với thành thị, khoảng cách địa lý, số lượng dân cư của khu vực bầu cử, chỉ số giá tiêu dùng từng khu vực…
Trả lương cho nghị sĩ là một nguyên tắc hiến định và mức lương của nghị sĩ phải ngang bằng nhau. Việc trả lương cho nghị sĩ nhằm bảo đảm sự độc lập của nghị sĩ. Chính vì vậy, lương của nghị sĩ ở nhiều quốc gia được xem là lương cơ bản của các chức vụ chính trị.
Các chính trị gia nói chung và các vị trí lãnh đạo trong Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội đều nhận được một mức lương cơ bản như nhau, nhưng vẫn được nhận các khoản phụ cấp hoặc mức lương bổ sung trách nhiệm theo từng vị trí công việc mà họ đảm nhiệm.
Thứ tư, ngoài việc quy định trong Hiến pháp, đa số các quốc hội đều có thẩm quyền quy định về mức lương, các khoản thu nhập, các khoản phụ cấp và các điều kiện bảo đảm hoạt động cho nghị sĩ.
Theo khảo sát của IPU, có 69 trong tổng số 119 nghị viện quyết định lương của nghị sĩ, có 75 trong tổng số 122 nghị viện có quyền quyết định phụ cấp. Điều này khác với thẩm quyền của chính phủ quy định các chế độ, chính sách cho công chức hành chính trong bộ máy công quyền.
Tuy nhiên, việc quy định cho Quốc hội tự quyền quyết định mức lương và các điều kiện bảo đảm hoạt động của mình không phải là một quy định tùy tiện. Hầu hết các quốc gia, việc xác định mức lương, thu nhập, các điều kiện ưu đãi, bảo đảm hoạt động cho nghị sĩ do một cơ quan độc lập của Quốc hội thực hiện dựa trên các tiêu chí được định sẵn.
Ví dụ ở Anh, tiền lương của các nghị sĩ được quyết định bởi Cơ quan tiêu chuẩn độc lập của nghị viện (IPSA).
Thứ năm, bên cạnh sự đãi ngộ, ưu tiên về thu nhập và các điều kiện bảo đảm hoạt động cho nghị sĩ, yêu cầu về tính công khai, minh bạch trong thực hiện chế độ, chính sách và kiểm soát chi tiêu của các nghị sĩ rất được quan tâm nhằm bảo đảm sự công bằng và ngăn ngừa tham nhũng.
Các chế độ, chính sách đối với nghị sĩ được công bố công khai trên các website của nghị viện. Các nghị sĩ có trách nhiệm công khai thu nhập và chi tiêu của mình cho các hoạt động nghề nghiệp trên website cá nhân và báo cáo tài chính đến cơ quan có thẩm quyền.
Luật pháp nhiều nước quy định cấm các nghị sĩ thuê nhân viên giúp việc là người thân. Việc công khai này được thực hiện thường xuyên hàng tháng, hàng quý. Ở Anh, thông tin công khai chi tiết đến từng hóa đơn chi tiêu của nghị sĩ.
Thứ sáu, sử dụng đúng mục đích các nguồn lực tài chính và điều kiện bảo đảm là yêu cầu đặt ra khắt khe đối với các nghị sĩ nhằm hạn chế tình trạng tham nhũng, lãng phí hoặc ảnh hưởng đến sự độc lập của nghị sĩ.
Ở Hoa Kỳ, một số khoản chi bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật. Ví dụ, nghị sĩ không được sử dụng trợ cấp đại biểu để chi tiêu cá nhân hoặc trang trải cho các hoạt động tranh cử (trừ khi được sự chấp thuận của Ủy ban đạo đức) ; sử dụng quỹ tài trợ để thanh toán chi phí cho hoạt động đại biểu ; sử dụng tài khoản không chính thức ; tiếp nhận các nguồn tài trợ, hỗ trợ từ khu vực tư nhân để thực hiện các nhiệm vụ đại biểu ; sử dụng chi phí được cấp cho cá nhân để thanh toán các thư tín miễn phí hoặc đã được chi trả…
Như vậy, ở các quốc gia có nền dân chủ lâu đời, Quốc hội hoạt động chuyên nghiệp, chế độ, chính sách đối với nghị sĩ được quy định rất đầy đủ, có những điểm tương đồng về nội dung và cách thức thực hiện.
Mặc dù có sự khác nhau về đặc điểm hệ thống chính trị, cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước và chế độ hoạt động của đại biểu, nhưng những kinh nghiệm trên có giá trị tham khảo để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách đối với đại biểu Quốc hội ở Việt Nam hiện nay.
Thới Bình
Nguồn : VNTB, 28/11/2020
************************
Mai Lan, VNTB, 26/11/2020
Nghị sĩ ở các nhà nước tư sản thường là nghị sĩ chuyên nghiệp. Do áp dụng nguyên tắc phân chia quyền lực, phần lớn các quốc gia tư sản không cho phép chế độ kiêm nhiệm.
Nghị sĩ là thành viên của cơ quan đại diện cao nhất của một quốc gia thường được gọi là Nghị viện hay Quốc hội.
Thành viên của Thượng nghị viện được gọi là thượng nghị sĩ, của Hạ nghị viện được gọi là hạ nghị sĩ. Thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ khác nhau ở những điểm sau đây : hạ nghị sĩ do cử trì bầu, còn thượng nghị sĩ có thể được bầu gián tiếp hoặc bầu trực tiếp nhưng theo một trình tự khác, có nơi thượng nghị sĩ lại được chỉ định ; nhiệm kỳ của hạ nghị sĩ thường ngắn hơn nhiệm kỳ của thượng nghị sĩ.
Để trở thành ứng cử viên hạ nghị sĩ thông thường chỉ cần đạt từ 21 đến 23 tuổi, còn để trở thành ứng cử viên thượng nghị sĩ phải đạt từ 30 đến 35 tuổi hoặc cao hơn ; Hạ nghị viện có thể bị Tổng thống giải tán, còn Thượng nghị viện thường thì không.
Ở Việt Nam thì khác hẳn : Trên diễn đàn Quốc hội, vị bộ trưởng cũng là đại biểu Quốc hội, phải chịu sự chất vấn của đại biểu Quốc hội khác, như vậy liệu vị này có dám chất vấn lại chính mình, hay chất vấn lại Chính phủ, Thủ tướng ?. Chắc chắn là không khi dẫu gì thì bộ trưởng cũng là cấp dưới của Chính phủ, của Thủ tướng.
Trong hoạt động giám sát cũng thế. Trong công tác xây dựng pháp luật, liệu vị bộ trưởng có không nghĩ tới cơ chế chính sách có lợi cho ngành của mình ?.
Ở Việt Nam không chỉ khác, mà còn rối rắm hơn : Quốc hội là một thể chế chính trị, phải có chính khách ở đó tranh luận với nhau để ban hành chính sách. Bộ trưởng cũng là chính khách, như thế bộ trưởng phải là đại biểu Quốc hội. Thứ trưởng trở xuống mới không nhất thiết là đại biểu, vì anh không phải chính khách, chỉ là công chức. Quốc hội có chức năng quyết chính sách, còn bộ trưởng là người tham gia dẫn dắt chính sách.
Và Chủ tịch tỉnh có cần làm đại biểu Quốc hội không ? Nếu quyền lực phân chia cho địa phương như ở các nước thì Chủ tịch tỉnh không nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội. Một xã hội quyền lực đều tập trung ở trên cả mà Chủ tịch không ngồi ở Quốc hội nữa như vậy sẽ thiếu mất đại diện địa phương để cùng với đại diện các cấp, ngành "đóng dấu" để các quy định, yêu cầu của Đảng trở thành pháp luật. Vậy là theo chuẩn mô hình Xô Viết, không thể thiếu đại diện của địa phương ở Quốc hội.
Ở Quốc hội Việt Nam tuy không có thượng nghị sĩ, hạ nghĩ sĩ, nhưng lại có đại biểu chuyên trách, và đại biểu không chuyên trách. Điều đó cho thấy nếu chuyển sang mô hình nhà nước phân chia quyền lực, nhà nước hiện đại như các nước, lúc ấy, một Quốc hội chuyên trách, chuyên nghiệp là cần thiết, thậm chí tất cả các đại biểu đều phải hoạt động chuyên nghiệp, chuyên trách – và rất có thể khi đó sẽ có thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ ; hoặc có thể như mô hình đơn viện của Nghị viện Singapore.
Cơ quan lập pháp Singapore theo mô hình dân chủ Nghị viện của hệ thống Westminster, Anh. Theo đó, các nghị sĩ được bầu ra thông qua các cuộc tổng tuyển cử thường kỳ. Khi Nghị viện mới được triệu họp lần đầu tiên, Chủ tịch sẽ được bầu sau khi các nghị sĩ mới tuyên thệ.
Mặc dù theo mô hình Anh, nhưng Nghị viện Singapore chỉ có đơn viện. Nhiệm kỳ của nghị sĩ là 5 năm tính từ phiên họp đầu tiên sau Tổng tuyển cử và không có giới hạn về số lần trúng cử. Trong trường hợp Nghị viện bị giải tán, tổng tuyển cử phải được tổ chức trong vòng 3 tháng.
Nghị viện thành lập 7 ủy ban thường trực có nhiệm kỳ tương ứng với nhiệm kỳ của Nghị viện để thực hiện một số nhiệm vụ thường xuyên gồm : Ủy ban Lựa chọn ủy viên, Ủy ban Tài khoản công, Ủy ban Dự toán ngân sách, Ủy ban Quy tắc, Ủy ban Dân nguyện, Ủy ban về điều kiện hoạt động của nghị sĩ, Ủy ban Kiểm soát đặc quyền của Nghị viện. Trong đó, Chủ tịch Nghị viện hoặc Ủy ban Lựa chọn ủy viên có quyền quyết định lựa chọn hoặc thay đổi thành viên của các ủy ban khác.
Bên cạnh các ủy ban thường trực nói trên, Nghị viện thành lập các Ủy ban hoạt động lâm thời theo kiến nghị của các nghị sĩ để thẩm tra một số dự án luật, hoặc xem xét về các vấn đề cụ thể theo sự phân công của Nghị viện (còn gọi là các Ủy ban đặc trách).
Các ủy ban này làm việc theo nguyên tắc tập thể ; có quyền triệu tập nhân chứng, yêu cầu cơ quan, tổ chức hữu quan cung cấp tài liệu, hồ sơ phục vụ cho hoạt động của mình.
Nghị viện Singapore có thể họp bất kỳ thời gian nào trong năm, do toàn thể Nghị viện quyết định khi kết thúc kỳ họp trước, nếu không thì do Chủ tịch Nghị viện triệu tập ; mỗi tháng họp 1 lần (trừ tháng 6 và tháng 12) và một lần họp thường từ 1 ngày đến 1 tuần, tùy theo số lượng dự án luật được trình.
Thông báo về từng phiên họp được gửi trước cho nghị sĩ. Còn nghị sĩ gửi các câu hỏi chất vấn các bộ trưởng, các điểm sửa đổi đối với các dự luật đã được trình, các vấn đề họ muốn thảo luận tại phiên họp.
Sở dĩ đề xuất Việt Nam có thể lựa chọn mô hình Nghị viện Singapore nếu như mai này chuyển sang mô hình nhà nước phân chia quyền lực, nhà nước hiện đại như các nước, vì Việt Nam có phân chia đại biểu Quốc hội chuyên trách, và đại biểu Quốc hội không chuyên trách.
Hệ thống văn bản luật pháp của Việt Nam vẫn đang liên tục điều chỉnh để đáp ứng với các yêu cầu thỏa thuận trong ký kết những FTA song phương và đa phương.
Để tránh mất thời gian chờ đợi kỳ họp định kỳ hàng năm của Quốc hội, thì việc ‘bắt chước’ Nghị viện Singapore có thể giúp yêu cầu lập pháp đáp ứng kịp thời với tính chuyên nghiệp cao nhất, song vẫn bảo đảm được nguyên tắc lãnh đạo thống nhất của Đảng.
Cụ thể luôn : Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam sẽ bầu ra các ứng cử viên đại biểu Quốc hội. Các ứng cử viên trúng cử hình thành ban lãnh đạo của Đảng gọi là Đảng đoàn Quốc hội. Như vậy ý Đảng và lòng dân đã được kết hợp với nhau làm một.
Đảng thảo luận, quyết định đường lối, chính sách trong Đảng đoàn Quốc hội. Khi ra Quốc hội, các vị đại biểu là đảng viên sẽ phải biểu quyết theo quyết định của Đảng đoàn Quốc hội. Dĩ nhiên chỉ có thể thực hiện được điều đó khi giải quyết song vướng mắc hiện nay là sự chồng chéo chức năng giữa các đảng viên trong Quốc hội, và trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng.
Một vấn đề khác : Nếu thay đổi theo mô hình có các nghị sĩ chuyên nghiệp, thì những người có uy tín, có năng lực được cử tri tín nhiệm thì đều được bầu, và phần lớn nghị sĩ ở các nước tuổi cũng khá cao.
Điều này khi áp dụng ở Việt Nam, biết đâu chừng – giả dụ như lá phiếu tín nhiệm có thể dành cho nghị sĩ Nguyễn Phú Trọng khi ông rời ghế Tổng bí thư. Lúc đó với lá phiếu cử tri này sẽ chẳng ai còn xì xào rằng ông đang tham quyền cố vị trên chính trường nữa…
Mai Lan
Nguồn : 26/11/2020