Từ ngày 22/3/2020 cho đến nay, Chính phủ Việt Nam ra lệnh tạm ngừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài và người gốc Việt được miễn visa vào Việt Nam, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Khoảng 40 du học sinh Việt Nam ở sân bay Dallas, Mỹ, cầu cứu Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện tại Mỹ vì vừa chuẩn bị lên máy bay đi Nhật Bản thì nhận được thông báo người Việt Nam không được lên máy bay do chuyến bay từ Narita về Việt Nam bị hủy.
Đối với người mang quốc tịch Việt Nam ở nước ngoài, Chính phủ vận động, khuyến cáo nên hạn chế tối đa về nước và tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch ở nước sở tại, theo thông tin từ trang web xuất nhập cảnh của Chính phủ.
Tuy nhiên, thực tế là kể từ thời điểm đó, Chính phủ đã ngưng hoàn toàn các chuyến bay quốc tế thương mại nhập cảnh vào Việt Nam. Chỉ có một vài chuyến bay mỗi tháng tại các nước do Đại sứ quán tổ chức đưa người Việt về, mà báo chí nhà nước gọi là "các chuyến bay giải cứu", mới được nhập cảnh.
Điều này tạo nên tình trạng hàng ngàn người Việt, bao gồm lao động, du học sinh, khách du lịch ở các nước như Nhật Bản, Dubai, Hong Kong… hết hạn hợp đồng, bị mất việc hoặc hết hạn visa, không thể hồi hương.
Chị Trương Thị Hà, một lao động ở Dubai nói với Đài Á châu Tự do rằng bởi vì Chính phủ Dubai ra lệnh phong toả từ cuối tháng Ba, nên những người Việt Nam làm việc trong lĩnh vực dịch vụ cũng bị thất nghiệp. Hiện nay, có một nhóm khoảng 300 người lao động Việt Nam đã gởi thư kêu cứu đến Đại sứ quán Việt Nam ở Dubai, Văn phòng Chính phủ… từ 3 tháng trước nhưng không có kết quả :
"Chúng tôi tổng hợp được hơn 300 người cũng đã gửi đơn từ đi rất là nhiều rồi, đã gọi điện cho Đại sứ quán rất nhiều lần nhưng mà không biết là họ có quan tâm hay không mà không có thông tin gì về các chuyến bay về, gọi điện lên Đại sứ quán thì lại không liên lạc được.
Bọn tôi vẫn luôn hy vọng và cầu cứu Chính phủ Việt Nam và đại sứ quán Việt Nam ở bên này tạo điều kiện để có chuyến bay hồi hương nhưng mà chờ, chờ hoài lại không thấy".
Du học và làm việc tại Singapore : ước mơ của tất cả du học sinh
Tại Nhật Bản, Lê Dương, là một du học sinh cho biết mình đã tốt nghiệp và hết hạn visa hồi tháng Tư, nhưng tới giờ chưa về Việt Nam được. Hiện có khoảng 10.000 người Việt tại Nhật Bản đã đăng ký với Đại sứ quán để được về nước. Thậm chí, nhiều người đến tận Sứ quán Việt Nam ở Nhật biểu tình nhưng cũng không được giải quyết :
"Không phải mình em mà tất cả mọi người đã làm từ cách đây 2, 3 tháng rồi, liên tục gởi email đăng ký, liên tục gọi điện thoại. Thậm chí có người lên tận nơi nhưng vẫn không về được. Họ không giải quyết cho về.
Riêng em thì chưa thấy sự phản hồi nào hết. Mà theo em nắm bắt được thông tin chung thì những người càng đăng ký nhiều, càng gọi nhiều thì thường là sẽ không được hỗ trợ".
Theo chị Hà, Chính phủ Dubai đang hỗ trợ gia hạn visa cho những lao động hợp pháp. Còn đối với những trường hợp bất hợp pháp thì trong vòng 3 tháng, từ ngày 18/5 đến 18/8/2020, được phép trở về nước mà không bị bắt giam, hay nộp phạt gì cả. Tuy vậy, họ vẫn không về Việt Nam được do không có chuyến bay :
"Sau ngày 15/8 mà những người bất hợp pháp chưa về thì có thể họ sẽ bị bắt phạt. Bởi vậy, tôi vẫn hy vọng là mình sẽ được về sớm trong thời hạn".
Sở dĩ mọi người mong muốn được về sớm vì trong số họ có những bà bầu, những người bị bệnh phải điều trị định kỳ mà chi phí bên Dubai quá mắc, lại không có việc làm, họ không đủ khả năng chi trả :
"Hiện giờ, chúng tôi không có đi làm, tập trung với nhau thuê phòng ở chung. Nói chung cũng rất là khó khăn. Cũng chỉ mong Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho về thôi. Tại vì cũng có rất nhiều bạn đang có bầu mà không có điều kiện để sinh con bên này".
Chị Sen, cũng là một lao động bị mất việc ở Dubai, nói hiện nay phải sống nhờ vào sự giúp đỡ của những đồng hương có điều kiện và tiền người nhà ở quê gởi sang :
"Bây giờ, chỉ có người mình gom tiền lại hoặc có người giúp từ thiện, người nào có điều kiện thì sẽ giúp người kia, không thì người nhà ở Việt Nam phải gửi tiền sang. nhưng mà mà ở UAE này mày chi phí rất cao.
Sang đây lao động chỉ mong có tiền để gửi về cải thiện cuộc sống gia đình, thế mà giờ lại phải gửi tiền sang, chờ ăn, chờ uống, chờ để về, nhất là những bà bầu và những người bị bệnh".
Lê Dương cho biết chuyện hết hạn visa không phải là vấn đề lớn vì Chính phủ Nhật có chính sách gia hạn visa trong thời điểm dịch bệnh. Điều khó khăn nhất là mọi người không có việc làm và chỗ ăn ở :
"Thất nghiệp từ hồi đầu tháng Tư, không đi làm đồng nghĩa với việc là không có thu nhập. Tôi khá may mắn là có nhà của người thân ở bên này nên được ở nhờ, còn vấn đề tiền nong chi tiêu thì phải đi vay.
Hiện tại chúng tôi là những người du học sinh. Ngoài ra, còn có những người tu nghiệp sinh tất cả những người bị hết hạn đều chung một số phận. Bây giờ giờ không có việc làm, không có nhà ở, không có bất kỳ một sự hỗ trợ nào từ Chính phủ".
Hiện giờ, mong muốn duy nhất của những người này là Sứ quán và Chính phủ Việt Nam tổ chức thêm nhiều chuyến nay hơn nữa để được về nước. Chị Hà và Lê Dương khẳng định mình cũng như những người đăng ký về nước sẽ tự chịu mọi chi phí bay và cách ly tập trung. Thế nhưng, đã 3 tháng nay, họ đã gởi đơn, chờ đợi rồi kêu cứu nhưng vẫn chưa có kết quả.
Theo quy định, công dân Việt Nam được phép nhập cảnh. Tuy nhiên, Chính phủ đã ngưng toàn bộ các chuyến bay thương mại quốc tế nhập cảnh, chỉ tổ chức một số rất ít các "chuyến bay giải cứu", mỗi tháng chỉ có vài trăm người được về nước.
Chị Ngọc, là nhân viên hãng hàng không Emirates, nói với RFA từ Dubai rằng hiện nay nhiều nước trên thế giới dù chưa kiểm soát được dịch bệnh vẫn "mở cửa" cho công dân về nước bằng các chuyến bay thương mại, nhưng Việt Nam thì không :
"Mình làm việc cho hãng hàng không thì mình biết có rất nhiều chuyến bay của các nước khác miễn phí, ở những nước dịch bùng nổ luôn mà người ta vẫn cho bay về. Còn Việt Nam mình thì đã kiểm soát được dịch rồi. Tại sao không mở cửa, vì dịch như vậy thì ai cũng muốn về hết, chỉ có các chuyến bay từ Việt Nam đi ra thì có".
Lê Dương nói mình có thể hiểu được lý do Việt Nam không muốn cho nhập cảnh quá nhiều người trong lúc dịch bệnh. Tuy nhiên hiện giờ, Việt Nam đã làm khá tốt trong việc chống dịch, thì việc không mở cửa đường bay thương mại cho công dân về nước là không hợp lý :
"Tôi thấy Việt Nam là nước đã thực hiện cách ly rất tốt, nhưng tôi không hiểu tại sao họ vẫn không cho đón công dân Việt Nam về, trong khi mọi người đồng ý tự chi trả các khoảng chi phí cách ly. Đó là một điều rất bất hợp lý. Không cần một tuần 5, 7 chuyến, chỉ cần mỗi tuần một chuyến thôi cũng được. Mọi người sẽ chấp hành nghiêm chỉnh, miễn là về được Việt Nam".
Theo báo chí trong nước đưa tin, cục Hàng không Việt Nam đề xuất mô hình "di chuyển nội khối" và kiến nghị các quy định khôi phục các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ chở khách vào Việt Nam vào cuối tháng Bảy.
"Di chuyển nội khối" là các quốc gia đã kiềm chế được dịch Covid-19 tạo ra một khối. Những người trong khối có thể đi lại mà tránh được yêu cầu kiểm dịch bắt buộc.
Ngày 2/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý ưu tiên đưa thêm 14.000 người Việt từ nước ngoài trở về và phải cách ly tập trung. Các trường hợp được ưu tiên về nước gồm lao động hết hạn hợp đồng, hết hạn visa...
Tuy nhiên, tất cả những người mà Đài Á châu Tự do phỏng vấn cho biết họ vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin gì mới về lịch trình hay các chuyến bay về Việt Nam.
Mới nhất vào ngày 5/7, BBC loan tin một nhóm mấy trăm lao động Việt Nam đang làm việc tại Guinea Xích Đạo ở Châu Phi lên tiếng kêu cứu và cần được đưa về nước do có người bị nhiễm Covid-19, số khác phải lao động nặng nhọc trong điều kiện thiếu thốn.
Cao Nguyên
Nguồn : RFA, 06/07/2020
********************
Đi Sing
Tưởng Năng Tiến, RFA, 06/07/2020
Cứ nghĩ đến 1 chuyên cơ riêng để chở 1 người từ Anh về Việt Nam, cứ nghĩ đến cả Bộ Y tế dồn sức cứu chữa cho 1 bệnh nhân ngoại quốc, cứ nghĩ đến hàng chục người đứng chờ trong mưa trước cổng Đại sứ quán, cứ nghĩ đến 3.000 người đã 3 tháng vật vờ xung quanh phi trường Singapore, mà ứa nước mắt.
FB Nguyễn Ngọc Chu
Trước 1975, ở bùng binh ngã Sáu (kế góc đường Gia Long và Lê Văn Duyệt) có cái biển nhỏ xíu xiu : Sài Gòn – Nam Vang 280 km. Mỗi lần đi ngang qua đây, tôi đều nhớ đến cái câu ca dao mà mình được nghe từ thưở ấu thơ : Nam Vang đi dễ khó về…
Bây giờ thì đi hay về từ Cambodia đều dễ ợt nhưng gần như không còn ma nào muốn hẻo lánh tới cái Xứ Chùa Tháp nóng bức và nghèo nàn này nữa. Cũng ngột ngạt thấy bà luôn, ai mà tới đó làm chi… cho má nó khi. Thời buổi này phải đi Sing mới được, dù qua đây rất khó và về thì cũng vậy – cũng chả dễ dàng gì.
Blogger Trương Châu Hữu Danh than phiền : "Có lần tôi đi du lịch cùng vợ, vợ tôi bị tách ra để họ phỏng vấn. Vì phụ nữ Việt Nam trẻ đẹp là họ nghĩ... sang Sing bán dâm".
Nhà báo Huy Phương trách móc : "Báo chí lại loan tin, những người Việt Nam, đồng bào của chúng ta, từ Sài Gòn đến phi trường Changi, Singapore, bị từ chối nhập cảnh, nói rõ ra là bị đuổi về.
Singapore là một trong 48 quốc gia mà người mang thông hành Việt Nam vào không cần thị thực, nhưng lần này mặc dù có đầy đủ giấy tờ tùy thân, nhiều hành khách Việt Nam, phần lớn là phụ nữ, vẫn bị nhà chức trách Singapore từ chối cho vào xứ của họ...
Chính quyền Singapore cũng không hề nói lý do họ không cho những người Việt này vào nước họ, nhưng cái lý do này thì những người trong cuộc, hay toàn thể ‘khúc ruột ngàn dặm’ trên khắp thế giới đều biết rõ, đều cảm thấy xấu hổ và đau lòng".
Nỗi "xấu hổ" và "đau lòng" này đã từng được diễn tả bằng nhiều câu thơ của Trangđài Glassey-Trầnguyễn :
Ngô Tất Tố đưa Chị Dậu
trốn chạy con quỷ râu xanh
chống cự cái tham dâm của quan anh, quan cụ
mà cả một thế kỷ sau
Chị Dậu vẫn còn chạy
chạy đi khắp thế giới
tiền đồ vẫn tối đen
Theo tường trình của BBC vào hôm 24/06 vừa qua : "Từ khi Việt Nam ngừng các chuyến bay thương mại quốc tế do dịch Covid-19, nhiều người lao động nước ngoài bị kẹt ở Singapore. Một chị hiện đang kẹt ở Singapore nói với tổ chức ProjectX ước tính có chừng 1.000 phụ nữ mại dâm Việt hiện chưa về nước được. Khách hàng có nhu cầu mua dâm giảm đáng kể, và thu nhập của các phụ nữ này cũng vậy".
Vấn đề, thực ra, tệ hại hơn thế. Ít ai biết rằng cùng với "hàng ngàn phụ nữ mãi dâm Việt hiện chưa về nước được", còn có cả "một đạo quân hàng rong thầm lặng" cũng đông đáo không kém. Họ thường đi dạo khắp nơi, mời chào thực khách mua napkin. Họ không nói, chỉ ra hiệu bằng tay, bằng ánh mắt van nài, cùng với nụ cười (hơi) buồn bã và ngơ ngác.
Cũng như những tiệm ăn ở Hồng Kông, quán xá ở Đảo Quốc Sư Tử không có giấy chùi tay hay chùi miệng. Thực khách, nếu cần, phải gọi mua. Thiệt là một "khe hở" lý tưởng của "thương trường" để cho đám dân Việt cùng khổ có thể len lách vào, kiếm ít đồng bạc lẻ.
Âm thầm và nhẫn nại hơn là những phụ nữ cắp theo một rổ bắp luộc, khoai luộc, đậu phụng nấu … được ủ kín trong lớp vải dầy để giữ ấm. Khách hàng, tất nhiên, không ai khác ngoài mấy cô gái bán hoa người cùng xứ sở. Thức ăn ở Singapore đã không rẻ lại không hợp khẩu vị Việt Nam. Nhai khoai, gặm bắp vừa đỡ nhớ quê vừa … đỡ tốn tiền !
Có chiều, tôi còn thấy nguyên cả gánh bánh xèo – với những miếng thịt ba chỉ sắt vụn, đang lèo xèo bên mấy con tôm đỏ au bé tí, trên chảo nóng – giữa hai con hẻm 20 và 21 (Lorong 20 & 21) trong Khu Đèn Đỏ Geylang. Cứ giả dạng người Sing, không biết tiếng Việt - ngồi suốt buổi kề bên - vừa lai rai uống bia vừa nghe chuyện đời (qua những cái miệng đỏ chót son môi) của đám con cháu tiên rồng thì mới thấm thía nỗi "oan khiên" và "khổ nhục" của giống nòi mình.
Giữa một trung tâm thương mại quốc tế sầm uất và phồn thịnh mà đồng bào tôi không có gì để bán – ngoài thân xác, giấy napkin, bánh xèo, hoặc mấy củ khoai lang hay vài trái bắp ! Khiêm tốn thế thôi nhưng ai cũng hết lòng, tận tụy, chăm chỉ, cần mẫn suốt từ lúc chiều vừa chạng vạng cho đến sáng sớm hôm sau vì ai cũng cần tiền để gửi về quê.
Và ai cũng phải gửi liền vì bên nhà lúc nào cũng có người đang cần rất gấp : tiền ăn cho con, tiền học cho em, tiền nhà thương cho mẹ, tiền thuốc cho cha, và tiền nợ của chính thân mình.
Gửi ai ?
Giữa Longrong 5 & 6, có tiệm Chuyển tiền nhanh : phục vụ tận tâm, chu đáo, bảo đảm chuyển tiền tới tận nhà trong vòng 24 tiếng, có nhân viên nói tiếng Việt… Từ đây, chả biết bao nhiêu đồng tiền tủi cực (và tủi nhục) đã gửi về đến đất quê. Ấy thế mà khi những kẻ tha phương cầu thực, gặp chuyện chẳng lành, muốn được hồi hương thì họ lại vô phuơng trở về chốn cũ – theo như lời kêu cứu khẩn thiết (và thảm thiết) của FB Nguyễn Ngọc Chu :
"Khoảng 3.000 người Việt Nam còn mắc kẹt ở Singapore đã hơn 3 tháng nay không thể về nước. Phần lớn họ đang sống trong điều kiện cùng cực của người mất việc, không lương, không nhà, nhờ vào cứu trợ của người hảo tâm, vật vã chờ ngày về nước. Chính phủ chỉ mới bố trí có 2 chuyến bay rồi ngừng hẳn, qua 3 tháng rồi mà chưa thấy có tin tức các chuyến bay mới. Một số họ đang vật vờ trước cổng Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore để ngóng tin…
Vietnam Airlines, Bamboo Airways, VietJet Air hãy tổ chức chuyến bay sang Singapore mà đón đồng bào mình về. Đây chính là những chuyến bay khuyến mại kích cầu. Đồng bào mình không ăn quỵt đâu. Họ và người thân họ ở nhà có thể trả vé máy bay, miễn là chỉ lấy đúng chi phí – thấp hơn 50% giá vé thương mại thông thường. Làm giàu 4 phương, để 1 phương làm phước cho chính mình.
Cứ nghĩ đến 1 chuyên cơ riêng để chở 1 người từ Anh về Việt Nam, cứ nghĩ đến cả Bộ Y tế dồn sức cứu chữa cho 1 bệnh nhân ngoại quốc, cứ nghĩ đến hàng chục người đứng chờ trong mưa trước cổng Đại sứ quán, cứ nghĩ đến 3.000 người đã 3 tháng vật vờ xung quanh phi trường Singapore, mà ứa nước mắt".
Những giọt nước mắt của Nguyễn Ngọc Chu khiến tôi nhớ đến một mẩu tin ngăn ngắn ("Không để người lao động ra nước ngoài làm tổn hại sĩ diện quốc gia") xuất hiện trên báo Tuổi Trẻ vào hôm 20/4/2020 :
"Phó Chủ tịch quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị phải xử nghiêm những trường hợp người lao động ra nước ngoài làm tổn hại sĩ diện quốc gia. Đề nghị này được Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hoàn toàn nhất trí : Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình phải có quy định để kiểm soát thật tốt vì đây là vấn đề sĩ diện quốc gia".
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 06/07/2020 (tuongnangtien's blog)