Năm 1961, chỉ năm ngày sau lễ tuyên thệ nhậm chức, tổng thống John F. Kennedy mở cuộc họp báo truyền hình trực tiếp đầu tiên, tạo ra một thông lệ chưa hề có xảy ra với các đời tổng thống Hoa Kỳ.
Cuộc họp báo truyền hình trực tiếp đầu tiên của Tổng thống J.F. Kennedy ngày 21/04/1961 - Ảnh Jean-Denis Beucher
Nhóm cố vấn của ông can ngăn vì e rằng các thước phim chưa qua hiệu chỉnh, biên tập sẽ gây ra điều bất lợi nếu tổng thống có sai sót hay lỡ lời. Nhưng trẻ trung, có tài hùng biện và đầy sức thuyết phục, tổng thống Kennedy cương quyết tổ chức họp báo được phát sóng trực tiếp. Theo hồ sơ lưu trữ từ thư viện tổng thống Kenneny, cuộc họp báo này được xem là một sự thành công to lớn với khoảng 65 triệu người xem. Đây là con số đáng kể vì đầu thập niên 60, nước Mỹ chỉ có khoảng 180 triệu dân.
Các cuộc họp báo của tổng thống Kennedy đã tạo ra một tiền lệ cho các đời tổng thống kế nhiệm. Chúng quan trọng khi không chỉ cho người dân thấy được khả năng, tri thức, bản lĩnh cùng ứng xử của người đứng đầu quốc gia mà còn biết được các chính sách, nghị trình, vấn đề đối ngoại của tổng thống cùng nội các ra sao.
Đặc biệt trong các cuộc khủng hoảng hay tình trạng khẩn cấp quốc gia như chiến tranh, suy thoái kinh tế, thiên tai, đại dịch. Chúng tạo cơ hội cho giới truyền thông thay mặt người dân để đối thoại, phản biện hay cật vấn tổng thống về các vấn đề quốc gia được thấu đáo, rõ ràng hơn ở nhiều cấp độ khác nhau.
Khi được ký giả Sander Vanocur của đài NBC hỏi quan điểm của ông về truyền thông, Tổng thống Kennedy đã trả lời rằng :
"Tôi nghĩ là vô giá, dù chẳng bao giờ là điều dễ chịu khi đọc những tin tức không hợp ý mình. Nhưng tôi có thể nói rằng đó là một trợ thủ vô giá cho công việc tổng thống. Nó như một sự kiểm tra về những gì đang thực sự diễn ra trong nội các, mang đến nhiều điều khiến tôi chú ý hơn khi gây sự quan tâm hay được cung cấp thêm thông tin.
Vì vậy tôi nghĩ Khrushchev có nhiều lợi thế trong việc điều hành một hệ thống độc tài đầy bí mật nhưng tất cả còn lại là một sự bất lợi to lớn khi không có cọ xát với một nền báo chí đầy năng lực luôn chuyên tâm đến anh hàng ngày, chuyên tâm đến nội các. Ngay cả khi chúng ta không bao giờ thích thú, chúng ta mong họ đừng viết ra và chúng ta không tán thành, thì chắc chắn một điều là chúng ta không thể thực hiện công việc gì trong xã hội tự do mà thiếu vắng nền báo chí rất, rất tích cực".
(NBC 12/1962)
Thích hay không, rõ ràng quan điểm về vai trò truyền thông của tổng thống Kennedy đã được nhiều đời tổng thống Hoa Kỳ đối diện hay đối phó một cách tôn trọng. Bởi đó cũng là một quyền hiến định trong xã hội dân chủ, khi truyền thông đóng vai trò tích cực và cần thiết cho việc vận hành quốc gia. Nó là phương tiện hữu hiệu để thay mặt người dân đối chất với chính phủ, chuyển thông điệp của người dân đến giới lãnh đạo và ngược lại.
Bốn năm qua, như cả thế giới đã chứng kiến, những cuộc họp báo tổng thống luôn tạo ra vô vàn cảm xúc cho người dân khi người đứng đầu nước Mỹ bất chấp mọi lý lẽ hay tư cách lãnh đạo cần có. Chúng dường như chỉ trình bày cho một nửa nước Mỹ - những người ủng hộ Donald Trump. Một nửa luôn vỗ tay, hò reo và ra sức binh vực, bào chữa bất cứ điều gì Donald Trump đưa ra. Và một nửa còn lại luôn phẫn nộ, ngao ngán buồn phiền hay chê cười thất vọng khi theo dõi.
Người ta không chỉ cười ngạo một tổng thống không biết phát âm tên một công viên quốc gia nổi tiếng hay tên một danh nhân quen thuộc trong lịch sử Hoa Kỳ. Người ta không chỉ ngao ngán về những dối trá trơ trẽn được đưa ra trong từng cuộc họp báo. Người ta không chỉ giận dữ, phẫn nộ nghe những lời tấn công, kích động hận thù hay phổ biến thuyết âm mưu bừa bãi.
Mà hơn hết, người ta thấy được một tổng thống vô đạo đức không làm tròn nhiệm vụ của người đứng đầu quốc gia khi che giấu những sự việc liên quan đến an ninh quốc gia, đến sự an toàn của người dân. Điều đã được chính Trump công khai trả lời qua cuốn sách Rage - "Sự Cuồng Nộ" của ký giả Bob Woodward chuẩn bị phát hành.
Cuốn sách Rage - "Sự Cuồng Nộ" của ký giả Bob Woodward chuẩn bị phát hành vào ngày 15/09/2020
Qua Rage, người ta thấy Trump đã biết rõ về sự nguy hiểm, lây lan của Covid-19, biết nó có thể gây chết người gấp nhiều lần bệnh cảm cúm và ảnh hưởng đến cả trẻ em. Nhưng vẫn chọn cách xem nhẹ nó vì không muốn tạo sự hoảng loạn cho người dân, theo như cách giải thích của Trump trong các băng thu âm cùng sự bào chữa của Bạch Ốc hiện nay. Liệu đó là cách giải thích hợp lý và là biện pháp hữu hiệu để đối phó với những cơn khủng hoảng quốc gia ?
Nó tựa như những lý luận đại loại rằng, các nhà dự báo thời tiết không nên cảnh báo mức độ nguy hiểm của các cơn bão dữ để tránh tạo sự lo sợ cho người dân. Hay chính phủ không cần báo động về nguy cơ khủng bố, chiến tranh sắp xảy ra để tránh sự hoảng loạn. Hoặc bác sĩ cần phải che giấu bịnh tình để bịnh nhân khỏi mất tinh thần.
Trump xem nhẹ, buông thả dịch bịnh, cổ súy những điều phản khoa học, tạo cho người dân một cảm giác an toàn giả tạo trong cơn dịch bịnh. Trump bảo không muốn tạo ra sự hoảng loạn nơi dân chúng nên đã tạo ra gần 200 ngàn cái chết không cần thiết cho người dân và một cuộc khủng hoảng kép bất lường về việc làm, kinh tế, xung đột sắc tộc đang diễn ra. Cùng một viễn ảnh ảm đạm trong mùa Đông năm nay khi giới khoa học tin rằng dịch bịnh có nhiều khả năng tái phát nguy hiểm hơn.
Kẻ ủng hộ Trump có thể nhắm mắt binh vực trước bất cứ tiết lộ nào trong các cuốn sách đã phát hành. Cho dù các tác giả là những ký giả nổi tiếng, thâm niên từng viết về nhiều đời tổng thống như Michael Wolff và Bob Woodward, là cố vấn an ninh quốc gia thuộc đảng Cộng hòa trung kiên như John Bolton, là cháu ruột thân cận trong gia đình như Mary Trump, hay là luật sư riêng lâu đời từng có ý định tự tử để bảo vệ Trump như Michael Cohen. Họ chẳng thuộc phe Dân chủ, chẳng theo ngoại bang hay "thế lực ngầm" chống đối nào khác hơn là những người cuối cùng đã tự thấy cần nói ra sự thật khi còn nghĩ đến quốc gia.
Nhưng cuốn sách "Sự Cuồng Nộ" này là cú knock-out cuối cùng cho bất cứ những ai còn mê muội tin vào khả năng và tư cách lãnh đạo của Donald Trump. Bởi qua các cuộn băng thu âm, những gì Trump nói ra đã được viết lại nguyên văn, trọn vẹn. Nó phô bày sự dối trá có chủ đích và đầy ý thức về những điều Trump đưa ra, khác hơn là sự dối trá bịnh lý và thói quen như người ta từng thấy và từng biết qua các cuộc họp báo, qua các tin nhắn cho đến trong các cuộc gặp gỡ người ủng hộ.
Qua nó, dân Mỹ đã thấy rõ bất cứ điều gì Donald Trump nói ra cũng có thể là điều dối trá và sẽ đưa ra những lý do dối trá hơn để bào chữa. Trump đã phản bội lại nước Mỹ. Trump nói dối với ngay nhóm người đang ủng hộ mình.
Đất nước này chưa bao giờ chia rẽ trầm trọng đến như vậy. Những giận dữ giữa những người dân chỉ chực chờ bùng nổ. Sự bất hợp tác trong giới chính khách đang diễn ra trước mỗi vấn đề nghị sự. Sự mất niềm tin vào guồng máy quốc gia dường như đã đến tột cùng. Ai là người chịu trách nhiệm, nếu không phải sự dối trá cùng cung cách điều hành độc tài của Donald Trump đã đưa quốc gia đến tình trạng này.
Nước Mỹ của một thời cuồng nộ và tai ương đã quá hạn từ lâu, đừng để đến khi nó không thể còn cứu vãn nếu tiếp tục kéo dài thêm nữa. Đã đến lúc cần một tân nội các có thể hàn gắn và vực dậy nước Mỹ.
Nhã Duy
(11/09/2020)
*******************
Thanh Phương, RFI, 11/09/2020
Những tiết lộ trong cuốn sách của nhà báo Bob Woodward tiếp tục gây khó khăn cho tổng thống Mỹ Donald Trump. Hôm qua, 10/09/2020, ông Trump đã một lần nữa vất vả giải thích vì sao ông đã cố tình giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của dịch Covid-19. Nhưng phe Dân chủ một lần nữa chỉ trích cách mà tổng thống Mỹ đối phó với dịch bệnh, đồng thời cáo buộc ông đã gây ra cái chết của hàng ngàn công dân Mỹ cho dù đã ý thức điều đó.
Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet gởi về bài tường trình :
"Tại sao ông đã nói dối với dân Mỹ ? Một phóng viên của kênh truyền hình ABC đặt câu hỏi. Tìm cách chống đỡ, tổng thống Trump đáp lại : "Câu hỏi của ông, cái cách mà ông đặt câu hỏi thật đáng xấu hổ, đáng sự xấu hổ cho đài ABC, cho chủ của ông".
Nhưng nhà báo này nhất quyết vẫn đặt câu hỏi đó và cuối cùng ông Donald Trump phải trả lời : "Tôi đã muốn chứng tỏ có một mức độ tin tưởng rất cao, tôi muốn tỏ cho thấy tôi là một lãnh đạo mạnh mẽ và đất nước chúng ta, bằng cách này hay cách khác, sẽ ra khỏi khủng hoảng này. Đại dịch lẽ ra đã không xảy ra, đó chính là lỗi của Trung Quốc, chứ không phải của ai khác. Lẽ ra Trung Quốc không được để điều đó xảy ra".
Donald Trump thường hay đỗ lỗi cho người khác, thế nhưng ông chống đỡ ngày càng khó khăn. Những tiết lộ trong cuốn sách của Bob Woodward đang giúp thêm củi lửa cho chiến dịch tranh cử của phe Dân chủ. Ứng cử viên Joe Biden hôm qua cho biết ông thấy ghê tởm thái độ của tổng thống Mỹ và lên án một hành vi gần như mang tính hình sự của lãnh đạo hành pháp Hoa Kỳ .
Tuy là đối thủ của nhau trong cuộc vận động tranh cử, tổng thống Cộng hòa Donald Trump và ứng cử viên Dân chủ Joe Biden hôm nay sẽ thay phiên đến nơi xảy ra các vụ khủng bố 11/09/2001, cụ thể là ở New York và ở Shanksville, bang Pennsylvania, để tưởng niệm các nạn nhân. Hai ông sẽ không chạm mặt nhau và được cho là sẽ cố tránh làm ảnh hưởng ngày kỷ niệm các vụ khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 11/9/2020