Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tại sao cuộc khủng hoảng ở Hồng Kông và mối bất hòa giữa Nam Hàn và Nhật Bản chỉ là bước khởi đầu của thời kỳ chuyển đổi rộng lớn hơn ở Châu Á ?

1163940914

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-7 tại Biarritz, Pháp, vào ngày 25 tháng 8. Ảnh NICHOLAS KAMM / AFP / GETTY

Năm 1942, khi thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đang tham gia trận chiến khốc liệt không thấy hồi kết trên đảo với người Nhật, Nicholas J.Spykman, một chiến lược gia người Mỹ gốc Hòa Lan, giảng dạy tại đại học Yale, đã thấy trước một liên minh thời hậu chiến giữa Mỹ và Nhật chống lại Trung Quốc, sau đó là sự chỉ trích về các đồng minh trong thời chiến của Hoa Kỳ. Ông cho rằng Nhật Bản sẽ vừa trung thành vừa hữu ích bởi lẽ họ sẽ cần Hoa Kỳ bảo vệ các tuyến đường biển để có thể nhập khẩu thực phẩm và dầu hỏa, đồng thời số lượng lớn những người tiêu dùng của quốc gia này sẽ đặt nền tảng cho mối quan hệ thương mại vững chắc. Mặt khác, ông cho rằng Trung Quốc cuối cùng sẽ nổi lên từ cuộc chiến như một cường quốc lục địa hùng mạnh và nguy hiểm mà Hoa Kỳ sẽ cần phải tái cân bằng chống lại. Spykman cũng chỉ ra Nhật Bản sẽ có vai trò như Vương Quốc Anh, đối với Châu Á: một đồng minh lớn, ngoài khơi của Hoa Kỳ.

Spykman chết vì bệnh ung thư vào năm sau, không bao giờ thấy được dự đoán của mình được hình thành. Trong thực tế, đó là tầm nhìn vừa định rõ vừa ổn định Châu Á và đem lại hòa bình cùng sự thịnh vượng về kinh tế cho khu vực này trong gần ¾ thế kỷ. Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon đã mở đường cho Trung Quốc năm 1972, tạo ra một nếp nhăn trong tầm nhìn đó, bằng cách đưa Hoa Kỳ đến gần Trung Quốc hơn để cân bằng chống lại Liên Xô. Nhưng liên minh Mỹ - Nhật vẫn là nền tảng vững chắc cho một Châu Á ổn định. Nếu không có sự hợp tác của Mỹ với Nhật Bản, Nixon đã không thể thực hiện cú đảo chính ngoại giao tại Trung Quốc.

Tầm nhìn của Spykman - rất rõ ràng vào thời điểm ông phát biểu quan điểm của mình – dường như phù hợp hơn bao giờ hết với bối cảnh thương mại đang diễn ra hiện nay giữa Washington và Bắc Kinh, mặc dù bây giờ ít người nhớ đến tên ông. Tuy nhiên, trong thực tế, trật tự Châu Á của Spykman hiện đang bắt đầu sụp đổ bởi vì Châu Á, trong thập niên vừa qua, đã có những chuyển biến đáng chú ý. Những thay đổi dần gia tăng và lan rộng trong một số quốc gia, vì vậy ít người nhận ra chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới, trong đó đặc biệt sẽ có một Trung Quốc quyết đoán hơn nhưng cũng hỗn loạn hơn trong nội bộ, cùng với hệ thống liên minh của Hoa Kỳ bị rạn vỡ và hải quân Hoa Kỳ không còn nhiều ưu thế như trong những thập niên trước đây. Cuộc khủng hoảng ở HongKong và mối bất hòa trong quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản chỉ là phần mở đầu cho những năm sắp tới. An ninh Châu Á không còn được thừa nhận.

Trước hết, Trung Quốc không còn là Trung Quốc, ít nhất theo cách nó được biết đến. Quốc gia này có nền kinh tế tăng trưởng hàng năm ở mức hai con số, được kiểm soát theo các kỳ hạn nghiêm ngặt, do một nhóm các nhà kỹ trị ẩn danh, thận trọng, có trình độ đại học quản lý bị thay bằng một cá nhân chuyên quyền cai trị cứng rắn, giám sát một nền kinh tế tăng trưởng chỉ còn 6%. Khi nền kinh tế Trung Quốc chậm lại, nó trở thành một hệ thống hoàn chỉnh hơn với một lực lượng lao động có tay nghề cao. Những tầng lớp trung lưu mới có xu hướng dân tộc chủ nghĩa và khó thỏa mãn buộc chính phủ phải định mức công việc cao hơn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang chuẩn bị cho tầng lớp trung lưu này vai trò quyền lực thế giới với mệnh lệnh mở rộng hải cảng và các tuyến đường thương mại xuyên Âu Á, bằng cách khơi dậy chủ nghĩa dân tộc và cải cách kinh tế. Ông ta cũng áp dụng mảng công nghệ hiếm có - gồm cả máy quét nhận diện khuôn mặt – để theo dõi hành vi của mọi người. Tập biết mình phải làm khác với tổng bí thư Liên Xô Mikhail Gorbachev - xiết chặt kiểm soát chính trị thay vì nới lỏng – để cải cách nền kinh tế định hướng xuất khẩu được vượt mức trong khi vẫn bảo toàn chính trị trong nước. Trung Quốc mới của Tập đang khai triển mở rộng nhanh chóng lực lượng hải quân trên khắp các tuyến đường biển Châu Á. Việc làm này sẽ biến đổi trật tự an ninh hàng hải đơn cực của Hoa Kỳ trong 75 năm qua thành đa cực và do đó kém ổn định hơn. Một trật tự hải quân đơn cực là cái chìa khóa mặc nhiên trong tầm nhìn của Spykman về một liên minh Mỹ – Nhật. Nhưng sự chuyển đổi thành đa cực rõ ràng đang trên đường thành hình.

Điều buồn cười là nhiều quan sát viên có khuynh hướng xem sự gây hấn của hải quân Trung Quốc ở phía Nam Biển Trung Hoa và Biển Hoa Đông là những phát triển riêng lẻ và được báo cáo riêng, nhưng trong thực tế, chúng có ảnh hưởng đến sự kiểm soát của Hoa Kỳ ở khắp vùng biển Tây Thái Bình Dương. Các dự án phát triển hải cảng mới nhất của Trung Quốc tại Darwin, ở miền Bắc nước Úc và gần Sihanoukville ở Campuchia chứng minh cách Trung Quốc đang lấp đầy không gian hàng hải tại giao lộ giữa Biển Đông và Ấn Độ Dương như thế nào, nơi đã có mạng lưới hải cảng từ thập niên trước. Nhưng chỉ vài năm gần đây, tân đế chế hàng hải Trung Quốc đã đẩy mạnh sự hiện diện của mình. Ấn Thái Bình Dương không còn là cái hồ của hải quân Hoa Kỳ. Trung Quốc tăng cường hoạt động hải quân cả ở vùng biển Nam và Đông Trung Hoa cũng để phục vụ mục đích lớn hơn: chúng cho phép Trung Quốc đe dọa thêm Đài Loan, nơi chia cách cả hai vùng nước. Trước khi Nixon đến Trung Quốc, Đài Loan đã là một điểm nóng. Nếu Trung Quốc không tham chiến ở bán đảo Triều Tiên năm 1950, có lẽ nhà lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông đã xâm chiếm Đài Loan. Nhưng một khi Nixon và ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã cùng với Mao và thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai thỏa thuận hủy bỏ tính pháp lý độc lập của Đài Loan trong lúc không có gì đe dọa nó, Đài Loan trở nên căng thẳng hơn. Giờ đây nó trở lại như một điểm nóng với chuyện Trung Quốc diễn tập quân sự ngoài khơi, việc Bắc Kinh dần dần hoàn thiện khả năng phóng tên lửa và áp dụng chiến tranh mạng chống lại hòn đảo, đồng thời đòi hỏi chính quyền Trump hủy bán số vũ khí trị giá 2,2 tỷ USD cho Đài Loan. Mọi sự kiện này xảy ra, ngày càng trầm trọng hơn, do việc khích động chính sách dân tộc cực đoan của cả Tập lẫn tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Tất nhiên, không có nơi nào ở Châu Á tham gia ván bài nhiều như bán đảo Triều Tiên. Hậu quả ngoài ý muốn do Trump thiếu chuẩn bị khi bắt đầu đàm phán với Kim Jong Un là nhân vật này và Nam Hàn đã mở ra cuộc đối thoại của riêng họ. Cuộc đối thoại này có luận lý và quỹ đạo riêng của nó, và theo  thời gian, sẽ dẫn đến một hiệp ước hòa bình Bình Nhưỡng – Hán Thành và có thể hơn 23 000 quân nhân Mỹ sẽ phải rời khỏi Nam Hàn. Đừng nói chuyện này không thể xảy ra. Kịch bản các quốc gia bị chia cắt trong thế kỷ 20 cuối cùng cũng đã thống nhất: Bắc và Nam Việt Nam, Tây và Đông Đức, Bắc và Nam Yemen. Nếu điều này xảy ra ở bán đảo Triều Tiên, như tôi đã từng viết ở nơi khác, người thua cuộc chính sẽ là Nhật Bản. Nhật Bản đã đòi hỏi một bán đảo Triều Tiên bị chia cắt vì an ninh của chính họ bởi lẽ một Đại Hàn thống nhất - chính xác vì sự tàn bạo trong chính sách thực dân của Tokyo từ năm 1910 – 1945, chưa muốn nói đến di sản của thế chiến thứ Hai – tự nhiên sẽ chống lại Nhật. Những căng thẳng thương mại leo thang đầy kịch tính gần đây giữa Nam Hàn và Nhật Bản tự nó trở nên trầm trọng hơn vì chính sách lao động cưỡng bức và nô lệ tình dục trong thời chiến của Nhật. Đây chỉ là mùi vị ban đầu của những căng thẳng chính trị có thể, vào một ngày nào đó, sẽ bùng nổ giữa một Đại Hàn thống nhất và Nhật Bản. Thật vậy, bằng cách chọn chính sách song phương từ số không với mỗi quốc gia Châu Á thay vì xây dựng tầm nhìn toàn khu vực, Trump đã mở cái hộp Pandora (1), tạo ra những vấn đề khiến các đồng minh của Mỹ có thể chống lại nhau – và Trung Quốc là kẻ chiến thắng.

Nhật Bản giờ phải chuẩn bị một tương lai với sự hiện diện ngày càng lớn mạnh của lực lượng hải và không quân Trung Quốc, với khả năng Hoa Kỳ sẽ đóng quân ít hơn ở Đông Bắc Á và khả năng Trung Quốc sẽ giao chiến đánh bại Nhật ở biển Hoa Đông trong thập niên tới. Trung Quốc hiện tạm hoãn binh chờ thời ở đó, không muốn mạo hiểm lao vào cuộc xung đột kéo dài với lực lượng hải quân cực kỳ tinh nhuệ của Nhật Bản. Mọi diễn biến này xảy ra trong bối cảnh chính sách an ninh và đối ngoại của Hoa Kỳ có vẻ ít đáng tin cậy hơn so với bất cứ thời gian nào kể từ thế chiến thứ Hai. Nó xói mòn tính nhất quán do việc đưa ra quyết định đe dọa uy tín về quyền lực của Mỹ ở Châu Á và các nơi khác. Bằng cách xoay lưng lại với việc xây dựng liên minh, lớn tiếng báo hiệu ngay từ sớm trong nhiệm kỳ tổng thống của mình với quyết định bãi bỏ Hiệp Định Đối Tác Thái Bình Dương, Trump đã làm suy yếu khung quản lý cần thiết để ngăn chặn việc leo thang quân sự vào thời điểm có nhiều tương tác phức tạp giữa các hệ thống vũ khí tối tân khắp Châu Á. Sự tin tưởng lẫn nhau và những hiểu biết ngấm ngầm đã liên kết Hoa Kỳ với các đồng minh ở Châu Á đang bị suy giảm trầm trọng. Sự tín nhiệm là điều quan trọng nhất mà một cường quốc hay một cá nhân phải có.

New Delhi, liên minh mới của Washington và mối quan hệ trong mạng lưới quyền lực Châu Á mới nổi giữa Ấn Độ, Úc, Nhật Bản và Việt Nam chẳng giúp được nhiều, không như nhiều người nghĩ . Mối quan hệ Mỹ Ấn đã được cải thiện đáng kể trong 15 năm qua dưới một bối cảnh cụ thể: quan hệ Mỹ Trung có thể dự đoán và đối phó được mặc dù là một trong các đối thủ. Nhưng sự bất ổn do thuế quan khiến quan hệ Mỹ Trung khó dự đoán và đối phó hơn. Trong trường hợp này, về mặt địa lý, Ấn Độ quá gần Trung Quốc nên cảm thấy bất an, dần có thể tái phát hiện sự mất cân bằng trong chiến lược của mình giữa hai cường quốc. Về phần mình, New Delhi cũng không mất nhiều nỗ lực để giải quyết vì trên thực tế, họ chưa từng tuyên bố chính thức điều gì cả. Còn đối với mạng lưới quyền lực Châu Á mới nổi, đó là thứ hào nhoáng bên ngoài hơn là thực chất: không có sự lãnh đạo cương quyết và có thể dự đoán được của Hoa Kỳ, nó chẳng cấu thành cái gì nhiều.

Những thay đổi văn hóa và kinh tế âm ỉ kéo dài trong xã hội Mỹ đã tạo ra tổng thống Trump. Và là một cường quốc, tình hình trong nội bộ nước Mỹ - cũng như trong nội bộ Trung Quốc - cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến toàn thế giới. Điều này có nghĩa chỉ có Trung Quốc mới có thể đánh bại Trung Quốc. Nếu Tập, với chính sách đàn áp trong nước được hỗ trợ bằng công nghệ, thất bại không thể ngăn chặn một tầng lớp trung lưu thỉnh thoảng nổi dậy trong thập niên sắp tới hay lâu hơn, thì phần lớn những gì Trung Quốc đã khởi xướng ở nước ngoài có thể hình dung ra và đặt trong câu hỏi.

Nhưng đó vẫn là kịch bản không thể xảy ra. Nhiều khả năng là Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi hoạt động quân sự cùng thị trường nội địa xuyên khắp Ấn Độ Thái Bình Dương và Âu Á, trong lúc cam kết tình cảm của người Mỹ với các đồng minh sau thế chiến thứ Hai cứ phai nhạt dần. Ở Châu Á, chuyển dịch thành Phần Lan hóa (2) - một phong trào không công bố đang hướng về sức mạnh to lớn gần nhất. Từ phía Nam Nhật Bản đến Úc, các đồng minh Châu Á của Mỹ có thể từ từ di chuyển vào quỹ đạo của Trung Quốc, theo cách Phần Lan phát triển gần gũi với Liên Xô trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh. Các đồng minh của Hoa Kỳ không còn chọn lựa nào khác ngoài việc sống chung hòa bình với một Trung Quốc do nguyên nhân địa lý, nhân khẩu học và nguyên tắc tổ chức kinh tế của Tây Thái Bình Dương.

Thế giới của Spykman sẽ kết thúc trong trường hợp đó.

Robert D. Kaplan

Nguyên tác : Asia’s Coming Era of Unpredictability, Foreign Policy , 1 Sept. 2019

Hoàng Thủy Ngữ chuyển ngữ

(05/09/2019)

Phụ chú của người dịch :

(1) https://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFc_h%E1%BB%99p_Pandora

(2) https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%E1%BA%A7n_Lan_h%C3%B3a         

Published in Diễn đàn

Hai mươi năm trước, niềm hân hoan trước thắng lợi của dân chủ hóa ra là sai lầm, nhưng chiến thắng của chế độ độc tài hiện nay cũng có thể là không kéo dài

ngatrung1

Một người selfie với bức họa chân dung Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh : RIA Novosti, Vitaliy Belousov

Nếu trong thế kỷ XX chúng ta đã sống trong thế giới của những cuộc xung đột mang tính ý thức hệ, thì trong thế kỷ XXI, chúng ta đang sống trong thế giới của những cuộc đụng độ địa chính trị - ít nhất, đây là ý kiến ​​được nhiều người chấp nhận. Nhưng công nghệ đang phát triển nhanh đến mức chẳng bao lâu nữa thế giới của những xung đột địa chính trị có thể chuyển sang mức độ xung đột khác. Chẳng bao lâu nữa lục địa Á-Âu có thể sẽ mất cân bằng, vì những chế độ độc đoán đang gây ra bất ổn tại Moscow và Bắc Kinh có thể không còn ổn định.

Tháng 12 năm 1997, tôi công bố bài báo trên trang bìa của tờ Atlantic với nhan đề là "Was Democracy Just a Moment ?" (Dân chủ chỉ là khoảnh khắc ?). Đó là giai đoạn lạc quan vô bờ bến của giới tinh hoa cầm quyền trước chiến thắng của chế độ dân chủ trên toàn thế giới. Tôi đưa ra ý tưởng nói rằng niềm hân hoan sẽ không kéo dài và chẳng bao lâu nữa sẽ xuất hiện những hình thức mới của chế độ độc tài. Luận cứ của tôi hình thành trên kinh nghiệm cá nhân, trong vai trò phóng viên nước ngoài ở nhiều nước, nơi những cuộc bầu cử được tổ chức mà không có các thiết chế bầu cử và tầng lớp trung lưu đang hình thành. Hiện nay, kinh nghiệm của tôi, như một độc giả và phóng viên nước ngoài lại cung cấp cho tôi một ý tưởng nữa : quá trình ngóc đầu dậy chủ nghĩa độc đoán mà tôi dự đoán cách đây 20 năm cũng có thể là hiện tượng sớm nở tối tàn.

Phúc lợi của tầng lớp trung lưu gia tăng đến chóng mặt và quá trình phát triển công nghệ thường diễn ra trong hệ thống độc đoán hoặc nửa độc đoán, tạo áp lực lên chính phủ, buộc chính phủ phải chú ý hơn tới nhu cầu của người dân. Nga và Trung Quốc là những ví dụ nhãn tiền về những xu hướng này. Hiện nay, họ đang đối mặt với cái mà tôi gọi là cái bẫy Samuel Huntington. 

Huntington, mất năm 2008, là một trong những nhà nghiên cứu chính trị sắc sảo nhất của Mỹ. Nhà khoa học của Đại học Harvard nổi tiếng với khái niệm "sự xung đột giữa các nền văn minh" mà ông đã đưa ra vào năm 1993, được khẳng định bằng vụ xung đột trong thời gian gần đây giữa phương Tây và Hồi giáo. Nhưng, tác phẩm vĩ đại nhất của Huntington với nhan đề Political Order in Changing Societies (Trật tự chính trị trong những xã hội đang thay đổi) lại được xuất bản vào năm 1968. Một trong những tư tưởng quan trọng nhất của công trình này là quá trình hình thành tầng lớp trung lưu đông đảo có thể dẫn đến bất ổn chính trị, nếu các thiết chế của chính phủ không thể đồng thời trở nên hiệu quả hơn và có khả năng phản ứng nhanh hơn.

Có khả năng là, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cố gắng đe dọa phương Tây bằng cách xây dựng tiềm lực quân sự và thái độ hung hăng của mình. Nhưng ông ta sẽ cai trị chứ không quản trị. Ở Nga, không có thiết chế hiệu quả nào, ngoài một nhóm các đầu sỏ chính trị Châu tuần xung quanh nhà lãnh đạo. Công dân Nga tin rằng, về khía cạnh kinh tế, sau giai đoạn hỗn loạn dưới thời Yeltsin, hồi những năm 1990, cuộc sống của họ đang tiến tới tình trạng bình thường. Tuy nhiên, mặc dù chất lượng đời sống đã có cải thiện, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh, các thiết chế ở nước Nga hầu như không phát triển. Vì Putin đang già đi, tình trạng ổn định của nước Nga không phải là đương nhiên. Ở những vùng ngoại ô của đế chế này, hoàn toàn có khả năng là đang manh nha một phiên bản nào đó của Nam Tư cũ. Nga sẽ rất may mắn nếu những vấn đề của nước này cũng tương tự như các vấn đề của Mỹ.

Cho đến gần đây, Trung Quốc đã tiến theo con đường dẫn tới hệ thống độc tài khai minh. Chế độ quản trị tập thể của các nhà kỹ trị đã góp phần hình thành các thiết chế ổn định và giới hạn thời gian nắm quyền của nhà lãnh đạo là một trong những cơ sở quan trọng nhất của hệ thống này. Nhưng việc phong vương, trên thực tế, cho Chủ tịch Tập Cận Bình như nhà lãnh đạo suốt đời của Trung Quốc đã đặt dấu chấm hết cho quá trình này. Chế độ chuyên chính kéo theo hiện tượng sùng bái cá nhân và bãi bỏ hệ thống lãnh đạo tập thể, mà đấy chính là nền tảng của quá trình xây dựng thể chế. Và những sự kiện này xảy ra đúng vào lúc tầng lớp trung lưu Trung Quốc tiếp tục phát triển, mặc dù nhà nước Trung Quốc đang bắt đầu sử dụng các công nghệ như nhận dạng mặt người và những bài viết và tìm kiếm trên mạng để theo dõi cuộc sống của người dân, cả trên mạng lẫn ngoài đời thực.

Xã hội Trung Quốc đang bước vào giai đoạn, trong đó tất mọi người đều trở nên giàu có hơn và bắt đầu đòi hỏi chính phủ phải có trách nhiệm hơn. Đây là cơ sở của khái niệm mà Huntington đưa ra trong tác phẩm Trật tự chính trị trong những xã hội đang thay đổi. Trong quá trình phát triển của xã hội, bất ổn chính trị không bao giờ chấm dứt : chỉ đơn giản là chuyển sang những giai đoạn bất ổn mới. Đấy chính là lý do vì sao chính trị lại đầy bão tố.

Giới tinh hoa Mỹ, vốn sợ các chế độ độc tài của Nga và Trung Quốc, tin rằng thế giới đã đạt được trạng thái ổn định. Nhưng không phải như thế. Việc kiểm soát tư duy của người dân mà chế độ cộng sản Trung Quốc đang tìm cách thực hiện sẽ có hiệu quả trong một thời gian nào đó. Tuy nhiên, cuối cùng, nó sẽ dẫn tới chứng rối loạn tâm thần, gây hấn và lo lắng trên bình diện cá nhân. Kết quả là, sẽ xảy ra những vụ bùng nổ xã hội mới.

Công nghệ làm cho những xã hội rất khác nhau rơi vào trình trạng mất ổn định. Xin hãy nhìn vào nước Mỹ. Nếu không có những cuộc thăm dò dư luận bất tận và không có sự phân cực được Internet thúc đẩy thì không khí chính trị sẽ trở bình lặng hơn rất nhiều. Năm 2016, những vụ mặc cả sau cánh gà có thể đã đưa ra được ứng cử viên tổng thống Cộng hòa truyền thống hơn là những cuộc bầu sơ bộ. Tuy nhiên, bất ổn chính trị hiện nay ở Mỹ - với tất cả các rủi ro vốn có - lại mang sẵn trong mình nó tiềm năng tự điều chỉnh. Người Mỹ bầu cử ở cấp địa phương, bang và liên bang, việc này tạo điều kiện cho họ và giới tinh hoa phản ứng và thích ứng với tình hình luôn thay đổi.

Nga và Trung Quốc nằm trong tình trạng khác hẳn.

Nước Nga là ngôi nhà đã bị nghiêng và một lúc nào đó có thể đổ. Trung Quốc là một cơ cấu vững chắc, nhưng nước này đang từng bước trở thành thùng thuốc súng xã hội bị nén chặt, và công dân nước này ngày càng có ít cơ hội thể hiện sự bất mãn và thất vọng của mình. Về mặt lý thuyết, có khả năng là Tập [Cận Bình], sau khi trở thành Chủ tịch suốt đời, sẽ bắt đầu thực hiện chương trình cải cách kinh tế triệt để. Nhưng, nếu làm như thế, người dân sẽ đòi hỏi và hướng tới quyền tự do cá nhân mạnh mẽ hơn, trong khi chế độ tìm mọi cách kiểm soát và cuối cùng là hủy bỏ những quyền tự do này.

Trong ngắn hạn, trong khi Nga và Trung Quốc củng cố quân đội và tăng cường đàn áp nội bộ, hai nước này sẽ tiếp tục xung đột với phương Tây. 

Nhưng, cũng như giai đoạn khởi đầu thời Chiến tranh Lạnh, các chính trị gia của chúng ta phải có khả năng tách mình ra khỏi tình hình hiện nay thì mới hiểu được những khó khăn mà kẻ thù của chúng ta sẽ gặp trong khi họ tìm cách bảo vệ hệ thống của mình. Và, nếu hệ thống của họ sụp đổ trong vòng 10-20 năm tới, lục địa Á-Âu - nơi Nga và Trung Quốc đang là các trụ cột mang tính tổ chức – sẽ bị mất ổn định nghiêm trọng. Hoa Kỳ phải chuẩn bị cho cuộc đấu tranh, trong khi vẫn phải giữ thái độ lạc quan. Chế độ dân chủ là người thành công hơn trên cuộc đua đường dài.

Robert D. Kaplan

Nguyên tác : Как Россия и Китай могут потерять над собой контроль, bản tiếng Nga tại Inosmi, The Wall Street Journal, 26/03/2018.

Phạm Nguyên Trường

dịch qua bản tiếng Nga

Nguồn : VNTB, 28/03/2018 

Robert D. Kaplan là cộng tác viên Trung tâm nghiên cứu An ninh Mỹ và cố vấn cao cấp Eurasia Group. Tác phẩm Vạc dầu Châu Á (Asia's Cauldron) của ông đã được dịch sang tiếng Việt. Tác phẩm mới nhất The Return of Marco Polo's World : War, Strategy, and American Interests in the Twenty-First Century vừa xuất bản trong năm nay.

Published in Diễn đàn