Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Dù bị chỉ trích dữ dội là nhằm bóp nghẹt tự do ngôn luận trên mạng Internet, nhưng Dự Luật An ninh mạng không bị chửi rủa đến mức ‘luật bán nước’ như Dự Luật Đặc khu, không trở thành lý do chính cho cuộc tổng biểu tình ngày Mười tháng Sáu năm 2018, và do đó đã được một quốc hội ‘đảng cử’ mau chóng cúi đầu bấm nút thuận chỉ 2 ngày sau khi nổ ra cuộc tổng biểu tình toàn quốc phản đối Dự Luật Đặc khu.

anninh1

Rập khuôn an ninh mạng của Trung Quốc : Việt Nam sẽ trả giá như thế nào ?

Trong quá trình soạn thảo, Dự thảo Luật An ninh mạng đã lộ ra một bằng chứng hùng hồn về tình trạng các cơ quan "bảo vệ pháp luật" của chính thể Việt Nam vi phạm quá lộ liễu cam kết quốc tế.

Khi đó, Khoản 4, Điều 34 Dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam có quy định : "Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…".

Theo quy định này, tất cả các dịch vụ của nước ngoài đang cung cấp tại Việt Nam hiện nay như Google, Facebook, Viber, Skype, Gmail, Uber… buộc phải có giấy phép hoạt động, có cơ quan đại diện, có đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng ở Việt Nam mới được cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.

Nhưng sau khi bị dư luận xã hội và quốc tế phản bác kịch liệt về Điều 34 đã vi phạm trầm trọng cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hiệp định TPP (hiện nay là CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), rốt cuộc vào cuối tháng Ba năm 2018, chính thể luôn bị quốc tế lên án là bóp nghẹt quyền tự do báo chí và tự do Internet đã phải gỡ bỏ quy định "đặt máy chủ ở Việt Nam" – một dự thảo mà trước đó đã đặt các hãng nhà mạng quốc tế trước đầu ruồi của nòng súng chuyên chế.

Sao chép từ Trung Quốc

anninh2

Bàn phiếm bị khóa - Ảnh minh họa (PxHere)

Vào năm 2017, ngay sau khi báo chí nhà nước đánh động và mạng xã hội lập tức phản bác quyết liệt về Điều 34 của Dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam – do Bộ Công an chủ trì soạn thảo – đòi các nhà mạng nước ngoài như Google, Facebook, Viber, Skype, Gmail, Uber… phải đặt máy chủ ở Việt Nam, trang Luật Khoa có bài của luật gia Trịnh Hữu Long với một phát hiện vừa lý thú vừa chua chát : Dự Luật An ninh mạng của Việt Nam, không biết do vô tình hay cố ý, giống Luật An ninh mạng của Trung Quốc một cách đáng kinh ngạc.

Trên cơ sở so sánh dự thảo lần thứ 4 của Luật An ninh mạng đang được trình Quốc hội Việt Nam và bản dịch tiếng Anh của Luật An ninh mạng Trung Quốc, tác giả Trịnh Hữu Long đã tìm ra những hình ảnh "sinh đôi" giữa Việt Nam và Trung Quốc, chẳng hạn giữa :

Điều 22 của Dự Luật An ninh mạng của Việt Nam và Điều 12 của luật Trung Quốc khi nhắm trực diện đến thông tin nguy hiểm cho chế độ ;

Điều 47 của dự Luật An ninh mạng của Việt Nam và Điều 24 của Luật An ninh mạng Trung Quốc khi ép người dùng Internet phải cung cấp thông tin cá nhân thực ;

Điều 48 dự Luật An ninh mạng của Việt Nam và Điều 37 của Luật An ninh mạng Trung Quốc về đặt máy chủ trong nước và truyền dữ liệu ra nước ngoài ;

Điều 45 dự Luật An ninh mạng của Việt Nam và Điều 28 của Luật An ninh mạng Trung Quốc khi ép người dùng và doanh nghiệp thành chỉ điểm…

Theo chân và trả giá

Vào năm 2017, sau một chiến dịch "vừa răn đe vừa thuyết phục" đối với Google, Facebook nhưng có vẻ chẳng mang lại kết quả nào đáng kể, chính quyền Việt Nam lại xoay sang hướng… học tập kinh nghiệm Trung Quốc.

Luật An ninh mạng của Trung Quốc được thông qua vào tháng 11/2016 và có hiệu lực kể từ ngày 1/6/2017. Cùng với việc siết chặt kiểm soát báo chí và bình luận, luật An ninh mạng còn khiến cho tự do không gian mạng của Trung Quốc càng trở nên hà khắc hơn bao giờ hết.

"Kinh nghiệm Trung Quốc" là việc quốc gia độc trị này đã bắt Google phải đăng ký máy chủ quản lý dữ liệu với ngành công an và quản lý thông tin và do đó có thể kiểm soát được toàn bộ nội dung trên mạng xã hội. Trong suốt một thời gian khá dài, giới quản lý của Trung Quốc đã o ép mạng xã hội không mấy kém thua việc họ đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền tại đất nước này. "Chịu hết nổi", đến tháng 3/2010, Google đã phải chính thức rút khỏi thị trường Trung Quốc.

Đầu năm 2018, tổ chức nhân quyền quốc tế Freedom House bầu chọn Trung Quốc là "kẻ lạm dụng tồi tệ nhất" đối với quyền tự do trên Internet. Điều đáng nói là liên tiếp trong 3 năm liền trong suốt tiến trình từ khi luật An ninh mạng của nước này được bàn thảo, được thông qua và bắt đầu có hiệu lực, Trung Quốc đều được bầu chọn danh hiệu này.

Vậy hậu quả ghê gớm nào sẽ xảy ra nếu các hãng Gooogle, Facebook… đồng loạt rút khỏi Việt Nam nếu họ bị Luật An ninh mạng siết đến mức không thể thở được ?

Chính một con số thống kê của Bộ Thông Tin-Truyền Thông Việt Nam đã cho biết có tới hơn 80% người Việt dùng mạng xã hội.

Cơ chế cấm cản mạng xã hội ở Việt Nam sẽ có thể ngay lập tức dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống thông tin trong khối doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khiến GDP – vốn đang quá èo uột – sẽ có thể thiệt hại từ 1,5 đến 2,5% tổng sản lượng quốc gia.

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 14/06/2018

Published in Diễn đàn