Cuối cùng sau một thời gian đong đếm Sabeco cũng được bán cho tỷ phú người Thái hơn 53%, nhà nước Việt Nam thu về 110 ngàn tỷ VND.
Khi đấu giá Sabeco chỉ có hai nhà đầu tư có tiềm năng, gọi là quân xanh, quân đỏ.
Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đây là một chiến tích trong đảng khi bán trót lọt mang về cho Đảng cộng sản Việt Nam một số tiền hàng tỷ USD trong lúc khó khăn.
Quả thật đây là một khó khăn và Nguyễn Xuân Phúc đã làm tốt. Để giải quyết khó khăn trong vướng mắc việc bán Sabeco, Nguyễn Xuân Phúc đã phải vận dụng linh hoạt nhiều bước, như cải cách điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, thiết kế mô hình bán đấu giá để không ai nói được...
Người trợ lý thiết kế chương trình bán vốn nhà nước giúp Nguyễn Xuân Phúc là một nhân vật có tên là Don Lam. Don Lam vốn là Hoa Kiều ở Nha Trang, y sang Canada từ lúc hơn 10 tuổi. Khi lớn y trở lại Việt Nam trong vai trò tư vấn kinh tế, một thế lực bí ẩn đã giúp y 10 triệu USD để y lập ra quỹ đầu tư có tên VinaCapital, sử dụng Capital này để hợp thức hóa việc làm cò mồi, ăn tiền môi giới. Với thể chế như chế độ cộng sản Việt Nam làm kinh tiền hoa hồng bao giờ cũng hậu hĩnh hơn nhiều so với các tập đoàn tư bản các nước trên thế giới, làm ăn với một nhà nước độc tài một đảng là miếng ngon béo bở, chẳng hạn như thương vụ Việt Nam bán trái phiếu quốc tế 750 triệu USD được gọi là thành công ở Singapore, số tiền phải trả cho môi giới là 54 triệu USD.
Don Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital
Từng ấy năm móc ngoặc, đi đêm với nhà nước Việt Nam trong các thương vụ Don Lam trở thành một ông trùm maphia tài chính ở Việt Nam. Những gì ở Việt Nam khiến Don Lam trở lại làm ăn, hẳn nhiên là lợi nhuận cám dỗ do thể chế độc tài mang lại, nhưng sâu xa hơn nữa y có thể do thế lực nào tạo dựng quay trở lại Việt Nam để phá hoại nền kinh tế, đất nước Việt Nam hay không là một dấu hỏi lớn. Thực sự suốt trong quãng thời gian dài Don Lam ở Việt Nam trong vài trò tư vấn cho chính phủ Việt Nam và cả nhà đầu tư nước ngoài, nền kinh tế Việt Nam đến nay thảm hại phải đi bán tài sản và chính y lại nhiệt tình giúp đỡ việc bán tài sản đó để ăn tiền hoa hồng. Don Lam có tên trong hồ sơ rửa tiền Paradise ở Panama do hiệp hội báo chí quốc tế nêu tên.
Trong thương vụ bán Sabeco, Don Lam đã thiết kế cho Phúc kế hoạch bán cho tỷ phú người Thái qua cách đấu giá công khai. Chính như Don Lam đã từng thổ lộ, y là nhà tư vấn uy tín đối với các nhà đầu tư thế giới vào Việt Nam, như vậy chỉ cần y ghé tai nhà đầu tư nào có ý định mua Sabeco rằng không được, có vấn đề chính trị ở đây, hẳn những nhà đầu tư chạy mất dép.
Bởi thế khi đấu giá Sabeco chỉ có hai nhà đầu tư có tiềm năng, gọi là cho có quân xanh, quân đỏ.
Chắc hẳn cơ quan tình báo công an, tình báo quân đội Việt Nam đã có những hình ảnh, bằng chứng ghi lại năm ngoái khi Don Lam đã đưa gã tỷ phú người Thái gốc Hoa kia đến nhà của Vũ Chí Hùng, con rể thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc để bàn chuyện mua bán Sabeco. Khi việc bàn bạc ăn chia và kế hoạch mua Sabeco được hoàn tất kín kẽ, hai tháng trước khi Nguyễn Xuân Phúc quyết định ngày bán Sacobe, bọn lợi ích này đã lập ra một công ty có tên Vietnam Beverage vào tháng 10 năm 2017 với đăng ký địa chỉ tại một hẻm nhỏ ở Hà Nội. Công ty này có 49% vốn của tỷ phú người Thái và 51% vốn nội địa do người của Don Lam và Vũ Chí Hùng cử ra. Nhưng nhóm người Việt này lại vay tiền của tỷ phú Thái bằng cách thế chấp cổ phần của họ ở công ty này, như thế hầu như toàn bộ công ty này thuộc về người Thái và đương nhiên việc mua bán cổ phần Sabeco sẽ thuộc về người Thái gốc Hoa.
Đã lập được công ty Vietnam Bevegare để thực hiện cuộc mua bán, nhưng còn một vấn đề nữa là khi đấu giá cần phải có hai người mua. Phiên đấu giá Sabeco được mở ra ngoài Beverage không có nhà đầu tư nước ngoài nào có mặt vì họ đã nhận cảnh báo từ Don Lam đây là một thương vụ chính trị giữa chính phủ Việt Nam ưu ái dành cho nhà đầu tư có yếu tố Trung Quốc, mọi quốc gia khác đều không được hoan nghênh.
Để hợp thức hóa có thêm một người mua nữa, nhóm lợi ích Nguyễn Xuân Phúc, Vũ Chí Hùng, Don Lam đã để cho một kẻ vô danh đến sàn đấu giá hôm đó mua 6,4 tỷ VND cổ phiếu Sabeco, nhà đầu tư vô danh gây bất ngờ này tên là Ngô Vinh Hiển, làm nghề thầy cúng và hầu đồng, chia sẻ với báo chí về việc tại sao không ngồi ở Hà Nội mua Sabeco qua sàn với giá rẻ hơn mà bay tận vào Thành phố Hồ Chí Minh vừa mất công, vừa mua đắt hơn. Ngô Vinh Hiển trả lời tỉnh queo vì xem quẻ reo, thấy mua như thế sẽ được may mắn, chuyện đắt lỗ không quan trọng.
Thầy cúng và hầu đồng Ngô Vinh Hiển bỏ ra 6,4 tỷ Việt Nam đồng để mua chứng khoán
Một thầy cúng, hầu đồng trẻ bỏ ra 6,4 tỷ Việt Nam đồng để mua chứng khoán, lạ lùng đó là số tối thiểu nhất quy định mua trong phiên đấu giá.
Sự xuất hiện của Ngô Vinh Hiển đã giúp cho Vietnam Beverage mua thành công 110 ngàn tỷ ở Sacobe, nếu không có Ngô Vinh Hiển cuộc đấu giá này hủy bỏ vì không đủ hai người mua.
Thương vụ đấu giá mà chính phủ Việt Nam ca ngợi thành công, được đấu giá như vậy với những con người, công ty và hành vi kỳ lạ như vậy. Cả nước trong cơn khát tiền, cả chế độ trong cơn khát tiền bị số tiền hàng trăm ngàn tỷ làm lóa mắt, mặc dù là tiền bán tài nguyên, vốn liếng của đất nước chứ không phải là trúng số hay làm ăn thắng lợi. Trong cơn say ngất ngây được báo chí thổi phồng ấy. Không mấy ai đủ tỉnh táo để đặt câu hỏi về những điều sắp đặt trên.
Cuối cùng thì vẫn còn một câu hỏi nữa, ai là nhà môi giới tư vấn cho thương vụ này thành công, tại sao không nhắc đến tên nhà môi giới, tư vấn. Số tiền bán được 110 ngàn tỷ VND (khoảng gần 5 tỷ USD) ở Sacobe phải trả tiền tư vấn, môi giới ra sao ? Những nhà chuyên môn dự tính số tiền phải trả môi giới, tư vấn khoảng 300 triệu USD. Tỷ lệ như 50 triệu USD trên 750 triệu USD mà Việt Nam đã trả cho những nhà tư vấn, môi giới Sing trong thương vụ bán trái phiếu ra quốc tế năm nào.
300 triệu USD này không được công khai, cũng như nhà môi giới tư vấn cũng không nêu tên công khai vì số tiền này chạy vào túi của nhóm lợi ích Nguyễn Xuân Phúc, Don Lam, Vũ Chí Hùng dễ dàng, điều đó không có gì khó với một kẻ có tên trong hồ sơ rửa tiền Panama như Don Lam.
Một điều lạ lùng nữa là số tiền bán Sabeco không dùng vào việc trả nợ, vậy chúng sẽ dùng vào việc gì. Có quá nhiều câu hỏi phải nghĩ trong thương vụ này, nếu bạn là người quan tâm đến vận mệnh đất nước.
Bây giờ cả Trung ương đảng cộng sản đang há mõm chờ Nguyễn Xuân Phúc xẻ thịt 110 ngàn tỷ, tức gần 5 tỷ USD đấy cho ngành, ban, bộ mình. Nguyễn Xuân Phúc trở thành kẻ có quyền lực nhờ đống tiền có trong tay, chính y là kẻ được lợi đơn lợi kép nhiều nhất trong thương vụ này.
Vietnam Beverage do Michael Chye Hin Fah đứng tên đại diện cũng là công ty tháng trước mua cổ phần của Vinamilk, ông ta hiện cũng đang là thành viên của hội đồng quản trị Vinamilk.
Người Buôn Gió
Nguồn : nguoibuongio1972, 23/12/2017
Ngày xưa – lúc nhiều bài thơ của Tố Hữu còn là những tác phẩm mà học sinh trung học buộc phải thuộc lòng, nhiều người rỉ tai nhau mấy câu cải biên khổ đầu của "Hãy nhớ lấy lời tôi", từ :
Có những phút làm nên lịch sử
Có cái chết hóa thành bất tử
Có những lời hơn mọi bài ca
Có con người như chân lý sinh ra
…
thành :
Có những phút làm… nhơ lịch sử
Có cái chết… đúng là tắc tử
Có những lời… chua xót lòng ta
Có những người… do vô ý sinh ra
…
Uống bia Sài Gòn, một sản phẩm của Sabeco, tại Hà Nội.
Giai đoạn mà thiên hạ chỉ cười ha hả vì sự dí dỏm của những câu thơ cải biên ấy đã qua. Theo thời gian, những phút làm nhơ lịch sử, những vụ tắc tử, những lời khiến người ta chua xót về trí tuệ, liêm sỉ càng lúc càng nhiều và cái gánh do những người dường như do vô ý sinh ra cố tình chất lên vai dân tộc này càng lúc càng nặng, nếu thiên hạ chưa khóc thì cũng lo bạc mặt.
***
Sau khi Liên Xô và khối quốc gia đeo đuổi việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu sụp đổ, kinh tế kế hoạch (toàn bộ nền kinh tế được đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước và phải vận động theo kế hoạch do nhà nước ấn định) - nền móng của các xã hội hướng tới xã hội chủ nghĩa – bị khai tử. Dù muốn hay không thì thực tế cũng buộc người ta phải thừa nhận, kinh tế kế hoạch là cha đẻ của bất công, đói nghèo và biến tất cả các xã hội theo con đường đó trở thành phi nhân tính, trượt dài trên con đường suy thoái về tất cả mọi mặt. Những người khai sinh, tham gia vào việc thúc đẩy các quốc gia đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội bị xếp vào loại do vô ý sinh ra, phủ nhận tất cả những qui luật mà nhờ đó giúp nhân loại tiến hóa, các xã hội phát triển.
Trong bối cảnh như thế, Đảng cộng sản Việt Nam chỉ còn một đường : Tuyên bố từ bỏ kinh tế kế hoạch, đưa Việt Nam quay lại với kinh tế thị trường (tự do sản xuất, kinh doanh, nền kinh tế vận hành dựa trên quy luật cung cầu) – lối đi mà suốt năm thập niên họ từng khẳng định, chỉ dẫn tới… "giãy chết". Ngặt là kinh tế luôn luôn song hành với chính trị, chấp nhận kinh tế thị trường tất nhiên sẽ phải chấp nhận đa nguyên, chấp nhận để dân chúng tự do lựa chọn thể chế, tổ chức chính trị mà họ muốn, vì thế mà "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" ra đời. Đã có nhiều người khẳng định "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" sẽ cho ra đời một thứ… quái thai, bởi làm sao "kinh tế thị trường" và "định hướng xã hội chủ nghĩa" có thể dung hợp với nhau (?) nhưng Đảng cộng sản Việt Nam không màng. Không có "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" làm sao Đảng cộng sản Việt Nam có thể tiếp tục tồn tại như tổ chức chính trị duy nhất nắm giữ độc quyền lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối tại Việt Nam ?
Với "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" (vừa tuyên bố chấp nhận quyền tự do kinh doanh, tôn trọng quy luật cung cầu, vừa tiếp tục kiểm soát hoạt động của nền kinh tế), suốt từ thập niên 1990 tới nay, gần như toàn bộ nguồn lực quốc gia đã được bơm hết cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước bất chấp thảm trạng vì bị đối xử như con hoang, hệ thống doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam suy kiệt, phá sản hàng loạt, thất nghiệp tràn lan, thất thu, bội chi, nợ nần càng ngày càng trầm trọng. Cho dù Đảng cộng sản Việt Nam kỳ vọng, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ trở thành những "anh cả" của kinh tế Việt Nam, giúp họ khống chế kinh tế Việt Nam và nhờ thế tiếp tục áp đặt sự kiểm soát toàn diện, tuyệt đối về chính trị nhưng càng ngày, số lượng các "đại dự án" ngốn hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỉ đồng song chẳng những không sinh lợi mà còn tạo ra những khoản nợ khổng lồ, càng nhiều.
Những "anh cả" của kinh tế Việt Nam vừa góp phần đẩy kinh tế Việt Nam vào tình thế càng ngày càng bi đát, vừa giúp người ta tỏ tường diện mạo thực của "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Các "đại án" theo sau những "đại dự án" chứng minh "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa"… ưu việt như thế nào và "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" có thật sự là "của dân, do dân, vì dân" hay không ?
Vào lúc này, cho dù Đảng cộng sản Việt Nam đang thu dọn hậu quả mà các "anh cả" bày ra, bắt đầu mạnh tay thực hiện điều mà nhiều chuyên gia cả trong lẫn ngoài Việt Nam khuyến cáo từ lậu : Giải tư (ngưng đầu tư, rút vốn khỏi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các "anh cả") thế nhưng hậu họa và di hại của giải tư chẳng những không nhỏ mà còn lớn hơn, đáng ngại hơn.
***
Cuối cùng thì đầu tuần này, 54% cổ phần của Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng đã được bán cho ThaiBev một tập đoàn tư nhân của Thái Lan. Tuy Sabeco là công ty cổ phần nhưng cho đến trước ngày 18 tháng 12 năm 2017, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn nắm trong tay 90% cổ phần của Sabeco.
Thương vụ mua bán Sabeco giúp Việt Nam thu về khoảng 5 tỉ Mỹ kim. Giữa lúc nhiều viên chức hữu trách trong hệ thống công quyền tỏ ra hết sức "hồ hởi, phấn khởi" thì một số người khác như bà Vũ Kim Hạnh công khai bày tỏ sự lo âu. Bà Hạnh, cựu Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ, một trong những người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (SBA), Quỹ Hỗ trợ công nhân (WSF), tham gia soạn thảo và đệ trình đề án "Thúc đẩy thị trường nội địa" để hỗ trợ những doanh nghiệp Việt Nam làm chủ thị trường Việt Nam (đề án đã được chấp nhận như một chương trình trọng điểm quốc gia), vừa nêu ra mười câu hỏi sau sự kiện hệ thống công quyền Việt Nam bán 54% cổ phần của Sabeco cho ThaiBev. Mười câu hỏi của bà Hạnh có đáng ngẫm nghĩ hay không, xin lược thuật để độc giả đọc và ngẫm :
(1) Câu đầu tiên từ miệng một doanh nhân Thái Lan : Sabeco đang chiếm tới 41% thị phần Việt Nam. Ai làm ăn cũng biết hiếm có doanh nghiệp hàng tiêu dùng nào mạnh như vậy, sao đành bán ? Muốn khai thác cho đáng, sao không bỏ vài triệu Mỹ kim thuê CEO. Phát triển tiếp sẽ kiếm ra hàng chục lần, thu dài dài mà tài sản quí vẫn là của mình ?
(2) Sau bảy năm vận động "Ưu tiên dùng hàng Việt", nay lại muốn đem bán hết những thương hiệu Việt mạnh nhất. Phải chăng vận động cho mạnh để... bán ?
(3) Đi hỏi khắp thế gian, xứ nào cũng cố gầy dựng cho được những thương hiệu mạnh nổi tiếng để làm hình ảnh tiêu biểu của quốc gia. Một thương hiệu dám "chơi tay vo" thắng Heineken, Tiger, Sapporo... thì cũng là "thương hiệu quốc dân" đó chứ, sao giao cho nước ngoài làm chủ ?
(4) Thoái vốn nhà nước khỏi tất cả công ty nhà nước. Đúng, song có nhất thiết phải bán bằng được cho nước khác chứ không phải cho nhà đầu tư trong nước ? Nếu thu ít tiền hơn, liệu có cần cân nhắc bài toán chủ sở hữu thương hiệu cho quốc gia ?
(5) Nhà kia tình cảnh như vầy : Nghèo nhưng nhiều năm, có bao nhiêu của nả đem nuôi mấy thằng con lớn to xác, làm biếng, ham chơi, ngỗ ngược, có đứa buồn buồn còn chơi ma túy, rước cướp vào đánh cha, đánh mẹ vỡ đầu. Tụi này được xài, được phá hết của cải trong nhà, khiến mấy đứa con khác, vốn bị thầy bà nói là "khắc tuổi" nên bị ghét, bỏ bê, tuy thông minh chịu khó nhưng cứ suy dinh dưỡng, èo uột lớn hổng nổi. Hiếm hoi có vài đứa lớn kha khá, đem bán, bán hết, mai mốt tan nhà nát cửa, còn gì ?
(6) Khi cần bán vì túng quá, bán, sao không dừng để lấy 49 đồng, vẫn giữ con mình, là của mình, mà cứ phải lấy tới 54 đồng để "nó" về tay người ta ?
(7) Chợ đời, có bán có mua, con mình có ngon người ta mới gánh tiền khủng tới mua. Làm cha mẹ, bán con, nói vậy cũng đúng nhưng bán một, ba, năm, bảy... đứa vào loại khá nhất, ngon nhất rồi liệu có thật sự là có tiền, có lực để đi mua lại vài ba đứa ngon cỡ vậy của thiên hạ để gọi là có bán có mua ?
(8) Đây là bước đi tình cờ hay cái bẫy thâu tóm ? Có ai còn nhớ, tháng 4 năm 2016, chính quyền Thái ráp nối bộ bốn "Bộ Thương Mại, doanh nghiệp lớn, ngân hàng, doanh nghiệp nhỏ" cùng làm chương trình "Pracha Rath" (State of People - có nghĩa là Quốc gia của dân), theo đó, chính phủ Thái giúp doanh nghiệp Thái đầu tư ra nước ngoài. Một trong những mục đích được nêu công khai là "tính sổ" thiệt gọn thị trường bốn quốc gia yếu kém trong ASEAN là Campuchia, Lào, Miến Điện, Việt Nam (CLMV – bốn chữ cái từng khiến người Việt thi nhau tra cứu ngữ nghĩa sau khi nghe Thủ tướng Việt Nam giới thiệu là "Cờ Lờ Mờ Vờ"), trong đó giao hẳn cho Berli Jucker (BJC) thâu tóm thị trường Việt Nam. Giàu và giỏi, là hùm lại được chắp thêm vây, BJC bắt đầu mua toàn hệ thống bán sỉ Metro C&C, bình thản hạ dần rồi tiễn hầu hết hàng Việt Nam ra ngoài, giành toàn bộ hệ thống cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Thái. Giờ "ông" mua tới doanh nghiệp hàng tiêu dùng mạnh nhất nhì của Việt Nam, rồi… sao nữa khi "ông" đã nắm cả chợ, lẫn những mặt hàng mạnh nhất ?
(9) Ai ngồi đếm số hội chợ Thái đang tổ chức đồng loạt, liên tục khắp cả ba miền được chính phủ Thái khôn khéo ủng hộ đúng luật quốc tế. Hàng Thái thay hàng Tàu, nhưng nhờ đâu họ hoạch định và thực thi được tất cả những gì họ muốn ?
(10) Nghĩ từ Sabeco. Liệu có cần cân nhắc giữa hai bài toán : Những đồng tiền "khủng" thu vội, ăn xổi, với giá trị, tài sản của tương lai bền vững ? Vì sao không nghiên cứu bước đi của các quốc gia ASEAN khác, khi tất cả đều đang ra sức bồi đắp nội lực, nâng bước cho doanh nghiệp xứ họ có đủ sức ra ngoài cạnh tranh với thế giới ? Bình tĩnh nghĩ lại đi, chính sách của ta đang làm gì cho doanh nghiệp ?
***
Nếu quan sát kỹ diễn biến kinh tế - chính trị - xã hội tại Việt Nam, ắt ai cũng có thể thấy, những cá nhân trong nhóm mà thiên hạ cho là do… vô ý sinh ra luôn tìm ra cách nào đó để thu lợi lớn nhất cho mình. Khi rút hết nguồn lực quốc gia bơm cho các "anh cả" không còn hợp thời thì "giải tư" các "anh cả" là một cơ hội mới.
Sabeco chỉ là sự kiện mới chứ biến giải tư thành cơ hội thì đã được ứng dụng từ lâu. Muốn kiểm chứng thì xem lại trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa vì có rất nhiều thông tin đã được bạch hóa để đối chiếu.
Vào năm 2000, bà Thoa được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang (DQC) – một doanh nghiệp nhà nước. Năm 2005 khi DQC được giải tư, bà Thoa kiêm nhiệm thêm vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị của DQC và bà nhanh chóng thâu tóm 11 triệu 780 ngàn cổ phiếu của DQC cho mình, con cái, mẹ, em, em dâu. Giá trị số cổ phiếu của DQC mà bà Thoa và thân nhân đang nắm giữ là 718 tỉ đồng Việt Nam.
Năm 2010, bà Thoa được cất nhắc làm Thứ trưởng Bộ Công Thương. Ông Hồ Quỳnh Hưng, một người em trai của bà Thoa trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc DQC. Một trong hai cô con gái của bà Thoa vừa là thành viên Hội đồng Quản trị, vừa đảm nhận vai trò Phó Tổng giám đốc DQC.
Ông Hồ Đức Lam, một người em trai khác của bà Thoa tuy không có cổ phần tại DQC nhưng là thành viên Hội đồng Quản trị của DQC. Ông Lam đang nắm giữ 65% cổ phiếu của Công ty Nhựa Rạng Đông (RDP) sau khi doanh nghiệp nhà nước này được cổ phần hóa.
Chẳng hiểu chuyện bà Thoa là Thứ trưởng Bộ Công Thương có liên quan gì tới việc tháng 9 năm 2014, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) – nơi giám sát việc sử dụng vốn nhà nước trong các doanh nghiệp đã rút hết vốn ra khỏi DQC và tháng 8 năm 2015, SCIC đã thực hiện hành động tương tự với RDC. Sau khi cổ phẩn hóa hai doanh nghiệp nhà nước thuộc sở hữu toàn dân phần lớn đã trở thành tài sản của riêng bà Thoa và gia đình bà.
Bà Thoa chỉ lâm nạn khi tương quan lực lượng trong nội bộ Đảng cộng sản Việt Nam thay đổi. Người ta "phát giác" bà dính líu tới việc sắp đặt, bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh sai qui định. Đầu năm nay bà bị "khiển trách". Báo chí được bật đèn xanh, dư luận tạo thành sức ép, Ủy ban Kiểm tra của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam nhập cuộc và chính thức kết luận bà có nhiều sai phạm trong tiến trình giải tư. Ngày 1 tháng 8, bà Thoa nộp đơn xin thôi việc, ngày 16 tháng 8, Thủ tướng Việt Nam chấp nhận cho bà Thoa miễn nhiệm, thôi làm Thứ trưởng Bộ Công Thương
Năm 2010, bà Thoa được cất nhắc làm Thứ trưởng Bộ Công Thương. Phần lớn tài sản của DQC và RQP - hai doanh nghiệp nhà nước vốn thuộc sở hữu toàn dân vẫn là tài sản của riêng bà Thoa và gia đình bà.
***
Những người do vô ý sinh ra chưa bao giờ thất bại. Chỉ có đám đông nhẫn nại mang vác gánh nặng do họ cố tình chất lên lưng mình đi từ thảm bại này đến thảm bại khác.