Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

jeudi, 18 janvier 2018 07:48

"Khắc phục hậu quả"

Tuần qua, vụ các ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và 20 bị cáo ra tòa trong vụ án liên quan đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam tiếp tục lôi kéo sự chú ý của dư luận. Diễn đàn Kinh tế đề nghị một cách lý giải bất ngờ về một hệ thống tòng thuộc kinh tế chính trị…

khac1

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại tòa án ở Hà Nội hôm 11/1/2018 -AP

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, vụ xét xử các bị can liên hệ đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam vẫn chưa kết thúc và có thể kéo dài đến tuần tới. Tuy nhiên, trong tiến trình xét xử, có một việc xảy ra với trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh khiến dư luận thắc mắc.

Theo cáo trạng của Hội đồng xét xử, ông Trịnh Xuân Thanh chiếm hưởng bốn tỷ đồng bạc Việt Nam và bị đề nghị án chung thân với tội Tham ô tài sản. Sau đó, ông Trịnh Xuân Giới, cựu Phó ban Dân vận Trung ương, là thân phụ của bị cáo Trịnh Xuân Thanh, được báo Infonet của Bộ Thông tin-Truyền thông hôm Thứ Bảy 14 dẫn lời trình bày trước Hội đồng xét xử rằng "gia đình chúng tôi khi được gặp Trịnh Xuân Thanh trong trại tạm giam có được nghe con trai tôi nói rằng không tham ô tài sản. Tuy nhiên, luật sư của con trai tôi tư vấn rằng để bày tỏ thiện chí, con trai tôi đã nhận trách nhiệm người đứng đầu thì hãy khắc phục hậu quả, số tiền này sẽ được trả lại nếu kết luận con trai tôi không tham ô. Chúng tôi đã tự nguyện nộp bốn tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra".

Thưa ông, thắc mắc của dư luận là về hiện tượng gọi là "khắc phục hậu quả" đó. Ông có cách lý giải nào về việc này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa là nền pháp lý tại Việt Nam có những lý lẽ mà lý trí không giải thích được, vả lại vụ này chưa chấm dứt nên chúng ta cứ chờ xem. Tuy nhiên, trong chương trình hôm nay, tôi xin đề nghị là mình nên nhìn vào một trường hợp khác tại một nước xa xôi nhưng vẫn nằm trong lục địa Á Châu, đó là Vương quốc Saudi Arabia ở nhà gọi là Ả Rập Xê Út. Đầu năm lại dịp cận Tết, ta cũng nên có một tiết mục vui vui nhưng vẫn bổ ích cho thính giả của chúng ta.

Nguyên Lam : Nguyên Lam quen dần với cách tiếp cận vấn đề của kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa, theo cái hướng gián tiếp mà lại soi ra nhiều lý giải bất ngờ. Thưa ông, vì sao ông lại nghĩ tới xứ Saudi Arabia ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trước hết, Vương quốc này tại Trung Đông vẫn nằm trong lục địa Á Châu, thuộc về khu vực Tây Nam. Lãnh đạo xứ này là một người đội bốn mũ hay nói cho đúng về trang phục là cuốn bốn cái khăn : là Quốc vương Saudi Arabia, Thủ tướng, người Canh phòng hai đền thánh Hồi giáo và thứ tư Lãnh đạo Hoàng tộc Saudi. Đó là vua Salman bin Abdulaziz.

Xin có vài câu về cách đặt tên theo phong tục của họ : tên thì là Salman, "bin" nghĩa là con, và Abdulaziz là tên thân phụ. Chúng ta cứ gọi là Salman cho dễ nhớ. Sinh năm 1935, ông là hoàng tử thứ 25 của Quốc vương Abdulaziz bin Abdulrehman, người sáng lập xứ này vào năm 1932. Vua Salman lên ngôi từ đầu năm 2015, ở tuổi 79, và tháng Sáu năm ngoái quyết định truất ngôi Thái tử của người cháu và đưa con là Mohammad bin Salman vào vị trí kế nhiệm rồi tuyên bố sẽ thoái vị. Sinh năm 1985, còn khá trẻ, Thái tử Mohammad bin Salman sẽ lên ngôi vua, nhưng là người vừa gây ra một trận động đất tại Trung Đông và bên trong xứ Saudi Arabia.

Nguyên Lam : Ngoài cách gọi tên khá đặc biệt của sắc tộc Á Rập, ông vừa nói vua Salman của quốc gia Tây Á này đội bốn cái mũ là giữ bốn chức vụ khác nhau. Cái đó là gì vậy, thưa ông ?

khac2

Thái tử Mohammad bin Salman

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Mỗi quốc gia lại có một hệ thống chính trị riêng, như Tập Cận Bình vừa là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, sẽ lại là Chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, kiêm Chủ tịch Trung ương Quân ủy hội của đảng và Chủ tịch Trung ương Quân ủy hội của Nhà nước, chưa kể cả chục vai trò then chốt khác !

Trở lại vụ "khắc phục hậu quả" tại Saudi Arabia, xứ này thuộc sắc tộc Á Rập theo Hồi giáo và người cầm đầu quốc gia nên gọi là Quốc vương, cầm đầu nhà nước nên làm Thủ tướng, lại giữ vai trò về tôn giáo khi canh phòng hai ngôi đền thiêng liêng nhất của đạo Hồi, và sau cùng là người đứng đầu hoàng tộc Saudi.

Gần đây, Quốc vương Salman tỏ ý từ bỏ vị trí canh phòng thánh địa và người kế nhiệm là Thái tử Mohammad cũng sẽ quyết định như vậy, nghĩa là lãnh đạo mới của Saudi Arabia đang hạ thấp tầm quan trọng của tôn giáo trong chính trị, là điều rất đáng chú ý vì hệ phái Hồi giáo của họ thuộc vào khá cực đoan. Việc đáng nói hơn nữa là Thái tử Mohammad bin Salman sẽ lên ngôi là người có tư tưởng đổi mới rất táo bạo vì vậy tôi mới nói đến một cơn địa chấn…

Nguyên Lam : Chúng ta bắt đầu đi vào chủ điểm, thưa ông, Thái tử Mohammad trù tính đổi mới ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Từ khi thành lập năm 1932, xứ này dựa trên hai cái trụ, thứ nhất là Hồi giáo theo một hệ phái cực đoan, thứ hai là dầu khí lần đầu tiên được khai thác kể từ năm 1938, cách nay đúng 80 năm. Hoàng tộc Saudi lập ra một chế độ kinh tế chính trị tôi xin gọi là "tòng thuộc", tức là ban phát quyền lực chính trị và quyền lợi kinh tế cho các thành phần lệ thuộc vào mình, trước tiên là các Hoàng thân trong tông tộc, các giáo sĩ và giới chức bảo vệ chế độ.

Nhưng 80 năm sau, thời thế đã thay đổi và xứ này không thể mãi lệ thuộc vào nguồn lợi kinh tế tài chính chủ yếu là dầu thô, nhất là khi giá dầu giảm mạnh từ mấy năm nay. Nhẹ hơn, một số phong tục cũ phải được cách tân như Mohammad quyết định cho phép phụ nữ được lái xe hơi. Quan trọng hơn cả, sau khi kho lẫm cạn kiệt vì dầu thô sụt giá, Hoàng gia Saudi không thể tiếp tục ban phát quyền lợi cho tay chân mà không nhìn xuống số phận của bá tánh dân đen ở dưới. Trong khi đó, cả thế giới Hồi giáo chung quanh cũng rung chuyển nên lãnh đạo không thể không thấy mối nguy từ một cường quốc Hồi giáo của sắc tộc Ba Tư, theo hệ phái Shia đối nghịch và phải tìm phương tiện phòng thủ. Vì vậy, Mohammad mới nghĩ tới nền tảng tòng thuộc kinh tế chính trị của chế độ và muốn thay đổi.

Nguyên Lam : Thưa ông, ông Mohammad này muốn thay đổi như thế nào ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chuyện cứ như là ở bên Tầu hay bên Ta vậy !

Mới đầu, Thái tử Mohammad trình bày một kế hoạch cải cách gọi là "Viễn ảnh cho năm 2030" mà chẳng ai tin là sẽ thành hình một mô thức công nghiệp hóa hiện đại, nhất là việc tư nhân hóa Tập đoàn Dầu khí Quốc doanh Aramco, là bán cổ phần cho tư nhân theo thể thức phát hành cổ phiếu đầu tiên, gọi là IPO để lấy tiền về cho công quỹ. Nào ngờ Quốc vương Salman còn lập ra Ủy ban Bài trừ Tham nhũng, mùng bốn tháng 11 vừa qua thì ban sắc lệnh bổ nhiệm Thái tử Mohammad cầm đầu Ủy ban này. Ngay tối đó, Mohammad lập tức cho tống giam một số nhân vật trọng yếu của hoàng tộc, trong nội các và trên doanh trường, là các thành phần ưu tú của chế độ cho tới nay. Ly kỳ hơn thế, các Hoàng thân bị giam trong một khách sạn cực sang để ngã giá về tù và tiền. Nếu trả lại tiền đã lấy được thì có thể giảm án tù về tội tham nhũng.

Thế rồi hôm mùng bảy vào tuần trước thì có 11 Hoàng thân bị tống giam vì tội biểu tình. Họ biểu tình phản đối quyết định ban hành hôm mùng bốn rằng từ nay họ phải trả tiền điện nước trong các dinh cơ chứ không thể trông chờ ngân sách mới kể từ đầu năm nay. Chuyện này làm dân chúng rất hả dạ vì ngân sách trợ cấp cho giới cao niên, sinh viên, binh lính và công chức thì tăng và lên tới 18 tỷ, chứ cho hoàng thân quốc thích thì bị cắt. Ai có tội thì còn bị bắt vào tù !

Nguyên Lam : Nếu thế thì thưa ông, trong mấy chục năm liền, các thành phần tòng thuộc ấy đã lấy công khố làm lợi riêng và ngày nay bị thanh trừng để trả lại các khoản tiền gọi là bất chính đó, có phải như vậy không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Cho tới nay thì chưa ai biết khối tiền gọi là bất chính hay tham ô đó lên tới bao nhiêu. Tờ Wall Street Journal bên Mỹ ước lượng là 800 tỷ đô la, cho Tổng sản lượng là 1.800 tỷ thì rất lớn, mà chưa ai kiểm chứng nổi. Năm 2014, hai cơ quan Wealth-X và UBS Billionnaire Census cho biết Saudi Arabia đứng hạng 10 trong 40 nền kinh tế có lắm tỷ phú nhất và đếm ra 57 tỷ phú Saudi có tài sản khoảng 166 tỷ đô la. Lần này ngoài việc bắt bớ, cả ngàn trương mục ngân hàng hay tài khoản của giới tòng thuộc bị phong tỏa để kiểm tra.

Trong số bị tống giam có nhân vật khét tiếng giàu có và là anh họ của Thái tử Mohammad, đó là Hoàng thân Alawleed bin Talal, vì các tội danh rửa tiền, hối lộ và tống tiền viên chức nhà nước. Ông bin Talal này có khoảng 18 tỷ đô la đầu tư vào hơn chục ngành làm ăn lớn của quốc tế và hình như là năm 2015 còn nói là sau khi tạ thế thì sẽ đem tài sản trị giá 32 tỷ đô la của mình cho các hội từ thiện. Một nhân vật như thế mà nay ngồi tù làm quốc tế phải giật mình. Càng giật mình hơn là sau chín ngày tạm trú trong khách sạn Ritz-Carlton quá sang trọng mà chưa ngã giá xong việc "khắc phục hậu quả", hôm 13 vừa rồi, Hoàng thân tỷ phú bin Talal bị đưa vào nhà tù kiên giam số một là al-Ha’ir. Có lẽ khung cảnh âm u đó sẽ có sức thuyết phục cao hơn !

Nguyên Lam : Có lẽ bây giờ thính giả của chúng ta hiểu ý nghĩa của "khắc phục hậu quả" là gì, khi ông nói đến chuyện đang xảy ra tại Saudi Arabia. Thưa ông, người ta nên kết luận thế nào về hiện tượng kỳ lạ này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi không nói đến các rủi ro chính trị của Saudi Arabia mà xin nhìn qua một xứ khác là Cộng hòa Hồi giáo Iran, nơi vừa có biến động từ ngày 28 tháng trước, cũng xuất phát từ nỗi lầm than kinh tế của người dân và nổi lên thành sự chống đối ách độc tài, bất công và ngu dân vì giáo điều của đạo Hồi.

Ngẫm lại thì chính quyền của nhiều nước đang phải đối phó với vấn đề kinh tế và xã hội, như nghèo đói, lạm phát, thất nghiệp, nạn bất công trong môi trường ô nhiễm, v.v. Trước những thách đố nguy ngập như vậy, việc một thiểu số ăn trên ngồi chốc chiếm đoạt lợi thế kinh tế nhờ quyền lực chính trị là điều khó chấp nhận được. Là quốc gia nhiều người cho là cổ hủ, phong kiến, lại bị khống chế dưới ách độc tài tư tưởng của tôn giáo, chẳng khác gì của một đảng chính trị, Saudi Arabia đang cố xoay qua hướng khác và tiến dần đến việc xóa bỏ hệ thống tòng thuộc ở trên để lo cho dân đen ở dưới. Họ có thể bị loạn trong bước ngoặt nguy hiểm này, nhưng chắc chắn là sẽ bị đại loạn nếu không thay đổi. Việt Nam cũng vậy thôi và người dân đang theo dõi chuyện "khắc phục hậu quả" không chỉ của vài chục người trên chóp bu mà của cả hệ thống kinh tế chính trị lạc hậu.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích lý thú kỳ này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 18/01/2018

Published in Diễn đàn