Kết quả cuộc bầu cử tại Áo với khả năng Sebastian Kurz sẽ là Thủ tướng của quốc gia này đã trở thành một trong những chủ đề chính được người Việt bàn luận rôm rả suốt từ đầu tuần tới nay.
Sebastian Kurz là Thủ tướng trẻ nhất nước Áo
Giữa lúc thiên hạ bình luận, dự đoán về tương lai của Áo, rộng hơn là của Châu Âu, những yếu tố có thể tác động đến cục diện thế giới khi Đảng Nhân dân ở Áo (OVP) dẫn đầu trong cuộc bầu cử và dường như ông Kurz - thành viên của OVP (tổ chức chính trị chủ trương quốc gia trên hết, siết chặt chính sách di dân) sẽ trở thành Thủ tướng Áo thì cả dân chúng lẫn báo giới Việt Nam chỉ quan tâm đến chuyện ông Kurz mới có 31 tuổi, lại… chưa tốt nghiệp đại học.
Sebastian Kurz – nhân vật bỏ dở chương trình đào tạo cử nhân luật của một đại học tại Áo để tham gia chính trị, đảm nhận vai trò Ngoại trưởng Áo từ năm 2014, lúc mới 27 tuổi – đã được người sử dụng Internet ở Việt Nam đem ra so sánh với qui trình tuyển dụng công chức, các tiêu chuẩn trong quy hoạch, bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo trước nay tại Việt Nam.
Phạm Thang trào lộng, Thủ tướng mà không ráng lấy được một chứng chỉ nghề hay văn bằng trung cấp thì quá tệ ! Facebooker này khuyên ông Kurz nên ngoái cổ nhìn sang Việt Nam, nơi tiến sĩ nhiều như… cá biển, cử nhân… đông như côn trùng, học xong chỉ có thể kiếm sống bằng Uber, Grab. Ngay cả nuôi heo cũng phải tốt nghiệp sư phạm loại xuất sắc...
Cũng với lối trào lộng như thế, Bùi Anh Tấn "chê" dân Áo và chê cả phương Tây… kém cỏi vì Việt Nam đã… phổ cập thạc sĩ, tiến sĩ đến cấp phường. Đại Gia Thành Vinh nhận định, Áo "có vấn đề về qui hoạch cán bộ". Hoàng Trọng Muôn cho rằng, quy trình, quy hoạch kiểu đó, chưa bỏ tiền để "chạy" mà đã đứng đầu chính phủ thì... "chết" ! Phạm Phương Lan khuyên Áo nên cử người sang Việt Nam "học tập".
Tương tự, Văn Bình Hoàng nhận xét, Kurz "trúng" Thủ tướng là… không đúng quy trình. Tiến Đặng Bá "nhất trí" vì theo "tiêu chuẩn của Việt Nam", Kurz chưa hội đủ các điều kiện cần thiết. Vu Anh Nguyen phê bình "quốc tế cộng sản" cẩu thả để "lọt" Kurz vì chưa tốt nghiệp đại học, đang nợ chứng chỉ tốt nghiệp lý luận chính trị cao cấp của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Dạ Hoa tán thành do "dấu hiệu sai phạm" như thế là "rõ ràng rồi".
Đã có không ít facebooker dự đoán tương lai của Sebastian Kurz nếu Kurz sống tại Việt Nam theo đúng kiểu đã giúp ông trở thành nhân vật chính trị sáng giá ở Áo. Hai Nguyen Phu khẳng định, Kurz mà sống ở Việt Nam thì an ninh của Phòng Công tác sinh viên đã viết tên "chàng" vào sổ đen và "chàng" đã được phát quyết định tống giam từ lâu rồi ! Lê Son tin Kurz "gặp thời" vì… "đầu thai ở Áo" chứ qua Việt Nam thì… "biết". Son khẳng định : Không "cạnh tranh" nổi đâu !
Đâu là điểm chính khiến Sebastian Kruz trở thành đề tài để người Việt bàn tới, tán lui ? Theo Doan Khac Xuyen, không phải Kruz trẻ, đẹp, lãng tử, không có… văn bằng tiến sĩ, bản chất vấn đề nằm ở chỗ không ai lót ổ cho "chàng", "chàng" tự vươn lên và quan trọng hơn hết thảy là được… dân bầu. Chau Doan lý giải, trường hợp của Kurz chỉ "kỳ lạ" với người Việt, còn ở Áo thì đó là chuyện bình thường. Chỉ khi quan niệm cởi mở, mọi thứ minh bạch, trung thực thì mới có thể xuất hiện những trường hợp được goi là kỳ lạ" như vậy. Chau Doan hy vọng Kruz sẽ trở thành "cảm hứng cho những người trẻ ở Việt Nam". Có hàng ngàn người tán thành nhận định của Chau Doan trừ chuyện Chau hy vọng Kruz sẽ trở thành "cảm hứng cho những người trẻ ở Việt Nam". Charlotte Wilson khuyến cáo : E rằng những ai có nhiều cảm hứng sẽ sớm vào tù ! Thay vì phản bác, Chau Doan nhìn nhận, khuyến cáo của Charlotte Wilson là phản hồi… hay nhất !
***
Dẫu đã bộc lộ vô số khiếm khuyết nhưng đến nay, quy hoạch, quy trình tuyển dụng – bổ nhiệm công chức, viên chức tại Việt Nam vẫn là chiếc thang duy nhất dẫn đến đỉnh của danh vọng, quyền lực, giúp "vinh thân, phì gia". Trong nhiều thập kỷ, xung đột diễn ra liên tục cả dưới chân thang lẫn các bậc thang, phô bày trọn vẹn những cung bậc bi hài của "thất tình, lục dục" ở đủ mọi phía.
Trường hợp Sebastian Kruz chỉ là một trong những dịp để dân chúng Việt Nam bày tỏ suy nghĩ, thái độ của họ đối với quy hoạch, quy trình nhân sự, song dường như giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam không thèm bận tâm tới niềm tin, thiện cảm của hàng trăm triệu người Việt. Thành ra khi cần phải trả lời về những thắc mắc, bất bình trước hiện tượng cả gia đình, thậm chí cả gia tộc chia nhau nắm giữ các vị trí chủ chốt trong hệ thống công quyền để "phục vụ cách mạng", đã có những viên chức như bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thản nhiên bảo con giới lãnh đạo trở thành lãnh đạo là… "hạnh phúc của dân tộc". Lúc buộc phải đem "hạnh phúc của dân tộc" đi… cất vì chuyện lạm quyền, tham nhũng đã quá rõ ràng thì giải thích hết sức lạc quan như ông Nguyễn Xuân Phúc, cựu Viện trưởng Viện lịch sử Đảng rằng… đó là "dấu hiệu tích cực trong siết chặt kỷ luật Đảng".
Báo chí Việt Nam vừa cho biết, ông Phúc mới đề nghị thành lập thêm… Viện đạo đức học trong Học viện quốc gia Hồ Chí Minh. Đề nghị của ông Phúc khiến công chúng chưng hửng. Hóa ra trước nay, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - một hệ thống cồng kềnh với sáu phân viện, 17 viện và trung tâm nghiên cứu, độc quyền đào tạo "trình độ lý luận chính trị" mức cao cấp (tiêu chuẩn bắt buộc để xem xét, bổ nhiệm các cá nhân vào những vị trí như bí thư, trưởng công an cấp quận huyện, giám đốc các sở trở lên) – chưa hề bận tâm đến "nghiên cứu và giáo dục" đạo đức.
Trước đề nghị của ông Phúc và sự tán thưởng một cách nhiệt thành của ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện quốc gia Hồ Chí Minh, một trong hai thành viên mới được đưa vào Ban Bí thư, nhiều facebooker cười ha hả. Có người như Nguyễn Tường Luân lập tức nêu thắc mắc, giả sử Viện đạo đức học chào đời : Chỗ đâu mà chứa cho hết và nếu thành công thì… còn ai làm việc nữa !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 21/10/2017
Người dân nước Áo đang vô cùng hoan hỉ khi họ có một tân thủ tướng mới trẻ tuổi nhất trong lịch sử đất nước mình. Sebastian Kurz, chính trị gia của Đảng Nhân dân đã chính thức trở thành Thủ tướng nước Áo khi mới 31 tuổi.
Sebastian Kurz, chính trị gia của Đảng Nhân dân đã chính thức trở thành Thủ tướng nước Áo khi mới 31 tuổi.
Thực sự mà nói, ở Việt Nam, công tác nhân sự luôn chú trọng, khuyến khích đào tạo lớp cán bộ trẻ tuổi. Nhưng, tuổi cao hay thấp, tất cả phải tuân thủ đúng quy trình bổ nhiệm cán bộ.
Dựa trên tính ưu việt trong quy trình bổ nhiệm cán bộ mà tôi được biết, xét thực tế diễn ra tại Áo, tôi nghiêm túc phê bình người dân Áo đã bổ nhiệm Thủ tướng có vẻ rất sai quy trình.
Sebastian Kurz còn chưa có bằng Đại học sao có thể lên làm Thủ tướng được ? Bằng cấp là một tiêu chí quan trọng để đánh giá trình độ, năng lực cán bộ. Lẽ ra, đã là lãnh đạo thì đều phải có bằng cử nhân đại học, đa số còn sau đại học như Giáo sư, Tiến sĩ...
Chặt chẽ hơn, công tác bổ nhiệm cán bộ còn soi xét cả yếu tố bằng cấp ấy từ đâu mà có. Không chỉ có bằng cử nhân, bằng tiến sĩ là đã đáp ứng tiêu chí bổ nhiệm, mà quan trọng là đơn vị giáo dục cấp bằng, dù trong nước hay quốc tế, đều phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo của công nhận.
Việc không học hết đại học của Sebastian Kurz khiến tôi nghi ngờ cá nhân này chưa có bằng lý luận chính trị. Trong khi đây là tiêu chí vô cùng quan trọng trong quá trình đánh giá và bổ nhiệm cán bộ.
Chưa hết, Sebastian Kurz chưa có bằng đại học vì trong quá trình đang theo học ngành luật, Sebastian Kurz nghỉ học để đi làm chính trị gia. Một người sẵn sàng bỏ dở cả việc học để rẽ sang theo đuổi sự nghiệp chính trị cho thấy tham vọng quyền lực quá lớn, đam mê quyền lực đến mức lộ liễu. Trong khi đó, lãnh đạo tuyệt đối không được có tham vọng quyền lực. Xét theo tiêu chí này, người dân nước Áo lại tiếp tục sai lầm trong bổ nhiệm Sebastian Kurz.
Không có bằng cấp vẫn được cất nhắc, bổ nhiệm một cán bộ còn trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm, tôi toàn có quyền được nghi ngờ Sebastian Kurz là con cháu các cụ, hoặc nếu không rất có thể có hiện tượng tiêu cực trong quá trình bổ nhiệm.
Tôi đề nghị Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Áo vào cuộc làm rõ, nếu có sai phạm cần xử lý nghiêm, đúng người, đúng tội, làm gương cho cá cán bộ khác, xử lý vài người để cứu muôn người. Lò đang nóng rồi, không chỉ củi tươi, củi khô đều cháy mà sắt thép cũng phải tan chảy.
Riêng với người dân Áo, tôi có cơ sở để nghi ngờ rằng, các anh chị đang có những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá. Tôi đề nghị những ai đã có tư tưởng ấy hãy sớm tự gột rửa.
************************
Sebastian Kurz – vị lãnh đạo trẻ nhất thế giới ở tuổi 31 (Mặt Trận, 17/10/2017)
Sebastian Kurz, chủ tịch Đảng Nhân dân Áo (OVP) sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của Áo và là người lãnh đạo trẻ nhất thế giới.
Sebastian Kurz, vị lãnh đạo trẻ nhất thế giới ở tuổi 31 (Ảnh : NBC News)
Đảng Nhân dân (OVP-Österreichische Volkspartei) mà ông Kurz lãnh đạo từ tháng 5 được kỳ vọng sẽ cùng Đảng Tự do (FPO-Freiheitliche Partei Österreichs) trở thành một liên minh đầu tiên trong hơn 10 năm qua.
Theo kết quả sơ bộ, OVP đã giành được hơn 31,4% phiếu bầu hay 61 trên tổng số 183 ghế trong Quốc hội. OVP trở thành đảng lớn nhất trong Quốc hội Áo, theo sau là đảng cựu hữu Tự do (27,4%) và đảng Dân chủ xã hội, đồng minh chính trị cũ của OVP (26,7%). Kết quả chi tiết sẽ được công bố vào ngày 19/10 tới đây và kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày 31/10. Cuộc bầu cử Áo diễn ra vào ngày chủ nhật vừa qua đã nhận được sự quan tâm của người dân trên khắp Châu Âu. Ông Kurz gọi cuộc bầu cử này là “chiến thắng lịch sử”.
Tại Áo ông đã được chú ý đến từ lâu khi trở thành Ngoại trưởng nước này cách đây 4 năm lúc mới 27 tuổi, là vị Ngoại trưởng trẻ nhất trong lịch sử nước Áo, đồng thời cũng là vị Ngoại trưởng trẻ nhất tại Liên Hiệp Châu Âu. Ngoài tài năng chính trị, ông còn gây ấn tượng bởi vẻ điển trai, lịch lãm.
Sebastian Kurz sinh ra và lớn lên ở một vùng lao động nghèo ở thành phố Vienna. Sebastian Kurz là thành viên tổ chức thanh thiếu niên của Đảng Nhân dân Áo từ năm 2003. Năm 2009, ông được bầu làm chủ tịch tổ chức này với 99% số phiếu tán thành và tiếp tục giữ chức vụ này khi nhận được tín nhiệm tuyệt đối năm 2012. Cũng từ năm 2009, ông đảm nhận thêm vị trí Phó Chủ tịch Đảng Nhân dân Áo ở thủ đô Vienna. Năm 2010 đến năm 2011, ông là thành viên Hội đồng Thành phố Vienna.
Giai đoạn 2004-2005, Sebastian Kurz thực hiện nghĩa vụ quân sự trong quân đội Áo. Sau đó, ông ghi danh ở khoa Luật của Đại học Vienna.
Tháng 4/2011, trong thời gian diễn ra cuộc cải tổ nội các thì ông Kurz được chỉ định làm Quốc vụ khanh Hội nhập (thuộc Bộ Nội vụ Liên bang Áo). Sự kiện này khơi mào một số chỉ trích nhắm vào ông vì ông còn quá trẻ. Tuy nhiên một năm sau thì truyền thông đã dành những đánh giá tích cực hơn cho ông.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội Áo năm 2013, ông giành được nhiều phiếu trực tiếp nhất từ cử tri so với các chính trị gia khác, điều đó cho thấy mức độ uy tín cao của ông trong nước.
Từ ngày 16/12/2013 ông Kurz đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Áo, trong đó phụ trách thêm mảng hội nhập xã hội theo yêu cầu của ông.
Trong cương vị quan trọng này, ông Kurz cũng lập được nhiều thành tích như việc tham gia đàm phán hạt nhân Iran hay làm Chủ tọa trong Ủy ban các Bộ trưởng của Hội đồng Châu Âu. Tháng 11/2014, ông Sebastian Kurz được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao Châu Âu.
Vấn đề nhập cư được ưu tiên hàng đầu trong chiến dịch tranh cử của ông Kurz. Ông đã thể hiện một đường lối cứng rắn, kêu gọi việc hạn chế số người tị nạn vào Châu Âu và cắt giảm phúc lợi cho những người nhập cư EU ở Áo.
Khi làn sóng di dân và người tị nạn tràn vào Châu Âu, trở thành mối quan tâm rộng khắp trong năm 2015, ông Kurz đã thấu hiểu sự lo lắng của cử tri Áo về vấn đề nhập cư không kiểm soát trong đó có số lượng lớn người Hồi giáo. Ông đã kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn khu vực biên giới. Ông cũng tổ chức việc ngừng hoạt động các tuyến đường bộ trên đất liền thông qua khu vực Bờ Tây.
Vào thời điểm Đảng Nhân dân tụt xuống vị trí thứ 3, Sebastian Kurz đã xây dựng lại hình ảnh và đảm bảo quyền lực chưa từng có của Đảng này. Năm 2016, ông Kurz trên vai trò chỉ đạo việc kiểm soát dòng người di cư ở biên giới Balkan. Năm nay, ông đề xuất một kế hoạch “niêm phong” tuyến đường di cư chính qua Địa Trung Hải tới các nước Châu Âu.
Sebastian Kurz là ngôi sao sáng của Đảng Nhân dân đang cầm quyền, nhờ lối tư duy táo bạo. Ông được kỳ vọng sẽ làm mới hình ảnh bảo thủ của Áo và đưa nước này thành một quốc gia hiện đại và cởi mở với thế giới.
Hồng Nhung
(theo CNN, NBC, BBC)
******************
Thủ tướng tương lai của Áo chưa có bằng đại học (SaoStar, 17/10/2017)
Ông Sebastian Kurz, người nhiều khả năng trở thành Thủ tướng Áo, đã bỏ học giữa chừng để theo đuổi sự nghiệp chính trị từ sớm.
Nhà lãnh đạo trẻ Sebastian Kurz. Ảnh : FT
Theo kết quả tổng tuyển cử tại Áo được công bố vào đêm 15/10, đảng Nhân dân (OVP) do ông Sebastian Kurz lãnh đạo đang giành hơn 31,7% phiếu bầu. Reuters dẫn kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy xếp sau đó là đảng Dân chủ Xã hội và đảng Tự do cực hữu.
Sebastian Kurz sinh ngày 27/8/1986 tại quận Meidling, thành phố Vienna, Áo, trong gia đình có cha là kỹ sư còn mẹ là giáo viên. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại Áo năm 2005, ông bắt đầu theo học ngành Luật tại trường Đại học Vienna.
Theo Der Spiegel, ông Kurz tham gia đảng OVP từ năm 16 tuổi và nhanh chóng được coi là "ngôi sao sáng” của đảng này. Năm 2009, Kurz lãnh đạo tổ chức thanh niên của OVP và và một năm sau đó trở thành cố vấn Hội đồng thành phố Vienna sau thành công tại cuộc bầu cử địa phương.
Tháng 10/2011, nhà lãnh đạo trẻ bước chân vào Nội các Áo với vị trí Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề Hội nhập thuộc Bộ Nội vụ và quyết định bỏ dở ngang để theo đuổi sự nghiệp chính trị. Hay nói cách khác, đến nay thủ tướng tương lai của Áo vẫn chưa có bằng đại học.
Năm 2013, ông trở thành Bộ trưởng ngoại giao trẻ nhất trong lịch sử Áo và Liên Hiệp Châu Âu khi tuổi đời mới 27. Nếu trở thành Thủ tướng Áo, ông Kurz sẽ trở thành nguyên thủ trẻ nhất thế giới, trẻ hơn cả nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (33 tuổi) và Tổng thống Pháp (39 tuổi).
Ngoại trưởng Áo có phong sách trẻ trung, năng động, với vẻ điển trai và lịch lãm được ví như tài tử điện ảnh. Ông Kurz cũng là một người rất thân thiện và dễ gần. Nhà lãnh đạo trẻ nhiều lần được so sánh với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Canada Justin Trudeau.
Ông Kurz hiện chưa lập gia đình. Bạn gái ông là Susanne Thier, nhân viên làm việc tại Bộ tài chính Áo. Cặp đôi được cho là quen nhau từ năm 18 tuổi.
Anh Anh