Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

vendredi, 27 septembre 2019 21:29

Sun Group hay Địa Ngục Tự ?

Qua hai số báo ngày 23 và 25/9, báo Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh đã có loạt bài phóng sự điều tra về hoạt động tàn phá môi trường tại Vườn quốc gia Bà Nà và Tam Đảo của tập đoàn Sun Group. Đó là các bài "Sun Group, Địa Ngục Tự và ma trận chiếm lĩnh rừng quốc gia Tam Đảo" và "Sun Group - "ông trời" không từ trên cao" đã gây dược tiếng vang lớn từ người đọc báo giấy lẫn mạng xã hội và quan trọng hơn cả cho đến nay đã gần một tuần lễ trôi qua những bài báo ấy vẫn còn hiện diện và không hề bị lấy xuống như thường thấy, kể cả sự nhắc nhở từ những người làm công tác kiểm duyệt báo chí.

dịanguc1

Sun Group, Địa Ngục Tự và ma trận chiếm lĩnh rừng quốc gia Tam Đảo

Người đọc báo Việt đã quen với sự cam chịu nên sự việc một tờ báo "Phụ nữ" dám làm công việc khác thường là nêu đích danh một tập đoàn cỡ như Sun Group đã làm họ…thức tỉnh. Nhiều người trong đó có kẻ viết bài nay không tin rằng một tập đoàn như Sun Group lại có thể bị đánh một cách bài bản như câu chuyện mà báo Phụ Nữ nêu ra. Hầu như ai cũng biết các tập đoàn lớn đều được bảo vệ vòng trong vòng ngoài rất chặt chẽ thế nên một bài báo công phu và nhiều bất lợi cho tập đoàn như thế không phải là một việc thường thấy.

Đối với báo chí các nước phanh phui các bí ẩn bất hợp pháp của các tập đoàn kinh tế là công việc bình thường của một tờ báo miễn bài viết ấy căn cứ trên những bằng chứng mà tờ báo có thể chứng minh được và sự việc càng lớn thì thành công của tờ báo càng vang dội. Nó chính là sức mạnh thứ tư của tự do báo chí, sức mạnh ấy không những không tàn phá sự phát triển kinh tế của một quốc gia mà nó còn giúp cho quốc gia tôn trọng nó có thêm sức đề kháng trước những sâu mọt đục khoét tài sản cũng như môi trường mà nhiều nước xem là kẻ thù cần tiêu diệt.

Việt Nam thật ngoại lệ đối với sự phổ quát mà một nền báo chí độc lập cần có. Thật buồn lòng khi phóng viên nhiều tờ báo chưa bao giờ biết viết một bài phóng sự điều tra ra hồn, cái quen thuộc nhất của rất nhiều phóng viên là làm sao câu được độc giả bằng những mánh khóe hết sức thô thiển và vụn vặt. Tâm lý khó tin vào báo chí đã ăn sâu vào nhiều người và vì vậy khi báo Phụ Nữ đăng loạt bài Sun Group thì gần như ngay lập tức toàn mạng xã hội như bật dậy vì ngạc nhiên, vì thích thú và cũng rất nhiều người vì không tin được những gì mà tờ báo đang cố gắng mang đến cho họ.

Yếu tố làm nên điều bất ngờ này là mục tiêu mà báo Phụ Nữ nhắm tới. Nó là một tập đoàn lớn, đang làm mưa làm gió trên mảnh đất Việt Nam. Sun Group không những giàu có, đang bủa vây mọi ngóc ngách của nhiều địa chỉ đỏ của miền Trung nó còn là một vùng đất không thể đụng tới ngay cả nhắc tới với hàm ý chỉ trích cũng bị nhiều tờ báo tránh né. Sun Group đang chứng tỏ sự bất khả xâm phạm của nó bằng nhiều chỉ dấu trong đó có sức mạnh bịt miệng truyền thông như nó thường làm. Sun Group đang từng bước một làm thịt nguyên một vùng đất được xem là thảm thực vật nguyên sinh của quốc gia bằng đồng tiền bất chính thông qua những con người xem pháp luật chỉ là cuốn sổ tay của giám đốc. Sun Group đang bị buộc phải trả lời trước công luận về những hành vi mà nó âm thầm khuynh loát cả một hệ thống để mang tới vùng đất Tam Đảo những ma thuật mà không ai có thể nghĩ ra ngoại trừ những ma tăng, quỷ dữ như cái tên Thích Thanh Toàn của Địa Ngục tự.

Không phải tình cờ mà tờ báo mang câu chuyện Thích Thanh Toàn ở bài đầu tiên. Bởi vì gã ma tăng này là mắc xích mà người phóng viên có được trong lúc vừa đặt chân tới vùng đất mà Sun Group hết lòng phù phép cho mục đích của nó : dùng câu chuyện đơm đặt về tính chất linh thiêng của Địa Ngục tự để chiêu dụ con nhang, chuẩn bị cho hàng triệu người mê muội khác sẽ bị dẫn dắt trong tương lai vào con đường làm giàu cho Sun Group. Những chi tiết dâm dục trơ trẽn mạt hạng của dâm tăng Thích Thanh Toàn đã được nêu lên với những câu chữ không trau chuốt lại như thường thấy trong một bài phóng sự nhằm đánh động sự phẫn nộ của dư luận và cũng cảnh báo trước cho những ai còn nghi ngờ sự phóng đãng của một người tu hành qua ngòi bút của một nữ phóng viên. Những gì được miêu tả vượt lên sự tả chân, lột tả hết tính chất phi nhân không những của riêng Thích Thanh Toàn mà có lẽ nó nói lên được sự thật cả một quần thể người trong khuôn viên mà chúng cùng ký sinh trên vùng đất có tên Sun Group.

Tác giả bài báo đã từng chút một vạch ra những gì mà Sun Group từng làm để nhắm tới Tam Đảo II nơi nó đã thao túng những kẻ có trách nhiệm giữ gìn tài sản quốc gia để làm sạch hàng trăm héc ta rừng chuẩn bị những khu du lịch gọi là khu nghĩ dưỡng cao cấp cho giới giàu có. Rừng là của toàn dân nhưng Sun Group ngang nhiên giật chúng ra khỏi tay nhân dân để giao lại cho những kẻ lắm tiền nhiều của, mà đa phần những đại gia này là ai nếu không phải là những ông chủ của các tập đoàn tương tự như Sun Group. Chúng tạo sân chơi riêng mà trong đó nhân dân chỉ có quyền làm nô công phục vụ cho những ông chủ biết luồn lách, móc nối và thậm chí mua chuộc chính quyền để trở thành CEO, giám đốc, hay phụ tá…

Nhân dân chỉ được đến để đóng góp vào quỹ mê tín để được nghe Thích Thanh Toàn cầu kinh và nếu không may bị hắn nhắm vào thì có thể gia đình tan nát, thân thế tiêu vong.

Cái giá mà tờ báo lẫn phóng viên viết bài sẽ trả là rất lớn. Cái giá ấy có thể là kinh tế, là tiền đồ chính trị của Tổng biên tập hay thậm chí nồi cơm của cả tòa soạn nếu sức mạnh của Sun Group đủ để bứng cả tòa soạn ra đi bằng một lý do nào đó.

Cái giá ấy có thể tràn ngập lên gia đình bé nhỏ của người nữ phóng viên đầy can đảm dám hy sinh cả gia đình mình đề làm một việc mà ít ai dám làm trong hoàn cảnh đất nước hiện nay. Chị là Nguyễn Thu Trang, có thể bị côn đồ hành hung, thậm chí mất mạng khi ra đường. Chồng chị cũng không ngoại lệ nếu Sun Group dám xem pháp luật là của họ. Kinh tế gia đình sẽ bị bao vây và đời sống riêng của gia đình bé nhỏ này sẽ thật sự thay đổi nếu Sun Group bị bài báo đưa vào đường cùng.

Một ngày trước đây vài kẻ dấu mặt đã có hành vi cụ thể đối với gia đình của người nữ ký giả gai góc này. Theo người chủ đất hiện cho gia đình chị thuê tại Xã Tiến Xuân huyện Thạch Thất ngoại thành Hà Nội thì kẻ đến nói chuyện với họ có ý hăm dọa và đề nghị chủ đất không cho gia đình chị thuê nữa. Trên miếng đất nhỏ bé ấy nhà báo mở một quán nhỏ lấy tên là Hồng Cô Quán, bán café và ăn uống cũng như trồng hoa hồng để sinh nhai.

Riêng tờ báo thì hậu quả rõ ràng hơn đó là chấp nhận bị phạt 8% vì chấm dứt hợp đồng đăng quảng cáo của Sun Group.

Tuy Sun Group chưa chính thức lên tiếng nhưng người ta tin rằng họ đang chuẩn bị một cuộc phản công bằng truyền thông bẩn lẫn nhưng bài viết nháp nhúa của đám phóng viên vô lương tâm, tuy nhiên có một điều Sun Group cần hiểu rằng lúc này không phải như thời gian vài năm trước, cư dân mạng rất nhạy bén trước các thông tin mà báo chí đưa ra nhằm tâng bốc hay chê bai Sun Group.

Việc duy nhất mà Sun Group có thể làm là dẹp bỏ ngôi chùa có cái tên rất phản cảm "đia ngục tự" và thay vào đó là những động thái sửa sai, chấp nhận buông bỏ những khu nguyên sinh quý giá của quốc gia và chấp nhận thất bại trong dự án Tam Đảo II để mua lại sự cảm thông của quần chúng.

Càng chứng tỏ sức mạnh vô địch của đồng tiền thì càng sa lầy trước sức mạnh của lòng dân.

Cánh Cò

Nguồn : RFA, 27/09/2019 (canhco's blog)

Published in Diễn đàn

Sun Group và "Chủ nghĩa thân hữu" tại Việt Nam

Diễm Thi, RFA, 25/09/2019

Sun Group lũng đoạn kinh tế, chính trị ở Việt Nam

Sun Group được một nhóm người Việt Nam thành lập tại Ukraine năm 1998. Ngay từ khi thành lập, tập đoàn này đã xây dựng và đưa vào hoạt động trung tâm thương mại lớn nhất của người Việt Nam tại nước ngoài lúc bấy giờ có tên Barabasova, Siêu thị và Văn phòng cho thuê - Sun City, siêu thị thực phẩm đầu tiên của người Việt - Sun Mart, công viên nước trong nhà - Jungle hay khách sạn 4 sao đầu tiên của người Việt - SunLight. Nổi bật nhất là Làng Thời Đại - nơi sinh sống của 300 gia đình người Việt ở Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraine.

sun1

Cầu Vàng ở thành phố Đà Nẵng. AFP

Năm 2007, Sun Group quyết định đầu tư tại Việt Nam và chọn Đà Nẵng là điểm bắt đầu với tiêu chí "Chất lượng và sự khác biệt", hướng tới những sản phẩm mang "Dấu ấn vượt thời gian".

Ngày 14/9/2007, Công ty cổ phần Dịch vụ Cáp treo Bà Nà được thành lập. Hai năm sau, 02 tuyến cáp treo Suối Mơ - Bà Nà, Debay - Morin được đưa vào vận hành, chính thức mở ra khu quần thể vui chơi, nghỉ dưỡng mang tên Ba Na Hills. Đó là dấu chân đầu tiên của Sun Group tại Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, nói với RFA hôm 24/9 :

"Tôi nghĩ đây là cái cấu kết rất mật thiết của các đại gia và những người có quyền có chức. Tất cả những người được gọi là đại gia đó đều đã học được những bài của các nhà tài phiệt Nga sau thời Liên Xô tan rã. Nó cũng lũng đoạn toàn bộ nền kinh tế của Nga, và thậm chí cả nền chính trị của Nga nữa. Đấy là một điều rất là đáng quan tâm ở Việt Nam".

Từ năm 2009 đến năm 2012, Sun Group xây thêm một loạt khu du lịch nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, Novotel Danang Premier Han River, Premier Village Danang Resort…

Ngày 2/2/2016, tuyến cáp treo nối Thung lũng Mường Hoa với Fansipan bắt đầu hoạt động.

Đầu năm 2017, Sun Group đã cho ra mắt thương hiệu mới Sun World quy tụ các hệ thống công viên, tổ hợp vui chơi giải trí của Tập đoàn như Sun World Ba Na Hills, Sun World Danang Wonder, Sun World Halong Complex và Sun World Fansipan Legend.

Theo kế hoạch, từ năm 2017 đến năm 2020, Sun Group sẽ hoàn thành một số sự án nữa như JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay, Premier Village Phu Quoc Resort, Premier Residence Phu Quoc Emerald Bay, MGallery, Khu phức hợp vui chơi giải trí Vân Đồn, Quần thể vui chơi giải trí biển Hòn Thơm, Sơn Trà Ocean Park…

Với sự "bành trướng" trong các hoạt động giải trí, du lịch, Sun Group đã được chính quyền thành phố Đà Nẵng cho phép "phá" núi, đốn rừng, giải tỏa khu dân cư…

Và, một trong những vụ cưỡng chế lấy đất giao cho Sun Group làm dự án, đẩy hàng trăm gia đình lâm cảnh khốn khó cùng hàng chồng hồ sơ khiếu kiện từ năm 2008 đến nay chưa giải quyết xong, là dự án "Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân", nơi có xóm đạo Cồn Dầu tọa lạc ở phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Đình Bông, một người dân nơi đây kể cho RFA biết về câu chuyện đã xảy ra tại xóm đạo Cồn Dầu cuối năm 2018 :

"Lấy đất gia đình tôi, đưa ra giá đền bù là ba trăm năm mươi ngàn đồng/m2 nhưng lại đem ra phân lô bán nền trị giá ba mươi mấy triệu đồng/m2 khiến cho gia đình chúng tôi lâm vào cảnh màn trời chiếu đất".

Ông kể thêm, nguyên gia đình ông trước đây có 4.700 mét vuông đất thổ cư lẫn đất nông nghiệp. Sau đó, ông đã cho nhà nước 3.800 mét vuông đất nông nghiệp, còn lại 900 mét vuông đất thổ cư, nhưng Nhà nước chỉ giao lại cho ông chưa đến 100 mét vuông nên gia đình ông không đồng ý dẫn đến việc chính quyền cưỡng chế đất nhà ông.

Vợ ông Bông kể thêm rằng trước ngày đưa giấy cưỡng chế, chính quyền cho công an đêm ngày tới gia đình bà, họ cứ đi ra đi vào rồi đi quanh nhà bà cho đến ngày đọc lệnh cưỡng chế.

Đó là một trong những "quyền lực" mà Sun Group có được trong việc mở rộng kinh doanh của mình tại Việt Nam mà RFA muốn đề cập đến.

Sun Group luôn bình yên vô sự

sun2

Khu nghỉ dưỡng Olalani của Tập đoàn Sun Group bên sông Hàn - Photo : mytour.vn

Không dừng lại ở việc cưỡng chế đất, Sun Group với những dự án phát triển tại Đà Nẵng được cho là đã tàn phá môi trường thiên nhiên nơi đây một cách "hợp pháp" vì cho đến giờ, tập đoàn này vẫn bình chân như vại.

Tháng 5/2019, chính quyền thành phố Đà Nẵng ra lệnh tạm dừng dự án Marina Complex vì dự án lấn sông Hàn được truyền thông trong nước đăng tải. Dự án này do Công ty trách nhiệm hữu hạn Bến du thuyền Đà Nẵng và Công ty cổ phần Tập đoàn Việt Nam Đà Thành hợp tác đầu tư.

Trong khi đó, dự án khu nghỉ dưỡng Olalani của Tập đoàn Sun Group cũng lấn sông Hàn thì cả chính quyền lẫn truyền thông nhà nước đều im lặng. Nhà báo Võ Văn Tạo từng cho RFA biết :

"Những hãng tư nhân mà làm thiệt hại chung cho quyền lợi xã hội thì ở đâu cũng có, nhưng những năm gần đây do tiến bộ của nghiên cứu khoa học cũng như đấu tranh chống tiêu cực, nhiều dự án tương tự đã phải dừng lại. Riêng dự án của Sun Group lại không bị ra lệnh dừng lại.

Thậm chí tôi có nguồn tin là có ý kiến chỉ đạo dừng lại của thành phố, nhưng họ vẫn làm. Như vậy ta hiểu rằng có một thế lực nào đó rất mạnh đã chi phối việc đó".

Tiến sĩ Nguyễn Quang A thì khẳng định sự câu kết giữa các chính trị gia và những doanh nhân, tập đoàn lớn đầy rẫy ở Việt Nam, và không chỉ có Sun Group mà còn một số những tập đoàn tư nhân khác nữa.

Blogger, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn, người có nhiều bài viết về hoạt động của Sun Group, gọi hiện tượng Sun Group ở Việt Nam là điển hình của ‘Chủ nghĩa thân hữu - Cronyism’.

Theo blogger này, chủ nghĩa thân hữu bè phái là một hiện tượng rất phổ biến trong nhiều quốc gia khác nhau, nhiều nền văn hóa khác nhau trong lịch sử loài người, và biểu hiện phổ biến là sự cấu kết giữa quyền lực và tiền bạc. Tuy nhiên, với những xã hội, thể chế văn minh tiến bộ thì họ biết cách ứng xử, đối phó cũng như giải quyết vấn đề thân hữu để hài hòa giữa lợi ích tư và lợi ích công cộng. Ông phân tích hiện tượng này ở Việt Nam :

"Quyền lực chính trị ở Việt Nam không phân tán mà tập trung lại với nhau. Khi tập trung như vậy thì chỉ cần thứ quyền lực đó tha hóa và cấu kết với những thế lực về tiền bạc thì gần như là nó trở thành một lực lượng quá mạnh trong xã hội mà không ai có thể chế ước được.

Nó khuynh loát toàn xã hội. Như thế thì mức độ lạm dụng quyền lực nó sẽ cao hơn. Đồng nghĩa với nó là chuyện gây thiệt hại cho lợi ích cộng đồng vì lợi ích riêng tư sẽ nghiêm trọng hơn rất nhiều".

Có lẽ mối "quan hệ chặt chẽ" của Sun Group với chính quyền Việt Nam nói chung và chính quyền Đà Nẵng nói riêng không chỉ mình blogger Nguyễn Anh Tuấn nhìn thấy. Nhưng thấy và phản ánh cũng như tìm cách giải quyết lại là các phạm trù xa vời nhau.

Tuy vậy, cách đây 3 ngày, tờ Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh đã có bài viết vạch trần sự thao túng của Sun Group khi tập đoàn này được báo Phụ Nữ cho là đã làm cho núi rừng tan nát, chim muông cỏ cây bị thiêu rụi khi các dự án của Sun Group, từ Vườn quốc gia Tam Đảo đến núi Bà Nà đã phá nát môi trường sinh thái.

Chưa biết Sun Group có suy suyển gì hay không qua loạt bài vạch trần sự thật về cái gọi là "Chủ nghĩa thân hữu" đã được củng cố mạnh mẽ hơn 10 năm nay, nhưng cách đây đúng một năm, tháng 9/2018, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng, ông Đặng Việt Dũng đã gửi thư đến Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt trời (Sun Group) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Tư vấn Thiết kế Kiến trúc và Cảnh quan Thủy Anh (TA Corporation Ltd.) để bày tỏ lời cám ơn vì đã đầu tư, thiết kế, thi công công trình Cầu Vàng trên đỉnh Bà Nà… (!?).

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 25/09/2019

******************

Tiến trình "Cổ phần hóa" ì ạch, vướng đủ đường (RFA, 25/09/2019)

Cổ phần hóa trong 3 thập niên

Việt Nam bắt đầu thử nghiệm cổ phần hóa (cổ phần hóa-từ gọi tắt của việc chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần) trong hai năm đầu của thập niên 90s và chính thức thực hiện kể từ năm 1992 ; đồng thời Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mới đây (24/8/2019) yêu cầu 93 doanh nghiệp lớn trong cả nước phải hoàn thành cổ phần hóa vào cuối năm 2020.

sun3

Tập đoàn Vinashin làm thất thoát 86.000 tỷ đồng và đã bị xóa sổ năm 2013 - Courtesy : tinmoi.vn

Đài RFA ghi nhận trong giai đoạn từ năm 1992 đến năm 2004 có 2.025 doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, nhưng tổng số tiền thu được chỉ khoảng 800 triệu đô la Mỹ (USD). Hoặc, theo tài liệu trên Báo mạng Đầu tư Chứng khoán, 10 thương vụ cổ phần hóa lớn nhất giai đoạn 2005-2011 cũng chỉ đạt 1,4 tỷ USD và sau cổ phần hóa Nhà nước vẫn nắm phần vốn rất lớn của 9 doanh nghiệp quan trọng, số cổ phần bán ra cho tư nhân chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ dưới 10%.

Doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa, nhưng thực chất vẫn do Nhà nước lãnh đạo và nắm số lượng cổ phần hơn 51% thậm chí 80%-90%. Đơn cử trong quá trình đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã bán một phần nhỏ của Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho các nhà đầu tư tư nhân vào năm 2016 và phần vốn nhà nước của ACV vẫn chiếm trên 95%. Tuy nhiên, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ hôm mùng 4 tháng 9, Thứ trưởng Bộ Giao thông và vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết Bộ Giao thông và vận tải vừa có đề án nộp lên Thủ tướng Chính phủ đề xuất mua lại toàn bộ cổ phần tư nhân trong ACV, với lý do là để đảm bảo an ninh quốc phòng.

Sai từ khái niệm

Tại Hội thảo "Kiến nghị quan điểm, phương hướng cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đến năm 2030, kế hoạch 2021-2025", do Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Chương trình Aus4Reform tổ chức vào ngày 23/9, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu rằng cổ phần hóa là một khái niệm hòan toàn mang định hướng xã hội chủ nghĩa, vì đó là "một khái niệm không có liên quan đến khái niệm thông thường của kinh tế học".

Tiến sĩ Trần Đình Thiên đưa ra dẫn giải rằng chỉ cần bán 1% cổ phần thì cũng gọi là "cổ phần hóa xong". Tiến sĩ Trần Đình Thiên khẳng định "Khái niệm cổ phần hóa mà bán 1% thì không liên quan gì đến phân bổ nguồn lực và cũng không dính dáng đến cấu trúc sở hữu". Tiến sĩ Trần Đình Thiên gọi "đó là một động tác giả" và nhấn mạnh Việt Nam sai lầm khi kéo dài việc sử dụng khái niệm cổ phần hóa.

Chúng tôi xin được trích nguyên văn lời bình luận của Tiến sĩ Trần Đình Thiên tại hội thảo vừa nêu vào hôm 23/9 :

"Khái niệm cổ phần hóa có vấn đề. Chúng ta dùng nó để biện minh cho quá trình thay đổi nguồn lực nhưng không làm thay đổi cấu trúc sở hữu. Cấu trúc sở hữu không đổi thì quản trị không đổi, vì thế không thể có thị trường bình thường được. Định hướng xã hội chủ nghĩa đấy !"

Tiến sĩ Kinh tế Ngô Trí Long cũng từng đưa ra nhận định với RFA liên quan khái niệm cổ phần hóa tại Việt Nam :

"Việt Nam khác với các nước, nếu mà nói tư nhân hóa thì dị ứng, có nghĩa là trái với xã hội chủ nghĩa. Cách tư duy như vậy cũng là lỗi thời không đúng".

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia kinh tế-tài chính thì quá trình cổ phần hóa tại Việt Nam bị vướng mắc ngay từ khái niệm :

"Theo ngôn từ xã hội chủ nghĩa dùng từ ‘tư nhân hóa’ là rất kỵ và họ dùng từ cổ phần hóa (Equitization), thay vì nằm trong tay chính phủ thì bán những cổ phần đó ra xã hội, cho những thành phần kinh tế khác. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp được cổ phần hóa, được tái cơ cấu thì tỷ lệ cổ phần của chính phủ vẫn nắm phần lớn. Rất tiếc việc tái cơ cấu rất chậm, nó mang tính chất nhạy cảm nhưng thực tế là các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước không muốn thực hiện việc cổ phần hóa vì muốn giữ vị trí của họ, giữ nồi cơm của họ".

Trong khi đó, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cũng xác nhận trên truyền thông quốc nội rằng tiến độ cổ phần hóa triển khai rất chậm, rất "nhỏ giọt" và ông cho biết nguyên nhân của tình trạng này là do sự thiếu quyết liệt của doanh nghiệp và địa phượng, bộ, ngành.

DMC.cdr

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có nhiều sai phạm. Hai cựu quan chức của PVN Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh bị tuyên án tù. RFA

Không hiệu quả và hệ lụy

Báo cáo của CIEM cho biết Việt Nam đặt mục tiêu cổ phần hóa khoảng 750 doanh nghiệp nhà nước thành doanh nghiệp đa sở hữu trong giai đoạn 2011-2020. Thế nhưng theo đánh giá của CIEM thì Việt Nam vẫn khó đạt được mục tiêu thu hút đầu tư xã hội, do đó mục tiêu của tái cơ cấu là "doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu hợp lý hơn" chưa đạt được.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu giải thích một trong những nguyên nhân chính gây trở ngại cho việc thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam :

"Một doanh nghiệp đã hoạt động hàng chục năm nay rồi, có cả một hệ thống, một cơ chế, bộ máy các đơn vị vận hành, có chân rết có quan hệ mua bán liên quan đến các doanh nghiệp khác. Bây giờ cổ phần hóa có nghĩa cả bộ máy đó phải thay đổi, việc các lãnh đạo của các doanh nghiệp có vốn nhà nước phản ứng ngược lại với kế hoạch của chính phủ cũng là điều tất nhiên. Cuối cùng nó cũng nằm trong cái thể chế của Việt Nam là một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan còn nêu lên một yếu tố đặc biệt quan trọng khác ảnh hưởng đến tiến trình cổ phần hóa, là do :

"Lợi ích nhóm chắc chắn có ở đây. Cả khu vực doanh nghiệp nhà nước cộng lại thì có thể nói cũng là một nhóm lợi ích lớn. Khi họ có lợi ích rất nhiều trong việc được quyền tiếp cận và sử dụng các nguồn lực của quốc gia. Và với cách làm ăn thua lỗ, nó có thể lỗ cho doanh nghiệp nhưng tiền có thể chảy về túi của một số ai đó có quyền lực. Rõ ràng những nhóm lợi ích này họ thích một cơ chế mù mờ như hiện nay hơn một cơ chế dứt khoát doanh nghiệp nhà nước phải đặt dưới sự giám sát của cả xã hội".

Ngoài những phân tích của chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan và Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu về nguyên nhân khiến tiến độ cổ phần hóa ở Việt Nam bị chậm trễ, thì ngay cả một số doanh nghiệp đang trong quá trình thực hiện thủ tục cổ phần hóa cũng nêu những khó khăn, vướng mắc mà họ gặp phải. Trong đó, việc bất nhất về hướng dẫn định giá đất đai, đặc biệt công tác trình duyệt, phê duyệt các thủ tục thoái vốn nhà nước cũng gặp nhiều ách tắc khiến phần đông các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa.

Bên cạnh đó, một số các chuyên gia mà Đài RFA có dịp trao đổi xoay quanh chủ đề về cổ phần hóa tại Việt Nam, đều có đồng quan điểm cho rằng yếu tố quan trọng nhất khiến cho tiến trình cổ phần hóa bị trì chậm và không đạt hiệu quả là bởi vì Chính phủ Việt Nam vẫn duy trì tư duy kinh tế nhà nước là chủ đạo.

Trong Hội thảo vào ngày 23/9, Tiến sĩ Trần Đình Thiên cũng đề cập đến khái niệm kinh tế nhà nước có 2 yếu tố : "Tài sản" và "cơ chế phân bổ". Tiến sĩ Trần Đình Thiên cho rằng cần phải phân biệt rõ ràng "tài sản của kinh tế nhà nước" và "tài sản nhà nước để cho doanh nghiệp nhà nước kinh doanh", cũng như cơ chế phân bổ nguồn lực quốc gia (là tài sản nhà nước) phải được rõ ràng. Tiến sĩ Trần Đình Thiên lập luận nếu như khái niệm đầu tiên không được rõ ràng thì rất dễ bị lạm dụng.

Các vị chuyên gia còn khẳng định Việt Nam không thể chậm trễ hơn nữa về đẩy nhanh cổ phần hóa trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới để nền kinh tế được vận hành theo cơ chế thị trường ; bằng ngược lại thì hậu quả mà nền kinh tế của Việt Nam có thể đối diện giống như lời tuyên bố của nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam-Tiến sĩ Trần Đình Thiên rằng "Đến lúc này mọi thứ đặt ra rõ ràng và có dám nhận diện rõ không thôi. Còn cứ nhắm mắt bảo không có gì rõ ràng thì đất nước này có vấn đề về trí tuệ, không đáng được phát triển".

Nguồn : RFA, 25/09/2019

Published in Diễn đàn