Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mercredi, 29 septembre 2021 22:16

Đổi mới hay bảo thủ ?

Sài Gòn đang bước vào tuần lễ cuối của đợt giãn cách xã hội dài ngày (từ tháng 7 đến nay). Điều đó cũng đồng nghĩa rằng, từ nay đến 30/9/2021, nếu không có sự can thiệp từ bất kỳ đối tượng nào hay áp lực từ phía nào, có lẽ, không chỉ thành phố, mà nhiều nơi cũng sẽ bước sang giai đoạn "bình thường mới".

doimoi1

Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Nhưng không được ra đường, khó khăn khi qua chốt, liệu có được cái gọi là tự do hay không ?

 Những hình ảnh quân nhân, công an, đội ngũ y bác sĩ bận áo xanh đi xét nghiệm xuất hiện cũng "dày" hơn trong hiện tại. Điểm đặc biệt của đợt này, những xe tuyên truyền, thay vì khuyến cáo người dân hạn chế ra đường, chỉ ra đường khi cần thiết, ai ở đâu ở yên đó, thì nay, có nơi, đã phát loa vận động bà con đi xét nghiệm. Tổ trưởng của một vài khu phố gay gắt hơn trong việc kêu người dân đi ‘chọt mũi’. Tất cả dường chừng đều rốt ráo, tập trung xét nghiệm "thần tốc" và diện rộng cho người dân.

Mặc dù được góp ý từ các chuyên gia, mặc dù người dân cũng lên tiếng phản ứng trước việc xét nghiệm diện rộng. Tất cả những ý kiến đó, dường như, được làm ngơ một cách khó hiểu. Khó hiểu đến mức một số người dân cảm thấy khó chịu, trước sự cứng nhắc, đầy bất chấp.

Ngày 23/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính – trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 – đã chủ trì cuộc họp về công tác phòng chống dịch Covid-19, với sự tham dự của các thành viên Ban Chỉ đạo và các bộ ngành liên quan.

Câu hỏi được đặt ra khi "sống chung với dịch", liệu rằng, mọi thứ sẽ trở lại được như lúc trước ? Các chốt sẽ được tháo, sẽ không còn cảnh kiểm soát bằng giấy đi đường hay mã QR ? Sẽ không yêu cầu giấy xét nghiệm âm tính ? Hay chăng "sống cùng với con virus" chỉ là lời nói ? Chỉ cần 1 – 2 ca nhiễm là lại tiếp tục phong tỏa ? Hàng hóa vẫn khó vận chuyển ? Người dân vẫn khó khăn trong đi lại ? Và vẫn chăm chỉ xét nghiệm kháng nguyên ?

Thực tế ghi nhận từ các báo, truyền thông nước ngoài, nhiều quốc gia trên thế giới (Đan Mạch, Nam Phi, Chile, Singapore, Thái Lan…) đã lựa chọn phương pháp sống chung với virus corona trước cả Việt Nam. Số lượng người dân bị nhiễm Covid-19 ở các nước họ, vẫn còn nhiều, nhưng họ vẫn mở cửa, người dân có thể tự do đi lại, tự do tham gia các hoạt động.

Thái Lan – một quốc gia Đông Nam Á, chích vắc xin chậm nhưng họ vẫn mở cửa trở lại Bangkok và các điểm đến nổi tiếng khác cho du khách nước ngoài, cố gắng hồi sinh du lịch. Và ngay cả những lúc gọi là "lock down", họ cũng không nghiệt ngã như Việt Nam.

Thành phố Hồ Chí Minh những ngày qua, phong tỏa rồi siết chặt, với mục đích bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Thực tế như thế nào ? Chỉ tính thời gian từ 23/8-2021, tức là giai đoạn bắt đầu siết chặt với sự hỗ trợ từ quân đội, đến ngày 23/9/2021, số lượng ca nhiễm vẫn không thấp.

Theo thống kê, giai đoạn 1 tháng đó, số lượng ca nhiễm thấp nhất là vào ngày 26/8 với 3.934 ca nhiễm. Sau đó là 23/8 với 4.251 ; 24/8 với 4.627 ; 29/8 : 4.957 ; 4/9 : 4.104 ; 18/9 : 4.237. Những ngày còn lại, số ca nhiễm đều trên 5.000. Riêng ngày 3/9 là 8.499 ca nhiễm.

Vậy thì phương pháp phong tỏa – xét nghiệm có còn đúng và hiệu quả hay không ? Có nên mạnh dạn thay đổi theo cập nhật khoa học, theo chuyên gia cũng như các nước khác ? Hay lại chăm chăm, bảo thủ theo ý kiến, phương pháp của mình, để rồi, người dân lại tiếp tục khổ ?

Ghi nhận, phương pháp truy vết – dập dịch của Việt Nam, thời gian trước, đúng là có phần hiệu quả. Nhưng, ngay cả con virus đến từ Vũ Hán còn liên tục có biến thể, Việt Nam cứ mãi theo cách cũ, quá rõ ràng, là không còn hiệu quả bao nhiêu, trong khi nhiều nước trên thế giới đã thay đổi.

Nếu vẫn cứ duy ý chí, chăm chăm theo cái cũ, áp dụng ở Thành phố Hồ Chí Minh, đi lại khó khăn, công việc đình trệ, người nghèo cơ cực, liệu rằng, ai sẽ đứng ra lãnh trách nhiệm ? Cái ghế Bộ trưởng Bộ Y tế hay ghế Phó Thủ tướng đặc trách y tế ?

Nói theo kiểu của Bí thư Nguyễn Văn Nên : Thành phố Hồ Chí Minh không thể không mở cửa lúc này. Nhưng liệu rằng, thành phố sẽ mở cửa như thế nào, có chịu sự tác động từ ai hay không ? Người dân thành phố có được tự do đi lại, hoạt động hay không ? Lực lượng công an, quân đội có trở về với đúng vai trò và chức năng mình hay không ?

Giờ đây, nhiều người dân đã chấp nhận sống chung với virus corona ; nếu đã chích và nhiễm Covid-19, còn có thể được gói an sinh, gói thuốc đến tận nhà, nhưng nếu đói thì…. Giữa cái lo dịch giã với cái lo mưu sinh, có lẽ, dịch cũng chẳng là gì ( ? !).

Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Nhưng không được ra đường, khó khăn khi qua chốt, liệu có được cái gọi là tự do hay không ?

Ngày "hòa bình" thật sự, sao thấy đầy nỗi lo…

Lê Tự Do

Nguồn : VNTB, 26/09/2021

Published in Diễn đàn

ADB chuẩn thuận gói 60 triệu USD để cải thiện cơ sở hạ tầng cho dân tộc thiểu số miền Trung Việt Nam

RFA, 30/08/2021

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) phê duyệt gói tài chính 60 triệu USD cho hai tỉnh Bình Định và Quảng Nam để giúp tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu qua việc nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông và cấp nước.

vn1

Người Thượng (Việt Nam) tị nạn ở Campuchia năm 2004 - Reuters

Theo thông cáo báo chí đăng trên trang ADB hôm 26 tháng 8, gói tài chính bao gồm khoản vay trị giá 58 triệu USD và hai triệu từ Quỹ Công nghệ cấp cao của ADB.

Dự án nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông và cấp nước cho đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung vào các huyện miền núi nơi nhiều cộng đồng này sinh sống. Cụ thể dự án sẽ nâng cấp 122 km đường theo các tiêu chuẩn thiết kế thích ứng với khí hậu, xây dựng 115 km đường ống cấp nước, và cung cấp dữ liệu thời tiết và khí hậu đáng tin cậy. Dự kiến cải thiện đời sống cho khoảng 243.000 người, trong đó có 126.300 người thuộc các cộng đồng dân tộc thiểu số.

Bà Nguyễn Hồng Anh, cán bộ phụ trách chương trình của ADB ghi nhận rằng "dự án sẽ liên kết tốt hơn các điểm sản xuất ở nông thôn hẻo lánh với các thị trường và cơ sở chế biến cho các loại cây trồng như keo và tăng cường khả năng tiếp cận của người hưởng lợi với các dịch vụ y tế, giáo dục và thị trường".

Ngoài gói tài chính 60 triệu USD từ ADB, dự án được Chính phủ Việt Nam chi hơn 22 triệu USD.

**********************

Bảy ngày tăng cường giãn cách số ca nhiễm vẫn tăng, thu xử phạt gần chín tỷ đồng

RFA, 29/08/2021

Bảy ngày sau khi thực hiện tăng cường giãn cách để kiềm chế dịch Covid-19, thống kê chính thức được công bố ở Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy số ca nhiễm mới trong cộng đồng vẫn tăng với hơn 33,900 ca nhiễm mới, trong khi giới chức thành phố đã xử phạt hơn 6.200 trường hợp vi phạm, thu được hơn chín tỷ đồng.

vn2

Quân đội đưa thực phẩm đến nhà người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 24/8/2021 - Reuters

Bắt đầu từ 0h sáng ngày 23/8, thành phố đông nhất Việt Nam bắt đầu đợt giãn cách xã hội nghiêm ngặt nhất từ trước tới nay trong vòng 15 ngày với yêu cầu "ai ở đâu ở yên nơi đó", nhà cách ly nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố, ấp cách ly với khu phố, ấp… Quân đội được điều động để tham gia kiểm soát đợt giãn cách mới này.

Theo báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, trong họp báo vào ngày 29/8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 cho biết, trong bảy ngày qua, thành phố đã lập biên bản đối với 6.296 trường hợp vi phạm quy định giãn cách và xử phạt với tổng số tiền là 8 tỷ 869 triệu đồng.

Thành phố cũng tiến hành xét nghiệm Covid toàn bộ người dân vùng đỏ và vùng cam (tức là vùng có nguy cơ lây nhiễm cao, khu cách ly, phong toả) với 1,7 triệu mẫu, trung bình mỗi ngày phát hiện 4.740 ca F0.

Cũng theo giới chức thành phố, trong tuần qua, thành phố đã chuyển hơn 960.000 túi an sinh đến thành phố Thủ Đức và 21 quận huyện. Hơn 20.000 chủ nhà trọ đã miễn giảm tiền thuê phòng cho 273.728 phòng, với số tiền hơn 158 tỷ đồng. Mặt trận Tổ quốc đã đã cấp 4.650 giấy đi đường cho các tổ chức, cá nhân tham gia công tác thiện nguyện, hỗ trợ các khu cách ly, bệnh viện và người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Trên mạng Facebook ở Việt Nam các ngày qua cũng liên tục xuất hiện các lời cứu của người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh vì chưa nhận được cứu trợ từ chính quyền trong nhiều tuần qua. Một số người dân nói với Đài Á Châu Tự Do rằng họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống kể từ khi giãn cách do không thể đi làm trong khi trợ cấp thì không có, việc đi ra ngoài mua thực phẩm giờ đây là không thể vì theo quy định họ chỉ có thể trông chờ vào đi chợ hộ.

Ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh nói với báo giới hôm 29/8 rằng trước đây người dân tự đi chợ, dự định mua các món hàng nhưng có khi không đáp ứng được… thì nay người đi chợ hộ khó khăn vô cùng. "Mới chỉ một hộ đã khó khăn, còn bây giờ toàn Thành phố có hơn 2,2 triệu hộ mà chỉ còn 312 phường, xã, thị trấn đi chợ hộ thì sẽ nhiều phát sinh".

********************

Giá thành nông sản giảm do không tìm được đầu ra

RFA, 30/08/2021

Báo nhà nước Việt Nam dẫn thông tin từ Tổ Công tác 3430 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết như vậy ngày 30/8.

vn3

Giá một số mặt hàng nông sản giảm nhiều do việc tiêu thụ nông sản còn chậm so với thời vụ thu hoạch. Điển hình như vụ Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu khiến khoảng hơn 20.000 tấn chuối sắp thu hoạch tại Lai Châu chưa biết bán đi đâu. Ảnh minh họa - Reuters

Tin cho biết, ngoài chuối, giá rau xanh tại Lào Cai cũng giảm 1.000-2.000 đồng/kg, trà tại Thái Nguyên giảm 10-15%. Nhiều nông sản đang trong vụ thu hoạch nhưng không kiếm được đầu ra như 6.500 tấn na, 5.500 tấn nhãn…

Ngoài ra, tiêu thụ gia cầm cũng không mấy khả quan khi giá bán con giống giảm 30-35%, cộng thêm nguy cơ thiếu hụt nguồn trứng gia cầm cung cấp trong nước những tháng cuối năm.

Tổ Công tác 3430 kiến nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương tiếp tục đàm phán với các cơ quan hữu quan của Trung Quốc tháo gỡ lưu thông nông sản, giúp người dân yên tâm sản xuất.

Ngoài ra còn có hàng loạt đề xuất như giảm tiền điện cho doanh nghiệp sản xuất chế biến đang thực hiện "3 tại chỗ", giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất, xây dựng gói tín dụng đặc biệt cho ngành nông nghiệp…

Published in Việt Nam