Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Góp ý bảo vệ "quyền cướp đất" !

Gió Bấc, RFA, 18/03/2023

Các đại án đất đai đang bộc phát như những vết thương trí mạng, các đại gia địa ốc hiện hình là những ma cà rồng hút máu nền kinh tế đến suy kiệt, tướng lĩnh, lãnh đạo đảng từ cơ sở đến trung ương ăn đất nườm nượp vào tù, tất cả đều do quyền cướp đất được thể hiện qua khái niệm mỹ miều "sở hữu toàn dân, nhà nước quản lý đất đai" quái gở của thể chế cộng sản. Để ru ngủ dân Việt, đảng tiếp tục móc túi dân tung tiền sửa luật đất đai nhưng thực chất là gia cố, tăng cường cho quyền cướp đất.

luatdatđai1

Quyền cướp đất được thể hiện qua khái niệm mỹ miều "sở hữu toàn dân, nhà nước quản lý đất đai" trong Hiến pháp và Luật Đất đai

Làm giả dù khéo đến mấy cũng không che mắt được thế gian, huống chi vừa làm gian, vừa làm dối. Hơn một tháng qua, hệ thống chính trị gồng mình lên gân hô hào cho việc lấy ý kiến toàn dân đóng góp cho Luật Đất đai sửa đổi. Lấy ý kiến sâu rộng đến mức Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tổ chức vào ngày 9/3. Cụ thể đối tượng ở đây là học sinh Trường Trung học cơ sở Lương Yên, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (1).

Hình ảnh trên báo chí lề đảng cho thấy những người được lấy ý kiến ở đây là các em thiếu nhi ở tuổi hỉ mủi chưa sạch còn quấn khăn quàng cổ.

Thủ đô ngàn năm văn vật là như vậy, thành Hồ cũng chịu kém, người ta lấy ý kiến của trẻ mầm non. Khi dư luận phản ảnh, ông Khưu Mạnh Hùng - trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh đã đính chính là : "Chúng tôi không lấy ý kiến trẻ mầm non, học sinh tiểu học, học sinh Trung học cơ sở... mà chỉ lấy ý kiến của cán bộ, nhân viên, giáo viên, người lao động của các cơ sở giáo dục trên địa bàn, bao gồm cả cán bộ, giáo viên, nhân viên, chủ các nhóm lớp, nhóm trẻ mẫu giáo, nhóm trẻ mầm non" (2).

Thôi thì cứ cho là lấy ý kiến giáo viên mầm non đi, nhưng thử hỏi với nghề nghiệp, công việc như vậy họ không có cục đất chọi chim, cả đời tay không chạm đất, biết gì mà góp ý ? Mắc gì làm khổ họ cái việc góp ý nghịch đời như vậy ?

Thật ra là Đảng và Nhà nước có cần góp ý gì đâu. Đây chỉ là lấy thêm tấm vải dư luận bịt thêm mắt, thắt thêm họng buộc người dân phải tin, phải xưng tụng là đảng quan tâm, đảng sáng suốt, đảng đúng đắn, cướp đất của dân ăn chia với đám thân hữu lưu manh mang danh là đại gia địa ốc, nhà đầu tư… 

Thời chưa cầm quyền, đảng đã dùng miếng bánh vẻ ngọt ngào "ruộng đất về tay dân nghèo" xúi giục người dân nổi loạn, kích động khối liên minh công nông đổ máu cướp chính quyền cho đãng ngồi chơi lãnh đạo. Khi đã nắm quyền cai trị, đảng hào phóng cho người dân cái quyền ảo "sở hữu toàn dân" và đảng hưởng cái quyền thật là lãnh đạo "nhà nước quản lý đất đai". Người dân cả nước bị tước đoạt quyền sở hữu, quyền định đoạt đất đai đang canh tác dù đất đó do họ tự khai hoang, tạo lập hay là của ông cha truyền lại. Đảng và Nhà nước toàn quyền cấp đất, thu hồi đất bất kể của ai bất kể đất rừng, đất núi, đồng xôi ruộng mật, cả đến bờ sông, mặt biển. 

Cũng từ đó, những bất công ngang trái phát sinh chồng chất. Từ mức độ tham nhũng sơ khai "Mỗi người làm việc bằng ba. Để cho chủ nhiệm xây nhà xây xe" đã tăng dần lên những làng tỉnh ủy, huyện ủy thời cải tạo xã hội chủ nghĩa. Đến thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quyền cướp đất đã sản sinh những con khủng long ăn đất làm nghèo đất nước, gây bao tội ác với nhân dân.

Công thức ăn đất của khủng long đỏ thật đơn giản nhưng tốc độ số lượng thật kinh hoàng. Vay tiền ngân hàng lập dự án, lót tay quan chức để chiếm đất. Lấy đất mới cấp thế chấp ngân hàng, lập dự án lớn hơn, thổi giá đất, vốn dự án lên hàng ngàn lần, bán cổ phiếu ăn chia hàng núi tiền… Chỉ riêng Trịnh Văn Quyết từ năm 2014-2016 đã làm thủ tục tăng vốn điều lệ khống công ty ROS từ 1,5 tỉ đồng lên 4.300 tỉ đồng. Tính đến ngày 24/2/2021, Trịnh Văn Quyết đã bán toàn bộ cổ phiếu ROS mang tên mình và tên 5 cá nhân khác, thu được hơn 6.400 tỉ đồng (3).

Van Thịnh Phát, Trịnh Văn Quyết và đàn khủng long đại gia, quan chức, từ tướng lãnh quân đội đến bí thư tỉnh ỉu, thành ủy càng giàu lên thì đội ngũ dân oan khốn khổ của Thủ Thiêm, Đồng Tâm, Văn Giang… càng đông đảo hơn, bần cùng hơn.

Đòn bẩy cho tội ác, sự giàu có bất lương ấy chính là quyền cướp đất dưới cái tên sở hữu toàn dân nhà nước quản lý về đất đai thể hiện trong Hiến pháp và Luật Đất đai. Nhiều tổ chức, cá nhân đã rất nhiều lần kiến nghị bãi bỏ cái quyền độc ác, cực kỳ nguy hiểm này điển hình là của nhóm soạn thảo và ký kiến nghị 72 về sửa đổi Hiến pháp của các nhân sĩ, trí thức, cựu quan chức như nhà văn Nguyên Ngọc, Thiếu Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Bộ Trưởng Tư Pháp Nguyễn Đình Lộc, cựu Thứ Trưởng Bộ Khoa học Công Nghệ Chu Hảo … đã thu hút hàng vạn người cùng tham gia ký tên. (4)

Tổng Trọng giương cờ chống tham nhũng nhưng khi chạm đến bầu sữa nuôi tham nhũng là quyền cướp đất thì giãy như đỉa phải vôi, quy chụp cho người kiến nghị là phản động, diễn biến hòa bình và dùng mọi thủ đoạn hèn hạ để trù úm. Tác phẩm Đất nước đứng lên Nhà văn Nguyên Ngọc với từng được ví von là Đại cáo Bình Ngô trong chiến tranh chống Mỹ và nhiều tác phẩm khác của ông bị đưa ra khỏi sách giáo khoa.

Góp ý thật, chuyện lợi thật cho đất nước, nhân dân thì bị trù như vậy, đảng lại cho diễn trò hề sửa luật và góp luật đến trẻ thiếu niên, mầm non cho ra vẻ toàn dân hưởng ứng. Vui đáo để là đảng thường tự hào khoe chống tham nhũng không có vùng cấm. Ấy vậy mà việc góp ý cho dự thảo Luật lại bị khoanh vùng, chỉ được góp ý theo đường lối của đảng.

Trâng tráo và lộ liễu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã kết luận tại cuộc họp với Bộ Tài nguyên và môi trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) về góp ý Luật Đất đai sửa đổi là "Đối với các ý kiến trái với chủ trương, đường lối của Đảng, trái Hiến pháp thì không tiếp thu nhưng cần giải trình thuyết phục ; đối với những ý kiến đúng đắn, cần thiết nhưng chưa có kết luận của Trung ương thì có thể nghiên cứu, báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền" (5).

Nhà báo Huy Đức đã đăng một stt trên Fb cá nhân bày tỏ sự thất vọng về trò hề sửa luật mà chẳng sửa cái sai thè lè đã thể hiện suốt 30 năm qua với tựa đề "Đất đai : Luật mới hay văn bản mới".

Kết luận của Huy Đức cũng là sự thất vọng của nhiều người dân Việt "Sau 30 năm thực hiện Luật Đất đai đổi mới, hãy tổng kết thực tiễn để thấy yếu tố "sở hữu toàn dân" hay nội hàm "các quyền sử dụng đất của dân" đã làm thay đổi bộ mặt quốc gia. Hãy phân tích "sở hữu toàn dân" hay "các quyền" của người dân mới là tác nhân chính làm tha hóa đội ngũ cán bộ, tạo ra "cường hào mới" và thách thức lòng tin dân chúng.

Đừng viết lại để có một văn bản luật mới mà không tìm thấy trong đó, cho người dân, những chính sách mang lại quyền lợi mới". (6)

Sự bảo lưu kiên định đặc quyền tai ác cướp đất của dân, bày trò sửa luật, góp ý kiến người dân không còn lừa được ai. Đảng và guồng máy công an còn đảng còn mình chỉ có thể dùng cường quyền trấn áp chứ không thể bưng bít sự thật. Góp ý bảo vệ "quyền cướp đất", thêm một món nợ mới mà tập đoàn cai trị đã vay thêm.

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 18/03/2023

Chú thích :

1. https://danviet.vn/lay-y-kien-hoc-sinh-ve-luat-dat-dai-gay-tranh-cai-202...

2. https://tuoitre.vn/lay-y-kien-tre-mam-non-ve-du-thao-luat-dat-dai-phong-...

3. https://tuoitre.vn/ong-trinh-van-quyet-nang-khong-von-dieu-le-flc-faros-...

4. https://hienphap.wordpress.com/2013/04/17/thong-bao-cua-nhom-soan-thao-v...

5. https://www.sggp.org.vn/y-kien-trai-voi-chu-truong-duong-loi-cua-dang-tr...

6. https://www.facebook.com/Osinhuyduc/posts/pfbid0v5rwAJS1H3Syv6sDkoiKrxnc...

*************************

Đất đai : Luật mới hay văn bản mới

Huy Đức, 09/03/2023

Đọc "tờ trình", lắng nghe "chỉ đạo" của các nhà lãnh đạo, "ý kiến đóng góp của nhân dân" và "phát biểu của các chuyên gia…" tôi cố tìm lý do sửa Luật.

luatdatđai2

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính Tôn Gia Huyên, "tác giả trên thực tế" Luật Đất đai 1993

Quyền sử dụng đất của người dân là tài sản

Về căn bản, quan điểm của "Đảng và Nhà nước ta" với "sở hữu toàn dân" vẫn không thay đổi. Nghị quyết 18 Trung ương V chỉ tái khẳng định tư duy truyền thống này. Tuy nhiên, việc Bộ Luật Dân sự 2015 xếp "quyền sử dụng đất" của người dân vào nhóm "quyền về tài sản" [Điều 115] mang đến khá nhiều ý nghĩa. Điều này, nếu được cơ quan lập pháp nhận ra… thì khi sửa Luật Đất đai sẽ có cách tiếp cận giản đơn và mạch lạc.

Ở bất cứ quốc gia nào thì đất đai cũng tồn tại ở hai dạng : tài sản và tài nguyên. Tài sản bao gồm tài sản công và tài sản tư. Nếu như với tài sản công, nhà nước có thể mua - bán (đấu giá), giao và thu hồi thì với tài sản tư các giao dịch là quan hệ dân sự [mua bán, cho, cho thuê, thừa kế…]. Không thể sử dụng công cụ hành chánh can thiệp vào quyền về tài sản của khu vực tư [trừ khi có tranh chấp thì tòa ra ra phán quyết].

Trong lịch sử của chính thể Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bất cứ khi nào nhà nước sử dụng quyền lực hành chánh can thiệp vào quan hệ tài sản của dân thì nếu chính sách đó không thất bại ngay [như cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, hợp tác hóa…] về lâu dài, sẽ tạo ra nhiều mâu thuẫn, xung đột trong xã hội [quyền thu hồi đất].

luatdatdai3

Nhà nước không phải là chủ sở hữu

Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính Tôn Gia Huyên, "tác giả trên thực tế" Luật Đất đai 1993, nhiều lần lưu ý rằng, đất đai của ta thuộc "sở hữu toàn dân" chứ không phải "sở hữu nhà nước". "Nhà nước thống nhất quản lý" dựa trên những quyền mà Hiến pháp và Luật Đất đai cho phép chứ không phải toàn quyền. Nhưng, lâu nay, nhà nước đang hành xử như chủ sở hữu chứ không phải như "người quản lý".

Hệ thống chính trị cũng như các nhà lập pháp và đội ngũ cán bộ trong các cơ quan hành pháp cũng thường coi trọng quyền của nhà nước hơn coi trọng quyền dân. Điều này không chỉ ảnh hưởng sâu sắc trong quá trình làm luật mà trong cả quá trình thi hành luật.

"Hộ gia đình"

"Kinh tế hộ" ra đời khi hợp tác xã đã phá sản trên thực tế và Đảng và Nhà nước chưa công nhận "kinh tế nhiều thành phần". Mô hình này có tác dụng nhất định ở giai đoạn tiền đổi mới vì những người lao động cầm nắm được sản phẩm mình làm ra, không như "cha chung" hợp tác xã. Bản chất của hộ vẫn là kinh tế tư nhân [hộ gia đình chứ không phải gia đình], ở mức hơn một cá nhân nhưng cũng không phải pháp nhân trong mối quan hệ quyền về tài sản.

Cho dù trên danh nghĩa, "đất đai thuộc sở hữu toàn dân", không phải ai có đất cũng do "nhà nước giao", phần lớn người dân có đất phải bằng nước mắt, mồ hôi và có khi bằng máu.

Trừ khi, nhà nước dùng quỹ đất công giao cho các thành viên trong một hộ gia đình thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới có thể ghi đầy đủ tên các thành viên. Ruộng và đất rừng, đất thổ cư… nếu do một hay vài thành viên trong gia đình "thủ đắc" bằng khai khẩn, sang nhượng, kế thừa… là tài sản cá nhân [của một hay vài thành viên] thì "sổ đỏ" không thể ghi tên các thành viên "ăn theo" trong hộ được.

Mối quan hệ về tài sản của các thành viên trong gia đình [chứ không phải hộ] đã được quy định trong Bộ Luật Dân sự và Luật Hôn nhân & Gia đình. Luật Đất đai đưa vào mà không dựa trên nền tảng các các quan hệ này rất dễ nuôi dưỡng lòng tham, gây ra các xung đột phá vỡ tình cảm gia đình [tranh chấp giữa các thành viên, con cái hư hỏng đòi chia, đòi bán đất để ăn chơi, hút chích…].

Luật có thể cân nhắc bổ sung "quyền tiên mãi" cho các thành viên đã trưởng thành khi người có quyền sử dụng đất trong hộ cần sang nhượng.

Quyền sử dụng đất của các pháp nhân công quyền

Tháng 6/1993, khi Quốc hội thảo luận phần "quyền và nghĩa vụ của tổ chức khi được nhà nước giao đất và cho thuê đất", một số đại biểu đã đặt vấn đề rất đúng khi đề nghị tách bạch các pháp nhân công và pháp nhân tư.

Một đơn vị bộ đội, một cơ quan hành chánh nhà nước khi được nhà nước giao đất có được giao đủ "5 quyền" không khi nhu cầu của họ chỉ là lập doanh trại hay xây trụ sở... Do không đủ thời gian để tranh luận cho đến khi đạt được sự đồng thuận, Luật Đất đai năm 1993 đã giữ lại 3 vấn đề giao cho Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trong đó có vấn đề "quyền của các tổ chức trong nước khi được nhà nước giao đất và cho thuê đất".

Từ một vấn đề thuần túy kỹ thuật lập pháp, sau Đại hội giữa nhiệm kỳ [1/1994], "nguy cơ chệch hướng" được nâng cao, mối lo sợ đất đai tập trung trong tay tư nhân đã chính trị hóa quyền giải thích của Ủy ban Thường vụ. Ngày 14/10/1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh, thay vì tách bạch quyền của các pháp nhân tư, quyền của pháp nhân công [quyền], các tổ chức [kể cả các doanh nghiệp tư nhân] chỉ được quyền cho thuê đất [đất đai dù doanh nghiệp đã mua của ai cũng phải chuyển thành thuê của nhà nước].

Pháp lệnh này đã tạo ra tình trạng đóng băng lần thứ Nhất thị trường đất đai khiến gần hai năm sau, Pháp lệnh 14/10/1994 đã phải sửa một bước. Luật Đất đai 2003, sửa hoàn chỉnh hơn, trao cho "tổ chức" đủ "5 quyền" nhưng không tách bạch pháp nhân tư, pháp nhân công như "ý chí ban đầu của các nhà làm luật" [Trước 2016, chúng ta chứng kiến nhiều trụ sở của các cơ quan nhà nước, doanh trại quân đội… được đem ra bán].

Giao đất và thu hồi đất

Cho dù mãi tới 2015, Bộ Luật Dân sự mới coi "quyền sử dụng đất của người dân là tài sản", Bộ Luật Dân sự 1995 đã coi các quyền của người sử dụng đất là quyền dân sự. Trong khi, "thu hồi quyền sử dụng đất" chỉ là một quyền hành chánh. Sử dụng một công cụ hành chánh can thiệp vào các quyền dân sự, đặc biệt, can thiệp vào quyền tài sản của người dân, không chỉ tạo ra các xung đột pháp lý mà còn tạo ra những xung đột lợi ích, thường là đối kháng.

Việc sửa Luật, vì thế, nên tham khảo "ý chí của các nhà làm Luật Đất đai 1993" để tách bạch các pháp nhân công với pháp nhân tư. Và, nhà nước chỉ sử dụng "quyền giao đất" trong trường hợp lấy đất từ quỹ đất công giao cho các pháp nhân công hoặc giao cho các doanh nghiệp công ích thực hiện chức năng của chúng [xây trụ sở, căn cứ quân sự, trường học, bệnh viện…]. Nhà nước cũng sử dụng quyền thu hồi chỉ với các pháp nhân công, khi những tổ chức này không còn có nhu cầu sử dụng đất theo mục đích ban đầu nữa.

Trong trường hợp, nhà nước cần đất của tổ chức, cá nhân cho mục đích "an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế xã hội…" thì sử dụng quyền "trưng mua" theo Điều 32 của Hiến pháp.

Khuyến khích và tôn trọng các giao dịch dân sự

Không phải trường hợp nào làm dự án cũng được nhà nước thu hồi đất của dân rồi giao cho nhà đầu tư. Các nhà đầu tư, nhất là những người cần đất xây nhà máy, văn phòng công ty đều phải tự mình tìm mua. Nhưng, phần đất mà họ nhận chuyển nhượng đó thường phải chờ nhà nước thu hồi [của người bán] rồi giao [cho họ] trước khi có thể tiến hành đầu tư như dự định. Quy trình này không chỉ kéo dài hàng năm, nền kinh tế phải gánh không biết bao nhiêu chi phí [đánh mất] cơ hội và tiền bạc.

Những hành vi liên quan đến đất đai còn được điều chỉnh bằng nhiều luật khác [như quy hoạch và Luật Xây dựng…] nên Luật Đất đai không nhất thiết phải ôm đồm. Cần tôn trọng và khuyến khích các giao dịch dân sự, nhà đầu tư mua đất chỉ cần công chứng, trước bạ sang tên, trong trường hợp cần thay đổi mục đích sử dụng [từ đất nông nghiệp sang xây dựng] hoặc ở nơi đòi phép xây dựng thì mới cần nhà nước.

Sử dụng công cụ hành chính can thiệp vào các quan hệ dân sự [áp dụng thủ tục thu hồi đất rồi giao đất ở những dự án doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của dân] không chỉ vi phạm các nguyên tắc pháp lý mà còn mở ra cơ hội cho các quan tham nhũng nhiễu.

Văn bản mới hay luật mới ?

Sửa Luật, nhất là những luật chịu ảnh hưởng rất lớn từ ý thức hệ như Luật Đất đai, thường bắt đầu từ hai lý do : Đảng và Nhà nước thay đổi quan điểm và chính sách [có thể dẫn đến sửa đổi toàn văn như Luật Đất đai 1993] ; Nhận ra những vướng mắc trong thực tiễn phải sửa luật để tháo gỡ [sửa một số điều cụ thể như Pháp lệnh 27/8/1996 sửa Pháp lệnh 14/10/1994].

Nếu không sửa luật vì quan điểm của "Đảng và Nhà nước" đã thay đổi trên nền tảng tư duy hiện đại [sửa toàn văn] thì phải tìm đúng những vướng mắc trong thực tiễn do từng "quy phạm" gây ra để điều chỉnh ngay từ những "quy phạm" ấy. Không có tư duy mới, không có cách tiếp cận mới, không biết luật thực sự cần gỡ cái gì… mà sửa toàn văn thì rất khó lấy ý kiến dân, không biết thảo luận đâu cho đúng trọng tâm. Có đưa ra trước các phiên họp toàn thể thì lại chỉ bàn câu chữ như "tập làm văn" chứ không phải là làm luật.

Không có chính sách nào tác động sâu sắc đến đất nước như chính sách đất đai. Năm 1988, gần như cả nước "thiếu ăn", 3,6 triệu người đói gay gắt, "có nơi xuất hiện người chết đói" cũng vì chính sách đất đai. Năm 1989, xuất khẩu 1,4 triệu tấn gạo cũng nhờ chính sách đất đai sửa đổi [Khoán 10].

Sau 30 năm thực hiện Luật Đất đai đổi mới, hãy tổng kết thực tiễn để thấy yếu tố "sở hữu toàn dân" hay nội hàm "các quyền sử dụng đất của dân" đã làm thay đổi bộ mặt quốc gia. Hãy phân tích "sở hữu toàn dân" hay "các quyền" của người dân mới là tác nhân chính làm tha hóa đội ngũ cán bộ, tạo ra "cường hào mới" và thách thức lòng tin dân chúng.

Đừng viết lại để có một văn bản luật mới mà không tìm thấy trong đó, cho người dân, những chính sách mang lại quyền lợi mới.

Huy Đức

Nguồn : Fb.Osinhuyduc, 09/03/2023

Additional Info

  • Author Gió Bấc, Huy Đức
Published in Diễn đàn

Tại một hội nghị về nông nghiệp diễn ra vào cuối tháng 7/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng rằng trong 10 năm nữa nông nghiệp Việt Nam sẽ nằm trong số 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới. Vì sao nông nghiệp Việt Nam không phát triển trong thời gian qua mặc dù có điều kiện rất tốt để phát triển ?

Việt Nam bổ sung thêm rằng hiện nay Việt Nam có chính sách hạn điền, tức là giới hạn diện tích sử dụng đất cho một đơn vị kinh tế là 5 hectare mà thôi, cho nên việc tập trung lớn đất canh tác là không thực hiện được.

Trong một bài phân tích đăng trên trang mạng Viet-studies, nguyên Bí thư tỉnh ủy Tỉnh An Giang là ông Nguyễn Minh Nhị, cho rằng nguyên nhân cản trở nông nghiệp Việt Nam phát triển, không phải là không có những kỹ thuật mới, điều ông gọi là lực lượng sản xuất, mà là cách thức quản lý và luật lệ, điều ông gọi là quan hệ sản xuất.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận xét :

"Ý kiến của anh Nguyễn Minh Nhị là rất đáng chú ý vì anh ấy là người rất có kinh nghiệm, và nhất là điều đó phản ảnh thực trạng hiện nay tại Đồng bằng Sông Cửu Long, bởi vì thực ra hiện nay công nghệ từ nước ngoài như Israel, Nhật Bản,… rất là sẵn sàng, nếu bây giờ mà bảo đảm được quyền tài sản hợp pháp, quyền sử dụng đất đai lâu dài thì đó là một đột phá lớn, giúp người nông dân đầu tư nhiều hơn vào đất, doanh nghiệp đầu tư hơn nhiều vào nông nghiệp, thì nông nghiệp Việt Nam sẽ cất cánh và có những bước đột phá mới".

Trong những luật lệ về đất đai hiện nay, quan trong nhất là hiến pháp Việt Nam, và bên dưới nó là Luật đất đai xem rằng người dân không có quyền tư hữu về đất đai.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói tiếp :

"Đúng là quyền sở hữu về đất đai đang là một cản trở. Theo Hiến pháp Việt Nam thì đất đai là sở hữu toàn dân, nhưng toàn dân là ai ? Toàn dân không phải là một pháp nhân. Thực chất là chính quyền có quyền sử dụng đất. Thực ra là người nông dân không có quyền sở hữu đất nên việc sử dụng đất, đầu tư vào đất để cho đất mầu mỡ trong rất nhiều năm là rất hạn chế".

Theo nhiều nhà quan sát thì chính quan niệm sở hữu đất đai toàn dân này, không chỉ gây trở ngại cho sản xuất nông nghiệp, mà còn tạo điều kiện cho các viên chức tham nhũng, các công ty lớn, nhân danh sự phát triển, nhân danh nhà nước, lấy đất của nông dân với giá rẻ mạt rồi phân lô bán nền nhà cho phát triển đô thị hay phát triển công nghiệp với giá rất cao. Việc này gây ra những đoàn nông dân mất đất biểu tình khắp nước, cũng như những xung đột đôi khi dẫn đến đổ máu.

Tuy nhiên theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn thì mặc dù trên hiến pháp đất đai vẫn còn là của chung, nhưng quyền sử dụng đất đã được nhìn nhận như là một quyền tài sản, và vì vậy theo ông trước mắt là vẫn có thể tạo sự thay đổi nếu ban hành các luật và qui định để quyền tài sản này được tôn trọng khi việc sửa đổi Luật đất đai của Việt Nam được tiến hành sắp tới đây :

"Làm thế nào để cho việc mua bán sử dụng quản lý đất đai như là một loại hàng hóa đặc biệt. Tôi nghĩ đấy là một hướng tốt, còn việc chúng ta sẽ tính đến chuyện sở hữu đất đai hay không thì vẫn còn tranh luận, thảo luận trong thời gian lâu dài".

Việc tranh luận này đã bắt đầu hầu như ngay sau khi Việt Nam bắt đầu cải cách kinh tế vào năm 1986. Đỉnh cao của cuộc tranh luận đó là bức thư của 72 nhân sĩ trí thức Việt Nam gửi đến Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2013 yêu cầu công nhận quyền tư hữu về đất đai trong hiến pháp, bên cạnh các quyền sở hữu nhà nước và tập thể.

Kiến nghị đó đã bị bỏ qua, và cuộc tranh luận tại Việt Nam về quyền sỡ hữu đất đai vẫn đang tiếp diễn.

Kính Hòa

Published in Video