Đại dịch phơi bầy nhiều bí mật quốc gia
J.B. Nguyễn Hữu Vinh, RFA, 05/04/2020
Đại dịch Virus Vũ Hán gây ra đã tạo nhiều sự thay đổi, đảo lộn cuộc sống thường ngày của mọi người dân không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới.
Hình minh họa Áp phích cổ động chống dịch Covid-19 ở Hà Nội hôm 2/4/2020 - Reuters
Chỉ trong chưa đầy một tuần trên mạng xã hội và dư luận Việt Nam khá choáng váng và xáo trộn bởi những văn bản do cơ quan công quyền Việt Nam đưa ra.
Ngày 23/3/2020, Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh ra văn bản khẩn số 2285/STNMT-CTR do Phó Giám đốc Sở Nguyễn Thị Thanh Mỹ ký với nội dung chuẩn bị tinh thần cho việc ứng phó khẩn cấp với dịch do corona Virus gây ra.
Văn bản có đoạn nguyên văn như sau : "đặc biệt, với hình huống cần phải hỏa táng các bệnh nhân nặng nhiễm virus covit-19 có thể tử vong" .
Văn bản đã làm cho cả cộng đồng hoảng hốt. Bởi hiểu theo ngôn ngữ Việt Nam thông thường, thì đây là văn bản xác nhận kế hoạch thiêu sống người bị bệnh nặng do nhiễm virus có thể tử vong, nghĩa là hỏa thiêu khi còn sống ?
Khi văn bản này được đưa lên mạng xã hội, ngay lập tức đám Dư luận viên - thường được cư dân mạng gọi là "Bò đỏ" - đã lập tức được lệnh nhảy vào các diễn đàn, các trang cá nhân đưa văn bản này lên và phủ nhận văn bản này có thật, rằng đây chỉ là fake news, là sản phẩm của photoshop từ đám phản động hoặc thế lực thù địch…
Công văn của Sở Tài nguyên và môi trường, Thành phố Hồ Chí Minh J.B. Nguyễn Hữu Vinh
Đám dư luận viên, "bò đỏ" bằng những lời lẽ hết sức thô tục và dùng đủ mọi thứ bẩn thỉu, rác rưởi để chửi bới trên mọi diễn đàn theo một giọng thường thấy mà đám này rất đặc trưng.
Rằng thì là văn bản mà lại viết "hình huống" rồi "covit-19" thì đúng là loại ngu xuẩn, vô học và không có nhận thức xã hội, làm gì có chuyện làm cán bộ nhà nước đến chức Phó giám đốc sở mà trình độ lại như thế được. Học sinh lớp 3 nó cũng đã biết viết đúng chính tả chứ chưa nói đến cán bộ, lại là Phó giám đốc Sở của cả Thành phố lớn như Sài Gòn…
Rằng thì là văn bản này được photoshop rõ ràng, ai tinh mắt sẽ nhận thấy và chỉ có loại phản động mới làm nên văn bản này, đích thị là phản động mới làm ra thứ đó để chứng tỏ mình phản dân, hại nước chứ người có lương tâm ai lại dám nói đến việc thiêu sống cả người bệnh.
Rằng thì là rõ ràng đây không thể là một công văn được cơ quan nhà nước ban hành. Bởi vì để ban hành một công văn, ngoài người soạn, người duyệt, người đánh máy, kiểm tra, rồi ngược trở lại người ký, đóng dấu… Đủ các thủ tục dài lòng thòng với bao nhiêu người mới có được một cái công văn thì không thể để sai sót được, nếu sai sót thế thì hóa ra cả cái Sở Tài nguyên và môi trường của một thành phố lớn thế mà ngu cả lũ à ?
Nhiều người, nghe đám bò đỏ bằng mọi cách phân bua, phủ nhận, thậm chí còn vẽ chỗ nọ, bôi chỗ kia trên văn bản để chứng minh sự dốt nát của người làm văn bản… thì cũng hoang mang cho rằng đây là văn bản giả chăng ?
Thế rồi ngày hôm sau, Sở này có văn bản thu hồi văn bản nói trên. Rồi sở này cùng với Sở Văn Hóa -TTTT phải tổ chức họp báo thanh minh thanh nga rằng là có sai sót.
Công văn của Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh Blogger J.B. Nguyễn Hữu Vinh
Ngày hôm sau nữa, Ủy ban thành phố có văn bản số 2537/VP-TH phê bình Sở Tài nguyên và môi trường về văn bản 2285/STNMT-CTR và yêu cầu kiểm điểm, kỷ luật…
Đến khi đó, đàn "bò đỏ" của tuyên giáo im bặt hoặc trở giọng rằng thì là cứ nhăm nhe vào những sai sót của cơ quan nhà nước để chê bai…
Nhưng, cũng đến khi đó, thì mọi người đều công nhận những nhận xét của đám "bò đỏ" rằng là đứa làm ra văn bản vừa ngu, vừa kém, vừa thiếu học lại phản động chống lại nhân dân thật sự.
Như vậy, chỉ vì một văn bản của một Sở rất lớn ở một thành phố rất to, mà cả một hệ thống đã mất đến mấy ngày loay hoay từ ban hành, thu hồi, họp báo rồi cả UBND Tp ra văn bản phê bình, chỉ đạo…với bao nhiêu giấy bút, báo chí và thời gian ngay giữa lúc dịch đang tăng từng ngày.
Tưởng rằng việc đó cũng chỉ là họa hoằn, là sơ hở không nên có, dù có bị cho là thiếu học, thiếu hiểu biết và văn hóa thấp… thì cũng chỉ xảy ra ở một cấp Sở của Thành phố.
Nhưng không.
Ngày 31/03/2020, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký chỉ thị số 16/CT-TTg về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Văn bản này lại một lần nữa gây hoang mang dư luận khi viết rằng : "Thực hiện cách ly toàn xã hội 15 ngày từ 0 giờ ngày 1 tháng 4 trên phạm vi toàn quốc với nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh"…
Đồng thời văn bản này "yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết…".
Cùng với việc ra chỉ thị, là hệ thống báo chí bắt đầu lăng xê đến mức cao nhất.
Đọc văn bản này, người ta không thể hiểu cụm từ "cách ly toàn xã hội" nghĩa là gì ?
Theo định nghĩa của tiếng Việt mà mọi người đều hiểu, thì "Cách ly" là "Để ở nơi riêng biệt, không cho tiếp xúc với người khác".
Theo đúng nghĩa này, thì người ta có thể cách ly một người, một số người hoặc một địa phương… nhưng "Cách ly toàn xã hội" thì không rõ cách ly xã hội này với cái gì ? Hay đưa toàn xã hội loài người đi cách ly với loài động vật, trâu ngựa ?
Mặt khác, cái yêu cầu "chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết…" đã làm cho người dân không thể định nghĩa được như thế nào là "thật sự cần thiết". Bởi mỗi người đều có những việc khác nhau, và sự cần thiết thì đối với mỗi người, mỗi hoàn cảnh khác nhau có sự cần thiết khác nhau không thể đánh đều và điều này cần thiết với người này, chưa hẳn đã cần thiết với người khác. Thế là, mỗi người định nghĩa "cần thiết" theo một cách.
Thế rồi khắp nơi bắt đầu thực hiện chỉ thị của Thủ tướng. Có điều là mỗi nơi thực hiện một cách khác nhau theo cách hiểu của mình.
Có nơi đổ đất đá, làm hẳn một con đê ngang đường quốc lộ, đường vào huyện, xã, có nơi rào hàng rào dây thép gai kiểu "rào làng chiến đấu". Có nơi lập trạm, chốt chặn người và xe cộ đi lại, lưu thông… Thế là tất cả mọi cuộc đi lại, lưu thông đều bị ngăn chặn, thậm chí cả người đi bệnh viện cũng hết đường.
Đồng thời, lực lượng bảo vệ, công an được huy động tối đa và họ thả sức hành động theo cách hiểu biết và suy nghĩ vốn hạn hẹp của mình mà suy diễn từ văn bản Chỉ thị của Thủ tướng.
Nghĩa là tất cả mọi nơi đều thả sức suy diễn và hành động theo ý thích của mình và người dân thì cứ vậy mà chấp nhận, dù cái định nghĩa kia cả người thực hiện lẫn đối tượng đều không hiểu Thủ tướng định nói gì.
Chính vì vậy, nhiều điều hết sức hài hước và làm dư luận ngày càng hoang mang, xã hội hỗn loạn.
Cũng vì thế, chỉ trong mấy ngày sau đó, văn phòng chính phủ lại phải lên đài truyền hình và báo chí giải thích rằng cái này được cái kia thì không, rằng ý thủ tướng thế nọ, còn cái kia không đúng ý thủ tướng…
Và đất nước cứ như một trò hề mỗi người diễn một vở mà chẳng ai hiểu ai.
Thế rồi 5 ngày sau, lại chính Văn phòng Chính phủ lại có văn bản Văn phòng số 2601/VPCP-KGVX để hướng dẫn thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Có thể nói rằng, với một cơ quan ở thành phố, cán bộ ra văn bản mà đám "bò đỏ" xác nhận rằng như vậy chưa đủ trình độ lớp 3 thì đã đành là hiện tượng phổ biến. Nhưng đến Thủ tướng mà nói một câu, ra một văn bản để cả xã hội không thể hiểu được, dẫn đến việc loạn, thì quả là… bó tay.
Và thế là trên mạng Internet, nhiều người đã phải khuyên Thủ tướng rằng : Có lẽ với trình độ Thủ tướng mà như thế, thì ngoài các ban, bệ cần thiết để soạn thảo văn bản, tham mưu đủ mọi mặt thì cần thêm một Ban tham mưu về ngôn ngữ nữa mới đủ.
Có lẽ, không phải điều này ông Thủ tướng không nghĩ đến. Nhưng điều này thật khó, vì người ta có thể tham mưu nhiều thứ, nhưng với trình độ "Cờ Lờ Mờ Vờ" như câu chuyện vẫn truyền miệng về Thủ tướng, thì quả lá rất khó có ai tham mưu cho được.
Và để khắc phục những điều đó, là việc ngoài khả năng của các quan chức cộng sản ngày nay.
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng của nhà nước, thì đến nay, con virus Vũ Hán chưa giết chết người nào tại Việt Nam, nhưng nó đã giết chết khá nhiều uy tín chính trị cũng như bộc lộ trình độ của nhiều người vì nó đã làm lộ nhiều "Bí mật quốc gia".
JB Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 04/04/2020
******************
Tình trạng đổ đất ngăn đường, cấm ra vào địa phương một cách tùy tiện của các tỉnh/thành phố là do trình độ đọc và hiểu của quan chức địa phương về Chỉ thị số 16, dẫn đến việc thực hiện theo cách nào cũng không sai.
Đại dịch Covid-19 đang diễn ra và ngay sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chỉ thị số 16 vào ngày 31/3/2020, về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 (2), thì bất ngờ xảy ra việc mỗi địa phương ‘tùy hứng’ thực hiện các nội dung trong chỉ thị này. Sự ‘tùy hứng’ đến mức ‘tùy tiện’ đã khiến đến ngày 3/4/2020, văn phòng Chính phủ phải có một "hỏa tốc" Công văn số 2601/VPCP-KGVX ngày 3/4/2020 Về việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về phòng, chống dịch Covid-19 (3).
Công văn số 2601/VPCP-KGVX ngày 3/4/2020 về việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về phòng, chống dịch Covid-19
Một vài minh chứng về ‘loạn sứ quân’. Công điện khẩn đóng dấu "hỏa tốc" do Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình - Đặng Trọng Thăng ký ban hành ngày 2/4 gửi các cơ quan, ban ngành trong địa bàn tỉnh để triển khai nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 đã khiến nhiều người hoang mang, lo lắng vì sẽ không được đi vào tỉnh này kể từ 0g ngày 3/4.
Theo đó, lãnh đạo tỉnh Thái Bình căn cứ việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định công bố dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc nên chỉ đạo dừng việc di chuyển người dân từ vùng dịch về Thái Bình kể từ 0g ngày 3/4 đến hết ngày 15/4. Ngoại trừ các trường hợp xe cấp cứu, xe phục vụ việc hiếu hỉ, xe công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất và trường hợp đặc biệt do trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh quyết định.
Như vậy, điều này đồng nghĩa với việc người dân từ các tỉnh, thành khác hiện nay nếu không thuộc các trường hợp đặc biệt nêu trên sẽ không được phép đi vào tỉnh Thái Bình trong khoảng thời gian nói trên.
Ghi nhận trên báo Tuổi Trẻ (4), trong ngày 3/4, tại khu vực ngã tư chợ Hương, quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng, ngay đầu tuyến phố lối đi vào khu chợ Hương cũng là đường tắt được nhiều người dân sử dụng để đi về khu vực huyện Kiến Thụy bị tổ công tác bít lại bằng nhiều vật dụng khác nhau, người có nhu cầu đi qua lối tắt này được yêu cầu di chuyển theo tuyến đường trục chính khác với quãng đường dài hơn.
Ngay cuối tuyến phố Phúc Lộc, phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh, tổ công tác làm nhiệm vụ chốt chặn tại đây cũng yêu cầu người dân đi lối khác vì đường đã bị cấm. Từ ngày 2/4, tại các trạm kiểm soát ở khu vực cửa ngõ ra vào thành phố, tất cả những người điều khiển phương tiện không có lý do chính đáng, không phải là xe chở hàng hóa nhu yếu phẩm hoặc phụ vụ chở hàng hóa theo quy định đều được yêu cầu quay đầu trở lại.
Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, "Các ô tô ngoại tỉnh, người ngoại tỉnh khi tới khu vực chốt kiểm soát cửa ngõ vào Hải Phòng đã bị lực lượng chức năng yêu cầu quay đầu không cho vào thành phố" (5).
"Cách ly toàn xã hội : Hàng loạt phương tiện ra vào Quảng Ninh buộc phải quay đầu" là tựa một bài tường thuật liên quan về Chỉ thị số 16 của Thủ tướng trên báo Thanh Niên (6).
"Trả lời phỏng vấn báo chí ngày 2/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, người phát ngôn của Chính phủ, cho biết liên quan đến chỉ thị 16 của Thủ tướng đã có một số địa phương hiểu và thực hiện sai" - báo Tuổi Trẻ hôm 2/4 có bài viết như vậy trên số phát hành lúc 20g44.
"Một số địa phương hiểu và thực hiện sai" như lời nhận xét của bộ trưởng Mai Tiến Dũng, nếu suy diễn thì có ít nhất 4 trường hợp :
Thứ nhất, trình độ của các vị quan chức đứng đầu những địa phương này - tức chủ tịch và bí thư tỉnh/thành phố, có hạn chế trong đọc - hiểu văn bản mang tính chỉ đạo nội bộ của chính phủ.
Thứ hai, các vị chủ tịch và bí thư tỉnh/thành phố không tin vào ‘liều lượng của toa thuốc 15 ngày’ chống Covid-19 mà Thủ tướng đưa ra. Họ quyết định ‘tăng thêm liều - bốc thêm thuốc’.
Thứ ba, cách diễn đạt của Chỉ thị số 16 mà Thủ tướng ký ban hành thiếu rõ ràng, dẫn đến việc thực hiện theo cách nào cũng không sai.
Thứ tư, trở lại câu chuyện của sách giáo khoa lịch sử lớp 7 dạy cho học trò trung học cơ sở. Sở dĩ xảy ra "Loạn 12 sứ quân" vì : Chưa có sự đoàn kết, thống nhất giữa nhà Ngô với các quan lại trung ương và địa phương. Vì vậy, sau khi Ngô Quyền mất, Dương Tam Kha đã tiếm ngôi. Các quan lại trong triều đình, địa phương phản đối. Sau khi Ngô Xương Văn giành lại ngôi vua thì uy tín của triều đình đã giảm sút, không đủ sức mạnh để thống nhất lại đất nước.
Hệ thống cai trị thiếu chặt chẽ, quan hệ trung ương - địa phương lỏng lẻo, các thế lực cát cứ có điều kiện nổi dậy khắp nơi gây ra Loạn 12 sứ quân.
Lâm Viên
Nguồn : VNTB, 05/04/2020
_______________________
Chú thích :
(1) Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2011, Lịch sử 7 (tái bản lần thứ 8), nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, trang 27-28.
(2) Chỉ thị số 16 vào ngày 31/3/2020, về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19
(3)https://moh.gov.vn/web/dich-benh/cac-van-ban-chi-dao-cua-dang-nha-nuoc/-/asset_publisher/zRev3D15XCJB/content/cong-van-so-2601-vpcp-kgvx-ngay-03/4/2020-ve-viec-thuc-hien-chi-thi-so-16-ct-ttg-ve-phong-chong-dich-covid-19
(4)https://tuoitre.vn/nhieu-duong-ngang-loi-tat-tai-hai-phong-bi-chan-de-cam-di-lai/20200403111019065.htm
(5)https://plo.vn/thoi-su/hai-phong-khong-cho-xe-va-nguoi-ngoai-tinh-vao-thanh-pho-902423.html
(6)https://thanhnien.vn/thoi-su/cach-ly-toan-xa-hoi-hang-loat-phuong-tien-ra-vao-quang-ninh-buoc-phai-quay-dau-1204345.html
********************
Dịch Covid-19 ở Việt Nam : Rắc rối chuyện "cách ly xã hội"
Thanh Phương, RFI, 04/04/2020
Tại Việt Nam, nơi mà tính đến hôm nay chỉ mới có 239 người bị nhiễm virus corona gây bệnh Covid - 19, việc chấp hành lệnh "cách ly xã hội" trên toàn quốc đang gặp nhiều rắc rối, do mỗi nơi hiểu theo mỗi kiểu.
Việt Nam ban hành lệnh ''cách ly xã hội'' để phòng dịch Covid-19. Ảnh minh họa : Tại một điểm chờ xét nghiệm nhanh ở bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, ngày 31/03/2020. Reuters - KHAM © AFP - MANAN VATSYAYANA © AFP - MANAN VATSYAYANA
Lệnh "cách ly xã hội" do thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành ngày 31/03/2020, có hiệu lực từ ngày 01/04. Theo chỉ thị mà ông Nguyễn Xuân Phúc đưa ra, cách ly toàn xã hội được thực hiện theo nguyên tắc "gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh".
Ngay hôm sau ngày ban hành chỉ thị, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại giải thích "cách ly xã hội" nghĩa là "giữ khoảng cách trong xã hội", nhưng vẫn duy trì lưu thông hàng hóa và xuất khẩu.
Nhưng cách giải thích không rõ ràng về cách ly xã hội nói trên khiến cho mỗi nơi hiểu theo mỗi cách. Theo vnExpress, một số địa phương ở Quảng Ninh đã đổ đất, cầu bê tông chặn một số tuyến đường để kiểm soát người ra vào, Thái Bình thì không cho người từ địa phương có dịch đi vào tỉnh này.
Chính phủ Hà Nội đã nhìn nhận là một số nội dung của chỉ thị về cách ly toàn xã hội "chưa được hiểu và thực hiện thống nhất". Cho nên tối qua, Văn phòng Chính phủ đã phải truyền đạt ý kiến của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương bãi bỏ ngay biện pháp dừng, ngăn cấm người và phương tiện qua lại do thực hiện không đúng tinh thần "cách ly xã hội".
Tuy vậy, người dân Việt Nam hiện nay được yêu cầu ở trong nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết, như để mua thực phẩm, hoặc đi làm, hoặc trong những trường hợp khẩn cấp. Những người đi ra ngoài đường đều phải đeo khẩu trang, nếu không có thể bị phạt tiền.
Thanh Phương
"Đường dây mối chỉ liên quan vụ mất bản đồ qui hoạch Thủ Thiêm sẽ giúp ông Trọng đưa thêm một số quan chức liên quan trong các mắt xích quyền lực mà Lê Thanh Hải thiết lập và nắm giữ trong các Bộ, ngành liên quan. Phù hợp chiến lược "ném chuột giữ bình" mà ông Trọng đang giữ lợi thế lựa chọn"
Ông Lê Thanh Hải
Khoảng tối lợi ích liên quan Lê Thanh Hải bị bóc dỡ chắc chắn không dừng lại ở Thủ Thiêm, dấu vết ở mảng địa ốc còn nhiều nơi khác. Trong đó vụ bức tử Tổng giám đốc Công ty Phú Mỹ Hưng sẽ hoàn thiện kịch bản "đốt củi" Lê Thanh Hải tương đồng gần như nguyên mẫu vụ án Cốc Khai Lai – vợ Bạc Hi Lai – giết hại đàn em ở Trung Quốc".
Sau chiến thuật đưa Đinh La Thăng với suất ủy viên Bộ chính trị vào ghế Bí thư thành ủy thay Lê Thanh Hải ở thành phố kinh tế lớn nhất nước, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi một nước cờ cao tay một nước diệt hai xe. Sau khi đưa Đinh La Thăng vào tù chỉ sau một thời gian ngắn sau đó, giờ đây, Lê Thanh Hải cùng phe nhóm lợi ích nơi đây xem như đã không còn lối rẽ trước cửa lò mà ông Trọng đã mở. Dư luận đang nóng bỏng các bàn luận xung quanh vụ bản đồ qui hoạch Thủ Thiêm – một khu đô thị đình đám, đóng vai trò điều tiết giá cả thị trường địa ốc toàn thành phố Hồ Chí Minh dưới dự bảo kê, dẫn dắt của Lê Thanh Hải – ông Vua sứ quân thành Hồ.
Nếu nói việc dành cho Đinh La Thăng một ghế trong Bộ chính trị để phe cánh Nguyễn Tấn Dũng yên tâm trở về "làm người tử tế" giúp ông Trọng rảnh tay củng cố quyền lực, chuẩn bị xây lò chống tham nhũng. Sau khi nắm vũng quyền lực, việc kéo Đinh La Thăng vào lò cho thấy chiến thắng này không chỉ giúp ông Trọng chặt cánh tay dài nhất của phe cánh Nguyễn Tấn Dũng còn để lại về mặt chính trị. Nay với khúc củi Lê Thanh Hải, dù đã buộc phải rời khỏi vị trí chính trị nhưng vẫn là sân kinh tế hùng hậu nhất trong các sân của nhóm lợi ích dưới trướng của cựu Thủ tướng Dũng. Từ đây, sau khi diệt được Lê Thanh Hải, ông Trọng sẽ dễ dàng loại bỏ những nhóm còn lại vốn ảnh hưởng quyền lực nhỏ hơn. Thời gian nắm ghế Bí thư thành ủy của Đinh La Thăng không lâu nhưng rất có thể cũng sẽ cho Đinh La Thăng cơ hội "hối cải" bằng những gì có được liên quan phe nhóm Lê Thanh Hải được trình ra, góp công để đưa Lê Thanh Hải vào lò.
Vụ bản đồ qui hoạch khu đô thị Thủ Thiêm bỗng nhiên mất tích ở tất cả mọi cấp từ trung ương tới địa phương, nhìn qua có vẻ đơn thuần chỉ là vấn đề hành chính. Nhưng nó cho thấy thế lực của các phe nhóm lợi ích không chỉ bành trướng và khống chế trong phạm vi quyền lực địa phương mà còn bao trùm cả nền chính trị cao nhất ở trung ương.
Cựu Bí thư thành ủy Lê Thanh Hải không đơn giản là người đứng đầu một thành phố trực thuộc trung ương – nơi luôn là bước đệm cho những nhân sự được dự kiến qui hoạch vào thứ bậc quyền lực cao nhất là Bộ chính trị. Ngay từ những năm 2005, một sự kiện chìm trong vô vàn các bí mật cung đình của chính trị Việt Nam là việc Trung ương từng cử cựu Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng khi đó vào thay thế Lê Thanh Hải (rút ra Hà Nội) nhưng ông Hùng đành nằm chơi xơi nước suốt, dành nửa tháng trời giao lưu với bạn hữu rồi về lại Hà Nội chỉ vì ông Hải… đi Thái Lan không chịu bàn giao.
Dư luận trong giới đỉnh cao thành Hồ khi đó rỉ tai nhau rằng Nguyễn Văn Đua (Ba Đua) lúc này nổi lên cũng là nhằm lăm le cơ hội trong cuộc đổi ngôi. Kết quả là ông Hùng sau đó qua nắm Chủ tịch Quốc hội, Lê Thanh Hải vẫn ung dung tại vị cho đến khi quá tuổi, hết nhiệm kỳ. Bản thân ông Đua sau cuộc đua không thành đã chấp nhận xếp hàng dưới tay của Lê Thanh Hải.
Đây cũng là thời điểm bắt đầu mở màn cho "qui hoạch khu đô thị trung tâm Quận 2", nay là Khu đô thị Thủ Thiêm trong kế hoạch xây dụng chuỗi đô thị Thủ Thiêm-Nhà Bè. Có thể lấy đây là mốc thời điểm liên minh lợi ích giữa Lê Thanh Hải và đương kim Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhóm tụ lại chính thức tung hoành vượt ra ngoài tầm khống chế của Bộ chính trị. Quyền lực ấy có được phần lớn là nhờ vào núi tiền thu được đã vùi lấp mọi ngõ ngách trong Chính phủ và cả Trung ương Đảng. Dẫn đến câu chuyện "không thể kỷ luật đồng chí X" đang dẫn dắt cả chế độ trong hai nhiệm kỳ của Nguyễn Tấn Dũng.
Những sai phạm hoặc những hệ lụy liên quan khu đô thị Thủ Thiêm đã nhiều người, nhiều thông tin nên không cần nói thêm. Nhưng điều ít ai biết là không chỉ bảo kê cho nhóm lợi ích ở phạm vi Thành phố Hồ Chí Minh, Lê Thanh Hải còn phủ bóng lên các tỉnh thành xung quanh khi mà các lãnh đạo các tỉnh thành khác phía nam trong suốt thời gian Lê Thanh Hải đương chức, hầu hết ít nhiều đều phải gõ cửa nhà Lê Thanh Hải để "tham vấn" trong những việc quan trọng, liên quan sinh mệnh trên con đường chính trị hoặc các quyết sách lớn ở địa phương.
Lê Thanh Hải thật sự là một sứ quân, là ông Vua mà ngay cả ông Dũng khi tại vị còn khó nói là ai quyền lực hơn ai. Chỉ dấu về "chứng tỏ quyền lực" giữa Lê Thanh Hải và Nguyễn Tấn Dũng là việc Nguyễn Thanh Phượng – con gái cưng đồng thời là tay hòm chìa khóa của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng – khi bị văng ra khỏi Ngân hàng Bản Việt nhưng ông Hải đã không có bất cứ động thái nào. Khó nói phía sau đó là nước đi tín hiệu trong quan hệ giữa hai nhân vật này, nhưng rõ ràng đã có một chuyển dịch lớn về kinh tế từ Nguyễn Thanh Phượng, đưa Tập đoàn Sun Group nổi lên trong một khoảng thời gian nhanh bất ngờ ở phía Bắc mà dự án cáp treo Phan-Xi-Păng chỉ là một trong vô số kênh đầu tư đình đám của Tập đoàn này.
Đường dây mối chỉ liên quan vụ mất bản đồ qui hoạch Thủ Thiêm sẽ giúp ông Trọng đưa thêm một số quan chức liên quan trong các mắt xích quyền lực mà Lê Thanh Hải thiết lập và nắm giữ trong các Bộ, ngành liên quan. Phù hợp chiến lược "ném chuột giữ bình" mà ông Trọng đang giữ lợi thế lựa chọn.
Khoảng tối lợi ích liên quan Lê Thanh Hải bị bóc dỡ chắc chắn không dừng lại ở Thủ Thiêm, dấu vết ở mảng địa ốc còn nhiều nơi khác. Trong đó vụ bức tử Tổng giám đốc Công ty Phú Mỹ Hưng sẽ hoàn thiện kịch bản "đốt củi" Lê Thanh Hải tương đồng gần như nguyên mẫu vụ án Cốc Khai Lai – vợ Bạc Hi Lai – giết hại đàn em ở Trung Quốc.
Thiên Điểu
Nguồn : VNTB, 06/05/2018