Mạng Bloomberg.com vào ngày 24 tháng 8 có bài đề cập đến mối liên quan giữa dân chủ và kinh tế đối với Việt Nam.
Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tại một tòa án ở thành phố Nha Trang vào ngày 29 tháng 6 năm 2017. Photo : AFP
Bài báo có nhan đề tiếng Anh "In Vietnam, repression threatens growth", tạm dịch "Tại Việt Nam, sự đàn áp đe dọa tăng trưởng" của tác giả Ilaria Maria Sala, mở đầu với các số liệu đáng chú ý của kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây như tỉ lệ thất nghiệp thấp ở mức 2,3%, tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến tăng đều mỗi năm ở mức hơn 6% cho đến năm 2019, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được giải ngân đạt kỷ lục hơn 16 tỷ đô la Mỹ trong năm 2017 và nền sản xuất của quốc gia được cho là đang ‘bùng nổ’ khi nhiều công ty Trung Quốc hoạt động tại Việt Nam .
Tuy nhiên, tác giả Ilaria Maria Sala nhấn mạnh vì thiếu dân chủ nên kinh tế Việt Nam phải trả giá do thể chế chính trị của nhà cầm quyền Hà Nội ngày càng hà khắc hơn trong việc gia tăng bắt bớ cùng các bản án tù nặng nề đối với giới bất đồng chính kiến và đấu tranh dân chủ trong quốc gia chỉ có một đảng cộng sản lãnh đạo.
Tác giả Ilaria Maria Sala trưng dẫn hai bản án gần đây nhất, tổng cộng 19 năm tù giam và 5 năm quản chế đối với blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và nhà hoạt động Trần Thị Nga. Theo khẳng định của tác giả mặc dù chỉ trích từ quốc tế cũng có phần nào tác động đến chính quyền Hà Nội, nhưng tình trạng đàn áp đang đe dọa tiến trình phát triển kinh tế của Việt Nam và Đảng Cộng Sản lãnh đạo cũng nhận thấy điều này.
Trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu viên chức cấp cao của Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam, bị Đức cáo buộc Việt Nam sang bắt cóc đưa từ Berlin về Hà Nội, hồi hạ tuần tháng 7 vừa qua, là minh chứng rõ ràng nhất. Qua vụ việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh mà truyền thông Đức mô tả giống phim gián điệp thời Chiến tranh Lạnh, những ngày đầu tháng 8, Ngoại trưởng Sigmar Gabriel tuyên bố Đức đang cân nhắc các biện pháp trả đũa Việt Nam. Và giới quan sát hầu như tiên liệu Việt Nam không thể ký kết Hiệp định Tự do Thương mại với Châu Âu.
Ngay sau khi vụ việc Đức cáo buộc chính quyền Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh đưa về nước xảy ra, ông Davit Hutt, cây bút chuyên về khu vực Đông Nam Á của tờ Diplomat, đưa ra lời bình luận với RFA qua email rằng vụ việc này sẽ là mối đe dọa đáng kể đối với Việt Nam. Nguyên văn trong nội dung email, ông Davit Hutt viết là :
"Theo tôi, một trong những điều Đức có thể làm là đe doạ cắt giảm viện trợ Việt Nam, và có lẽ Đức sẽ lên tiếng kêu gọi các quốc gia Châu Âu khác cùng làm như vậy. Đức cũng có thể sẽ kêu gọi chấm dứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Và nghiêm trọng nhất, tôi cho đó là chấm dứt Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam".
Trong vòng 10 năm qua, kim ngạch thương mại Việt Nam-EU gia tăng từ 10 tỷ lên hơn 48 tỷ đô la Mỹ. Và nếu Việt Nam không thể đạt được Hiệp định Thương mại Tự do với Châu Âu thì mức GDP của Việt Nam không thể đạt được mục tiêu gia tăng 2,7%/năm.
Tác giả Ilaria Maria Sala so sánh Việt Nam với Indonesia và Philippines trong khu vực Đông Nam Á, cho rằng hai quốc gia sau có dân chủ và đây là yếu tố làm giảm bớt rủi ro trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, trong khi Việt Nam chỉ có thể có thêm nguồn vốn FDA một khi Hà Nội cởi mở hơn trong lãnh vực dân chủ. Bà này sử dụng cụm từ nói một cách khác là "Việt Nam sẽ mất cơ hội cạnh tranh khi gia tăng đàn áp".
Trong khi đó, cựu tù nhân lương tâm-Luật sư Lê Công Định nói với RFA rằng Việt Nam còn bị mất uy tín trên trường quốc tế cả về mặt ngoại giao, đặc biệt liên quan đến cáo buộc nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền. Luật sư Lê Công Định lập luận :
"Bởi vì xưa nay các quốc gia giữ một vị thế độc lập và trung lập trong việc đánh giá. Những người bất đồng chính kiến nói rằng họ bị đàn áp, bị đối xử một cách không hợp pháp bởi nhà cầm quyền. Khi lên tiếng thì các cơ quan ngoại giao nước ngoài lắng nghe. Đồng thời họ cũng lắng nghe phía Chính phủ Việt Nam giải thích về những tố cáo cho là vi phạm nhân quyền".
Luật sư Lê Công Định trình bày tiếp là phía Việt Nam dĩ nhiên bao giờ cũng đưa ra những lời bào chữa cho họ và bác bỏ không có vi phạm nhân quyền. Trong khi đó các nước có một nguyên tắc về phương diện luật pháp quốc tế là không can thiệp vào chuyện nội bộ của quốc gia nào mà không có mối bang giao chặt chẽ với họ. Thường bao giờ các nước cũng giữ sự trung lập. Luật sư Định nêu ra trường hợp Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc là hiển nhiên vi phạm luật pháp một cách có hệ thống. Theo ông thì về sau tất nhiên lời biện hộ của Chính phủ Việt Nam được nhìn bằng cặp mắt nghi ngờ nhiều hơn so với quan điểm trung lập trước đây.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận cả tác giả Ilaria Maria Sala và một số nhà quan sát tình hình Việt Nam mà Đài tiếp xúc đều có cùng nhận định các đối tác thương mại của Việt Nam sẽ đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe hơn trong việc hợp tác nếu như Hà Nội không tuân thủ luật pháp cũng như không cho người dân được tự do ngôn luận. Ngược lại nếu Chính phủ Hà Nội cứ tiếp tục bất chấp lời cảnh báo của thế giới thì có thể kinh tế của Việt Nam sẽ bị tác động hết sức bất lợi.
Hòa Ái
Nguồn : RFA, 25/08/2017