Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thiền sư Thích Tuệ Sỹ viên tịch ngày 24/11/2023. Sự ra đi của ông, gần như rất ít được báo chí chính thức tại Việt Nam nói đến, gây chấn động một bộ phận công luận Việt Nam, kể cả những người lần đầu tiên được biết đến Thiền sư. Thiền sư Tuệ Sỹ là lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cho đến khi ông qua đời.

kyyeu1

Trang bìa cuốn sách "Kỷ yếu tri ân Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ" của Hội Đồng Hoằng Pháp, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (năm 2023) © ảnh chụp màn hình

Tang lễ Thiền sư Tuệ Sỹ, từ ngày hôm qua 25/11 đến ngày 29/11, tổ chức tại chùa Phật Ân, tỉnh Đồng Nai, được cử hành theo nghi thức "Tâm tang", không đọc điếu văn, tiểu sử, không lập sổ tang, miễn phúng điếu, đúng theo Di chúc của Thiền sư.  

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, tục danh là Phạm Văn Thương, sinh năm 1943 tại Paksé (Lào), nguyên quán tỉnh Quảng Bình, xuất gia từ năm 9 tuổi ở Lào. ông trở về Huế, Việt Nam, tu học tại chùa Từ Đàm với Hòa thượng Thích Thiện Siêu. Nổi tiếng với nhiều công trình nghiên cứu, khảo luận về thiền và triết học Phật giáo, năm 1970 Thiền sư được đặc cách bổ nhiệm Giáo sư thực thụ tại Viện Đại học Vạn Hạnh, do Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu (1918-2012) làm Viện trưởng, và là giáo sư trẻ nhất lúc bấy giờ.

Theo trang mạng Giác Ngộ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam , Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ nổi tiếng uyên bác, thông thạo nhiều cổ ngữ lẫn sinh ngữ như Hán văn, Phạn văn, Tạng văn, tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga… Trong gần trọn cuộc đời, Hòa thượng đã dành phần lớn thời gian và tâm huyết cho việc phiên dịch, chú giải, giới thiệu kinh điển đạo Phật. Đối với trang mạng Phật sự online - diễn đàn của Tăng ni Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước - Thiền sư là vị "anh tài tinh hoa dân tộc", "di sản văn hóa, giáo dục mà Hòa thượng để lại xứng đáng làm tư lương cho hành giả và học giả đời sau".

Điều không được truyền thông chính thức tại Việt Nam nhắc đến, đó là Thiền sư Tuệ Sỹ cũng là lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một tổ chức Phật giáo độc lập, không nằm trong số các tổ chức tôn giáo được chính quyền cộng sản nhìn nhận. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành lập năm 1966 dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Sau khi Việt Nam thống nhất, nhiều thành viên ban lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam do chính quyền chủ trương, một bộ phận khác, trong đó có Thiền sư Tuệ Sỹ, tiếp tục cuộc tranh đấu phục hồi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Thiền sư Thích Tuệ Sĩ là một trong 18 thành viên của Hội đồng phiên dịch Tam Tạng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, thành lập năm 1973, tại Đại học Vạn Hạnh, với tôn chỉ "cấp bách" phiên dịch Tam Tạng, tức toàn bộ các kinh điển của đạo Phật sang tiếng Việt. Tù đày, trấn áp không khuất phục được ông. Sau khi đất nước thống nhất, thiền sư bị giam giữ tổng cộng 17 năm (từ 1978 đến 1981 và từ 1984 đến 1998). Năm 1988, ông bị chính quyền kết án tử hình cùng với thiền sư Lê Mạnh Thái về cáo buộc âm mưu "lật đổ chính quyền nhân dân" (án tử hình được giảm xuống chung thân, rồi 10 năm tù do áp lực quốc tế). Thiền sư Tuệ Sỹ bị bắt trở lại vào năm 1984, khi ông đang cùng Thiền sư Lê Mạnh Thát biên soạn bộ Bách Khoa Phật Học Đại Tự Điển. Trong thời gian ít năm trước khi mất, dưới sự thúc đẩy của Thiền sư, đầu năm 2023, một phần của bộ "Thanh Văn Tạng", chứa đựng các giáo điển cơ bản trong 45 năm thuyết pháp của Đức Phật, với 29 quyển đã được ấn hành (xem thêm Tâm thư 2022 của Hội Ấn hành Đại Tạng Kinh Việt Nam  - Hội đồng Hoằng pháp thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất).

Thiền sư Tuệ Sỹ ra đi cũng để lại một di sản văn chương cùng niềm tin đạo Phật phục hưng ở Việt Nam. Trả lời RFI Việt ngữ, nhà văn Dạ Ngân, từ Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ cảm nghĩ của bà về sự ra đi của Thiền sư :

Dạ Ngân : Tôi chưa đọc cuốn nào của Thầy. Nhưng nói về việc tôi biết Thiền sư thì tôi ngắm ông nhiều. Khi ông xuất hiện ở đâu trên mạng, hay có ảnh gì đó, tự dưng tôi cứ muốn ngắm ông. Con người nó khiến cho mình phải ngắm. Rồi mấy ngày hôm nay, mới đọc được rất nhiều thơ của ông. Bạn bè trích, bạn bè đưa gần như toàn bộ cuộc đời lận đận của ông. Thì mình mới không ngạc nhiên là, thứ nhất là cuộc đời như vậy, thứ hai là thơ hay như vậy, và một cái tuổi già ở ẩn tư thế như vậy, cho nên đúng như bạn bè nhận định là một "cọng lau nằm xuống mà rung chuyển đại ngàn". Không có gì diễn tả hay hơn, mấy câu đó của ai thì mình không nhớ.

RFI : "Rung chuyển đại ngàn" nghĩa là thế nào ?

Dạ Ngân : "Rung chuyển đại ngàn" tức là Rung chuyển cảm xúc. Mình cảm nhận được cái rung chuyển cảm xúc của toàn cõi mạng Việt Nam cơ. Mình có 4.900 bạn bè thôi, nhưng chưa bao giờ mình thấy là chưa bao giờ là ai cũng tìm cách nói về ông, về cảm xúc mấy dòng, hoặc là trích mấy câu thơ của ông. Có những người hiểu biết nhiều từ lâu rồi, họ viết những bài chia sẻ. Bài nào cũng hay, được chia sẻ rộng rãi. Mình nghĩ là không ai bảo ai, mà tại sao có một nghĩa cử văn hóa như vậy. Hóa ra là ông nổi tiếng từ rất sớm, những người bạn của mình như là chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, cựu giáo chức Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn, hay là chị Vũ Kim Hạnh, cựu tổng biên tập báo Tuổi Trẻ. Mình đọc mình mới biết là các chị từng được học Đại học Vạn Hạnh. Những lời của những người đó hay quá, cứ nâng cái cảm xúc của mọi người lên, bằng rất, rất, rất nhiều bài viết hay về ông. Mình chưa bao giờ được cảm nhận trên mạng toàn những bài viết hay như thế. Mình cùng với mọi người như được bay, được có cánh bay theo ông. Và mình luôn khóc, không biết sao… Mình nghĩ mọi người cũng vậy. Những nước mắt này không phải là tiếc thương, không phải là buồn, mà như là một sự trải nghiệm, trải nghiệm là như được lắng nghe ông, được nghe ông nói, và làm theo cách sống của ông. Nghĩa là sống tối giản, sống cho tri thức, trải nghiệm hành vi, thu mình lại, biết mình là ai, cùng liên kết, lan tỏa với nhau, làm thành một sự lương thiện cho xã hội, đang rất cần lúc này.  

Mọi người như được nghe ông truyền giảng, bằng những bài thơ, bằng những bức ảnh của ông, bằng những câu chuyện về ông. Mọi người như được hành hương đến với một vị chân tu - những vị chân tu, đến với đạo Phật, đã từng tốt đẹp của nước mình, được gột rửa khỏi những điều mình nghĩ chưa được tốt, ở trong lòng mình, trong tâm hồn, trong ham muốn của mình.

RFI : Chị nghĩ gì về thơ của Thiền sư ?

Dạ Ngân : Bây giờ đọc thơ ông nhiều cảm thấy những bài thơ khác, kiểu thơ khác mình không đọc được. Mình thấy thơ ông sao nó hay đến như thế, mà tại sao không được phổ biến mấy, mọi người không biết, không biết mấy. Chữ "hay" này, nhiều người định nghĩa nào là "tuyệt tác", nào là "trác việt", nào là "siêu việt"… mình cảm thấy nó làm một cái thứ rất là cao siêu, cao cả dành cho người. Đọc thơ ông có thể làm thay đổi rất nhiều. Không chỉ đọc những bài, những cuốn sách ông viết hay ông dịch, mà chỉ riêng thơ là có thể thay đổi được.

Có lẽ mình là người yêu thơ, bây giờ thỉnh thoảng đọc thơ Tô Thùy Yên, không thấy hận thù trong ông ấy, dù những câu thơ của ông ấy, sự trải nghiệm của ông ấy kinh khủng, nhưng không thấy uất hận. Rồi bây giờ bên Phật giáo Trời cho mọi người được một vị này, để đọc đi đọc lại. Riêng phần đọc đi đọc lại thơ ông là đáng lắm rồi.

Sự ra đi của ông, người ta nhìn lại, người ta thấy : ồ, đây là một món quà của Trời, chứ không chỉ là của Phật. Trong lúc này, giữa lúc đổ nát, và nhiều cái việc làm cho lòng người hoang mang thế này, thì là như được ngồi bên nhau lại, để nghe, để nghĩ, và để xem mình hành xử như thế nào với cuộc đời của chính mình, và từ đó mà nó lan tỏa những điều vi diệu cho xung quanh. Cái chết của ông như là sự Trời cho Việt Nam, cho một nhân vật này, để thử xem lòng người lúc này có tan hoang như mọi người, như chính mình không. Thì mình thấy là mọi người khi cần, chỉ cần một dấu hiệu thực sự tốt lành, thì mọi người lại tập họp chung quanh nhau, bất kể có đi đạo Phật hay không, bất kể học ít hay học nhiều.

Có những người chưa từng biết ông, chưa từng đọc, người ta nói trên Facebook như thế, thậm chí những người đang hoang mang về đạo Phật, thì người ta nghĩ : Ôi bây giờ còn có một số người, một con người này, thì như vậy thì mình nên tin vào một sự thay đổi chứ. Bây giờ mình mới nhận ra cái công lao vĩ đại của Thầy, bằng cả cuộc đời, bằng trí tuệ siêu việt của Thầy, bằng tình yêu, tình bao la của Bồ Tát của Thầy - người ta dùng chữ "Bồ Tát" cho Thầy nhiều lắm. Gần như là Thầy đang dần phục hưng lại cái đạo Phật ở trong lòng của dân tộc Việt Nam, như nó đã từng vững mạnh và tốt đẹp.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 26/11/2023

Additional Info

  • Author Trọng Thành, Dạ Ngân
Published in Diễn đàn