Tôi đến thành phố Nha Trang lần đầu tiên từ khi còn rất bé. Những năm đó đường Trần Phú còn ngút ngàn dừa và phi lao dọc biển và những dãy phố chủ yếu là nhà hai tầng thấp lè tè. Trong ký ức của mình tôi còn nhớ rất rõ hình ảnh mọi người mỗi buổi sáng lại chạy bộ hoặc đạp xe theo các con phố ra biển để tập thể dục, rồi tắm biển và ăn sáng ở đây rất nhiều. Đàn ông thì mặc quần đùi áo may ô ba lỗ, đàn bà thì mặc đồ ngủ, cứ thế nhảy xuống biển mà bơi rất tự nhiên, sau đó lại để nắng và gió cho khô mà trở về nhà. Cuộc sống lúc đó vô cùng giản dị và thanh bình. Các bạn có thể hình dung khung cảnh đó qua một số bức ảnh quý giá những năm 1960 còn sót lại cho đến ngày nay sau đây.
Người Trung Quốc gom đất ở Nha Trang - Ảnh minh họa
Rồi từ đó cho đến bây giờ cứ vài năm là tôi lại có dịp quay về đây, Nha Trang xưa trong ký ức của tôi cứ thay đổi dần dần và trở thành một nơi rất náo nhiệt.
Hàng chục nhà cao tầng mọc lên sát bờ biển. Hàng trăm khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng nối tiếp nhau chạy dài trên con đường Trần Phú.
Phía xa kia ngoài biển Nha Trang thì khu Vinpearl với hệ cáp treo vượt biển hoành tráng nổi bật rực rỡ ngoài đảo Hòn Tre bất kể ngày đêm, nhưng vẫn nham nhở núi đồi hàng bao lâu nay như vết thương minh chứng cho một thành phố đã hoàn toàn đổi khác vì du lịch.
Trên đường phố hay trong các điểm tham quan, từng tốp du khách nước ngoài, đặc biệt là Nga và Trung Quốc nhiều vô kể đi lại nườm nượp. Các biển hiệu nhà hàng khách sạn thì cũng đầy những dòng chữ tiếng Nga và tiếng Trung để chào đón những vị khách ồn ào này.
Như Hạ Long, Móng Cái, Sapa ở phía Bắc hay Phú Quốc, Đà Nẵng ở phía Nam, Nha Trang ngày càng mất đi nhiều dáng vẻ duyên dáng xưa cũ của nó vì du lịch. Giá nhà đất và các dự án du lịch ở đây đang tăng chóng mặt. Tôi chẳng phải người Nha Trang. Tôi chỉ là kẻ lãng du thỉnh thoảng đến rồi đi. Vậy mà chỉ một chút ký ức có được trong tâm trí về Nha Trang xưa cũng làm cho tôi không khỏi băn khoăn khi nghĩ về tương lai của nơi này. Có nhiều bài báo cũng đề cập về chuyện thay đổi này lắm. Nhưng hầu hết mới chỉ đề cập đến tình trạng hỗn loạn trong quản lý du lịch do sức ép tăng đột biến của lượng du khách đến từ Trung Quốc, Nga... mà chưa có ý kiến nào đề cập sâu xa đến sự yếu kém trong tầm nhìn, trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, trong quy hoạch xây dựng đô thị ở nơi này.
Những người bênh vực sự phát triển xô bồ ở Nha Trang có thể đưa ra lý lẽ rằng, nếu không phát triển kinh tế, không xây dựng cho kịp để thoả mãn nhu cầu của thị trường du lịch, Nha Trang sẽ mất đi nhiều cơ hội thu ngay ngoại tệ, mất đi sự đầu tư của rất nhiều nguồn vốn trong và ngoài nước đổ về đây. Nếu ngày xưa Thái Lan không cho phát triển ồ ạt khu Pataya để phục vụ lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam thì liệu họ có thể có nhiều ngoại tệ để kiến tạo được Thái Lan giàu có và phát triển như ngày nay không v.v... Cách nghĩ này không phải chỉ có trong đầu quan chức, những người có trách nhiệm vạch ra đường lối và tổ chức thực hiện ở tầm vĩ mô các kế hoạch phát triển, mà còn là suy nghĩ phổ biến trong giới trí thức, trong doanh nhân và đại bộ phận dân cư ở tất cả các nơi có du lịch trên đất nước ta. Ai cũng cảm thấy khó chịu đôi chút trước mặt trái của phát triển, xong rồi lại chặc lưỡi cho qua, rồi tiếp tục cùng nhau lao vào công cuộc kiếm tiền.
Tôi không phải là người muốn từ chối sự phát triển. Ai trong chúng ta ngoài mong muốn cuộc sống cá nhân trở nên khấm khá hơn cũng đều mong muốn xã hội phát triển. Nhưng quan niệm phát triển thế nào sẽ vẫn còn là một vấn đề rất nhức đầu. Ai đã từng đi du lịch nước ngoài, bạn sẽ nghĩ thế nào nếu Venice nhung nhúc những con đò nhiều như lễ hội Chùa Hương, hay Paris toàn những khách sạn cao tầng xanh đỏ mọc lên át những công trình cổ có tuổi đời hàng thế kỷ để phục vụ du khách. Phát triển du lịch là điều cần có để xây dựng đất nước. Nhưng phát triển ồ ạt theo chiều rộng, bỏ qua tác động đến môi trường, đến cảnh quan, đến văn hoá... là cách làm nhanh nhất để phá hủy những di sản, vốn là điều làm nên sự độc đáo của bất cứ quần thể du lịch nào. Khai thác nhanh chóng kiểu này không khác gì việc chúng ta lao vào chặt phá gỗ của một khu rừng, không trồng thêm cây mới, không quan tâm đến hệ sinh thái của động vật, của thảo mộc, của vi sinh..., vốn có được từ trước qua quá trình tự nhiên trong hàng triệu năm phát triển. Những thứ đó đã mất rồi là mất vĩnh viễn, không thể nào tái tạo lại được.
Tôi biết đặt ra vấn đề này là động chạm rất lớn đến nhiều bên, cả phía cơ quan quản lý, cả phía doanh nghiệp khai thác du lịch, và cả những người dân đang hưởng thụ sự phát triển ồ ạt này. Nhưng nếu không có sự lên tiếng mạnh mẽ từ nhiều phía, rồi đây những nơi xinh đẹp như Nha Trang, Phú Quốc, Côn Đảo, hay Sơn Đoòng - Quảng Bình và nhiều nơi khác nữa trên đất nước chúng ta sẽ mất dần đi giá trị hấp dẫn vốn có. Một trăm năm nữa, đất nước sẽ còn gì, có gì là phụ thuộc vào chúng ta, những người hiện đang sống ở trên cõi này.
Nguyễn Lân Thắng
Nguồn : RFA, 06/05/2018 (nguyenlanthang's blog)