Thêm cáo buộc quản lí sai trái nhắm vào cựu lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh (VOA, 27/01/2019)
Nguyễn Thành Tài, nguyên phó chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, bị khởi tố về một cáo buộc quản lí sai trái tài sản nhà nước nữa liên quan tới một giao dịch giữa một cơ quan văn hóa của thành phố và một công ty bất động sản, Bộ Công an Việt Nam cho biết.
Ông Nguyễn Thành Tài từng giữ chức phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố từ năm 2011 đến năm 2015. (Hình : Bộ Công an Việt Nam)
Đây là cáo buộc hình sự thứ hai nhắm vào ông Tài, người đã bị khởi tố và câu lưu vào tháng trước vì "vi phạm quy định về quản lí, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" liên quan đến một khu đất "vàng" trên đường Lê Duẩn ở Quận 1 của thành phố.
Thông cáo của Bộ Công an công bố hôm thứ Sáu cho biết quyết định khởi tố được đưa ra vào ngày 18 tháng 1 dựa trên những "tài liệu, chứng cứ" thu thập được trong quá trình điều tra. Ông Tài bị nêu tên cùng với ba cựu quan chức khác của Thành phố Hồ Chí Minh là Trần Nam Trang, phó giám đốc Sở Tài chính ; Nguyễn Thành Rum, nguyên giám đốc Sở Văn hóa thể thao và du lịch ; và Vy Nhật Tảo, nguyên giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ.
Một người khác là Dương Thị Bạch Diệp, Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương, bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thông cáo nói thêm.
"Tài liệu điều tra xác định các bị can đã có hành vi vi phạm quy định về quản lí, hoán đổi tài sản công tại Trung tâm ca nhạc nhẹ thuộc Sở Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh với Công ty Diệp Bạch Dương gây thất thoát và thiệt hại nghiêm trọng đối với tài sản của Nhà nước", Bộ Công an nói.
Bộ không nêu cụ thể giá trị thiệt hại là bao nhiêu hay hành vi vi phạm bị cao buộc xảy ra vào lúc nào.
Các bị can hiện đang bị tạm giam trong khi cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ tiếp tục "điều tra làm rõ, mở rộng vụ án", Bộ nói.
Ông Nguyễn Thành Tài từng giữ chức phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố từ năm 2011 đến năm 2015. Ông Vy Nhật Tảo là một nhạc sĩ được biết tiếng với một số bài hát quen thuộc với công chúng như "Yêu nhau ghét nhau" và "Chuyến đò quê hương".
********************
Cựu phó chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh bị khởi tố thêm tội danh (RFA, 25/01/2019)
Nguyên phó chủ tịch thường trực Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Tài, cùng các ông Trần Nam Trang, phó Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Rum, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa thể thao và du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, ông Vy Nhật Tảo, nguyên Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ Thành phố Hồ Chí Minh bị khởi tố bị can về tội ‘vi phạm qui định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí’.
Cựu phó chủ tịch thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài (bên phải) đón thủ tướng New Zealand vào tháng 10 năm 2003. AFP
Thông tin được Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đưa ra và truyền thông trong nước loan đi ngày 25 tháng 1. Theo đó thì căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, vào ngày 18 tháng 1, Cơ quan Cảnh sát điều tra C30, thuộc Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội ‘vi phạm qui định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí’ và ‘lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ xảy ra tại Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Ca nhạc nhẹ Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty trách nhiệm hữu hạn bất động sản Diệp Bạch Dương, Agribank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan.
Biện pháp được tiến hành là bắt tạm giam các ông Trần Nam Trang, Nguyễn Thành Rum, Vy Nhật Tảo, bà Dương Thị Bạch Diệp- Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương. Bà này bị khởi tố về tội ‘lừa đảo chiếm đoạt tài sản.’
Bản thân nguyên phó chủ tịch thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài đang bị tạm giam vì những sai phạm trong việc cho thuê không qua đấu giá khu đất 5000 m2 đường Lê Duẩn, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
Vì những sai phạm như thế ông Nguyễn Thành Tài bị bắt tạm giam từ ngày 8 tháng 12 năm ngoái.
Trong vụ sai phạm liên quan đến khu đất vàng 5000m2 tại số 8-12 đường Lê Duẩn, ngoài ông phó Chủ tịch thường trực Nguyễn Thành Tài, còn có các ông Nguyễn Hoài Nam, Bí thư quận ủy Quận 2, nguyên trưởng phòng Quản lý Sử dụng đất Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh ; Đào Anh Kiệt, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh ; Trương Văn Út, phó trưởng phòng Quản lý Đất, Sở Tài nguyên và môi trường Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Hoài Nam bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Các ông Đào Anh Kiệt và Trương Văn Út bị tạm giam trong vụ án khác.
Báo chí đưa tin "Lãnh đạo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhắn tin ủng hộ người nghèo". Thông tin cho biết, Văn Phòng Thành ủy phối hợp các ban Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vận động đóng góp bằng tin nhắn cho Quỹ "Vì người nghèo". Kèm theo là hình ảnh đủ mặt lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh quần áo là lượt, xếp hàng ngay ngắn, đều tắp, mỗi người cầm một máy điện thoại nhắn tin "ủng hộ người nghèo".
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh nhắn tin ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo". Ảnh SGGP
Phản ứng của cư dân mạng là dị ứng với việc này. Người ta cho đó là trò hề, trò lừa mị. Chuyện nhắn tin ủng hộ người nghèo lại vào đúng lúc vụ thu hồi và cướp cả nghìn héc ta đất ở Thủ Thiêm, đẩy hàng nghìn người vào cảnh không nhà ở, không kế sinh nhai, có người phải đi ăn xin được khui ra, làm cho dư luận phẫn nộ mà chưa biết xử lý ra sao. Tổng số thu được trong "chiến dịch" nhắn tin ấy là hơn 400 triệu đồng, bằng 2 mét vuông đất rao bán ở Thủ Thiêm.
Tại sao họ phải diễn rồi đưa tin và hình ảnh lên phương tiện thông tin đại chúng ? Họ muốn thể hiện lòng thương xót bao la với người nghèo ? Họ muốn làm tấm gương để nhân dân soi vào và cùng giúp đỡ người nghèo như họ ?
Nhưng người nghèo, cần đến 20 nghìn đồng của họ từ đâu ra ? Có phải đó là hậu quả từ sự lãnh đạo, quản lý kém cỏi của họ, biến Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông thành Thành phố Hồ Chí Minh như ngày nay ? Có phải rất nhiều trong số đó là nạn nhân của những cuộc cướp bóc, trong đó có người dân Thủ Thiêm mà thủ phạm không phải là ai khác mà là chính là những người lãnh đạo bất tài, độc ác và tham lam ? Với người nghèo Thủ Thiêm, thủ phạm chính là chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh. Thế mà cũng chính lãnh đạo thành phố này nay lại đứng sắp hàng nhắn tin để ủng hộ họ. Người ta thấy trong đám lãnh đạo đó có cả ông Tất Thành Cang, phó bí thư thường trực Thành ủy là người phải chịu trách nhiệm chính trong sai phạm bán rẻ tới 6 lần đất công ở Phước Kiển (huyện Nhà Bè). Thật là hài hước, trơ trẽn. Dư luận cho rằng, việc nhắn tin ủng hộ người nghèo này là cá sấu khóc con mồi. Một hình ảnh so sánh rất thuyết phục. Không hiểu tại sao, họ có thể làm được những việc ấy mà không biết xấu hổ.
Và bây giờ, ai còn coi họ là tấm gương mà noi theo, khi mà xã hội đã phơi bày tất cả những sự thối nát dưới sự lãnh đạo, quản lý của họ ? Chính họ cũng biết người dân không còn tin vào họ, tới mức phải mang cả gốc gác của mình ra để thề thốt "tôi không gạt bà con đâu".
Việc phát động ủng hộ người nghèo là không sai, nhưng tại sao không để người ta tự giác, ai hưởng ứng có thể nhắn tin vào lúc nào tiện, một tin hay nhiều tin, hoặc chuyển tiền vào tài khoản tiếp nhận là tùy người ta. Và ai mà biết được họ đang làm gì với chiếc điện thoại đang mở trên tay ? Nhắn tin ủng hộ ? Lướt mạng hay là hẹn hò gì đấy ? Vậy việc gì phải mất thời gian kéo nhau đi làm cái chuyện kệch cỡm, giả tạo khó coi ấy.
*
Vụ "nhắn tin" chỉ là một trong rất nhiều việc nhằm mục đích tuyên truyền thường thấy hàng ngày, ở đâu cũng có, cấp nào cũng có, từ cơ sở đến trung ương.
Vì kém cỏi trong việc điều hành quản lý đất nước nên nhà cầm quyền phải tạo ra những hình ảnh tuyên truyền để lấp liếm đi những chuyện làm như mèo mửa.
Một Đinh La Thăng đi dọn rác kéo theo cả một bầy tùy tùng hộ tống và hàng chục tờ báo để tuyên truyền. Sau đó thì rác vẫn hoàn rác. Một cơn mưa nhẹ cũng làm cho cả thành phố ngập nước.
Hình ảnh công an quá xấu trước mắt nhân dân nên thỉnh thoảng phải dựng lên những cảnh công an giúp đỡ dân, dắt người già, trẻ em qua đường. Trong khi đó, những video công an trấn áp dân, đánh đập, hạch sách dân vẫn được dân tung đều đều lên mạng.
Lãnh đạo leo lên xe bus để chụp hình, cho xe lăn một đoạn để sau đó, tất cả lại đi làm bằng xe hơi đắt tiền. Thành phố tiếp tục kẹt xe và giao thông tiếp tục hỗn loạn.
Những "cây lãnh tụ" được trồng ở khắp nơi, gắn biển tên ông này bà nọ. Thực ra ông ta chẳng làm gì ngoại việc tay đeo găng bêu nửa xẻng đất, cán vằn vện xanh đỏ và cầm bình nước do người khác đưa tận tay rưới qua, dưới chân là tấm thảm lót cho khỏi bẩn giày. Trong khi đó rừng phòng hộ tiếp tục bị xâm chiếm để xây biệt phủ, những cây hàng trăm năm tuổi từ đại ngàn ùn ùn chạy về xuôi, biến thành những vật dụng xa xỉ cho lãnh đạo, tư bản đỏ hoặc trọc phú gặp thời.
Những "cây lãnh tụ" được trồng ở khắp nơi, gắn biển tên ông này bà nọ.
Những đại biểu quốc hội tiếp xúc với cử tri đã chọn sẵn, nghe ngóng, hứa hẹn, thậm chí nhận đơn để rồi khi về, dân gọi điện thì bỏ trốn, nỗi oan của dân vẫn còn đó, đất nước vẫn trì trệ, tụt hậu.
Nhiều lắm những hình ảnh như thế. Làm những chuyện ấy để qua mắt dân là vô ích, là coi thường dân. Người dân bây giờ đâu dễ bị lừa mị.
Cần chấm dứt ngay những trò kệch cỡm, lố bịch ấy mà đi thẳng vào những việc thực chất.
Đó là hãy trả lại cho dân những gì vơ vét được. Số đó có thể làm cho hàng triệu người thoát nghèo.
Hãy tập trung vào những việc có ích cho dân, cho nước để chuộc sai lầm. Hãy bớt đi những độc ác, tham lam hay phá hoại. Đất nước và nhân dân đã khổ lắm với các người.
Trước mắt, cần lôi những kẻ đã gây tội ác với nhân dân Thủ Thiêm ra xử nghiêm minh. Phải trả lại cho dân những phần đất cướp ngoài qui hoạch và bồi thường nhà cửa cùng các thiệt hại khác cho họ. Không được lấy đất và tiền của dân xây nhà hát giao hưởng, để cho đám xưng là tinh hoa quý tộc gì đó chửi dân ngu không biết thưởng thức nghệ thuật.
Cuối cùng phải lo làm sao cho Sài Gòn trở lại danh hiệu Hòn ngọc Viễn Đông. Phá thì phải làm lại, âu cũng chỉ là một đòi hỏi công bằng.
16/10/2018
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : RFA, 17/10/2018 (nguyentuongthuy's blog)
Không còn nghi ngờ gì nữa, sau Đà Nẵng, "Người đốt lò vĩ đại" - một tụng danh mà Đài Tiếng Nói Việt Nam dành cho Nguyễn Phú Trọng - đã chính thức mang củi lửa vào đất Sài Gòn.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - Ảnh minh họa
Một tháng sau tết nguyên đán 2018 và sau khi đã kết thúc khoảng lặng "nhân văn trước tết" như một tư tưởng nhân đạo mới của Nguyễn Phú Trọng, song trùng với vụ giáng cho cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng thêm án tù giam 18 năm, bùng cháy vụ "Mobifone mua AVG" móc xích với Bộ trưởng thông tin Trương Minh Tuấn, vụ bắt hai tướng công an "tổ chức đánh bạc công nghệ cao", bắt cả một tướng tình báo của Tổng cục V Bộ Công an có cấu kết với vụ Vũ "nhôm", cùng lúc khai hỏa kế hoạch cải tổ ngành công an, chiến dịch "đốt lò" ở Sài Gòn đã khởi động từ tháng Ba năm 2018 và tăng hẳn sức nóng vào tháng Tư.
Khá nhiều dấu hiệu và biểu hiện đã và đang tựu trung cho kết luận không còn là sơ bộ về kế hoạch "Nam tiến" trên.
Những "khúc củi" đầu tiên
"Khúc củi" đầu tiên bị tống vào "lò" là ông Lê Tấn Hùng - Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn trách nhiệm hữu hạn một thành viên (SAGRI).
Ông Lê Tấn Hùng - Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn trách nhiệm hữu hạn một thành viên (SAGRI).
Vào đầu tháng Ba năm 2018, Lê Tấn Hùng bị Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định kỷ luật với mức độ khiển trách và đã tưởng như sẽ "hạ cánh an toàn". Nhưng một tháng sau đó, cơ quan Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh đã bật đèn xanh cho báo chí công bố vụ Lê Tấn Hùng "chi khống 13,3 tỉ đồng" với những bằng chứng rõ rệt mà không thể hiểu khác hơn là ông Hùng sẽ phải "đi" tiếp bước hai vào quy trình tố tụng hình sự.
Lê Tấn Hùng lại là em ruột của cựu ủy viên bộ chính trị kiêm bí thư Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải.
Cách đây gần hai chục năm và trước khi ngồi vào ghế chủ tịch ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Lê Thanh Hải là Chỉ huy trưởng Lực lượng Thanh niên xung phong - "cái nôi cách mạng" mà sau đó người em trai Lê Tấn Hùng được thừa kế. Trong suốt một thời gian dài, cặp anh em Lê Thanh Hải - Lê Tấn Hùng đã biến lực lượng này thành một nhóm lợi ích đặc quyền đặc lợi - theo rất nhiều dư luận.
"Khúc củi" thứ hai bị cháy là ông Lê Trương Hải Hiếu - Thành ủy viên, Phó Bí thư quận ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 12. Chỉ 5 ngày sau vụ Lê Tấn Hùng bị báo chí công bố "chi khống 13,3 tỉ đồng", Lê Trương Hải Hiếu bị Ủy ban Kiểm tra thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh công khai thi hành kỷ luật theo cách "đã vi phạm trong việc có quan hệ tình cảm với một phụ nữ và có con chung nhưng chậm báo cáo với tổ chức".
Lê Trương Hải Hiếu lại là con trai cựu bí thư Lê Thanh Hải.
Vào thời người cha còn đương chức Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Trương Hải Hiếu đã từng được liệt vào danh sách "tuổi trẻ tài cao" theo ngôn ngữ nửa thật nửa hư của giới quan chức và báo chí, hoặc "hót hay nhảy giỏi" theo cách châm biếm của dân gian đương đại.
Thành tích cao nhất về "nhảy giỏi" là ngay cả sau khi Lê Thanh Hải đã "rớt đài" tại Đại hội 12 của đảng cầm quyền và phải "về vườn", vào tháng 5/2016 ông Hải vẫn tìm cách "binh" cho con trai Lê Trương Hải Hiếu có được một suất trong Ban chấp hành đảng bộ thành phố (tức thành ủy viên), bất chấp việc trước đó ông Hiếu chỉ nhận được tỷ lệ phiếu khá thấp cho cái ghế chính trị kèm lợi ích này.
Chính người kế nhiệm Lê Thanh Hải là Đinh La Thăng đã hoàn tất câu chuyện "binh" mang tính thần thoại ấy. Từ đầu năm 2016, Đinh La Thăng đã bất ngờ "nhảy" vào Bộ Chính trị và được điều động về làm Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Như vậy, "độ trễ" của Lê Trương Hải Hiếu so với Đinh La Thăng là đúng 1 năm, nếu tính từ thời điểm tháng 4/2017 khi ông Thăng phải nhận "án" kỷ luật ra khỏi Bộ Chính trị, và là 4 tháng nếu tính từ tháng 12/2017 khi ông Thăng chính thức tra tay vào còng.
Còn "khúc củi" thứ ba, tuy chưa chính thức được gọi tên, nhưng nhiều khả năng là Tất Thành Cang - Phó bí thư thường trực thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Tất Thành Cang - Phó bí thư thường trực thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Chỉ một ngày sau vụ công bố kỷ luật Lê Trương Hải Hiếu, báo chí nhà nước bắt đầu nhóm lửa vụ một doanh nghiệp đảng có vốn 100% của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh là Công ty Tân Thuận đã bán 30 ha đất công sản ở huyện Nhà Bè cho Công ty Quốc Cường Gia Lai với giá quá thấp và sai quy định pháp luật, khiến ngân khố đang cạn kiệt của nhà nước vì tham nhũng và lãng phí phải chịu thêm khoản thất thoát khổng lồ lên tới khoảng 2.400 tỷ đồng.
Chiến dịch mổ xẻ của báo chí nhà nước trong những ngày tiếp theo về vụ việc trên đã phác ra chân dung của nhân vật được cho là đã ký phê duyệt chủ trương vụ mua bán 30 ha đất Nhà Bè : Tất Thành Cang.
Tất Thành Cang lại là nhân vật được dư luận xem là "đệ tử ruột" của cựu bí thư Lê Thanh Hải.
"Trưởng thành" từ cán bộ đoàn ở Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, Tất Thành Cang được Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thời đó là Lê Thanh Hải "đặt" vào ghế Bí thư quận 2 - nơi có dự án Thủ Thiêm khổng lồ với 160 ha đất vàng, cũng là nơi đã phát sinh vô số vụ đền bù bất công, tạo chênh lệch đến vài chục lần giữa giá thị trường và giá đền bù cho người dân, cũng là nơi đã xảy ra không ít cái chết của dân oan đất đai do phẫn uất.
Rất nhiều dấu hiệu và biểu hiện cho thấy khi còn là Bí thư quận 2, Tất Thành Cang đã đắc lực giúp cho "Anh Hai Nhựt" (bí danh của Lê Thanh Hải) nhằm "nuốt sống" đất Thủ Thiêm.
Cũng vào thời gian này, dư luận đang phong phanh tin về một đoàn thanh tra sẽ tiến hành thanh tra khu đô thị mới Thủ Thiêm với trọng tâm là công tác đền bù giải tỏa.
"Tử huyệt Vạn Thịnh phát"
"Khúc nhạc dạo đầu" của báo chí nhà nước về hàng loạt và còn hơn thế nữa những vụ bê bối của những người trong "gia tộc Lê Thanh Hải", cùng những vụ việc có dấu hiệu "ăn đậm" của giới quan chức, đang phát ra tín hiệu nóng rẫy về "lò" của Nguyễn Phú Trọng đang phi mã đến trước cửa nhà cựu bí thư Lê Thanh Hải.
Lê Thanh Hải lại là nhân vật được rất nhiều "đồng bào và đồng chí" ở Sài Gòn và Nam Bộ quan tâm. Đã từ nhiều năm qua, ông Hải được cho là "một trong những quan chức giàu nhất Việt Nam". Cũng không thiếu dư luận cho rằng Lê Thanh Hải sở dĩ phất lên kinh khủng như thế là do "ăn đậm".
Ông Lê Thanh Hải, Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2015, là nhân vật được rất nhiều "đồng bào và đồng chí" ở Sài Gòn và Nam Bộ quan tâm.
"Gia tộc Lê Thanh Hải" lại được cho là có mối quan hệ rất sâu đậm với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan. Trong thương trường, Vạn Thịnh Phát được xem là "siêu giàu", còn bà Trương Mỹ Lan lại là một trong số những người giàu nhất Việt Nam.
Tuy nhiên cho tới nay, cái tên Vạn Thịnh Phát và bà chủ Trương Mỹ Lan vẫn khá bí ẩn khi thông tin cá nhân rất hiếm hoi được tiết lộ với giới truyền thông.
Vạn Thịnh Phát chỉ thực sự "nổi lên mặt nước" khi tại phiên xét xử bị cáo Dương Tự Trọng ngày 7/1/2014, ông Dương Chí Dũng (anh trai Dương Tự Trọng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam – Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải, Bộ Giao thông vận tải) khai nhận 20 tỷ đồng để được làm dự án chuyển đổi công năng Cảng Sài Gòn của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Thành phố Hồ Chí Minh) do bà Trương Mỹ Lan làm chủ tịch.
Sau đó, từ đầu tháng 8/2016 đã bắt đầu tăng cường những dấu hiệu tấn công vào Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thuộc sở hữu của gia tộc họ Trương. Một trong số những bài viết đáng chú ý trên báo nhà nước mang tựa đề "Đại gia Trương Mỹ Lan và ‘đế chế’ Vạn Thịnh Phát đang toan tính gì ?", cho rằng "Thâu tóm hàng loạt siêu dự án rồi để "trùm mền", động cơ của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trên thị trường địa ốc Thành phố Hồ Chí Minh đang là một ẩn số vô cùng bí hiểm".
Gần Đại hội 12 của đảng cầm quyền, bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội một số bài viết mang tính móc xích về mối quan hệ "đặc biệt" giữa bà Trương Mỹ Lan với ông Lê Thanh Hải – Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2015 trở về trước. Nhiều dư luận cho rằng nhờ có sự "bảo kê" của Bí thư Hải mà Vạn Thịnh Phát đã giành được nhiều khu đất vàng để kinh doanh bất động sản, mang lại một khoản lợi nhuận khổng lồ cho tập đoàn này.
Bà Trương Mỹ Lan và ông Lê Thanh Hải
Từ cuối năm 2015 và trước Đại hội 12, đã có tin Lê Thanh Hải và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát của Trương Mỹ Lan nằm trong danh sách "bị thịt".
Trong khoảng thời gian từ cuối năm 2017 đến trước tết 2018, đã ầm ì tin tức về việc sau tết nguyên đán 2018 Lê Thanh Hải, "gia tộc họ Lê - Trương" sẽ bị "trung ương đánh", và sẽ "đánh" trước Hội nghị trung ương 7.
Hội nghị trung ương 7 dự kiến được tổ chức vào tháng 5 năm 2018.
Cho tới nay, đã có 3 "thân nhân" của ông Lê Thanh Hải bị cuốn vào cơn sóng gió : Lê Tấn Hùng, Lê Trương Hải Hiếu và Tất Thành Cang.
Nếu Tất Thành Cang bị mất chức do vụ mua bán 30 ha đất Nhà Bè, Lê Thanh Hải sẽ mất đi một đàn em - con cờ chủ chốt mà ông ta đã "cài cắm" trong cơ quan thường trực thành ủy, càng khiến cho nguy cơ ông Hải bị "hồi tố" về trách nhiệm điều hành và tài sản cá nhân trong thời gian tới trở nên rõ như ban ngày.
Nhưng "tử huyệt" của Lê Thanh Hải có lẽ là Vạn Thịnh Phát.
Khác hẳn với nhiều đại gia khác khi luôn cố triển khai càng nhanh càng tốt dự án, hoặc nếu chậm triển khai là do bị kẹt vốn, Vạn Thịnh Phát lại "mua để đó" nhiều cụm đất vàng ở Sài Gòn, trong khi hoàn toàn chưa có dấu hiệu nào cho thấy tập đoàn này bị thiếu vốn. Đây là một dấu hỏi rất lớn mà cho tới nay vẫn chưa được giải mã.