Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mardi, 26 décembre 2023 21:44

Đưa Thái tử Đảng lên ngôi

Một ông phó quận chuyển công tác sang tỉnh khác cách nhau chưa đầy 50km bỗng trở thành sự kiện thời sự của quốc gia, quốc tế. 800 tờ báo lề đảng trong nước đồng loạt đưa tin từ lễ ra đi đến lễ tiếp nhận, bình luận pháp lý thủ tục, cơ chế, quy định pháp luật. Cả báo Sputnik của Nga cũng quên chuyện phi quân sự Ukraine để tưởng thuật bình luận. Chuyện khác thường ở đây do ông quan quận này không phải người thường mà là Thái tử Đảng đúng nghĩa đen. Trước nay mãi vui chơi, giờ phải tăng tốc, khẩn trương, thần tốc đi đường vòng để kịp vô nhà đỏ trước khi quá tuổi.

thaitudang1

Ông Trương Tấn Sơn, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, vừa nhận quyết định điều động đến nhận công tác tại Tỉnh ủy Long An. Ảnh Sputnik, Nguyễn Thị Đức Hạnh

Trong hai tuần lễ cuối cùng của năm, dù không khí Giáng sinh đầy sắc màu, âm thanh lan tỏa, dù đại án "Chuyến bay Giải cứu" được xét xử phúc thẩm với tình tiết bất ngờ rượu vang đã biến thành tiền nhưng cái tên tràn ngập báo chí lề đảng không phải là ông già Noel hay điều tra viên Hoàng Văn Hưng mà là cái tên lạ hoắc ông Trương Tấn Sơn, Phó Chủ tịch quận Tân Bình của thành Hồ. Sự kiện báo chí rầm rộ, long trọng đồng loạt đưa tin cũng cực kỳ nhạt nhẽo, vô lý : "Ông Trương Tấn Sơn được điều chuyển về tỉnh Long An cách trung tâm thành Hồ đúng 45 km".

Thời đương chức Phó Chủ tịch Tân Bình ông Sơn không làm được trò trống gì gây tiếng vang với công chúng như chuyện ông Hội đồng Khoa móc cống hay ông Phó Chủ tịch quận 1 Đoàn Ngọc Hải đi dẹp lòng lề đường để khi nghỉ việc trở thành sự kiện. Nếu bình quân mỗi quận có ba Phó Chủ tịch thì chỉ tại thành Hồ có đến trên nửa trăm, cả nước phải có đến con số ngàn. Chưa nói đến chiến lược luân chuyển cán bộ thần thánh, ảo diệu của Tổng bí thư ba nhiệm kỳ Nguyễn Phú Trọng, trong mọi nền hành chính, cai trị việc hoán chuyển công chức cấp tỉnh huyện là hết sức bình thường. Nếu quan quận nào hoán chuyển cũng đăng tin bài rầm rộ báo chí phải tăng trang mới đủ chỗ in.

Theo nguyên tắc, với viên chức cấp quận như ông Sơn, sự quan tâm cao nhất là người được điều chuyển nhận các quyết định, văn bản từ đơn vị cũ và được xe công đưa đón về đơn vị mới là xong. Theo hồi ký của ông Đào Văn Hội, một công chức cao cấp thời Pháp thuộc và Đệ nhất cộng hòa, khi được bổ nhiệm làm quận trưởng, ông tự lực lái xe đưa cả gia đình về đơn vị mới, chẳng lễ lạc chẳng ai đưa đón.

Ấy vậy mà chuyện ông Phó Sơn về Long An lại được báo chí đua nhau đưa tin, bình luận long trọng như chuyện Càn Long du Giang Hạ, hay trạng nguyên vinh quy bái tổ.

Không chỉ do báo chí mà có ai đó đã cố ý long trọng hóa chuyện điều chuyển 45km này bằng hai cái lễ, hai ngày khác nhau, ngày 18/12 lễ trao quyết định ở đầu đi quận Tân Bình và ngày 22/12 lễ công bố quyết định tiếp nhận tại Long An. Đặc biệt, lễ tại Long An có đủ mặt cả ban Thường vụ Tỉnh ủy, có quay phim tường thuật thật hoành tráng. Mỗi tờ báo đăng về sự kiện này có ít nhất ba bài, một bài lễ đi, một bài lễ đón và khoảng giữa có ít nhất là một bài bình luận.

Khệnh khạng nhất là báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh đã đăng bài "Lý giải về quy trình điều động ông Trương Tấn Sơn từ Thành phố Hồ Chí Minh về Long An" của Tiến sĩ Vũ Trung Kiên như một công trình khoa học đoán mò !!!! Ông Tiến sĩ rất thông minh này đã long trọng đoán rằng "Thứ nhất, để điều động ông Trương Tấn Sơn về công tác tại Tỉnh ủy Long An chắc chắn Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh không thể tự quyết định (tức Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất ý kiến và Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ra quyết định) nếu không có công văn xin cán bộ của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An.

Để xin ông Trương Tấn Sơn về công tác tại Tỉnh ủy Long An, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An trước hết sẽ gặp riêng ông Sơn đặt vấn đề và phải nhận được sự đồng ý của ông Sơn.

Sau khi ông Sơn đồng ý về công tác tại tỉnh Long An, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An sẽ họp, bàn, thống nhất và có văn bản gửi Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh xin cán bộ về tỉnh công tác" (1).

Thực tế hơn báo Thanh Niên có bài dẫn nguồn cụ thể từ người trong cuộc "Tỉnh ủy Long An có đề nghị ông Trương Tấn Sơn về quê nhà công tác". Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Long An, tại buổi tiếp nhận ông Trương Tấn Sơn (2).

Vui nhất là không chỉ báo ta mà cả báo Tây, từ nước Nga xa xôi đang ì xèo chiến dịch quân sự đặc biệt phi phát xít hóa Ukraine, báo Sputnik tiếng Việt cũng có bài viết dài tựa đề "Lý do ông Trương Tấn Sơn về Long An". Tổng hợp thông tin từ báo chí lề đảng Việt Nam cũng khẳng định rằng tỉnh ủy Long An đã xin ông Sơn về quê nhà. (3)

Báo Lao Động nói rõ hơn kỳ vọng của Long An : "Phát biểu tại buổi công bố quyết định, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Văn Được mong muốn, ông Trương Tấn Sơn tiếp tục phát huy sở trường, kiến thức, kinh nghiệm ; phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong nội bộ ; không ngừng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đơn vị" (4).

Ông Sơn là ai ? Ông Sơn giỏi đến mức nào, đã làm được gì mà Tỉnh ủy Long An kỳ vọng vào ông nhiều như vậy ? Thật khó có câu trả lời. Trong cả rừng thông tin na ná nhau về ông Trương Tấn Sơn chỉ có thể lọc ra một ít thông tin cụ thể như sau.

Trong chế độ cộng sản ngày vào đảng, số năm tuổi đảng là quan trọng nhưng không thấy báo chí đưa tin ông Sơn vào đảng năm nào. Ông Trương Tấn Sơn năm nay 39 tuổi, quê ở Long An. Ông có trình độ chuyên môn là Thạc sĩ Kinh doanh quốc tế, Kỹ sư Xây dựng - địa chính ; Cao cấp Lý luận chính trị.

Trước đây, Trương Tấn Sơn là Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn trách nhiệm hữu hạn một thành viên (Saigontourist).

Đầu năm 2020, khi đang là Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, ông Trương Tấn Sơn được Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh điều động đến nhận công tác tại Ủy ban nhân dân quận Tân Bình (5).

Tháng 3/2020, kỳ họp thứ 13 (kỳ họp bất thường), nhiệm kỳ 2016/2021, ông Trương Tấn Sơn được Hội đồng nhân dân quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh bỏ phiếu bầu chức vụ Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tân Bình với tỉ lệ 100% tán thành.

Tháng 8/2022, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã trao quyết định công nhận Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy quận Tân Bình nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với ông Trương Tấn Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tân Bình (6).

Có người thạo tin cho rằng chức danh Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Saigontourist chỉ là hàm cho vui, công việc thực tế của ông là Giám đốc Khách sạn Majestic sang trọng. Di sản văn hóa nổi tiếng từ thời Pháp thuộc nằm ở Bến Bạch Đằng vị trí đắc địa nhất Sài Gòn. Được quản lý nhà hàng khách sạn ấy quả là chuột sa hũ nếp. Các chức vụ tiếp theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tân Bình được bầu trong kỳ họp bất thường, công nhận thường vụ quận ủy là rỏ ràng có cơ duyên, hồng ân nào từ trên đưa xuống.

Lần này cũng vậy, tự dưng Tỉnh ủy Long An đặt kỳ vọng vào tài năng, trách nhiệm, tinh thần đoàn kết của ông Phó Chủ tịch quận vô danh, chìm lỉm trong hàng ngàn ông Phó khác và long trong tiền hô hậu ủng xin về là sự việc lạ lùng. Càng lạ lùng hơn nữa dù đã dày công xin người, long trọng làm lễ tiếp nhận nhưng Tỉnh ủy Long An vẫn chưa công bố sẽ giao ông Sơn trọng trách gì.

Hoàn toàn không có gì lạ nếu biết thêm Trương Tấn Sơn là Thái tử Đảng đúng nghĩa đen nghĩa bóng. Đó là trưởng nam của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Những quan chức, Tỉnh ủy Long An ai cũng biết ông Sơn về Long An để được bầu bổ sung vào Tỉnh ủy và sẽ được cơ cấu làm Bí thư Tỉnh ủy trong đại hội tới đây vào năm 2025.

Có người thắc mắc, tại sao không để Trương Tấn Sơn yên vị, thăng tiến ở thành Hồ mà phải vòng vo kéo về Long An ? Cần lưu ý đến đại hội tới, Sơn đã 42 tuổi. Để bảo đám có cửa lọt vô Bộ Chính trị theo tiêu chuẩn hiện hành của Tổng Trọng là (hai khóa là Ủy viên Trung ương và đủ tuổi làm Ủy viên đủ trọn một nhiệm kỳ) Sơn phải lọt vào Trung ương ngay trong khóa này. Thành Hồ vốn là đất dữ, lắm người nhiều ma. Năm 2011, Nguyễn Tấn Dũng đang trong đỉnh cao quyền lực, Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị thế nhưng tại đại hội đảng Thành Hồ, Nguyễn Thanh Nghị bị rớt cả Thành ủy viên lẫn đại biểu dự đại hội đảng toàn quốc. Tại đại hội đảng toàn quốc, Dũng phải vận dụng quyền lực thỏa hiệp để Nghị được bầu vắng mặt được một chân Ủy viên Trung ương dự khuyết.

Hiện nay đã về hưu hơn 2 nhiệm kỳ, dù có lèo lái đến mức nào, quyền lực, uy thế của Trương Tấn Sang vẫn không thể bằng Nguyễn Tấn Dũng năm 2011, đưa Trương Tấn Sơn từ Thường vụ Quận ủy lên Thành ủy viên đã khó huống chi một vai vế cộm cán, chủ tịch hay Phó Bí thư Thường trực Thành ủy được cơ cấu vào Trung Ương là chuyện hái sao trên trời.

Con đường vòng về Long An để lọt vào Trung ương lại là con đường thẳng. Ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Long An đến khóa sau đã hết tuổi. Trương Tấn Sang có quá nhiều "ân tình" sâu nặng, đã dành nhiều tâm lực đầu tư cho Long An. Về bề nổi, thông qua Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông đã đem về cho Long An hàng trăm cây cầu nông thôn ở các huyện biên giới, nhiều chương trình phúc lợi khác.

Khu công nghiệp Tân Đức, Đại học Tân Tạo của Đặng Hoàng Yến đều nằm trên đất Long An. Trong đại án Việt Á, Long An bị thanh tra nhưng vững như bàn thạch không ai bị truy tố. Trương Mỹ Lan có hơn 60 dự án đầu tư ở Long An trong đó có trên 30 dự án đã triển khai hầu hết đều là cướp đất của dân. Có dự án, cả ban bệ Ủy ban nhân dân Tỉnh phải chạy lên trụ sở Vạn Thịnh Phát họp hành, ký kết. Có dự án thanh tra đã kết luận sai, Ủy ban Tỉnh ra quyết định đình chỉ nhưng huyện vẫn cứ làm bừa. Nhiều quan chức tỉnh Long An dính chàm Vạn Thịnh Phát nhưng đến nay vẫn an toàn là nhờ ai nếu không có bàn tay che trời của… Theo gương và được sự che chở của Trương Tấn Sang, các Thái tử Đảng cấp tỉnh, cấp huyện ở Long An cũng đã sẵn sàng thay ghế cha anh. Đại hội đảng thực chất là cuộc truyền ngôi, chuyển giao chức vụ. Còn hai năm nữa mới đến đại hội nhưng người dân Long An đã biết ông L con ông cựu Phó Chủ tịch P sẽ là chủ tịch, ông L con ông cựu Bí thư T sẽ là Phó Chủ tịch…

Với từng ấy quan hệ, Trương Tấn Sang là Thái Thượng hoàng quyền lực tuyệt đối ở Long An. Con đường bước lên ghế Bí thư tỉnh Long An của Trương Tấn Sơn đã trải thảm nhung.

Cơn bão báo chí lề đảng trong vụ điều chuyển Trương Tấn Sơn hoàn toàn không phải tình cờ mà là chiến thuật, bước đi trong chiến lược đưa Thái tử Đảng lên ngôi.

Thái tử Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Minh Triết của Ba Dũng đã yên vị ngôi cao thì Thái tử Trương Tấn Sơn lẽ nào chịu kém !

Con cái lãnh đạo tiếp tục làm vua đó là hồng phúc của đảng đồng thời cũng làm thảm hoa của dân tộc.

Đảng kiên trì độc quyền lãnh đạo, kiên trì mục tiêu xã hội chủ nghĩa thực chất là giữ ngai vàng cho các Thái tử Đảng.

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 27/12/2023

1. https://plo.vn/ly-giai-ve-quy-trinh-dieu-dong-ong-truong-tan-son-tu-tphc...

2. https://thanhnien.vn/tinh-uy-long-an-co-de-nghi-ong-truong-tan-son-ve-qu...

3. https://sputniknews.vn/20231222/ly-do-ong-truong-tan-son-ve-long-an-27257706.html

4. https://laodong.vn/thoi-su/cong-bo-quyet-dinh-tiep-nhan-ong-truong-tan-s...

5. https://dantri.com.vn/xa-hoi/ong-truong-tan-son-duoc-dieu-dong-den-nhan-...

6. https://plo.vn/pho-chu-tich-quan-tan-binh-truong-tan-son-duoc-dieu-dong-...

Published in Diễn đàn
mercredi, 29 novembre 2023 14:06

Sự mâu thuẫn của chế độ

Tình trạng tham nhũng tràn lan, không thể khống chế, cán bộ, đảng viên tha hóa, hành xử vô văn hóa, mất tính người, trí thức đảng viên trở nên hèn yếu, bạc nhược và xảo quyệt, thầy thuốc trở nên gian manh, nhà văn, nghệ sĩ trở nên xu nịnh, sợ sệt... là tình trạng báo động đỏ tại Việt Nam hiện nay. Và, nhìn theo góc độ nào cũng thấy mối nguy. Nhưng, thử mổ xẻ vấn đề do đâu lại là câu chuyện hết sức oái ăm. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng càng đốt lò chống tham nhũng bao nhiêu thì lò càng rực cháy và tình trạng "bội thực củi" hiện ra trước mắt. Vì sao ? Vì chính mâu thuẫn nội tại của đảng lãnh đạo.

mauthuan1

Hội nghị đội ngũ tri thức khoa học và công nghệ Việt Nam triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng tại Hà Nội ngày 15/09/2021.  

Chính sách trồng người lấy tiêu chí hồng và chuyên của Đảng cộng sản mấy mươi năm nay là một chính sách sai lầm, bởi nó đi từ mâu thuẫn này sang mâu thuẫn khác. Từ mâu thuẫn nội tại giữa đảng viên hạt giống đỏ với đảng viên trí thức cho đến mâu thuẫn xã hội giữa đảng viên và trí thức. Và một khi mâu thuẫn này phát sinh thì các hình thức tội phạm hình thành trên cơ sở lợi ích nhóm.

Về khía cạnh mâu thuẫn nội tại giữa đảng viên hạt giống đỏ, nói nôm na là ‘thái tử đảng" với trí thức đảng, có lẽ đến lúc này, các trí thức không phải hạt giống đỏ được cất nhắc lên các chức vị tương đối cao trong hệ thống cũng đã nếm quá đủ mùi ê chề của thân phận không phải hạt giống.

Trong chủ trương chung của Đảng cộng sản là nâng cao dân trí, nâng cao trình độ của các đảng viên và rộng hơn là nâng cao trình độ của hệ thống, tức phổ cập nhật học, nâng cao mặt bằng tri thức và trình độ của hệ thống.

Cho đến lúc này, có thể nói mặt bằng trình độ của hệ thống tương đối cao, hầu hết thành viên hệ thống có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, có học hàm giáo sư hoặc phó giáo sư. Tuy nhiên, có bao nhiêu phần trăm trong hệ thống là bằng thật, có thực học là chuyện hết sức tế nhị.

Và, điều đáng nói nữa là trong chủ trương chung để phát triển đất nước mà đảng lãnh đạo đã đề ra, vấn đề kinh tế tri thức được đặt lên hàng đầu, sau đó là các hạng mục dịch vụ tùy vào từng mô hình và quy mô khác nhau.

Thế nhưng một khi trí thức được sử dụng để cống hiến, để tạo ra sức mạnh khoa học, kinh tế trong phát triển, nghiệt nỗi, họ được tận dụng như một công cụ và được vắt rất kĩ chất xám nhưng lại không được trao quyền lực tương thích. Những hạt giống đỏ sẽ lên nắm quyền lãnh đạo các cơ quan đầu não, các cơ quan khoa học và các cơ sở giáo dục. Người trí thức mãi mãi là công cụ mặc dù họ có thể được kết nạp đảng và được xếp vào "vừa hồng vừa chuyên" nhưng cơ hội lãnh đạo của họ là con số zero tròn trịa. Những trí thức này phải chịu sự quản lý của các hạt giống đỏ.

Nghiệt ngã hơn là các hạt giống đỏ có thể có nhiều bằng cấp và học vị cao hơn các trí thức. Nhưng hầu hết học vị, học hàm họ có được là một sự hợp thức hóa quyền lực chính trị, để họ có thể đe nẹt các trí thức dễ hơn, sai khiến dễ hơn. Và gần đây, các trí thức bị chụp mũ chính trị ngày càng nhiều, điều này vô hình trung gây xung đột nội tại ở chính các cơ quan nhà nước với nhau. Các trí thức thực học có thể chấp nhận vì chén cơm manh áo mà chịu sai khiến chứ trong sâu thẳm họ "bằng mặt mà không bằng lòng". Khi sự chịu đựng đến đỉnh điểm, các trí thức thực thụ có thể tự diễn biến thành một loại cừu chính trị, nhưng họ là một loại cừu có suy nghĩ và biết nuốt hận, biết chờ đợi và biết cơ hội.

Trong đó, cơ hội trả thù, rửa hận duy nhất họ có được không phải là thăng tiến để dìm đối phương mà là đưa đối phương vào lò, chính vì vậy, thời gian ngắn mà lò của Tổng bí thư Trọng luôn ngùn ngụt lửa, toàn củi to, đây là những cây củi được phát hiện bởi các trí thức không phải hạt giống đỏ. Nhưng, nếu nói sâu xa, mâu thuẫn vẫn chưa bao giờ chấm dứt ngay trong các cơ quan nhà nước, chính phủ, đảng. Bởi người trí thức chưa bao giờ có tiếng nói của họ mặc dù họ là những người cống hiến nhiều nhất. Chính cái cơ chế tréo ngoe này đã nhanh chóng đẩy đất nước đến chỗ thi đua bằng cấp, tranh nhau ghế quyền lực và kéo dài bất kì dự án khoa học nào để kiếm ăn. Bởi cơ hội kiếm ăn của người trí thức thực thụ trong cơ chế này chỉ có vậy, tức vẽ vời cái mà lãnh đạo không biết, không làm được để kiếm ăn, mọi thứ càng kéo dài càng tốt. Bởi nếu có rút ngắn thì kẻ được lợi là các hạt giống đỏ chứ nhân dân cũng chẳng được gì ngoài những cục xương đã qua quá nhiều bộ răng trong hệ thống.

Đó là mâu thuẫn trong nội bộ cơ quan đảng, nhà nước và chính phủ, về mặt mâu thuẫn ngoài xã hội thì thiên hình vạn trạng. Đơn cử ví dụ từ cơ quan chính quyền thấp nhất là thôn, xã và phường. Cán bộ thôn là ai, đến giờ này, chắc không cần nói thêm, dân có bầu họ không ? Có chứ, đảng và chính quyền vẫn tổ chức bầu cử cho họ theo định kì nhưng ứng cử viên duy nhất là trưởng thôn đương chức và nhân dân/cử tri chỉ đến để ghi vào thống nhất cho ông/bà ta tiếp tục giữ chức. Như vậy là một kịch bản hợp thức hóa, coi thường nhân dân. Đừng hỏi vì sao nhân dân không tin vào loại cán bộ này.

Riêng về cán bộ xã, phường, họ là ai ? Họ là những người bám đuôi phong trào địa phương, có nhiều thanh niên suốt nhiều năm thi rớt đại học, tham gia sinh hoạt đoàn, dựa vào lý lịch và quan hệ gia đình là hạt giống đỏ, bỗng chốc được đề cử vào hội đồng nhân dân, và chẳng bao lâu trở thành chủ tịch hội đồng nhân dân. Các chức danh khác trong hệ thống cán bộ xã, phường cũng vậy, hầu hết là thi rớt đại học hoặc học ở một trường trung cấp nào đó rồi về bám đuôi phong trào hoặc bám ghế cán bộ dựa vào lý lịch. Điều này dễ dàng nhận thấy qua việc công an xã, phường được đào tạo chính qui họ rất coi thường cán bộ xã, phường, kể cả lãnh đạo ở đó.

Điều đáng nói hơn là tuy thi rớt đại học liên tục, nhưng khi lên nắm quyền, nắm ghế thì lý lịch lại đầy đủ bằng cấp, thậm chí bằng cao học. Thử hỏi, với thể loại cán bộ lãnh đạo như vậy, chỉ dựa vào gốc gác và bằng trung cấp/cao cấp lý luận chính trị Mác - Lê, dựa vào những tấm bằng không có thực học để lãnh đạo thì làm sao các doanh nghiệp hay các trí thức trong địa phương có thể phục họ, đó là chưa muốn nói các trí thức thực thụ dễ dàng qua mặt họ, thiết lập riêng cho giới có chữ của họ với nhau một hệ thống ngầm trong làm ăn.

Về các lãnh đạo, họ lên ghế lãnh đạo ngồi một cách bất chấp với mục đích vụ lợi rõ ràng, họ mượn quyền lực chính trị để lấn chiếm đất đai, hợp thức hóa tài sản, biến đất ruộng thành đất ở, mở các loại dịch vụ kinh doanh bẩn cho người trong nhà đứng tên (vợ, con, anh chị em...) và toàn bộ tiền bạc, các suất vay lãi suất thấp của người nghèo cũng bị họ thâu tóm, biến thành vốn làm ăn của gia đình họ. Chuyện này diễn ra nhan nhản khắp đất nước, nhân dân biết, nhân dân lắc đầu, bĩu môi khinh bỉ nhưng nhân dân không dám lên tiếng vì sợ bị trả thù, bị hại... Đó là sự thật.

Thử nghĩ, lực lượng trí thức không nắm quyền lực trong tay nhưng có nhận thức xã hội đang thất nghiệp, đang chạy xe ôm, chạy Grab, lái taxi, làm phụ hồ hay may mắn lắm thì mở được cơ sở kinh doanh hoặc doanh nghiệp... sẽ nghĩ gì, nhìn vào hệ thống quyền lực bằng con mắt nào ? Một khi ở tại cơ sở địa phương, mâu thuẫn xã hội giữa giới có chữ nhưng trắng tay với giới lãnh đạo leo beo vài ba tấm bằng thật còn lại hầu hết là bằng hợp thức hóa như vậy thì câu chuyện phát triển địa phương - đất nước sẽ đi đến đâu ?!

Và mâu thuẫn xã hội, mâu thuẫn nội bộ đã tồn tại quá lâu trong cơ thể chế độ, nó như ung nhọt có thể bùng vỡ bất kì giờ nào nếu trái gió trở trời như vậy thì đất nước sẽ ra sao ?!

Và, tiến trình trồng người toàn hạt giống đỏ, hay nói khác đi trồng rừng nhưng lại sử dụng rừng qui hoạch, rừng toàn những cây củi và bỏ qua những cánh rừng tự nhiên, rừng gỗ quí như vậy thì liệu đốt bao giờ cho hết củi trong rừng.

Mâu thuẫn lớn nhất của mấy mươi năm nay chính là Đảng cộng sản đã có một sự nghiệp trồng rừng toàn củi đỏ nhưng lại ủi bỏ những cánh rừng gỗ quí tự nhiên hoặc đưa nó vào danh sách rừng để khai thác và chưa bao giờ có sự trân trọng, bảo vệ đúng mức. Nên hệ quả của lựa chọn này là thực tại lúc nhúc quan tham và kẻ dốt nhưng biết cơ hội và đầy thủ đoạn trong hệ thống đảng.

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 29/11/2023

Published in Diễn đàn
lundi, 25 septembre 2017 15:29

Khi thái tử đảng bị quăng vào lò

Hình như đang phấn khởi vì cái lò nhóm mãi nó mới nóng và đang cháy, ông Nguyễn Phú Trọng tiện tay sờ luôn đến Nguyễn Xuân Anh, bí thư Tp Đà Nẵng. Ủy ban kiểm tra trung ương kết luận "ông Nguyễn Xuân Anh đã sử dụng bằng cấp không đúng quy định, thiếu trung thực ; thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng ôtô và 2 nhà do doanh nghiệp biếu" (báo Tuổi trẻ).

thaitu1

Hình chụp bài viết về ông Nguyễn Xuân Aanh trên báo Tuổi Trẻ online  -  Tuổi trẻ online

Khi công luận đang hồi hộp theo dõi vụ đại án Ngân hàng Đại Dương với đề nghị cả án tử hình hoặc đang "quan ngại" một số vụ gần đây có vẻ như chìm xuống thì việc đột ngột công bố kết luận của UBKTTW về Nguyễn Xuân Anh khiến người ta không khỏi ngỡ ngàng. Tuy nhiên, đây lại là biểu hiện đáng mừng.

Về tuổi tác thì Nguyễn Xuân Anh chỉ là hàng cháu gọi ông Trọng bằng bác theo nghĩa thân tình, vì trước khi nghỉ, ông Nguyễn Văn Chi (bố đẻ Nguyễn Xuân Anh) cùng là ủy viên Bộ Chính trị với ông Trọng và còn kém tuổi ông. Không biết khi UBKTTW đưa ra kết luận về "tội trạng" của Nguyễn Xuân Anh, anh có thảng thốt nhắc tên ông Trọng mà kêu : Bác ơi, bác nỡ lòng nào ?

Vậy là chẳng có bác cháu gì cả. Chẳng những thế, ông Trọng còn phớt lờ ngay cả quan điểm lạ của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm khen rằng con lãnh đạo làm lãnh đạo là hạnh phúc của dân tộc.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng, trong hệ thái tử đảng, Nguyễn Xuân Anh không phải là mục tiêu chính. Người ta nghĩ đến Nguyễn Xuân Anh thì ít mà nghĩ đến Nguyễn Thanh Nghị thì nhiều hơn. Nguyễn Thanh Nghị đang làm bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang, là con trai cả của ông Nguyễn Tấn Dũng. Anh cũng từng được nhắc đến trong mấy vụ lùm xùm như vụ mượn xe biển xanh hay sai phạm về đất đai tại huyện đảo Phú Quốc. Rồi người ta quay trở lại "lo" cho em trai của Nguyễn Xuân Anh là Nguyễn Xuân Ảnh, được bổ nhiệm làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khi mới 33 tuổi. Chức to, tuổi bé như vậy, liệu có vấn đề gì về qui trình bổ nhiệm không.

Hệ thái tử đảng thì nhiều lắm. Các cậu ấm, cô chiêu này được bổ nhiệm vào những chức vụ cao hơn nhiều so với tuổi còn khá non, nhưng không phải thuộc diện "tuổi trẻ tài cao" mà đi lên dưới cái bóng của phụ mẫu. Việc bổ nhiệm cũng từ thấp lên cao nhưng nhanh đến chóng mặt. Điều này làm cho nhân dân bức xúc. Người ta bất lực nhắc lại câu ca dao từ thời phong kiến "Con vua thì lại làm vua".

Phải công nhận một điều, không thấy ông Nguyễn Phú Trọng mang con cái mình ra làm "hạt giống đỏ". Không có thông tin con ông làm gì, ở đâu, đang được ươm ở vườn nào, mà nếu có thì đã không tránh khỏi con mắt của công luận. Đến Wikipedia cũng phải bỏ mục gia đình trong trang viết về ông. Vì vậy, ông chẳng ngại gì mà không dám sờ đến các thái tử đảng, chẳng nể nang gì các ông thái thượng hoàng. Nhưng cũng nhiều người nghi ngờ, cho rằng ông đốt lò chỉ là để thanh trừng phe phái chứ không chống tham nhũng triệt để.

*

Cái lò của ông Trọng đang cháy. Việc làm của ông tuy không đồng ý về phương pháp nhưng được nhiều người trong đó có cả phe dân chủ hoan nghênh, vì bất kể chế độ nào cũng cần chống tham nhũng.

Tuy nhiên xét về lâu dài cần phải tính đến chuyện khi ông nghỉ rồi, người kế nhiệm ông có hăng say cho củi tiếp vào lò hay không, hay để nó nguội lạnh ? Cứ cho là điều đó được tiếp tục đi thì để đốt đến triệu thanh củi (trong số 4,5 triệu đảng viên) thì phải mất bao nhiêu thời gian ? Lại còn phải tính cả những cây xanh sẽ bị "củi hóa" nữa. Vì với thể chế này, một cây lành lặn cũng sẽ nhanh chóng bị "sâu hóa" khi hòa vào guồng máy vận hành đất nước, nếu không, lập tức bị bật văng ra ngoài.

Có ý kiến rất hay cho rằng thành tích của ngành công an không phải là phá được bao nhiêu vụ án, mà là làm sao không để xảy ra tội phạm hoặc để số vụ án ngày một ít đi. Việc đốt lò cũng tương tự như thế, nó chỉ là biện pháp tình thế. Điều quan trọng là đừng để cây xanh biến thành củi vì sâu bệnh. Một chế độ dân chủ sẽ hạn chế tối đa tham nhũng. Tiếc rằng, những người đang đấu tranh cho dân chủ đang bị ông Trọng và đồng chí của ông bố ráp và nhiều người đã vào tù. Nhốt dân chủ vào tù và diệt tham nhũng là một mâu thuẫn mà nhiều người cố tình không nhận ra. Hay là họ muốn giữ cái nơi sinh ra nhiều củi để đốt, để có việc làm cho… vui.

23/9/2017

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : RFA, 24/09/2017 (nguyentuongthuy's blog)

Published in Diễn đàn

Mấy ngày nay báo chí và cộng đồng mạng dường như quên đi những bức xúc về y tế, về BOT giao thông và thậm chí cả hậu quả cơn bão số 10 để tập trung vào những sai phạm của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng mà Bí thư Nguyễn Xuân Anh là nhân vật trung tâm.

nxa0

Ông Nguyễn Xuân Anh đang là ủy viên trung ương đảng

Những năm gần đây, "hạt giống đỏ" Nguyễn Xuân Anh có tri thức, có sức trẻ với những tuyên bố mạnh mẽ đã nổi lên như một nhân tố mới trong đội ngũ kế cận vừa hồng vừa chuyên của Đảng.

Thế nhưng, do bị Ủy ban trung ương Đảng xác định có 'sai phạm nghiêm trọng' trong hai năm đầu đảm trách cương vị Bí thư thành ủy Đà Nẵng, có thể nói sự nghiệp chính trị của Nguyễn Xuân Anh kể như chấm dứt từ đây.

Lý do khiến cho Nguyễn Xuân Anh trong vòng 10 năm (2006-2016) tiến một lèo từ Trưởng ban Quốc tế của báo Thanh Niên lên Ủy viên trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng không nói ra thì ai cũng biết.

Nhưng điều làm cho dư luận không khỏi thắc mắc là, tại sao Nguyễn Xuân Anh bị chính Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng mà thân phụ ông là Nguyễn Văn Chi, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị từng làm Chủ nhiệm trước khi nghỉ hưu "sờ gáy" ?

Bản thân Nguyễn Xuân Anh "sai phạm nghiêm trọng tới mức phải thi hành kỷ luật", nhưng chắc hẳn phải có ai đó ở trên bật đèn xanh thì Nguyễn Xuân Anh mới bị điều tra và kết tội khẩn trương thế.

nxa2

Ông Nguyễn Xuân Ảnh (bên phải), em trai ông Nguyễn Xuân Anh, trở thành Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam ở tuổi 33

'Con ông cháu cha' xưa và nay

Cùng với nhiều "hạt giống đỏ" khác, Nguyễn Xuân Anh được bổ nhiệm quá nhanh vào các cương vị lãnh đạo đảng và chính quyền với kỳ vọng giao cho "trọng trách kế thừa, giữ gìn và phát huy truyền thống để kế tục sự nghiệp của cha ông".

Nhưng trải qua thực tế, thế hệ lãnh đạo trẻ này có thực sự là "điều hạnh phúc của dân tộc ta, của Đảng ta" như bà Nguyễn Thị Quyết Tâm phó chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh từng phát biểu không ?

Từ năm 1945 đến thời thập niên 1980, hầu như con cháu các vị lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam không được cơ cấu vào bộ máy quyền lực cao cấp.

Giáo sư Đặng Xuân Kỳ nguyên Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa VI và VII, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội, con trai cố Tổng Bí thư Trường Chinh là một trường hợp hiếm hoi và ông hoàn toàn xứng đáng với cương vị đó.

Hồi thập niên 1990, ông Phan Diễn nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư con của nhà cách mạng Phan Thanh, hay ông Nguyễn Khoa Điềm nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thông tin, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng văn hóa trung ương con của nhà cách mạng Nguyễn Hải Triều, đều có bề dày phấn đấu và được đánh giá là có năng lực thực sự.

Nhưng từ năm 2000 tới nay, bất chấp nguyên tắc tổ chức đề ra trong Điều lệ Đảng, nhiều "hạt giống đỏ" chưa trải qua đào tạo, thử thách được đảm trách quá nhanh và quá sức các cương vị lãnh đạo, để lại nhiều tai tiếng và hậu quả đáng tiếc.

Ngoài Nguyễn Xuân Anh vừa "ngã ngựa", hãy thử điểm qua một vài "hạt giống đỏ" gần đây được gieo mầm "đúng quy trình" như thế nào.

Thăng tiến bằng đôi chân của ai ?

Nông Quốc Tuấn, sinh năm 1963 từng là công nhân xuất khẩu lao động tại Cộng hòa dân chủ Đức, con trai nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh.

Ông Tuấn vẫn được cơ cấu vào các vị trí lãnh đạo từ Phó Bí thư thường trực Ban chấp hành Hội liên hiệp Thanh niên, Ủy viên Ban Bí thư trung ương Đoàn Thanh niên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó Bí thư tỉnh ủy rồi Bí thư tỉnh ủy Bắc Giang để được bầu làm Ủy viên trung ương Đảng tại Đại hội XI.

Năm 2012 ông lại được điều về đảm trách cương vị Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Tại Đại hội XII ông Tuấn không được tái bầu cử vào Ban Chấp hành trung ương Đảng.

Hiện nay ông Nông Quốc Tuấn là thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.

nxa3

Ông Nguyễn Thanh Nghị hiện là Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang

Nguyễn Thanh Nghị, sinh năm 1976 là con trai cả nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Năm 2011, đang là Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, tuy không được cử đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI nhưng ông Nguyễn Thanh Nghị vẫn được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành trung ương.

Ngay sau đó ông được bố bổ nhiệm làm Thứ tưởng Bộ Xây dựng, sau đó là Phó Bí thư rồi Bí thư tỉnh ủy Kiên Giang.

Tại Đại hội lần thứ XII, ông Nghị được bầu làm Ủy viên chính thức Ban chấp hành trung ương.

Lê Trương Hải Hiếu, sinh năm 1981 là con trai ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2015, Lê Trương Hải Hiếu được cử giữ chức Chủ tịch Quận 12. Năm 2016, ông Hiếu được bầu vào Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố.

nxa4

Ông Lê Trương Hải Hiếu không đủ phiếu bầu để vào Ban chấp hành hồi tháng 10/2015

Tô Linh Hương, sinh năm 1988 là con gái ông Tô Huy Rứa nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tổ chức trung ương.

Năm 2012, khi 24 tuổi, mới tốt nghiệp Học viện Báo chí và tuyên truyền được 3 năm, Tô Linh Hương được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty đầu tư xây dựng Vinaconex PVC có hơn 2 nghìn lao động, doanh số hàng năm đạt hơn 2 nghìn tỷ đồng. Do áp lực của dư luận xã hội, chỉ 2 tháng sau Tô Linh Hương đã rời bỏ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty PVC.

Vũ Quang Hải, sinh năm 1986 là con trai nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng.

Năm 28 tuổi, Vũ Quang Hải được lãnh đạo Bộ Công Thương ký quyết định bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với lý do để trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo Tổng công ty có doanh số 4 tỷ USD/năm.

Con ông cháu cha tham gia chính trường thực ra không chỉ có ở Việt Nam hay Trung Quốc mà ngay cả ở các nước phương tây việc này cũng khá phổ biến.

Tại Mỹ, các gia tộc Kennedy, Bush, McCain... nổi tiếng có nhiều chính trị gia thành công trên đỉnh cao quyền lực. Nhưng khác với ở ta, con cháu các dòng họ này ngoài tài năng thật sự, họ kế thừa được truyền thống hoạt động chính trị chuyên nghiệp của gia đình và trên hết, họ được chọn lựa ra thông qua bầu cử dân chủ, minh bạch và công khai.

Có tài, có đức cứ mặc sức thăng tiến để cống hiến cho đất nước. Nhưng sự thăng tiến ấy không được tùy tiện "thăng hoa" do tác động từ quyền lực bên ngoài mà phải từ nỗ lực phấn đấu của bản thân theo đúng tiến trình quy định của pháp luật.

Trần Quốc Quân

Nguồn : BBC, 20/09/2017

Tác giả hiện đang sống tại Warsaw, Ba Lan

Published in Diễn đàn

Việc kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh, ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy kiêm chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Nẵng làm cho dư luận một lần nữa xôn xao về quá trình bổ nhiệm, cân nhắc những gương mặt được gọi là "Thái tử Đảng" hay ‘Hạt giống Đỏ".

vxa1

Báo danang24h đăng tin về bằng cấp của ông Nguyễn Xuân Anh. Courtesy of danang24h.vn

Đảng cử nhưng dân không bầu !

Xuôi theo những đồn đoán của dư luận trong những ngày qua, là câu hỏi, liệu Nguyễn Xuân Anh, con trai ông Nguyễn Văn Chi vốn là một cựu thành viên Bộ chính trị của đảng cộng sản Việt Nam, có phải là "một Thái tử Đảng nằm trong tiến trình nung lò đốt củi, diệt trừ tham nhũng của Tổng Tư lệnh Nguyễn Phú Trọng hay không ?"

Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, đảng viên kỳ cựu của Đảng Cộng sản Việt nam đã tuyên bố từ bỏ đảng, có nhận định :

"Nó chỉ nói lên 1 điều thôi, là cái gì rồi cũng đến lúc mục vỡ thì nó mục vỡ tất cả. Đấy là chứng hoại thư của thể chế do chế độ toàn trị phản dân chủ. Trong bổ nhiệm cán bộ thì điều đó càng rõ nét hơn nữa. Bí thư tỉnh ủy thì phải là Bộ chính trị thông qua, mà trước hết phải là ông trưởng ban tổ chức đề nghị, rồi ông Tổng bí thư thông qua. Đâu phải tự nhiên là có".

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng nếu có ý kiến cho rằng biện pháp kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh là chuyện ‘đấu đá nội bộ’ thì cũng được, nhưng trên tất cả, ông nghĩ rằng những người sai phải chịu trách nhiệm.

"Đấu đá nội bộ thì ở đâu cũng có cả. Ở đâu cũng có phe có cánh cả. Các nước phương Tây là đa đảng, còn ở đây có 1 Đảng thì thế nào trong Đảng cũng có phe. Nó gắn bó với những nhận thức khác nhau hoặc lợi ích chính trị khác nhau. Việt Nam bây giờ chủ yếu là lợi ích khác nhau.

Khi người ta nói rất nhiều đến yếu tố lợi ích nhóm thì đó chính là phản ảnh thực tế nhất ở Việt Nam hiện nay".

Theo ông Dương Trung Quốc thì đến nay vụ việc ông Nguyễn Xuân Anh mới ở mức kỷ luật trong đảng thôi vì bị cho là vi phạm nguyên tắc làm mất uy tín của Đảng. Và vị đại biểu quốc hội này cho rằng không ít trường hợp sau khi kỷ luật Đảng thì người đó vẫn ở lại và không bao giờ bị ra

Giáo sư Tương Lai có nhận định hoàn toàn mang tính phản biện với ý kiến của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc.

"Tuy rằng nói là kỷ luật trong Đảng, thuộc nội bộ Đảng nhưng làm sao có thuộc nội bộ được ? Vì Bí thư tỉnh ủy điều hành cả 1 tỉnh, đứng trên tất cả. Chủ tịch tỉnh hay Hội đồng nhân dân tỉnh đều đứng dưới ổng.

Khi tất cả mọi sự bổ nhiệm đều không thông qua 1 qui trình của luật pháp, hiến pháp, quyền của dân, dân ủy nhiệm, dân ủy quyền mà đều là do Đảng chỉ định thì chuyện mục vỡ là chuyện bình thường".

Ngược lại, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nhấn mạnh vấn đề bổ nhiệm chức vụ trong các cơ quan điều hành của nhà nước "về qui trình thì cái gì cũng đầy đủ".

"Từ cơ sở trở lên, lấy phiếu bầu, rồi quần chúng góp ý, lý lịch…

Quan sát ở Việt Nam chúng ta thấy các quan chức cao cấp đều là Đảng viên Đảng Cộng sản.

Quần chúng chúng tôi quan tâm là đứng trước pháp luật có vấn đề gì không ? Ví dụ vấn đề liên quan đến tham nhũng, sai phạm ảnh hưởng đến xã hội…"

Thái tử Đảng : Một qui trình không mới

Không khẳng định qui trình bổ nhiệm chức vụ trong bộ máy lãnh đạo nhà nước đúng hay sai, nhưng nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh kể ra hàng loạt những gương mặt được gọi là "người kế thừa" như ông Nông Quốc Tuấn, từng là Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, là con trai nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh ; Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, con của Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương…

Và ông cho biết "chuyện kế thừa đã trở thành một qui định bất thành văn của Đảng Cộng sản".

"Chuyện Thái tử Đảng có từ lâu rồi nhưng nó rộ lên nhất là thời ông Nguyễn Tấn Dũng, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng cầm quyền đã rộ lên 1 cách công khai.

Chuyện ông Xuân Anh, ông Nghị, ông Tuấn Anh, ông Nguyễn Chí Vịnh thì đó là những chọn lựa đương nhiên. Họ nhắm trước hết là vào trong gia tộc của họ".

Năm 2011, ông Nguyễn Xuân Anh được bầu vào vị trí ủy viên dự khuyết Ban chấp hành trung ương Đảng cùng với ông Nguyễn Thanh Nghị, là con trai thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Cả hai đều sinh năm 1976. Kể từ đó, dư luận truyền nhau cách gọi những gương mặt trẻ đó là "Thái tử Đảng" và đang chờ để được truyền ngôi.

Chưa thể chấm dứt "Thái tử Đảng"

Cho đến ngày 18 tháng 9 vừa qua, sau khi ông Nguyễn Xuân Anh bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam ra thông cáo báo chí cho biết ông bị kỷ luật, dư luận cho là việc này có liên quan Hội nghị Trung ương lần thứ 6 của đảng Cộng sản Việt Nam sắp diễn ra, có ý kiến nêu ra là đã đến lúc chuyện "Con vua thì lại làm vua. Con sải ở chùa lại lá đa" cần kết thúc.

Giáo sư Tương Lai đưa ra nhận định quan niệm "con vua thì lại làm vua" nên được nhìn nhận theo đúng với ý nghĩa từng có trong một thể chế của lịch sử.

"Ví dụ như Trần Thánh Tông lui, nhường cho Trần Nhân Tông. Trần Nhân Tông lui, nhường cho Trần Anh Tông, Trần Anh Tông lui, nhường cho Trần Minh Tông.

Quá trình đó là 1 quá trình tuỳ theo thời điểm lịch sử chúng ta đánh giá.

Thế giới có Lý Quang Diệu mất đi. Sau ông ấy là Goh Chok Tong (Ngô Tác Đống). Rồi đến Lý Hiển Long là con ông Lý Quang Diệu. Có phải đó là ‘con vua thì lại làm vua’ ?

Nhưng thể chế dân chủ cũng qua bầu cử. Ông Lý Hiển Long vẫn được tín nhiệm trong nhân dân Singapore"

Liên đới đến cá nhân ông Nguyễn Xuân Anh trong vụ việc mới nhất, Giáo sư Tương Lai cho rằng nếu ông Nguyễn Xuân Anh có tài, thì "không ai nói gì cả".

Theo ông, ông không đánh giá diễn tiến vụ Đà Nẵng là kết thúc trào lưu này hay trào lưu kia. Mà thay vào đó, ông nhấn mạnh "cần phải thay đổi thể chế, cải cách chính trị đi liền với cải cách kinh tế, thay bằng một quá trình dân chủ hoá và thượng tôn pháp luật.

Cát Linh, RFA

Nguồn : RFA, 20/09/2017

Published in Diễn đàn