Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trận chiến quyền lực ở Việt Nam đã ngã ngũ. Nguồn tin từ Tiếng Dân của tác giả Lê Văn Đoành, đưa ra một danh sách những nhân vật hàng đầu sẽ giữ các vị trí quan trọng trong trung ương đảng và chính phủ sắp tới. Đúng ra thì còn cuộc bầu cử quốc hội vào đầu hè nữa, nhưng như mọi người đã biết, cuộc bầu cử ấy chỉ là thủ tục, góp vui mà thôi, chứ không có ảnh hưởng gì tới quyền lực thật sự của các nhân vật đã được chọn.

Được biết, danh sách phân công các nhân vật lãnh đạo hàng đầu, được công bố trong cuộc họp diễn ra sáng nay, ngày 6/1/2021, tại Văn phòng Trung ương đảng, gồm một số nhân vật trong Bộ Chính trị mới được bầu trong đại hội đảng 13 tham gia. Lạ một điều là, cuộc họp này không có mặt ông Nguyễn Xuân Phúc, nhưng lại có mặt ông Trần Quốc Vượng, dù ông Vượng chẳng còn giữ chức vụ gì sau Đại hội 13.

Sans titre

Ông Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự Lễ công bố quyết định về công tác cán bộ. Nguồn : Báo ND

Trong danh sách mà nguồn tin của Tiếng Dân có được, còn vài vị trí chưa được quyết định, nhưng không quan trọng lắm, và nếu như danh sách này là chính xác (cho tới nay nguồn tin này khá chính xác) thì chúng ta thấy điều gì ?

thaitu2

thaitu3

Danh sách phân công, bố trí chức vụ

Hãy bỏ qua các vị trí tứ trụ và nhân vật Phạm Minh Chính mà chúng ta đã bàn nhiều, có hai điểm đáng chú ý trong việc tranh chấp quyền lực lần này, đó là vai trò của trung ương đảng và vị trí các thái tử đảng tại Việt Nam.

Trung ương đảng và thái tử đảng, tiền tươi thóc thật

Như chúng ta đã biết, Bộ Chính trị gồm 18 nhân vật đã được hình thành từ những cuộc họp căng thẳng tại Hội nghị Trung ương trước khi Đại hội 13 diễn ra. Các Hội nghị Trung ương này mới là quan trọng, Đại hội đảng 13 vừa qua chỉ là nghi thức.

Việc ông Nguyễn Phú Trọng, nhân vật quyền lực nhất hiện nay phải nhân nhượng, loại bỏ Trần Quốc Vượng, chứng tỏ vai trò của Trung ương vẫn mạnh như trong kỳ đại hội lần thứ 12 (cũng có ý kiến cho rằng ông Vượng là "mồi nhử", bước đệm cho ông Trọng, nhưng ý này có vẻ không đứng vững). Ảnh hưởng của họ lên các ủy viên mới của Bộ Chính trị khá quan trọng, nên 18 nhân vật này vẫn phải đưa ông Vũ Đức Đam, dù không phải ủy viên bộ chính trị vào hàng thứ 16 trong danh sách mới.

Các ủy viên Trung ương cũng đã loại nhân vật Lương Cường, tướng chính trị, khỏi ghế bộ trưởng bộ quốc phòng, để đưa một viên tướng có kinh nghiệm quân sự là Phan Văn Giang thế chỗ.

Các ủy viên Trung ương cũng đã loại bỏ một thái tử đảng khác là Đào Ngọc Dung (cháu vợ của ông Nguyễn Văn An, cựu Chủ tịch Quốc hội) ra khỏi Bộ Chính trị. Tuy vậy, các ủy viên Trung ương vẫn phải để cho các thái tử đảng khác chẳng có tài cán và nhiều bê bối như Trần Tuấn Anh, con trai cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương, vào Bộ Chính trị, giữ ghế Trưởng ban Kinh tế Trung ương ; hay như Nguyễn Thanh Nghị, con trai "đồng chí X", giữ chức Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Như vậy lớp thái tử đảng ở Việt Nam không mạnh như các thái tử đảng Trung Quốc. Lê Khánh Hải, cháu nội cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, chỉ được cái chức nhàn nhàn ở văn phòng chủ tịch nước, điếu đóm cho ông Nguyễn Xuân Phúc.

Việc mạnh lên của Trung ương, cơ quan bao trùm toàn bộ lãnh thổ và các lãnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, so với Bộ Chính trị, trong chừng mực nào đó, là một dấu hiệu dân chủ hơn trong đảng, thể hiện quy trình quyền lực từ dưới lên. Tuy nhiên sự mạnh lên này có vẻ bị khựng lại trong cuộc tranh chấp quyền lực kỳ này.

Việc khựng lại này một phần do ảnh hưởng của phe thuần đảng của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, mạnh lên trong năm năm chống tham nhũng vừa qua. Giáo sư Carl Thayer, nhà quan sát chính trị Việt Nam từ Úc, cho rằng, sự mạnh lên này là do khuynh hướng duy trì ý thức hệ cộng sản thắng thế. Nhưng tôi nghĩ rằng, điều đó chẳng qua là sự ganh tị của phe thuần đảng, lợi dụng công cuộc đốt lò nổi tiếng của ông Trọng để đi lên. Nơi dễ dàng xảy ra tham nhũng, rất dễ hiểu là những vị trí trong chính phủ, trong các cơ quan nhà nước có nhiều bổng lộc, và những vị trí này cũng được các nhân vật thuần đảng ngắm nhìn với ánh mắt thèm khát.

Quốc hội múa minh họa

Danh sách 49 vị trí bị lộ ra sau buổi họp đầu tiên của Bộ Chính trị khóa 13 cũng thể hiện sự lộn xộn trong khái niệm đảng, chính phủ, quốc hội của những người cộng sản. Đứng đầu danh sách là viên tổng bí thư, sau đó chen ngang các vị trí của chính phủ, của quốc hội, của các cơ quan mặt trận,…

Việc ông Bùi Thanh Sơn sẽ giữ vai trò Bộ trưởng Ngoại giao, mà không phải là ủy viên Bộ Chính trị, cho thấy là quyền lực của bộ này chưa bao giờ được những người cộng sản coi trọng. Thời kỳ chiến tranh Việt Nam, cả hai nhân vật bộ trưởng là Nguyễn Thị Bình và Xuân Thủy đều theo sau trưởng ban tổ chức trung ương Lê Đức Thọ. Thời kỳ mạnh của bộ này có thể trong giai đoạn ông Nguyễn Cơ Thạch (bố ông Phạm Bình Minh) làm bộ trưởng, nhưng không kéo dài bao lâu, đã bị ép rời bỏ chức vụ.

Nhưng điều buồn cười nhất từ thông tin của tác giả Lê Văn Đoành, chính là kỳ họp trước, "ăn cơm trước kẻng" của Quốc hội… chưa được bầu ! Cơ cấu lãnh đạo của quốc hội mới, bà Kim Ngân từ chức, ông Vương Đình Huệ sang làm chủ tịch, sẽ được quyết định vào đầu tháng 4/2021, trong khi "toàn dân đi bầu" quốc hội vào cuối tháng 5/2021.

Rõ khổ, Đảng cộng sản Việt Nam dựng lên quốc hội để trang trí và bày ra chuyện "người ngoài đảng" vào quốc hội để thể hiện "tinh thần dân chủ", nhưng rõ ràng là họ cũng cảm thấy rách việc quá, bèn cho họp trước để dựng cái phông màn quốc hội để xong cho rồi.

Mà ngay cả luật của chính đảng đề ra, bằng bút mực đàng hoàng, về chuyện tuổi tác và nhiệm kỳ, mà họ còn xé bỏ được mà, huống chi cái phông nền quốc hội chỉ dùng để múa minh họa, để đâu, lúc nào mà chẳng được !

Jackhammer Nguyễn

Nguồn : Tiếng Dân, 06/01/2021

Additional Info

  • Author Jackhammer Nguyễn
Published in Diễn đàn