Một chính thể nếu thực sự mạnh thì không sợ dân, không cần dùng đến bạo lực
Càng ngày chế độ độc tài độc đảng Việt Nam càng tỏ ra sắt máu, chỉ cần vài câu viết chỉ trích nhà cầm quyền trên facebook là có thể bị bắt và kết án nhiều năm ; bắt cả những người như bà Nguyễn Thúy Hạnh-một nhà hoạt động dân sự chỉ làm từ thiện giúp gia đình tù nhân lương tâm, không tham gia bất cứ tổ chức đảng phái nào cũng không mấy khi có những bài viết chỉ trích nhà nước ; sử dụng cả giáo viên, công nhân viên chức vào nhiệm vụ đánh sập các facebook mà nhà cầm quyền cho là có những bài viết chỉ trích chế độ, nói lên hiện tình đất nước...
Một chính thể nếu thực sự mạnh thì không sợ dân, không cần dùng đến bạo lực
Nhìn bên ngoài có điều gì đó thật là vô lý, khó hiểu. Sau 76 năm cầm quyền ở miền Bắc và 46 năm cầm quyền trên cả nước, đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam đã xây dựng thành công một chế độ toàn trị, trong đó quyền lực của đảng bao trùm, nhất quán từ cấp cao nhất của trung ương cho tới cho tới mọi ngõ ngách, thôn làng, vùng sâu vùng xa, cả đất nước này, dân tộc này thuộc về quyền sở hữu của đảng cộng sản, đảng có trong tay cả quân đội, tòa án, luật pháp, báo chí truyền thông cùng đội ngũ công an chìm công an nổi, dư luận viên...
Ngay đến một chế độ quân phiệt nổi tiếng sắt máu như ở Miến Điện cũng còn thua xa đảng cộng sản Việt Nam vì không thể kiểm soát toàn diện và ngăn chặn được từ trong trứng nước mọi mầm mống đối kháng như vậy, bằng chứng là Miến Điện vẫn có đảng đối lập, có bầu cử tương đối tự do, có một chế độ tạm gọi là dân chủ dù non nớt và còn xa mới hoàn hảo, có những phong trào biểu tình rầm rộ ở đó người dân quyết tâm đến cùng, không sợ phải hy sinh tính mạng…như chúng ta đã và đang chứng kiến trong hơn hai tháng qua.
Đảng cộng sản Việt Nam đã sống sót qua những giai đoạn "nguy hiểm" nhất, đó là giai đoạn mười năm sau khi thống nhất, hay giai đoạn toàn bộ Liên Xô và toàn bộ khối xã hội chủ nghĩa cũ ở Đông Âu bị sụp đổ. Thêm vào đó, mấy năm qua, vì nhiều lý do, trong đó có sự gia tăng đàn áp của nhà cầm quyền Việt Nam, sự lơ là về hồ sơ dân chủ, nhân quyền của Hoa Kỳ, sự chia rẽ của người Việt vì quan điểm khác nhau đối với chính trường Mỹ…phong trào dân chủ ở Việt Nam vốn đã èo uột, yếu ớt, gần như chết hẳn.
Thế thì nhà cầm quyền sợ hãi cái gì mà càng ngày càng ra sức đàn áp như vậy ? Sợ cái gì ?
Có thể nói thẳng, họ sợ bóng sợ gió, sợ đủ thứ. Hết sợ Hoa Kỳ và phương Tây tìm cách tác động, can thiệp để thay đổi chế độ ; sợ các "thế lực thù địch" có thể từ bất cứ đâu ; sợ "diễn biến hòa bình"-một cụm từ khá là kỳ quặc để nói lên sự thay đổi, chuyển hướng dần dần bằng con đường "hòa bình", không bạo lực ; sợ lòng căm hận, phẫn nộ trong nhân dân ; cuối cùng là sợ chính sự sự sụp đổ từ ngay bên trong đảng. Càng cầm quyền lâu, đảng cộng sản càng tự biến mình thành một "lực lượng chiếm đóng" (cách so sánh của kỹ sư, nhà bình luận chính trị Nguyễn Gia Kiểng, thành viên ban lãnh đạo Tập hợp Dân chủ Đa Nguyên ở Paris, Pháp), chứ không phải là một đảng phái chính trị có lý tưởng, có bổn phận phục vụ đất nước, nhân dân.
Thế nào là hành xử như một "lực lượng chiếm đóng" ? Đó là không quan tâm gì đến quyền lợi của đất nước, dân tộc, coi đất nước như tài sản riêng, tha hồ vơ vét chia nhau, tự quyết định tất tần tật mọi việc có liên quan đến đất nước, dân tộc Việt Nam, tự chia ghế cho nhau, ngược lại, coi dân chúng như cỏ rác, hơn nữa, là những "kẻ thù tiềm tàng", ngăn cấm mọi thứ, và muốn bắt ai, muốn kết tội gì, xử bao nhiêu năm…tùy ý.
Cũng chính vì hành xử như vậy, nên đảng cộng sản ngày càng trở thành một tập đoàn phản động, đi ngược với xu thế tiến bộ chung của thời đại, của thế giới, là lực cản mọi sự vươn lên trở thành một quốc gia giàu mạnh, dân chủ, độc lập của Việt Nam và khát vọng được sống trong một xã hội tự do, nhân bản, tôn trọng Con Người của người dân Việt Nam.
Biết rõ rằng dù đã thiết lập được một thể chế độc tài toàn trị sắt máu, dù đã ngăn chặn được mọi mầm mống phản kháng và biến 95, 96 triệu dân trở thành một đàn cừu ngoan ngoãn, nhưng đảng và nhà nước cộng sản vẫn sợ. Một phong trào biểu tình nổ ra ở Hong Kong hay Miến Điện, một sự thay đổi nào đó trong khu vực hay trên thế giới, cũng làm họ lo lắng và càng ra sức đàn áp hơn.
Hiểu như thế mới thấy những cái chuyện vô lý họ đã và đang làm như bắt bỏ tù và kết án dài hạn những con người không một tấc sắt trong tay, chỉ viết hoặc thậm chí chẳng mấy khi viết một bài báo chỉ trích chế độ mà chỉ làm những việc giúp đỡ dân oan, tù nhân lương tâm như bà Nguyễn Thúy Hạnh. Hoặc những vụ việc hoàn toàn không cần thiết và có thể chọn cách xử lý khôn ngoan, nhẹ nhàng hợp tình hợp lý hơn nhiều nhưng họ không làm, thay vào đó sẵn sàng huy động hàng ngàn quân, dàn trận giữa đêm khuya tập kích vào một ngôi làng là làng Đồng Tâm, rồi sau đó giết hại dã man người nông dân, đảng viên mấy chục năm tuổi đảng Lê Đình Kình, lại bày cả một vụ án để tru di tam tộc cả gia đình cụ…Tất cả chỉ nhằm mục đích răn đe, chứng tỏ cho dân biết họ không bao giờ nhường dân, sẵn sàng dùng một cái sai lớn hơn để che đậy một cái sai, dùng một cái ác lớn hơn gấp bội để che dấu một cái ác.
Một chế độ thực sự mạnh thì không sợ dân, không cần dùng đến bạo lực, đàn áp, và ngược lại, đơn giản là vậy.
Một Tổ quốc chung, một mái nhà chung, một số phận chung
Sau 4 năm cực kỳ chia rẽ vì chuyện chính trị Mỹ, thậm chí "chụp mũ" nhau, thóa mạ, từ mặt nhau, chỉ vì ủng hộ hay không ủng hộ một Tổng thống Mỹ (nay đã thành cựu Tổng thống, là Donald Trump), nhiều bạn bè người quen của người viết bài này, và ngay chính người viết, có những lúc cảm thấy thất vọng, gần như mất hết niềm tin vào tương lai của Việt Nam và vào phong trào đấu tranh dân chủ cho Việt Nam.
Nhưng nếu chúng ta mất lòng tin vào nhau, mất lòng tin vào tương lai của đất nước, dân tộc Việt Nam (mà dù cho bây giờ có là công dân của nước nào đi chăng nữa, thì Việt Nam vẫn mãi mãi là Tổ Quốc của chúng ta), từ đó không muốn lên tiếng, không muốn góp phần nhỏ bé để thay đổi vận mệnh Việt Nam, thì ai sẽ được lợi ? Trước hết là đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam, vì chế độ độc tài độc đảng của họ sẽ càng bình ổn, tồn tại lâu dài, sau đó là nhà cầm quyền Trung Quốc, vì Việt Nam còn nằm dưới sự kiểm soát toàn trị của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam thì Trung Quốc còn khống chế được, và Bắc Kinh không mong gì hơn là một Việt Nam hèn yếu, phụ thuộc vào họ.
Lại sắp đến ngày 30/4.
46 năm rồi kể từ khi cuộc chiến tranh Việt Nam chấm dứt, gần 2 thế hệ, người Việt bận bịu với việc mưu sinh và bao nhiêu mối lo toan ngày thường, chấp nhận chịu đựng một chế độ lạc hậu, phản động, hèn với giặc ác với dân.
Chúng ta thừa hiểu rằng mỗi một con người sống dưới chế độ độc tài của Đảng cộng sản Việt Nam thì đều là một "tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị dự bị", có thể bị bắt, bị khép tội này tội kia bất cứ lúc nào. Nhưng khi chuyện xảy ra với người khác, chúng ta tự nhủ sẽ không bao giờ tới phiên mình, nếu mình mũ ni che tai, chỉ lo làm ăn, không bao giờ lên tiếng bất cứ chuyện gì. Thực tế là dù chưa bước chân vào nhà tù nhỏ nhưng toàn bộ dân đen Việt Nam cũng đang ở trong một nhà tù lớn-khi mọi cái quyền tối thiểu nhất của một Con Người, một Công Dân như quyền bầu cử, ứng cử, quyền được mở miệng phê phán, chỉ trích nhà nước, quyền được giúp đỡ dân oan hay tù nhân lương tâm, quyền được đọc-viết-sáng tác tự do, quyền được biểu tình v.v. và v.v. đều bị ngăn cấm, chỉ còn lại những nhu cầu của một sinh vật sống-ăn, ngủ, đi vệ sinh, giao phối, và cái quyền duy nhất là đóng thuế !
Mặt khác, trong một mái nhà chung, là Việt Nam, nếu có một chế độ tốt đẹp thì tất cả người dân cùng hưởng, mà một chế độ tồi tệ thì mọi người dân cùng gánh chịu, cách này hay cách khác, thế thôi.
Song Chi
Nguồn : RFA, 08/04/2021 (songchi's blog)
Chiến tranh để làm gì ? Tái lập hòa bình và tái thiết quốc gia, hay để phục vụ mục tiêu của một ý thức hệ không tưởng ! Và sau chiến tranh, chính sách "hòa giải hòa hợp" cho quốc gia là gì để xây dựng lại những đổ nát và hàn gắn những vết thương ?
Đó là những câu hỏi quan yếu cho mọi lãnh đạo chính trị quốc gia, trước và sau mọi cuộc chiến tranh.
Có những người sẵn sàng tha thứ, nhưng quên thì chắc là không, dù muốn.
Nhưng những gì xảy ra sau 30 tháng 4 năm 1975 là những biến cố gây sợ hãi tột cùng lên phần lớn người dân miền Nam. Cho đến nay nó thật sự vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt.
Hàng chục vạn sinh linh đã chết trong tù cải tạo, hay trên đường tìm tự do, hay tiếp tục kháng chiến, v.v… kể từ tháng Tư đó. Những người còn sống sót, trong lẫn ngoài Việt Nam, hẳn muốn tìm mọi cách để quên đi những nỗi đau, những chấn thương quá lớn lao này. Nhưng rốt cuộc khó một ai có thể quên ! Cách đối phó của đa số những người khi gặp chấn thương quá lớn là tìm cách tách rời, là không muốn dính líu hay quan hệ đến những ký ức đau thương, để hy vọng từ từ quen và quên đi. Có những người sẵn sàng tha thứ, nhưng quên thì chắc là không, dù muốn. Bộ óc con người được thiết kế như thế đểnhớ mối đe dọa, nhất là các đe dọa sống còn, đã từng gây kinh hoàng và ác mộng lên họ.
Sự đối xử hung bạo và tàn ác của bên thắng cuộc trong cuộc chiến Việt Nam đối với bên thua cuộc tưởng chừng như chưa từng xảy ra trước đó trong lịch sử Việt Nam
Không quên là nỗi khổ tâm có khi suốt đời, dù đó cũng là khả năng sống còn. Nó là hai khía cạnh đối nhau của tâm lý con người. Nhiều khi chúng ta ước gì có thể quên được những ký ức đau buồn. Những cựu chiến binh Mỹ, Úc từng tham chiến Việt Nam chỉ hai ba năm, lúc về nước vẫn có những người bị rối loạn căng thẳng (tâm lý) hậu chấn thương, PTSD. Huống chi những người đã từng vào sinh ra tử, may mắn sống sốt giữa lằn đạn, mười đến hai chục năm, chứng kiến những tình huống bi thương, tàn khốc và kinh khiếp nhất của chiến tranh. Nhưng điều đáng nói là sau chiến tranh, hòa bình vẫn không đến với họ và gia đình họ. Có người bị tù đầy, trù dập qua chính sách tồi tệ nhất mà con người có thể tưởng tượng ra đến thêm năm, mười đến mười lăm năm nữa. Những chính sách đầy hận thù và phân biệt làm cho họ không những mất những người thân thương nhất trong đời, mà còn mất tất cả tài sản, mất nhân phẩm, mất nhân cách. Họ còn bị coi là phản bội tổ quốc, bị tước hết mọi quyền công dân, nếu quả thật công dân có chút quyền gì trong xã hội đó. Nhiều người đi tìm tự do, và khi có được tự do, thì cái giá họ trả quá đắt. Cuộc sống của họ bị đảo ngược hoàn toàn. Họ không còn gì cả. Họ bị liệt kê là ngụy quân ngụy quyền, bị toàn bộ máy chính quyền và truyền thông lên án kết tội mấy chục năm qua, rồi bị bứng ra khỏi quê hương để mãi mãi lưu vong.
Những chấn thương quá lớn như thế, dù có được các chuyên gia hàng đầu chữa trị bởi các phương pháp khoa học và thích hợp nhất, và được hỗ trợ bởi một chính quyền với những chính sách hòa giải thật sự, thì cũng mất nhiều thời gian và cũng khó thể nào vượt qua những hệ lụy còn lại, huống chi ngược lại.
Sự đối xử hung bạo và tàn ác của bên thắng cuộc trong cuộc chiến Việt Nam đối với bên thua cuộc tưởng chừng như chưa từng xảy ra trước đó trong lịch sử Việt Nam. Nhưng nó đã thật sự xảy ra, với mức độ và hình thức khác. Chẳng hạn, sự trả thù tàn khốc của Nguyễn Ánh đối với nhà Tây Sơn, và ngược lại, đã nói lên được rất nhiều về các ý niệm tha thứ hay hận thù, khoan dung hay cực đoan, tư thù hay quốc hận, quyền lợi gia tộc hay dân tộc, vân vân, của giới lãnh đạo quốc gia trong lịch sử Việt Nam. Những tư tưởng và hành động như thế này hiển nhiên để lại những hệ quả khốc liệt, gieo những mầm móng ung nhọt, cho bao nhiêu thế hệ sau đó. Đó là một văn hóa bạo động và hận thù không lối thoát. Và nó là vòng luẩn quẩn không thể vượt qua nếu tiếp tục được bao che và bào chữa.
Vì thế cho nên tôi đồng ý rằng con đường để dân tộc Việt Nam vượt qua được sự chia rẽ hận thù chồng chất bao nhiêu thập niên qua, hay đúng hơn, gần bốn trăm năm qua, từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh, nếu không phải là trước đó nữa, là chính sách hòa giải đích thực. Nhưng một chính sách như thế muốn thật sự có giá trị và hiệu quả, theo tôi, đòi hỏi một số yếu tố và điều kiện căn bản sau đây.
Một, tính chính danh của chính sách đó. Nghĩa là nếu đây chỉ là mong ước của một số người, dù thành thật đến mấy, cũng không thể nào thành công vì nó không có chính danh. Ngay cả khi chủ trương này do nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay khởi xướng, điều mà họ đã từng làm trước đây với chủ trương tuyên truyền và lừa gạt là chính, thì nó cũng không mang tính chính danh. Bởi họ chưa bao giờ thật sự đại diện tiếng nói của người dân. Theo tôi thì chỉ khi nào thể chế chính trị Việt Nam thật sự dân chủ trong đó lãnh đạo chính trị quốc gia trong cả ba ngành tư pháp, hành pháp và lập pháp được chính người dân bầu chọn, thì lúc đó nhà nước Việt Nam mới thật sự có chính danh và chính nghĩa để thực hiện chủ trương này.
Hai, tính công lý và nhân bản. Khi đã có chính danh và chính nghĩa, lãnh đạo chính trị quốc gia mới thật sự là đại diện tiếng nói và quan điểm của các xu hướng chính trị khác nhau. Đây là tiền điều kiện cần thiết và quan trọng để thảo luận rốt ráo và tranh luận sâu sắc với nhau một chính sách hòa giải và hòa hợp phức tạp, mang một phạm trù bao hàm thay vì loại trừ, để đưa đến các giải pháp mang lại công lý thật sự cho người Việt. Và các giải pháp này phải thật sự nhân bản, hàn gắn vết thương và xoa dịu nỗi đau, để tâm hồn của đại đa số người dân Việt Nam được thật khỏa lắp bởi tình thương và cảm thông. Chúng ta không thể thực hiện thành công mục tiêu hòa giải nếu chỉ đến từ thiện chí hay lương tri đến từ một thiểu số chưa thể xác định và chuẩn mực được những giá trị công lý và nhân bản.
Ba, tính tôn trọng sự thật lịch sử và hướng đi tương lai. Một chính sách hòa giải và hòa hợp mang tính tượng trưng, biểu kiến, thay vì mục đích hàn gắn vết thương và vượt qua nỗi đau quá khứ, sẽ không tồn tại. Muốn có giá trị lâu dài, chính sách này phải ghi nhận những lỗi lầm lịch sử, những bài học cần thiết, và những lời xin lỗi chân thành. Chính sách này cũng cần nêu ra những giá trị nền tảng lâu dài cho đất nước để tái thiết cũng như để tránh lập lại những lỗi lầm của quá khứ. Nhưng chỉ có lãnh đạo chính trị quốc gia thật sự đại diện cho toàn thể người dân và được ủy nhiệm (empowered) mới có thể hoàn thành sứ mạng khó khăn này.
Bốn, ghi nhận và nâng đỡ những nạn nhân bằng những việc làm cụ thể. Trong tương lai, lãnh đạo chính trị dân cử tại Việt Nam cần quyết định một số việc cụ thể để khắc ghi những chính sách sai lầm của quá khứ, từ cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm tại miền Bắc, đến trại tù cải tạo, kinh tế mới, đổi tiền, thuyền nhân Việt Nam v.v... Một số nơi cần được đạo luật đặc biệt do quốc hội thông qua để trở thành di tích lịch sử chính thức, và các viện bảo tàng sẽ trưng bày những câu chuyện và những chứng vật, những thảm họa chiến tranh từ mọi phía, cho đến các câu chuyện thuyền nhân Việt Nam. Điều quan trọng khác là cần phải có chính sách cụ thể để nâng đỡ bao nhiêu nạn nhân bị đối xử tàn tệ, kể cả những người đi tù mục xương, chết trong tù, và những hệ lụy đến gia đình họ. Lịch sử phải ghi nhận những sự thật này, đó là điều căn bản và bước đầu. Và sau đó là chính sách bồi thường cần thiết. Nhưng chúng ta không thể làm bất cứ điều gì trong các nhu cầu trên trong thời điểm hiện nay, khi chưa thể có tính chính danh và sự ủy nhiệm chính thức của người dân từ mọi xu hướng chính trị trên mọi miền đất nước. Sự phân biệt đối xử và sự đàn áp tồi tệ đối với các sắc tộc thiểu số tại Việt Nam cũng cần phải được lịch sử ghi nhận một cách chính thức và các chủ trương hòa giải, và các bộ luật tôn trọng các quyền căn bản của họ, kể cả ngôn ngữ và văn hóa, đối với các dân tộc thiểu số.
Năm, biết được các giới hạn của hòa giải hòa hợp. Cho dầu lãnh đạo chính trị quốc gia có thể đưa ra một chính sách hòa giải hòa hợp toàn hảo đi nữa, với các chuẩn mực nói trên, chúng ta chỉ có thể mong đợi một cách thực tế là một phần nào đó người dân sẽ hàn gắn, sẽ tha thứ cho nhau, qua thời gian vết thương sẽ được lành lặn, và hy vọng sẽ xây dựng được sự thông cảm cho nhau. Điều này tuy hơi lý tưởng nhưng không phải là bất khả. Tuy nhiên chúng ta cũng phải thực tế nhìn nhận rằng sẽ có một thành phần dân tộc khác sẽ không thể thực hiện được, dù cố gắng đến mấy và dù được hỗ trợ đến mấy. Có thể là vì sự hận thù của họ là quá lớn mà họ không thể vượt qua được. Nhưng cũng có thể chính họ là những người bị những chấn thương quá lớn, bị PTSD, đầu óc của họ đã bị hư hại ít nhiều. Những người này đáng thương hơn đáng trách. Mọi giác quan của họ, từ nghe, thấy, ngửi, ném, cảm nhận hoặc linh cảm, tuy chủ quan và không dựa trên cơ sở bằng chứng cụ thể nào, nhưng đều dễ dàng đưa họ trở về quá khứ của đe dọa, đau thương, hãi hùng.
Những người ở trong trường hợp như thế không còn khả năng điều chỉnh hay chủ động phần não lý trí PRC (pre-frontal cortex), trong khi phần não Amygdala dễ dàng cưỡng chiếm mọi cảm xúc của họ. Rất nhiều người trong chúng ta được cha mẹ thương yêu, nhưng vẫn không quên được lúc năm, sáu tuổi từng bị cha mẹ dọa đem bỏ chợ, hoặc ví rằng mình là con rơi lượm ngoài chợ hay thùng rác. Cũng có những lúc bị đánh đập, chửi mắng hay dọa nạt làm chúng ta tổn thương tột cùng mà đeo đuổi chúng ta suốt đời. Nhưng những hình phạt thể xác nhiều khi không gây tổn thương và để lại chấn thương bằng những lời nói, cử chỉ khắc ghi vào bộ óc của mình. Chỉ từng đó thôi mà cả đời mình còn không quên, huống gì những chấn thương chiến tranh tâm lý làm tan nát cuộc đời. Khi những chính sách phân biệt đối xử nặng nề kéo dài nhiều thế hệ như thế, hệ quả để lại sẽ ăn sâu vào tâm khảm của nạn nhân. Cũng vì như thế cho nên chính sách hòa giải bằng các biện pháp tích cực và thích đáng nhất đối với chính sách nô lệ và đối xử tàn tệ với người da đen tại Mỹ hàng trăm năm, chính sách đối xử tàn tệ đối với người thổ dân Úc, kể cả Thế hệ bị đánh cắp (Stolen Generation), hay hệ thống phân biệt chủng tộc được thể chế hóa tại Nam Phi, vân vân… sẽ mất rất nhiều thời gian để phần nào đạt được kết quả hàn gắn, đoàn kết và cảm thông.
Tóm lại, hòa giải là một mục tiêu chính đáng, cần thiết và cấp bách đối với Việt Nam. Không thể xây dựng sức mạnh và phát huy tiềm năng của dân tộc để đối phó với những thử thách lớn lao bằng tinh thần rã rời và mục nát như hiện nay. Tôi hiểu được chủ trương và mục tiêu của hòa giải hòa hợp là xây dựng sức mạnh và đoàn kết. 30 tháng Tư 1975 là một cơ hội quý hiếm bị bỏ lỡ. Nhưng để thực hiện hòa giải thành công thì không thể chỉ bằng thiện chí, công lý, sự thật, tha thứ, hàn gắn hay tình thương là đủ. Khi không có thực quyền, không được ủy nhiệm, không mang tính đại diện cho mọi khuynh hướng chính trị của dân tộc và cho các nạn nhân của thời cuộc, thì chính sách hòa giải sẽ không đi đến đâu cả. Có lẽ cần phải có ủy ban hòa giải độc lập quy tụ những người uy tín được nhà nước Việt Nam do dân bầu lên trong tương lai ủy quyền, đặt mục tiêu và chuẩn mực hoạt động để thực hiện nhiệm vụ cao cả này.
Tuy thế, tôi mong mỏi rằng một ngày nào đó người Việt có thể vượt qua được sự hận thù và chia rẽ chồng chất hiện nay, ước mong tôi đã trình bày nhiều lần trên trang này, để từng bước đi đến tinh thần hòa giải đích thực cho tương lai của đất nước và thế hệ mai sau. Tinh thần hòa giải khi chưa thể thực hiện tầm lớn thì, không cần phải chờ đợi, vì chúng ta vẫn có thể ở tầm cá nhân, qua tư duy và hành động chân thật của mình với người khác.
Úc Châu, 18/04/2019
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 21/04/2019