Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hòa thượng Tuệ Sỹ nằm xuống để lại bao nhiêu thương tiếc

Những ngày qua kể từ khi Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch, trong lúc truyền thông nhà nước gồm khoảng trên dưới 800 tờ báo và tạp chí, hơn 70 cơ quan đài phát thanh và truyền hình (chỉ trử hai trang tin Phật Giáo và Giác Ngộ, hai tờ báo Tuổi Trẻ và Một Thế Giới) đều im lặng, thì các báo đài tiếng Việt bên ngoài và trên mạng xã hội tràn ngập thông tin về sự ra đi của Hòa thượng, nhân thân, tiểu sử, những đóng góp lớn lao của Thầy trong lĩnh vực Phật học, triết học và thi ca.

tuesy1

Điều an ủi là từ sự mất mát to lớn này, có những người chưa từng nghe đến tên Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, chưa từng đọc cuốn sách nào của Hòa thượng (hay chỉ đọc được vài bài thơ), chưa từng biết đến sự tồn tại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất – hoàn toàn độc lập, bên cạnh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hoạt động dưới sự chỉ đạo, kiểm soát của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam… bỗng tò mò, ngạc nhiên tìm hiểu rồi hoàn toàn bị chinh phục bởi cuộc đời và trí tuệ, nhân cách, phẩm hạnh của con người được ca ngợi là đại bi–đại trí–đại dũng, và cùng với Thiền sư Lê Mạnh Thát-Thích Trí Siêu, được coi là 2 nhà sư-thiền sư uyên bác nhất của Phật giáo Việt Nam này.

Một điều thứ hai cũng dễ nhận thấy, so với vài nhân vật cũng nổi tiếng lẫy lừng khác của Phật giáo Việt Nam từ dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa như Thích Nhất Hạnh, Thích Trí Quang mà sự ra đi của họ để lại bao nhiêu dư luận, tranh cãi trái chiều, đối với Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, chỉ có một sự kính trọng, ngưỡng mộ và tiếc thương. Toàn bộ cuộc đời của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ toàn tâm toàn ý trọn vẹn dâng hiến cho đạo pháp và dân tộc, để lại cho Phật giáo Việt Nam rất nhiều công trình nghiên cứu, khảo luận triết học, thơ ca, dịch thuật Phật giáo, đặc biệt là công trình dịch thuật cuối đời : 29 cuốn Kinh, Luật và Luận thuộc Thanh Văn Tạng của Đại Tạng Kinh Việt Nam do Hội đồng phiên dịch Tam Tạng Lâm Thời thực hiện và Hội Ấn Hành Đại Tạng Kinh Việt Nam thực hiện dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, Chủ tịch Hội đồng phiên dịch Tam Tạng Lâm Thời. Cuộc đời đó hoàn toàn vô cùng thanh bạch, hoàn toàn xa lạ với danh lợi, với những lời chúc tụng của đám đông hay võng lọng phủ dụ của chế độ độc tài. Cuộc đời đó là một hình mẫu xứng đáng với những chữ như trí thức, chân tu, thiền sư… theo ý nghĩa đúng đắn nhất, cao đẹp nhất. Và cuối cũng, cuộc đời đó gắn liền với vận mệnh của Phật giáo Việt Nam trong những giai đoạn hưng thịnh phát triển sáng chói cũng như những bi kịch và giai đoạn mạt pháp hiên nay dưới chế độ độc tài toàn trị.

Cũng như rất nhiều bậc đại đức cao tăng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một Giáo hội không được nhà nước cộng sản Việt Nam thừa nhận và bị gạt ra ngoài lề, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ từng trải qua 2 lần tù đày : lần thứ nhất 3 năm từ 1978-1981, lần thứ hai vào tháng 9 năm 1988, ông và Lê Mạnh Thát-Thích Trí Siêu bị tuyên án tử hình vì tội "hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân". "Do sự tranh đấu tích cực của các nhân sĩ trong và ngoài nước, cùng sự can thiệp của các cơ quan nhân quyền quốc tế, Hà Nội phải vội vã giảm án hai Thầy xuống còn 20 năm khổ sai, đem giam Hòa thượng tại Xuân Lộc, Đồng Nai, sau đó chuyển riêng Hòa thượng ra trại A-20 tỉnh Phú Yên… Năm 1998, Hà Nội trả tự do cho Hòa thượng, cùng với một số người khác. Trước đó, Hòa thượng đã tuyệt thực trong tù. Vì trước khi thả, nhà cầm quyền áp lực buộc Hòa thượng ký vào lá đơn gửi ông Chủ tịch nước "xin khoan hồng", Hòa thượng đã trả lời nội dung : "Chúng tôi đã không công nhận giá trị của phiên tòa này, tính pháp lý của bản án này, các ông không có quyền giam giữ chúng tôi thì sao lại có quyền khoan hồng hay ân xá chúng tôi". Công an thuyết phục : không viết đơn thì không có lý do để thả được. Hòa thượng đã khẳng khái đáp : "Đó là việc của các ông ; nhưng nếu các ông cứ áp lực buộc chúng tôi ký đơn, tôi sẽ tuyệt thực phản đối". Và Hà Nội đã phải trả tự do cho Hòa thượng vào ngày 01/9/1998, sau 10 ngày" (trích tiểu sử chính thức của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ từ Hoằng Pháp, trang nhà của Hội đồng Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất). Sau khi ra khỏi tù, cũng như Hòa thượng Thích Quảng Độ, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ còn nhiều lẩn bị quản thúc tại gia.

Nhưng cũng cần phải nói rõ thêm, thầy Thích Tuệ Sỹ không chủ ý muốn làm chính trị, như chính lời kể lại của những đệ tử thân cận, Thầy cảm thấy không thoải mái khi người ta nhắc nhiều quá đến giai đoạn khó khăn, tù đày, những lời nói bất khuất của Thầy trước cường quyền. Thầy cũng không thực sự muốn đứng ra nhận lãnh công việc lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất khi Đức Đệ ngũ Tăng thống Thích Quảng Độ qua đời. Công việc mà Thầy thực sự muốn chuyên tâm thực hiện cả đời là nghiên cứu, dịch thuật và giảng dạy, bởi vì theo quan điểm của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, muốn cho Phật giáo Việt Nam tồn tại và phát triển dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, việc hoằng dương chánh pháp và truyền thừa cho thế hệ sau là những nhiệm vụ quan trọng nhất. Cuộc đời đó tự nó không hề và không cần là "huyền thoại". Tài năng, trí tuệ, đạo đức cho đến những khổ nạn đã trải qua là thật. Và do đó hoàn toàn xa lạ với hai chữ "huyền thoại. Ngay cả những nhà sư "quốc doanh", báo chí quốc doanh cũng không dám có một lời nào không đúng đắn về Thầy.

Một xã hội tự do là môi trường chấp cánh cho mọi tài năng

Sau khi đất nước chia đôi, Phật giáo nói riêng và tôn giáo nói chung ở miền Bắc giai đoạn 1954-1975 trầm lắng hẳn vì bị kiểm soát, khống chế, đàn áp. Ông Đỗ Trung Hiếu, một cán bộ giữ vai trò trọng yếu trong Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam tham gia vào việc thống nhất Phật giáo Việt Nam, năm 1990 ông ra khỏi đảng do bất đồng chính kiến, từng viết trong thiên hồi ký "Hồ sơ thống nhất phật giáo" : "Hầu hết chùa, nhà thờ ở miền Bắc mà tôi đã đến thăm đều rêu phong tàn tạ. Các nhà sư (sư ông, sư bà) lẩm cẩm sợ sệt, một báo cáo cụ, hai báo cáo cụ. Các linh mục, giám mục đóng kín cửa lạc hậu với thời cuộc, Phật tử gần như không còn gì nữa, chỉ ẩn hiện dưới dạng mê tín, cúng bái linh tinh và rất e dè trước khách lạ. Tín đồ Thiên Chúa giáo thì khổ cực, hằn sâu trong mắt họ những nét u uất thâm nghiêm, nhưng rực lửa và sẵn sàng bốc cháy khi có mồi. Đó là mối nguy lớn, chứ không phải thành công của tôn giáo vận.

Cán-bộ tôn giáo vận ở trung ương và các tỉnh miền Bắc văn hóa thấp kém, chính trị non nớt, nghiệp vụ chuyên môn giáo điều cũ kỹ và tổ chức bộ máy tôn giáo vận xộc xệch quê mùa. Như vậy làm sao đói ứng nổi với bộ máy hiện đại của các tôn giáo ở miền Nam. Cho nên rốt cuộc chỉ áp-dụng "chuyên-chính vô-sản". (hết trích)

Trong khi đó, nhìn lại giai đoạn 1954-1975 ở miền Nam, không thể phủ nhận những thành tựu rực rỡ của báo chí, văn học nghệ thuật, triết học và Phật học. Riêng trong lĩnh vực triết học và Phật học, ở miền Nam thời bấy giờ có bao nhiêu tờ báo, tạp chí, tập san nghiên cứu Phật học. Các tuần san Hải Triều Âm, Thiện Mỹ, Đuốc Tuệ, Đại Từ Bi, các nguyện san Vạn Hạnh, Giữ Thơm, Quê Mẹ, Liên Hoa, Từ Quang, tập san nghiên cứu Tư Tường, nhật báo Chánh Đạo, Đất Tổ… Giai đoạn này, chính triết lý sâu sắc của giáo pháp nhà Phật đã thu hút hàng loạt học giả, nhà nghiên cứu, giáo sư, văn nghệ sĩ… đến với báo chí Phật giáo. Nhiều vị Hòa thượng, Đại đức, cư sĩ, học giả có trình độ học vấn uyên thâm như Hòa thượng Thích Tâm Châu, hòa thượng Thích Quảng Độ, Thượng tọa Thích Trí Siêu, hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, hòa thượng Thích Thiện Minh, Thích Mãn Giác, Thích Minh Châu, thiền sư Nhất Hạnh, nhà thơ, triết gia, cư sĩ Phật giáo Phạm Công Thiện, học giả Nguyễn Đăng Thục, Dương Thiệu Tống, Lê Tôn Nghiêm v.v… Rồi trường đại học Vạn Hạnh --đây là viện đại học tư thục Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam-- quy tụ nhiều tinh hoa trí tuệ thuộc hàng uyên bác nhất của miền Nam với một thư viện sách đồ sộ, trong đó có nhiều bộ sách bách khoa và tự điển của nhiều ngôn ngữ, sách thuộc các lĩnh vực triết học, lịch sử, văn hóa, văn học... cập nhật những dòng/xu hướng tư tưởng mới nhất của thời đại…Tóm lại, vô cũng phong phú, hiện đại, tự do.

Không có bầu không khí tự do đó, sẽ không có một nền Phật học sáng chói với những học giả, những bậc chân tu có trí tuệ, kiến thức, phẩm hạnh hơn người mà thầy Thích Tuệ Sỹ là một ví dụ nổi bật.

Phật giáo sau ngày 30/4/1975 và tương lai

Dưới chế độ độc tài toàn trị do đảng cộng sản lãnh đạo, kiểm soát và đàn áp tôn giáo là một chính sách xuyên suốt. Nhà nước cộng sản Việt Nam có muôn ngàn thủ đoạn, biện pháp để trấn áp, cô lập, chia rẽ, lũng đoạn các tôn giáo. Đối với Phật giáo, hậu quả của gần thế kỷ đàn áp đó là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị gạt ra ngoài lề, những bậc chân tu, học giả chân chính không có cơ hội để truyền thừa kiến thức chánh đạo, Phật giáo vừa bị chính trị hóa, vừa bị thương mại hóa, trở nên biến tướng, tha hóa rất nhiều. Thậm chí "kinh doanh chùa" còn là một thứ "nghề" ăn nên làm ra. Chùa được xây nhiều, có những ngôi chùa to "khủng", tọa lạc trên những địa thế đẹp, nổi bật, kiến trúc hoành tráng mà để xây dựng cần quỹ đất rất lớn, kể cả san rừng bạt núi, người dân đi chùa đông như trẩy hội nhưng Phật giáo suy tàn, đủ thứ trò mê tín dị đoan, sư nhiều mà bậc chân tu thì vô cũng hiếm…

Chính vì vậy mà sự ra đi của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ càng để lại một khoảng trống khó bù đắp và nỗi lo âu cho vận mệnh, tương lai của Phật giáo Việt Nam.

Tuy nhiên, Phật giáo Việt Nam đã tồn tại hàng ngàn năm qua bao nhiều giai đoạn khó khăn chông gai, bao nhiều trang sử đen tối, nhưng vẫn tồn tại, phát triển và gắn chặt với vận mệnh của dân tộc Việt Nam. Lịch sử đảng cộng sản dù có dài trăm năm và so với hàng ngàn năm ấy thì chỉ là một quãng ngắn, rồi cũng phải kết thúc, không một chế độ độc tài nào có thể tồn tại mãi mãi.

Nhìn vào niềm thương tiếc của bao nhiều người Việt dành cho thầy, mới thấy sự thất bại của Nhà nước Việt Nam trong việc tìm cách tha hóa, lũng đoạn Phật giáo, tiêu diệt những tài năng.

Thầy Tuệ Sỹ ra đi, tiếp bước bao nhiều vị cao tăng đại đức đã trọn đời tận tụy với đạo pháp, với đất nước, dân tộc, nhưng Thầy đã để lại cả một di sản lớn lao : ngoài những công trình nghiên cứu, khảo luận, dịch thuật đồ sộ, Thầy đã để lại một tinh thần vô úy không sợ hãi, một hình mẫu của một bậc trí thức, bậc chân tu, thiền sư đúng nghĩa. 

Nhà thơ, dịch giả, cư sĩ Phật giáo Phạm Công Thiện từng nói về Thầy Tuệ Sỹ : "Vị Thiền sư lỗi lạc nhất, thông minh nhất, uyên bác nhất, trong sạch nhất của Việt Nam hiện nay. Tôi xin gọi hai vị này [Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát] là thiền sư với tất cả đắn đo thận trọng, với tất cả ý nghĩa cao đẹp và như thực của một danh xưng xung thiên chí".

Còn nhà văn, nhà bình luận chính trị Trần Trung Đạo, pháp danh Thị Nghĩa thì cho rằng : "Không một bậc cao tăng thạc đức nào thật sự ra đi. Hành trang của quý ngài vẫn in dấu sâu đậm trong lòng Dân Tộc và Đạo Pháp. Tác phẩm của các ngài viết, những lời dặn dò của các ngài sẽ còn mãi mãi…".

Song Chi

Nguồn : RFA, 28/11/2023

Nhân duyên tôi biết Thầy Tuệ Sĩ, bài viết của Hòa thượng Thích Thái Hòa, đệ tử Hoàng Lan Quảng Thiện Duyên diễn đọc

Published in Diễn đàn

Tin Hòa thượng Tuệ Sỹ viên tịch có vẻ như khép lại một trang sử sôi động, đầy lãng mạn của Phật giáo Việt Nam, kể từ phong trào Chấn hưng Phật giáo, với sự thành lập An Nam Phật học tại miền Trung vào năm 1932, do các nhà sư và các trí thức nho học lẫn "Tây" học, chủ trương, trong đó nổi tiếng nhất là bác sĩ Lê Đình Thám (1897-1969).

phattu0

Chùa Tam Bảo, Louisiana, Hoa Kỳ

Với Chấn hưng Phật giáo, Phật giáo Việt Nam bắt đầu tiếp nhận kiến thức khoa học tự nhiên và xã hội từ phương Tây, những lĩnh vực không hề mâu thuẫn với cốt lõi của Phật giáo do Đức Thích Ca thành lập. Phật giáo Việt Nam cũng bắt đầu tách việc cúng bái, tế lễ… ra khỏi việc tu tập của tăng sĩ và đại chúng.

Sau khi Hòa thượng Tuệ Sỹ viên tịch (24/11/2023) vài ngày, tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm, một phật tử ở Mỹ có bài viết mang tựa đề, Tưởng niệm Thích Tuệ Sỹ : Khi cái chết trở nên điều huyền thoại.

Trong bài viết này, ông Nguyễn Hữu Liêm cho rằng tính cách, tri thức, và đạo đức, lòng quả cảm (vô úy) của Hòa thượng Tuệ Sỹ là một chỗ dựa cho giới trí thức Phật giáo Việt Nam hiện nay, giữa một thời thế mà họ cho là có quá nhiều điều đáng trách đối với Phật giáo Việt Nam, từ việc nghi thức lễ lạt luộm thuộm, cho đến chỉ lo kiếm tiền ở các chùa chiền.

Người biết kẻ không

Việc ra đi của Thầy Tuệ Sỹ đã được những người thân cận với ông, cũng như những Phật tử chịu ảnh hưởng nhiều từ ông, chuẩn bị từ lâu. Một thời gian không lâu trước khi ông viên tịch, các trí thức Phật tử trong và ngoài nước, bao gồm cả các nhà sư, đã bắt đầu viết kỷ yếu tri ân Hòa thượng Tuệ Sỹ.

Có vẻ như đối với giới trí thức Phật giáo, những người quan tâm nhiều đến phần "tuệ", của tư tưởng Phật giáo, thì ảnh hưởng của Thầy Tuệ Sỹ đã rất rõ, không bàn cãi.

Tôi có đặt câu hỏi về ảnh hưởng của Thầy Tuệ Sỹ với một doanh nhân trong nước, mà tôi xin giấu tên, thì bà cho rằng trong vòng bạn bè quen biết của bà, rất nhiều người quan tâm tới Thầy Tuệ Sỹ, mà là những người có học, có vai vế và địa vị trong xã hội.

Nhưng đối với một tầng lớp Phật tử đông đúc hơn, bình dân hơn, tầng lớp quan tâm nhiều đến nghi thức, tín ngưỡng, nhiều hơn là tri kiến, thì ảnh hưởng của Thầy Tuệ Sỹ là tới đâu ?

Trên trang Facebook của chùa Phật học Cần Thơ, một trang Facebook được cập nhật thường xuyên, không có một dòng nào về việc ra đi của Thầy Tuệ Sỹ, mà là một tâm thư gửi cho Phật tử về việc quyên góp để xây một ngôi chùa.

Tương tự như vậy, trên trang Facebook của chùa Tam Phước (Đồng Nai, thuộc hệ phái Theravada), là thông bạch Hùn phước quỹ hộ trì tam bảo.

Cả hai vị trụ trì hai ngôi chùa kể trên đều đã từng đi hoằng pháp tại… Mỹ, và tôi từng tiếp xúc.

Với sự hậu thuẫn của bộ máy nhà nước Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nước, mà trong đó không bao gồm những vị tăng như Thầy Tuệ Sỹ, thì việc "không biết đến Thầy Tuệ Sỹ" là một chuyện bình thường.

Theo ghi nhận của một số người thì việc Thầy Tuệ Sỹ viên tịch chỉ được hai tờ báo trong nước ghi nhận, đó là tờ Tuổi Trẻ và tờ Giác Ngộ, trong đó các bản tin không hề ghi nhận về bản án tử hình mà nhà nước Việt Nam tuyên cho Hòa thượng Tuệ Sỹ và Trí Siêu (Lê Mạnh Thát) vào năm 1988, cũng không đề cập rằng Hòa thượng Tuệ Sỹ là người đứng đầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Nhưng những ngôi chùa Việt Nam tại Mỹ, cũng như cộng đồng Phật tử Việt Nam tại Mỹ, đều biết và ghi nhận về sự ra đi của Thầy Tuệ Sỹ ?

Không phải như thế.

Tại Thiền viện Trúc Lâm Đại Đăng, San Diego, California, ngôi chùa lớn nhất của hệ phái thiền Trúc Lâm tại Mỹ, cũng chỉ diễn ra những hoạt động Phật sự bình thường, không có một lời nào nhắc đến tên Thầy Tuệ Sỹ. Người đứng đầu hệ phái Trúc Lâm là Hòa thượng Thích Thanh Từ, hiện là Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nước.

phattu2

Thiền viện Trúc Lâm Đại Đăng, San Diego, California, ngôi chùa lớn nhất của hệ phái thiền Trúc Lâm tại Mỹ

Ngày Chủ nhật, 26/11/2023, tôi đến một ngôi chùa nhỏ ở miền Bắc California. Có khoảng 50 Phật tử đến chùa dự buổi giảng pháp và cầu siêu, một con số khá lớn đối với một ngôi chùa nhỏ tại Mỹ, chỉ có ba người biết đến Thầy Tuệ Sỹ, trong đó có hòa thượng trụ trì.

Tôi hỏi hai phụ nữ vào độ 70 tuổi, vừa phát qui y hai tuần trước đó, không ai biết gì về Thầy Tuệ Sỹ.

Đó là những cộng đồng Phật tử xuất phát từ miền Nam Việt Nam, nơi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã từng có một bề dày ảnh hưởng.

Tôi không cho là có ảnh hưởng của Thầy Tuệ Sỹ đối với các cộng đồng Phật giáo tại miền Bắc Việt Nam, vốn đi theo một con đường hoàn toàn khác với Phật giáo miền Nam trong hàng chục năm trời phân chia Nam Bắc.

Đối với giới trí thức miền Bắc cũng vậy, Phật tử hay không, ảnh hưởng của Thầy Tuệ Sỹ không là bao nhiêu. Ông Mạc Văn Trang, một giáo sư về hưu ở Hà Nội viết rằng ông chỉ biết đến thầy Tuệ Sỹ khi thầy viên tịch.

Miền bất định

Trong bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm trên BBC Việt ngữ, ông cho rằng, "từ khi Thầy Nhất Hạnh qua đời, và nay với sự ra đi của Thầy (Tuệ Sỹ), thì ý chí và con đường dấn thân, nhập thế của Phật giáo Việt Nam xem như chấm dứt".

Tôi không hoàn toàn đồng ý với nhận định này của ông Liêm, vì theo tôi thì sự chấm dứt đó bắt đầu sớm hơn nhiều.

Hay nói khác hơn là sự "nhập thế" của Phật giáo Việt Nam đi vào một cảnh giới khác, một cảnh giới của "Hùn phước quỹ hộ trì tam bảo" ! Một cỗ máy làm tiền rất lớn, có vẻ rất phù hợp với chủ trương của chính phủ Việt Nam hiện nay rằng "tôn giáo là động lực phát triển xã hội" (một nhà ngoại giao Việt Nam nói với tôi như thế, mà báo chí nhà nước Việt Nam cũng viết như thế).

Nhưng mặt khác, ý thức hệ Marxism vẫn là hệ tư tưởng chủ đạo của đảng cầm quyền hiện nay. Trong ý thức hệ đó tôn giáo vẫn là "thuốc phiện của nhân dân". Vậy có nghĩa là phát triển xã hội bằng thuốc phiện ? !

Nhưng "Hùn phước quỹ hộ trì tam bảo" không phải chỉ ở trong nước, với hoàn cảnh nhá nhem giữa thuốc phiện và động lực phát triển, tại các cộng đồng Phật tử Việt Nam ở Mỹ cũng thế.

Tại đây mối quan tâm hàng đầu cũng là các buổi lễ theo truyền thống Tịnh độ dài lê thê, các gian phòng thờ hương linh, chứ không phải là trao đổi luận bàn về triết học, tâm lý học Phật giáo. Công cuộc chấn hưng Phật giáo, phân biệt rõ giữa cúng tế và Phật giáo, của An Nam Phật học, hơn 90 năm trước, có vẻ đã không có kết quả gì.

Một người hoạt động trong Phật giáo hải ngoại, tại San Jose, nói với tôi rằng việc xây dựng Chùa to Phật lớn cũng là điều tốt, vì trước mắt việc đó thu hút đông đảo người đi chùa.

Ông không phải là người duy nhất có quan niệm đó. Những người này cũng có lý vì tuyệt đại đa số những người Việt ở Mỹ đến chùa hiện nay là những người lớn tuổi, mối quan tâm của họ là những nghi lễ, và những phòng thờ linh, những cảnh chùa hoành tráng. Ít nhất là hiện nay, Phật giáo Việt Nam tại Mỹ giúp đỡ được cuộc sống của những người tha hương bớt hiu quạnh, tạo cho họ niềm vui được nối kết với cộng đồng cùng ngôn ngữ.

Nhu cầu này tạo nên một luồng di cư rất lớn các tăng ni từ Việt Nam, vì những tăng ni này vẫn nói cùng một ngôn ngữ, không khác biệt văn hóa với đại chúng Phật tử Mỹ gốc Việt hiện nay.

Hàng ngàn tăng ni Việt Nam đã sang Mỹ, nhưng con số còn trụ lại với việc hoằng pháp, tu tập không là bao nhiêu. Không có con số thống kê chính thức, nhưng từ những nguồn tin khả tín trong giới Phật giáo ở Mỹ, cũng như từ các vị sư, thì những tăng ni còn ở lại trong chùa, dao động từ 5 đến 20% những tăng ni di cư sang Mỹ.

Hiện tượng này gây lo ngại đến nhiều Phật tử Mỹ gốc Việt. Một người nằm trong ban hộ trì tam bảo một ngôi chùa miền Bắc California nói với tôi rằng ông không muốn ngôi chùa của mình thành một trung tâm di trú !

Trở lại với phong trào chấn hưng Phật giáo hơn 90 năm trước, trong 90 năm đó Phật giáo Việt Nam cống hiến cho thế giới một pháp môn Làng Mai của thầy Nhất Hạnh.

Nhưng Làng Mai và phần còn lại của Phật giáo Việt Nam giống như hai thế giới cách biệt. Tại các trung tâm của Làng Mai, người ta không thấy cúng tế dài lê thê, và rất nhiều Phật tử trẻ nhiều quốc tịch.

phattu3

Làng Mai và phần còn lại của Phật giáo Việt Nam giống như hai thế giới cách biệt.

Một người hoạt động trong giới Phật giáo Việt Nam tại Mỹ nói với tôi rằng Làng Mai "ích kỷ" không quan tâm đến cộng đồng Phật giáo Việt Nam.

Tôi có nhận xét rằng tại các trang web của Làng Mai, trong những ngày này, cũng không thấy có một dòng chữ nào nói đến Thầy Tuệ Sỹ, tuy rằng cả hai thầy, Nhất Hạnh và Tuệ Sỹ cũng đều xuất thân từ công cuộc chấn hưng Phật giáo ở miền Trung, đến Đại học Phật giáo Vạn Hạnh tại Sài Gòn trước năm 1975.

Có lần tôi đặt vấn đề về những khó khăn bất định như vậy của Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo Việt Nam tại Mỹ nói riêng, với một sư cô người Việt lớn lên ở Mỹ. Sư cô nói với tôi rằng đừng nhìn ly nước bằng khoảng trống của nó ! Vị sư cô này có nhiều nỗ lực trong việc thu hút thanh thiếu niên Việt Nam lớn lên tại Mỹ, đến với Phật giáo.

phattu4

Chùa Việt Nam là địa điểm du lịch tâm linh của nhiều du khách (Ảnh : sưu tầm)

Tôi cũng có quen thượng tọa Thiện Tâm ở miền Nam California. Ông không trụ trì một ngôi chùa nào, và đi giảng pháp nhiều nơi, bằng tiếng Anh lưu loát, đặc biệt là ông dành thời gian rất nhiều để giúp đỡ tinh thần cho các tù nhân miền Nam California. Phật tử của ông gồm nhiều gốc gác chủng tộc khác nhau. Ông nói với tôi rằng ông không có gì lo ngại cho tương lai của Phật giáo cả.

Tương lai của Phật giáo Việt Nam có thể không nằm ở cái hình hài khá bi quan của nó hiện nay, vì nó chỉ là hình tướng ?!

Joaquin Nguyễn Hòa

Nguồn : BBC, 29/11/2023

-----------------------

Bài thể hiện quan điểm riêng của cây bút tự do Joaquin Nguyễn Hòa, hiện sống tại San Jose, California, Hoa Kỳ.

 

Published in Diễn đàn

Một trong số ít tu sĩ mang tầm ảnh hưởng lớn trong cộng đồng Phật giáo miền Nam Việt, nhất là trong khối Phật tử thuộc Giáo Hội Thống Nhất trước 1975, là Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ.

thay1

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ (1925-2023)

Thầy Tuệ Sỹ (từ đây Tuệ Sỹ) là một hình ảnh biểu hiện những đức hạnh của một tăng sĩ đạo Phật - từ vóc dáng thân thể đến lập trường, quan điểm trên bình diện thế gian.

Chuẩn mực cho lãng mạn và tưởng tượng

Điều rõ ràng nhất là Tuệ Sỹ đã từng đáp ứng được trí tưởng tượng cho số đông quần chúng nhà Phật, nhất là giới trí thức, văn nghệ. Là một thi sỹ dù Thầy là một học giả ưu việt về Phật học, trước tác và dịch thuật nhiều công trình cao sâu. Chính những tác phẩm cao sâu khó hiểu, khó lãnh hội đó đã làm cho trí tưởng tượng của trí thức Phật giáo về Thầy càng gia tăng cao độ.

Thêm nữa, bản án tử hình mà Thầy đã nhận lãnh ở thế kỷ trước ở miền Nam sau 1975 (đổi thành án chung thân) cho những hoạt động chính trị - cùng với Thầy Lê Mạnh Thát - đã trở nên một minh chứng cho ý lực nơi chữ Dũng của nhà Phật. Tức là Phật pháp không tách lìa khỏi thế gian. Tinh thần vô úy - không sợ hãi - của Thầy với bản án đó lại càng gia tăng cường độ ám ảnh cho giới Phật Tử về lòng can đảm trước những thử thách hiện sinh mà đã từ lâu cảm họ thấy bất lực trước thế cuộc. Thầy là một điểm tận cho ý chí dấn thân mà giới tri thức đã từ mấy chục năm qua hầu như mất hết mọi khung tham chiếu cho giá trị tôn giáo mà nhiều người khao khát.

Nhưng từ khi Thầy Nhất Hạnh qua đời, và nay với sự ra đi của Thầy, thì ý chí và con đường dấn thân, nhập thế của Phật giáo Việt Nam xem như chấm dứt. Người đồng hành với Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, tức Thích Trí Siêu, thì nay chỉ còn chú tâm vào cổ sử học với ít nhiều sinh hoạt Phật giáo giới hạn. Con đường của tăng lữ nhà Phật đã đi vào ngõ hẹp hơn, và sợi dây liên kết giữa đạo Phật và dân tộc hình như đã bị tách rời và đứt đoạn. Chúng ta hãy chờ xem một thế hệ tăng sĩ và Phật tử có nối lại mối tương thông giữa đạo và đời nhằm đi tiếp con đường mà thế hệ Phật giáo Tiếp hiện - Engaged Buddhism - đã khơi nguồn.

Khởi đi từ văn hóa miền Nam trước 1975, Tuệ Sỹ xuất hiện theo cao trào Phật giáo lãng mạn mang hương vị hiện sinh trong một giai thời hỗn loạn. Trong khi ở miền Bắc nơi chủ nghĩa quốc gia lãng mạn đã hóa thành ý chí chiến tranh, thì trí thức Phật giáo miền Nam thăng hoa chữ nghĩa lên tầm mức lãng mạn hương thiền như là một phương cách vươn thoát khỏi vũng lầy hiện hữu.

thay2

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết thư pháp trong chuyến đi thăm Thái Lan hồi tháng 04/2013

Nếu phía Bắc có Tố Hữu, Chế Lan Viên thì phía Nam có Nhất Hạnh, Bùi Giáng, Phạm Thiên Thư, Trịnh Công Sơn và Tuệ Sỹ. Hai vế đối nghịch giữa hai văn hóa - chiến tranh và hòa bình - đã tạo nên một giòng sinh động âm dương phủ quyết nhau. Thầy Tuệ Sỹ nằm trong văn hóa giòng âm ở phía Nam.

Đối với chiến tranh thì trí thức văn nghệ miền Nam chỉ muốn hòa bình, trong khi miền Bắc quyết tâm chiến thắng. Từ đó, và cũng vì thế, thi ca cũng như cuộc đời Tuệ Sỹ là cả một bài thơ dài nhiều cung điệu bi tráng. Phật học đối với Thầy cần hương vị văn thơ để cho tư duy được chuyển động. Đạo lý đối với Thầy cũng giống như thi văn, triết học. Những lý luận về tánh không, hư vô, hay thiền học đều ít nhiều mang nội dung thi ca. Cái khó lãnh hội thành ra một hố đen tư tưởng xuất hiện như những niềm cám dỗ cho cuộc đời đầy khổ nạn. Đạo Phật, do đó, là một con lộ vô cùng và sâu thẳm mà Thầy qua học thuật nghiêm chỉnh không muốn giáo lý cao siêu biến thành ảo vọng.

Niềm án trọng nơi cơ thân

Từ góc độ cá thể, khi nhìn hình dong nhỏ nhắn, nho nhã, ốm yếu, khuôn mặt thông tuệ và khiêm cam của Thầy đã làm cho nhiều người vốn đang bất mãn với tình hình Phật giáo trong nước có một tiêu chuẩn thân xác cho lý tưởng và ý niệm về giá trị nhà Phật. Ý chí khổ hạnh trong hoài bão chân lý đã từ lâu là nỗi ám ảnh lớn khi hầu hết giới tăng lữ nhà Phật đã không còn theo đuổi ý hướng và ý chí pháp thân. Một trong những khó khăn của các tu sĩ nhà Phật là họ phải đáp ứng được trí tưởng tượng về một pháp thân tượng trưng cho con đường lao khổ trên đường đạo - đã là tu sĩ thì phải gầy gò, ốm yếu. Tinh thần cứu độ thế gian phải đi đôi với ý chí chiến thắng ái dục xác thân. Thầy mang hình ảnh lý tưởng đó.

Tuệ Sỹ đã như là một chiếc bè mong manh giữa biển sóng mạt pháp của nhà Phật. Khi tính ưu việt nơi giáo lý vô ngã của nhà Phật đã từ lâu trở nên một chiếc bẫy ngầm phủ định cho ý chí và tri thức, Tuệ Sỹ minh xác một năng lực ngã thức cho thế gian. Bài học tôn giáo cần phải chiêm nghiệm rằng, trong khi tu sĩ nhà Chúa hiến dâng cái ta cho Chúa, tức là hoán vị ngã thức cho ngoại thể, thì ngược lại, tu sĩ nhà Phật ôm lấy cái ngã của ta để cố gắng phủ nhận nó. Vì thế, nếu ai để tâm thì sẽ thấy tu sĩ nhà Chúa có vẻ như khiêm tốn, ít ngã mạn hơn là giới tu sĩ nhà Phật. Khi Tuệ Sỹ dâng cái ta cho trần thế, Thầy đã đạt đến cái hạnh của người con Phật.

Trí thức Phật giáo ít nhiều thường hay nhầm lẫn bình diện bản thể (ontology) của ngã thức với tính năng động tâm lý cá nhân. Biện minh vô ngã, từ đó, đối với họ đã trở nên một biện minh cáo từ cho sự bất lực, lười biếng, yếu hèn. Giới tu Phật hiểu điều đó một cách mơ hồ - để rồi xây đắp cho họ những hình ảnh siêu nhân trong những huyền thoại tự cao. Nhiều Phật tử Việt trong và ngoài nước - vốn từ lâu bất mãn với tình trạng Phật giáo đầy nghi thức dài dòng, luộm thuộm, và những sinh hoạt mang mầu sắc kinh tế nơi các cơ sở, chùa chiền - đã xem Thầy Tuệ Sỹ như là một hình nhân cứu vớt cho nỗi niềm bất mãn ấy.

Hãy cứ là huyền thoại

Người Tây Âu có nói, nếu không muốn đánh mất niềm tin tôn giáo mình thì đừng tìm biết rõ giới tu sĩ. Khi tôn giáo - bất cứ tôn giáo nào - đã xây cho quần chúng những ngọn núi tưởng tượng đầy huyền hoặc, giới tu sĩ vô tình đã trở thành tù nhân trong con mắt thế gian. Vòng biên chế giới hạn của giới luật tu hành thay vì là một điều kiện thiết yếu cho ý chí giải thoát thì nay trở nên một năng lực phủ quyết.

Nhìn vào cuộc đời và hành trạng cũng như con người của Tuệ Sỹ thì cho những ai yêu trọng Phật giáo cảm nhận được một niềm an ủi lớn cho những nỗi băn khoăn về thế cuộc hiện nay. Có thể rằng, Thầy là một tu sĩ rất hiếm trong thời gian qua đã không mang khuyết điểm cá nhân - dù rằng ít nhiều thì giới Phật tử đã huyền thoại hóa Thầy để thỏa mãn niềm u uất trong tình huống bất lực của họ. Hy vọng là Thầy đã vượt qua chướng ngại huyền thoại mà thế gian đem đến cho Thầy - vì đối với rất đông Phật tử miền Nam thì Tuệ Sỹ nay đã là một huyền thoại.

Trong niềm suy niệm về Tuệ Sỹ khi Thầy vừa tạ thế, chúng ta hãy cùng thắp nén hương cầu nguyện cho linh thức của Người được siêu thoát.

Nguyễn Hữu Liêm

Nguồn : BBC, 27/11/2023

Luật gia, tiến sĩ triết học Nguyễn Hữu Liêm, người hiện sống ở San Jose, California, Hoa Kỳ.

Published in Diễn đàn

Sự kiện Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch đang khuấy động dư luận. Bên cạnh tiếc thương và kính phục về đức độ, sự uyên bác của một cao tăng (1), dù muốn hay không thiên hạ cũng phải chú ý đến một thực thể không những không được chính quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thừa nhận mà còn tìm đủ mọi cách để loại trừ trong bốn thập niên : "Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất".

tuesy01

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ / Giác Ngộ online

Đa số Phật tử nói riêng và dân chúng Việt Nam nói chung vốn đang thất thần trước một "Phật giáo" như khái quát của Canh Lê : "Chùa to, tượng lớn xa hoa kệch cỡm, bày biện diêm dúa, trang hoàng sặc sỡ, thờ cúng loạn ngầu... sư sãi tiêu xài xa xỉ, hoang phí tham mạn, dốt nát đọc chưa thông, viết chưa thạo, vô sỉ, hám danh, hám lợi luồn cúi cường quyền, tư biện cá nhân lòe bịp bá tánh, lợi dụng ‘kinh Phật’, ‘pháp Phật’ để rêu rao những chuyện chính trị mập mờ, mê tín dị đoan, yêu ma quỷ quái nhằm mê hoặc tín đồ, dụ dỗ ‘cúng dường chuyển nghiệp’, ‘bố thí tạo phước’, ‘hóa vàng cúng vong’, ‘cầu an cầu siêu’, ‘dâng sao giải hạn’, ‘giải oan cắt kết’... để kiếm chác" trở thành một trong những lý do chính "khiến con người kinh loạn thân tâm, u mê ám chướng, mịt mù Nhân - Quả, lạc lầm Tội - Phước, hối hả hối lộ quan chức và thần thánh để thỏa mãn lòng tham vô độ, sẵn sàng hãm hại lẫn nhau để mưu cầu lợi ích bất chính, cấu kết cướp đất phân lô bán nền, đồng lõa buôn gian bán lận, đồng phạm hàng gian hàng giả, gian dối "trồng lúa hai thửa, trồng rau hai luống, nuôi lợn hai máng, nuôi gà hai chuồng...", nhẫn tâm trộn thuốc kháng sinh, pha thuốc tăng trưởng, phun thuốc kích thích, tiêm thuốc bảo quản... không thể kể xiết" (2) – qua sự kiện Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch có cơ hội nhận ra một kiểu Tăng khác, một kiểu Tu khác và một Phật giáo khác.

Tuy kiểu Tăng đó, kiểu Tu đó và Phật giáo đó bị đọa đày hết sức tàn khốc nhưng rất ít người, kể cả Phật tử biết và bận tâm vì sao lại thế ? Nay, dù muốn hay không thì những thông tin liên quan đến cuộc đời và di nghiệp của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ khi ông tạ thế chắc chắn sẽ gợi ý cho nhiều Phật tử, cũng như dân chúng Việt Nam ngẫm nghĩ, so sánh giữa Phật giáo mà Hòa thượng hiến thân phụng sự với Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang theo đuổi đường hướng "đạo pháp – dân tộc – chủ nghĩa xã hội".

Không phải tự nhiên mà Giác Ngộ - cơ quan ngôn luận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh - loan tin Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch vừa với sự trân trọng hiếm có (3), vừa lờ đi chuyện ông bị chính quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cưỡng bức "cải tạo" từ 1978 đến 1981. Đến 1984, lại bị tống giam lần hai, rồi ông và nhiều tăng, ni của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị cáo buộc "lật đổ chính quyền", bị phạt tử hình cùng với Đại đức Thích Trí Siêu (Giáo sư Lê Mạnh Thát). Tuy cương quyết không xin ân xá vì : "Lập trường của chúng tôi là lập trường của Phật giáo và Đại khối Dân tộc" nhưng do áp lực của cộng đồng quốc tế, chính quyền Việt Nam tự động chuyển án tử hình đã tuyên với ông và Đại đức Thích Trí Siêu thành án tù có thời hạn (20 năm) và đến năm 1998, tự động phóng thích ông bởi ông từ chối thừa nhận "quyền khoan hồng hay ân xá" của bộ máy đã xét xử ông (4). Cho dù trung thành với "đạo pháp – dân tộc – chủ nghĩa xã hội" nhưng Giác Ngộ không thể lờ đi việc Thích Tuệ Sỹ viên tịch, dù điều ông răn dạy đệ tử rõ ràng là sự chê trách việc dán chủ nghĩa xã hội vào Phật giáo : "Chớ khoa trương bảo vệ chánh pháp, mà thực tế chỉ là ôm giữ chùa tháp làm chỗ ẩn núp cho Ma Vương, là nơi tụ hội của cặn bã xã hội. Chớ hô hào truyền pháp giảng kinh, thực chất là mượn lời Phật để xu nịnh vua quan, cầu xin một chút ân huệ dư thừa của thế tục, mua danh bán chức".

Cũng không phải tự nhiên mà ông Thích Nhật Từ - Thượng tọa, Phó ban Trị sự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh, vốn nổi tiếng về sân, si – thừa nhận : "Tấm gương của Hòa thượng Tuệ Sỹ đã trở thành niềm khích lệ rất lớn đối với các thế hệ tăng ni bất luận đi theo bất cứ ý thức hệ giao tiếp nào, sa môn pháp phái nào" và việc Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ phủ nhận Giáo hội Phật giáo Việt Nam – tổ chức tôn giáo phục vụ Đảng cộng sản Việt Nam là : "Không có gì đáng tiếc vì mỗi người một hạnh nguyện hành đạo riêng" (5).

***

Bất kể thế nào, cuộc đời và di nghiệp của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ chắc chắn sẽ gợi mở cho mọi người, đặc biệt là gợi mở cho Phật tử Việt Nam về một Phật giáo khác đúng với tinh thần Phật giáo, khác hẳn "Phật giáo" đang làm nhiều người ủ ê tới mức phải than "mạt pháp". Trên mạng xã hội, tâm tình của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ gửi tăng sinh Thừa Thiên – Huế cách nay 20 năm bỗng nhiên rất mới với rất nhiều người :

"...So với khối lượng Tăng Ni sinh trong cả nước, các con chỉ là một nhóm nhỏ. Ít, nhưng đấy là những hạt lúa chắc. Nhiều, nhưng chỉ là vỏ trấu, và là những hạt chưa được ủ mầm mà đã mục rỗng bên trong. Các con hãy tự hào, với niềm tự hào trong trắng và vô tư của tuổi trẻ, từ thời điểm cột mốc này, đã một lần và mãi mãi đứng thẳng trên đôi chân của chính mình, bằng đôi mắt trí tuệ và hùng lực mà nhìn thẳng không khiếp sợ vào quyền lực xấu ác của thế gian, tự định hướng đi cho bản thân để làm những việc cần làm cho chính mình và cho mọi người.

Thế hệ của Thầy, những thanh niên trang lứa được nuôi dưỡng để đưa vào chiến trường của cuộc chiến tranh ý thức hệ, được giáo dục để biết hận thù giai cấp. Nhưng may thay, dòng suối từ vẫn âm thầm tuôn chảy để xoa dịu những đau thương mất mát, để hàn gắn những đổ vỡ điêu tàn của dân tộc.

Các con lớn lên trong thời đại thanh bình, nhưng các con lại bị ném vào giữa một xã hội mất hướng. Quê hương và đạo pháp là những mỹ từ thân thương nhưng đã trở thành sáo rỗng. Các bậc Cao tăng Thạc đức, một thời đã đánh thức lương tâm nhân loại trước cuộc chiến hung tàn, đã giữ vững con thuyền đạo pháp trong lòng dân tộc, nay chỉ còn lại bóng mờ và quên lãng…

Thế hệ các con được giáo dục để quên đi quá khứ. Nhiều người trong các con không biết đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là gì, đã làm gì và đã cống hiến những gì cho sự nghiệp văn hóa, giáo dục, hòa bình dân tộc trong những giai đoạn hiểm nghèo của lịch sử dân tộc và đạo pháp, của đất nước. Một quá khứ chỉ mới như ngày hôm qua mà di sản vẫn còn đó nhưng đã bị chối bỏ một cách vội vàng. Di sản được tích lũy ròng rã hằng thế kỷ, bằng tâm tư của bao khổ lụy đau thương, bằng máu và nước mắt của biết bao Tăng Ni, Phật tử mà những người gầy dựng nên di sản đó bằng bi nguyện và hùng lực của mình, có vị bị bức tử bởi bạo quyền, có vị suốt năm tháng dài chịu tù đày, bị lăng nhục. Nhưng sống hay chết, vinh hay nhục không làm dao động tâm tư của những ai biết sống và chết xứng đáng với phẩm cách của con người, không hổ thẹn với phẩm hạnh cao quý của bậc xuất gia.

Người xuất gia, khi cất bước ra đi là hướng đến phương trời cao rộng, tâm tính và hình hài không theo thế tục ; không buông mình chiều theo mọi giá trị hư dối của thế gian ; không cúi đầu khuất phục trước mọi cường quyền, bạo lực... Một chút phù danh, một chút thế lợi, một chút an nhàn tự tại, đấy chỉ là những giá trị nhỏ bé, tầm thường và giả ngụy mà ngay cả người đời nhiều kẻ còn vất bỏ không tiếc nuối để giữ tròn danh tiết. Chớ khoa trương bảo vệ Chánh Pháp, mà thực tế chỉ là ôm giữ chùa tháp làm chỗ ẩn nấp cho ma vương, làm nơi tụ hội cho cặn bã xã hội. Chớ hô hào truyền pháp giảng kinh, thực chất là mượn lời Phật để xu nịnh vua quan, cầu xin một chút ân huệ dư thừa của thế tục, mua danh bán chức. Xưa kia, khi vua chúa bắt sư tăng cúi đầu nhận tước lộc của triều đình để làm tôi tớ cho vương hầu, Chư Tổ đã sẵn sàng đặt đầu mình trước gươm bén, giữ vững khí tiết của người xuất gia, bước theo dấu chân vô úy, vô cầu của các Thánh đệ tử, được gói gọn trong thanh quy : ‘Sa-môn bất kỉnh vương giả’.

Nhẫn nhịn đời, nhưng không để cho quyền lực đen tối của đời sai sử. Tùy thuận thế gian, nhưng không tự đánh chìm trong vòng xoáy ô trược của thế gian. Các con hãy tự rèn luyện cho mình một tín tâm bất hoại ; một đức tính dũng mãnh vô úy ; nỗ lực tự huân tập trí tuệ bằng Văn-Tư-Tu để nhìn rõ sự tướng chân ngụy, để thấy và biết rõ mình đang ở đâu, đang đi về đâu ; không nhắm mắt phóng càn theo cỗ xe lộng lẫy bên ngoài nhưng rệu rã bên trong, đang lao xuống dốc dài không định hướng.

Mỗi thế hệ có vấn đề riêng của nó do những biến thiên của xã hội chung quanh, do những biến cố giao động mang tính thời đại. Thế hệ của thầy thừa hưởng được nhiều từ Thầy Tổ nhưng chưa hề báo đáp được ân đức giáo dưỡng cao dày trong muôn một. Chỉ mới tròn ba mươi tuổi, đã phải khép lại cổng chùa, vác cuốc lên rừng, xuống biển, cũng mưu sinh lao nhọc như mọi người ; rồi lại vào tù ra khám, lênh đênh theo vận nước thăng trầm ; sở học và sơ tri cũng cùn mòn theo tuổi đời, năm tháng. Duy, chưa có điều gì thất tiết để điếm nhục tông môn, uổng công Sư Trưởng tài bồi. Một chút niềm tin chưa hề thoái thất, chỉ mong cùng chia sẻ với thế hệ kế thừa, một thế hệ đang trưởng thành để khơi tỏ ngọn đèn Chánh Pháp giữa một đất nước thấm nhuần phong hóa.

Cầu mong các con có đủ dõng mãnh để đi bằng đôi chân của mình, nhìn bằng đôi mắt của mình, tự xác định hướng đi cho chính mình. Thầy sẽ là người bạn đồng hành với các con trên đoạn đường bóng xế của đời mình" (6).

Đồng Phụng Việt

Nguồn : RFA, 27/11/2023

Tham khảo :

(1) https://tuesy.net/

(2) https://www.facebook.com/canh.le.353/posts/pfbid02q1u6pTcrqp4FmakMJ6X8XverwUmZFSqAKasyY5jHcqf4eCf7T8n5K7iaU4rWC2uml

(3) https://giacngo.vn/hoa-thuong-thich-tue-sy-vua-vien-tich-post69454.html

(4) https://tuesy.net/tieu-su/

(5)https://www.voatiengviet.com/a/thich-tue-sy-vi-tu-sy-xuat-chung-thc ve-tri-thuc-va-giao-duc/7368637.html

(6) https://thuviengdpt.info/thu-gui-tang-sinh-thua-thien-hue-cua-thay-tue-sy/

Published in Diễn đàn