Ông Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo độc lập Việt Nam, một tổ chức xã hội dân sự ra đời vào tháng Bảy năm 2014 đã bị bắt ngày 21 tháng 11 năm 2019.
Ông Phạm Chí Dũng bị khởi tố cùng ngày vì hành vi "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Lễ ra mắt Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam ngày 04/07/2014
Sự thật là trong 5 năm hoạt động của IJAVN dưới sự điều hành của ông Phạm Chí Dũng, IJAVN vẫn thực hiện nghiêm túc điều lệ Hội, trong đó phấn đấu thực hành quyền tự do ngôn luận, vốn được ghi nhận tại Điều 25 - Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Và hoàn toàn phù hợp với Công ước quốc tế về quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam là một nước đã ký kết.
Với việc bắt và khởi tố ông Phạm Chí Dũng, Cơ quan Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã xóa bỏ các nỗ lực tuyên truyền và thúc đẩy Quyền dân sự - Chính trị của Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong thời gian gần đây ; vẽ thêm mảng tối về tự do báo chí, tự do ngôn luận tại Việt Nam ; xác lập sự vi phạm trắng trợn các cam kết nhân quyền của Nhà nước Việt Nam đối với cộng đồng thế giới và khu vực.
Chúng tôi lên tiếng bảo vệ tinh thần và trách nhiệm của công dân Phạm Chí Dũng trong tiến trình tự do báo chí tại Việt Nam.
Chúng tôi lên tiếng bảo vệ tinh thần tự do báo chí của các tổ chức xã hội dân sự.
Chúng tôi phản đối việc bắt giữ ông Chủ tịch IJAVN Phạm Chí Dũng và mở rộng vụ án.
Chúng tôi phản đối sử dụng việc bắt giữ những nhà báo độc lập, những nhà hoạt động dân chủ - nhân quyền như một cách thức để trao đổi thương mại với các quốc gia.
Chúng tôi lên tiếng kêu gọi tiếng nói của các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự về quyền con người nói chung và quyền tự do báo chí nói riêng trong sự kiện trấn áp tiếng nói tự do của ông Phạm Chí Dũng và tổ chức IJAVN.
Chúng tôi kêu gọi tinh thần đoàn kết của những nhà hoạt động, vận động nhân quyền - dân chủ ở Việt Nam trong đấu tranh đòi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Chúng tôi kêu gọi lương tri của trách nhiệm của những quốc gia có truyền thống về dân chủ - nhân quyền lên tiếng và bảo vệ tinh thần tự do báo chí, tự do ngôn luận của ông Phạm Chí Dũng và IJAVN.
Chúng tôi khuyến nghị khẩn cấp EU xem xét lại EVFTA, EPA vì những hành vi xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng của Nhà nước Việt Nam qua trường hợp bắt giữ ông Phạm Chí Dũng và mở rộng vụ án trong thời gian tới.
Bằng ý chí và khát vọng tự do báo chí, tự do ngôn luận. Chúng tôi cam kết tiếp tục đòi hỏi quyền, hiện thực hóa quyền được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 và những điều mà Việt Nam cam kết với quốc tế.
Chúng tôi lên án việc cam kết nhân quyền nhưng không đi kèm thực hành trong thực tiễn của nhà cầm quyền Việt Nam.
Chúng tôi yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho ông Phạm Chí Dũng.
Việt Nam ngày 22 tháng 11 năm 2019
HỘI NHÀ BÁO ĐỘC LẬP VIỆT NAM
Nguồn : VNTB, 22/11/2019 (nguyentuongthuy's blog)
THÔNG CÁO BÁO CHÍ
Vận động quốc tế và trao Thỉnh nguyện thư về thảm họa Formosa
Ban hỗ trợ nạn nhân ô nhiễm môi trường biển Giáo phận Vinh, 18/05/2017
Giáo phận Vinh đã có chuyến hành trình đặc biệt qua Âu Châu để trao Thỉnh nguyện thư về việc giải quyết thảm họa môi trường
Những ngày đầu tháng 5/2017, hơn một năm sau ngày xảy ra thảm họa, Ban hỗ trợ nạn nhân ô nhiễm môi trường biển thuộc Giáo phận Vinh đã có chuyến hành trình đặc biệt qua Âu Châu để trao Thỉnh nguyện thư về việc giải quyết thảm họa môi trường do Công ty trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra.
Thảm họa này quá khủng khiếp đối với người dân Miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung. Tệ hại hơn, một năm sau, Formosa vẫn chưa có động thái khôi phục môi trường biển và giải pháp đền bù thiệt hại công bằng, thoả đáng. Trong khi đó, nhiều nỗ lực đi đòi công lý của các nạn nhân qua các kiến nghị, những cuộc xuống đường, tuần hành, hay khởi kiện đều bị nhà cầm quyền ra sức cản trở, thậm chí đàn áp bằng bạo lực.
Thảm họa này quá khủng khiếp đối với người dân Miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung
Hơn một năm sau ngày xảy ra thảm họa, Công ty trách nhiệm hữu hạn Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh vẫn được chính quyền hỗ trợ để tiếp tục sả thải
Formosa vẫn chưa có động thái khôi phục môi trường biển và giải pháp đền bù thiệt hại công bằng
Chính vì thế, Ban hỗ trợ nạn nhân ô nhiễm môi trường biển Giáo phận Vinh đã khởi xướng Thỉnh nguyện thư này nhằm đưa vấn đề ra trước công luận quốc tế. Thỉnh nguyện thư đã đạt được gần 200.000 người ký, trong đó hầu hết là các nạn nhân trực tiếp và gián tiếp của thảm họa Formosa. Cũng có một số cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tôn giáo, bảo vệ môi sinh, nhân quyền, chính giới, đồng bào trong và ngoài nước ký tên với tư cách là những người ủng hộ, đồng hành với nạn nhân.
Để chuyển thỉnh nguyện thư tới các tổ chức và các định chế quốc tế, phái đoàn đến từ Giáo phận Vinh bao gồm :
- Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp – Giáo phận Vinh
- Linh mục Giuse Phan Sỹ Phương – Quản hạt Cửa Lò, Quản xứ Tân Lộc – Trưởng Ban
- Linh mục Antôn Nguyễn Thanh Tịnh – Quản xứ Cồn Sẻ, Quảng Bình – Thư ký
- Linh mục Phêrô Trần Văn Thành – Quản xứ Tam Toà, Quảng Bình – Thành viên
- Linh mục Phêrô Trần Đình Lai – Quản xứ Đông Yên, Kỳ Anh – Thành viên
- Linh mục JB. Bùi Khiêm Cường – Quản xứ Đông Sơn, Kỳ Anh – Thành viên
Phái đoàn đã trao Thỉnh nguyện thư và tiếp xúc với: Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Âu Châu, một số Bộ Ngoại Giao, tổ chức thuộc Giáo Hội Công Giáo và một số tổ chức xã hội dân sự với mong muốn cùng nhau hỗ trợ tích cực hơn cho các nạn nhân.
Sau đây là những nơi mà phái đoàn đã tiếp xúc và làm việc trong những ngày qua :
Oslo, Na Uy
- Giám mục và ông Tổng Đại diện Giáo phận Oslo
- Caritas, Hội Đồng Liên Tôn và bộ phận Quan hệ quốc tế của Giáo hội Tin Lành Na Uy (Council of Ecumenical and International Relations Church of Norway and Caritas)
- Cứu trợ Hội Thánh Tin Lành Na Uy; Tổ chức Norwegian Christian Aid.
- Dân biểu thuộc Ủy ban Đối ngoại và quốc phòng của Quốc Hội Na Uy
- Hội thảo tại Viện Nhân Quyền Na Uy (Norwegian Centre for Human Rights)
- Bộ Ngoại giao Na Uy – Bộ phận trách nhiệm Đối thoại nhân quyền giữa Na Uy và Việt Nam.
Bonn, Đức
- Đại diện Ủy Ban Công Lý Hòa Bình của Hội Đồng Giám Mục Đức, Dr. Daniel Legutke và ông Ulrich Poner
Tại Brussels, Vương quốc Bỉ
- Hồng y Jozef de Kesel, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Giáo Hội Công Giáo tại Bỉ
- Bộ Ngoại giao Bỉ – Bộ phận Giao Thương, Phát Triển và Hợp tác với Á Châu
- Đại diện Đảng Xanh của Quốc Hội Liên Hiệp Âu Châu
- Văn Phòng Đối Ngoại EU
- ClientEarth – Tổ chức luật sư chuyên về môi sinh.
- Tổ chức nhân quyền Front Line Defenders
- Các Dân biểu thuộc Ủy Ban Giao Thương EU
Tại Geneva, Thụy Sỹ
- Chương Trình Môi Sinh Liên Hiệp Quốc & Phản Ứng Thảm Họa Môi Sinh (Joint unit UNEP/OCHA)
- Văn phòng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR)
- Tổ chức Quyền Phổ Quát (Universal Rights Group)
- Tiếp tân tại Tòa Đô Chánh thành phố Geneva. Thị trưởng Guillaume Barazzone đón tiếp phái đoàn tại phòng tiếp chính khách của Geneva
Fatima, 13/5/2017
Ban Hỗ trợ nạn nhân ô nhiễm môi trường biển Giáo phận Vinh
Liên lạc Thư ký Ban :
Lm. Ant. Nguyễn Thanh Tịnh
Email : Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.
Thông tin về chuyến vận động quốc tế của phái đoàn sẽ được cập nhật trên website : https://thamhoaformosa.com
******************
Kiến nghị được thực hiện bởi Ban hỗ trợ nạn nhân ô nhiễm môi trường biển Giáo phận Vinh, với sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội dân sự.
******************
(Thỉnh nguyện thư)
Kính gửi :
Chúng tôi, những người ký tên dưới đây, là nạn nhân trực tiếp và gián tiếp của thảm họa môi sinh do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh – một chi nhánh của Tập Đoàn Formosa Đài Loan – gây ra tại 4 tỉnh miền Trung Việt Nam, điều mà người dân Việt Nam chúng tôi gọi là "Thảm họa Formosa".
Trước hết, chúng tôi tin tưởng các cơ quan của Liên Hiệp Quốc, các ngân hàng quốc tế, Liên Hiệp Âu Châu, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chính phủ và nhân dân Đài Loan là những người quan tâm sâu sắc đến ô nhiễm môi trường sống và hệ quả của nó lên con người. Vì thế, chúng tôi gửi thư này đến quý vị với mong muốn nhận được sự trợ giúp để giải quyết thảm họa Formosa.
Tháng 4/2016, Công ty Formosa đã thải một lượng lớn chất thải độc hại ra biển miền Trung Việt Nam gây ô nhiễm nghiêm trọng kéo dài hơn 250 km bờ biển làm sinh vật chết hàng loạt. Cá, tôm, san hô và nhiều loại thủy sản chết làm hệ sinh thái thềm lục địa miền Trung Việt Nam bị phá hủy, theo đánh giá phải mất hàng chục năm mới có thể khắc phục hậu quả này. Ngoài ra, độc tố từ chất thải công nghiệp đang tích tụ vào trầm tích đáy biển là hiểm họa có thể gây bệnh tật nguy hại cho tương lai lâu dài của người dân Việt Nam.
Thảm họa Formosa đã phá hủy nguồn thủy sản, là nguồn thực phẩm chính yếu, truyền thống của người dân Việt Nam. Bên cạnh đó, thảm họa này đã cướp mất nghề nghiệp của hàng trăm ngàn lao động trong các ngành đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá. Các nghề nghiệp liên quan như du lịch, khách sạn, nhà hàng… cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều gia đình lâm vào cảnh túng quẫn do thất nghiệp, nhiều người phải bỏ quê hương xứ sở đi mưu sinh ở những nơi xa. Nhiều trẻ em có nguy cơ rơi vào cảnh thất học do gia đình mất nguồn thu nhập.
Bên cạnh đó, chúng tôi còn đối mặt với nguy cơ mắc các chứng bệnh nan y như ung thư, dị tật, quái thai, thần kinh… do ăn phải thực phẩm bị nhiễm độc tố kim loại nặng do Formosa thải ra tồn lưu trong biển. Kinh hoàng hơn nữa khi báo chí đã tiết lộ nhiều thông tin cho rằng, Formosa không chỉ xả thải ra biển mà còn chôn chất thải rắn nhiều nơi trên đất liền và cả nguồn khí thải cũng chứa nhiều độc tố. Chúng tôi thật sự rất hoang mang lo sợ cho sức khỏe, tính mạng của chúng tôi và tương lai giống nòi của chúng tôi.
Chính vì thế, chúng tôi rất cần sự hậu thuẫn của các cơ quan quốc tế, cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường lên tiếng bênh vực và có những hoạt động thiết thực để trợ giúp chúng tôi trong thảm họa này. Cách riêng, chúng tôi rất mong quí vị hữu trách trong Chính quyền Đài Loan sử dụng thẩm quyền của mình để buộc Formosa phải hành xử có trách nhiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh trên đất nước chúng tôi, tôn trọng môi trường sống của người dân Việt Nam, đồng thời đưa ra phương án cụ thể để khắc phục thảm họa, trả lại môi trường trong sạch và đền bù thỏa đáng cho các nạn nhân. Sau cùng, chúng tôi mong Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Âu Châu, Ngân Hàng Quốc Tế, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu cùng với các tổ chức môi trường giúp chúng tôi đưa ra phương án và yêu cầu chính phủ Việt Nam nỗ lực khắc phục môi trường và đời sống của nạn nhân.
Chúng tôi rất mong được sự trợ giúp từ quý vị.
Chân thành cảm ơn !
Các nạn nhân trực tiếp và gián tiếp đồng ký tên.