Hai tổ chức phát động chiến dịch "Thư gửi Trang"
RFA, 04/11/2021
Hôm 4 tháng 11, mạng báo Luật Khoa Tạp Chí và tổ chức nhân quyền Dự án 88 đồng phát động chiến dịch kêu gọi cộng đồng viết thư cho nhà báo Phạm Đoan Trang đang bị giam giữ trong tù.
Nhà báo Phạm Đoan Trang và tấm bưu thiếp trong chiến dịch "Thư gửi Trang" - Luật Khoa/RFA edited
Hai tổ chức trên cho biết lý do chiến dịch này được phát động đúng ngày 4 tháng 11, là do đây là ngày mà phiên tòa xét xử bà Trang dự kiến diễn ra nếu không bị hoãn.
"Những lá thư của các bạn cũng là lời xác quyết rằng xã hội luôn đứng về phía lẽ phải và những người đấu tranh cho lẽ phải" - tuyên bố có đoạn viết.
Người ủng hộ được kêu gọi viết thư tay hoặc tạo bưu thiếp theomẫu và gửi về địa chỉ của Trại tạm giam số 1 Hà Nội, với hy vọng rằng những lá thư này sẽ đến được tay người nhận, hoặc cũng có thể gửi thông qua các tổ chức phát động chiến dịch.
Chiến dịch này xuất hiện trong bối cảnh tình hình sức khoẻ của nhà báo Phạm Đoan Trang đang có những diễn biến xấu, được luật sư bào chữa thông báo ra ngoài.
Trả lời phỏng vấn của RFA, ông Trịnh Hữu Long, tổng biên tập của tờ Luật Khoa Tạp Chí, một trong các bên phát động chiến dịch viết thư, cho biết :
"Hôm nay, ngày 4 tháng 11 năm 2021, Luật Khoa Tạp chí chúng tôi cùng với tổ chức The 88 Project (Dự án 88), một tổ chức chuyên hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến tự do ngôn luận. Chúng tôi mở một chiến dịch, chiến dịch này, mục đích là để kêu gọi những người quan tâm đến vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, quan tâm đến nhà báo, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, hãy gửi thư vào trong trại giam cho Đoan Trang.
Việc này để giúp cho Đoan Trang cấm thấy rằng cô ấy không cô độc ở trong tù, và việc này cũng có tác động tâm lý rất là lớn không những cho Đoan Trang mà còn cho cả gia đình của Đoan Trang, bạn bè của Đoan Trang, và những nhà hoạt động nhân quyền khác ở Việt Nam vốn đang phải sống trong những điều kiện hết sức khó khăn về mặt an ninh".
Dự án 88 là tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Hoa Kỳ, tuy nhiên hoạt động chủ yếu về các lĩnh vực nhân quyền ở Việt Nam. Bà Jessica Nguyễn, phụ trách vận động của tổ chức này cho biết qua email về sự tham gia của tổ chức Dự án 88 vào chiến dịch "Thư gửi Trang" :
"Tên của tổ chức chúng tôi xuất phát từ Điều 88, Bộ luật Hình sự 1999 (nay là Điều 117, Bộ luật Hình sự 2015). Đây là điều luật rất mơ hồ thường được dùng để truy tố những nhà bất đồng chính kiến vì 'Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam', với mức án tù có thể từ 03 đến 20 năm.
Dự án 88 hỗ trợ và thúc đẩy việc cải thiện các biện pháp bảo vệ quyền tự do ngôn luận thông qua chia sẻ câu chuyện và ủng hộ hoạt động của các nhà hoạt động Việt Nam, những người như Đoan Trang, bị đàn áp vì bày tỏ bất đồng ý kiến một cách ôn hòa.
Theo đó, chúng tôi hy vọng rằng sự tham gia của Dự án 88 góp thêm ý nghĩa cho chiến dịch này, khi Đoan Trang bị truy tố bằng chính điều luật 88, điều luật mà tổ chức chúng tôi đang vận động để bãi bỏ".
Nhà báo Phạm Đoan Trang bị truy tố dưới khoản 1 của điều 88 trong Bộ luật Hình sự năm 1999, nếu bị kết tội thì bà sẽ phải đối diện với mức án từ 3 đến 12 năm tù giam.
Hiện phiên toà xét xử sơ thẩm nhà báo này vẫn chưa được lên lịch trở lại sau khi Toà án Nhân dân Thành phố Hà Nội hoãn lịch xét xử ban đầu, vốn định diễn ra vào ngày 4 tháng 11.
Nhóm Làm việc của Liên Hiệp Quốc về Bắt giữ Tùy tiện (WGAD) hôm 25/10 cho rằng, việc giam giữ nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang do cơ quan chức năng Việt Nam thực hiện là tùy tiện và WGAD kêu gọi trả tự do ngay cho bà này.
Tờ báo Nghệ An - cơ quan của đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Nghệ An hôm 3/11 có bài viết khẳng định, Nhóm làm việc của Liên Hiệp Quốc đã "vô lối, trắng trợn can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam".
"UNWGAD nói rằng Việt Nam bắt giữ Phạm Thị Đoan Trang một cách "tùy tiện" là hồ đồ, vô căn cứ" - tờ báo có cơ quan chủ quản là Tỉnh ủy Nghệ An viết.
Nguồn : RFA, 04/11/2021
*************************
Luật Khoa tạp chí, 04/11/2021
Ngoài việc chung, bạn có thể giúp Đoan Trang một việc riêng : gửi thư vào tù động viên Trang.
Bức ảnh vẽ nhà báo Phạm Đoan Trang trong chiến dịch "Thư gửi Trang". Ảnh : Jin Jin/Ân xá Quốc tế/Luật Khoa
Hôm 4/11, Luật Khoa tạp chí / The Vietnamese Magazine cùng với The 88 Project mở chiến dịch kêu gọi bạn bè trong nước và nước ngoài gửi thư cho nhà báo, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang.
Đoan Trang đang ở trong tù mà ? Đúng. Bạn sẽ tìm thấy trong album này những thông tin vắn tắt về cuộc đời của Trang và lý do cô phải vào tù. Và đó là lý do Đoan Trang cần những cánh thư của bạn.
Hãy cho Đoan Trang biết bạn ở bên cạnh cô ấy và cô ấy không đơn độc.
Lý do chúng tôi chọn ngày này vì đây đáng lẽ là ngày xét xử Đoan Trang nhưng đã bị tòa hoãn lại. Chiến dịch này cũng đánh dấu sinh nhật lần thứ bảy của Luật Khoa (5/11).
Lá thư của bạn có thể không đến được tay Đoan Trang ngay vì trại giam không cho nhận, chuyện này là hên xui. Nhưng trước hay sau Đoan Trang cũng sẽ nhận được và biết rằng bạn đã đồng hành cùng cô ấy suốt thời gian qua.
Những lá thư của các bạn cũng là lời xác quyết rằng xã hội luôn đứng về phía lẽ phải và những người đấu tranh cho lẽ phải.
Hãy gửi thư cho Đoan Trang theo địa chỉ :
Phạm Thị Đoan Trang, Trại giam số 1 Hà Nội, Ngõ 702, Phúc Diễn, Quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội. Số giam : 4661 V1-M2 (M5).
Hoặc bạn có thể tạo bưu thiếp cho Đoan Trang theo công cụ chúng tôi tạo sẵn trên Google Form. Chúng tôi sẽ in thư của bạn ra và gửi vào trại giam cho Trang.
Bây giờ, mời bạn làm quen với Trang.
Thời niên thiếu
Tác giả tranh : Jin Jin, do Ân xá Quốc tế hỗ trợ.
Nhà báo Phạm Đoan Trang sinh năm 1978 ở Hà Nội, là con út trong một gia đình có truyền thống làm nghề giáo.
"Như nhiều đứa trẻ khác, tôi rất sợ ma. Nỗi sợ tăng thêm khi phải ngủ trong đêm mất điện, xòe tay không thấy rõ ngón. Nhìn ra cửa sổ, cả ngõ dài hun hút tối đen như mực. Có ngôi nhà bị cháy nham nhở, tường xám đen lại. Chủ nhà chết cháy đã lâu, không ai ở đó nữa. Có ngôi nhà hai vợ chồng bị tai nạn chết, con cái đến ở với ông bà, cũng không ai dám tới đó".
"Năm lớp Bảy bắt đầu một quá trình tôi vật lộn với cái cassette nhà hàng xóm để nghe và chép lại các bài rõ tiếng nhất. Bắt đầu một quá trình mượn sổ bài hát của bạn bè để chép các bài hát Beatles với những hàng chữ tiếng Anh sai chính tả, sai ngữ pháp nhoe nhoét… Và tôi lớn lên cùng nhạc Beatles".
Từ năm 1996 – 2000, Đoan Trang đi học tại trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, chuyên ngành kinh tế quốc tế. Vào lúc này, Trang và những sinh viên khác lần đầu tiên được truy cập Internet.
"Dạo ấy cái anh Internet mới chập chững vào Việt Nam, sinh viên lên mạng hãy còn bẽn lẽn rón rén… Sách chẳng có, thực tế thì rõ ràng là không giống sách rồi, với lại ai cho sinh viên nhong nhong ra vào các công ty, tổ chức lớn để tìm hiểu thực tế… Vì vậy, các sinh viên chăm học có một nguồn tài liệu đặc biệt hữu ích là các bài báo kinh tế – do các nhà báo viết hoặc dịch mà đâu biết rằng đã có bao thế hệ sinh viên kinh tế trưởng thành từ chính những bài báo ấy".
Tác giả tranh : Jin Jin, do Ân xá Quốc tế hỗ trợ.
Mùa đông năm 2000, sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội, Đoan Trang bắt đầu thử việc tại báo điện tử VnExpress khi tờ báo này vừa mới thành lập.
"Tôi rất nhớ mùa đông năm 2000 ấy và những ngày tháng đầu tiên làm quen với nghề báo của mình. Đôi khi nhớ lại, tôi vẫn hình dung mình giống như một đứa trẻ, ngây ngô, ngơ ngác, cái gì cũng sợ, gặp ai cũng sợ. Sợ nhiều thứ, nhưng nỗi sợ lớn nhất là viết sai".
Sau một thời gian giữ chứcthư ký tòa soạn tại VnExpress, Đoan Trang chuyển sang làm truyền hình ở Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, rồi sau đó là VietNamNet và Thành phố Thành phố Hồ Chí Minh. Cô cùng với Hoàng Nguyên chắp bút cuốn tự truyện được cho là đầu tiên ở Việt Nam về cuộc đời của một người đồng tính, "Bóng".
Năm 2008 – 2009 Đoan Trang trở thành hiện tượng với loạt bài phân tích sâu về quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam. Đó là những bài viết gây tiếng vang lớn trên chuyên trang Tuần Việt Nam của báo VietnamNet.
"Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ là một phóng viên hiệu quả trong khi tôi thường cảm thấy bất hạnh đè nặng lên trái tim mình.
Nếu bạn là một nhà báo Việt Nam, bạn sẽ có thêm nhiều lý do để cảm thấy buồn, các bạn ạ. Nỗi buồn có đáng hay không chỉ phụ thuộc vào bạn. Nhưng nếu bạn thực sự muốn bình yên, có lẽ bạn không nên đi làm báo" (2007).
Tác giả tranh : Jin Jin, do Ân xá Quốc tế hỗ trợ.
Tháng 8/2009, Đoan Trang bị bắt và bị tạm giữ 9 ngày ở Hà Nội trong một cuộc điều tra về việc in ấn áo thun chống dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên.
Cuộc đời cô sang một hướng khác. Đoan Trang bắt đầu hành trình trở thành một nhà hoạt động dân chủ.
Cô rời Việt Nam năm 2013 để tham gia các hoạt động vận động nhân quyền quốc tế tại Liên Hiệp Quốc và nhiều quốc gia khác. Năm 2014, cô sang Mỹ theo một học bổng nghiên cứu của trung tâm Villa Aurora và trường Đại học Southern California. Cũng trong thời gian này, cô đồng sáng lập ra Luật Khoa tạp chí cùng Trịnh Hữu Long, Trần Quỳnh Vi và Trương Tự Minh.
Năm 2015, Đoan Trang về nước và tiếp tục các hoạt động dân chủ của mình với phong trào phản đối chặt 6.700 cây xanh ở Hà Nội cùng năm. Cô đồng sáng lập ra nhóm Green Trees, một tổ chức xã hội dân sự hoạt động vì môi trường.
Suốt ngần ấy năm, Đoan Trang luôn là một trong những tiếng nói hàng đầu của giới hoạt động dân chủ Việt Nam và thường xuyên bị bắt cóc, đánh đập. Hậu quả là cô bị chấn thương nặng ở chân, phải trải qua các cuộc phẫu thuật và thường xuyên phải dùng nạng để di chuyển.
Kể từ năm 2017, Đoan Trang phải di chuyển liên tục trên khắp cả nước để đảm bảo an toàn.
Tác giả tranh : Jin Jin, do Ân xá Quốc tế hỗ trợ.
Đoan Trang không ngừng viết. Cô tìm đủ mọi cách để viết.
Cô là tác giả của những cuốn sách phổ biến kiến thức chính trị căn bản như "Chính trị bình dân", "Phản kháng phi bạo lực", "Cẩm nang nuôi tù", "Politics of a police state", "Học chính sách công qua chuyện đặc khu".
Cô cũng là tác giả hoặc đồng tác giả của những báo cáo nhân quyền như "Toàn cảnh thảm họa môi trường biển Việt Nam", "Báo cáo Đồng Tâm" và nhiều báo cáo khác ghi chép lại những điều gần như không ai ghi chép.
"‘Sống để kể lại’, các bạn nhé.
Những thế hệ người Việt sau này sẽ phải biết rằng con đường đi tới dân chủ ở đất nước của chúng ta đã trải qua những khoảnh khắc, những ngày tháng dữ dội như thế nào. Cũng như thế giới: Dân chúng ở các quốc gia dân chủ cần nhìn vào câu chuyện Việt Nam ngày nay để hiểu dân chủ, tự do là một giá trị mà người dân ở các nước khác, kém may mắn hơn họ, đã phải giành lấy bằng máu, nước mắt, và cả cuộc đời mình".
Đoan Trang được tổ chức Phóng viên Không biên giới (Reporters Without Borders) trao giải Báo chí Tự do năm 2019. Cô cũng là nhân sự chủ chốt của Nhà xuất bản Tự Do, đơn vị được trao giải Prix Voltaire của Hiệp hội Xuất bản Quốc tế năm 2020. Năm 2018, tổ chức People In Need cũng trao giải nhân quyền Homo Homini cho Đoan Trang.
Ngục tù
Tác giả tranh : Jin Jin, do Ân xá Quốc tế hỗ trợ.
Ngày 7/10/2020, Đoan Trang bị bắt tại Thành phố Hồ Chí Minh và bị giam giữ từ đó cho tới nay. Gia đình lẫn luật sư đều không được gặp Đoan Trang. Cho tới giữa tháng 10/2021, luật sư mới gặp được Đoan Trang lần đầu.
Đoan Trang bị truy tố theo Điều 88, Bộ luật Hình sự 1999 về "tội tuyên truyền chống nhà nước".
Trong một bức thư gửi lại bạn bè trước khi bị bắt, cô nói :
"Không ai mong muốn phải ngồi tù, nhưng nếu nhà tù là chỗ tất yếu ai đấu tranh cho tự do cũng phải đến, và nếu vào tù là để thực hiện một mục đích nào đó ta đã định trước, thì ta nên đi tù".
"Tôi không cần tự do cho riêng mình ; nếu chỉ vậy thì quá dễ. Tôi cần cái lớn hơn thế nhiều : Tự do, dân chủ cho cả Việt Nam. Đó là một mục tiêu nghe có vẻ vĩ đại và xa vời, nhưng thật ra là khả thi, nếu có sự góp phần của tất cả các bạn".
Viết thư gửi Trang
Tác giả tranh : Jin Jin, do Ân xá Quốc tế hỗ trợ.
Trong thư gửi lại cho bạn bè, Đoan Trang mong muốn chúng ta hãy đọc sách chính trị và vận động cho bầu cử tự do ở Việt Nam. Đó là việc chung.
Còn chúng ta, ngoài việc chung, có thể giúp Đoan Trang một việc riêng : gửi thư vào tù động viên Trang.
Mỗi bức thư bạn gửi có thể đến tay Trang hoặc không, tùy duyên. Nhưng chắc chắn Đoan Trang sẽ cảm nhận được tình cảm của bạn.
Hãy gửi thư cho Đoan Trang theo địa chỉ :
Phạm Thị Đoan Trang, Trại giam số 1 Hà Nội, Ngõ 702, Phúc Diễn, Quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội. Số giam: 4661 V1-M2 (M5).
Hoặc bạn có thể tạo bưu thiếp cho Đoan Trang theo công cụ chúng tôi tạo sẵn trên Google Form. Chúng tôi sẽ in thư của bạn ra và gửi vào trại giam cho Trang.
Hoặc bạn cũng có thể tự làm một bưu thiếp của riêng mình với hướng dẫn dưới đây :
Bước 1 : Sử dụng mẫu thiết kế có sẵn trên Canva hoặc tự soạn một mẫu thư của riêng bạn (viết thư tay hoặc thư điện tử)
Bước 2 : Điền lời nhắn dành cho Đoan Trang và tải về thiết bị của bạn (nếu sử dụng mẫu thiết kế trên Canva do chiến dịch cung cấp)
Bước 3 : Gửi thư về địa chỉ email (Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.) hoặc in ra và gửi bưu điện về địa chỉ Phạm Thị Đoan Trang, Trại giam số 1 Hà Nội, Ngõ 702, Phúc Diễn, Quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội. Số giam: 4661 V1-M2 (M5).
Bước 4 : Bạn có thể đăng tải lại nội dung thư hoặc hình ảnh của thư lên tài khoản Facebook cá nhân kèm hashtag #Thư_gửi_Trang #DearTrang hoặc gửi về fanpage Luật Khoa Tạp Chí để chia sẻ với cộng đồng ủng hộ.