Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất của Nam Việt Nam những năm trước 1975 và sau này, đây là vựa lúa của cả nước, đồng thời là nơi dự trữ sinh quyển lớn nhất Việt Nam bởi đồng bằng sông Hồng có nguy cơ già cỗi vì bê tông hóa và dân cư quá đông đúc. Và điều này ngày càng hiện rõ nét hơn khi đồng bằng sông Hồng đang thiếu trầm trọng diện tích đất sản xuất, nhu cầu xây dựng quá cao, mật độ dân cư phát triển cao nhất trên cả nước và sản lượng lúa, gạo hằng năm sụt giảm đáng kể, chỉ xấp xỉ ngang với vựa lúa Tuy Hòa, Phú Yên ở miền Trung.

song1

Mực nước sông Hồng xuống thấp kéo theo sự sụt lún đất nền ở Hà Nội

Câu chuyện an ninh lương thực của Việt Nam ngày càng trở nên trầm trọng bởi thời gian gần đây, hầu như nguồn xuất khẩu gạo chủ yếu của Việt Nam lại là Trung Quốc, giá gạo Việt Nam phụ thuộc rất nặng vào Trung Quốc và điều này dẫn đến hệ lụy là người nông dân đồng bằng sông Cửu Long phải phụ thuộc vào thanh biểu kế giá lúa từ Trung Quốc. Trong khi đó, một mặt Trung Quốc thâu tóm gạo Việt Nam bằng các chiêu trò thao túng, đẩy giá, hạ giá, một mặt lại bóp chết đồng bằng sông Cửu Long bằng hàng loạt đập thủy điện thượng nguồn Mê Kông. Kể từ lúc các đập thượng nguồn đi vào hoạt động, tích nước đến nay, đồng bằng sông Cửu Long rơi vào tình trạng chết khô nhiều nơi, hạn mặn nhiều nơi, và nguy cơ này càng lúc càng thêm nặng bởi hiện tượng nóng lên của vỏ trái đất, băng tan, mực nước biển dâng cao…

Với đà như hiện tại, chẳng bao lâu nữa, đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở thành vùng chết, và khu dự trữ sinh quyển này sẽ bị mất dấu. Các đàn chim hồng hạc, chim cò, sếu, vạc, bồ nông… ở tràm chim đã bỏ đi gần hết, những rừng đước, sú, vẹt cũng chết dần chết mòn. Thực trạng đáng sợ nhất là các khu nhà hàng (mà khách du lịch Trung Quốc sang đây rất đông) với các món ăn đặc sản sông nước miền Tây đang chạy đua nước rút với nạn tuyệt chủng của một số loài thủy sản ở đây. Đặc biệt, nếu như nói về miệt Tây Nam Bộ ngày xưa chỉ cần mang rổ ra ruộng bắt một ít cá, tôm tép thì có thể có một bữa cơm ngon bất kỳ giờ nào… thì bây giờ, việc đó chỉ còn là ký ức, mùa cá linh èo ọp, mùa nước nổi hiếm hoi và thuốc trừ sâu Trung Quốc có mặt trên các đồng ruộng đã nhanh chóng tiêu diệt rất nhiều loài thủy sinh nơi đây.

song2

Đồng bằng sông Cửu Long đang hứng chịu trận hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất từ gần 100 năm nay.

Tình trạng đồng bằng sông Cửu Long hiện tại, có thể mượn bản tin RFA để rõ :

"Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam ngày 7/10 thông báo mực nước lũ trong tháng 9 trên dòng chính sông Mekong ở mức thấp hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm và thấp hơn khá nhiều so với dòng chảy tháng 8/2020.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin vào cùng ngày, dẫn thông báo của Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam rằng, do mực nước lũ trên dòng chính sông Mekong ở mức thấp, mực nước Biển Hồ mới chỉ đạt gần 5m, dung tích Biển Hồ chỉ đạt gần 14 tỷ m3, xấp xỉ 36% so với dung tích trung bình nhiều năm. Ngoài ra, mực nước tại hai trạm Tân Châu và Châu Đốc trong tháng 9 ở mức thấp hơn nhiều, chỉ khoảng hơn 2m và đây cũng là đỉnh lũ cao nhất từ đầu mùa lũ đến nay.

Dự báo thời gian đạt đỉnh lũ chính vụ vào ngày 18-22/10. Vào thời điểm này, ở vùng thượng Đồng bằng sông Cửu Long, các huyện đầu nguồn như huyện An Phú, Tân Châu của An Giang, huyện Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự và Tân Hồng của Đồng Tháp là khu vực chịu ảnh hưởng mạnh của lũ thượng nguồn.

Nhưng với mức lũ nhận định ở dưới báo động 1, hầu hết các ô bao bảo vệ sản xuất (lúa Thu Đông, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản…) cơ bản đều đủ cao trình.

Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam cũng cho hay lũ đến cuối tháng 9 vẫn ở mức thấp, triều cường đầu tháng 10 ở mức trung bình, triều cường đợt giữa tháng 10 ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2019. Về cơ bản không ảnh hưởng đến sản xuất vụ thu đông năm 2020".

Ngược với miền Nam vốn trù mật, sầm uất, phồn thịnh và hào sảng một thời, giờ trở nên chộn rộn và khô khốc… thì miền Bắc, đồng bằng sông Hồng lại rơi vào tình trạng thừa nước mà thiếu đất. Nghĩa là hầu hết các tỉnh phía Bắc luôn bị ngập lụt, lũ quét, ngập úng trong thời gian gần đây. Một phần do nguyên nhân mật độ dân số quá đông, quá trình bê tông hóa quá nhanh, phần khác do lũ thượng nguồn sông Hồng và các con sông có đầu nguồn ở Trung Quốc liên tục đổ xuống vào mùa mưa. Bởi mùa nắng, lượng nước bị tích tụ cho mục đích thủy điện phía Trung Quốc, đến khi mùa mưa kéo về, mực nước lên nhanh và người ta cứu đập bằng cách xả nước vô tội vạ. Hệ quả là mùa nắng, đồng bằng sông Hồng thiếu nước, nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, tới mùa mưa thì ngập úng.

Nói cho cùng thì an ninh lương thực của miền Bắc hiện tại đang ở tình trạng báo động bởi mùa màng, sinh hoạt sản xuất và nông sản bị phụ thuộc quá nặng vào Trung Quốc, hay nói khác đi là thương lái Trung Quốc đã làm náo loạn thị trường nông sản phía Bắc. Trong khi đó, tình hình sản xuất lúa và an ninh lương thực của đồng bằng sông Hồng gần như mất ổn định và phải phụ thuộc không nhỏ vào nguồn gạo từ đồng bằng sông Cửu Long và vựa lúa Tuy Hòa ở miền Trung.

Và, tình trạng miền Trung, cũng theo RFA :

"Khu vực miền Trung trong 10 ngày tới phải đối chọi với những đợt mưa lũ liên tiếp, đặc biệt có những nơi mưa trên 1.000 mm.

Báo Nhà nước Việt Nam dẫn nội dung cuộc họp ứng phó với thiên tai nguy hiểm diễn ra ngày 7/10 và loan tin trong cùng ngày.

Theo lời ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia phát biểu tại buổi họp, một phân tích mới nhất vào sáng sớm cùng ngày cho thấy vùng áp thấp trên Biển Đông đạt mức ở cuối cấp 5 và ít khả năng mạnh lên.

Tuy nhiên, cần phải đặc biệt lưu ý vì có khả năng một áp thấp nhiệt đới đi vào Biển Đông vào ngày 13-14/10 trùng với thời điểm đang diễn ra mưa lũ đợt hai ở khu vực Trung bộ.

Bên cạnh đó, khu vực Trung bộ sẽ có mưa lớn kéo dài trong khoảng 10 ngày tới và chia làm hai đợt. Đợt một từ nay đến này 9/10, đợt hai từ ngày 12-14/10 với tổng lượng mưa hai đợt có thể lên tới 1.200 mm hoặc có nơi cao hơn.

Mưa kéo dài liên tục, tương đối lớn nên nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt vùng trũng thấp và đô thị ở các tỉnh miền Trung.

Cũng tại buổi họp, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết hiện khu vực miền Trung, Tây Nguyên có 20 hồ chứa thuộc EVN và có thể trữ được nước mưa. Tuy nhiên, ông Hải cho hay nếu nước về hồ đầy, EVN sẽ cho xả theo quy trình vận hành.

Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, ông Trần Quang Hoài lưu ý phía EVN cần rà soát phương án hạ du khi xả lũ vì có nhiều địa phương đồng loạt phản đối thủy điện xả lũ khiến tình trạng lũ chồng lũ từ bài học năm 2011.

Tại Quảng Nam, các địa phương trong tỉnh tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to trong 24 đến 48 giờ tới. Tổng lượng mưa đến hết ngày 10/10 được dự đoán từ 300 – 500 mm, có nơi trên 600 mm. Dự báo sẽ có một đợt lũ xuất hiện trong 2-3 ngày tới.

Trong khi đó, ở Quảng Bình, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Minh Hóa vào ngày 7/10 cho biết do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên địa bàn huyện này đang có mưa to khiến 1 số con sông, suối trên địa bàn dâng cao gây cô lập, chia cắt nhiều nơi khiến hàng ngàn học sinh phải nghỉ học.

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Lắk dự báo từ 13 giờ 7/10 đến 13 giờ 8/10, Đắk Lắk tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Đồng thời cũng cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ quét, ngập úng cục bộ vùng trũng thấp, sạt lở vùng đất dốc".

Qua một bản tin tóm lược, đã thấy tình hình thời tiết, khí hậu miền Trung, thiên tai, nhân họa ngày càng nặng nề hơn.

Như vậy, quá trình bê tông hóa và biến đất nông nghiệp thành đất ở, bổ sung vào quĩ thổ cư trong thị trường bất động sản Việt Nam cũng một phần làm cho sự kiệt quệ của nền sản xuất lúa Việt Nam tăng tốc. Bên cạnh đó, quá trình Trung Quốc hóa nông nghiệp Việt Nam từ các loại thuốc hóa học trong sản xuất nông nghiệp, sử dụng nguồn giống gieo trồng và phụ thuộc vào Trung Quốc ở đầu ra nông sản, cộng với chủ mưu tích trữ nước, thao túng nguồn năng lượng quí hiếm này của Trung Quốc đã nhanh chóng đẩy an ninh lượng thực Việt Nam đến vạch báo động đỏ.

Và, để khắc phục tình trạng này, cứu lấy môi sinh Việt Nam mà cũng cứu một phần môi sinh thế giới, Việt Nam không còn lựa chọn nào khác ngoài việc loại bỏ Trung Quốc khỏi cuộc chơi kinh tế Việt Nam và làm lại từ đầu. Trước đây, nếu Việt Nam bỏ Trung Quốc sẽ dẫn đến tình trạng khủng hoảng kinh tế cục bộ bởi ngoài Trung Quốc bóp họng, chẳng nước nào thèm xắn tay vào bóp họng hay vịn vai Việt Nam. Còn bây giờ, anh em tiến bộ đến bá vai vịn cổ, chống lưng ngày càng nhiều, còn tiếc gì mà cứ chơi với đứa chuyên gia bóp họng người anh em chứ ? !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 08/10/2020 (VietTuSaiGon's blog)

Published in Diễn đàn
jeudi, 13 décembre 2018 22:41

Chuyện lạ làm thuốc từ lúa non !

Tình trạng thương lái thu mua lúa non ồ ạt, bất thường ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre trong những ngày qua lại khiến nhiều người cảm thấy hoang mang bởi không biết mục đích phía sau của sự việc này là gì ?

lua1

Nông dân xã Đại Hòa Lộc, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Courtesy of Nông Nghiệp

Nghi ngờ thương lái Trung Quốc đứng sau

Vào ngày 10 tháng 12 năm 2018, ông Nguyễn Thành Nhân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đại Hòa Lộc, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, xác nhận với báo chí việc thương lái đến địa phương mua ruộng lúa với tổng diện tích gần 7.000 m2, rồi tổ chức thu hoạch khi lúa đang ngậm đòng hoặc vừa trổ bông. Hình thức mua này được người dân Miền Tây gọi là mua ‘mão’.

Ông Nhân cho biết, hiện vẫn chưa rõ về giá cả cũng như mục đích mua lúa non của thương lái, chỉ mới nghe người dân nói thương lái mua lúa non là để làm… thuốc nam".

Theo ông Nhân, người mua lúa non tên Dương Văn Ba, sống ở Sài Gòn. Khoảng vài năm gần đây, vào mùa thu hoạch lúa thường xuống để mua gốc rạ của nông dân, nói là để mang lên thành phố Hồ Chí Minh làm thuốc nam. Ông Nhân cho biết thêm, riêng năm nay ông Ba đến đây hỏi mua lúa lúc còn đang ngậm đòng hoặc vừa trổ bông, khiến dư luận địa phương nghi ngờ ông mua để bán lại cho thương lái Trung Quốc.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, cho biết :

"Chắc chắn nếu có hiện tượng mua lúa non thì đó là hiện tượng không bình thường. Theo tôi được biết, về mặt kinh tế, về mặt kỹ thuật, ở miền Bắc thì người ta có lấy lúa non về để làm cốm. Thế còn ở miền Nam, thì tôi có bao giờ thấy người ta thu hoạch lúa non để sản xuất thực phẩm hay làm thuốc hay làm thứ gì khác cả. Tôi cho rằng hiện tượng này là hiện tượng không bình thường, tôi nghĩ chắc là có vấn đề gì đó ở đây".

Để tìm hiểu thêm sự việc, Đài Á Châu Tự Do liện lạc Hội nông dân huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre và được trả lời như sau :

"Cái này phải gặp lãnh đạo… chứ e không dám cung cấp thông tin anh ơi… Cũng vài ba hộ thôi à… một hai hộ gì đó… Lúa non mới ngậm sữa thì làm gì làm thuốc… cái lý đưa ra là không đúng rồi. Cái này chưa có nắm kỹ anh ơi… cái này anh gặp lãnh đạo giùm em nhe anh. Anh trao đổi với lãnh đạo chứ cái này em cũng không dám trao đổi rộng nữa. Anh thông cảm dùm em nhe".

Chưa từng nghe làm thuốc từ lúa non ?

Tin cho biết, đây là lần đầu tiên tình trạng thu mua lúa non ồ ạt diễn ra ở khu vực miền Tây Nam Bộ. Theo tìm hiểu của Báo Đất Việt, đơn vị đứng sau thu mua được xác định là Công ty Núi Cam Xanh ở quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Công ty này khẳng định việc thu mua lúa non của mình để làm dược liệu chứ không phải xuất sang Trung Quốc như dư luận đang lo lắng. Tuy nhiên, công ty này không chia sẻ công năng của lúa non làm dược liệu có công dụng chữa bệnh gì hay chăm sóc sức khỏe cho con người như thế nào.

lua2

Nông dân xã Đại Hòa Lộc, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Courtesy Tinnhanhbentre

Chúng tôi liên lạc Hội đông y huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, và được vị lương y phụ trách Hội cho biết ý kiến :

"Không có lấy lúa non làm thuốc… không có nghe cái đó… cũng như không có thấy tài liệu nào làm cái đó cả…"

Lương y Nguyễn Văn Minh ở Sài Gòn cũng cho biết chưa từng nghe chuyện lấy lúa non làm thuốc :

"Từ xưa đến giờ mình không nghe chuyện dùng lúa non làm thuốc bao giờ cả. Còn nếu có công trình nghiên cứu gì mới thì mình không biết. Chứ còn bản thân thì chưa đọc và cũng chưa nghe ai nói là dùng lúa non để chữa bệnh đâu".

Cũng cùng quan điểm, Phòng khám đông y Nguyễn Hữu Trường ở thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết :

"Phòng khám thì không có dùng lúa non để làm vị thuốc, tuy nhiên chúng tôi chỉ có dùng lúa mạch, mạch nha thôi, còn lúa non thì mình không có cái vị thuốc đó".

Đài Á Châu Tự Do liên lạc Đông y sĩ Nhất Nguyên, hiện sống và làm việc tại Houston, Hoa Kỳ để tìm hiểu rõ về vấn đề này và được ông cho biết :

"Theo kiến thức và theo kinh nghiệm của tôi, tôi chưa từng nghe chuyện thu mua lúa non hàng loạt để làm thuốc. Riêng về chuyên môn lúa non thì chỉ có lúa mạch non thì có những bài thuốc về dinh dưỡng sắc đẹp… trong những bài thuốc dân gian, đơn giản. Vì vậy tôi nghi ngờ có âm mưu Trung Quốc sau chuyện này, trong lịch sử đã nhiều lần thương lài Trung Quốc mua móng trâu, rắn, chuột, mèo, mua lá điều… những điều đó đã làm xáo trộn đời sống người dân chúng ta. Quay trở lại vấn đề lúa non, có thể là nó sẽ không ảnh hưởng vấn đề ăn uống trong nước, nhưng về vấn đề xuất khẩu thì tôi nghĩ có thể ảnh hưởng, âm mưu của Trung Quốc thì chúng ta không thể lường trước được. Còn về chuyên môn thì tôi thấy hoàn toàn không thuyết phục trong việc mua lúa non đại trà để làm thuốc".

Trong nhiều năm qua tại Việt Nam, chuyện thương lái Trung Quốc thu mua các loại nông sản, thủy sản mà thường ít ai mua, bị nghi ngờ mang tính chất phá hoại, hoặc gây hoang mang, không còn là chuyện hiếm.

Chẳng hạn như vụ thu mua cá lìm kìm gai ở vùng U Minh của tỉnh Cà Mau, hay các vụ thu mua rễ cây Tờ Trung, lá nhàu, rễ tiêu… ở Tây Nguyên… khiến người dân bỏ ruộng chuyển đổi cây trồng, phá rẫy, săn lùng tận diệt các loài đang có giá cao mà không quan tâm đến hệ quả về sau. Cho đến nay các địa phương cũng không hề biết được mục đích chính thật sự của thương lái Trung Quốc là gì?

Cụ thể việc thu mua lúa non ở Bến Tre lần này, khi trả lời báo chí hôm 11 tháng 12,  ông Lê Văn La, trưởng Phòng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn huyện Bình Đại cũng chỉ nói chưa có thông tin rõ ràng.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn nhận định :

"Theo cơ chế thị trường thì có người mua thì có người bán, nhưng theo chính sách của mình là chính sách bảo vệ lương thực thì chắc chắn không ai ủng hộ một cái cách mua bán lúa non như thế cả. Bởi vì người nông dân sản xuất lúa là để làm ra gạo, để sản xuất lương thực, đảm bảo an ninh lương thực. Không ai lại cắt lúa non để bán dưới dạng như thế cả".

Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nếu mà bán như thế thì một vài vụ thì có thể được, về lâu về dài thì hậu quả sẽ khó lường? Theo ông nghĩ, đây là một cách làm không vững bền, và hiệu quả của nó thì thật rất là đáng nghi ngại.

Trung Khang

Nguồn : RFA, 13/12/2018

Published in Việt Nam

Đồng Nai ồ ạt chặt rễ hồ tiêu bán cho Trung Quốc (RFA, 10/05/2018)

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai vào hôm 9/5 cho biết các Thương lái Trung Quốc đang ồ ạt thu mua rễ cây hồ tiêu với giá cao, khiến nông dân đua nhau chặt cây đào rễ đem bán.

tieu1

Người dân đang thu hoạch tiêu tại Việt Nam. (Ảnh minh họa) - AFP

Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc ông Lê Đình Hưng cho truyền thông trong nước biết, hiện tượng này diễn ra khoảng hai tháng nay. Các thương lái Trung Quốc thu mua rễ cây hồ tiêu với giá 20.000 đồng/kg tươi và từ 80.000 đến 90.000đồng/kg khô.

Theo tìm hiểu của báo Zing, thương lái Trung Quốc mua rễ hồ tiêu về để làm thuốc.

Việc giá hồ tiêu xuống thấp chỉ còn vài chục ngàn đồng/kg, trong khi giá rễ cây hồ tiêu được thu mua với giá khá cao như vậy khiến ban quản lý tại khu vực này lo sợ người dân sẽ ồ ạt chặt rễ cây đem bán.

Ngoài ra, ông Hưng còn cho biết khi giá tiêu cao tình trạng cắt trộm dây tiêu bán giống và đào trộm rễ tiêu bắt đầu xuất hiện, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến an ninh tại khu vực này.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai đã ra thông báo đề nghị các địa phương kêu gọi nông dân không bán phế phẩm hồ tiêu cho thương lái. Đồng thời, sẽ xử lý nghiêm cá nhân, đơn vị mua rễ cây hồ tiêu.

Hồ tiêu là cây công nghiệp nhiệt đới lâu năm. Người dân phải trồng 3 năm mới thu hoạch vì vậy việc trồng cây này rất khó và đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao.

Tình trạng các thương lái Trung Quốc lùng mua nông sản của nông dân Việt Nam với giá cao rồi bất ngờ hạ giá gây khó khăn cho nông dân đã từng xảy ra với nhiều loại nông sản khác như dưa hấu, thăng long, chuối, mít…

***********************

Dân Đồng Nai đua nhau chặt hồ tiêu, bán rễ cho Trung Quốc (Người Việt, 09/05/2018)

Thương lái Trung Quốc đang cho người ồ ạt thu mua rễ cây hồ tiêu với giá khá cao, khiến nông dân ở Đồng Nai đua nhau chặt cây để đào lấy rễ đem bán.

tieu2

Ông Hải, một nông dân đang đào rể hồ tiêu ở vườn để bán cho Trung Quốc. (Hình : Dân Trí)

Theo Sở Nông nghiệp Đồng Nai, lợi dụng giá hồ tiêu đang thấp, hiện thương lái không thu mua hồ tiêu mà đi gom mua rễ cây hồ tiêu để bán cho các doanh nghiệp mang qua Trung Quốc với giá khá cao để làm gì thì chưa rõ.

Ông Đặng Quang Hải, ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, có 1 héc ta hồ tiêu. Đầu tháng Ba vừa rồi ông đang định chặt bỏ toàn bộ vườn tiêu cũ để trồng mới thì có thương lái tìm đến đặt vấn đề mua rễ tiêu.

"Trước mình chặt thì gom rễ đốt, giờ họ mua thì mình bán. Tôi thu được 4 triệu đồng tiền bán rễ nhưng thật sự tôi không biết họ mua để làm gì", ông Hải cho biết.

Nói với báo VnExpress, ngày 9 tháng Năm, ông Lê Đình Hưng, phó chủ tịch ủy ban xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, cho biết hiện tượng này diễn ra trong khoảng 2 tháng nay. Tại xã này đang có 4 thương lái thu mua rễ cây hồ tiêu với giá 20.000 đồng/kg tươi và 80.000-90.000 đồng/kg khô. Sau khi thu mua họ bán lại cho công ty Âu Nga.

"Qua làm việc với công ty Âu Nga, đơn vị này cho biết sẽ bán lại cho một doanh nghiệp khác ở Sài Gòn để xuất qua Trung Quốc làm thuốc bắc", ông Hưng nói.

Khảo sát của ủy ban xã Xuân Thọ ghi nhận, hiện tại ở xã đã có 14 hộ trồng tiêu đào rễ bán cho thương lái với diện tích hơn 10 héc ta, phần lớn diện tích tiêu nông dân chặt bỏ để bán rễ đều là cây già, năng suất thấp.

tieu3

Một vườn hồ tiêu đã bị chặt, đào rễ bán cho thương lái. (Hình : Dân Trí)

Tuy nhiên, ông Hưng cho rằng, giá hồ tiêu đang xuống thấp chỉ còn vài chục ngàn đồng một kg, trong khi giá rễ tiêu được thu mua khá cao nên ban quản lý lo sợ người dân sẽ chặt ồ ạt tiêu để bán rễ.

Tin cho biết trước đó, khi giá hồ tiêu cao cũng đã xuất hiện tình trạng cắt trộm dây tiêu bán giống. Theo ông Hưng, có thể có hiện tượng đào trộm rễ tiêu. Việc này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến tình hình trật tự, an ninh ở địa phương.

Mới đây, Sở Nông nghiệp Đồng Nai cũng đã có cảnh báo về vụ việc trên. Đồng thời, đề nghị các địa phương thông tin đến người dân những hệ lụy. "Mục đích của việc thu mua này là không rõ ràng và có dấu hiệu bất thường".

"Tình trạng này dễ dẫn đến nguy cơ người dân sẽ chặt phá bỏ vườn tiêu để lấy rễ hay có đào trộm rễ tiêu để bán. Việc này sẽ làm lây lan dịch bệnh, gây thiệt hại đến sản xuất, trồng trọt, ảnh hưởng đến trật tự an ninh nông thôn và phát triển kinh tế, xã hội", văn bản do ông Trần Đình Minh, phó giám đốc Sở Nông nghiệp Đồng Nai nêu.

Ngoài thu mua rễ tiêu làm thuốc bắc, theo cơ quan này, một số thương lái có thể thu mua khô rồi đem xay thành bột để trộn với tiêu thật để làm gia vị. Việc này rất nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng khi mua nhầm tiêu gia vị xay sẵn có trộn lẫn bột rễ tiêu. Bởi trong thân, gốc, rễ cây hồ tiêu có thể còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất.

Nói với báo Người Lao Động ngày 8 tháng Năm, ông Trần Lâm Sinh, chi cục trưởng Chi Cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai, cho rằng về mặt kỹ thuật, các bộ phận của cây trồng (như rễ, gốc, thân,…) khi vận chuyển từ vùng này sang vùng khác nếu không kiểm soát kỹ có thể lây lan dịch bệnh.

"Nếu cây hồ tiêu bị bệnh chết thì gốc và rễ phải được chôn ở hố có rải vôi để xử lý dịch bệnh, chứ không được vận chuyển sang nơi khác làm lây lan dịch bệnh. Trường hợp dùng gốc và rễ tiêu để làm nguyên liệu chế biến thực phẩm hoặc dược liệu cũng không bảo đảm do tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong quá trình canh tác", ông Sinh giải thích. (Tr.N)

Published in Việt Nam

Lợi dụng sự thiếu thông tin và lòng tham của số đông người nông dân Việt Nam, thương lái Trung Quốc đã tung chiêu trò thu mua những mặt hàng nông nghiệp với giá cao rồi đột ngột rút lui khiến ngành nông nghiệp Việt Nam khốn đốn, người nông dân lao đao và hơn hết là âm mưu thâm độc làm mất cân bằng sinh thái, gây dịch bệnh và hủy diệt giống nòi Việt Nam…

thuonglai1

Thương lái Trung Quốc thu mua nông sản theo cách "lạ đời" - Hình minh họa

Thực tế chiêu trò này của thương lái Trung Quốc không hề lạ lẫm với người dân Việt Nam nói chung, đặc biệt là người nông dân Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, cho đến hôm nay thương lái Trung Quốc vẫn còn áp dụng hiệu quả thậm chí chiêu trò này chưa có dấu hiệu bị phá vỡ và như vậy người dân nông dân Việt Nam vẫn tiếp tục mắc bẫy.

Vụ việc gần đây nhất xảy ra đối với những hộ nông dân trồng chuối ở Trảng Bom (Đồng Nai). Theo một số nông dân ở Trảng Bom kể lại với báo chí rằng ; vào những ngày đầu tháng 03/2018, thương lái Trung Quốc kéo nhau đến nhà vườn của người trồng chuối đặt mua một khối lượng lớn, thậm chí mua cả chuối non đã đẩy giá mặt hàng này lên cao ngất ngưỡng, có thời điểm lên gần 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vào những ngày cuối tháng 03/2018, các thương lái Trung Quốc đồng loạt ngừng mua và "biến" đi mất tăm khiến mặt hàng chuối giá rớt xuống còn khoảng 10.000 đồng/kg, hiện đang có dấu hiệu tiếp tục giảm. Một số ít thương lái Trung Quốc cũng có trở lại vườn chuối để ngã giá mua nhưng chê hàng kém chất lượng, hàng không đạt yêu cầu nên không mua hoặc ép giá mua.

Không thể tích trữ với một khối lượng lớn chuối đã hái, người nông dân đã bán tháo, bán rẻ thậm chí bán luôn cả vườn chuối non với giá thấp một nữa.

Ngày nay báo chí cộng sản Việt Nam, báo chí tự do và Internet với sự phát triển mạnh mẽ của các trang mạng xã hội đã giúp cho người dân Việt Nam phần nào trong việc tiếp cận thông tin, tìm hiểu được những chiêu trò phá hoại nền nông nghiệp Việt Nam, xa hơn nữa là phá hoại nền kinh tế Việt Nam, khiến nền kinh tế Việt Nam ngày càng lún sâu hơn vào sự phụ thuộc.

Các thương lái Trung Quốc thường mua những mặt hàng nông nghiệp ở Việt Nam mà người dân Việt Nam lâu nay nghĩ là nó vô hại, không có giá trị kinh tế nhưng không ngờ đằng đó là cả một mưu đồ thâm độc với mục đích nhắm đến là tận diệt và hủy diệt.

Vào năm 2012, tại tỉnh Bình Phước thương lái Trung Quốc thu mua lá điều khô giá từ 500-1000 đồng/kg. Người dân Bình Phước lâu nay cứ nghĩ lá điều vô hại nay lại sinh ra tiền liền đổ xô đi gom thậm chí là phun thuốc cho điều rụng lá khiến năng suất điều những mùa vụ sau ra trái rất kém, còn số lượng lá điều mà người dân gom được để lâu không thấy thương lái Trung Quốc mua trở thành nơi ruồi, muỗi… trú ngụ sinh nở nên người dân đành phải đem đốt.

Năm 2013, người dân trồng sắn ở Phú Yên lâu nay trồng để lấy củ là chủ yếu nhưng vào năm này không biết từ đâu thương lái Trung Quốc đổ xô về thu mua thân và ngọn cây sắn khiến người dân tàn phá sắn dẫn đến hậu quả là mùa vụ năm sau ở Phú Yên khan hiếm sắn, nhà máy sản xuất phải kết thúc mùa vụ sớm thì cũng là lúc sắn Trung Quốc không biết đi đường nào đã ồ ạt đổ vào Phú Yên và một số tỉnh thành khác của Việt Nam phá giá thành sắn Việt Nam.

Cũng tại Phú Yên vào năm 2011, không biết từ đâu có tin đồn là có nhiều người trúng đậm mùa rùa khiến người dân đổ xô đi săn rùa. Theo người dân kể lại sau khi gom được số lượng rùa thì thương lái sẽ đến ngã giá mua rồi sau đó vận chuyển ra Hà Nội sang Trung Quốc. Điều đáng nói ở đây là giống rùa đang bị săn bắt ở Phú Yên thuộc nhóm IIB, ghi trong sách đỏ IUCN cấp CR, tức là cấp cực kỳ nguy hiểm cần được bảo vệ.

Ngoài việc đổ sô đi săn rùa, người dân Phú Yên còn đổ sổ xuống đầm Ô Loan để cào dắt, đây là một loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ được người dân mua về làm mắm hoặc làm thuốc ăn cho tôm hùm. Trung bình mỗi kg dắt người dân vào thời điểm này bán khoảng 4000 đồng/kg nhưng khi thương lái Trung Quốc đổ xô về mua với giá gần 30.000 đồng/kg thì người dân bất chấp tất cả vét sạch dắt ở đầm Ô Loan dẫn đến nguy cơ hủy diệt hàng loạt loại thủy sản khác như sò huyết, tôm…

Chưa hết, khoảng năm 2011, 2012 người dân ở một số tỉnh thành miền Bắc và ở đồng bằng sông Cửu Long đổ xô đi mua đĩa và ốc bưu vàng để bán cho thương lái Trung Quốc. Gía mỗi kg đĩa được mua với giá khoảng từ mấy trăm ngàn cho đến 1 triệu đồng, giá ốc bưu vàng vào lúc cao điểm lên đến 30.000 đồng/kg. Giá của những mặt hàng "quái lạ" này cao gấp nhiều lần so với kg lúa, kg gạo nên người dân đã đổ xô đi mua đĩa, mua ốc bưu vàng thậm chí còn nuôi tích trữ. Khi thương lái Trung Quốc đột ngột ngừng mua thì cũng là lúc hàng tạ, hàng tấn ốc bưu vàng và đĩa được người dân đem đổ xuống ao đầm, ruộng lúa hủy hoại môi trường sinh thái, hủy hoại lúa, hoa màu, nghiêm trọng hơn là dịch bệnh lây lan…

Năm 2014, tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, một số thương lái Việt Nam đứng ra thu mua gốc, rễ tiêu rồi đem bán lại cho thương lái Trung Quốc, giá mỗi kg rễ tiêu khoảng 50.000 đồng. Nhiều người dân đổ đi đào trộm rễ tiêu đem bán khiến tiêu mất sức, năng suất giảm và đây chính là cơ hội cho tiêu độc của Trung Quốc thâm nhập vào thị trường tiêu Việt Nam.

Việc thương lái Trung Quốc thu mua gốc, rễ tiêu ở Gia Lai cũng giống như thu mua rễ sim ở Lạng Sơn vào năm 2012.

Ngoài ra thương lái Trung Quốc còn mua những loại cây quý hiếm ở Việt Nam như ; kim cương, sưa, máu chó, hoàng đằng, mật gấu… thúc giục người dân Việt Nam bất chấp pháp luật, đầy mạnh việc phá hủy rừng Việt Nam dẫn đến xói mòn đất, lũ tràn về đồng bằng nhanh đã phá hủy tài sản và cướp đi sinh mạng người dân.

Tuy nhiên, nguy hiểm và thâm độc hơn hết là việc thương lái Trung Quôc thu mua móng trâu ở Việt Nam. Người dân Việt Nam nói chung hẳn vẫn chưa quên vào năm 2004, một phong trào giết trâu, chặt đuôi trâu để lấy bán cho thương lái Trung Quốc diễn ra ở nhiều vùng quê Việt Nam. Lúc bấy giờ giá móng trâu được thương lái Trung Quốc mua cao ngất ngưỡng, giá 4 móng trâu có thể bằng trị giá một con trâu nên người nông dân không ngần ngại giết trâu hàng loạt để lấy móng đem bán, thậm chí đi trộm cắp trâu. Kết quả là ngành nông nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng sức kéo, ảnh hưởng đến năng suất.

Chiêu trò thu mua đẩy giá sản phẩm lên cao rồi đột ngột rút lui của thương lái Trung Quốc được áp dụng rất nhiều lần ở các tỉnh thành Việt Nam đến nay vẫn chưa có dấu hiệu bị phá vỡ. Từ nông nghiệp, thủy- hải sản, lâm nghiệp, công nghiệp… cho đến kinh tế và xã hội Việt Nam nói chung các thương lái Trung Quốc không ngừng thâm nhập sâu để tìm hiểu đặng phá hoại, đằng sau đó nữa là mưu đồ đẩy hàng hóa độc hại của Trung Quốc vào thị trường Việt Nam, khống chế nền kinh tế Việt Nam. Tác hại của việc tiêu thụ hàng hóa độc hại của Trung Quốc khiến người Việt Nam ngày càng mắc những căn bệnh mà hiện nay y tế thế giới chưa có thuốc chữa như bệnh ung thư, góp phần hủy hoại giống nòi Việt.

Bằng con đường du lịch hoặc bằng con đường tiểu ngạch nào đó mà các thương lái Trung Quốc hầu như có mặt ở hầu hết các tỉnh thành Việt Nam, am hiểu vùng miền địa phương nên khi họ thực hiện chiêu trò thu mua thì các mặt hàng không trùng lắp nhau, chuẩn bị rất kỹ nên hầu hết các thương lái Trung Quốc đều giành những thành công nhất định, họ thoát được sự kiểm soát của các cơ quan chức năng Việt Nam. Ngoài ra, chiêu trò và mưu đồ của thương lái Trung Quốc thực hiện thành công là có sự góp tay không nhỏ của người Việt Nam, chính người Việt Nam vì lòng tham, vì chút lợi nhuận nên đã tiếp tay cho thương lái Trung Quốc giết người Việt Nam. Giải phóng nào cho người Việt Nam thoát khỏi thảm cảnh chết bởi tay Trung Quốc ?

Thiên Hà

Nguồn : CaliToday, 31/03/2018

Published in Diễn đàn