Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thủ tướng Phạm Minh Chính của Việt Nam dự các diễn đàn và hoạt động về các chủ đề chính trị toàn cầu, liên quan hợp tác quốc tế và khu vực, cùng các cuộc gặp song phương với lãnh đạo các quốc gia bên lề Hội nghị thượng đỉnh mở rộng của Khối G7 ở Hiroshima, Nhật Bàn. Ngoài ra, người đứng đầu Chính phủ Hà Nội còn gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi hợp tác về mặt kinh tế, thương mại, đầu tư… với nhiều đại diện quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài tham dự Hội nghị. 

g71

Hình chụp lãnh đạo các nước tham gia Hội nghị G7 mở rộng, trong đó có Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính. AFP

"Hiện diện rất có ý nghĩa, được Nhật Bản coi trọng"

Nhân dịp này, từ Tokyo, Giáo sư Trần Văn Thọ, chuyên gia kinh tế, Giáo sư danh dự Đại học Waseda chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do vài nhận xét, bình luận trên quan điểm riêng của ông xung quanh sự kiện Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và về quan hệ song phương Nhật Bản – Việt Nam, ông nói :

"Cách đây 7 năm, Nhật Bản cũng mời Thủ tướng Việt Nam sang dự ở lần Nhật Bản tổ chức G7 kỳ trước, hồi năm 2016, khi đó Việt Nam là nước chủ tịch luân phiên của ASEAN, kỳ này đặc biệt là Việt Nam không phải là chủ tịch luân phiên như vậy, điểm đó tôi thấy rất có ý nghĩa. Kỳ này Việt Nam được mời cùng với Ấn Độ là nước lớn và tháng 9/2023 sẽ tổ chức Hội nghị G20 của nhóm 20 nước phát triển công nghiệp hàng đầu thế giới, với Indonesia năm nay đang là Chủ tịch luân phiên của khối ASEAN, và Hàn Quốc, Brazil cũng là những nước quan trọng.

Trong đường lối đối ngoại, Nhật Bản rất coi trọng khối ASEAN, và trong khối này hiện nay Indonesia và Việt Nam là hai nước được Nhật quan tâm nhất. Thành ra mời Việt Nam tham dự Nhật muốn quan hệ giữa Nhật Bản với Việt Nam nói riêng và Nhật Bản với ASEAN nói chung ngày càng chặt chẽ hơn. Sự kiện này cũng nói lên vị trí của Việt Nam, tức là trong thời gian qua kinh tế phát triển, hội nhập quốc tế rất sâu, rộng, có tiềm năng lớn, trở thành một trong những nước mà Nhật Bản cần tranh thủ. Theo tôi đó là những yếu tố giải thích lý do Nhật Bản mời Việt Nam tham dự Hội nghị G7 mở rộng".

g72

Ảnh chụp ngày 19/5/2023 về Hội nghị G7 ở Hiroshima, Nhật Bản. AFP

"Đồng minh tự nhiên, có nhiều lợi ích chung"

Về quan hệ hợp tác chiến lược giữa Nhật Bản và Việt Nam và hợp tác tương hỗ hai bên, Giáo sư Trần Văn Thọ, nói :

"Cách đây hai ba năm, ông Umeda Kunio, nguyên đại sứ Nhật tại Việt Nam, sau khi mãn nhiệm đã viết một cuốn sách về quan hệ Nhật Việt. Cuốn sách được dịch ra tiếng Việt do tôi hiệu đính và xuất bản Việt Nam năm ngoái. Trong cuốn sách tác giả đưa ra khái niệm "đồng minh tự nhiên" để hình dung quan hệ giữa hai nước. "Đồng minh tự nhiên" tức là Nhật Bản và Việt Nam không phải có hiệp ước như là đồng minh Nhật – Mỹ, hay đồng minh Mỹ - Hàn Quốc chẳng hạn, mà là dựa trên sự tin cậy cao độ với nhau mà thấy gần gũi và thấy có những lợi ích chung nên cùng giúp đỡ nhau. Trong ý nghĩ đó, theo ông Umeda, Việt Nam trở thành một nước giàu mạnh chẳng những quan trọng đối với Việt Nam mà còn cần thiết cho việc ổn định và phồn vinh của cả khu vực Đông Á, do đó Nhật Bản cần đẩy mạnh hợp tác, liên kết với Việt Nam và giúp Việt Nam phát triển.

Tôi thấy khái niệm "đồng minh tự nhiên" rất thích hợp để nói về quan hệ giữa Nhật Bản với Việt Nam ngày nay. Năm nay là 50 năm kỷ niệm quan hệ giữa hai nước nên cũng là dịp suy nghĩ về quan hệ Việt Nhật. Nhật Bản là một nước công nghiệp tiên tiến, Việt Nam là nước mới thực sự bắt đầu phát triển ba chục năm về trước, bắt đầu là một nước nghèo phát triển đi lên, trong quá trình đó, Nhật Bản giúp đỡ nhiều, nhất là viện trợ để xây dựng hạ tầng và cải cách thể chế.

Tuy nhiên Việt Nam cho đến giờ thực sự chưa tận dụng hết nguồn lực từ Nhật Bản, nhất là trong các lãnh vực đầu tư và chuyển giao công nghệ để đẩy mạnh công nghiệp hóa. Từ nay trở đi, qua bước phát triển mới, qua giai đoạn mới, Việt Nam có những nhu cầu mới. Ví dụ như về nguồn vốn ODA (vốn hỗ trợ phát triển chính thức), Việt Nam sẽ không nhận nữa, bởi vì khi đặt mục tiêu trở thành nước tiên tiến vào năm 2045, tức chỉ còn hai mươi mấy năm nữa thôi, trong một thời gian ngắn sắp tới, Việt Nam phải ‘tốt nghiệp’ trong vấn đề nhận viện trợ, ‘tốt nghiệp’ tức là không nhận viện trợ nữa, dần dần Việt Nam phải tự lập trong vấn đề không vay mượn nữa, hoặc vay mượn ít thôi. Thế nhưng vấn đề đầu tư và chuyển giao công nghệ thì vẫn tiếp tục, trong giai đoạn mới Việt Nam cần Nhật đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao để chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên cao hơn, để Việt Nam tham gia cao hơn trên chuỗi giá cung ứng hoặc chuỗi giá trị toàn cầu. Dĩ nhiên trong quá trình đó Việt Nam phải tăng nội lực, và trong mục đích đó Nhật có thể hỗ trợ trong việc đào tạo nguồn nhân lực và cải cách doanh nghiệp, trong đó có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, v.v…

Còn một số lãnh vực khác cũng quan trọng, chẳng hạn phòng chống thiên tai, an ninh mạng, an ninh kinh tế. Ngay cả lãnh vực quốc phòng cũng nên có những hợp tác nhất định, tất nhiên là để răn đe những nước nào muốn đe dọa Việt Nam, họ thấy rằng Việt Nam cũng có nhiều nước có quan hệ khăng khít, sẵn sàng giúp đỡ nhau. Tôi nghĩ phía Nhật Bản cũng sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực đó", chuyên gia kinh tế, học giả là Giáo sư danh dự của Đại học Waseda nêu quan điểm riêng với RFA tiếng Việt từ Nhật Bản, hôm 20/5/2023.

Quốc Phương

Nguồn : RFA, 20/05/2023

Published in Diễn đàn