Kế hoạch đào tạo "Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị nhà nước và Phòng chống tham nhũng" của Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đã khuấy động dư luận suốt từ cuối tuần trước đến cuối tuần này. Cho dù bà Nguyễn Thị Quế Anh, Chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, hết lời biện bạch rằng kế hoạch ấy nhằm "đào tạo chuyên gia có kiến thức toàn diện, chuyên sâu cho cơ quan, tổ chức có nhu cầu về lĩnh vực này ở Việt Nam như : Cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng, tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, cơ sở học thuật, cơ quan truyền thông..". và chi phí đào tạo chỉ chừng 20 triệu đồng/cá nhân (1) nhưng nhìn chung, công chúng không đồng tình.
Bà Nguyễn Thị Quế Anh, Chủ nhiệm Khoa Luật,Đại học Quốc gia Hà Nội công bố chương trình thạc sĩ chống tham nhũng đầu tiên của Việt Nam hôm 2/8/2018.
Chẳng riêng công chúng, một số viên chức làm việc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo như ông Nguyễn Hoàng Giáp, Giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cũng không đồng tình. Công chúng không đồng tình bởi dưới mắt họ, kế hoạch đào tạo "Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị nhà nước và Phòng chống tham nhũng" là một kiểu "vẽ rắn thêm chân", còn những người như ông Giáp không đồng tình vì không cần thiết. Ông Giáp lưu ý : Nghiên cứu phòng chống tham nhũng hầu hết là cán bộ làm công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức và kiểm tra, cho nên đối tượng này mới cần được đào tạo". Bởi thực tế đúng như ông Giáp nhận định nên một luật sư tên là Nguyễn Tiến Thơm cũng cho rằng : Đào tạo về quản trị nhà nước và phòng - chống tham nhũng nên được thực hiện trong nội bộ các trường Đảng, trường bồi dưỡng cán bộ" (2).
Nếu nhìn ở góc độ… thị trường, khi phòng chống tham nhũng là "nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài" của toàn bộ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam và được quảng bá rầm rộ ít nhất cũng đã ba thập niên, rất dễ hiểu tại sao Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội sọan thảo, giới thiệu kế hoạch đào tạo "Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị nhà nước và Phòng chống tham nhũng". Tuy nhiên kế hoạch tưởng như bám rất sát thị trường ấy khó khả thi vì phòng như cộng sản Việt Nam quyết định. Thường dân, kể cả thường dân có học vị thạc sĩ chuyên ngành "Quản trị nhà nước và Phòng chống tham nhũng" cũng không có chỗ trong công cuộc phòng chống tham nhũng.
***
Cách nay hai tháng, ông Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, cựu Phó Ban Tuyên giáo Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, hiện là Tổng Giám đốc Đài Phát thanh Quốc gia (VoV), công bố bài "Phòng, chống tham nhũng : Những bài học lịch sử và hành động của chúng ta hôm nay" (3).
Nhìn một cách tổng quát thì bài viết dài khoảng 6.000 chữ của ông Phó Giáo sư chưa từng dạy ở đại học nào và có học hàm Tiến sĩ chưa rõ ở đâu cấp (?) này không có gì mới. Tác dụng duy nhất của bài viết vừa dẫn dường như chỉ là gieo thêm hoang mang cho độc giả : Tại sao quyết tâm của giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam rất cao và hành động rất… quyết liệt (chỉ tính riêng từ 2014 đến nay, để phòng chống tham nhũng, lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam đã ban hành chừng một chục Nghị quyết, Chỉ thị, song song với việc tổ chức hàng chục hội nghị, Quốc hội Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã soạn – sửa – bổ phiếu thông qua 94 luật, pháp lệnh, 88 Nghị quyết, Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành 694 Nghị định, 518 Nghị quyết, 281 quyết định,…) mà tham nhũng ở Việt Nam vẫn không giảm, hậu quả mà tham nhũng gây ra cho cả chính trị, kinh tế lẫn xã hội càng ngày càng nặng nề ?
Giống như nhiều viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam, ông Kỷ tiếp tục khẳng định, phải củng cố vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng cộng sản Việt Nam trong công cuộc phòng chống tham nhũng và hứa hẹn "từng bước mở rộng hoạt động phòng chống tham nhũng ra ngoài khu vực nhà nước, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng chống tham nhũng".
Năm 2013 – thời điểm Việt Nam đang thu thập ý kiến để sửa Luật Hình sự 2009, từ sự gợi ý của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và sự tiếp sức của tổ chức này thông qua "Dự án Tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam", một số viên chức của Quốc hội và Bộ Tư pháp Việt Nam đã đề nghị đưa thêm vào Luật Hình sự của Việt Nam tội "làm giàu bất chính" để truy tố những cá nhân giàu có một cách bất thường. Theo hướng này, nếu viên chức nào đó có tài sản lớn khác thường so với thu nhập hợp pháp và không thể giải thích hợp lý về nguồn gốc tài sản thì sẽ bị xem là phạm tội "làm giàu bất chính" để điều tra - truy cứu trách nhiệm hình sự(4). Năm 2015 - khi bỏ phiếu thông qua Luật Hình sự mới, rồi năm 2017 khi sửa Luật Hình sự mới sửa năm 2015, Quốc hội Việt Nam liên tục gạt bỏ đề nghị xác định hành vi "làm giàu bất chính" là tội phạm.
Đó là lý do đến nay, dân chúng Việt Nam chỉ có thể dè bỉu viên chức này khi ông ta biện bạch, sở dĩ ông ta giàu nứt khố đổ vách nhờ… bện chổi, viên chức kia phân bua tiền xây nhà cao cửa rộng là khoản tích lũy do… chạy xe ôm, rồi… thôi ! Còn hệ thống tư pháp thì vẫn tiếp tục khoanh tay ngắm các viên chức sống như những ông hoàng, bà hoàng, thi thoảng cả hệ thống tư pháp nghiêng mình nghe dân chửi rồi… lắc đầu vì Đảng chưa cho phép"mở rộng hoạt động phòng chống tham nhũng ra ngoài khu vực nhà nước"tới mức có đủ cơ sở loại bỏ vĩnh viễn những câu chuyện thoạt nghe thì khôi hài song dẫu ráng thiên hạ cũng không thể cười đó.
Tương tự, dẫu đã ký Công ước Phòng - Chống tham nhũng (United Nations Convention against Corruption - UNCAC) năm 2003 nhưng bảy năm sau (2009), Việt Nam mới chịu phê chuẩn UNCAC. Tại sao xác định tham nhũng là quốc nạn, viên chức tham nhũng là một thứ "giặc" nguy hiểm mà giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam lại tỏ ra hết sức ngần ngại trong việc phê chuẩn một văn kiện quốc tế mà mục tiêu chỉ nhằm nâng cao hiệu lực giải trừ tham nhũng thông qua việc đặt định hàng loạt qui ước, chuẩn mực về tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, buộc công chức phải tuân thủ các tiêu chí chung về hành xử khi thi hành công vụ, hệ thống tư pháp phải độc lập, hệ thống công quyền phải minh bạch, phải để các tổ chức dân sự tham gia giám sát, chưa kể phê chuẩn còn giúp Việt Nam gia tăng hợp tác đa quốc gia nhằm cùng truy tìm – thu hồi tài sản thủ đắc từ tham nhũng trên phạm vi toàn cầu ? Còn một điểm khác đáng thăc mắc không kém là tại sao đã hứa "mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng chống tham nhũng" nhưng khi phê chuẩn UNCAC, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam đột nhiên tuyên bố giành quyền bảo lưu (không thực thi) một số nội dung của UNCAT ? Tại sao hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính, thực hiện thủ tục dẫn độ… lại… chưa phù hợp và vì lẽ gì mà Việt Nam vẫn đòi thực hiện UNCAC theo Hiến pháp và pháp luật thực định của Việt Nam chứ không áp dụng trực tiếp các qui định của UNCAT (5) ?
Vì sao phòng chống tham nhũng đã được xác định là "không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ" mà Dự luật sửa luật phòng chống tham nhũng liên tục được nâng lên rồi bị đặt xuống suốt ba năm vừa qua (6) ? Đã "không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ"thì tại sao giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam nhất loạt đòi gạt bỏ chuyện xử lý tài sản của những viên chức bị xác định là kê khai gian dối sang một bên và dứt khoát không tán thành đề nghị giải quyết tài sản của những viên chức không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc bằng cách định giá rồi buộc nộp thuế theo tỉ lệ 45% tính trên tổng giá trị, hoặc tịch thu sung công, nếu cần, truy cứu trách nhiệm hình sự vì làm giàu bất chính (7) ? Chuyện đơn giản nhất : Chỉ công bố bản kê khai tài sản mà các viên chức đã nộp – mà ông Nguyễn Phú Trọng, người dẫn đầu công cuộc phòng chống tham nhũng ở Việt Nam - cũng cho là "nhạy cảm", "rất khó" (8) thì lúc nào mới thực sự "mở rộng hoạt động phòng chống tham nhũng ra ngoài khu vực nhà nước, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng chống tham nhũng" để"không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ" ?
***
Thật ra kế hoạch đào tạo "Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị Nhà nước và Phòng – Chống tham nhũng" của Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội bám rất sát đường lối, chủ trương của giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam. Chỉ có điều khoảng cách từ đường lối, chủ trương đến tính khả thi và hiệu quả, luôn luôn rất lớn và gần như không thể thu hẹp. Đâu phải tự nhiên mà ông Nguyễn Hoàng Giáp, Giảng viên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định chắc nịch, phòng tham nhũng thế nào, chống tệ nạn này ra sao là công việc do các cán bộ của Đảng cộng sản Việt Nam đảm nhận, quyết định. Còn khuya mới có chỗ cho các Thạc sĩ "Quản trị nhà nước và Phòng chống tham nhũng" tương lai thi thố sở học. Triển vọng thăng tiến nghề nghiệp tất nhiên sẽ chỉ là một số không tròn trĩnh.
Ngay cả khi học phí chỉ 20 ngàn (chứ không phải 20 triệu) chắc cũng chẳng có bao nhiêu thường dân mặn mà vì ít nhất cũng phải dùi mài kinh sử vài năm song cầm chắc là chẳng đến đâu. Nói theo kiểu bình dân, đào tạo "Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị nhà nước và Phòng chống tham nhũng" của Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội là một kế hoạch giàu trí tưởng… bở. Thường dân giờ đã rất khôn, số người giàu trí tưởng… bở hiện rất hiếm, không dễ thành công đâu.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 09/08/2018
Chú thích :
(2) https://laodong.vn/xa-hoi/dao-tao-thac-si-phong-chong-tham-nhung-khong-can-thiet-623522.ldo
(4) http://dantri.com.vn/phap-luat/giau-bat-thuong-co-the-bi-tich-thu-tai-san-1386181152.htm
Cảnh sát Slovakia tiết lộ chi tiết 'quy trình' áp tải Trịnh Xuân Thanh (VOA, 04/08/2018)
Cảnh sát hộ tống đoàn quan chức cấp cao Việt Nam ở Slovakia tiết lộ với báo Denník N. của Slovakia rằng ông Trịnh Xuân Thanh đã được áp tải lên máy bay trong tình trạng "vô hồn" giống như say rượu và bị đánh, với hai người xốc nách hai bên.
Trịnh Xuân Thanh bị áp giải ra tòa án ở Hà Nội vào ngày 8/1/2018.
"Họ nói với chúng tôi rằng ông ta bị say rượu và ngã xuống cầu thang", cảnh sát nói với báo Denník N. của Slovakia.
Những tiết lộ mới của cảnh sát Slovakia, theo Luật sư của ông Thanh, bà Petra Schlagenhauf, là "mảnh ghép cuối cùng của phần hành trình không tự nguyện" của thân chủ của bà từ Slovakia về Việt Nam, trái ngược với khẳng định lâu nay của chính phủ Việt Nam rằng ông Thanh "tự nguyện" về Việt Nam đầu thú.
Bất thường và khả nghi
Theo tường thuật của báo Dennik N, Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) bị Việt Nam truy nã, đã được đưa tới thủ đô Bratislava của Slovakia trên một chiếc xe van thuê ở Praha. Chiếc xe này đậu phía trước khách sạn Bôrik, nơi diễn ra cuộc họp giữa các quan chức Slovakia với phái đoàn quan chức cấp cao Việt Nam, đứng đầu là Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
Cảnh sát Slovakia nói rằng có nhiều tình tiết "bất thường" và "khả nghi" trong chuyến thăm của đoàn Việt Nam. Thông thường, Slovakia không cho người nước ngoài mượn máy bay. Vì vậy, xác nhận của Bộ Nội vụ nước này về việc cho phái đoàn Việt Nam mượn chiếc máy bay của chính phủ vào "phút chót" với lý do "thay đổi nghị trình làm việc đột ngột" là chuyện "cực kỳ bất thường" đối với các cảnh vệ vốn vẫn quen nhận lệnh từ nhiều tuần trước.
Luật sư Petra Schlagenhauf nói với VOA rằng lý do Việt Nam mượn máy bay của Slovakia là "để tránh sự kiểm soát ở biên giới khi ra khỏi các quốc gia thuộc khu vực Schengen".
Vẫn theo tường thuật của Denník N., Bộ trưởng Tô Lâm đã được đưa đến buổi họp bằng một chiếc limousine, theo sau là một chiếc limousine khác chở các thành viên còn lại của phái đoàn. Hộ tống kèm là 5 chiếc mô tô, một con số được cho là "nhiều bất thường" trong mắt các nhân viên cảnh sát.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
Khi phái đoàn Việt Nam đến nơi họp thì đã có 3 chiếc xe van thuê từ Praha và 1 chiếc Lexus SUV đậu sẵn trong bãi đậu xe của khách sạn, và Trịnh Xuân Thanh được cho là ở trong một trong những chiếc xe này.
"Ông ta bị đánh, bị thuốc, cái nhìn vô hồn. Không một cảnh sát nào biết đến sự hiện diện của ông ấy", tờ báo của Slovakia tường thuật.
Trong thời gian diễn ra cuộc họp giữa các quan chức Việt Nam và Slovakia, đại diện của Việt Nam đã tiếp cận chỉ huy của đoàn hộ tống, ông Ján H., và yêu cầu ghép thêm một chiếc xe vào đoàn, cũng là một yêu cầu được cho là "bất thường".
Giải thích chi tiết này, cựu Bộ trưởng Nội vụ Slovakia, Robert Kaliňák nói với báo SME : "Khi một quan chức cấp cao từ một quốc gia Châu Á lớn đến thăm, thì điều rất phổ biến là tất cả các quan chức ở các nước láng giềng đều đến bắt tay. Không có gì là khác thường cả. Ngay cả khi có những chiếc xe van ở đó, nó cũng sẽ không gây bất kỳ sự chú ý nào".
Lúc đầu, phía Slovakia từ chối yêu cầu của Việt Nam, nhưng sau đó đồng ý điều thêm một xe cảnh sát, thay vì ghép chiếc xe khác vào đoàn.
Gây ‘xấu hổ’ vì ‘say rượu’
Khi chiếc xe được điều tới, các cảnh sát hộ tống mới lần đầu tiên trông thấy ông Trịnh Xuân Thanh. Theo báo Denník N, cảnh sát được lệnh chuyển ông Thanh từ chiếc xe thuê ở Czech sang xe cảnh sát, và được cho biết công dân Việt Nam này "bị say và ngã xuống cầu thang" nên "điều quan trọng là phải giữ ông ta khỏi tầm mắt của Bộ trưởng Việt Nam", vì ông ta đã gây ra tình huống "xấu hổ không thể chấp nhận được khi say xỉn".
Hai người đàn ông Việt Nam, được cho là mật vụ, lên xe cùng với Trịnh Xuân Thanh và giữ cho ông khỏi ngã.
Đoàn xe ra đến phi trường Slovakia trên đường sang Nga vào lúc 2 :29 ngày 26/7/2017 mà không phải qua bất kỳ hệ thống rà soát an ninh nào.
Denník N. cho biết, Bộ trưởng Tô Lâm là người lên máy bay đầu tiên, kế đó là một số người trong phái đoàn, và người cuối cùng là Trịnh Xuân Thanh, được xốc nách đưa lên máy bay trong tình trạng như đang say rượu và cần có người dìu.
Slovakia bác bỏ thông tin
Trong suốt cuộc điều tra vụ bắt cóc ở Đức, một số giới chức Slovakia, trong đó có cựu Bộ trưởng Nội vụ Robert Kaliňák, liên tục bị công luận lên án vì đã "tiếp tay" cho Việt Nam trong vụ bắt cóc.
Lên tiếng trên trang Facebook hôm 31/7, ông Kaliňák nói : "Tôi nhấn mạnh rằng danh sách hành khách [lên máy bay] là do giới hữu trách Việt Nam cung cấp cho chúng tôi, không có tên của công dân phạm tội người Việt, không có một ai bị thương hay bị còng tay".
Bộ Nội vụ Slovakia nói bài báo của Denník N. là "hoàn toàn vô lý, bịa đặt và dối trá".
Trong khi đó, Văn phòng Tổng công tố Slovakia hôm 1/8 nói Đức có quyền tiến thành các thủ tục hình sự liên quan đến vụ bắt cóc, và các cơ quan tư pháp Đức không cung cấp thông tin cho đối tác Slovakia về vụ này.
Luật sư Petra Schlagenhauf. Ảnh: thoibao.de
Là người theo sát những diễn tiến liên quan đến vụ bắt có thân chủ, Luật sư Petra Schlagenhauf nói với VOA : "Những gì cảnh sát Slovakia nói với báo Denník N. đều trùng khớp với tất cả các chi tiết mà các nhà điều tra Đức đã phát hiện cho đến nay. Hơn nữa, lời khai của cảnh sát cho thấy cựu Bộ trưởng Slovakia Kalinak đã không thành thật. Ông ấy chắc hẳn biết chuyện gì xảy ra vào ngày hôm đó (ngày 26 tháng 7) tại khách sạn Borik và sân bay Bratislava".
Nữ luật sư người Đức của ông Thanh cho đây là một vụ bê bối "gây sốc" vì những gì mà quan chức Slovakia dám làm trong bối cảnh nước này là một thành viên của Liên minh Châu Âu. Theo bà, Slovakia nên tiến hành điều tra một cách nghiêm túc để làm rõ trách nhiệm của những người liên quan.
Luật sư Petra Schlagenhauf cũng khẳng định lại phán quyết của Tòa thượng thẩm Berlin hôm 25/7, cho rằng việc ông Trịnh Xuân Thanh bị bỏ tù tại Việt Nam là "bất hợp pháp". Bà nói bà hy vọng Việt Nam sẽ "cho phép thân chủ của tôi trở về Đức, nơi ông bị bắt cóc" để "xoa dịu" cuộc khủng hoảng quan hệ giữa Việt Nam và Đức vì vụ bắt cóc chấn động này.
Đức đã "tạm ngưng" mối quan hệ đối tác với Việt Nam và trục xuất một số nhà ngoại giao Việt Nam khỏi Đức vì cho rằng vụ bắt cóc vi phạm trắng trợn luật pháp Đức và luật pháp quốc tế.
************************
Đào tạo "Thạc sĩ chống tham nhũng", không giải quyết được vấn đề… (CaliToday, 04/08/2018)
Hết lần đầu tiên có tiến sĩ quần vợt nay Việt Nam lần đầu tiên đào tạo thạc sĩ phòng chống tham nhũng khiến dư luận một lần nữa vừa tranh luận vừa buồn cười và không ít cho đây là vẽ vời bởi sẽ không hiệu quả…
Lễ công bố Chương trình đào tạo thạc sĩ luật học về Quản trị Nhà nước và phòng, chống tham nhũng tại Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Đại học Quốc gia Hà Nội
Ngày 2/8/2018 vừa qua, tại Khoa Luật trường Đại học Quốc gia ở Hà Nội đã diễn ra buổi lễ công bố tổ chức chương trình đào tạo thạc sĩ luật học về Quản trị Nhà nước và Phòng chống tham nhũng. Theo báo chí Việt Nam đăng tin thì phát biểu tại buổi lễ, đại diện Đại học Quốc gia ở Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh đất nước Việt Nam đang trong quá trình hội nhập đổi mới, có rất nhiều vấn đề liên quan đến việc phòng chống tham nhũng và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm cho sự tham nhũng diễn ra ngày càng tinh vi hơn. Tất cả đã đặt ra yêu cầu trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu lĩnh vực này ở Việt Nam nói chung, Đại học Quốc gia ở Hà Nội nói riêng.
Cũng phát biểu tại buổi lễ, Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Công Giao đại diện Khoa Luật, nơi tổ chức chương trình đào tạo thạc sĩ luật học về Quản trị Nhà nước và Phòng chống tham nhũng nói mục tiêu của chương trình nhằm đào tạo ra các chuyên gia có kiến thức toàn diện, chuyên sâu về quản trị nhà nước và phòng chống tham nhũng cho các cơ quan tổ chức đang tham gia vào công cuộc phòng chống tham nhũng ở Việt Nam. Đối tượng tham gia chương trình bao gồm những người có bằng cử nhân Luật học ở tất cả các chuyên ngành trong và ngoài Việt Nam… Thời gian đào tạo là 2 năm với kết cấu có 64 tín chỉ tương đương 16 học phần.
Còn Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nhấn mạnh cuộc đấu tranh Phòng chống tham nhũng, chống "giặc nội xâm" này không thể một sớm một chiều có thể hoàn thành mà đòi hỏi quá trình đấu tranh đó phải lâu dài, bền bỉ nên rất cần sự đào tạo mang tính chất lâu dài của chuyên ngành luật về Phòng chống tham nhũng.
Ngay sau khi báo chí Việt Nam đăng tải thông tin, dư luận Việt Nam đã có nhiều chia sẻ, vừa tranh luận vừa buồn cười và nhiều ý kiến cho là vẽ vời bởi tham nhũng ở Việt Nam hiện đang là "quốc nạn" như Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam hiện tại ông Nguyễn Phú Trọng từng nói : "Hiện tượng hư hỏng, tham nhũng, tiêu cực đúng là lắm lúc nghĩ hết sức sốt ruột, nhìn đâu cũng thấy, sờ đâu cũng có", tham nhũng được xếp theo cấp bậc và bằng cấp, học cao làm quan lớn thì tham nhũng càng lớn, tham nhũng càng tinh vi hơn. Bao nhiêu năm qua Việt Nam luôn hô hào quyết tâm chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy cầm quyền nhưng kết quả hiện tại đã cho người dân thấy diệt được chổ này thì thấy xuất hiện chổ nọ thậm chí nó còn leo lên chức vụ khá cao là cấp Bộ.
Mặc khác hiện cư dân mạng đã sưu tra ra chương trình đào tạo thạc sĩ phòng chống tham nhũng này là Việt Nam bắt chước theo Trung Quốc, mấy năm trước đây báo chí Việt Nam từng thông tin Trung Quốc đào tạo thạc sĩ chống tham nhũng.
Blogger Tô Oanh cũng chia sẻ với Cali Today điều này và cho rằng tham nhũng ở Việt Nam giờ có cung cấp cho các vị lãnh đạo hàng trăm, hàng ngàn bằng cấp trên đại học cũng không thể diệt được tham nhũng.
"Tôi cho rằng bên Trung Quốc họ cũng mở khóa đào tạo cấp bằng như thế này, Việt Nam bắt chước làm theo. Trung Quốc chính thức họ làm rồi, Việt Nam giờ bắt đầu triển khai. Tôi cho rằng việc chống tham nhũng mà chỉ một Đảng nắm toàn quyền thế này có học hàng trăm, hàng ngàn bằng trên đại học cho các vị ấy thì cũng không thể nào giải quyết được chuyện tham nhũng ấy đâu"…
Blogger Tô Oanh cũng như rất nhiều nhân sĩ trí thức, các nhà quan sát và cả những người thuộc thành phần dân thường có quan điểm rằng việc chống tham nhũng ở Việt Nam đang theo con đường lợi dụng việc này để đấu đá phe nhóm với nhau bởi có một số vụ bị phanh phui đến khi xử lý lại cho dư luận thấy rất nhẹ nhàng. Blogger Tô Oanh dẫn chứng vừa qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định thượng tướng quân đội ông Phương Minh Hòa và Trung tướng quân đội Nguyễn Văn Thanh mắc sai phạm đất quốc phòng rất nghiêm trọng vậy mà chỉ nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo. Vì vậy, theo Blogger Tô Oanh việc tham nhũng ở Việt Nam không thể trừ hết được.
Thực tế gốc gác tham nhũng ở Việt Nam những người nắm quyền lãnh đạo trong hàng ngũ Đảng cộng sản thừa biết phần lớn do ở chế độ mà ra nhưng đang đứng giữa cán cân chọn lựa tham nhũng và quyền lợi nắm quyền nên dù có nhìn thẳng vấn đề nhưng cũng cố né tránh để bảo vệ chế độ và đây cũng chính là tạo quyền lợi cho bản thân.
"Thực ra phe nhóm hiện nay có đấu đá với nhau nhưng họ cũng không đấu đá triệt để đâu, bởi vì họ phải lợi dụng việc lỏng lẻo này mới làm giàu được. Vì thế cho nên nhiều quan chức có những biệt thự đẹp, có con đưa sang Mỹ, sang Úc du học rồi mua nhà cửa bên đó nên tôi cho rằng họ không thể chống tham nhũng mạnh mẽ được. Việc chống tham nhũng mạnh mẽ họ nghĩ đến việc ảnh hưởng lợi ích của phe nhóm và thậm chí dẫn đến hậu quả sống còn là đảo chính lẫn nhau".
Và chỉ khi nào Việt Nam có được chế độ dân chủ thật sự, có được tự do báo chí, tự do lập hội, tự do biểu tình thì lúc đó Việt Nam mới có thể diệt được tham nhũng. Theo ý của Blogger Tô Oanh, bằng không thì mãi mãi cũng chỉ chống và chống trong vô định.
Số đông dư luận thời gian qua bày bỏ sự ngượng mộ công cuộc chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng, có nhiều tướng tá trong bộ Công an, Quân đội, nhiều Đảng viên lãnh đạo ở các doanh nghiệp, ngân hàng bị kỷ luật, tống giam. Nhưng cũng có số dư luận nhận ra nhiều tướng tá công an bị kỷ luật lần này do mắc những sai phạm dưới thời ông Trần Đại Quang nắm quyền trưởng Bộ Công an, trước ông Quang là Đại tướng Lê Hồng Anh… Như vậy, chống tham nhũng theo kiểu cứ thấy sai đâu sửa đó mà không đánh thẳng vào tận gốc rễ của vấn đề thì cho dù hôm nay đào tạo thạc sĩ chống tham nhũng, mai đào tạo tiến sĩ chống tham nhũng cũng chỉ ở mức hô hào, làm cho có. Facebooker Phuc Dinh Kim có đăng một status hỏi như đánh đố rằng : Liệu thạc sĩ chống tham nhũng có giỏi hơn Giáo sư, Tiến sĩ tham nhũng không ?
Quê Hương
*********************
Chính phủ Việt Nam khẩn cấp có biện pháp để EC bỏ thẻ vàng thủy sản (RFA, 03/08/2018)
Chính phủ Việt Nam tiếp tục yêu cầu các địa phương liên quan tiến hành những biện pháp nhằm đạt được mục tiêu theo kế hoạch đầu sang năm Ủy ban Châu Âu- EC bỏ thẻ vàng đối với thủy sản nhập khẩu của Việt Nam vào thị trường này.
Tàu cá của ngư dân Việt Nam neo đậu sau khi các ngư dân bị phía Thái Lan bắt giữ ở tỉnh Narathiwat, miền Nam Thái Lan hôm 1/8/2016 - AFP
Truyền thông Việt Nam dẫn phát biểu của ông Phó thủ tướng Việt Nam, Trịnh Đình Dũng, tại Hội nghị Tổng kết thực hiện chỉ thị của Chính phủ Hà Nội về một số nhiệm vụ cấp bách nhằm khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo qui định (viết tắt theo tiếng Anh IUU), rằng hoạt động khai thác của ngư dân Việt Nam lâu nay đa số là nhỏ lẻ, không theo tổ chức qui củ, nhận thức và việc tuân thủ pháp luật hạn chế. Từ đó dẫn đến hệ quả khai thác tận diệt, khai thác hải sản bị cấm và xâm phạm vùng biển nước ngoài.
Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp- Phát Triển Nông Thôn Việt Nam, Vũ Văn Tám, thì tính từ khi EC phạt thẻ vàng đối với Việt Nam từ ngày 23 tháng 10 năm ngoái đến nay có 44 vụ tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài bị bắt và xử lý.
Một trong những biện pháp được ông Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng của Việt Nam đưa ra là Việt Nam sẽ sớm gia nhập Hiệp Định Đàn Cá Di Cư của Liên Hiệp Quốc.