Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cuộc chiến của Nga chống Ukraine không chỉ diễn ra trên chiến trường. Có một cuộc chiến không kém phần dữ dội : Cuộc chiến giữa các hồi ức trái ngược, thậm chí thù nghịch về giai đoạn Thế chiến II, về Chiến thắng chống Phát xít 1945.

thechien1

Tượng đài Mẹ - Tổ quốc ở Kiev. Bên cạnh tượng đài : các xe tăng đối đầu, biểu tượng cho cuộc chiến giữa quân đội Ukraine và phe ly khai thân Nga ở vùng Donbass. © Flickr

Trong lúc chính quyền Nga của tổng thống Putin khẳng định tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine nhằm giải phóng người Ukraine khỏi "nạn phát xít" và "quân phiệt", nối tiếp truyền thống của chế độ Xô Viết, thì chính quyền Ukraine khẳng định quyền tự vệ chính đáng. Ukraine cũng khẳng định kế tục di sản chống phát xít, nhưng theo cách riêng của mình. Từ hơn 10 năm nay, Nhà nước Ukraine độc lập đã dần dần cố gắng xây dựng một cách nhìn nhận riêng về Thế chiến II, độc lập hoàn toàn với Nga.

Giới chuyên gia ghi nhận hồi ức về Thế Chiến II là nơi diễn ra "một cuộc chiến khác" giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, việc xây dựng một cách nhìn riêng của Ukraine về lịch sử quốc gia, lịch sử Thế Chiến II là chuyện không hề đơn giản với một Nhà nước non trẻ, ra đời mới hơn 30 năm nay. Nhiều xung đột về ký ức diễn ra ngay cả trong lòng xã hội Ukraine, trong lòng Nhà nước Ukraine, đang tìm đường dân chủ hóa. RFI tổng hợp thông tin về chủ đề này.

***

Hồi ức đối nghịch Nga - Ukraine : Những điểm chính nào đáng chú ý ?

Về Thế Chiến II, Ukraine vốn kế thừa quan điểm truyền thống thời Liên Xô. Tuy nhiên, kể từ khi độc lập năm 1991, đặc biệt từ đầu những năm 2000, trong xã hội Ukraine, đã trỗi dậy những cách nhìn nhận mới về giai đoạn lịch sử bản lề này. Cách nhìn nhận mới về Thế Chiến II gắn liền với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc hiện đại của Ukraine, khẳng định đóng góp riêng của Ukraine chống chủ nghĩa phát xít, đồng thời cũng gắn liền cuộc chiến vì quyền tự quyết của dân tộc Ukraine với cuộc chiến chống lại chế độ cộng sản toàn trị Liên Xô (bắt đầu từ trước, trong và sau Thế Chiến II). 

Trong di sản tranh đấu vì quyền dân tộc tự quyết của Ukraine, mới được khôi phục, xuất hiện hình tượng của một số gương mặt hàng đầu, có quan hệ với chế độ Đức Quốc Xã, như ông Stepan Bandera (1909-1959). Một số phong trào dân tộc chủ nghĩa Ukraine gần đây lấy cảm hứng từ nhân vật lịch sử này. Chính quyền Nga đã coi việc Stepan Bandera (1), có quan hệ với chế độ Đức Quốc Xã, được chính quyền Ukraine trong một số giai đoạn tôn vinh, như là một biểu hiện cho nguy cơ "phát xít hóa" xã hội Ukraine. Và đây có thể coi là một trong những lý do chính thức, được chính quyền Putin sử dụng để biện minh cho quyết định tấn công Ukraine (2).

Quá trình xây dựng các hồi ức mới về Thế Chiến II khác biệt hẳn với truyền thống Xô Viết, về cuộc chiến chống Phát xít, chống chế độ cộng sản toàn trị Liên Xô, là một bình diện căn bản của tiến trình xây dựng một ý thức dân tộc độc lập của xã hội Ukraine. Nhật báo Pháp Le Monde có bài tổng thuật đáng chú ý về chủ đề này, với tiêu đề "Đọc lại về Đệ Nhị Thế Chiến : một mặt trận khác giữa Nga và Ukraine " (*).

Hai cú sốc với Putin

Le Monde đặc biệt chú ý đến bước ngoặt 2014 – 2015, với việc ghi nhận hai cú sốc với Putin, khi nhiều láng giềng Châu Âu đề cao vai trò tích cực, riêng của Ukraine trong cuộc chiến chống Phát xít, trong Thế Chiến II.

Tại nơi xưa kia là một trại tập trung khổng lồ của phát xít Đức, ở Auschwitz-Birkenau (Ba Lan), ngày 27/01/2015, khoảng 40 nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ đã tụ hợp để kỉ niệm 70 năm ngày Hồng Quân Liên Xô "giải phóng" trại tập trung, nơi hơn một triệu người – đa số là người Do Thái – bị giết hại. Trong số các lãnh đạo vắng mặt, đáng chú ý có tổng thống Nga, Vladimir Putin. Để giải thích lý do vắng mặt, điện Kremlin cho biết trước đó một tuần, đã không nhận được giấy mời. Trên thực tế, theo Le Monde, đã không có bất cứ một giấy mời chính thức nào. Tất cả các lãnh đạo chính quyền các nước tham dự đều đến đây theo sáng kiến riêng. Lý do thực sự của việc ông Putin vắng mặt, là không muốn tới Ba Lan. Ba Lan là một trong những quốc gia NATO ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất, chống lại cuộc can thiệp của Nga ở vùng Donbass, sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.

Trong dịp kỉ niệm này, chính quyền Ba Lan chủ trương nhấn mạnh đến vai trò đặc biệt của Ukraine trong cuộc chiến chống Phát xít. Mục tiêu của Ba Lan khi đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của các lực lượng Ukraine trong sự sụp đổ của chế độ Quốc Xã rõ ràng là nhằm phản biện lại quan điểm của tổng thống Nga, tố cáo ảnh hưởng mạnh mẽ của tư tưởng phát xít trong xã hội Ukraine. Quan điểm của chính quyền Ba Lan vào lúc đó ngay lập tức đã bị chính quyền Nga phản bác, khi tố cáo ngược lại, việc nhiều người "vì tình cảm chống Nga điên cuồng, mà tỏ ra thiếu tôn trọng những người đã hy sinh mạng sống để cứu Châu Âu". Theo bài viết của Le Monde, quan điểm của Ba Lan cũng đã có phần thổi phồng vai trò của Ukraine. 

Một sự kiện khác diễn ra trước đó ít lâu cũng cho thấy sự đối chọi của hai quan điểm trái ngược về vai trò của Ukraine trong cuộc chiến chống Phát xít. Tổng thống Ukraine Petro Porochenko, vừa đắc cử, được mời tham dự lễ kỉ niệm 70 năm cuộc đổ bộ của quân đội các nước đồng minh chống Đức phát xít, tại Normandie, ngày 06/06/2014, tức hai tháng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea và chiến tranh bùng lên tại vùng Donbass, nơi phe ly khai thân Nga trỗi dậy chống chính quyền Kiev.

Theo Le Monde, "với độ lùi thời gian", có thể thấy là tổng thống Nga (vào thời điểm lễ kỉ niệm mùa hè 2014 tại Normandie, Pháp) đã cảm thấy bị xúc phạm khi tổng thống Ukraine là một khách mời của một buổi lễ, mà vốn thường chỉ có Nga đại diện cho Liên Xô. Lý do của cảm giác xúc phạm : việc thừa nhận phần đóng góp của Ukraine trong cuộc chiến phát xít đã "phản lại quan điểm chính thống" của Nga.

Từ phục hồi "lịch sử bị phủ nhận"… đến "giã từ ý thức hệ cộng sản Liên Xô"

Sau cuộc "Cách mạng Da Cam", cuối năm 2004, tổng thống Ukraine Viktor Iouchtchenko đã khởi sự chính sách xây dựng một cách nhìn nhận mới, đoạn tuyệt với lịch sử chính thống thời Xô Viết. Hồi ức về Thế Chiến II có thể nói đã bắt đầu trở thành trận địa đối kháng Nga – Ukraine. Trước đó, quan điểm giống như thời Xô Viết vẫn là chủ đạo trong xã hội Ukraine. Nạn đói khủng khiếp mang tên "Holodomor" – do chính quyền Staline chủ động gây ra, theo nhiều nghiên cứu sử học – đã được Quốc Hội Ukraine ra luật vào năm 2006, khẳng định như một hành động "diệt chủng" (nạn đói giết hại ước tính từ khoảng 2,5 đến 5 triệu người Ukraine).

Kể từ năm 2005, chính quyền Ukraine bắt đầu lấy hoa Anh Túc đỏ làm biểu tượng chính thức Kỷ niệm ngày Chiến thắng Phát xít, giống như nhiều nước tây Âu, thay thế cho ruy-băng Thánh George, biểu tượng truyền thống cho sức mạnh quân sự của nước Nga, kế thừa thời Liên Xô và thời các Sa Hoàng.

Đỉnh điểm của tiến trình này dưới thời tổng thống Viktor Yushenko là việc phục hồi nhân vật lịch sử Stepan Bandera, vào năm 2010. Bandera được coi là người "gây tranh cãi nhất" trong các đại diện của chủ nghĩa dân tộc Ukraine. Ông Bandera được phong làm "anh hùng dân tộc", với lời giải thích là để tôn vinh "ý chí không gì lay chuyển nổi của ông trong việc bảo vệ tinh thần dân tộc, chủ nghĩa anh hùng, và tinh thần hy sinh về nền độc lập của Nhà nước Ukraine".

Đối kháng Nga – Ukraine trong hồi ức về Thế Chiến Hai, và về lịch sử thời Liên Xô nói chung, tiếp tục gia tăng sau cuộc Cách mạng Maidan đầu năm 2014. Tháng 2/2015, vào lúc chiến tranh dữ dội với phe ly khai thân Nga vùng Donbass, chính quyền thời tổng thống Petro Porochenko đã ra bốn luật "giã từ ý thức hệ Liên Xô" chưa từng có (3). Các luật liên quan đến ký ức nói trên của Ukraine thời chính quyền Porochenko đã khiến nhiều sử gia lo ngại. Nhiều người lên án mưu toan của Ukraine viết ra một lịch sử "chính thống", trái ngược hẳn với các giá trị dân chủ mà Kiev biểu dương.

Nội bộ chính quyền Ukraine : Từ những thay đổi cực đoan đến tự điều chỉnh

Quyết định phục hồi nhân vật lịch sử Bandera - được đưa ra trong những ngày đảm nhiệm chức vụ cuối cùng, của tổng thống Viktor Iouchtchenko (thất cử ngay trong vòng 1 với 5% phiếu bầu) - đã gây ra "một cơn lốc về chính trị và ngoại giao", theo ghi nhận của Le Monde. Đối với Liên Xô trước đây, và sau đó là Nga, Stepan Bandera luôn bị coi là một phần tử nguy hiểm, bị cấm nói đến. Vào thời điểm năm 2010, tổng thống Nga Putin ngay lập tức đã lên án việc phục hồi Bandera như một hành động "xúc phạm" đến nước Nga.

Tuy nhiên, đối kháng Nga – Ukraine trong hồi ức về Thế Chiến Hai, xung quanh nhân vật Bandera trên thực tế chỉ là một phần nhỏ của bức tranh hiện thực. Giới chuyên gia về Ukraine thường xuyên nhấn mạnh đến ảnh hưởng không thật đáng kể trong xã hội Ukraine, của nhiều người theo tư tưởng Quốc Xã mới, vốn coi Bandera như thần tượng.

Hành động của tổng thống mãn nhiệm Iouchtchenko, tôn vinh Bandera vào những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, cho thấy phần nào tính mâu thuẫn cao độ trong xã hội Ukraine, xung quanh nhân vật lịch sử này. Ngay sau khi đắc cử, tổng thống Viktor Ianoukovitch (cầm quyền từ đầu 2010 đến cách mạng Maidan, tháng 2/2014) tuyên bố sẽ hủy bỏ quyết định của người tiền nhiệm phong Bandera là "anh hùng dân tộc". Dự kiến ra quyết định đúng vào ngày 09/05 biểu tượng, ngày Kỷ niệm Chiến thắng Phát xít theo truyền thống của Liên Xô (tuy nhiên, ngay trước đó, một tòa án Ukraine đã ra hủy bỏ sắc lệnh của tổng thống tiền nhiệm, với lý do Bandera "không có quốc tịch Ukraine").

Trên thực tế, phong trào cực hữu mang tư tưởng tân phát xít chỉ giành được 2% phiếu bầu trong cuộc bầu cử Quốc Hội Ukraine năm 2019. Nhiều người tranh đấu vì dân chủ trong cuộc chính biến Maidan 2014 thường hô vang khẩu hiệu "Vinh quang Ukraine ! Vinh quang cho những anh hùng !". Đây là một khẩu hiệu được coi là gắn chặt với phong trào cực hữu OUN của Bandera. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, như sử gia Andrii Portnov (4), đại học Frankfurt an der Oder (Đức), khẩu hiệu này chủ yếu để chuyển tải khát vọng về một Nhà nước Ukraine độc lập, chứ không phải để tuyên truyền cho quan điểm cực hữu. 

Chính quyền Ukraine sau này cũng đã nhiều lần tìm cách hóa giải dấu ấn cực đoan này, đặc biệt dưới thời tổng thống Zelensky, khi ông Zelensky tuyên bố Bandera "chỉ là một anh hùng đối với một bộ phận người dân Ukraine", và đồng thời khẳng định tên của Bandera đã "được đặt cho quá nhiều đường hay cầu" tại Ukraine. Sau khi lên nắm quyền năm 2019, tổng thống Zelensky cũng quyết định cách chức giám đốc Viện Ký ức Quốc gia Ukraine (thành lập dưới thời tổng thống Iouchtchenko), một trong những người chủ trương tôn vinh những thành phần cực hữu đi theo Bandera, và người thúc đẩy nhiều bộ luật cực đoan liên quan đến hồi ức lịch sử.

Putin thổi bùng không khí sùng bái Ngày "Chiến Thắng Phát xít" như thời Liên Xô

Trong lúc Ukraine tìm cách thoát khỏi vòng vây kiềm tỏa của "lịch sử chính thống" thời Liên Xô về Thế Chiến II, thì cũng từ 20 năm nay tại Nga, và đặc biệt từ năm 2012 (khi ông Putin bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ ba), chính quyền Putin tiến hành một cách có hệ thống việc phục hồi lại không khí sùng bái vai trò của Liên Xô trong Thế Chiến Hai.

Theo sử gia Andrei Kozovoi, việc sùng bái cuộc "Chiến Tranh Vệ Quốc Vĩ Đại" đã hình thành dưới thời tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô Leonid Brejnev (trở thành ngày nghỉ lễ chính thức từ năm 1965). Vào thời đó, ngày lễ này trở nên quan trọng còn hơn cả kỷ niệm Cách mạng tháng 10 năm 1917, dẫn đến sự ra đời của Liên Xô. Cuộc "Chiến Tranh Vệ Quốc Vĩ Đại" theo cách hiểu của giới lãnh đạo Liên Xô thời Brejenev áp đặt cách nhìn đề cao vai trò gần như duy nhất của Liên Xô trong cuộc chiến chống Phát xít Đức, giảm thiểu tối đa đóng góp của các lực lượng đồng minh. Cuộc chiến chống Phát xít trong Thế Chiến Hai được quy giản thành cuộc chiến của Liên Xô chống Đức Quốc Xã, cuộc chiến của "Thiện chống Ác". Sau thời Brejenev cho đến Elsin, không khí sùng bái nói trên suy giảm mạnh.

Nhà sử học Pháp Andrei Kozovoi – một chuyên gia về chính trị Nga thời Chiến Tranh Lạnh - trong bài "Putin dùng sự tôn sùng Chiến Tranh Vệ Quốc Vĩ Đại để biện minh cho chính sách của mình", nhấn mạnh đến việc tổng thống Nga ra luật ngày 05/05/2015 (được chuẩn bị từ nhiều năm trước đó) trừng phạt đến 5 năm tù những ai đưa ra quan điểm bị khép tội "xuyên tạc" vai trò của Liên Xô trong cuộc "Chiến Tranh Vệ Quốc Vĩ Đại". Theo vị chuyên gia này, "không phải là phóng đại, khi khẳng định là chính quyền Nga đã lập ra cả một thứ tôn giáo dân sự (religion civile), để tôn vinh Chiến Thắng, với các chức sắc tôn giáo, nghi lễ, biểu tượng". Bộ luật 2015 nói trên có thể ví với một hệ thống giáo luật cho phép trừng phạt đối với những ai dám báng bổ niềm tin thiêng liêng, mà chính quyền muốn áp đặt lên toàn xã hội.

Sử gia Galia Ackerman (5) cũng nhấn mạnh đến việc chính quyền Nga tự khẳng định là người kế thừa Liên Bang Xô Viết trong cuộc chiến của cái Thiện chống lại cái Ác, "dân tộc Nga có sứ mạng cứu chuộc nhân loại", sứ mạng ra đời từ thời các Sa hoàng, được đạo Chính Thống Giáo dày công vun đắp. Một trong những biểu hiện tiêu biểu của nỗ lực tôn sùng công lao chống Phát xít của Liên Xô là phong trào "Trung đoàn bất tử", ra đời năm 2012, tại Tomsk, đông Siberi. Kể từ năm 2015, các thành viên "Trung đoàn bất tử" mang theo ảnh những liệt sĩ, đã trở thành yếu tố trung tâm trong các cuộc duyệt binh mừng Ngày Chiến Thắng. Trong bầu không khí sùng kính này, ắt hẳn nhiều người Nga sẽ tin tưởng họ là thành viên của một cộng đồng các thế hệ anh hùng, công chính chống lại "các thế lực phát xít" trước kia và hiện nay, "các thế lực phát xít tại Ukraine, vùng Baltic, hay kể cả tại Châu Âu nói chung".

Đa số dân Ukraine muốn đoạn tuyệt với "lịch sử chính thống" của Nga

Theo nhiều nhà quan sát, chính quyền Nga muốn thổi phồng vai trò của Stephan Bandera, nhân vật lịch sử gây tranh cãi, có liên hệ phức tạp với chế độ Quốc Xã Đức, để che lấp một câu chuyện căn bản hơn rất nhiều. Đó là nhu cầu của đông đảo người dân Ukraine có một cách nhìn nhận khác hẳn về lịch sử Thế Chiến Hai, đoạn tuyệt với quan điểm chính thống của điện Kremlin. Đây là quan điểm coi nước Nga là như anh hùng gần như duy nhất giải phóng Châu Âu khỏi ách phát xít, gọi cuộc chiến chống phát xít là "Cuộc Chiến Tranh Vệ Quốc Vĩ Đại", hạ thấp vai trò của các nước đồng minh phương Tây, và của các nước Cộng hòa khác trong Liên Xô trước đây.

Theo một thăm dò dư luận của viện tư vấn Ukraine Ilko Kucheriv Democratic Initiatives Foundation, phối hợp với Viện Xã hội học Quốc tế Ukraine hồi 2020, thì hố sâu ngăn cách giữa Nga và Ukraine trong quan niệm về Thế chiến II ngày càng lớn.

61% dân Ukraine phản đối các lãnh đạo Ukraine tham dự lễ mừng chiến thắng 09/05 tại Moskva (tại các vùng dân cư đông đảo nói tiếng Nga tại miền đông và nam Ukraine, tỉ lệ này cũng là khoảng 50%). 53% đồng ý với ngày kỉ niệm 08/05 chiến thắng Phát xít, cũng được gọi là Ngày của kỉ niệm và hòa giải (Kỉ niệm vào ngày 08/05 là giống như đa số các nước Châu Âu khác). 56% người được hỏi đồng ý với việc coi Liên Xô và nước Đức Phát xít đều có phần trách nhiệm về Thế Chiến Hai (chống lại 24% có ý kiến ngược lại).

Bài viết nói trên của Le Monde khép lại với nhận định : "hai năm trước cuộc xâm lược Ukraine, tại Ukraine, chế độ Putin đã thất bại trong cuộc chiến Hồi ức". Tuy nhiên, việc đông đảo người Ukraine đoạn tuyệt với "lịch sử chính thống" của Nga về Thế Chiến Hai, về chế độ toàn trị cộng sản, điều đó chưa hẳn đã đồng nghĩa với việc người Ukraine xây dựng được cho mình một truyền thống lịch sử độc lập, và vững chắc. Ảnh hưởng nhiều khi bùng phát của các phong trào cực đoan có thể chính là biểu hiện cho bản sắc còn mong manh này. Sử gia Pháp Adrien Nonjon - chuyên về Ukraine và các phong trào cực hữu trong không gian hậu Xô Viết - lưu ý : "Nước Ukraine độc lập mới chỉ có 30 năm lịch sử, đó là một quốc gia chưa từng có cơ hội xây dựng cho mình một cộng đồng văn hóa, hồi ức chung, đủ mạnh" (6). Tuy nhiên, cũng theo sử gia Adrien Nonjon, thách thức này không chỉ với Ukraine, bản thân chính quyền Nga Putin cũng hậu thuẫn cho nhiều phong trào cực hữu trong chính nước Nga, với mưu đồ củng cố quyền lực.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 10/05/2022

Ghi chú

(*) Đây là bài viết thứ ba của Le Monde trong loạt ba bài về lịch sử quan hệ Nga – Ukraine. Bài đầu tiên là về "Nước Cộng hòa Nhân dân Ukraine 1918 – 1920 : Lịch sử về một sự hủy diệt". Bài hai là về "Nạn đói kinh hoàng 1933 tại Ukraine : Một giai đoạn lịch sử bị chôn vùi".

1/ Stepan Bandera là thủ lĩnh của Tổ chức Dân tộc Chủ nghĩa Ukraine (OUN), phong trào cực hữu hoạt động bí mật, được thành lập từ năm 1929, với mục tiêu giải phóng Ukraine khỏi sự thống trị của Ba Lan và Liên Xô. Stepan Bandera đã được chế độ Đức Quốc Xã ủng hộ trong 2 năm, từ 1939 đến 1941. Năm 1941, Stepan Bandera tuyên bố lập Nhà nước Ukraine độc lập với thủ đô là thành phố Lviv, xứ "Galicie", miền tây Ukraine hiện nay (xứ "Galicie" thuộc Ba Lan cho đến năm 1939, trước khi bị Liên Xô xâm chiếm phần miền tây, rồi sau đó bị Đức Quốc Xã thôn tính). Stepan Bandera bị chế độ Đức Quốc Xã giam giữ sau đó từ 1941 đến 1944. Phong trào tranh đấu vũ trang vì độc lập của Ukraine OUN tiếp tục hoạt động tại Liên Xô, kể cả sau khi Thế chiến II kết thúc, cho đến giữa những năm 1950. Thủ lĩnh Bandera bị tình báo Liên Xô ám sát khi đang ở Munich (Tây Đức) vào năm 1959.

2/ Nhà sử học Pháp Andrei Kozovoi nhấn mạnh đến việc lãnh đạo Nga Putin đã lợi dụng sự trỗi dậy của một số nhóm xã hội tại Ukraine ủng hộ Bandera để quy kết Ukraine đang trên đường phát xít hóa. Việc chính quyền Ukraine năm 2010 gọi Bandera là "anh hùng dân tộc" tạo thêm cớ cho ông Putin (Bài "Andrei Kozovoi : ‘‘Putin dùng sự tôn sùng Chiến Tranh Vệ Quốc Vĩ Đại để biện minh cho chính sách của mình’’ », L’Express, 08/05/2022).

3/ Luật thứ nhất lên án "các chế độ toàn trị cộng sản và phát xít tại Ukraine", cấm việc phủ nhận "tính chất tội phạm" của các chế độ này. Luật thứ hai cho phép giải mật các hồ sơ của mật vụ "thời chế độ toàn trị cộng sản từ 1971 đến 1991". Giao cho Viện Ký ức Quốc gia Ukraine (thành lập năm 2006) quản lý, để thúc đẩy xây dựng một lịch sử "chính thức". Luật thứ ba tập trung nhấn mạnh đến "chiến thắng chống Phát xít trong giai đoạn Thế Chiến II, từ 1939 đến 1945", khác hẳn với lịch sử chính thống của Nga, coi Chiến tranh chống phát xít bắt đầu từ tháng 6/1941, khi chế độ Quốc Xã tấn công Liên Xô. Mở đầu từ năm 1939 có nghĩa là bao gồm hòa ước Liên Xô – Đức Quốc Xã và việc Liên Xô và Đức Quốc Xã thỏa thuận chia đôi Ba Lan. Chính quyền Ukraine nhấn mạnh đến việc trước khi bị nước Đức Hitler tấn công, "Liên Xô và Đức Quốc Xã đã từng là đồng minh". Bộ luật thứ tư chủ trương tưởng nhớ đến "những chiến binh vì nền độc lập của Ukraine trong thế kỷ 20", không chỉ Stephen Bandera.

4/ Nhà sử học Andrii Portnov là tác giả cuốn "Histoire partagée. Mémoires divisées. Ukraine. Russie. Pologne" (tạm dịch là "Một lịch sử chung. Những hồi ức riêng. Ukraine. Nga. Ba Lan"), Nxb Antipodes, 2020.

5/ Trong cuốn "Régiment immortel. La guerre sacrée de Poutine" (Trung đoàn bất tử. Cuộc chiến thiêng liêng của Putin), Nhà xuất bản Premier Parallèle, 2019. 

6/ Bài "Y a-t-il vraiment des 'nazis' en Ukraine, comme l'affirme Vladimir Poutine ?  ", Le Figaro, ngày 23/03/2022. 

Published in Diễn đàn