Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên với những vụ phóng hỏa tiễn đạn đạo và các tiến bộ trong chương trình hạt nhân đã thúc đẩy trở lại cuộc tranh luận về việc có nên triển khai vũ khí nguyên tử Mỹ tại Nhật Bản và Hàn Quốc hay không.

nguyentu1

Biểu tình chống triển khai hệ thống chắn tên lửa THAAD ở Hàn Quốc, ngày 7/09/2017. Min Gyeong-seok/News1 via Reuters

Tại Nhật, ông Shigeru Ishiba, một trong những nhân vật uy tín thuộc đảng Tự Do Dân Chủ (PLD) của thủ tướng Shinzo Abe, là người đã tiên phong đặt ra câu hỏi này. Cựu bộ trưởng Quốc Phòng, được cho là có khả năng kế nhiệm ông Shinzo Abe, đã không ngần ngại đặt lại vấn đề "ba nguyên tắc" - được đề ra năm 1967 và công bố năm 1971, đã mang lại giải Nobel hòa bình cho thủ tướng thời đó là Eisaku Sato. Đó là "không phát triển, không sở hữu, không triển khai vũ khí nguyên tử".

Trong một chương trình truyền hình, ông Ishiba đặt thẳng câu hỏi : "Vậy thì không nói gì cả về vũ khí hạt nhân luôn, như thế liệu có nên hay không ?"

Ông Takehido Yamamoto, trường đại học Waseda nhận định : "Các chính khách diều hâu dùng những hành động khiêu khích ngày càng nhiều của Bình Nhưỡng làm đòn bẩy, để khai mào cuộc tranh luận, với lý do lá chắn hạt nhân của Mỹ chưa hẳn bảo đảm được, và kêu gọi nước Nhật phải tự bảo vệ".

Cho dù nhìn nhận rằng việc để cho Hoa Kỳ bố trí vũ khí nguyên tử trên đất Nhật là một chủ đề nhạy cảm, dễ gây xúc động, ông Ishiba nói thêm : "Liệu có đúng đắn khi nói rằng chúng ta muốn được bảo vệ bởi vũ khí nguyên tử Mỹ, nhưng lại không muốn đặt trên lãnh thổ chúng ta ?"

Phát ngôn viên chính phủ Yoshihide Suga tuyên bố với báo chí : "Cho đến nay, chúng ta không thảo luận việc đặt lại vấn đề "ba nguyên tắc", và cũng không nghĩ đến việc này". Bộ trưởng Quốc Phòng Itsunori Onodera nói tiếp : "Chính phủ luôn hành động trong khuôn khổ ba nguyên tắc trên, quan điểm chúng ta không thay đổi".

Đối với chuyên gia Yamamoto, cho dù Nhật Bản sở hữu "công nghệ hạt nhân và có đủ lượng plutonium để sản xuất ra vài chục quả bom nguyên tử, nhưng cuộc tranh luận khó thể đi xa đến như thế", do những vết thương mà hai quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki năm 1945 vẫn còn gây nhức nhối trong công luận.

Tuy bác bỏ thẳng thừng ý tưởng Nhật Bản, "quốc gia duy nhất phải hứng chịu bom nguyên tử"nay trang bị vũ khí hạt nhân, nhưng ông Ishiba vẫn cho rằng "chiếc dù chắn hạt nhân của Mỹ đã bị chọc thủng" và cần phải hành động.

Phản ứng tương tự cũng diễn ra ở Hàn Quốc. Các dân biểu đối lập thuộc phe bảo thủ đã trình lên một nghị quyết đòi hỏi đất nước phải sở hữu vũ khí nguyên tử của chính mình. Nhật báo Donga Ilbo hôm thứ Hai 4/9 viết : "Chúng ta không thể nào luôn trông cậy vào chiếc dù chắn hạt nhân của Hoa Kỳ".

Cho dù theo các cuộc thăm dò, dư luận Hàn Quốc thuận lợi hơn Nhật Bản về vấn đề này, ngoại trưởng Kang Kyung Wha nhấn mạnh rằng Seoul luôn tôn trọng các cam kết về Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Các chuyên gia khẳng định, nếu chọn lựa vũ khí nguyên tử, sẽ tai hại cho Hàn Quốc. Seoul có nguy cơ bị quốc tế trừng phạt, gây thiệt hại kinh tế nặng nề và các nhà máy điện nguyên tử của Hàn Quốc có thể không còn được cung ứng nhiên liệu.

Đối với Robert Dujarric, giám đốc nghiên cứu Châu Á đương đại của trường đại học Temple ở Tokyo, cuộc tranh luận chỉ đơn thuần là lý thuyết. Ông nói : "Chúng ta không thể xuất hiện với vài hỏa tiễn hành trình có gắn đầu đạn nguyên tử, như thể là đến nhà bạn chơi, mang theo nước uống và xúc xích. Cần có những khu vực được giữ an ninh cao độ, với những người lính có nhiệm vụ duy nhất là bảo vệ chống những kẻ phá hoại, các đội đặc nhiệm của kẻ thù, những người biểu tình, v.v…"

Hơn nữa, công luận cũng không hề sẵn sàng cho một sự triển khai như thế. Ông Dujarric nhấn mạnh : "Có những tiếng nói phản đối tại Nhật Bản. Những người sống gần nơi đặt vũ khí nguyên tử lo sợ sẽ bị quân địch tấn công đầu tiên". Ông cũng đặt vấn đề về lợi ích chiến lược của vũ khí hạt nhân: "Có nên tiêu hao năng lượng để thuyết phục hay không, vì nó không làm tăng thêm sức mạnh răn đe. Những hỏa tiễn, oanh tạc cơ Mỹ đặt trên đất Nhật, trên những tàu ngầm ngoài khơi Bắc Triều Tiên hay trên những máy bay ném bom ở Mỹ, vẫn không làm thay đổi tương quan lực lượng".

Thụy My

Nguồn : RFI, 08/09/2017

Published in Diễn đàn
jeudi, 24 août 2017 20:58

Nga và Trung Quốc, bạn hay thù ?

Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong những năm gần đây tỏ ra có quan hệ ấm áp. Tuy nhiên The Economist trong bài viết mang tựa đề "Nga và Trung Quốc, đối tác bấp bênh" đã nhận định,mối nghi ngờ tiềm ẩn giữa đôi bên cũng rất sâu sắc.

ngatrung1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại điện Kremlin ngày 08/05/2015. REUTERS/Sergei Karpukhin

Hôm 21/07/2017, ba tàu chiến Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận đầu tiên tại Biển Baltic với hạm đội Nga. Hai cường quốc muốn gởi đi một thông điệp đến nước Mỹ cũng như người dân trong nước, rằng chúng tôi đoàn kết chống lại sự thống trị của phương Tây, không sợ hãi trong việc biểu dương lực lượng ngay tại sân sau của NATO ! Cuộc tập trận cũng nhằm chứng tỏ tình hữu nghị Nga-Trung thắm thiết như thế nào. Bao nhiêu nước đã chảy qua cầu kể từ sau cuộc chiến tranh lạnh giữa Moskva và Bắc Kinh từ thập niên 60 đến thập niên 80.

Có thể kể ra nhiều sự kiện mang tính biểu tượng như thế lúc gần đây. Tháng Bảy năm nay, trên đường đến Đức dự hội nghị G20, ông Tập Cận Bình đã dừng chân ở Moskva. Đồng nhiệm Nga, ông Vladimir Putin quàng vào cổ ông huân chương St Andrew, tấm huy chương cao quý nhất của nước Nga. Truyền hình nhà nước Nga ca ngợi : "Nga đang xoay trục sang phương Đông, còn Trung Quốc quay sang hướng Tây, về phía nước Nga".

Từ khi lên ngôi năm 2012, Tập Cận Bình thăm Moskva nhiều hơn hẳn bất cứ thủ đô nào khác. Năm 2013, trong hội nghị APEC ở Indonesia, ông Tập còn tham dự buổi lễ sinh nhật của ông Putin. Bên ly vodka, Vladimir Putin kể về người cha từng tham chiến chống Đức quốc xã, còn Tập Cận Bình hồi tưởng về người cha chống Nhật.

Năm 2015, ông Tập là khách mời danh dự trong cuộc diễn binh kỷ niệm 70 kết thúc Đệ nhị Thế chiến – bị phương Tây tẩy chay vì Nga xâm chiếm Crimée. Bốn tháng sau, ông Putin có mặt trên khán đài ở Bắc Kinh, dự khán cuộc duyệt binh kỷ niệm chiến thắng của Trung Quốc trước Nhật Bản. Lần đó cũng chỉ có mỗi mình bà Park Geun-hye, tổng thống Hàn Quốc, đồng minh của Mỹ, tham dự.

Sao chép cách cai trị độc tài của nhau

Tập Cận Bình và Vladimir Putin học hỏi kinh nghiệm độc tài của nhau. Trung Quốc cóp lại các đạo luật cứng rắn của Nga về các tổ chức phi chính phủ (NGO), còn điện Kremlin cố tìm hiểu Bắc Kinh kiểm duyệt internet như thế nào. Trong chuyến thăm Moskva của ông Tập, bà Margarita Symonyan, giám đốc Russia Today, kênh truyền hình bằng tiếng nước ngoài của điện Kremlin nói với hai nhà lãnh đạo là Nga và Trung Quốc đều là "nạn nhân của thông tin khủng bố" từ báo chí phương Tây. Theo bà, cả hai nước cần phải giúp đỡ lẫn nhau vì "chúng ta đang đơn độc chống lại đạo quân hùng mạnh của truyền thông dòng chính phương Tây".

Channel One, kênh truyền hình chính của nhà nước Nga vốn rất hăng hái chống Mỹ và bênh vực cho việc Nga sáp nhập Crimée của Ukraine, sau đó đã được phép khai trương dịch vụ truyền hình cáp tại Trung Quốc với phụ đề tiếng Hoa, mang tên Kachiusa – một loại hỏa tiễn thời Liên Xô cũ.

Quan hệ giữa Nga và phương Tây bị đổ vỡ do cuộc xung đột Ukraine, đã khiến Moskva phải quay sang Trung Quốc. Nhưng theo các nhà quan sát, tình đồng chí này chỉ ngoài mặt, phía sau là những bất đồng sâu sắc. Nga cần Trung Quốc hơn là Trung Quốc cần Nga. Và Nga cảm thấy không thoải mái trước mối quan hệ mất cân bằng này, cho thấy một nước Nga vĩ đại chỉ là ảo tưởng. Moskva quan ngại trước người láng giềng nổi tiếng đầy tiềm năng kinh tế, và sức mạnh quân sự đang nhanh chóng gia tăng.

Về phía Trung Quốc thì lo ngại ý muốn thay đổi trật tự thế giới hậu chiến tranh lạnh của Nga. Bắc Kinh đã hưởng lợi rất nhiều từ toàn cầu hóa, dĩ nhiên không muốn xáo trộn nguyên trạng.

Trong vụ Nga can thiệp vào Ukraine, các lãnh đạo Bắc Kinh giữ im lặng, cũng như Nga đã làm ngơ trước hành động bành trướng, bồi đắp các đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên người ta ghi nhận, Bắc Kinh chưa hề chính thức công nhận việc Nga sáp nhập Crimée. Sau cuộc "trưng cầu dân ý" giả tạo tại Crimée về việc gia nhập Liên bang Nga, cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc đã ra lệnh cho truyền thông không nhắc đến sự kiện này. Các quan chức Trung Quốc lo sợ người dân ở Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương đòi độc lập, và cũng không muốn phe dân tộc chủ nghĩa nhân cơ hội này đòi sáp nhập Đài Loan.

Đối với Trung Quốc, quan hệ kinh tế và chính trị với Hoa Kỳ là hết sức quan trọng, còn thương mại Nga-Mỹ chỉ bình bình từ nhiều năm qua. Trong giao thương với Nga, Bắc Kinh chỉ quan tâm đến dầu khí. Năm ngoái Nga đã vượt qua Angola và Ả Rập Xê Út, trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc. Năm 2014 Nga và Trung Quốc đã ký kết hợp đồng lên đến 400 tỉ đô la, để khai thác hai mỏ khí thiên nhiên ở đông Xibêri bán cho Trung Quốc dự kiến bắt đầu từ 2019. Tuy nhiên hai bên đang bất đồng về việc tài trợ xây đường ống dẫn khí, Bắc Kinh không muốn đầu tư vào trong lúc giá dầu thế giới đang ở mức thấp.

Một trong số những mặt hàng xuất khẩu hiếm hoi nữa của Nga là vũ khí. Từ khi Liên Xô bị sụp đổ năm 1991, Nga đã bán cho Trung Quốc 32 tỉ đô la, chiếm khoảng 80% tổng số tiền Bắc Kinh đổ ra mua vũ khí. Gần đây Moskva cung cấp cho Trung Quốc loại hỏa tiễn địa đối không S-400 hiện đại, và chiến đấu cơ Su-35 lợi hại. Tuy nhiên điện Kremlin chỉ quan tâm đến vấn đề thương mại hơn là chiến lược : Nga cũng bán vũ khí cho các đối thủ của Trung Quốc là Ấn Độ và Việt Nam.

Ảo ảnh con đường tơ lụa

Với việc Nga bị phương Tây siết chặt về thị trường vốn, Trung Quốc đã trở thành nguồn cung cấp chính cho Nga. Các bạn bè của ông Vladimir Putin, bị phương Tây đóng sập cửa, là những người được hưởng lợi. Một trong số đó là Gennady Timchenko. Ông này là đồng sở hữu với con rể của ông Putin công ty hóa dầu Sibur. Tháng 12/2015, Sibur bán 10% cổ phần cho tập đoàn quốc doanh Trung Quốc Sinopec, thu về 1,3 tỉ đô la và năm ngoái bán tiếp 10% cho Silk Road Fund.

Đối với các lãnh đạo Bắc Kinh, hỗ trợ cho những nhân vật như thế là rất đáng đồng tiền bát gạo, để bảo đảm nguồn cung ứng năng lượng và vũ khí. Họ không mấy tin tưởng vào khả năng vươn lên của nền kinh tế Nga. Một chuyên gia Trung Quốc cho biết đối với Bắc Kinh, Nga chỉ đáng quan tâm về mặt an ninh chứ không phải kinh tế. Để thay đổi cách nhìn này, Nga cần phải cải cách kinh tế sâu rộng : sửa chữa những lỗ hổng trong hệ thống luật pháp và định rõ quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng dưới thời ông Vladimir Putin, không có hy vọng gì.

Trung Quốc không ảo tưởng về sức mạnh của Nga. Bắc Kinh biểt rằng Moskva yếu sức, và đang trên đà xuống dốc. Nhiều chính phủ Mỹ liên tiếp cũng kết luận như thế. Nhưng nếu các lãnh đạo Hoa Kỳ coi thường Nga, thì Trung Quốc lại làm ngược lại. Bắc Kinh cho rằng không nên chọc giận một cường quốc đang yếu đi, nhưng sở hữu vũ khí nguyên tử.

Trong lịch sử, "tình bạn không có gì lay chuyển nổi" giữa Nga và Trung Quốc mà Stalin và Mao Trạch Đông từng tuyên bố năm 1950, đã kết thúc bằng một cuộc nghênh chiến Nga-Trung không đầy 20 năm sau. Một cựu viên chức ngoại giao Trung Quốc nhớ lại, hồi đó dọc theo 4.200 km đường biên, hàng trăm ngàn quân Liên Xô và Trung Quốc đã dàn trận. Dân chúng vô cùng sợ hãi trước nguy cơ chiến tranh hiển hiện.

Phía Nga cũng rất cảnh giác trước Trung Quốc. Mặc cho cuộc tập trận trên Biển Baltic (và các cuộc tập trận chung khác trong hai năm qua trên Biển Đông và Địa Trung Hải), Nga vẫn cho thao dượt để đề phòng một cuộc chiến với Trung Quốc. Moskva sợ rằng nước láng giềng đông dân một ngày nào đó chiếm lấy vùng Viễn Đông cư dân thưa thớt của Nga. Các nhà hoạch định chiến lược Nga không quên lịch sử : dù ngoài mặt thơn thớt nói cười, nhưng Bắc Kinh có thể bỗng dưng đòi chia phần vùng đất này, trong đó có Vladivostok hồi thế kỷ 19 đã có một phần thuộc về vương triều nhà Thanh.

Hai nước tranh giành ảnh hưởng tại Trung Á, nơi Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của tất cả các nước thuộc Liên Xô cũ (trừ Uzbekistan), đồng thời là nhà đầu tư số một. Nga tự cho mình là sức mạnh quân sự và chính trị tối quan trọng tại vùng này, còn Trung Quốc chỉ tập trung vào kinh tế. Nhưng theo chuyên gia Úc Bobo Lo, tình trạng này không kéo dài. "Con đường tơ lụa mới" của ông Tập Cận Bình, nối kết Trung Quốc với Trung Á và các nước ở xa hơn thông qua các dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng, sẽ tạo ảnh hưởng chính trị lớn cho Bắc Kinh.

Tính chất bất đối xứng giữa Nga và Trung Quốc đặc biệt thấy rõ tại vùng Viễn Đông. Vài năm trước, cư dân vùng này rủng rỉnh tiền bạc, đem chi xài tại Trung Quốc, nhưng nay đồng rúp bị mất giá theo với đà xuống dốc của kinh tế Nga. Giờ đây họ phải trông đợi vào sự vung tay xài tiền của du khách Trung Quốc. Tại Vladivostok, một công ty du lịch cho biết không đủ phòng nghỉ cho khách từ Hoa lục.

Trên đường phố, các thanh niên Nga cố gắng bán do du khách Trung Quốc những tờ giấy bạc và tiền đồng Liên Xô cũ. Trong một khách sạn, khách du lịch người Hoa chen chúc ở nhà hàng mỗi khi có các nữ vũ công ăn mặc "thiếu vải". Sự xấu hổ của cư dân trước sự sa sút của đất nước mình so với sự hãnh tiến của Trung Quốc rất rõ. Những tàu chiến Trung Quốc trên Biển Baltic lại càng làm đậm thêm cảm giác này.

Thụy My

Nguồn : RFI, 24/08/2017

Published in Diễn đàn

Bảy tháng trước đây tại Diễn đàn Davos, điểm hẹn của giới tinh hoa trên thế giới, rộ lên những lời tiên đoán về hồi kết của mô hình toàn cầu hóa. Ông Donald Trump đánh dấu việc bước vào Nhà Trắng bằng một bài diễn văn gay gắt. Và tại Châu Âu, nơi mà Anh quốc đã quyết định ly dị với Châu lục này, "nền dân chủ tự do" dường như phải hạ vũ khí trước sự tấn công ồ ạt của các phong trào dân tộc chủ nghĩa và dân túy. Nhưng theo Le Monde, bây giờ tâm trạng đã thay đổi hẳn.

dantuy1

Đã từ rất lâu mới có một ứng cử viên tổng thống tranh cử với lá cờ EU bên cạnh quốc kỳ : ông Emmanuel Macron. Ảnh : Reuters

Xã luận Le Monde ngày 17/06/2017 nhận xét : Washington chìm vào một sự hỗn loạn cả về hành chính lẫn chính trị, trong khi tổng thống Mỹ cố gắng áp dụng một số cải cách đã hứa trong chương trình tranh cử, một cách vất vả. Các đồng minh của ông, nếu không công khai chế giễu, như thủ tướng Úc đã nhại theo điệu bộ ông Trump trong một cuộc hội nghị, thì cũng tỏ thái độ nghi hoặc.

Ở bên kia biển Manche, cử tri Anh tặng cho thủ tướng Theresa May một đòn đích đáng. Bà May với tham vọng tăng cường phe đa số của mình để thương lượng Brexit dễ dàng hơn, nay ở thế yếu hẳn. Và tại Đông Âu, các đảng dân túy không ngừng xuống dốc. Từ bảy tháng qua, các đảng này không ngừng thụt lùi trong các cuộc bầu cử, tại các nước trong khu vực.

Phát súng lệnh đầu tiên được bắn đi từ Áo hồi tháng 12/2016, với sự thất bại của ứng cử viên cực hữu trong cuộc bầu cử tổng thống. Rồi đến đảng Vì độc lập Anh quốc (UKIP) bị bốc hơi, không còn lý do tồn tại sau vụ Brexit ở Anh. Tại Đức, sau khi gây nhiều sợ hãi, đảng Giải pháp khác cho nước Đức (AfD) không chống chọi nổi với cỗ xe tăng Angela Merkel.

Tháng 3/2017 tại Hà Lan, đảng Tự do Dân chủ Nhân dân (PVV) của chính khách tai tiếng Geert Wilders không đạt được sự đột phá như mong đợi. Ở Phần Lan, đảng dân túy True Finns (Những người Phần Lan gốc) trở nên quá cực đoan, đã phải rời chính phủ và sau đó bị tan rã.

Nước Pháp, vốn là nơi tập trung mọi quan ngại, đã gây choáng váng khi một khuôn mặt mới toanh là Emmanuel Macron, thắng lớn trước đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN). Người ta thấy rõ chủ tịch đảng này, bà Marine Le Pen không có được tầm vóc của một ứng cử viên tổng thống, và điều đó đã được chứng tỏ trong cuộc tranh luận ở vòng hai. Làn sóng Macron đã nhấn chìm các phe dân túy, cả tả lẫn hữu. Cùng lúc đó ở bên Ý, phong trào 5 Sao của diễn viên hề Beppe Grillo thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử địa phương.

Làm thế nào giải thích một sự đổi chiều như thế ? Giáo sư người Hà Lan Cas Mudde, một trong những chuyên gia về chủ nghĩa dân túy Châu Âu, trước hết nghĩ rằng hiện tượng này đã được truyền thông và giới chính trị thổi phồng. Ông nói với Le Monde : "Rõ ràng là Wilders (Hà Lan) không đủ số ghế để lập chính phủ, và Le Pen (Pháp) không thể thắng nổi trong cuộc bầu cử tổng thống". Ông cho rằng nỗi sợ bóng ma cực hữu, dân túy chỉ là sợ bóng sợ gió.

Giả thiết này có vẻ khả tín, nhưng Le Monde cho là giải thích như thế e rằng chưa đủ. Tờ báo tìm đến một chuyên gia khác, ông Takis Pappa người Hy Lạp, của Central European University ở Budapest. Chuyên gia này nhận ra rằng mỗi khi một đảng dân túy phải đối mặt với một lực lượng chính trị có những đề xướng thực sự mang tính cải cách, chặt chẽ và có trách nhiệm, thì phái mị dân không thể địch nổi.

Ông Takis Pappa nói : "Macron đã đánh bại cực hữu khi bênh vực quan điểm một nước Pháp cởi mở, đa văn hóa, thân Châu Âu", còn tại Hà Lan, các đảng cánh trung và ủng hộ Châu Âu cũng lên ngôi. Theo ông, thay vì bắt chước các chủ đề của phe dân túy, tốt nhất nên đối đầu với phe này, chiến đấu với phe chủ bại bằng một tầm nhìn tích cực.

Một yếu tố khác, có lẽ nằm trong công trình nghiên cứu dư luận mà Pew Research Center vừa công bố ở Hoa Kỳ. Liên hiệp Châu Âu (EU) năm 2017 đã lại có được sự tín nhiệm cao độ của dư luận các nước thành viên – trừ Hy Lạp – đặc biệt là tại Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Hà Lan… và thậm chí tại Anh, nơi mà 54% cử tri có cái nhìn tích cực về EU. Khuynh hướng này đặc biệt thấy rõ nơi giới trẻ, vốn lớn lên với các dự án Châu Âu. Le Monde cho rằng bà Marine Le Pen đã phải trả giá để phát hiện ra sự gắn bó này.

Vụ Brexit, tức Anh quốc ra khỏi EU, gây ra những tác động gì với các nước khác ? Bruxelles lúc đó đã từng hết sức lo ngại hiệu ứng dây chuyền. Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump cũng đã từng thích thú đặt câu hỏi với các đối tác Châu Âu, là "sắp tới nước nào sẽ theo chân Anh quốc" ?.

Nhưng Donald Trump chính là một lực đẩy khác. Khó thể mơ được một sự phản tuyên truyền nào đáng giá hơn thế cho phe dân túy. Nhà thống kê học Mỹ Nate Silver ghi nhận trên blog FiveThirtyEight, là các chính trị gia Châu Âu mị dân, hoặc các lãnh đạo hiếm hoi như bà Theresa May, càng bày tỏ cảm tình với tổng thống Mỹ, thì họ càng dễ bị thất cử. Công thức Brexit + Trump = xui xẻo tại các nước nói tiếng Anh hiện nay.

Tuy vậy chủ nghĩa dân túy không phải đang thất bại ở mọi nơi. Chuyên gia Takis Pappas phân biệt các đảng tạm gọi là dân túy "bẩm sinh" (dân tộc chủ nghĩa, chống nhập cư, chống EU) với các đảng dân túy có quan điểm rộng hơn, bác bỏ chủ nghĩa tự do chính trị và chủ trương "dân chủ phi tự do". Các đảng dân túy này đang nắm quyền ở Hungary, Ba Lan, Hoa Kỳ và nếu cần thiết vẫn tấn công vào lực lượng phản biện như tư pháp độc lập, truyền thông, các tổ chức phi chính phủ.

Giáo sư Cas Mudde nhấn mạnh một đặc thù khác của các phong trào này. Khác xa với sự khởi đầu của các đảng chống hệ thống như Mặt trận Quốc gia ở Pháp hay 5 Sao ở Ý, họ đã kiểm soát được các đảng bảo thủ. Tại Hoa Kỳ, Donald Trump đã thành công trong việc trở thành ứng cử viên chính thức của đảng Cộng Hòa.

Tây Âu vốn ít có tình trạng bất bình đẳng hơn so với Hoa Kỳ và Anh quốc, và cắm rễ vững chắc vào nền dân chủ, hơn hẳn so với Trung Âu hậu cộng sản, nên khu vực này đã chứng tỏ sức chống đỡ trước mối đe dọa của chủ nghĩa dân túy. Điều đó liệu có nghĩa là mối nguy hiểm đã rời xa ?

Câu trả lời của Le Monde : Chắc chắn là không ! Bây giờ đến lượt các lãnh đạo Châu Âu đã thắng cử vẻ vang, phải gánh lấy trách nhiệm ngăn chận làn sóng dân tuy, và chứng tỏ rằng họ đã hiểu thấu lời cảnh báo.

Thụy My

Nguồn : RFI, 21/08/2017

Published in Diễn đàn
Trang 3 đến 3