Buổi đối thoại diễn ra hôm 17/6/2022, do ông Lê Sĩ Bảy - Phó tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì để giải quyết khiếu kiện liên quan ranh quy hoạch 5 khu phố thuộc 3 phường An Khánh, Bình An, và Bình Khánh tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Văn Đua, Tất Thành Cang và hỉnh ảnh Thủ Thiêm nhìn từ trên cao. RFA Edited.
Tại buổi đối thoại, người dân và ban tổ chức mâu thuẫn trong phương thức đối thoại, khi nhiều người bày tỏ sự bức xúc, phản biện lại ý kiến của đại diện bộ ban ngành, mong muốn được nêu hết ý kiến… thì nhiều người dân cho biết họ đã bị tắt micro… với lý dành thời gian để các cơ quan chức năng trả lời câu hỏi.
Tuy nhiên, các câu hỏi của người dân chỉ được đại diện cơ quan Trung ương trả lời là đã ghi nhận, tiếp thu và xin trả lời sau.
Ông Cao Thăng Ca, một dân oan Thủ Thiêm, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, hôm 21 tháng 6 năm 2022 liên quan việc này cho biết :
"Buổi đối thoại hôm đó chúng tôi vẫn khiếu nại 5 Khu phố, 3 Phường không nằm trong quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhưng khi giải quyết khiếu nại thì ông Lê Sĩ Bảy lại nói cái đó nằm trong quy hoạch theo quyết định 367. Tức là mình khiếu nại cái này thì ổng giải quyết cái khác. Tại vì đương nhiên chúng tôi đã bị nằm trong quy hoạch 367 rồi, vì nó tới 930 hecta, nhưng cơ sở để thực hiện quy hoạch thì phải là đồ án phê duyệt chi tiết tỷ lệ 1/5000, mà chỉ mới phê diệt 770 thôi. Nhưng mấy ổng cứ cố ép mình vào đó để chiếm đoạt hết tài sản của dân, nên người dân không đồng tình".
Thứ hai theo ông Cao Thăng Ca, điều bị cho hiểm nhất của kết luận 1169 do ông Lê Sĩ Bảy làm tổ kiểm tra ra soát là yêu cầu người dân phải chấm dứt khiếu nại. Ông Ca nói tiếp :
"Cái đó là gian ác nhất, tại vì khu đô thị mới Thủ Thiêm này không có phương án đền bù, không có quyết định thu hồi đất, không có đất tái định cư… chúng tôi khiếu nại thì lại yêu cầu chấm dứt khiếu nại. Thanh tra chính phủ kiểu gì mà lại làm như vậy ? Chúng tôi trong mấy năm vừa qua đều tố cáo ông Đặng Công Huẩn, ông Lê Sĩ Bảy - Phó tổng thanh tra chính phủ, ông Đinh Đăng Lập… nhưng kỳ này lại cho ông Lê Sĩ Bảy là người bị tố cáo vào để chủ trì buổi tiếp công dân, thì việc này tôi thấy họ hết sức là coi thường người dân".
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vào năm 1996 là ông Võ Văn Kiệt, đã ban hành quyết định 367, với các nội dung chính : Quy mô lập diện tích quy hoạch là 930 ha, trong đó khu đô thị mới 770 ha và quy mô tái định cư là 160 ha.
Vào ngày 27/11/2020 Phó tổng Thanh tranh Chính phủ - Đặng Công Huẩn đã đối thoại đầu tiên với 50 hộ dân ở 5 khu phố thuộc 3 phường An Khánh, Bình An, và Bình Khánh, nhưng cũng không giải quyết được gì cho người dân Thủ Thiêm.
Sau đó, Thanh tranh Chính phủ vào năm 2021 đã công bố kết luận 1169 khẳng định thửa đất của các hộ dân 5 khu phố thuộc 3 phường An Khánh, Bình An, và Bình Khánh còn khiếu nại nằm trong ranh quy hoạch, tức việc thu hồi đất đúng quy định.
Ông Huỳnh Thiên, một người dân mất đất ở Thủ Thiêm nói với RFA hôm 21/6 :
"Nội dung họp hôm bữa là người dân chống lại quyết định 1169, nhưng chính quyền muốn kết luận cái đó xong rồi, nói chung ra là dân Thủ Thiêm coi như thua rồi. Nó có nghe mình đâu, đối thoại tới lui… nói thẳng ra là vấn đề là bản đồ mới mất, mà ông Quang lại nói là không có mất, tìm chưa ra ba bốn năm rồi. Tức là người ta không thèm quan tâm, dân Thủ Thiêm mình đấu tranh cho vui vậy thôi".
Theo ông Thiên, lúc trước thì chính quyền còn để cho dân Thủ Thiêm đấu tranh, bây giờ mà đấu tranh là sẽ bị đàn áp. Ông nêu dẫn chứng :
"Từ ngày qua UBND Thành phố nó đàn áp đưa lên xe là thấy rồi đó. Không thành công được đâu, cái vụ mất bản đồ thì coi như là nó cố tình ăn cướp rồi. Anh em còn nước còn tát, đi đấu tranh ôn hòa đòi hỏi quyền lợi. Chứ thật ra tôi thấy không có hy vọng, hồi đó ai mà thưa kiện chống đối gì thì nó chụp mũ chống lại nó… họ sẽ ra quyết định xấu hơn nữa… tôi bị mười quyết định… nó nói chống chế độ, chống chính sách của nó… là nó ghét mình hơn nữa".
Cũng tại buổi đối thoại hôm 17/6/2022, đại diện các hộ dân nhiều lần không đồng tình với nội dung kết luận 1169, cho rằng bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5000 theo Quyết định 367 đã mất nên không đủ cơ sở để xác định ranh quy hoạch. Còn các bản đồ hiện được Thanh tra Chính phủ dùng làm căn cứ kết luận là không phù hợp quy định, vì chứng cứ phải là bản gốc.
Vì sao các cấp chính quyền dù kiên quyết bảo vệ nội dung kết luận 1169 của Thanh tranh Chính phủ… nhưng vẫn nhiều lần tổ chức đối thoại với dân Thủ Thiêm ?
Trao đổi với RFA vào tối 21/6, Mục sư Nguyễn Hồng Quang, một trong những người dân khiếu kiện mất đất ở Thủ Thiêm hàng chục năm qua, nói :
"Cái đó thực chất không phải đối thoại… nói thiệt gì hết… cái đó chỉ là tiếp xúc để diễn kịch… ‘gọt chân cho vừa giày’… chứ họ không có chịu nhìn nhận họ sai. Pháp luật nó rành rành… chứng cứ của người dân rành rành… quan điểm pháp luật của người dân rất hoàn chỉnh, thuyết phục… còn chính quyền thì họ không có thích…".
Còn ông Cao Thăng Ca thì cho rằng chính quyền tổ chức đối thoại là để đánh lừa dư luận :
"Tức là họ tiếp tục đánh lừa dư luận rằng những người dân khiếu nại này là thành phần ngoan cố, chây lì, không chịu hợp tác để giao đất cho nhà nước. Nhưng thực chất đâu phải họ lấy đất của dân làm dự án lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng đâu ? Họ lấy đất của chúng tôi để chia cho các dự án phân lô bán nền, để kinh doanh trên đất đai của chúng tôi. Họ trả cho chúng tôi khoảng 18-19 triệu, nhưng họ bán tới cả tỷ mỗi mét vuông, thì lợi ích ở chỗ nào ? Đó hoàn toàn là lợi ích nhóm thôi, phải làm sao chứ để như thế này thì người dân không còn tin tưởng gì vào thanh tra chính phủ".
Khu Đô Thị Thủ Thiêm chỉ cách trung tâm Sài Gòn chỉ một con sông, nơi mỗi mét vuông đất có thể lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí vài tỷ đồng. Tuy nhiên theo báo chí trong nước, mức đền bù chỉ hơn 18 triệu đồng mỗi mét vuông vào năm 2009, được cho là không hợp lý, vì chủ đầu tư có đất đã bán lại với giá 350 triệu đồng khi đó.
Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần đối thoại với người dân Thủ Thiêm, tuy nhiên đến nay, người dân Thủ Thiêm vẫn chưa được giải quyết thoả đáng. Ông Cao Thăng Ca cho rằng, muốn đối thoại thành công thì phải có một cơ quan thứ ba làm trọng tài :
"Muốn đối thoại triệt để thì ít nhất phải có một người đứng ra làm quan tòa. Người dân đang thiếu lại thanh tra chính phủ, mà lại khiếu nại với người bị khiếu nại… thì làm sao mà khách quan vô tư ? Phải có một cơ quan trọng tài đứng ra phân xử, ai đúng ai sai, sai chỗ nào đúng chỗ nào… thì mới có thể đi đến kết quả được. Còn đây người ta làm sai mà người ta cứ ép chúng ta phải theo cái sai của họ, thì không ai có thể chấp nhận được. Người ta chỉ muốn lừa cấp trên và lừa dư luận thôi, còn người dân thì người ta hiểu quá rõ rồi. Như ông Lê Sĩ Bảy, ổng đổ thừa các bộ ngành sau khi đã họp ba bốn lần đều đã thống nhất những kết luận của thanh tra chính phủ. Nhưng khi tiếp dân, người ta chất vấn các bộ ngành, thì họ nói hôm nay chúng tôi mới tiếp cận hồ sơ lần đầu… chúng tôi phải về nhà xem xét lại, mới trả lời được".
Theo ông Cao Thăng Ca, toàn bộ việc đối thoại với người dân Thủ Thiêm mất đất rõ ràng là hành vi lừa đảo.
Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu tiến hành giải toả khoảng 14.600 hộ dân với hơn 60.000 nhân khẩu ở Thủ Thiêm từ khoảng năm 2012 để tiến hành xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm rộng 730 ha bên sông Sài Gòn. Nhưng sau hơn 20 năm thực hiện, dự án vẫn gặp khó khăn tại một số nơi khi hàng trăm hộ dân Thủ Thiêm nhiều năm qua đã đi khiếu kiện lên tận trung ương, yêu cầu giá đền bù hợp lý, phản đối việc giải tỏa sai quy định của giới chức thành phố.
Nguồn : RFA, 21/06/2022
Nghịch cảnh ông Võ Văn Kiệt muốn xóa lại tái diễn
Ông Võ Văn Kiệt đã có hai quyết định rất lớn về Thủ Thiêm, đó là phê duyệt Dự án Khu đô thị Thủ Thiêm và làm hầm Thủ Thiêm.
Thủ Thiêm : Bên này sông thì đô thị phồn hoa sáng lòa, bên kia sông thì ổ chuột, rách rưới, tăm tối.
Thủ Thiêm, vùng đất chỉ cách trung tâm thành phố 300m đường chim bay, cạnh sông, 3 mặt đều tiếp xúc với trung tâm thành phố, nhưng lại không thể phát triển được vì biệt lập.
Khi nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược Võ Văn Kiệt phê duyệt dự án Khu đô thị và làm hầm, ông muốn để đánh thức Thủ Thiêm và xóa đi nghịch cảnh : Bên này sông thì đô thị phồn hoa sáng lòa, bên kia sông thì ổ chuột, rách rưới, tăm tối.
Sau 22 năm ngày ông Võ Văn Kiệt phê duyệt, nghịch cảnh ấy lại tái diễn ngay chính trong lòng Thủ Thiêm : Một bên là các đại dự án sang chảnh được hoàn thiện rất nhanh, còn bên kia là những người dân mất đất, mất nhà, chui rúc trong những căn hộ ổ chuột, đi lại trên những con đường bẩn thỉu ngập nước, kệ cho nước mắt rơi và lời kêu cứu hàng chục năm vẫn còn dang dở…
Bà Nguyễn Thị Kim Phượng (P.Bình An, Q.2, Thành phố Hồ Chí Minh) bị cưỡng chế cách đây chục năm. Gia đình bà phải dựng tạm chòi tôn sống qua ngày trên chính nền đất cũ. Ảnh : Chí Hữu
Là một người có nhiều xé rào để phát triển mạnh mẽ, nhưng ông Võ Văn Kiệt không bao giờ quên người nghèo : "Đừng để người nghèo bị gạt ra bên lề của sự phát triển. Phải có những chính sách cốt lõi để giải quyết căn cơ vấn đề dân nghèo".
Theo Giáo sư Trần Thành, nguyên viện trưởng Viện Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Kiệt đã rút ra bài học : Cái gì được dân đồng tình, ủng hộ là ta đúng, cái gì bị dân phản đối là ta sai.
Bà Trần Thị Mỹ 77 tuổi, cùng rất nhiều người khác, đi khiếu kiện để phản đối "quy hoạch băm nát" từ khi tóc còn xanh. Bây giờ tóc bà đã bạc trắng cả, nhưng chưa có ai nhận sai và bị xử lý vì sai.
Trong nỗi bức xúc tích tụ lâu năm, bà vẫn nhìn nhận rất rạch ròi : Quyết định phê duyệt dự án của Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất nhân văn vì đã đặt khu vực trung tâm đô thị và tái định cư gần nhau, để dân Thủ Thiêm tái định cư sẽ là những người đầu tiên hưởng lợi từ sự phát triển của một khu đô thị tài chính, thương mại tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Trời nắng hay mưa thì khu nhà ở đường Trần Não vẫn ngập, người dân đã quen với cảnh này. Ảnh : Chí Hữu
Nếu một dự án trở thành cuộc xâm lăng của những người "da trắng", truy đuổi dân nghèo bản địa, dù có nhân danh phát triển thì đến thế nào, thì những kẻ trục lợi cũng không bao giờ giấu được bộ mặt thật tàn nhẫn.
Điều gì ám ảnh hơn cả những bức ảnh báo chí xuất sắc ?
Trong vụ Thủ Thiêm, nhiều tờ báo đã có những tấm ảnh báo chí xuất sắc :
Một người khuyết tật chống nạng đi trên con đường đất ngập nước trong khu đô thị. Ngay bờ đất phía sau con đường, là dãy nhà chọc trời có mũi tháp nhọn hoắt đâm lên nền trời.
Những ông già bà lão mặt khắc khổ đứng trước ngôi nhà bị đập phá thu hồi, mờ mờ ngay phía sau họ là những cao ốc sáng lòa.
Dãy nhà tạm cư tồi tàn, bẩn thỉu của những người bị thu hồi nhà chờ tái định cư, như một nốt ghẻ phía trước dãy chung cư cao cấp.
Người vợ già vừa chăm chồng bại liệt vừa ròng rã gõ cửa cơ quan công quyền, đòi công lý.
Và rất nhiều bức ảnh có nước mắt. Những tấm ảnh khóc thật, trên gương mặt nhăn nheo và tuyệt vọng này rất khác về thần thái những bức ảnh khóc khác đang được chia sẻ bởi cư mạng.
Có người sống ở những căn lều dựng tạm ở Thủ Thiêm, bán hàng mưu sinh qua ngày. Ảnh : Chí Hữu
Nhưng, những bức ảnh dù có xuất sắc đến đâu, cũng không thể gây ám ảnh bằng cái cách mà những người hiện thực dự án, tạo ra cảnh đối lập đến dường ấy trong điều kiện sống của những người có tiền mới đến ở và những người bản địa Thủ Thiêm đã và sắp phải dời đi.
Bên cạnh Thủ Thiêm của người giàu là một Thủ Thiêm nhiều nước mắt của dân nghèo và đầy nước ngập trên những con đường dân vẫn đi khiếu kiện.
Còn chức và mất chức : Chọn cái nào ?
Cách đây 5 năm, khi còn là Bí thư thành ủy, ông Lê Thanh Hải đã nhắc lại một câu hỏi của Thủ tướng Võ Văn Kiệt : "Một là để dân đói, các đồng chí giữ nguyên chức vụ. Hai là dân no, các đồng chí mất chức. Chọn cái nào ?".
Ông Võ Văn Kiệt đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần : "Đừng để người nghèo bị gạt ra bên lề của sự phát triển".
Ông Lê Thanh Hải đã có vài chục năm làm lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh. Từ bí thư quận 5, đến Phó chủ tịch, đến Chủ tịch Thành phố một nhiệm kỳ, Bí thư thành ủy 2 nhiệm kỳ.
Ông cũng chính là người chỉ đạo tổ chức thực hiện dự án Khu đô thị Thủ Thiêm và có những thông báo hỏa tốc truyền đạt ý kiến mà báo Đại Đoàn kết cho là chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch.
Khi còn là Phó chủ tịch, ông Lê Thanh Hải đã là trưởng Ban xóa đói giảm nghèo của thành phố.
Ngày 30.4 năm 2003, khi phỏng vấn Chủ tịch Lê Thanh Hải, báo Người lao động đã hỏi một vấn đề có tính thời sự cao : Hiện tượng tái nghèo lại tập trung ở khu vực trung tâm, liệu có đáng báo động cho việc phát sinh dân nghèo thành thị trong tương lai ?
Ông Lê Thanh Hải trả lời : "Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đô thị lớn, đông dân và đang đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa ; điều này sẽ mang lại nhiều cơ hội cho người nghèo nhưng cũng có thể phát sinh người nghèo, hộ nghèo.
Bởi vì, không phải mọi người dân đều được chuẩn bị tốt về tâm lý, trình độ văn hóa, nghề nghiệp nên rất dễ bị rơi vào nhóm hộ nghèo mới hoặc bị tái nghèo trong quá trình chuyển đổi nghề nghiệp và thay đổi lối sống. Việc xuất hiện tình trạng tái nghèo gần đây ở một số quận là do nguyên nhân này.
Theo tôi, vấn đề này phải được ngăn chặn và khắc phục, nhất là đối với các địa phương có quá trình đô thị hóa nhanh".
Những người nghèo Thủ Thiêm đã khiếu kiện hàng chục năm. Nhiều người vốn nghèo giờ đã nghèo hơn vì quy hoạch. Không biết trong cả quãng thời gian dài ấy, ông đã tổ chức đối thoại với những con người ấy để giúp họ ngăn chặn bần cùng hóa ?
Nếu ông chưa kịp làm hoặc chưa làm hiệu quả, thì bây giờ chính là lúc một người "rất hiểu" quy hoạch Thủ Thiêm như ông, nên lên tiếng.
Người dân Thủ Thiêm đã lên tiếng vài chục năm nhưng không có ai nghe và cùng lên tiếng với họ một cách trọn vẹn.
Hôm qua, ông Trần Bá Dương, một nhà đầu tư Thủ Thiêm đã gặp báo chí và lập cả facebook giãi bày để dân hiểu, dư luận hiểu. Dần dần, sẽ có nhiều nhân vật khác muốn lên tiếng hoặc buộc phải lên tiếng.
Người tiền nhiệm của ông Hải, cựu Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh Võ Viết Thanh, đã lên tiếng bằng nhiều câu hỏi :
"Có tình trạng cán bộ hay con em cán bộ nhảy vào dự án mua tới mua lui bán chênh lệch làm giàu không ?
Những công trình hạ tầng đổi đất ở dự án hay công trình tái định cư có qua đấu thầu hay chỉ định để làm lợi cho riêng mình ?
Đền bù của dự án có chèn ép người dân không ?
Hồi đó thành phố để 160 ha làm khu tái định cư giờ 160 ha này nằm ở đâu ?".
Vậy ông Lê Thanh Hải còn chờ gì nữa mà không cùng những người liên quan khác tham gia trả lời những câu hỏi rất có tính trách nhiệm lương tâm và trách nhiệm pháp lý rất cao này ?
Bùi Ngọc Hải
Nguồn : SohaNews, Trí Thức Trẻ, 11/05/2018