Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vào giữa năm ngoái, nghe nói Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phải trầy trật mới vận động được một cuộc tiếp đón của Thủ tướng Đức Angela Merkel với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Đức. Tại cuộc gặp này, ông Phúc đã đề nghị phía Đức ‘linh hoạt’ để áp giải Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam, bởi cho tới thời điểm đó (và hiện nay vẫn vậy) chưa có hiệp định dẫn độ giữa Đức và Việt Nam.

Bà Merkel đã lắc đầu trước ‘lời đề nghị khiếm nhã’ của ông Phúc.

Chỉ ba tuần sau cuộc gặp trên, thình lình nổ ra vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ váng động cả châu Âu mà đã khiến người Đức phải thẳng tay trục xuất hàng loạt nhân viên của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức và đình chỉ luôn Quan hệ đối tác chiến lược giữa Đức và Việt Nam.

canada1

Thủ tướng Canada Justin Trudeau viếng thăm Việt Nam nhân dịp APEC 2017 - Photo Credit : Getty

Đúng một năm sau đó, vào tối 7/6/2018, Thủ tướng Phúc lên đường dự Hội nghị G7 mở rộng và thăm Canada, tham dự về vấn đề môi sinh môi trường.

Mặc dù được hệ thống báo đảng tuyên truyền như một thắng lợi ‘nâng cao vị thế đối ngoại của Việt Nam trên trường quốc tế’, song lại có một sự thật được tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn của đài RFA Việt ngữ với Thượng nghị sĩ Canada gốc Việt là ông Ngô Thanh Hải.

Trả lời câu hỏi ‘Cuộc gặp của thủ tướng Việt Nam với thủ tướng Canada theo dự kiến đã bị hủy. Thượng nghị sĩ có thể cho biết lý do không ạ ?’

Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải cho biết :

"Chính tôi liên lạc với Bộ ngoại giao Canada và Bộ ngoại giao cho tôi biết rằng thứ nhất là ông Phúc sẽ không gặp ông Trudeau. Họ xác thực với tôi như vậy. Sẽ không có cuộc gặp gỡ song phương giữa ông Trudeau và ông Phúc. Ông Phúc có xin nhưng họ cho biết sẽ không gặp.

Cộng đồng người Việt tại Canada cũng đã gởi văn thư chính thức đến các tòa đại sứ và đến cả Thủ tướng Trudeau cho biết việc mời ông Phúc tham dự G7 là cộng đồng không chấp nhận".

Vào năm nay, ‘bản lĩnh Việt Nam’ đã phải nhận một cú giáng đau đớn.

canada2

Bức ảnh về cuộc gặp trên ở Hà Nội đã thuộc về dĩ vãng. Chẳng bao lâu sau đó, Trudeau (trái) từ chối tiếp Phúc ở Canada. Ảnh : Kiến Thức

Không khó để liên tưởng giữa chủ đề môi sinh môi trường của hội nghị G7 với phong trào bảo vệ môi trường đang dâng lên rất mạnh mẽ ở nhiều quốc gia, trong đó có Canada.

Cũng không khó để liên tưởng giữa phong trào bảo vệ môi trường ở Canada với một thảm họa xảy ra ở Việt Nam nhưng mức độ nguy hiểm và hậu quả của nó lại mang tầm quốc tế : Formosa.

Vậy khi tham dự Hội nghị G7, thủ tướng Việt Nam đang mang theo hành trang gì ?

Đầu tiên, đó là "thỏa thuận bí mật" về 500 triệu USD tiền bồi thường giữa Thủ tướng Phúc với Formosa – một thỏa thuận cho có và không thèm hỏi ý dân, đặc biệt không thèm quan tâm đến yêu cầu của hàng trăm ngàn nạn nhân ở miền Trung.

Trong lúc đó, một số chuyên gia phản biện ước tính thiệt hại kinh tế của vụ "cá chết Formosa" phải lên đến 10 tỷ USD, kéo lùi đến 5% GDP của Việt Nam, và con số bồi thường 500 triệu USD của Formosa chỉ bằng 1/20 số thiệt hại ấy.

Rất nhiều ngư dân ở các tỉnh miền Trung lại phải than rằng số tiền bồi thường cho họ là quá ít, họ hoàn toàn không biết sống bằng gì sau "6 tháng hỗ trợ".

Thủ tướng Phúc đã hứa "cuội" không chỉ một lần. Vào tháng 8/2016, ông ta hứa "tháng Chín ngư dân sẽ nhận được tiền". Nhưng ngay sau đó, chính phủ lại gia hạn cho chính quyền 4 tỉnh miền Trung về việc "thống kê thiệt hại" do các tỉnh này bê trễ. Phải đến tháng 11/2016, một số ngư dân mới bắt đầu nhận được tiền bồi thường. Nhưng đó cũng là lúc mà phong trào biểu tình miền Trung đang dâng cao và gây áp lực đối với chính quyền địa phương và trung ương. Thử hỏi nếu không có con sóng biểu tình ấy, không hiểu đến lúc nào khoản tiền bồi thường còm cõi mới đến tay những nạn nhân môi trường đã không còn đường sinh sống ?

Lối làm việc cực kỳ tắc trách, vô cảm và chỉ chực chờ đàn áp người dân đã khiến "uy tín" của chính phủ và các chính quyền địa phương miền Trung sụt giảm mạnh. Liên tiếp các đợt biểu tình phản kháng của ngư dân – giáo dân vào cận Tết năm 2017 và trong năm 2017 đã chứng thực rằng người dân không còn chút nào niềm tin đối với chính quyền đang cai trị họ.

Sau hơn hai năm kể từ khi nổ ra hậu quả ghê gớm của nạn xả thải Formosa ở 4 tỉnh miền Trung vào đầu năm 2016, cho tới nay phong trào biểu tình phản kháng Formosa và sự bao che của chính quyền, đòi hỏi công lý phải đóng cửa Formosa vẫn dồn dập phẫn uất ở các giáo xứ Hà Tĩnh, Nghệ An và Quảng Bình.

Ngay cả lời hứa "sẽ đóng cửa Formosa nếu tiếp tục vi phạm" của Thủ tướng Phúc cũng không còn giá trị gì nữa, khi đang có nhiều dấu hiệu Formosa tái diễn xả thải. Nạn ô nhiễm biển giờ đây không chỉ nằm trong khu vực biển 4 tỉnh miền Trung, mà đã lan xuống phía Nam – khu vực biển Đà Nẵng. Cứ đà này, chắc chắn vùng biển ở các tỉnh Nam Trung Bộ sẽ bị ảnh hưởng trong không bao lâu nữa.

Trong khi đó, ông Phúc lại dung dưỡng cho một cấp dưới của mình lộng hành vô phép vô thiên : Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà đang vươn lên vị trí số 1 trên thứ tự xếp hạng trong danh sách những quan chức Việt Nam bị dư luận xã hội nghi ngờ nặng nề như ‘nội gián’ của chế độ cộng sản ở Trung Quốc.

Đầu năm 2018, bất chấp tình trạng Formosa vẫn xả khói đầy trời và nước biển tiếp tục bị ô nhiễm trầm trọng, Bộ Tài nguyên và môi trường đã gây ra một thách thức rất lớn đối với nhân dân khi không đưa thủ phạm đầu bảng gây ô nhiễm môi trường là Formosa vào danh sách hơn 200 doanh nghiệp sẽ bị thanh tra trong năm 2018. Vụ việc này đã ‘kiến tạo’ thêm một dấu hiệu rất đáng nghi ngờ về việc Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam đã ‘đi đêm’ và ‘ăn bẩn’ với thủ phạm gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường ở 4 tỉnh miền Trung- Formosa.

Sau đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà còn phát thêm một thông điệp thách thức dư luận khi luôn dùng cụm từ ‘có thể yên tâm với Formosa’.

Nhưng bất chấp những gì mà giới quan chức Bộ Tài nguyên và môi trường ra sức tuyên truyền và mị dân, cho tới nay nước biển ở một số khu vực các tỉnh miền Trung và cả ở Đà Nẵng vẫn chuyển thành màu xanh thẫm đầy đe dọa, tiếp nối của rất nhiều lần nước biển bị ô nhiễm trầm trọng kể từ đầu năm 2016 mà đã khiến tôm cá nổi xác đầy mặt biển, kể cả gây ra cái chết của một người thợ lặn muốn phát hiện ra nguồn cơn làm cá chết…

Từ năm 2016 đến nay, hồ sơ thảm họa Formosa đã được các tổ chức xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam lập chi tiết và gửi đến chính phủ các nước phương Tây, trong đó có Canada. Hẳn đó là lý do vì sao Thủ tướng Canada Trudeau không thể bỏ qua lời yêu cầu của cộng đồng người Việt ‘không tiếp đón những quan chức tiếp tay gây thảm họa môi trường ở Việt Nam’.

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 10/06/2018

Published in Diễn đàn