Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã tiến hành chuyến thăm Hoa Kỳ từ ngày 11 đến ngày 17 tháng 5, chuyến công du nước ngoài dài nhất mà ông từng thực hiện kể từ khi nhậm chức hồi tháng 4 năm 2021. Ngoài việc tham dự Hội nghị thượng định Hoa Kỳ-ASEAN, ông Chính còn có nhiều cuộc gặp gỡ và hoạt động khác nhau để thúc đẩy quan hệ Việt – Mỹ. Chuyến thăm giúp nâng cao uy tín của vị thủ tướng ở trong và ngoài nước, tạo ra một sự thúc đẩy đáng kể và kịp thời cho cả quan hệ song phương lẫn các chương trình nghị sự trong nước của ông Chính.
Việt Nam và Hoa Kỳ đã trải qua một chặng đường dài kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1995. Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại về hàng hóa lớn thứ 10 của Hoa Kỳ. Sau một khởi đầu chậm chạp, quan hệ an ninh giữa hai cựu thù đã đạt được đà phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Từ năm 2017 đến năm 2021, Washington đã cung cấp cho Hà Nội tổng cộng 80 triệu USD hỗ trợ an ninh. Washington cũng đã chuyển giao hai tàu cảnh sát biển lớn cho Việt Nam và đang lên kế hoạch cho việc chuyển giao một chiếc thứ ba.
Tuy nhiên, kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, quan hệ song phương đã phải đối mặt với một số thách thức tạm thời vì Washington thất vọng với lập trường mập mờ của Hà Nội đối với cuộc xâm lược. Các quan chức Hoa Kỳ đã cảnh báo riêng với những người đồng cấp Việt Nam về những hậu quả tiềm tàng của việc Hà Nội từ chối lên án Nga một cách công khai, cũng như khả năng xuất hiện những phản đối từ Quốc hội Hoa Kỳ đối với những nỗ lực của Nhà Trắng nhằm thúc đẩy quan hệ với Việt Nam.
Tuy nhiên, chuyến thăm của Thủ tướng Chính đã mang lại cho Việt Nam một cơ hội để làm rõ quan điểm của mình về vấn đề Ukraine và tái khẳng định mong muốn của Hà Nội trong việc tăng cường hơn nữa quan hệ với Washington. Trước chuyến đi của ông Chính, Việt Nam thông báo sẽ viện trợ nhân đạo cho Ukraine 500.000 đô la Mỹ. Mặc dù số tiền khiêm tốn nhưng nó giúp truyền tải thông điệp về sự thông cảm của Việt Nam với Ukraine, đồng thời góp phần cải chính nhận thức sai của bên ngoài rằng Hà Nội đang đứng về phía Moscow trong cuộc xung đột.
Trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế vào ngày 11 tháng 5, Thủ tướng Chính tái khẳng định ‘quan điểm nhất quán của Việt Nam’ là tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, chủ quyền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, cũng như sự cần thiết phải giải quyết mọi tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình mà không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Tuyên bố này cho thấy lập trường ban đầu của Việt Nam đối với cuộc chiến Ukraine là nhằm duy trì quan hệ với Nga, chứ không phải là một sự từ bỏ các nguyên tắc chính sách đối ngoại từ trước đến nay, hay một động thái có chủ ý nhằm xa lánh phương Tây.
Để thúc đẩy quan hệ song phương, Thủ tướng Chính cũng đã gặp một số chính trị gia cấp cao của Hoa Kỳ, bao gồm Chủ tịch Thượng viện tạm quyền Patrick Leahy, Ngoại trưởng Antony Blinken, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen. Trong cuộc gặp với Thượng nghị sĩ Leahy, ông Chính đã đề xuất thành lập một nhóm các nghị sĩ Hoa Kỳ thân thiện với Việt Nam, một nỗ lực chủ động của Việt Nam nhằm vận động sự ủng hộ của lưỡng đảng Hoa Kỳ đối với quan hệ song phương.
Ông Chính cũng sử dụng chuyến đi để huy động sự hỗ trợ và các nguồn lực để giúp thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của Việt Nam sau hai năm gặp khó khăn do Covid-19. Năm 2020, tăng trưởng GDP của Việt Nam tụt xuống còn 2,9%. Năm ngoái, con số này tiếp tục giảm xuống còn 2,6% – mức thấp nhất kể từ khi Việt Nam bắt đầu tiến hành các cải cách kinh tế vào cuối những năm 1980. Vai trò lãnh đạo của ông Chính trong hoạt động ngoại giao vắc xin đã giúp Việt Nam đạt tỷ lệ tiêm chủng cao trong vòng sáu tháng, giúp Việt Nam có thể mở cửa nền kinh tế từ tháng 11 năm 2021. Nhưng khó khăn vẫn còn nhiều và Việt Nam cần nhiều cải cách và nguồn lực hơn nữa để làm mới động lực tăng trưởng.
Trong chuyến thăm, ông Chính đã tham dự một hội nghị với các doanh nghiệp Mỹ do Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN tổ chức, gặp gỡ lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới cũng như nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ, bao gồm Intel, Apple, Google, Microsoft, Boeing, Blackstone, KKR và Bank of America. Thủ tướng cũng đã có một cuộc thảo luận với các chuyên gia tại Trường Harvard Kennedy về tăng trưởng kinh tế bền vững và định hướng phát triển của Việt Nam trong thế kỷ 21.
Dự định của ông Chính là huy động các nguồn lực tài chính và công nghệ từ các tổ chức tài chính quốc tế và các nhà đầu tư Hoa Kỳ, đặc biệt là các công ty công nghệ cao, để giúp phục hồi nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực như phát triển cơ sở hạ tầng, số hóa nền kinh tế, phát triển chuỗi cung ứng công nghệ cao và nâng cấp nguồn nhân lực cho nền kinh tế Việt Nam.
Trong khi đó, cuộc gặp với các chuyên gia của Trường Harvard Kennedy là nhằm đảm bảo sự hợp tác từ các cơ sở nghiên cứu của Hoa Kỳ nhằm giúp cải thiện năng lực quản trị của Việt Nam. Về cơ bản, đây là một nỗ lực nhằm nâng cấp ‘phần mềm’ quản trị quốc gia để tối đa hóa hiệu quả của ‘phần cứng’ cơ sở hạ tầng và năng lực chế tạo mới mà Việt Nam dự kiến sẽ có được trong tương lai.
Ông Chính cũng có thể có những cân nhắc chính trị khác. Do Đại hội đại biểu toàn quốc tiếp theo của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ được tổ chức vào đầu năm 2026, "đường băng" là khá ngắn để giúp ông Chính có thể chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh quyền lực sắp tới. Cùng với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ông Chính được coi là một trong hai ứng viên hàng đầu cho vị trí tổng bí thư của Đảng. Trong trường hợp nỗ lực đó không thành công, ít nhất ông Chính cũng muốn giữ nguyên vị trí hiện tại. Tuy nhiên, tham vọng của ông có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức đáng kể. Những dấu hiệu ban đầu cho thấy các đối thủ dường như đã bắt đầu tìm cách làm suy yếu vị thế chính trị của ông. Chẳng hạn, hồi cuối tháng 4, nhà chức trách đã khởi tố bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ tịch một công ty được cho là có quan hệ thân thiết với ông Chính, về tội gian lận trong đấu thầu và tham nhũng.
Do đó, việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và củng cố thành tích kinh tế của Thủ tướng Chính trong ba năm tới sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với triển vọng chính trị của ông. So với các mục tiêu chính sách đối ngoại, kết quả kinh tế từ chuyến thăm Hoa Kỳ và các hành động tiếp theo để thực hiện hóa chúng sẽ có ý nghĩa ngang bằng, nếu không muốn nói là lớn hơn, đối với cá nhân ông Chính và những người ủng hộ. Nền kinh tế Việt Nam đang gặp phải những thách thức lớn. Nếu những nỗ lực của ông Chính trong lĩnh vực này thành công, không chỉ ông Chính có thể cải thiện triển vọng chính trị của mình mà nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng sẽ được hưởng lợi.
Lê Hồng Hiệp
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 18/05/2022
Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên Fulcrum.sg, chuyên trang bình luận các vấn đề quốc tế của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute), Singapore.
Hành trang mang theo trong chuyến công du Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính
Chiều ngày 22/11/2021, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính lên chuyên cơ bắt đầu chuyến công du Nhật Bản bốn ngày. Hành trang của ông Phạm Minh Chính chắc chắn rằng không là lời hứa Trung Quốc sẽ không 'ức hiếp' các nước láng giềng.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính - Reuters
"Trung Quốc đã, đang, và sẽ luôn luôn là người hàng xóm tốt, người bạn tốt và đối tác tốt của ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á", Tập Cận bình vừa nói ban sáng 22/11/2021 tại Tại Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Trung Quốc. Tuyên bố của ông Tập có gì bảo đảm khi được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Philippines tố Trung Quốc ngăn tàu tiếp tế lương thực cho lực lượng đồn trú của nước này tại bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trang tin BenarNews dẫn hình ảnh vệ tinh của Planet Labs cho thấy các tàu của Trung Quốc đã quay trở lại đá Ba Đầu (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) với số lượng ngày càng tăng.
Hình ảnh vệ tinh của công ty Planet Labs được chụp hôm 1/11/2021 và những ngày trước đó cho thấy sự hiện diện của hàng chục tàu Trung Quốc gần đá Ba Đầu, phía Bắc cụm Sinh Tồn.
Trong một báo cáo gần đây, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) cho biết số lượng tàu thuyền được ghi nhận trong hình ảnh vệ tinh gần đá Ba Đầu "đã tăng lên trong ba tháng qua".
Theo AMTI, phần lớn trong số đó là các tàu của Trung Quốc, với chiều dài hơn 50 m.
Theo CSIS, hiện nay có khoảng 300 tàu dân quân thường xuyên khuấy đảo vùng biển Trường Sa.
Tổ chức AMTI cũng cho biết các tàu của Trung Quốc dường như do lực lượng dân quân biển điều khiển, cũng như không có dấu hiệu cho thấy các tàu này đang đánh bắt cá.
Hồi tháng 8/2021, khoảng 40 tàu Trung Quốc đã được phát hiện ở khu vực phía Bắc cụm Sinh Tồn, gồm cả tại đá Ba Đầu. Tuy nhiên, hồi giữa tháng 10, số lượng này đã tăng lên hơn 150 tàu.
Theo AMTI, hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy có thể nhận ra cáctàu lớn là của Trung Quốc. Điều này cho thấy các tàu của nước này vẫn ở lại khu vực và một số thậm chí đã di chuyển gần hơn đến đá Ba Đầu.
Hình chụp hôm 27/3/2021 : tàu Trung Quốc ở đá Ba Đầu (quần đảo Trường Sa). AFP
Đá Ba Đầu là rạn san hô có hình chữ V, thuộc cụm Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Đá Ba Đầu (tên quốc tế là Whitsun Reef, Trung Quốc gọi là Ngưu Ách Tiêu, Philippines gọi là Julian Felipe) chỉ là một bãi ngầm. Đá Ba Đầu lộ ra khi triều xuống thấp và nằm cách Sinh Tồn Đông khoảng 10 hải lý nên theo UNCLOS (Điểm 1, Điều 13) nó vẫn nằm trong khoảng cách quy định 12 hải lý để vẽ đường cơ sở thẳng quanh đảo. Do vậy, đá Ba Đầu theo quy định của UNCLOS 1982 là thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Theo vị trí thì toàn bộ bãi này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, tuy nhiên khoảng cách từ đảo Sinh Tồn Đông (Việt Nam đang đóng quân) đến bãi Đá Ba Đầu khoảng 7-10 hải lý nên bãi Đá Ba Đầu nằm trong lãnh hải của Sinh Tồn Đông. Do đó, Việt Nam chỉ yêu cầu nó như là một phần lãnh hải của đảo Sinh Tồn Đông, không có cơ sở để thừa nhận chủ quyền trực tiếp được.
Việt Nam tuyên bố chủ quyền Sinh Tồn Đông và đã đóng quân ở đó liên tục từ ngày 15/3/1978 đến nay. Theo thực trạng đó thì Ba Đầu thuộc chủ quyền của Việt Nam với tư cách là phần nội thủy / lãnh hải của Sinh Tồn Đông (dù vị trí địa lí ở trong EEZ của Philippines. Thật ra Philippines cũng có đòi chủ quyền đối với các đảo ở đây, có cả Sinh Tồn Đông, nhưng có lẽ vì quan hệ tế nhị với Việt Nam nên trong tuyên bố họ chỉ nói tới EEZ, do đó Philippines chỉ nói đến quyền chủ quyền và quyền tài phán chứ không nói tới nội thủy/lãnh hải và chủ quyền).
Trong khi đó, Ba Đầu thuộc nội thủy/lãnh hải của Sinh Tồn Đông, tức thuộc chủ quyền chứ không phải chỉ quyền chủ quyền của Việt Nam.
Cuối tháng 3/2021, Philippines công bố thông tin về việc hàng trăm tàu Trung Quốc tập trung gần đá Ba Đầu.
Manila cáo buộc nhóm này là các tàu dân quân biển của Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh phản bác các cáo buộc, nói rằng đó là các tàu cá đang trú ẩn tránh thời tiết xấu.
Theo BenarNews, chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đến cuối tháng 5/2021 đã đệ trình tổng cộng 100 công hàm ngoại giao đến Trung Quốc phản đối các hoạt động của nước này ở Biển Đông.
Số lượng tàu của Trung Quốc tại khu vực đã giảm đáng kể sau đó, song truyền thông Philippines đưa tin vào giữa tháng 6/2021, số lượng đã tăng trở lại lên hơn 200 tàu tại khu vực cụm Sinh Tồn, gồm cả gần đá Ba Đầu.
Chiến thuật vùng xám, theo định nghĩa của chuyên gia Michael Green thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (SCIS), là những hành vi cao hơn hoạt động răn đe thông thường nhằm đạt được các mục tiêu an ninh nhưng vẫn nằm dưới ngưỡng có thể gây ra các phản ứng vũ trang.
"Chiến thuật vùng xám" là hoạt động có chủ đích nhằm "lách luật" quốc tế để tránh bị lên án và đang được Trung Quốc sử dụng để mở rộng kiểm soát không gian biển, hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò trên Biển Đông, biến khu vực không tranh chấp thành tranh chấp, các nhà nghiên cứu quốc tế cảnh báo.
Tàu hải cảnh của Trung Quốc nhìn từ tàu cảnh sát biển Việt Nam ở Biển Đông hôm 14/5/2014. Reuters
Theo đó, chiến thuật này đã liên tục được Trung Quốc thử nghiệm và điều chỉnh qua những cuộc đối đầu với lực lượng chấp pháp của các nước, đặc biệt ở Biển Đông từ năm 2006.
Ở Biển Đông, Bắc Kinh đang sử dụng Lực lượng dân quân biển vũ trang (PAFMM), hạm đội đánh cá có vũ trang của Trung Quốc, làm "người chơi" trong chiến thuật vùng xám nhằm khẳng định các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với các vùng lãnh thổ tranh chấp.
PAFMM củng cố các tuyên bố của Bắc Kinh bằng cách ngăn ngư dân các nước Đông Nam Á ra ngư trường màu mỡ truyền thống của họ và tạo điều kiện cho đội tàu đánh cá khổng lồ của Trung Quốc tiếp cận các ngư trường trên.
Đối với vấn đề Biển Đông, "chiến thuật vùng xám" được Trung Quốc áp dụng là "sử dụng kỹ thuật để đạt được các mục tiêu của một quốc gia và làm nản lòng các đối thủ của mình bằng cách sử dụng các công cụ sức mạnh – thường có tính chất không cân xứng và mơ hồ - mà không phải sử dụng trực tiếp các lực lượng quân sự thông thường đã biết".
"Điều này có thể thấy rõ khi Trung Quốc cho giàn khoan Hải Dương 981 cùng đội tàu hộ tống vũ trang phi quân sự, gồm tàu hải cảnh, hải giám và đặc biệt là đội tàu cá trá hình… xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam năm 2014.
Phó Đô đốc Yoji Koda, cựu Tư lệnh Lực lượng phòng vệ Biển Nhật Bản nói : "Trong "chiến thuật vùng xám" của mình, Trung Quốc triển khai các tàu của lực lượng hải cảnh tới các khu vực ở Biển Đông và thực thi cái gọi là "luật pháp Trung Quốc" tại những khu vực mà nước này tự tuyên bố có chủ quyền. Nếu Trung Quốc thành công trong việc áp đặt luật pháp của mình tại các khu vực này, điều đó đồng nghĩa với việc họ áp đặt được luật pháp của mình lên các nước khác cũng như những vùng biển đó sẽ trở thành vùng biển của họ. Chính vì thế, các nước trong khu vực cần hiểu rõ thông điệp ngầm ẩn của Trung Quốc thông qua chiến thuật vùng xám để đạt được mục đích của họ và hết sức thận trọng trước mưu đồ của Trung Quốc".
Cũng theo Phó Đô đốc Yoji Koda, để đối phó lại với "chiến thuật vùng xám" của Trung Quốc, các quốc gia cần cơ chế pháp lý đủ mạnh và sự ủng hộ rộng lớn của cộng đồng quốc tế.
Từ năm 2009, Trung Quốc đã đưa dân quân biển tham gia nhiều vụ đụng độ đáng chú ý trên Biển Đông, như quấy rối tàu Impeccable của Mỹ năm 2009 tại phía nam đảo Hải Nam ; hỗ trợ hải quân Trung Quốc chiếm bãi cạn Scaborough năm 2012 ; hỗ trợ tàu Hải Dương 981 thăm dò trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam năm 2014 ; đánh cá trộm tại vùng biển Indonesia năm 2016 ; quấy rối tàu thăm dò dầu khí của Malaysia tại bãi Luconia năm 2019 ; hộ tống, bảo vệ tàu Hải Dương 8 hoạt động thăm dò trái phép tại Bãi Tư Chính của Việt Nam tháng 7/2019...
Dân quân biển Trung Quốc ngày càng được tăng cường trên Biển Đông nhằm đảm bảo sự hiện diện thường xuyên, lâu dài, kiểm soát xung đột, lâu dần biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp, vùng tranh chấp thành vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc, tiến tới độc chiếm Biển Đông mà không gây ra xung đột với nước nào. Đó chính là mục đích sâu xa việc Trung Quốc sử dụng tàu dân quân biển.
Các con tàu này thường có lượng giãn nước trên 500 tấn, nghĩa là được lắp đặt hệ thống nhận dạng tự động (AIS), nhưng chỉ có chưa đến 5% số tàu này thực sự phát tín hiệu AIS, nhằm che giấu số lượng và hành động. Vì thế, Trung Quốc luôn giải thích những vụ cố ý đâm chìm tàu nước khác trên Biển Đông là các "tai nạn hàng hải thông thường".
Trung Quốc cũng cho tàu dân quân biển đâm va, quấy rối tàu nước ngoài hoạt động trong "đường 9 đoạn" phi pháp, để củng cố sự hiện diện của họ ở khu vực này.
Điều đáng lo ngại là lực lượng thực thi luật pháp của các nước trên biển thường rất khó xác định đâu là tàu cá Trung Quốc bình thường, đâu là tàu cá "bất thường" do dân quân biển chỉ huy. Vì thế, các nước thường kiềm chế, tránh leo thang xung đột, để không bị Trung Quốc cáo buộc "vi phạm nhân quyền" với ngư dân. Trong khi đó Trung Quốc ngày càng lợi dụng sự mơ hồ này để thực hiện mưu đồ.
Khi Trung Quốc thông qua Luật Hải cảnh tháng 1/2021, có hiệu lực từ đầu tháng 2, rất có khả năng nước này sẽ dùng lực lượng hải cảnh để hỗ trợ dân quân biển đi xâm chiếm trái phép ngư trường các nước khác. Bây giờ, nhận định đó đã được chứng minh qua việc Trung Quốc huy động 200 tàu cá đến đảo Sinh Tồn Đông, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Nói cách khác, sự việc nêu trên là phép thử của Trung Quốc khi áp dụng luật Hải cảnh trên Biển Đông - vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố nằm trong "đường 9 đoạn" phi pháp. Các tàu Trung Quốc chỉ bật đèn sáng suốt đêm mà không đánh bắt thể hiện rõ ý đồ thách thức.
Tuy nhiên, cũng không loại trừ động cơ sâu xa hơn của Bắc Kinh, là sẽ dùng các tàu cá để chiếm giữ vùng biển quanh đảo đá Sinh Tồn Đông, thuộc chủ quyền của Việt Nam, để tạo điều kiện cho các lực lượng khác tiến hành bồi đắp, san lấp đảo, tạo dựng đảo đá nhân tạo. Chiến thuật này Trung Quốc từng áp dụng với một số thực thể ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Với toan tính này, Trung Quốc có thể sẽ xây dựng một căn cứ lưỡng dụng dân sự - quân sự để tạo thành điểm tiền tiêu, từ đó hình thành mạng lưới liên hoàn, ngăn cản sự hiện diện của các nước ở Biển Đông. Đây là một bước tiến để Trung Quốc thực hiện mưu đồ phi pháp độc chiếm Biển Đông.
Luật Hải cảnh thực chất là một bước củng cố và tăng cường chiến thuật "vùng xám" của Trung Quốc. Việc Trung Quốc áp dụng luật này trên các vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền phi pháp, gây lo ngại cho nhiều nước và sẽ khiến tình hình Biển Đông thêm căng thẳng.
Hải cảnh Trung Quốc từng hộ tống ngư dân tràn xuống ngư trường của Việt Nam, Philippines và các nước khác, tham gia cản phá việc thăm dò, khai thác dầu khí của các nước. Vì vậy, Luật này sẽ dẫn đến xu hướng gay gắt hơn trong việc cản trở hoạt động kinh tế hợp pháp của các nước ven Biển Đông.
Luật Hải cảnh còn làm tăng nguy cơ xung đột vũ trang, gây ảnh hưởng đến an ninh khu vực, đi ngược lại luật pháp quốc tế, khi cho phép lực lượng này sử dụng vũ khí. Điều 22, Luật Hải cảnh "cho phép nổ súng vào các tàu nước ngoài tại các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền" là trái với quy định trong Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS).
Áp dụng Luật Hải cảnh không chỉ gia tăng căng thẳng với các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông mà còn khiến quan hệ Trung - Mỹ, Trung - Nhật xấu hơn.
Không loại trừ khả năng sau khi ban hành Luật Hải cảnh, Trung Quốc sẽ tuyên bố phần lớn Biển Đông là "vùng nội thủy" và "vùng trời" của nước này. Vì vậy, những mưu đồ trên còn cản trở các cuộc đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc. Cho phép hải cảnh nổ súng vào tàu nước ngoài cho thấy Bắc Kinh thiếu thiện chí đàm phán COC.
Việt Nam và Trung Quốc chủ trương thỏa thuận giải quyết tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, nhưng không có nghĩa là chỉ đàm phán ngoại giao mà còn có thể thông qua cơ chế tài phán quốc tế. Cùng với các nỗ lực ngoại giao, Việt Nam phải chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ, tư liệu lịch sử, chứng lý... để có thể đưa vấn đề Biển Đông ra Tòa án quốc tế khi cần thiết.
Tàu hải cảnh của Trung Quốc gần giàn khoan HD 981 đặt ở gần khu vực quần đảo Hoàng Sa hôm 14/5/2014. Reuters
Các lực lượng chức năng, đặc biệt là hải quân, không quân, cảnh sát biển, kiểm ngư, dân quân biển cần được đầu tư nguồn lực nhiều hơn nữa để hiện đại hóa trang thiết bị. Đơn cử, để đối phó với "chiến thuật vùng xám" và các tàu hải cảnh Trung Quốc thì chúng ta cần đóng mới, mua sắm các tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư lớn hơn, trang bị hiện đại hơn. Đồng thời, các lực lượng phải luôn chuẩn bị, không để xảy ra bị động, bất ngờ trên Biển Đông. Trong khi đó, cũng phải luôn chú ý bảo vệ chủ quyền biển đảo mạn Tây Nam.
Việt Nam cần tiếp tục duy trì sự có mặt của các lực lượng lao động hòa bình trên biển, để khẳng định chủ quyền một cách vững chắc. Các lực lượng chấp pháp luôn sẵn sàng có mặt để hỗ trợ, bảo vệ ngư dân.
Về lâu dài, chiến lược để bảo vệ chủ quyền biển đảo vững chắc nhất là phát triển thành quốc gia có kinh tế biển giàu mạnh, với những hạm đội tàu thương mại và quân sự hùng mạnh.
Theo một số chuyên gia, việc điều các chiến hạm của Mỹ hoặc Đông Nam Á tới để giải quyết các tranh chấp như chiến thuật ở đá Ba Đầu của PAFMM là một chiến lược thất bại.
Thứ nhất, nó có nguy cơ làm leo thang căng thẳng. Dù Hải quân Philippines có thể đánh chìm các tàu PAFMM nhưng các đơn vị hải cảnh và hải quân Trung Quốc, vốn đang tuần tra gần đó có thể đáp trả bằng lực lượng thậm chí còn lớn hơn nhiều nếu tàu PAFMM bị tấn công.
Thứ hai, phản ứng vũ trang của Hải quân Philippines hoặc các quốc gia Đông Nam Á khác hay của các tàu chiến Mỹ có khả năng trở thành một cơn ác mộng về quan hệ công chúng.
Ấn Độ sẽ đóng vai trò "điểm tựa" trên vũ đài thế giới trong thế kỷ 21, và đây là quan điểm sẽ được các thế hệ nối tiếp của chính quyền Washington nhất trí và chia sẻ, theo ông Kurt Campbell, người điều phối chính sách của Nhà Trắng tại Indo-Pacific, phát biểu tại sự kiện do Viện Hòa bình Mỹ tổ chức tại Washington D.C hôm 19/11/2021.
"Tôi rất lạc quan về tương lai với Ấn Độ. Tôi cho rằng tất cả chúng ta đều nhận ra Ấn Độ là thành viên then chốt và vô cùng quan trọng trong Bộ tứ Kim cương", ông Campbell đề cập cơ chế đối thoại an ninh giữa Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Úc.
Ông nhận định những vụ đụng độ biên giới năm 2020 giữa Ấn Độ và Trung Quốc trên dãy Himalaya đã tạo nên tác động sâu sắc đối với tư duy chiến lược và tầm nhìn tương lai của Ấn Độ. Theo đó, chính quyền New Delhi cảm thấy cần phải xây dựng mối liên kết chặt chẽ hơn nữa, không chỉ với Mỹ mà còn với các nước khác.
Bên cạnh đó, Việt Nam, cũng như Ấn Độ và một vài nước khác, đứng đầu danh sách các quốc gia sẽ xác định tương lai của Châu Á. Quan chức Mỹ gọi Việt Nam là "quốc gia chiến địa" tại Indo-Pacific.
Hiện nhiều hãng công nghệ cao và các nhà sản xuất đang tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam và sự tăng trưởng đáng nể của Việt Nam trong các lĩnh vực như công nghệ đang thu hút sự chú ý của nước ngoài.
"Tôi cho rằng bất kỳ chủ nhân tương lai nào khác của Nhà Trắng, dù xuất phát từ đảng Dân chủ hoặc Cộng hòa, đều sẽ làm mọi thứ cần thiết để xây dựng những mối quan hệ đó", ông Campbell nhấn mạnh.
Nhà báo Nguyễn Khanh bình luận : "Tôi gặp ông Kurt Campbell lần đầu tiên khi ông làm phụ tá cho ông Tổng Trưởng Quốc Phòng William Cohen (thời Clinton). Tôi kính trọng ông, luôn luôn coi ông là bà mụ (lẫn bà vú) của mối quan hệ quốc phòng Hoa Kỳ-Việt Nam sau thời chiến tranh. Tôi cũng có khá nhiều kỷ niệm với ông, đặc biệt nhất là những chuyện ông kể cho tôi nghe, như chuyện sau khi ông Tổng Trưởng Cohen dẫn phái đoàn quốc phòng vào Hà Nội hồi giữa tháng Ba năm 2000, "máy bay của chúng tôi vừa rời không phận Việt Nam thì được tín hiệu từ phía Bắc Kinh với nội dung là thăm viếng thế đủ rồi, đừng tiến xa hơn nữa".
Một chuyện khác cũng thú vị không kém là khi đón ông Nguyễn Minh Triết ở New York, ông Campbell có nói với một số người (và tôi được nghe lóm) rằng ông tin chỉ chục năm nữa trong khối ASEAN "Việt Nam sẽ là quốc gia thân thiết với Hoa Kỳ nhất".
Nhật Bản đã đồng ý tổ chức hội nghị thượng đỉnh của Bộ tứ vào năm 2022, và đây sẽ là dịp để các bên thảo luận cách thức tăng cường quan hệ của liên minh để đối phó Trung Quốc.
Tân Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã mời Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 22/11 đến 25/11/2021 để bàn về đối tác Nhật-Việt trong tình hình mới. Đây là nguyên thủ quốc gia đầu tiên đến Nhật Bản sau khi Thủ tướng Nhật Kishida Fumio nhậm chức.
Giáo sư Stephen Nagy, Phó giáo sư cao cấp về chính trị và nghiên cứu quốc tế tại Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế của Nhật, một trong những diễn giả của buổi hội thảo Biển Đông lần 13 vào sáng sáng 18/11/2021 cho biết :
"Theo tôi, Mỹ có cách tiếp cận phân lớp khi can dự các vấn đề ở Biển Đông. Thỏa thuận AUKUS thể hiện cho cái mà chúng ta gọi là năng lực răn đe sẽ được "neo" lại ở chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai, trong đó có Biển Đông. Sự hợp tác răn đe này sẽ đi cùng với cấu trúc an ninh của Mỹ dựa trên nhiều liên minh khác nhau.
Lớp thứ hai và lớp thứ ba là nhóm QUAD, trong đó Mỹ sẽ hợp tác với Nhật, Ấn và Úc để cung cấp hàng hóa công cho khu vực, xây dựng niềm tin của các bên liên quan với các cam kết ngoại giao, kinh tế và an ninh của Mỹ với khu vực.
Điểm cuối cùng tôi nghĩ có lẽ là phần yếu nhất trong sự can dự của Mỹ ở Biển Đông là thiếu một cột trụ kinh tế trong cam kết của họ. Đáng tiếc là chính quyền ông Trump đã rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). (Chuỗi đảo thứ nhất là một nhóm các đảo gồm Đài Loan, Okinawa và Philippines ; chuỗi đảo thứ hai thường được tính là từ quần đảo Bonin (Nhật Bản) đến quần đảo Mariana (được xem là thuộc lãnh thổ Mỹ) nằm ở phía đông của Philippines.
Tôi nghĩ trong khoảng 18 tháng tới sẽ tương đối bình lặng để đảm bảo các vấn đề ở Biển Đông không gây ra những bất ổn cho tình hình nội bộ của Trung Quốc. Đó sẽ là thời gian dành cho những đề nghị có lợi với Đông Nam Á chủ yếu thông qua hợp tác song phương".
Kể từ sự kiện HD-981 năm 2014 cho tới khi xảy ra sự kiện gần bãi Tư Chính năm 2019, dường như cách tiếp cận của Việt Nam vẫn chưa được hiệu quả trong việc răn đe Trung Quốc.
Việc Bắc Kinh lặp lại hành vi cưỡng ép khi cho các tàu hải cảnh, dân quân biển, cũng như tàu khảo sát địa chất hải dương 8 (HYDZ-8) quấy phá trong vùng biển của Việt Nam cho thấy "vùng xám" vẫn là một cách tiếp cận "khó chịu" đối với Việt Nam.
Sự kiện ở Ba Đầu là một lời cảnh báo, và cũng là một lời nhắc nhở, rằng Trung Quốc hoàn toàn có thể lập lại chiến thuật mà họ đã sử dụng rất thành công ở Scarborough để chiếm giữ hoàn toàn đá Ba Đầu.
Vị thế chiến lược của Ba Đầu cho phép Trung Quốc "khóa chặt" các vị trí của Việt Nam ở cụm Sinh Tồn, nhất là đảo Sinh Tồn Đông khi có xung đột. Đó là chưa kể, nếu Bắc Kinh có tham vọng xây đảo nhân tạo ở vị trí đá Ba Đầu, họ sẽ xây dựng được một trung tâm hậu cần mạnh, giúp tăng cường hơn nữa năng lực tổng thể của chiến thuật vùng xám vốn đã thành công.
Hành trang mang theo đến Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính không gì ngoài an ninh khu vực cho Việt Nam trong mối quan hệ song phương với Nhật Bản.
Nguyễn Trường
Nguồn : RFA, 22/11/2021
Phạm Minh Chính lên chức Thủ tướng vào ngày 5 Tháng Tư 2021. Ông Chính một mặt tỏ ra có quan điểm chống chạy chức, chạy quyền trong hệ thống tổ chức đảng và Nhà Nước, tỏ ra cùng phe với ông Trọng trong việc "đốt lò". Nhưng sự thật là :
Phạm Minh Chính, lúc còn là Trưởng ban Tổ chức Trung ương, trong buổi tiếp Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc Triệu Lạc Tế tại Hà Nội vào cuối tháng Một 2018 (ảnh : VOV)
Em trai ông Chính là Phạm Trí Thức, là Phó Chủ Nhiệm Ủy Ban Pháp Luật của Quốc Hội nên Quốc Hội đã trao quyền cho ông Chính đứng trên luật pháp để chống dịch. Em gái ông Chính là Phạm Thị Thanh, Vụ trưởng Vụ Nội Chính (Vụ 4), Văn phòng Chính phủ. Đây là một chính khách cộng sản duy nhất đến nay công khai việc các em ruột của mình giữ các chức vụ quan trọng ngay bên cạnh khi đương nhiệm.
Ông Chính đặc biệt quan tâm đến tình trạng suy thoái của Đảng Cộng sản, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", "cần phải kiên trì, kiên quyết với nó hơn nữa". Ông Chính hiện kiêm nhiệm cả ghế Phó Chủ Tịch Hội Đồng Quốc Phòng và An Ninh và Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch (thay ông Vũ Đức Đam). Và công khai muốn bộ máy tinh giản, để có thể nắm thêm nhiều ghế hơn nữa.
Ông Chính với 15 năm phục vụ trong ngành "công an nhân dân" đã đạt cấp bậc trung tướng, có chuyên môn về tình báo ; từng giữ chức Cục trưởng Cục Tình báo Kinh tế và Khoa học kỹ thuật Bộ Công an rồi Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Công an. Những năm này, ông còn là giảng viên đại học, giảng dạy tại các trường công an như học viện Tình báo, học viện an ninh nhân dân. Nguyễn Tấn Dũng đã ít nhất ba lần bổ nhiệm và thăng quân hàm cho Phạm Minh Chính vì từng là êkíp của nhau.
Khi làm lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh từ 2011/2015, ông Chính là người thúc đẩy dự án Đặc khu kinh tế Vân Đồn, sau đó là luật Đặc Khu. Đầu năm 2018 là khi ông Chính chính thức ngả theo Trung Quốc, quên đi chủ quyền dân tộc.
Một bản tin tiếng Anh đăng ngày 6 Tháng Hai của Trung tâm nghiên cứu Đặc khu kinh tế Trung Quốc – CCSEZR (China Center for Special Economic Zone Research) thuộc trường Đại học Thâm Quyến, Quảng Đông, theo đó ông Phạm Minh Chính nói với Giáo sư Đào Nhất Đào, Giám đốc Trung Tâm, người gọi ông Chính là "một người bạn cũ", rằng việc thăm lại Đại học Thâm Quyến lần nữa là "một trải nghiệm rất ấm cúng", giống như "trở về nhà, gặp lại các anh chị em". Phải nói thêm rằng bà Đào Nhất Đào hiện là chủ tịch Viện nghiên cứu Một vành đai Một con đường ở Thâm Quyến, theo tờ The Star (thông tin của BBC đưa ngày 27 Tháng Sáu 2018).
Vậy là Việt Nam đang có một người đứng đầu thân Trung Quốc coi trọng quyền lực của cá nhân hơn chủ quyền đất nước, thích theo dõi và nghi ngờ tất cả, tham và si mê quyền lực ngay từ đầu, gió chiều nào theo chiều đó, xây dựng mô hình gia đình trị và đàn áp thẳng tay bất kì ai ảnh hưởng đến quyền lực của ông ta.
147 ngày qua, ông ta đã bắt những người bất đồng chính kiến sau đây :
– Chị Nguyễn Thúy Hạnh, nhà hoạt động xã hội dân sự, bị bắt tại Hà Nội ngày 7 Tháng Tư 2021 (hai ngày sau khi ông ta nhậm chức).
– Dương Khải, nhà hoạt động nhân quyền người Khmer Krom, bị bắt tại Đồng Nai ngày 13 Tháng Tư 2021, sau đó phải thả ra vì không có bằng chứng để buộc tội.
– Nguyễn Phước Trung Bảo, nhóm Báo Sạch, bị bắt ngày 20 Tháng Tư 2021.
– Đoàn Kiên Giang, nhóm Báo Sạch, bị bắt ngày 20 Tháng Tư 2021.
– Nguyễn Thanh Nhã, nhóm Báo Sạch, bị bắt ngày 20 Tháng Tư 2021.
– Lê Thế Thắng, nhóm Báo Sạch, bị bắt sau đó được tại ngoại do có bố là tướng công an về hưu, chắc là do trong ngành với Phạm Minh Chính.
– Trần Ngọc Sơn, người dùng mạng xã hội đăng tải nhiều bài viết bất lợi trước thềm bầu cử, bị bắt ngày 20 Tháng Năm 2021 tại Vĩnh Phúc.
– Đỗ Nam Trung (Nghĩa), nhà hoạt động xã hội, bị bắt tại Hà Nội ngày 6 Tháng Bảy 2021.
– Mai Phan Lợi, nhà báo, bị bắt ngày 2 Tháng Bảy 2021 tại Hà Nội.
– Đặng Đình Bách, nhà hoạt động xã hội, bị bắt ngày 2 Tháng Bảy 2021.
– Trần Hoàng Huấn, người bình luận mạng xã hội, bị bắt tại Tiền Giang ngày 8 Tháng Mười 2021.
– Và hôm nay, 30 Tháng Tám 2021, Bùi Văn Thuận, nhà hoạt động xã hội và bất đồng chính kiến, bị bắt tại Thanh Hóa.
Ngoài ra, còn một số người không nổi tiếng bị bắt và bị xử án rất nặng như anh Cao Văn Dũng bị kết án 9 năm tù, 3 năm quản chế hôm 6 Tháng Bảy 2021 vừa rồi ở Quảng Ngãi… Tính trung bình cứ khoảng 10 ngày bắt một người bất đồng chính kiến. Đó là chưa kể việc xử phạt hành chính hàng chục người vì nói xấu lãnh đạo, đưa tin Covid "xuyên tạc"… từ 5 đến 10 triệu đồng (trong khi báo đảng thì đưa tin giả ầm ầm và khi bị phát hiện thì chả làm sao !)
Về việc chống dịch, rõ ràng là ông Chính kém cỏi ; đến khẩu trang còn đeo ngược và lại còn đeo loại "khẩu trang ích kỷ" (như bài viết của chị Phạm Thị Hoài đã nêu rõ). Nhưng ông Chính là kiểu chính khách xuôi ngược gì đều lấp liếm được hết, nên dịch có toang, dân có chết thì ông ta cũng không ngại. Ông ta đã bảo dân phải sống chung với dịch rồi còn gì.
Những chính khách mải mê quyền lực bất chấp mọi thứ như ông Chính là kiểu chính khách mà Trung Quốc tà ác khoái nhất, vì là công cụ tốt để đè đầu cưỡi cổ dân Việt. Còn ông Chính đã công khai chọn Trung Quốc bằng mọi giá để giấc mộng quyền lực mãi mãi thực thi, cho dù cả dân tộc ông ta có phản đối thế nào. Trung Quốc chọn ông ta để đưa lên đứng đầu nước ta vì ông ta có đủ mọi tính chất có lợi nhất cho chúng. Ông ta trẻ hơn Nguyễn Phú Trọng 15 tuổi, có dã tâm trông thấy và lại thành thục trong việc dùng vũ lực và mưu mô. Nhất là ông ta có dáng dấp của một tên độc tài.
Chừng nào ông Chính và chế độ cộng sản tuy hai mà một với Trung Quốc còn, dân nước Việt sẽ im lặng một ngàn năm trong bóng đêm, không có cửa để lên tiếng như dân Myanmar và Hong Kong. Nếu người dân còn tiếp tục sợ đàn áp, sợ liên kết với nhau và sợ đủ thứ khác.
Thực ra, người dân Việt Nam không còn tin vào sự tốt đẹp của đảng cộng sản và chủ nghĩa xã hội từ lâu rồi. Sự sụp đổ của chế độ cộng sản, của những kẻ bán nước hại dân này chậm xảy ra bởi vì nhân dân phó mặc cho may rủi. Và do sự thờ ơ của đám đông Việt Nam với mọi niềm tin chung ; bởi sống quá lâu dưới một chế độ lừa đảo giả dối và biết cách đánh cắp niềm tin của mọi người.
Dịch bệnh chết chóc nhiều vậy, nhiễm gần nửa triệu người và đã chết hơn 11,000 đồng bào…, có lẽ đã đến lúc chúng ta phải đối mặt với nỗi sợ để mà hành động. Hãy tìm hiểu về BẤT TUÂN DÂN SỰ. Nếu không, Việt Nam chỉ có rủi chứ không có may nữa.
Hoa Nguyễn
Nguồn : Saigonnhonews, 30/08/2021