Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Dư luận những ngày qua vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh câu chuyện Đồng Tâm, về những cái "đầu tiên’ trong sự việc này.

thuthach1

Cảnh sát cơ động được người dân thả ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 22 tháng 4 năm 2017. AFP photo

Không thiếu những ý kiến trái chiều được đưa ra sau cách giải quyết của chính quyền Hà Nội, đặc biệt là bàn tán về tính chất pháp lý và nội dung của bản cam kết do ông Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, Nguyễn Đức Chung viết và ký.

Bên cạnh tính pháp lý, là những tranh về vấn đề mang tính xã hội đọng lại sau Đồng Tâm.

Chỉ trong một tuần lễ, cái tên Đồng Tâm, Mỹ Đức đã vượt ra khỏi phạm vi lãnh thổ Việt Nam, gây chú ý trên cả những trang tin tức nước ngoài.

Trong nước, có người so sánh và gọi đây là một Tiên Lãng thứ hai. Có người nhìn Đồng Tâm và nghĩ về Ô Khảm.

Nhưng trên tất cả, với người dân trong nước, Đồng Tâm, Mỹ Đức bỗng dưng trở thành hình ảnh đại diện "vượt rào lịch sử", là sự kiện chưa từng xảy ra trong lịch sử Việt Nam hiện đại, sau năm 1975.

Lần đầu tiên, tầng lớp "dân đen" phản kháng bằng cách bắt giữ 38 cán bộ và công an làm con tin.

Lần đầu tiên cuộc đối thoại chính thức diễn ra giữa chính quyền nhà nước và người dân, liên quan đến vấn đề gây nhức nhối cho xã hội từ nhiều năm nay, đó là cưỡng chế đất đai, khiếu kiện và luật pháp.

Và cuộc đối thoại kết thúc bằng một bản cam kết cũng chưa từng có trong lịch sử hành pháp và tư pháp của Việt Nam : Bản viết tay của chính ông Chủ tịch UBND Thành phố cùng với chữ ký của những vị đại biểu Quốc hội làm người đại diện, được đọc lên sau đó trước mặt toàn thể người dân thôn Hoành.

Niềm tin ?

Trước khi đề cập đến tính pháp lý, phản ứng đầu tiên của dư luận là vấn đề niềm tin.

Dịch giả Phạm Nguyên Trường đưa ra trên trang cá nhân của ông :

‘Đây là một thắng lợi chưa từng có và sẽ là khởi đầu của cả một phong trào’.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mạc Văn Trang bình luận trên trang cá nhân rằng :

"Theo tôi, Ông Chung đã công bố bản Cam kết giấy trắng mực đen, tự tay ông viết và ký (chứ không phải thư ký viết nhé). Bản Cam kết công khai trước toàn dân, trước thế giới, điều đó còn lớn hơn sinh mạng chính trị của ông. Ông có thể mất chức, chứ không bao giờ phản bội lại điều đã cam kết với dân. Vì đó là danh dự, nhân phẩm, nhân cách của con người – còn cao mọi cái. Hơn nữa ông Chung không phải dân thường, Ông là người đại diện cho Thủ đô ngàn năm Văn hiến, bao nhiêu cặp mắt dõi theo Ông, bao nhiêu niềm tin gửi gắm nơi Ông. Ông không thể phản bội lại người Dân và phản bội chính mình !"

Niềm tin này cũng được Luật sư Trần Quốc Thuận, Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đồng ý.

"Lời cam kết của ông Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội được viết thành văn bản, có chữ ký, kèm theo chữ ký của 1 số đại biểu quốc hội và một số cơ quan khác, được đọc công khai thì tôi nghĩ về nguyên tắc thì lời nói đó phải được thực hiện".

Ông Trần Quốc Thuận nói thêm ông tin lời hứa "Sẽ thanh tra trong vòng 45 ngày" của ông Nguyễn Đức Chung là hoàn toàn có thể thực hiện được.

Nhưng, cách Đồng Tâm khoảng 30 cây số, là làng Dương Nội, nơi có bà Cấn Thị Thêu, người đấu tranh giữ đất đang bị 20 tháng tù giam theo điều 254 Bộ luật hình sự. Con trai của bà, anh Trịnh Bá Phương, hoàn toàn không có niềm tin với lời cam kết của ông Nguyễn Đức Chung. Anh kể lại câu chuyện đầu tháng 4 năm 2014.

"Ông Nguyễn Đức Chung khi đó còn đang là giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã có buổi làm việc với mẹ em. Ông Chung nói rằng sẽ giải quyết khúc mắc của người dân Dương Nội, thì ít ngày sau, ngày 25 tháng 4 năm 2014, lực lượng công an gồm 1000 người, trong đó có khoảng vài trăm tên côn đồ cầm theo gậy gỗ đến đàn áp người dân Dương Nội. Bố em bị đánh rất tàn bạo. Mẹ em bị đánh bất tỉnh, rồi cho mẹ em vào bao tải rồi chở vào trại giam".

Tính pháp lý

thuthach2

Chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung (áo trắng) xuống xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 22 tháng 4 năm 2017. AFP photo

Không được thuyết phục đối với lời hứa của ông Nguyễn Đức Chung, Trịnh Bá Phương đặt cả nghi vấn về tính pháp lý của bản cam kết. Vấn đề anh đưa ra cũng có khá nhiều ý kiến tương đồng từ dư luận.

"Việc ông Chung hiện nay là giới chức chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội mà đưa ra quyết định không truy tố không khởi tố là vi hiến".

Nói rõ thêm về vấn đề này, Luật sư Đặng Đình Mạnh, công tác tại Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh gọi là "tiếm quyền tư pháp". Theo biện luận của ông, tuy Việt Nam không có tam quyền phân lập, nhưng nguyên tắc xét xử, nguyên tắc tư pháp vẫn là nguyên tắc xuyên suốt, nguyên tắc độc lập. Dựa vào qui định của pháp luật hiện thời, luật sư Mạnh cho biết :

"Cái nội dung không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người dân có hành vi vi phạm là việc của cơ quan tố tụng, ông Chung không có thẩm quyền để cam kết việc đó. Ổng cam kết việc đó là vô hình trung ổng quyết định giùm cho một cơ quan khác. Ổng không có quyền làm như vậy".

Phân tích thêm về nội dung trong bản cam kết của ông Nguyễn Đức Chung, một lần nữa, ở góc độ pháp lý, luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết luật pháp không có thủ tục này.

"Đối với ba nội dung nêu trong bản cam kết của ông chủ tịch, về mặt pháp lý, không hề có thủ tục này. Không có thủ tục nào để ông chủ tịch uỷ ban làm bản cam kết với dân cả. thật ra ông Chung là người đứng đầu bộ phận hành chánh của thành phố Hà Nội, thì ổng chỉ được phép làm những việc pháp luật cho ổng làm. Mà trong những việc đó thì không có việc cam kết".

Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Luật sư Trần Quốc Thuận, cũng đồng quan điểm ở nội dung này.

"Không truy tố truy cứu trách nhiệm hình sự với tất cả những người đó, theo pháp luật Việt Nam thì chưa đủ yếu tố pháp lý để có thể thực hiện. vì khởi tố hay truy tố là cơ quan tư pháp, công an, Viện Kiểm sát. Ông Chủ tịch Ủy ban không nói được".

Tuy nhiên, luật sư Trần Quốc Thuận nhớ lại một nội dung trong lời phát biểu của ông Nguyễn Đức Chung khi đưa ra bản cam kết :

"Ổng có nói rằng trước khi thông báo việc này tôi có trao đổi với ông Tô Lâm, là Bộ trưởng Bộ Công an và bên Viện Kiểm sát gì đấy. Nếu ông Tô Lâm chấp nhận để ổng nói thì lời hứa đó có thể thực hiện được".

Thử thách của nền tư pháp

Theo Luật sư Trần Quốc Thuận, câu chuyện Đồng Tâm còn nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ. Ông đặt câu hỏi :

"Tại sao những cảnh sát cơ động chịu buông tay để bị bắt giữ thì đó cũng là một câu hỏi cần phải làm rõ".

Một cách nhìn khác, vẫn ở khía cạnh pháp lý, luật sư Đặng Đình Mạnh đặt vấn đề cần quan tâm ở bản cam kết của ông Chủ tịch Ủy ban Thành phố Hà Nội. Ông xem đó như một sự thoả thuận giữa chính quyền và người dân Đồng Tâm. Chính sự thoả thuận đó, theo ông, là điều đáng lo ngại.

"Đáng lo ở chỗ nó sẽ tạo một tiền lệ rất xấu cho những trường hợp tương tự. Thật ra cái việc giải toả đất dẫn đến việc khiếu kiện của người dân thì không phải chỉ có ở Hà Nội, Đồng Tâm mới có, mà tất cả tỉnh thành tại Việt Nam đều có. Trước giờ người dân chọn giải pháp khiếu kiện một cách hợp pháp theo quy định của pháp luật. Chỉ một số ít trường hợp như Văn Giang, Tiên Lãng mang tính cách cá biệt, không phổ biến.

Riêng sự kiện ở Đồng Tâm rất có thể trở thành một ‘tấm gương’ một tiền lệ mà người ta sẽ theo đó làm. Vì người ta cho rằng chỉ cần manh động, bắt giữ người, chống người thi hành công vụ, huỷ hoại tài sản…rồi chẳng sao cả, rồi sẽ có một ông quan đầu tỉnh đến để có sự thương lượng, cam kết, rồi mọi chuyện ổn thoả. Tôi nghĩ đây sẽ là một thử thách rất lớn cho tương lai nền tư pháp nước nhà".

Trong những lời chia sẽ của luật sư Đặng Định Mạnh, ông đồng ý khái niệm ‘đối thoại’ thường được dùng cho biện pháp ngoại giao. Đối thoại để mang đến những giải pháp cả hai bên đều có lợi. Tuy nhiên, đối thoại giữa thôn Hoành và chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội thì theo ông, có vẻ như mang tính chất "đối phó" và "không còn cách nào khác".

Trên các trang mạng xã hội những ngày qua, rất nhiều lời ủng hộ và chúc mừng chiến thắng của người dân Đồng Tâm. Tuy nhiên, như luật sư Đặng Đình Mạnh, thì : "Nếu Đồng Tâm thắng, thì luật pháp nước nhà đã thua rồi".

Cát Linh, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 24/04/2017

Additional Info

  • Author Cát Linh
Published in Diễn đàn