Lê Nguyễn, VNTB, 27/02/2021
Cà chua rụng đầy đồng ở Mê Linh vì quá rẻ, vì không có người mua. Ảnh : Hoàng Vũ
"Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng : Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta…" – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Cá nhân người viết không có ý mai mỉa gì ở nhận xét trên của ông Nguyễn Phú Trọng, chỉ chút thắc mắc rằng vì sao đang có cảnh bà con nông dân nhà vườn ở xã Tráng Việt (huyện Mê Linh, Hà Nội) đổ bỏ rau củ vì giá rớt thảm hại, bán không ai mua ?
Xót không chỉ vì họ dãi nắng dầm mưa mấy tháng trời mới có được rau củ ấy mà tiếc bởi lãng phí cả công lẫn của. Tôi đang tự hỏi vai trò điều tiết của ngành nông nghiệp, công thương ở đâu, dự báo thị trường thế nào và có phải rau củ Hải Dương bị ‘tắc nghẽn’, đang giải cứu với giá rẻ như cho cũng góp phần ?
Covid-19 đã hoành hành cả năm nay chứ có mới mẻ gì đâu mà bị động đến nỗi giật thót "ngăn sông cấm chợ" cho an toàn để Hải Dương giờ đây xuất cũng khó mà lưu thông sang tỉnh thành khác cũng không dễ ! Chẳng biết sắp tới đây bà con còn phải đổ bỏ công sức, thành quả của mình đến mức nào khi mà lỗi đâu phải chỉ họ – mặc dù lãnh đạo thẳng thừng tuyên bố như trong bài báo Dân chở cả ôtô rau củ đổ sông, lãnh đạo nói "không cần giải cứu" .
Xin được biên ra đây câu chuyện sau để quý bạn đọc gần xa hiểu thêm về ‘sự khiêm tốn’ của vị Tổng Bí thư trải suốt 3 nhiệm kỳ. Câu chuyện liên quan đến bộ ảnh đăng kèm bài viết này.
Một thành viên trong bộ ảnh kể :
"Chiều ngày 22/02, tôi nhận được tin báo nhờ bán hộ 4, 5 tấn rau cải bẹ. Bên phía bà con đã chủ động thuê xe chở hàng đến chân cầu Thanh Trì.
11g30, hai xe tải của chúng tôi đã đến điểm nhận hàng, sang tải xong là hơn 1 giờ sáng ngày 23/02.
Một xe tải chở 2,5 tấn rau đến điểm bán tại Nhà văn hóa phường Đông Ngạc, và 2 tấn rau được chuyển đến điểm bán tại vỉa hè gần cây xăng phố Trần Vỹ. Tôi cũng đi xe đến cùng anh em bốc xếp rau lên xe.
Hơn 8 giờ sáng, chúng tôi dỡ hàng xuống bày bán, có căng băng rôn quảng cáo việc anh em lái xe khu vực Tây Hà Nội chung tay bán rau cải giúp cho bà con.
2 tấn rau được đóng vào các túi, mỗi túi 10kg. Chúng tôi đã bán hộ theo đúng giá bà con mong muốn là 30k/1 túi.
Trong khi bán hàng, chúng tôi không quên việc đảm bảo đúng quy định phòng dịch của Chính phủ. Buổi trưa trời nắng, các túi rau bị bốc mùi, nhìn xót xa quá, tôi gọi cho người đại diện của bà con thông báo tình hình.
Chẳng lẽ để bao công lao của người trồng lại bị mất đi, rồi bao tiền của mới chở được đến đây, mấy chị em chúng tôi đều đồng lòng : "đã giúp thì giúp cho trọn vẹn". Thế là đành mất công ngồi dỡ từng túi, tỉa từng cây, gọt từng tàu lá cho hết phần thối nhũn. Rồi xếp lại ngay ngắn để mời khách mua giúp.
Trong khi bán hàng, nhiều người dân muốn đưa thêm tiền để ủng hộ bà con, chúng tôi không nhận, vì mọi người mua rau giúp, thế là đã ủng hộ bà con rồi.
Mấy chị em cứ ngồi tỉ mẩn tỉa lá gọt cuống để cố vớt vát được thêm ít nào thì đỡ phần thiệt hại cho bà con, mà đã quá trưa rồi, lại không thấy đói nữa nên nhịn luôn.
Đến hơn 3 giờ chiều nắng xiên, vì đã ngồi phơi nắng cả sáng đến giờ nên ai cũng phờ phạc. Thấy bên tường có cái bạt to, chị em bảo nhau kéo bạt ra che cho dưa đỡ bị phơi nắng lại hỏng hết mất.
Được một lúc, đoàn cán bộ phường đến bắt cuộn bạt lại, chúng tôi làm ngay. Xong rồi, lại thêm mấy người nữa đến nói chúng tôi lấy cớ giải cứu để kinh doanh.
Một thành viên nhóm tôi nói lại :
– Chúng tôi không kinh doanh.
– Không kinh doanh sao lại đề giá 3.000 đ/ kg đây ?
– Đây là giá mà bà con nhờ chúng tôi bán hộ.
– Ai sẽ kiểm chứng tiền các anh chị bán được sẽ trả cho bà con thật không ?
– Chúng tôi tự bỏ tiền ra chở rau về đây đã không tính toán, bán giúp cho bà con thì lại nỡ ăn vài đồng tiền rau này của bà con thế à ?
– Covid lần trước, mấy tấn gạo chúng tôi còn phát miễn phí cho bà con được, thì mấy đồng tiền rau lần này mà lại dám ăn à ?
– Thôi, dẹp ngay, đừng lợi dụng giải cứu mà lấn chiếm vỉa hè lòng đường, tịch thu hết.
Chính quyền, công an giật xé băng rôn, tịch thu các túi rau chất lên xe tải. Cả đoàn kéo nhau đi, bỏ lại một đống rau tan nát, vương vãi trên vỉa hè.
Tôi cứ đứng ngây người ra đấy nhìn họ, những người cán bộ chính quyền của phường mà nghi ngờ việc làm thiện nguyện của cả tập thể thành viên nhóm tôi. Chúng tôi đều là những người dân lao động chân chính kiếm tiền bằng sức lao động của mình, đồng tiền chúng tôi kiếm được tuy ít nhưng sẵn sàng bớt tiền để đi làm thiện nguyện.
Chúng tôi nghèo tiền nhưng chúng tôi giàu lòng nhân ái. Những người dân đứng đấy đều nói tôi đi xin lại các túi rau bị tịch thu. Tôi sẵn sàng bỏ tiền ra đền số rau đã bị tịch thu đó.
Lại nghĩ đến đợt trước phát gạo miễn phí tại nhà mình, nhiều người đến muộn bị hết gạo, nhìn mặt họ buồn mà đau thắt lòng, tự nhiên lại thấy mình bất tài, không có nhiều tiền để giúp cho nhiều người. Nếu hôm đó chính quyền cũng đến tịch thu gạo thì sẽ còn nhiều hơn nữa những khuôn mặt buồn bã thất vọng lắm nhỉ.
Có người dân ở đấy cầm điện thoại lên thì bị một người trong đoàn cấm quay phim chụp ảnh. Người đó nói tôi quay chỗ rau, anh cấm được tôi à.
Đoàn cán bộ phường đi khỏi, chị em lại cần mẫn quét dọn thu gom đống rau nát đóng vào túi, trả lại vỉa hè thông thoáng sạch sẽ.
Tôi cũng đã kiểm đếm số tiền bán được công khai và cũng đã chuyển khoản số tiền thu được là 4.570.000 đồng. Bán 2 tấn rau, bị tịch thu không biết bao nhiêu túi, nhưng tiền kiểm đếm công khai, tiền đã gửi toàn bộ lại cho bà con.
Tiền ăn uống chúng tôi tự bỏ tiền túi. Tiền in băng rôn, tiền ăn uống cũng tự bỏ tiền ra mua…".
Nói theo ‘style’ Tổng Bí thư, thì với tất cả sự khiêm tốn, có lẽ không cần phải luận bàn thêm gì nữa ở đây nữa.
Lê Nguyễn
Nguồn : VNTB, 27/02/2021
*************************
Cửu Long, VNTB, 27/02/2021
Vắc-xin ngừa cô-vít mà tiền thuế của dân chúng được xuất để nhập về, và hứa hẹn ‘chích miễn phí’, chắc sẽ là món quà truyền thông đánh bóng tên tuổi ông cụ trong nhiệm kỳ mới.
Người dân Hà Nội nhổ bỏ hàng trăm tấn củ cải vì không bán được
Năm nay, Tết Tân Sửu, nhìn chung không khí tết tẻ nhạt, trầm lắng, hơi buồn. Cuộc sống khó khăn, nhiều nỗi lo, lại thêm dịch bệnh cô-vít đe dọa khiến thiên hạ không còn say tết nữa.
Ngó xung quanh thì rõ ngay, chứ chả như ông cụ kia mắc bệnh say sưa mạn tính, bảo rằng năm qua nhìn chung là một năm thành công thắng lợi. Ổng quen mồm rồi, còn dân bây giờ cũng không dễ bị lừa như hồi trước.
Năm 2020 có thể gọi là ‘năm của cầm đồ’ theo đúng nghĩa đen của nó.
Ông Phùng Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty F88 (hệ thống cầm đồ F88), cho biết năm 2020 đánh dấu sự bứt phá trong hoạt động phát triển kinh doanh. Ước tính dư nợ cho vay tăng trưởng 230% so với năm 2019 ; doanh thu và các nguồn thu tăng 220%. Vốn chủ sở hữu của F88 tăng 160% so với đầu năm với nhân sự đạt gần 2.000 người. Cuối năm 2020, F88 đã phát hành thành công trái phiếu với tổng giá trị 400 tỉ đồng qua Công ty chứng khoán Mirae Asset.
Còn với chuỗi cầm đồ Vietmoney, thì theo ông Trịnh Văn Phương, Tổng giám đốc và đồng sáng lập Công ty Vietmoney, cho biết : "Tốc độ tăng trưởng doanh số của công ty trong năm qua là 270%, với mạng lưới 23 chi nhánh hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương…
Vietmoney cũng vừa hoàn tất nhận vốn đầu tư series A từ Quỹ đầu tư Probus Opportunities (Probus là cổ đông lớn của chuỗi cầm đồ Srisawad tại Thái Lan) và Digi Ventures (DV). Theo đó, Probus và DV sẽ đồng nắm giữ 30% cổ phần tại Vietmoney và cùng tham gia hội đồng quản trị".
Tương tự, chỉ mới ra mắt trong những ngày đầu năm nay 2020, Công ty cổ phần tập đoàn tài chính T99 tuyên bố có vốn điều lệ lên tới 1.300 tỉ đồng, kỳ vọng sẽ đạt 500 phòng giao dịch trên toàn quốc trong 3 năm tới và có thể niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam.
Vì sao người ta phải đi đến tiệm cầm đồ ? Rõ hỏi vô duyên, đơn giản là người ta cần tiền, và "cầm đồ" được pháp luật công nhận là hoạt động kinh doanh có điều kiện, thuộc nhóm ngành nghề "dịch vụ hỗ trợ tài chính".
Nhiều người khi cần một khoản tiền gấp mà lại không có tài sản gì có giá trị lớn để thế chấp cho ngân hàng mà chỉ có những vật dụng có giá trị tầm trung như điện thoại, laptop,… Họ không thể mang những vật dụng đó đến ngân hàng để thế chấp vay tiền. Vậy thì còn giải pháp nào tốt hơn là đi đến một cửa hiệu dịch vụ cầm đồ, và sẽ có ngay một khoản tiền tương ứng với vật phẩm mình mang đến.
Có ý kiến, ‘cầm đồ’ thực ra trong nhiều trường hợp, cũng chỉ là tên gọi khác của ‘tín dụng đen’ từ cho vay nặng lãi qua dịch vụ mà thôi.
Một khách hàng của dịch vụ cầm đồ, kể là trải qua điệp khúc nhiều lần mở và đóng cửa quán tại phố đi bộ Bùi Viện, Sài Gòn vì dịch Covid-19 nên chuyện thất nghiệp tạm thời với Trần Anh T. trong năm qua là không thể nào quên.
T. cho hay, hồi trước Tết, khi nhận được thông báo, T. hối hả dọn dẹp quán để đóng cửa. Không ngờ, thời gian đóng cửa lại kéo dài đến sau Tết. "Bị nghỉ làm đột ngột tôi hơi lo lắng một chút về kinh tế. Cuộc sống sau Tết đến giờ khó khăn hơn, giờ tôi chỉ mong quán được mở cửa trở lại để kiếm tiền trang trải cuộc sống", T. nói.
Trở lại một chút với ông cụ được nhắc ở đầu bài viết này. Suốt nhiệm kỳ khóa XII của cụ, trong các diễn văn trước quốc dân, cụ luôn say sưa thành tích như căn bệnh mãn tính thường thấy ở người già lẩn thẩn.
Để chữa trị căn bệnh đó, chỉ cần lên mạng in-téc-nét lướt lướt con chuột, cụ sẽ thấy ngay lâu nay mình đã ‘bé cái nhầm’ đến đâu, qua những bài viết đăng rất tử tế trên báo chí mậu dịch trong tuần lễ sau kỳ nghỉ Tết Tân Sửu, mà ở tuổi già sức yếu, cụ chỉ cần đọc mỗi cái tựa thôi cũng là đủ lắm rồi : "Rau, củ chỉ còn 1.000 đồng/kg, người trồng nhổ bỏ làm phân" ; "Hàng trăm tấn bưởi đào đổ về Thành phố Hồ Chí Minh chờ giải cứu" ; "Cận cảnh người dân Hà Nội nhổ bỏ hàng trăm tấn củ cải vì không bán được".
Cửu Long
Nguồn : VNTB, 27/02/2021
Biển Đông là một trong những trọng tâm thảo luận tại Hội nghị bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) diễn ra ngày 18/11/2019 tại Bangkok, Thái Lan. Trước những hành động ngày càng hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông, Việt Nam hiện là nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc, khác với thái độ của một số nước ASEAN có tranh chấp (Tạp chí phát lần đầu tiên ngày 18/11/2019).
Tàu ngầm lớp Kilo 636 của Nga được giao cho Việt Nam. Ảnh minh họa. naval-technology.com
Tránh và không thể đối đầu trực diện với Trung Quốc, Việt Nam "kiên quyết" nhưng "khôn khéo" trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Theo một số chuyên gia, Hà Nội đang khéo léo mở ba mặt trận chống Trung Quốc : tăng cường khả năng quân sự, đấu tranh về mặt ngoại giao và giảm phụ thuộc vào Bắc Kinh.
Để đối phó với những hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam đã chi 5,1 tỉ đô la cho lĩnh vực quốc phòng trong năm 2019, trong đó 32,5% dành cho việc mua trang thiết bị quân sự. Ngân sách quốc phòng của Việt Nam dự kiến tăng hàng năm khoảng 9,43% trong giai đoạn 2020-2024, để đạt đến 7,9 tỉ đô la vào năm 2024. Tuy nhiên, tương quan lực lượng rõ ràng thiên về Trung Quốc, với ngân sách quốc phòng lên đến 228 tỉ đô la.
Ngoài ra, số quân nhân giữa hai nước cũng chênh lệch : Việt Nam có khoảng 482.000 quân nhân thường trực, trong khi Trung Quốc có gần 2,3 triệu quân. Nhiều dự liệu khác cũng cho thấy sự chênh lệnh : Việt Nam có 2.575 xe tăng so với 13.050 xe của Trung Quốc ; 6 tầu ngầm so với 76 ; 64 tầu chiến các loại so với 714 tầu, trong đó Việt Nam không có tầu sân bay, tầu khu trục.
Vậy Việt Nam có chiến lược gì để có thể kiềm chế nước láng giềng khổng lồ, đặc biệt là ở Biển Đông ? RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên trường Sư phạm Lyon (Ecole normale supérieure de Lyon)
RFI : Xét về thực lực quân sự, Việt Nam không thể đối đầu trực diện với quân đội Trung Quốc. Vậy Việt Nam có thể làm được gì để hạn chế Trung Quốc tung hoành ?
Laurent Gédéon : Trước tiên cần đặt câu hỏi là nếu trong trường hợp xảy ra xung đột giữa hai bên, thì sẽ là ở đâu ? Việc Việt Nam có đường biên giới trên bộ với Trung Quốc khiến người ta có thể hình dung đến khả năng xảy ra xung đột trên bộ. Nhưng trên thực tế, giả sử xảy ra xung đột, thì có lẽ sẽ diễn ra trên biển và có nhiều khả năng là trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nếu như căn cứ vào thực tế cuộc xung đột trên biển hiện nay, không chỉ ở Biển Đông nói chung, mà kể cả trong vùng biển của Việt Nam, và trong giả thuyết này, lực lượng hải quân Việt Nam sẽ giữ thế phòng thủ, chủ yếu chống lại hành động của quân đội Trung Quốc và sẽ tiến hành những hành động có chủ đích giúp họ giữ được lợi thế kỹ thuật, bất chấp bối cảnh bất cân xứng với đối thủ.
Chính vì thế, trong vài năm gần đây, Việt Nam đã mua nhiều trang thiết bị quân sự để cân bằng phương tiện. Chúng ta có thể nhận thấy điều này qua nhiều lĩnh vực, như việc mua 6 tầu ngầm, dù chỉ mang tính chất tương đối, nhưng cũng giúp Hà Nội tăng khả năng răn đe so với lực lượng của Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam cũng triển khai nhiều phương tiện theo dõi quan trọng, trong đó có thiết bị bay không người lái, hệ thống radar thế hệ mới, các lực lượng tại chỗ và máy bay.
Quân đội Việt Nam có một bước phát triển hướng ngoại, thông qua chiến lược Chống tiếp cận/Chống xâm nhập (Anti-Access/Area Denial, A2/AD), một khái niệm chưa có trước đó ở Việt Nam. Chiến lược này nhằm bảo vệ những hòn đảo mà Việt Nam kiểm soát ở quần đảo Trường Sa và dọc bờ biển Việt Nam. Chiến lược này cũng góp phần vào việc tăng khả năng phòng thủ của Việt Nam, thông qua việc phát triển hệ thống tên lửa tầm ngắn và tầm trung, mà Hà Nội trang bị nhiều trong những năm gần đây.
Theo tôi, trong trường hợp xảy ra đối đầu trực tiếp với quân đội Trung Quốc, Việt Nam sẽ không giành được chiến thắng về mặt quân sự, dù quân đội Việt Nam có nhiều chiến lược. Nhưng Việt Nam có thể sẽ gây khó khăn cho Trung Quốc và sẽ khiến một cuộc tấn công của Trung Quốc trở nên kém hiệu quả hơn.
RFI : Việt Nam đang mở rộng quan hệ hợp tác quân sự với nước ngoài, liệu chiến lược này có nguy cơ trở thành con dao hai lưỡi không ?
Laurent Gédéon : Điều đáng lưu ý là Việt Nam thực hiện chiến lược ngoại giao vận động hành lang từ nhiều năm nay. Và rõ ràng là Hà Nội nhận thấy sự phát triển những mối quan hệ này như một yếu tố cân bằng, một cách bù vào mức độ chênh lệch với Trung Quốc.
Hà Nội tìm cách phát triển quan hệ, chí ít là về mặt quân sự, với nhiều đối tác như đối tác chiến lược với Nhật Bản. Một ví dụ khác là mối quan hệ với Hoa Kỳ đã được tăng cường hơn rất nhiều. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên nếu nhìn vào những điểm tương đồng về lợi ích giữa hai nước, khi mà cả hai đều lo ngại về ý đồ bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Rõ ràng phía Mỹ sẽ tiếp tục và tăng cường sự năng động này trong tương lai, song song với việc số lượng trang thiết bị quân sự của Mỹ cung cấp cho Việt Nam đã tăng gấp đôi kể từ khi lệnh cấm vận được bãi bỏ năm 2016. Từ đó, Hà Nội đã mua nhiều máy bay không người lái, tầu tuần duyên và nhiều trang thiết bị khác. Ngoài ra, Việt Nam còn tăng cường hợp tác quân sự với nhiều nước khác, như Úc, Ấn Độ, cũng như nhiều nước Châu Âu.
Về câu hỏi : Chiến lược này có phải là con dao hai lưỡi hay không ? Trong mọi trường hợp, đây là chiến lược cần được tiến hành một cách thận trọng bởi vì mục đích của Hà Nội là tăng cường khả năng quân sự nhưng không để bị phụ thuộc vào một hoặc nhiều đối tác. Ngoài ra, chiến lược này cũng không nên để Trung Quốc diễn giải như là một mối đe dọa. Vì vậy, Việt Nam tìm cách phát triển khả năng phòng thủ và điều chỉnh các tuyên bố trong giới hạn khuôn khổ đòi chủ quyền, như vẫn làm trong những thập niên qua, mà không bao gồm những khu vực không nằm trong những yêu sách trước đó.
Ngoài ra, về mặt thương mại, Hà Nội cũng phải tính đến việc Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Trung Quốc cũng là nhà đầu tư trực tiếp lớn thứ 5 vào Việt Nam với số tiền gần 2,5 tỉ đô la trong năm 2018. Đó là một số yếu tố khiến chiến lược của Việt Nam khá là tế nhị. Chiến lược đó không phải là không áp dụng được nhưng cần được Hà Nội tiến hành một cách rất thận trọng và đó là điều mà Việt Nam đang làm một cách hiệu quả.
RFI : Việt Nam đề ra chính sách "Ba không"(không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào ; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam ; không dựa vào nước này để chống nước kia), nhưng trước sự đe dọa của Trung Quốc, liệu Việt Nam có nên xem lại chính sách này không ?
Laurent Gédéon : Đây không phải là chính sách gần đây mà xuất hiện lần đầu tiên trong Sách Trắng Quốc Phòng năm 1998, sau đó thường xuyên được nhắc đến, vào năm 2004, 2009 và tiếp tục được nêu lên trong Luật Quốc Phòng mới có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.
Dù mang tính mệnh lệnh "Ba không" nhưng thực ra chính sách này không hoàn toàn bó buộc. Và Việt Nam đã khai thác khía cạnh này dưới góc độ "đối tác". Có ba kiểu "đối tác", đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác toàn diện. Cụ thể, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga, Ấn Độ, Trung Quốc ; quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản, Úc, Pháp và đối tác toàn diện với Hoa Kỳ. Đáng chú ý là không có bất kỳ đối tác nào trong số này mang tên "liên minh quân sự".
Có thể thấy là Việt Nam tăng cường khả năng phòng thủ, cũng như hợp tác quân sự với nhiều cường quốc tham gia gìn giữ trật tự thế giới và đó là những lực lượng, với nhiều lý do khác nhau, tỏ ra ngờ vực Trung Quốc. Điều mà chúng ta có thể nói là Việt Nam vừa củng cố các phương tiện của mình, vừa phải làm việc trực tiếp với Bắc Kinh về các biện pháp xây dựng niềm tin nhằm ngăn cản Trung Quốc thống trị toàn bộ Biển Đông.
Nhưng Việt Nam cũng phải tự chuẩn bị trong trường hợp căng thẳng gia tăng. Và Hà Nội đang thực hiện điều này qua việc tăng cường quan hệ với các bên , trên thực tế, ít nhiều là những đối thủ của Bắc Kinh. Việt Nam phải tính đến việc bên cam kết mạnh nhất và có sức mạnh quân sự lớn nhất, đó là Mỹ và Hòa Kỳ lại có những mục tiêu riêng và những thách thức địa-chính trị riêng.
Và tình thế này cũng cần được cân nhắc với nhiều câu hỏi : Liệu Việt Nam có khả năng lấy lại các hòn đảo mà Hà Nội đòi chủ quyền mà không để xảy ra xung đột, mà cuộc xung đột đó lại do những nhân tố khác khởi xướng, ví dụ như Mỹ ? Liệu mâu thuẫn hiện nay giữa Bắc Kinh và Washington, nếu gia tăng thêm, có cho Việt Nam cơ hội không bị cuốn theo hay không ? Một câu hỏi khác cũng được đặt ra : Liệu những cam kết của Mỹ, trong trường hợp quan hệ với Bắc Kinh được cải thiện, có phải là "dấu chấm hết" cho những yêu sách và hy vọng của Việt Nam một ngày nào đó lấy lại chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và một phần Trường Sa ?
Có thể thấy chính sách "Ba không" không ngăn cản Việt Nam có những thỏa thuận quân sự, nhưng có vẻ không chắc cho Việt Nam bởi vì chính sách đó bị hạn chế trong những đòi hỏi chủ quyền. Có nghĩa là để lấy lại chủ quyền đối với một số hòn đảo, có thể sẽ xảy ra một cuộc xung đột vũ trang nhưng cuộc xung đột vũ trang đó sẽ kéo theo việc Việt Nam phải từ bỏ một nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của mình. Vì thế, cho đến nay, những vấn đề này được đặt ra nhưng chưa có câu trả lời.
RFI : Biển Đông là một vấn đề căng thẳng trong thời gian gần đây, với sự hiện diện của tầu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc trong vòng nhiều tháng. Giả sử trong trường hợp xảy ra xung đột nhỏ, khẩn cấp, Việt Nam có khả năng giải quyết như thế nào ?
Laurent Gédéon : Trường hợp trên giống trường hợp Bắc Kinh điều giàn khoan đến ngoài khơi đảo Tri Tôn vào tháng 05/2014, có nghĩa là Trung Quốc dùng chính sách "sự đã rồi", nhưng không thiên về hướng đe dọa quân sự. Lần trước Việt Nam cũng đưa tầu ra bám sát và phản đối ngoại giao. Lần này, phía Việt Nam cũng kiên quyết về mặt chính trị, nhưng cũng không tìm cách dùng vũ lực đuổi tầu Trung Quốc.
Theo quan điểm của tôi, chiến lược này có lẽ là tốt nhất vì tránh được đối đầu trực diện, đẩy Việt Nam vào thế tấn công, không có lợi như thế phòng thủ. Và chiến lược này cũng cho phép Hà Nội duy trì được hình ảnh "kiềm chế, hợp pháp" trước hành động được coi là "xâm lược" của Bắc Kinh. Và hành động này mang tính tích cực trong bối cảnh hình ảnh của Trung Quốc đang bị xấu đi trên thế giới.
RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên trường Sư phạm Lyon (Ecole normale supérieure de Lyon).
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 13/04/2020
Biển Đông là một trong những trọng tâm thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) diễn ra ngày 18/11/2019 tại Bangkok, Thái Lan. Trước những hành động ngày càng hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông, Việt Nam hiện là nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc, khác với thái độ của một số nước ASEAN có tranh chấp.
Tàu hải giám Trung Quốc đang săn đuổi tàu kiểm ngư Việt Nam ngoài khơi Trường Sa (Biển Đông) - Ảnh Reuters
Tránh và không thể đối đầu trực diện với Trung Quốc, Việt Nam "kiên quyết" nhưng "khôn khéo" trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Theo một số chuyên gia, Hà Nội đang khéo léo mở ba mặt trận chống Trung Quốc : tăng cường khả năng quân sự, đấu tranh về mặt ngoại giao và giảm phụ thuộc vào Bắc Kinh.
Để đối phó với những hành động ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam đã chi 5,1 tỉ đô la cho lĩnh vực quốc phòng trong năm 2019, trong đó 32,5% dành cho việc mua trang thiết bị quân sự. Ngân sách quốc phòng của Việt Nam dự kiến tăng hàng năm khoảng 9,43% trong giai đoạn 2020-2024, để đạt đến 7,9 tỉ đô la vào năm 2024. Tuy nhiên, tương quan lực lượng rõ ràng thiên về Trung Quốc, với ngân sách quốc phòng lên đến 228 tỉ đô la.
Ngoài ra, số quân nhân giữa hai nước cũng chênh lệch : Việt Nam có khoảng 482.000 quân nhân thường trực, trong khi Trung Quốc có gần 2,3 triệu quân. Nhiều dự liệu khác cũng cho thấy sự chênh lệnh : Việt Nam có 2.575 xe tăng so với 13.050 xe của Trung Quốc ; 6 tầu ngầm so với 76 ; 64 tầu chiến các loại so với 714 tầu, trong đó Việt Nam không có tầu sân bay, tầu khu trục.
Vậy Việt Nam có chiến lược gì để có thể kiềm chế nước láng giềng khổng lồ, đặc biệt là ở Biển Đông ? RFI tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên trường Sư phạm Lyon (Ecole normale supérieure de Lyon)
RFI : Xét về thực lực quân sự, Việt Nam không thể đối đầu trực diện với quân đội Trung Quốc. Vậy Việt Nam có thể làm được gì để hạn chế Trung Quốc tung hoành ?
Laurent Gédéon : Trước tiên cần đặt câu hỏi là nếu trong trường hợp xảy ra xung đột giữa hai bên, thì sẽ là ở đâu ? Việc Việt Nam có đường biên giới trên bộ với Trung Quốc khiến người ta có thể hình dung đến khả năng xảy ra xung đột trên bộ. Nhưng trên thực tế, giả sử xảy ra xung đột, thì có lẽ sẽ diễn ra trên biển và có nhiều khả năng là trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Nếu như căn cứ vào thực tế cuộc xung đột trên biển hiện nay, không chỉ ở Biển Đông nói chung, mà kể cả trong vùng biển của Việt Nam, và trong giả thuyết này, lực lượng hải quân Việt Nam sẽ giữ thế phòng thủ, chủ yếu chống lại hành động của quân đội Trung Quốc và sẽ tiến hành những hành động có chủ đích giúp họ giữ được lợi thế kỹ thuật, bất chấp bối cảnh bất cân xứng với đối thủ.
Chính vì thế, trong vài năm gần đây, Việt Nam đã mua nhiều trang thiết bị quân sự để cân bằng phương tiện. Chúng ta có thể nhận thấy điều này qua nhiều lĩnh vực, như việc mua 6 tầu ngầm, dù chỉ mang tính chất tương đối, nhưng cũng giúp Hà Nội tăng khả năng răn đe so với lực lượng của Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam cũng triển khai nhiều phương tiện theo dõi quan trọng, trong đó có thiết bị bay không người lái, hệ thống radar thế hệ mới, các lực lượng tại chỗ và máy bay.
Quân đội Việt Nam có một bước phát triển hướng ngoại, thông qua chiến lược Chống tiếp cận/Chống xâm nhập (Anti-Access/Area Denial, A2/AD), một khái niệm chưa có trước đó ở Việt Nam. Chiến lược này nhằm bảo vệ những hòn đảo mà Việt Nam kiểm soát ở quần đảo Trường Sa và dọc bờ biển Việt Nam. Chiến lược này cũng góp phần vào việc tăng khả năng phòng thủ của Việt Nam, thông qua việc phát triển hệ thống tên lửa tầm ngắn và tầm trung, mà Hà Nội trang bị nhiều trong những năm gần đây.
Theo tôi, trong trường hợp xảy ra đối đầu trực tiếp với quân đội Trung Quốc, Việt Nam sẽ không giành được chiến thắng về mặt quân sự, dù quân đội Việt Nam có nhiều chiến lược. Nhưng Việt Nam có thể sẽ gây khó khăn cho Trung Quốc và sẽ khiến một cuộc tấn công của Trung Quốc trở nên kém hiệu quả hơn.
RFI : Việt Nam đang mở rộng quan hệ hợp tác quân sự với nước ngoài, liệu chiến lược này có nguy cơ trở thành con dao hai lưỡi không ?
Laurent Gédéon : Điều đáng lưu ý là Việt Nam thực hiện chiến lược ngoại giao vận động hành lang từ nhiều năm nay. Và rõ ràng là Hà Nội nhận thấy sự phát triển những mối quan hệ này như một yếu tố cân bằng, một cách bù vào mức độ chênh lệch với Trung Quốc.
Hà Nội tìm cách phát triển quan hệ, chí ít là về mặt quân sự, với nhiều đối tác như đối tác chiến lược với Nhật Bản. Một ví dụ khác là mối quan hệ với Hoa Kỳ đã được tăng cường hơn rất nhiều. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên nếu nhìn vào những điểm tương đồng về lợi ích giữa hai nước, khi mà cả hai đều lo ngại về ý đồ bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Rõ ràng phía Mỹ sẽ tiếp tục và tăng cường sự năng động này trong tương lai, song song với việc số lượng trang thiết bị quân sự của Mỹ cung cấp cho Việt Nam đã tăng gấp đôi kể từ khi lệnh cấm vận được bãi bỏ năm 2016. Từ đó, Hà Nội đã mua nhiều máy bay không người lái, tầu tuần duyên và nhiều trang thiết bị khác. Ngoài ra, Việt Nam còn tăng cường hợp tác quân sự với nhiều nước khác, như Úc, Ấn Độ, cũng như nhiều nước Châu Âu.
Về câu hỏi : Chiến lược này có phải là con dao hai lưỡi hay không ? Trong mọi trường hợp, đây là chiến lược cần được tiến hành một cách thận trọng bởi vì mục đích của Hà Nội là tăng cường khả năng quân sự nhưng không để bị phụ thuộc vào một hoặc nhiều đối tác. Ngoài ra, chiến lược này cũng không nên để Trung Quốc diễn giải như là một mối đe dọa. Vì vậy, Việt Nam tìm cách phát triển khả năng phòng thủ và điều chỉnh các tuyên bố trong giới hạn khuôn khổ đòi chủ quyền, như vẫn làm trong những thập niên qua, mà không bao gồm những khu vực không nằm trong những yêu sách trước đó.
Ngoài ra, về mặt thương mại, Hà Nội cũng phải tính đến việc Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Trung Quốc cũng là nhà đầu tư trực tiếp lớn thứ 5 vào Việt Nam với số tiền gần 2,5 tỉ đô la trong năm 2018. Đó là một số yếu tố khiến chiến lược của Việt Nam khá là tế nhị. Chiến lược đó không phải là không áp dụng được nhưng cần được Hà Nội tiến hành một cách rất thận trọng và đó là điều mà Việt Nam đang làm một cách hiệu quả.
RFI : Việt Nam đề ra chính sách "Ba không" (không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào ; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam ; không dựa vào nước này để chống nước kia), nhưng trước sự đe dọa của Trung Quốc, liệu Việt Nam có nên xem lại chính sách này không ?
Laurent Gédéon : Đây không phải là chính sách gần đây mà xuất hiện lần đầu tiên trong Sách Trắng Quốc Phòng năm 1998, sau đó thường xuyên được nhắc đến, vào năm 2004, 2009 và tiếp tục được nêu lên trong Luật Quốc Phòng mới có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.
Dù mang tính mệnh lệnh "Ba không" nhưng thực ra chính sách này không hoàn toàn bó buộc. Và Việt Nam đã khai thác khía cạnh này dưới góc độ "đối tác". Có ba kiểu "đối tác", đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác toàn diện. Cụ thể, Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga, Ấn Độ, Trung Quốc ; quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản, Úc, Pháp và đối tác toàn diện với Hoa Kỳ. Đáng chú ý là không có bất kỳ đối tác nào trong số này mang tên "liên minh quân sự".
Có thể thấy là Việt Nam tăng cường khả năng phòng thủ, cũng như hợp tác quân sự với nhiều cường quốc tham gia gìn giữ trật tự thế giới và đó là những lực lượng, với nhiều lý do khác nhau, tỏ ra ngờ vực Trung Quốc. Điều mà chúng ta có thể nói là Việt Nam vừa củng cố các phương tiện của mình, vừa phải làm việc trực tiếp với Bắc Kinh về các biện pháp xây dựng niềm tin nhằm ngăn cản Trung Quốc thống trị toàn bộ Biển Đông.
Nhưng Việt Nam cũng phải tự chuẩn bị trong trường hợp căng thẳng gia tăng. Và Hà Nội đang thực hiện điều này qua việc tăng cường quan hệ với các bên, trên thực tế, ít nhiều là những đối thủ của Bắc Kinh. Việt Nam phải tính đến việc bên cam kết mạnh nhất và có sức mạnh quân sự lớn nhất, đó là Mỹ và Hòa Kỳ lại có những mục tiêu riêng và những thách thức địa-chính trị riêng.
Và tình thế này cũng cần được cân nhắc với nhiều câu hỏi : Liệu Việt Nam có khả năng lấy lại các hòn đảo mà Hà Nội đòi chủ quyền mà không để xảy ra xung đột, mà cuộc xung đột đó lại do những nhân tố khác khởi xướng, ví dụ như Mỹ ? Liệu mâu thuẫn hiện nay giữa Bắc Kinh và Washington, nếu gia tăng thêm, có cho Việt Nam cơ hội không bị cuốn theo hay không ? Một câu hỏi khác cũng được đặt ra : Liệu những cam kết của Mỹ, trong trường hợp quan hệ với Bắc Kinh được cải thiện, có phải là "dấu chấm hết" cho những yêu sách và hy vọng của Việt Nam một ngày nào đó lấy lại chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và một phần Trường Sa ?
Có thể thấy chính sách "Ba không" không ngăn cản Việt Nam có những thỏa thuận quân sự, nhưng có vẻ không chắc cho Việt Nam bởi vì chính sách đó bị hạn chế trong những đòi hỏi chủ quyền. Có nghĩa là để lấy lại chủ quyền đối với một số hòn đảo, có thể sẽ xảy ra một cuộc xung đột vũ trang nhưng cuộc xung đột vũ trang đó sẽ kéo theo việc Việt Nam phải từ bỏ một nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của mình. Vì thế, cho đến nay, những vấn đề này được đặt ra nhưng chưa có câu trả lời.
RFI : Biển Đông là một vấn đề căng thẳng trong thời gian gần đây, với sự hiện diện của tầu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc trong vòng nhiều tháng. Giả sử trong trường hợp xảy ra xung đột nhỏ, khẩn cấp, Việt Nam có khả năng giải quyết như thế nào ?
Laurent Gédéon : Trường hợp trên giống trường hợp Bắc Kinh điều giàn khoan đến ngoài khơi đảo Tri Tôn vào tháng 05/2014, có nghĩa là Trung Quốc dùng chính sách "sự đã rồi", nhưng không thiên về hướng đe dọa quân sự. Lần trước Việt Nam cũng đưa tầu ra bám sát và phản đối ngoại giao. Lần này, phía Việt Nam cũng kiên quyết về mặt chính trị, nhưng cũng không tìm cách dùng vũ lực đuổi tầu Trung Quốc.
Theo quan điểm của tôi, chiến lược này có lẽ là tốt nhất vì tránh được đối đầu trực diện, đẩy Việt Nam vào thế tấn công, không có lợi như thế phòng thủ. Và chiến lược này cũng cho phép Hà Nội duy trì được hình ảnh "kiềm chế, hợp pháp" trước hành động được coi là "xâm lược" của Bắc Kinh. Và hành động này mang tính tích cực trong bối cảnh hình ảnh của Trung Quốc đang bị xấu đi trên thế giới.
RFI : RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Laurent Gédéon, giảng viên trường Sư phạm Lyon (Ecole normale supérieure de Lyon).
Thu Hằng thực hiện
Nguồn : RFI, 18/11/2019