Nhiều nạn nhân ‘nô lệ thời hiện đại’ ở Anh xuất phát từ Việt Nam
Viễn Đông, VOA, 04/11/2019
Các "nô lệ thời hiện đại" ở Anh xuất phát từ 130 nước, trong đó Việt Nam thuộc nhóm đầu, theo báo cáo của Bộ Nội vụ Anh.
Theo phúc trình công bố trong tháng này, Việt Nam đứng thứ hai sau Albania về nơi xuất phát của các "nô lệ thời hiện đại". Trung Quốc đứng thứ ba trong danh sách.
Thông tin này gây chú ý trong dư luận Việt Nam, nhất là sau vụ 39 tử thi được phát hiện trong thùng xe tải đông lạnh ở Anh hôm 23/10.
Thoạt đầu, tin cho hay, toàn bộ các nạn nhân là "công dân Trung Quốc", nhưng sau đó một số gia đình người Việt lên tiếng nói rằng con em họ có thể nằm trong số những người tử vong khi bị đưa "lậu" tới Anh. Hôm 1/11, cảnh sát Anh tin rằng tất cả 39 người là công dân Việt Nam.
Báo cáo của Bộ Nội vụ Anh cho biết rằng chính phủ nước này "tiếp tục hợp tác với các nước xuất phát, nơi có con số lớn những người dễ bị tổn thương bị đưa lậu vào Anh", trong đó có việc triển khai Quỹ chống Nô lệ Hiện đại với giá trị hơn 33 triệu bảng ở ba nước gồm Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam cũng nhận được hỗ trợ từ Quỹ Bảo vệ Buôn bán Trẻ em với giá trị khoảng hơn 2 triệu bảng trong giai đoạn từ năm 2017 tới 2019.
Theo phúc trình trên, hơn 36 nghìn người dễ bị tổn thương ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, "đã được cung cấp các dịch vụ nhằm giúp ngăn chặn họ trở thành các nạn nhân hoặc giúp họ phục hồi sau khi bị bóc lột".
Một bài viết liên quan tới Việt Nam được nhiều người đọc nhất trên trang web của Bộ Ngoại giao Anh là về việc hai nước hồi tháng 11 năm ngoái thông báo hợp tác xử lý vấn đề "nô lệ thời hiện đại".
Khi đó, Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm và Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid "đã ký một biên bản ghi nhớ về buôn người, theo đó mở đường cho việc phối hợp hơn nữa về chia sẻ thông tin, hỗ trợ các nạn nhân và công tác ngăn chặn".
Theo phía Anh, nhiều nạn nhân "nô lệ thời hiện đại" ở Anh "xuất phát từ Việt Nam", và chỉ riêng năm 2017, chính quyền Anh nhận dạng 738 nạn nhân là từ Việt Nam.
Ông Javid được trích lời nói rằng "phối hợp với các nước như Việt Nam, nơi xuất phát của nạn nhân buôn người, thực sự mang tính sống còn nhằm ngăn chặn tình trạng nô lệ hiện đại diễn ra và không ngừng truy lùng các thủ phạm".
Trong một bài viết được nhiều tờ báo đăng tải hồi tháng Chín, Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Gareth Ward, viết rằng "những người Việt Nam di cư trái phép sang Anh là họ lựa chọn ra đi với mong ước về một mức thu nhập có thể trả nợ và nuôi sống gia đình".
"Nhưng họ không lường được rằng, ở mảnh đất bên kia địa cầu, nếu họ chỉ là lao động trái phép, họ chính là những ‘nô lệ thời hiện đại’", ông Ward viết.
"Nói đến mua bán người, có lẽ các bạn sẽ nghĩ đến Trung Quốc hay các nước láng giềng như Lào và Campuchia. Trên thực tế, người Việt Nam không chỉ bị mua bán đến các nước có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam mà còn tới các nước trong khu vực châu Á như Thái Lan, Hàn Quốc, Malaysia và thậm chí còn tới châu Âu, trong đó có Vương quốc Anh", đại sứ Anh viết.
"Ở nước Anh, chúng tôi sử dụng khái niệm ‘nô lệ thời hiện đại’ với hàm ý bao gồm mua bán người vì nạn nhân bị mua bán thường bị ép làm việc trong những điều kiện vô cùng tồi tệ, cả về thể xác lẫn tinh thần. Những năm gần đây, Việt Nam luôn là nước có số người nghi là nạn nhân của mua bán người và nô lê hiện đại cao nhất tại Anh, chỉ xếp sau Albania".
Ông Ward viết rằng "khác với các nạn nhân bị mua bán sang các nước láng giềng với thủ đoạn thường gặp như bắt cóc, gạ gẫm hay lừa gạt, những nạn nhân người Việt Nam tại Anh là những người tự nguyện ra đi, với giấc mơ về một miền đất hứa, kì vọng về cơ hội cải thiện kinh tế cho bản thân và gia đình".
"Rất nhiều trong số họ là những người đến từ những huyện còn khó khăn của Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình", nhà ngoại giao hàng đầu của Anh ở Việt Nam viết.
Nghệ An và Hà Tĩnh là hai tỉnh có nhiều hộ gia đình đã lên tiếng về khả năng con em họ có thể nằm trong số 39 thi thể bị phát hiện trong xe tải đông lạnh ở Anh hôm 23/10.
Viễn Đông
Nguồn : VOA, 04/11/2019
******************
"Em phải đến nước Anh trồng cần sa" !
Tre, RFA, 01/11/2019
Tại sao có một tỷ đồng không ở Việt Nam làm ăn mà lại đi ?
Tại sao đã đến Ba Lan, Đức, Pháp… không ở đấy làm ăn mà lại đi (đến Anh) ?
Tại sao bao nhiêu nghề không làm mà lại đi trồng cần ?
Tại sao biết nguy hiểm chết người vẫn cứ đi ?
Ông Bùi Phan Chính, cha của Bùi Phan Thắng ở Hà Tĩnh, một trong những người nghi ngờ nằm trong số 39 nạn nhân trên xe container vào Anh hôm 23/10/2019. HÌnh chụp hôm 29/10/2019 - Hình minh họa. AFP
Cách đây nhiều năm, tôi có dịp đi qua vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình-ba địa phương nổi bật nhất trong số những tỉnh có nhiều người nhập cư bất hợp pháp sang châu Âu, mà điểm đến cuối cùng là Anh, và công việc cuối cùng là trồng cần sa.
Hai địa phương kia là Quảng Ninh và Hải Phòng, thuộc dạng khác.
Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình nổi tiếng với đặc sản gió Lào ; riêng Quảng Bình có thêm combo "cát trắng-gió Lào", đến nỗi ngày xưa khi an táng thì ngôi mộ trên cát phải dằn hàng chục cục đá lên, kẻo sau một mùa gió thổi cát bay lộ cả xương trắng.
Gió Lào là trải nghiệm kinh khủng. Nó là thứ hơi nóng quần quật như bốc lên từ chiếc chảo rang khổng lồ mà con người chỉ là những hạt bắp bị đảo lộn xoay vần. Hơi nóng xoáy cuồn cuộn hầm hập hút khô mọi sinh lực, tóe lên trong không khí những quầng lửa sáng lóa liên tục. Chúng tôi phải hủy lộ trình định sẵn vì bị lả đi trong cái hỏa diệm sơn đó. Chỉ có thể ngồi gục xuống trong một cái quán dọc đường, đeo kính mát bảo vệ mắt, đắp khăn lên trán, uống nước liên tục và cố gắng không nhìn ra ngoài trời để khỏi lóa mắt và đau đầu. Chờ cho đến khi nắng chiều nguội hẳn, chúng tôi mới dám lên đường.
Những ngày trong mùa gió Lào, tôi nghĩ chỉ còn ở thành thị nơi có nhà cao che chắn và những chiếc máy lạnh còn có thể mang lại niềm an ủi cho dân công sở. Ở những vùng giáp biên giới, đồi chè, đồng ruộng… mùa gió Lào dường như sự sống chỉ bắt đầu khi tắt mặt trời.
Bà Hoàng Thị Ái, ông Hoàng Văn Lanh cùng chị gái của nạn nhân Hoàng Văn Tiếp ở Diễn Châu, Nghệ An hôm 28/10/2019. Hình minh họa. Reuters
Sinh ra ở những vùng khí hậu khắc nghiệt như vậy, ai lớn lên mà chẳng khát khao rời khỏi ? Đến nỗi có những động từ xuất hiện phổ biến theo từng giai đoạn lịch sử. Thời "xây dựng xã hội chủ nghĩa" là "thoát ly", và mấy chục năm nay, cụ thể hơn, là "xuất khẩu lao động".
Cách đây sáu bảy chục năm, thoát ly phần nhiều bằng con đường đi du học bằng học bổng Nhà nước, trở về làm các chức to trong các cơ quan Nhà nước-hồi ấy chỉ tập trung ở Hà Nội. Sau đó là bằng con đường đại học, hoặc theo chồng, theo vợ rời bỏ quê hương, sống ở các địa phương khác có điều kiện tự nhiên ưu đãi hơn, có nhiều việc làm hơn. Quảng Ngãi ở miền Trung, Nghệ An ở miền Bắc có truyền thống đoàn kết, có câu đùa là cứ có bằng tiếng Nghệ hay tiếng Quảng thì được nhận vào làm.
Xuất khẩu lao động, rộ lên từ khoảng 20-30 năm nay, là con đường vất vả hơn nhưng kết quả lại nhanh chóng và rỡ ràng hơn.
Con đường thứ tư-con đường cần sa, trở thành những người "chuyên cần", theo các báo cáo của tổ chức chống buôn người, cũng hình thành từ độ hai, ba chục năm nay.
Tại sao 90% người Việt nhập cư lậu vào Anh đều trở thành công nhân trồng cần sa, sau đó lên level thành chủ trại ?
Theo các báo cáo của các tổ chức chống buôn người và tường trình từ những người trong cuộc, các trại trồng cần sa thu hút người đến vì hai lý do : chủ động và bị động. Chủ động là từ những mối quen biết từ Việt Nam, người cùng làng, cùng xã, cùng họ… đã đi trước và đang "hành nghề" ở Anh, dẫn người đi sau sang. Mấu chốt là lòng tin để đảm bảo một công việc nguy hiểm và bất hợp pháp được diễn ra an toàn, trót lọt.
Những căn nhà được xây mới ở Đô Thành, Nghệ An. Hình minh họa. Reuters
Bị động, thì đang là thắc mắc của không ít người là tại sao có khoản tiền lớn như vậy, hoặc, đã sang được Anh sao không làm nghề hợp pháp, mà đâm đầu đi trồng cần ?
Thực ra, họ không đâm đầu mà bị bắt phải đâm đầu. Theo các báo cáo chống buôn người của IOM, các đường dây luôn luôn vẽ ra tương lai chắc chắn và giàu có cho những con mồi.
Một bài báo Việt Nam trích lời một phụ nữ nhập cư lậu sang Anh bằng đường bộ, nghe nói làm nail được 1-2 ngàn euro mỗi tháng đã thốt lên "Sao ít thế ?". 1.000 euro hơn 30 triệu đồng tiền Việt, ở Việt Nam, đó là lương cấp leader công ty lớn, trưởng phòng, phải ăn học năm năm trời cùng nhiều kỹ năng khác, làm việc miệt mài ít nhất 5 năm nữa mới có được. Một bác sĩ mới ra trường lương chỉ có ba bốn triệu đồng thôi. Nhưng một bà nông dân mới rời cái cuốc hôm qua, không có kỹ năng nào lại dám chê ba mươi mấy triệu là ít, là vì đã quá tin vào mức lương 8.000-9.000 euro mà đường dây vẽ ra.
Được hứa hẹn và đảm bảo, thêm những tấm gương sát nách đi hai năm gửi tiền tỷ về xây biệt thự, những người mới dám thế chấp đất đai để có cả tỷ bạc đưa con em sang Anh.
Một trại trồng và chế biến cần sa ở phía nam thủ đô London bị cảnh sát Anh khám phá và chủ trại người gốc Việt bị bắt - Ảnh minh họa
Cái bẫy của bọn buôn người tiếp tục giăng ra ở đây. Báo cáo của Pacific Link Foundation chỉ ra : Sang đến nơi nhưng không có việc làm vì cư trú bất hợp pháp không thể ký hợp đồng, bọn buôn người sẽ tìm việc cho họ, với "phí tuyển dụng" cực cao. Không có tiền trả ? Bọn chúng cho vay, dĩ nhiên cũng với lãi suất cực cao. Vòng luẩn quẩn bắt đầu và tiếp diễn. Cuối cùng, cái đích đến mà có lẽ nhiều người ban đầu không nghĩ đến, hoặc tự tin cho rằng mình có thể né tránh, vẫn là làm công nhân trồng cần (theo lời giới thiệu). Để được có chỗ ăn ngủ, trả nợ và sống tiếp.
Vì vậy, để trả lời câu hỏi những người vượt biên có đáng thương xót không ?
Tôi thì có. Vì họ chủ động bước vào con đường nguy hiểm này, nhưng họ cũng chính là nạn nhân của nó.
Nhưng những hệ lụy lớn hơn không chỉ xảy ra với chính những người đang bán thân đổi lấy tiền.
Những ngôi làng biệt thự miền Trung, dựng lên từ tiền "xuất khẩu lao động" theo cả hai nghĩa, về hình thức tuy đã đổi thay đến lột xác, nhưng tôi ngờ rằng trong ruột nó không được huy hoàng như thế.
Một trại trồng cần sa trị giá 800.000 £ ở Ashton-under-Lyne bị cảnh sát Anh khám phá và nhiều người gốc Việt bị bắt - Ảnh minh họa
Chủ nhân của chúng hầu hết họ đi từ làng quê nghèo đến một tòa nhà trồng cần bịt bùng, ăn thức ăn đông lạnh, không dám ra ngoài và kết bạn, sống cô độc trong lo sợ luật pháp, nợ nần và ham muốn giằng xé. Không mấy ai được trải nghiệm cuộc sống văn minh ở xứ người hay thu nhận được khối kiến thức nhân loại rộng lớn. Thậm chí sống ở nước ngoài nhưng họ không có cả cơ hội học ngoại ngữ.
Trong những năm đó, con cái họ chủ yếu sống với ông bà, lớn lên thiếu tình cảm gia đình, thiếu sự giáo dục của cha mẹ. Quãng thời gian đó sẽ tạo ra những mất mát không thể bù đắp được trong sự phát triển bình thường của chúng.
Tôi đọc trên mạng xã hội một bài viết, trong đó người viết nói làng họ chỉ còn người già và trẻ con ; lứa thanh niên, trung niên đã ở Anh gần hết. Cũng chỉ trồng cần. Cách đây 20 năm con em trong làng thi nhau vào đại học. Bây giờ không còn ai học đại học nữa, cứ hết lớp 9 là đi nước ngoài.
Rất rõ là những đứa trẻ này tiếp tục đi bằng con đường bất hợp pháp, vì cha mẹ chúng cũng vẫn đang sống phận bất hợp pháp ở nước ngoài. Với vốn liếng vào đời như vậy, rồi thế hệ này cũng sẽ tiếp tục cuộc đời tối tăm theo một cách khác. Phần đời trước của chúng không có cha mẹ ở bên vun đắp tình cảm và giáo dục, phần đời sau lại là sống và làm ăn chui lủi phi pháp, luôn lo sợ bị trục xuất hoặc trộm cướp, luôn dùng tiền mua các mối quan hệ, mua sự an toàn, cộng với những cú sốc văn hóa chắc chắn xảy ra.
Tiền (có thể, hoặc chưa chắc) nhiều, nhưng giá trị đời sống và giá trị làm người thì lao dốc.
Và nhìn ở góc độ rộng hơn, lối sống đó chính là mầm họa cho bất cứ cộng đồng xã hội nào mà họ đến. Họ là nạn nhân, nhưng cũng chính là tội nhân.
Cho nên thương, và xót. Nhưng không thể chấp nhận hoặc đồng tình.
Tre
Nguồn : RFA, 01/11/2019
Thực tế khó/không được nói thẳng, cộng với căn tính ưa đổ tội/bao biện/lấp liếm… tại Việt Nam trong nhiều năm nay đã đẻ ra nhiều cụm từ thay thế dạng uyển ngữ, nhiều khi tinh tế và hài hước đến chết cười. Nó nhanh chóng trở thành cụm từ cửa miệng lưu hành trong cộng đồng những người quan tâm đến thời sự xã hội và ưa hài hước.
"Vào nhà nghỉ ôm cho đỡ sốt rét"
Xuất phát từ bào chữa của một nam giáo viên ở Lạng Sơn khi bị chồng một giáo viên nữ cùng trường bắt quả tang hai người đang không mặc quần áo, nằm đắp chăn chung trong nhà nghỉ. Ông giải thích : Do đang đi công tác thì bị ngộ độc thực phẩm lên cơn sốt rét, nữ đồng nghiệp liền bảo vào nhà nghỉ cởi hết quần áo ra để ôm cho đỡ rét.
"Vào nhà nghỉ ôm cho đỡ sốt rét" - Ảnh minh họa
Lập tức trên mạng xã hội có những người kêu ầm lên là đang sốt rét quá, ngộ độc thực phẩm mất rồi, mở đường cho hàng loạt bình luận "Để anh chữa".
Nhất quyết không thừa nhận ngoại tình, nam giáo viên nói trên được cánh đàn ông khen (sau lưng các bà vợ) là anh hùng, đáng mặt đàn ông. Làm thì làm, nhưng không nhận, chứ nhỡ mồm nhận một câu là tôi vào nhà nghỉ để làm chuyện yêu đương đấy, thì chết. Giàn thiên lý sập không cứu vãn.
Vô tình nâng điểm trúng con lãnh đạo
Trong 64 trường hợp gian lận điểm thi (1 trường hợp từ năm 2017) tại Hòa Bình, Cục Đào tạo Bộ Công an đã quyết định trả về Hòa Bình 28 sinh viên thuộc các trường công an vì gian lận điểm thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018. Trong đó, có 17 thí sinh trúng tuyển vào Học viện Cảnh sát nhân dân, 9 thí sinh trúng tuyển Học viện An ninh nhân dân và 2 thí sinh trúng tuyển Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy.
Vô tình nâng điểm trúng con lãnh đạo - Ảnh minh họa
Tại Sơn La, trong 44 thí sinh nâng điểm, đã có 25 thí sinh trúng tuyển vào nhóm các trường công an bị trả về. Còn có ít nhất ba thí sinh đã trúng tuyển vào các trường quân đội, gồm một thí sinh tại Trường Sĩ quan chính trị và hai ở Học viện Kỹ thuật quân sự - trong đó có người được nâng 25,2 điểm và trở thành "thủ khoa". Ngoài ra còn có một thí sinh điểm cao đến mức đạt thủ khoa tại Đại học Y Hà Nội.
Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang là trọng điểm của vụ án gian lận điểm thi ngày càng mở rộng và nghiêm trọng này.
Theo báo chí Việt Nam, ở Hà Giang, phụ huynh những thí sinh được nâng điểm thi là Bí thư tỉnh ủy, ông Triệu Tài Vinh. Ông Vinh từng bị mạng xã hội giễu cợt "Hà Giang là của gia đình anh Triệu Tài Vinh" sau khi báo chí đưa tin có đến 5 người thân ruột thịt của ông Vinh đều giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt ở tỉnh Hà Giang.
Ngoài ông Vinh, phụ huynh có con "bị" nâng điểm còn là Phó Giám đốc Sở, doanh nghiệp lớn ở Hà Giang.
Tại Sơn La, đó là Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo, Chi cục trưởng Chi cục thuế, Giám đốc VNPT tỉnh, Phó Chánh thanh tra tỉnh, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, các Phó Chủ tịch UBND thành phố Sơn La, huyện Quỳnh Nhai...
Tuy nhiên, trả lời báo chí, các vị phụ huynh kia đều kêu oan, nói do người khác tự ý giúp chứ họ không hề biết.
"Nựng"
Một từ ít còn được dùng, chỉ hành động thương yêu, âu yếm của người lớn với trẻ em, bỗng xuất hiện nhan nhản trên báo chí và đặc biệt trên mạng xã hội sau cú giải thích của ông Nguyễn Hữu Linh, nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Đà Nẵng. Ông Linh nói việc ông ôm chầm ngang người một em bé gái 6 tuổi, hôn vào mặt bé bất chấp phản kháng, sau đó kéo giật bé lại ôm hôn tiếp khi bé đã tỏ ra hoảng sợ và bước đến đứng sát cửa thang máy chỉ là "thấy bé dễ thương thì nựng".
Ông Nguyễn Hữu Linh, cựu Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng và video triết xuất từ camera an ninh cho thấy ông 'nựng' một em nhỏ trong thang máy hôm 1/4/2019 - Courtesy of FB
Ngành pháp luật Việt Nam nêu những khó khăn cụ thể về quy định của pháp luật khiến vụ việc chưa được khởi tố. Như chứng cứ yếu (không có dấu vết xâm hại sinh học như quy định của pháp luật ; gia đình cháu bé đề nghị không tiếp tục điều tra…). Nhưng người dân không dễ cho qua như vậy. Họ bày tỏ tình cảm với ông Linh bằng cách hứa "nựng" ông bất cứ khi nào ông (không may) gặp họ. Họ dán cả poster mang nội dung nói trên lên xe hơi chạy vòng vòng trong Thành phố Đà Nẵng- nơi ông Linh sinh sống.
"Nựng" biến thành cụm từ đầy đe dọa ! Thương cho gia đình ông Linh, ngôi nhà họ ở bị người ta xịt sơn phun chữ ẤDÂM (ấu dâm), họ treo quần lót phụ nữ lên hàng rào để sỉ nhục, họ đến trước nhà diễn cảnh ông "nựng" cháu bé… rồi chụp ảnh đăng lên facebook. Dù cho có thể không có bản án thích đáng của pháp luật với ông Linh đi nữa, thì bản án của dư luận xã hội đã khiến cho ông ta nhục nhã.
"Gạt tay trúng má" - "Giơ chân hơi cao" - "Va đầu vào gậy"
Nhóm thành ngữ mới này đều xuất phát từ ngành công an.
"Gạt tay trúng má" - Ảnh minh họa
Cuối tháng 3/2016, một số cảnh sát mặc thường phục của Công an Hà Nội "đụng tay đụng chân" vào một nhà báo của báo Tuổi Trẻ khi anh này đang cố chụp ảnh hiện trường vụ tự tử trên sông Hồng. Giải thích với cấp trên và với báo chí, ông… cho rằng không có hành vi đánh, những cảnh sát nói trên chỉ gạt tay trúng vào má của nhà báo. Họ cũng không đá mà chỉ là giơ chân hơi cao rồi (tình cờ) trúng vào người nhà báo kia. Máy quay của nhà báo này không phải bị cảnh sát giật đi mà là do một cảnh sát "đưa tay gạt vào".
"Giơ chân hơi cao" - Ảnh minh họa
Nhà báo trên mô tả : anh đã bị đánh chảy máu miệng, đấm vào đầu. Đoạn clip ghi lại cũng cho thấy vài người mặc thường phục đã chạy theo đá vào người anh nhà báo không trượt phát nào.
"Va vào gậy" : tháng 10/2018, đại úy Huỳnh Minh Đức, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang) và tổ công tác giải trình với Trưởng công an thị xã Gò Công là khi làm nhiệm vụ đã "va" gậy điều khiển giao thông vào một người chạy xe máy, khiến người này gãy xương mũi và xương hàm phải nhập viện điều trị.
"Va đầu vào gậy" - Ảnh minh họa
"Công an thị xã sẽ tiếp tục xác minh làm rõ thêm trường hợp này vì chỉ mới là giải trình của Cảnh sát giao thông và công an chưa gặp được người "va" mặt vào gậy của Cảnh sát giao thông" - ông Mười Hai nói.
Người dân này thì tường trình : "Cảnh sát giao thông cầm dùi cui băng ngang đường, dùng dùi cui đánh liên tục vào đầu, mặt và cổ tôi. Khi tôi ngừng xe lại bên đường, thấy tôi bị chảy máu nhiều thì Cảnh sát giao thông không nói gì và lập tức bỏ đi".
Theo giấy ra viện do Bệnh viện Chợ Rẫy cấp, người dân này được chẩn đoán : "Tổn thương nông của da đầu, nhiều mảnh vỡ của xương sọ và xương mặt. Gãy xương chính mũi, vách ngăn mũi".
Lỗi tại đánh máy
Cuối năm 2017, Bộ Giao thông và vận tải đã ban hành một thông tư hướng dẫn, theo đó hành khách đi máy bay phải xuất trình được căn cước, chứng minh thư và hộ chiếu. Các loại giấy tờ khác như thẻ đảng viên, giấy phép lái xe, thẻ nhà báo… không có giá trị để làm thủ tục lên máy bay.
Sau đó, do trái với quy định của luật (các giấy tờ trên đều được sử dụng để lên máy bay), thông tư này đã phải rút lại. Cơ quan soạn thảo là Cục Hàng không giải thích đó là do "lỗi của nhân viên đánh máy".
Thật sáng tạo và "rực rỡ".
Tre
Nguồn : RFA, 23/04/2019
Khoảng hai tuần qua, anh đàn ông tên Đỗ Mạnh Hùng chắc đã ôm một niềm oán hận vô cùng với pháp luật Việt Nam.
Vì, tuy chỉ bị mất có 200.000 VNĐ (xem như móc ví rơi mất) cho hành vi cố ép một cô gái không quen biết vào thang máy để sờ soạng và hôn người ta bất chấp phản kháng, nhưng mặt mũi, danh tính, thân thế sự nghiệp cùng gia phả nhà anh đã bị dân mạng Việt Nam hú ba hồn chín vía đến vang vọng đất trời.
Khoảng hai tuần qua, Đỗ Mạnh Hùng chắc đã ôm một niềm oán hận vô cùng với pháp luật Việt Nam.
Anh ta bị chế giễu, dè bỉu, thậm chí làm nhục khắp nơi. Dân mạng chế hoạt hình, ví von bộ mặt và hành vi của anh ta với đủ những thứ tồi tệ trên đời, và bây giờ anh ta khó có thể đi đâu mà không bị nhận ra. Nhất là khi anh ta vẫn phải tiếp tục làm việc ở văn phòng công ty cũ, vẫn phải hàng ngày dùng chiếc thang máy ấy, trong tòa nhà ấy, chạm mặt với vô số người quen và người lạ nhưng đã quá quen mặt anh ta.
Anh ta sẽ bị vô số tia nhìn như mũi tên bắn vào mình khắp chung quanh mỗi khi bước vào thang máy hoặc nơi trong sảnh tòa nhà.
Sẽ có tiếng cười khúc khích và xì xầm sau lưng anh ta ở bất cứ nơi nào anh ta đến.
Sẽ có những cô gái sau khi thấy mặt anh ta thì nhìn trừng trừng khinh bỉ rồi bước thẳng ra khỏi thang máy.
Anh ta bị đặt tên là yêu râu xanh (dù sự thực có thể không đến mức như thế).
Nói tóm lại, anh ta đã trở thành một con cừu đen.
Dân mạng Việt Nam "thế thiên hành đạo"
Biết thế thì thà im ỉm đền gấp ba mươi lần (cộng với xin lỗi người bị hại), nhưng đổi lại được giữ kín sự việc, trừ cơ quan pháp luật và người liên quan ra chẳng ai biết mình, còn hơn !
Trên các báo Việt Nam, giới làm luật bàn tán sôi nổi. Hầu hết ý kiến cho rằng đây là một chỗ khuyết trong pháp luật hình sự Việt Nam, nghĩa là tuy bản chất là quấy rối tình dục nhưng lại chưa hề có tội danh này.
Tuy nhiên, nếu người quấy rối "có hành vi, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác" thì sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng (theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP).
Do luật khuyết thiếu như vậy, nên anh Hùng chỉ bị phạt 200.000 đ. Bằng 4 bát phở có thịt.
Luật pháp thiếu thì luật đời xử. Dư luận nhanh chóng bù vào chỗ khuyết bằng các hành vi "ném đá tập thể" với anh ta, như kể trên. Đặc biệt, với thực trạng 51% phụ nữ Việt Nam thừa nhận từng bị quấy rối tình dục ít nhất một lần, theo kết quả điều tra năm 2016 của Bộ Lao động, thương binh và xã hội và Tổ chức ActionAid tại năm tỉnh và thành phố Việt Nam, việc thay trời hành đạo của dân mạng càng nhận được nhiều đồng tình.
Công lý nguyên thủy
Tuy nhiên, không phải không có phản biện. Một luồng dư luận kín đáo hơn phản đối việc bêu hình ảnh tên tuổi anh ta trên công luận, với lý do vì pháp luật hiện tại chỉ xử được anh ta đến thế, cho nên anh ta phải được đối xử thích đáng với hình phạt ấy. Nghĩa là chỉ đóng 200 VNĐ và hết.
Lý lẽ này cho rằng việc dân mạng công khai danh tính và làm nhục anh ta, nhìn từ giác độ pháp luật, cũng chính là vi phạm luật pháp.
Sự ngược chiều nói trên là một góc nhìn logic và rất hợp pháp. Nhưng, tự hỏi bản thân mà xem, bạn có thấy nó hợp lý, hợp với lòng bạn không ?
Hành vi của dân mạng dùng tiếng Việt đã chỉ ra : câu trả lời của số đông là không. Không hợp lý, không hợp lòng.
Có thể gọi việc dân mạng Việt Nam "thế thiên hành đạo" là một thứ công lý nguyên thủy. Điều đáng lẽ chỉ còn nhìn thấy ở những xã hội chưa phát triển, nơi kẻ trộm phải bị chặt tay, và công lý vận hành bằng công thức sơ khai nhất : "mắt trả bằng mắt, răng trả bằng răng".
Do vậy khi nó được thực thi ở thế kỷ 21, trong xã hội Việt Nam với hệ thống pháp luật khá đồ sộ, đó là tín hiệu báo động.
Không phải chỉ là giễu cợt hệ thống luật pháp, nó báo hiệu người dân sẽ có thể bất chấp hệ thống này, nếu nó vẫn tiếp tục không bảo vệ được họ.
Công lý nguyên thủy không lạ lẫm với người dân nhiều vùng nông thôn Việt Nam. Trong nhiều năm gần đây, có những kẻ trộm chó bị cả làng đánh đập đến chết, bị đốt xe máy và đốt chết, bị nhốt vào chuồng con chó vừa bị cướp đi, bị treo xác con chó vào cổ và dong tới công an, dọc đường liên tục bị người dân đánh đập… Tuy vậy, nạn trộm chó không giảm.
Kẻ trộm chó bị đánh chết ở Bắc Giang năm 2016. Ảnh từ báo Thanh Niên
Giữa căm thù ngút trời của dân chúng và sự hung hãn ngày càng tăng của trộm chó là kẽ hở của pháp luật. Hành vi xông vào nhà, dùng vũ khí (kích điện, súng tự chế, bột ớt, vỏ chai thủy tinh vỡ…) đe dọa người chủ rồi ngang nhiên bắt con chó đi đã rõ ràng là hành vi cướp, phải được xử theo tội cướp theo Luật Hình sự. Thế nhưng pháp luật Việt Nam vẫn chỉ xem đây là tội trộm, hình phạt thì vài trăm ngàn đồng, tương ứng theo… số kg thịt của con chó bị bắt ! Nếu con chó (quy ra thịt) chưa đến hai triệu đồng thì kẻ trộm chó chỉ bị xử lý hành chính, tức là cảnh cáo, uống trà, nộp ít xu phạt, rồi về.
Người nuôi chó không thể hài lòng với hình phạt ấy, do đó trong không ít trường hợp như đã kể, họ không viện đến công an nữa mà cùng nhau tự tay xử những kẻ bắt chó. Công lý nguyên thủy được thực thi, mang lại thỏa mãn tạm thời cho nạn nhân.
Nhưng về lâu dài, cũng giống như hình phạt bêu giếu dành cho kẻ quấy rối phụ nữ trong thang máy, hậu quả của công lý nguyên thủy là một xã hội bất an và khó lường. Hơn thế nữa, không thể lường được tình trạng "mắt trả mắt, răng trả răng" sẽ khốc liệt đến mức nào ; trong sự trả thù đó, sẽ có thể có những nạn nhân oan uổng hay không.
Một thẩm phán cao cấp yêu cầu giữ kín danh tính nói, ông không đồng tình nhưng có thể thông cảm với phản ứng của người dân, trong tình trạng pháp luật Việt Nam hiện tại vẫn vô hiệu ở khá nhiều trường hợp.
Nhưng đấy cũng là một cơ hội để các nhà làm luật Việt Nam cải cách hệ thống pháp luật, nếu họ quan tâm và nắm bắt cơ hội.
Tre
Nguồn : RFA, 03/04/2019 (Tre's blog)
Vâng, tôi nhớ. Rất nhớ. Từ tháng 1/2018, từ sau khi người anh em tuyên bố từ chức (rồi lại trở về), vỉa hè Sài Gòn không còn thông thoáng nữa. Thiên hạ mặc sức bày lò than, chậu nước, bàn ghế, máy cưa, máy cắt ra vỉa hè gia công sản xuất hay bán buôn, nhậu nhẹt. Chỉ còn cách nhảy tưng tưng để tiến tới, chứ chẳng còn đường nào cho người đi bộ. Xe máy cũng lao vù vù ngay trên vỉa hè, bất chấp người già trẻ con. Hỏi tại sao, bảo chờ dưới lòng đường biết bao giờ mới đi được.
Điểm đỗ xe tự phát sau khi ông Đoàn Ngọc Hải ngừng ra quân. Ảnh: Báo Thời Đại
Tôi nhớ người anh em từng dẹp sạch lề đường quận 1, để các quận khác cũng mắt tròn mắt dẹt làm theo. Từ Bình Thạnh đến quận 12, bảng hiệu treo chìa ra vỉa hè đụng đầu người được tháo, bảng hiệu đứng dẹp vào bên trong gọn gàng. Các cửa tiệm ngoan như cháu Bác Hồ, bạo mấy cũng chỉ chất me mé ra ngoài một tẹo. Vỉa hè trống trơn, đi bộ thật hạnh phúc. Không có Trump, cũng không có Un ghé đến, thế mà thành phố bỗng như lột xác, đường phố phong quang hẳn ra.
Từ quận 1, phong trào lan ra cả Hà Nội (ngạc nhiên chưa ?) và các tỉnh thành khác.
Lòng dân đang náo nức thì bỗng như quả bóng xì hơi. Người anh em Hải chẳng thấy đi dẹp đường nữa. Ít lâu sau, người anh em ấy nộp đơn từ chức.
Rồi lại ít lâu sau nữa, người anh em ấy rút đơn, tự nguyện ở lại với chánh quyền.
Rồi chẳng thấy người anh em đi dẹp lòng lề đường nữa.
Cởi áo từ quan
Bức thư từ chức hôm đầu tháng 1/2018 vẫn còn đây :
"Nhìn nhận lại, tôi thấy mình đã không thực hiện được lời hứa trước nhân dân, trước kỳ vọng của các đồng chí lão thành cách mạng là sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề này, vì thế tôi xin từ chức Phó Chủ tịch UBND quận 1, xin thôi Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy quận 1, thôi tham gia Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ quận 1 và xin thôi Đại biểu HĐND quận 1.
Khi trở lại là người công dân bình thường, tôi sẽ có thời gian nhiều hơn để suy nghĩ về các giải pháp "căn cơ’’, "nhân văn", "không làm ảnh hưởng" đến mưu sinh của người nghèo" trong công việc này".
Khi còn… sung độ, ông Hải đã dẹp tất cả chướng ngại vật chiếm lòng lề đường quận 1. Bất kể nó là gì (bộ bàn ghế quán cóc, hàng chục bậc tam cấp trước khách sạn New World, tòa nhà của Công ty quản lý nhà Tp, quán cà phê Starbuck, xe đậu trái phép trên lòng đường…). Bất kể nó thuộc về ai (rạp hát Công Nhân, trụ sở nhà nước, khách sạn nhà hàng tư nhân, quán cóc, nhà dân...).
Lúc ấy, ông Hải đã tuyên bố với báo chí : "Chúng tôi sẽ kiên quyết đòi lại vỉa hè cho người đi bộ, không làm kiểu 'đánh trống bỏ dùi' như những năm trước" và "Nếu không lấy lại được vỉa hè, tôi sẽ cởi áo từ quan".
Ai ngờ được, sau những cuộc ra quân dũng mãnh, ông Hải phải "cởi áo từ quan" thật.
Có nghĩa ông đã không lấy lại được vỉa hè ngay ở địa phương mình phụ trách, cho dù đường đường chính chính là Phó chủ tịch UBND quận, Thường vụ Quận ủy, Đại biểu HĐND quận.
Ai đã làm cho ông Hải đánh trống bỏ dùi ?
Không phải là dân hay các hộ kinh doanh từng bị ông đập.
Trên báo Petrotimes, phóng viên dẫn lời bà Tú - người phụ nữ bán sinh tố ở ngã 6 Phù Đổng nói "Tui không có trách gì ông Hải cả. Nhiệm vụ của ổng thì ổng phải làm thôi. Hôm đó, bị tịch thu bàn ghế, của đau con xót thì tôi và gia đình có la hét, chứ không có ý gì. Nói đúng là hôm đó đoàn của ông Hải làm hơi căng. Tui năn nỉ để tui dẹp bàn ghế vô trong mà họ không chịu, cứ đòi tịch thu nên mới xảy ra giằng co".
Năm ngoái, quán sinh tố vỉa hè của bà Tú từng bị đoàn kiểm tra của ông Hải tịch thu bàn ghế 1 lần.
Bà Tú còn dành những lời tốt đẹp cho ông Hải : "Tui còn nghe nhiều người kể lại, ông Hải đi dọn dẹp vỉa hè, gặp người nghèo, ổng còn cho tiền nữa. Ổng thương dân nghèo, tạo điều kiện cho dân kiếm cơm chứ đâu có làm căng gì đâu".
Bà Tú cũng nói, do thấy ông Hải vẫn âm thầm ngồi xe kiểm tra trật tự vỉa hè, không bị "bó chân" như nhiều người lầm tưởng nên phải "nể mặt" , buôn bán trong ngăn nắp. Chỉ cuối tuần, bà mới dám bày bàn ghế ra cho khách ngồi uống sinh tố, ngắm phố phường.
Bà Tú cho biết vợ chồng ông bà cũng là người đi kháng chiến về, vì nghèo nên phải tìm cách buôn bán kiếm sống.
Trên các mặt báo của Việt Nam thời kỳ đỉnh cao chiến dịch lấy lại vỉa hè quận 1, phần lớn người dân đều biết việc lấn chiếm vỉa hè là sai và họ đồng tình với ông Hải.
Nhưng những người không phải là dân thì không nghĩ thế.
Theo báo Zing, cuối tháng 11/2018, trong khi gặp gỡ cử tri, một nữ cử tri ở phường Tân Định quận 1 cho hay ở hẻm 74 Thạch Thị Thanh chỉ rộng 2 m nhưng một vị cán bộ về hưu xây tường rào hết 1 m để làm hàng rào bảo vệ nhà mình. Người dân trong hẻm rất lo ngại nếu xảy ra tình huống khẩn cấp sẽ khó thoát hiểm.
Trả lời, ông Hải cho biết tường rào này là do nhà của "một đồng chí lão thành cách mạng" (sic) xây lên. "Thời gian qua, lãnh đạo phường Tân Định các thời kỳ, cả lãnh đạo quận cũng chưa xử lý được" - ông giải thích.
"Đến khi tôi phụ trách đô thị, lao vào xử lý thì có văn bản của Thành phố và các sở, ngành rằng khoan xử lý…" - ông Hải nói thêm.
Mặc dù ông Hải khẳng định quận 1 sẽ xử lý sao có lợi cho cái chung chứ không vì cá nhân nào, "đúng luật pháp thì thực hiện", nhưng có lẽ khó người dân nào tin được điều này.
Tuy nhiên vẫn phải ghi nhận sự dũng cảm của ông Hải khi nói (toẹt) ra sự thật đơn giản đằng sau bức tường chiếm hẻm đó.
Trước đó, cũng ngay trong cuộc gặp này, ông Hải khẳng định việc đập bỏ một trụ sở sinh hoạt khu phố là đúng. Lý do rất minh bạch : nó xây lấn ra trên vỉa hè, không nằm trong danh mục trụ sở các cấp được phép xây dựng, không có giấy phép xây dựng và Sở Xây dựng đã nói rất rõ trường hợp này.
Đến đây có thể hiểu rõ hơn nguyên nhân khiến ông Hải từng cởi áo từ quan (cũng có thể là nguyên nhân khiến ông đã cởi rồi vẫn phải mặc lại cho đẹp mặt cấp trên). Là vì những gì liên quan đến dâ, ông có thể toàn quyền. Ngoài phạm vi ấy, ông phải biết thân biết phận.
Từ quận 1 Sài Gòn đến Sóc Sơn-Hà Nội
Tôi phải nhắc lại lần nữa, trong mắt tôi ông Hải là người dũng cảm.
Dũng cảm vì (khi chưa biết cái vòng kim cô của mình) ông rất quyết liệt và sòng phẳng dẹp tất cả chướng ngại trên vỉa hè quận 1.
Dũng cảm là nói được làm được, hứa cởi áo từ quan là cởi.
Dũng cảm là đang cởi thấy không thể cởi nốt thì mặc lại, bất chấp gièm pha, chế nhạo của nhiều luồng dư luận.
Dũng cảm còn là sau khi biết cái vòng kim cô quanh đầu, ông không quanh co giấu giếm mà nói thẳng trước công luận.
Ông Hải đáng trọng hơn nhiều tập thể những quan chức ở huyện Sóc Sơn, gấp bội những chủ sở hữu các biệt thự ở đó.
Sóc Sơn là vùng rừng phòng hộ của Thành phố Hà Nội. Trong năm qua, từ một phát ngôn của cô ca sĩ Mỹ Linh, địa danh này lại vụt sáng trở lại, đầu tiên trên mạng xã hội, sau đó trên báo chí Việt Nam.
Là vì tuy là rừng phòng hộ, nhưng suốt 10 năm nay, nó đã bị phá và chiếm hàng chục nghìn m2 để xây dựng hàng loạt biệt thự, nhà nghỉ tư nhân.
Biệt thự của ca sĩ Mỹ Linh lấn chiếm đất rừng phòng hộ Sóc Sơn. Ảnh từ báo Zing
Ai xây ? Có lẽ lại cũng như ở hẻm 74 Thạch Thị Thanh, phường Tân Định, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, là của "các đồng chí cách mạng lão (và chưa lão) thành" chăng ?
Đây là câu trả lời của một vị từng giữ vị trí rất cao trong ngành, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Đặng Hùng Võ với báo chí vào cuối tháng 10/2018 : "Kể từ khi Thanh tra Chính phủ phát hiện các sai phạm về việc quản lý đất rừng ở Sóc Sơn năm 2006 đến nay đã 12 năm, các vi phạm, công trình xây dựng vẫn không bị chính quyền từ thành phố đến huyện, xã xử lý. Điều đó đặt cho dư luận nhiều câu hỏi nghi vấn", ông Võ nói.
Ông Võ vốn là quan chức cấp cao. Tuy đã về hưu (và từ đó ông bỗng trở thành người phản biện rất mạnh mẽ trong chính các lĩnh vực ông phụ trách trước kia) nhưng lời lẽ của ông vẫn phải thận trọng và "đúng quy trình".
Tuy nhiên, công luận và người dân không cần phải rón rén như ông Võ. Nhà báo Phạm Ngọc Dương huỵch toẹt "Còn lâu mới phá được nhà trái phép của Mỹ Linh ở Sóc Sơn".
Trong bài báo cùng tên tại báo VTC giữa tháng 10/2018, nhà báo này kể : năm 2004, ông lăn lộn tại hai xã là điểm nóng phá rừng ở Sóc Sơn và "lạnh người khi người dân chỉ trỏ, kể lể biệt thự này là của đại gia nào, quan chức nào (…) không dễ gì đăng báo được (…) thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng, sự nghiệp".
Ông Dương kể : thấy một biệt thự kiểu Châu Âu ẩn hiện trong rừng, nuôi cả khỉ, vượn làm cảnh, ông chụp ảnh minh họa cho loạt bài điều tra.
"Báo đăng xong, ngay sáng, lãnh đạo gọi xuống phòng. Thấy một ông trán hói thấp bé ngồi trong phòng.
Lãnh đạo hỏi :
- Cậu biết ai đây không ?
- Em không biết anh ạ !
- Cậu biết nhà ai đây không ? - vị lãnh đạo chìa tờ báo có cái ảnh lâu đài trong rừng.
- Em cũng không biết nhà ai. Thấy to thì chụp thôi ạ.
Vị lãnh đạo báo liền quay sang người đàn ông hói đầu ngồi đối diện bảo : "Đấy ! Phóng viên không biết đây là nhà ông. Tôi cũng không biết".
Lúc đó mới biết, lâu đài mình chụp là nhà một ông quan chức cấp vụ.
Ngôi nhà của ông quan chức cấp vụ thôi, cũng không ai dám động vào. Còn nhà vi phạm của quan chức, đại gia lớn hơn thì phá sao đây ?" (trích bài báo Còn lâu mới phá được nhà trái phép của Mỹ Linh ở Sóc Sơn).
Có cái gì quen quen khi so sánh giữa câu chuyện trên với phát biểu của ông Đoàn Ngọc Hải.
Có (quái) gì mà nghi vấn, thưa ông Võ
Để mổ xẻ nguyên nhân, xin quay lại với nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường.
Ông Đặng Hùng Võ nói việc này trước tiên thuộc trách nhiệm của chính quyền cấp xã.
Dẫn chiếu Luật đất đai Việt Nam, ông Võ nói UBND xã có trách nhiệm phát hiện các vi phạm pháp luật trên địa bàn, giải quyết, ngăn chặn theo thẩm quyền. Trường hợp vượt thẩm quyền thì phải báo cáo lên cơ quan cấp trên".
Nhưng "họ không phát hiện ra đây là sai phạm, vi phạm pháp luật mà thậm chí còn chứng nhận vào hợp đồng chuyển nhượng đất".
Theo ông Võ, lãnh đạo xã có thể không hiểu biết pháp luật, hoặc biết nhưng có tiêu cực nên dung túng cho hành vi vi phạm.
"Tiếp đó là trách nhiệm của huyện, thành phố và các Bộ, ngành có liên quan khi không phát hiện, xử lý, ngăn chặn triệt để việc xây dựng, chuyển nhượng sử dụng đất trái phép", ông Võ nêu.
"Điều đó đặt cho dư luận nhiều câu hỏi nghi vấn" - ông nói một cách uyển chuyển.
Ông nói khéo thế, chứ cần gì phải nghi vấn nữa thưa ông nguyên Thứ trưởng ! Chỉ một đoạn tường rào lấn ra hẻm chung 1m của "nguyên lão cách mạng" mà suốt 10 năm chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh còn không dám đập bỏ, thì cả ngàn điền trang biệt thự sừng sững ở Sóc Sơn kia chắc chắn phải của những siêu cấp nguyên lão, tổ sư nguyên lão cách mạng đang xưng hùng xưng bá. Có mà đập vào mắt !
Không khéo léo trong ăn nói như ông Võ, ông Đoàn Ngọc Hải từng khẳng định trong một video do báo Thanh Niên làm vào cuối tháng 3/2018 rằng "Doanh nghiệp phải chung tay với chính quyền thì xã hội mới thay đổi được. Không được chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình mà phải nghĩ đến quyền lợi của 90 triệu dân".
Ông Đoàn Ngọc Hải tuyên bố sẽ liên tục xuống đường giải cứu vỉa hè (07/08/2017)
Ông Đoàn Ngọc Hải dẹp bãi xe, phạt phòng tranh trong chung cư sau thảm họa Carina (28/03/2018)
Tôi thương anh quá hỡi người anh em thiện lành, Don Quixote Đoàn Ngọc Hải. Anh thật ngây thơ !
90 triệu dân là cái gì cơ chứ ? Trong con mắt những "đồng chí X" cấp trên tham tàn của anh, đó chỉ là một bầy cừu cần vắt nhanh, vắt mạnh, vắt triệt để trước khi thằng khác vắt mất.
Và, chúng biến anh thành một trò cười.
Tre
Nguồn : RFA, 06/03/2019 (Tre's blog)
Tham khảo :
https://vtc.vn/con-lau-moi-pha-duoc-nha-trai-phep-cua-my-linh-o-soc-son-d433010.html
https://vnexpress.net/y-kien/ong-doan-ngoc-hai-se-lai-day-manh-cuoc-chien-dep-via-he-3834211.html
https://news.zing.vn/ong-doan-ngoc-hai-van-tiep-tuc-voi-cuoc-chien-dep-v...
Hôm nay là 23 Tết, ngày cúng ông Táo của những người ăn tết Nguyên đán Việt Nam. Cùng với sửa soạn ăn tết cho gia đình, nhiều tổ chức từ thiện cũng hoạt động sôi nổi trong dịp này.
Cách đây vài hôm, nhiều báo Việt Nam đồng loạt đưa tin hoa hậu H’Hen Niê tự tay gói bánh chưng cùng các em nhỏ ở Hà Nội, để mang lên Sơn La tặng trẻ em nghèo vùng này.
Bánh chưng xanh sẽ thêm phần hấp dẫn cho mâm cỗ ngày tết
Theo các báo, đây là chương trình thường niên của một số tổ chức từ thiện, mang tên "Tết sẻ chia, Tết yêu thương", đến nay đã là lần thứ năm.
Báo Lao động viết "Chương trình hướng đến góp phần giáo dục cho các em thiếu nhi tinh thần "Tương thân, tương ái", biết sẻ chia, yêu thương những bạn nhỏ cùng trang lứa, có hoàn cảnh bất hạnh, khó khăn ở vùng cao, giúp các em thêm hiểu, thêm yêu những nét đẹp, những phong tục văn hóa truyền thống của dân tộc trong ngày Tết".
Nhưng-tôi tự hỏi-tại sao lại là gói bánh chưng ?
Theo thông tin trên báo, 1.000 chiếc bánh chưng xanh với gạo nếp trắng, thịt lợn, đậu xanh sẽ được mang đến các xã Mường Tè, Chiềng Yên của huyện Vân Hồ và xã Quy Hướng của huyện Mộc Châu, thuộc tỉnh Sơn La.
Đấy là những vùng rất xa xôi.
Theo báo Sơn La, xã Mường Tè có 4 dân tộc, trong đó dân tộc Thái chiếm 80%, tiếp đến là dân tộc Mường (19,6%), dân tộc Dao 0,18%. Dân tộc Kinh thưa thớt nhất với 0,22%.
Xã Chiềng Yên cũng tương tự : dân tộc Thái chiếm hơn 49%, dân tộc Dao chiếm hơn 29%, dân tộc Mường 16,4%, dân tộc Mông 0,13%. Dân tộc Kinh nhiều hơn hẳn bên Mường Tè nhưng cũng chỉ có 5,1%.
Ở xã Quy Hướng, chủ yếu là dân tộc Mường, Dao và Thái. Dân tộc Kinh gần như không đáng kể với chỉ vài chục người so với hàng ngàn người thuộc các dân tộc khác.
Người Thái, Dao và Mường không ăn bánh chưng xanh
Vài lần lên bản người Thái vùng Sơn La chơi dịp cận tết, tôi được đãi món xôi đồ với thứ lá rừng gì đó không nhớ tên. Món xôi màu hồng ửng, đẹp và rất thơm mùi lá rừng. Xôi tãi ra mâm, người ăn dùng tay nhón miếng xôi chấm với bát muối (gọi là chẩm chéo) cực kỳ ngon và lạ. Sau này tôi mới biết công thức của một bát chẩm chéo đúng vị người Thái ở Sơn La khá công phu, gồm muối hạt, ớt rừng chín đỏ và còn xanh, hạt mắc khén (hạt tiêu rừng), riềng, gừng, lá húng lủi, sả nướng, lá mùi tàu (ngò gai)… giã nát. Lúc ấy chỉ thấy một bát con xanh xanh đỏ đỏ và thơm nồng ngai ngái. Nhưng chấm với món xôi hồng kia, nó quyện vị và ngon đến mê hoặc. Trên mâm có cả thịt gà lẫn thịt lợn bản, nhưng chúng tôi bơ hết, chỉ hăm hở tấn công mâm xôi với bát chẩm chéo đến no căng.
Một trong những món ăn ngon ngày tết mang đặc trưng riêng của người Thái Mường Lò là bánh chưng đen.
Xôi là một trong các món cúng Tết cổ truyển buộc phải có của người Thái Sơn La. Người Thái cũng có bánh chưng, nhưng nó gần như khác hoàn toàn với bánh chưng xanh của người Kinh.
Trên các trang viết về tết cổ truyền của người Thái, đến Tết, "người Thái thường gói hai loại bánh chưng màu đen và màu trắng. Để làm bánh màu đen, họ đốt rơm lên, lấy tro giã lẫn gạo nếp rồi sàng sạch muội tro mà vẫn giữ lại màu đen. Nhiều nơi không cho nhân bánh. Người ta quan niệm hương vị của Tết ở trong bánh chưng chủ yếu thể hiện ở hương vị của lá dong, và đó cũng là cái chủ yếu để dâng lên tổ tiên (ma nhà)".
So với bánh chưng của người Kinh (loại bánh mà hoa hậu H’ Hen Niê và các nhóm từ thiện đang gói để tặng), lấy đậu xanh, thịt lợn làm nhân tạo ra hương vị chính, phần nếp ngoài nhuộm màu xanh của lá dong, đủ thấy đây là hai phiên bản khác hẳn nhau.
Trong mâm cỗ cúng tết của người Thái, bánh chưng cũng không phải món chính mà chủ vị lại là cá với đủ các món.
Người Dao cũng không ăn bánh chưng xanh. Món bánh đặc trưng ngày tết của người Dao là bánh Dì (bánh bằng nếp giã, giống như bánh dày), bánh tro (bánh nếp, ngâm với nước tro, có màu vàng trà trong vắt, khi ăn chấm với mật), cháo và thịt lợn chua.
Người H Mông thì bánh cổ truyền là bánh nếp giã kỹ, giống như bánh dày của người Kinh nhưng to hơn nhiều.
Người Mường thì có ăn bánh chưng và bánh tét giống như người Kinh.
Người Dao, Mông không ăn tết cùng lịch với người Kinh
Tết của người Dao gọi là "Tết năm cùng", bắt đầu vào đầu tháng Chạp cho đến hết tháng Chạp, khác với người Kinh ăn tết vào cuối tháng Chạp vắt qua khoảng đến giữa tháng Giêng năm mới. Họ cũng không ăn tết đồng loạt như người Kinh. Nhà nào sắm sửa được trước và mời thầy cúng đến trước thì ăn trước, nhà nào sắm sau ăn sau.
333333333333333
Bánh dày H'Mông, ảnh từ báo Việt Nam
Tết của người H Mông thì đã diễn ra trước tết nguyên đán của người Kinh một tháng. Họ ăn tết vào đầu tháng 11 âm lịch.
Khác hẳn nhau cả về thói quen lẫn thời gian ăn tết như thế nên tuy việc gói bánh chưng xanh của hoa hậu H’ Hen Niê cùng các nhóm từ thiện đều xuất phát từ thiện ý chia sẻ với người nghèo vùng cao, nhưng theo tôi, cách làm này không phù hợp. Nó chỉ có thể được gọi là một món quà nhân dịp nhà có chuyện vui, gửi tặng các anh em để chia sẻ niềm vui của mình. Chứ bảo là để giúp các em nhỏ "thêm hiểu, thêm yêu những nét đẹp, những phong tục văn hóa truyền thống của dân tộc trong ngày Tết" thì quá khiên cưỡng.
Là vì, mục đích gói bánh là để tặng người Thái, người Dao, người Mường, người H Mông, nhưng các em bé người Kinh không được hướng dẫn làm bánh cho đúng với thói quen ăn uống của người Thái, người Dao, người Mường hay người H’ Mông (chưa kể đến việc tặng cũng không đúng thời điểm). Các em chỉ gói món bánh quen thuộc của dân tộc mình, rồi đem "ấn" cho trẻ em dân tộc khác, chẳng cần quan tâm họ sẽ thích món quà đó hay không.
Tội nghiệp các em, chắc hào hứng lắm, thương các bạn lắm, nghĩ rằng việc làm của mình có ý nghĩa lắm, nhưng thật ra các em chỉ đang quẩn quanh với một việc làm khá nhàm chán được gõ cho kêu. Các em không hề biết đến nét đẹp văn hóa của những dân tộc khác đang chung sống.
Đừng sến. Đừng trở thành nhà từ thiện chuyên nghiệp
Tuy nhiên, cái lỗi này không phải của các em bé đang hồn nhiên dùng tay trần bốc thịt, bốc nếp, gói bánh. Lỗi ở những người lớn. Họ tổ chức ra chương trình này đã đến lần thứ 5 nhưng dường như chỉ làm theo thói quen chứ không hề để tâm đến ý nghĩa của món quà. Vì thế tuy hình thức có vẻ cảm động và rôm rả nhưng thực chất nó sẽ chẳng mang lại gì cho người thực hiện ngoài những giá trị vỗ về khá ảo.
Nếu nó được tổ chức chu đáo hơn, trong đó các em bé được học về tập tục ăn tết của người Thái, người Dao, người Mường, người H’ Mông…. Nếu các em bé vẫn ngồi giữa thủ đô nhưng được tự tay làm bánh chưng đen từ tro của rơm rạ của người Thái, hay món bánh Dì từ nếp giã nhuyễn của người Dao… tôi chắc các em sẽ thích thú hơn nhiều. Và cả người lớn cũng học được bài học cụ thể sinh động về những giá trị về khác biệt và đa dạng văn hóa.
Cách đây hai năm, cũng vào dịp Tết như thế này, có một tổ chức từ thiện tên là "Xây trường vùng cao" cũng mang lên Sơn La rất nhiều quà đặc sệt Kinh tộc, gồm bánh chưng và giò lụa. Họ định đem tặng xã Mường Lạn huyện Sốp Cộp. Thế nhưng UBND huyện từ chối. Lý do là đoàn không cung cấp giấy tờ theo yêu cầu an ninh của địa phương và cũng không báo trước để nơi này chuẩn bị thuyền đưa đoàn vào (chỉ có một lối vào duy nhất là đi thuyền qua hồ thủy điện).
Ở một khía cạnh khác, tác giả Sông Hàn lý giải trên báo Vietnamnet như sau (theo tôi rất xác đáng) : "Mường Lạn có 16 bản, trong đó 08 bản của người Mông, còn lại là của người Khơ Mú, người Lào. Lễ mừng năm mới của người Mông diễn ra vào tháng 11 trước tết Nguyên đán của ta chừng một tháng. Lễ Xêm Mường của người Lào cầu năm mới mùa màng sinh sôi, năm mới an lành tiến hành vào khoảng trung tuần tháng 02 âm lịch. Người Khơ Mú thường thì họ chịu ảnh hưởng của những cộng đồng có vốn văn hóa mạnh hơn kể cả lễ tết và trang phục.
Cũng có nghĩa là cư dân bản địa tại Mường Lạn không ăn tết Nguyên đán như ta. Trong kho tàng ẩm thực của họ cũng không có khái niệm bánh chưng, giò, đùi gà rán".
Việc mang bánh chưng và giò lụa (vốn là những món không thể thiếu trong mâm cỗ của người Kinh miền Bắc) lên tặng đồng bào người Mông tưởng như sẽ rất được người bản địa xem trọng, lại hoàn toàn có thể thất bại do nguyên nhân này.
Cũng giống như việc từ thiện quần áo ấm cho đồng bào vùng cao. Nhìn các em bé chân trần tím ngắt trong giá rét ai cũng thương. Nhưng có những vùng như ở miền Tây Nghệ An, khi được báo chí viết nhiều thì hàng đoàn người dưới xuôi lũ lượt mang áo ấm lên, nhưng bà con không mặn mà lắm. Vì tấm áo phao theo mốt người Kinh nó phồng và to, gây vướng víu khi sinh hoạt, đi đường núi, chăn gia súc, lấy nước, thậm chí ngồi sưởi bên bếp lửa vẫn vướng. Tấm áo vải lanh của người H’ Mông mỏng, nhẹ và mềm hơn, có thể mặc nhiều lớp rất ấm mà vẫn tiện dụng khi sinh hoạt. Ở vùng cao thường thiếu nước, đồng bào không có thói quen giặt giũ thường xuyên nên chiếc áo lanh thỉnh thoảng còn được giặt phơi, còn chiếc áo phao thì thường cứ mặc mãi. Đến khi cũ bẩn quá thì vứt, hoặc có đoàn mới lên cho áo khác thì thay.
Có những em bé miền núi chỉ mặc tấm áo mỏng chạy trong trời giá lạnh, người xuôi lên ai thấy cũng thương nhưng bản thân em bé không thấy lạnh. Chúng vứt áo phao sang một bên mà chạy.
Ở một góc độ khác, thậm chí việc cứ mang bánh chưng, giò lụa, quần áo người Kinh… lên tặng đồng bào có thể được so sánh với sự xâm lấn văn hóa và lối sống mang màu sắc "thực dân". Đấy là một dân tộc đông người kiêu ngạo (một cách vô thức) áp đặt lối nghĩ, cách sống, thói quen sinh hoạt của mình lên những dân tộc thiểu số.
Nhưng, khiêm tốn học hỏi để thấu hiểu, tôn trọng và từ đó giữ gìn khác biệt và đa dạng văn hóa mới là những giá trị nhân đạo thực sự, đồng thời thúc đẩy sự chung sống hài lòng lâu dài giữa các tộc người.
Vậy thì nên làm cách nào để các em bé có tấm áo ấm vào mùa đông mà không sợ mài mòn bản sắc văn hóa, hoặc tạo nên sự ỷ lại ? Làm thế nào để tết sang năm, trẻ em người Kinh biết gói chiếc bánh chưng đen để tặng bạn nghèo người Thái, giã bánh dày tặng bạn người Dao ? Làm thế nào để xóa đi cái định kiến ăn sâu vào đầu nhiều người Kinh là cứ tết đến thì phải gói bánh chưng phân phát để tỏ ra mình tốt (hay là để giải nghiệp ? Cũng không biết đấy là đâu !).
Nếu cứ dùng góc nhìn của nhà từ thiện để trả lời, câu hỏi này sẽ mãi mãi đem lại sự phẫn nộ và bị lên án vì tàn nhẫn và vô cảm.
Nhưng nếu đứng ở góc độ của người làm kinh tế và nhà xã hội học, sẽ thấy nguyên nhân khiến các em bé vùng cao thiếu áo tím tái trong mùa đông, hay thèm một tấm bánh trong dịp tết, là do đói nghèo.
Thế thì đừng mãi sướt mướt chụp ảnh đôi chân trần trong tuyết, hay mải mê gói bánh chưng nữa. Giải quyết đói nghèo mới là cái gốc để chấm dứt triệt để những bức tranh gây động lòng người ấy.
Tre
Nguồn : RFA, 28/01/2019 (Tre's blog)
Tham khảo :
https://vov.vn/van-hoa/nghe-si/hoa-hau-hhen-nie-goi-banh-chung-tang-tre-...
https://vtv.vn/trong-nuoc/tuc-an-tet-nam-cung-cua-nguoi-dao-20180215122642798.htm
https://dantri.com.vn/xa-hoi/doc-dao-tet-nam-cung-cua-nguoi-dao-1391630024.htm
https://vnexpress.net/thoi-su/chinh-quyen-xa-de-nghi-nguoi-h-mong-bo-tet...
https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/lam-tu-thien-vi-sao-bi-tu-choi-3090...
Số phận những quan chức bị ra tòa : Ăn, ngủ, loanh quanh trong nhà chờ chết
Trong hai ba năm qua, hàng trăm quan chức lãnh đạo các địa phương, các ngành, từ cấp sở, cấp tỉnh đến bộ trưởng, tướng tá công an… của Việt Nam nối nhau vào tù vì tham nhũng. Sài Gòn và Đà Nẵng đi cả giàn đến vãn cả cán bộ. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam kiêm Chủ tịch nước, ông Nguyễn Phú Trọng nói, từ đầu nhiệm kỳ khóa 12 đến nay chưa đầy 3 năm, hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương Đảng quản lý đã bị thi hành kỷ luật, trong đó có 5 uỷ viên Trung ương Đảng đương nhiệm. 3 người trong số đó đã bị đưa ra khỏi Ban chấp hành Trung ương Đảng. "Đây là con số chưa từng có"- ông Trọng nói.
Hình minh họa. Cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng (giữa), Trịnh Xuân Thanh (trái đang ngồi), cựu quan chức Tập đoàn dầu khí quốc gia, tại phiên tòa ở Hà Nội hôm 8/1/2018 AFP
Có ai từng hỏi cuộc sống của những quan chức tham nhũng sau khi ra tù sẽ như thế nào ?
Trước kia có hẳn một từ lóng dành riêng cho cuối nẻo công danh của các quan chức là "hạ cánh an toàn". Cứ bay bổng vẫy vùng trong những vùng trời thụt két, miễn hạ cánh an toàn, về hưu đúng quy trình, bảo toàn tài chính là được.
Hình minh họa. Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội hôm 9/11/2018 AFP
Một người am hiểu chính trường và doanh trường Việt Nam kể cho tôi : Ở Hà Nội, sếp lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước và quan chức chính quyền về hưu thường sinh hoạt xã hội trong những nhóm nhỏ bao gồm đồng nghiệp và những mối quan hệ từ khi còn giữ chức. Có thể gọi các nhóm này là dạng câu lạc bộ nhỏ không chính thức, vì họ có những địa điểm để thường xuyên gặp gỡ, bàn luận, uống cà phê, đi dã ngoại, tổ chức hoạt động xã hội cùng nhau. Bật mí là rất nhiều quan chức tham nhũng đục nước nhưng may mắn hạ cánh an toàn thì rất chăm chỉ làm từ thiện, suốt ngày đi thăm vùng nông thôn nghèo, tặng quà người nghèo. Tuy nhiên ta sẽ nói về chuyện này sau, còn bây giờ quay lại việc chính.
Sau khi chồng hạ cánh an toàn, các quan bà thường dễ thích ứng hơn quan ông, vì vai trò của phụ nữ Việt Nam vẫn thường là trong gia đình, quản nội trợ và thay mặt chồng nhận quà. Chỉ một số người sắc sảo hơn thì khi chồng tại chức họ cũng tham gia các hoạt động hậu trường như có mặt trong các hội phu nhân, chăm chỉ chăm sóc quan bà to hơn để gây dựng quan hệ thân thiết, tìm kiếm chỗ dựa nâng đỡ cho công danh của chồng. Còn hầu hết, họ là những phụ nữ không xuất sắc, không có sự nghiệp riêng. Thế nên sau khi chồng về hưu, cuộc sống của họ không có quá nhiều thay đổi. Đặc biệt lúc này thường con cái đã lập gia thất và sinh con đẻ cái, có nhiều cháu chắt nên người phụ nữ chuyển sự quan tâm và niềm vui vào những đứa cháu bé.
Đàn ông thì không thế. Vốn là những người lãnh đạo lớn và lâu năm, họ có tầm hoạt động và quan tâm rộng lớn hơn hẳn những người khác. Tham ô là một lẽ, nhưng không thể phủ nhận được phần lớn trong số họ là những người tài trí. Họ có nhu cầu sử dụng thường xuyên các khả năng trí tuệ của mình, cũng có nhu cầu được chứng minh sức mạnh bản thân. Vì thế, về hưu là một quyết định có tính cột mốc vô cùng khó chịu. Đang hét ra lửa, xách cặp vào cơ quan người người cúi mặt, một câu nói có thể khiến kẻ sống người chết, bước chân ra cửa người người xun xoe khúm núm, cả năm không cần móc tiền túi ra bao giờ, lên xe xuống ngựa đều ưu tiên… đùng cái về hưu. Như sét giữa trời quang, tất tần tật ăn trên ngồi trước, phục dịch hầu hạ, nịnh nọt bợ đỡ… biến mất tăm. Không biến từ từ để cho người ta quen dần, mà biến lập tức, biến hoàn toàn và triệt để như chỉ sau một cú vung chiếc đũa thần.
Ông quan lúc này mới biết hóa ra đi ăn sáng cũng cần phải trả tiền. Có một thứ gọi là taxi. Máy bay cũng bán vé. Nhà hàng không miễn phí. Tình nghĩa anh em chiến hữu keo sơn thề hứa cũng giống như chai nước mắm trong bếp, nghĩa là có hạn sử dụng.
Hình minh họa. Thủ tướng Campuchia Hun Sen (thứ nhất bên trái và vợ Bun Rany chụp hình cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (thứ nhất từ phải sang) và vợ là bà Trần Thanh Kiệm ở Hà Nội hôm 26/12/2013 AFP
Nghĩa là đột nhiên, hoặc đột nhiên một cách dần dần, ông rơi trở về làm người phàm. Các cuộc họp vô cùng quan trọng liên quan đến vận mệnh đất nước nay là chỗ của những gương mặt khác. Báo chí không còn săn đón để lấy bằng được một câu nói của ông. Từ chỗ ai cũng chầu chực xin ý kiến, nay tận mắt thấy đàn em lũ lượt chạy theo chủ mới. Cũng chẳng còn đàn đàn lũ lũ những cái phong bì hay chiếc thẻ mỏng nhét trong quyển sổ tay tặng anh ngày rằm. Chua chát, tức giận, xót xa tình đời đen bạc, cay đắng… Nhưng ông vẫn còn mạnh khỏe, vẫn còn sống tốt đến vài chục năm nữa. Ông không cam tâm làm một ông nội, ông ngoại chỉ biết bế cháu hò hét nó ăn cháo như những đàn ông tầm thường khác. Ông phải tiếp tục có mặt ở những nơi tập trung những người từng quyền thế như ông, để tiếp tục bàn bạc và cho ý kiến. Trong cơn say sưa nào đó, các ông tự hào gọi đó là "nội điện", nơi thâm cung của thâm cung, nơi vạch quyết sách của quyết sách.
Niềm tự hào đó có lúc đúng, có lúc không, vì cái lẽ đơn giản "cờ đến tay ai người ấy phất".
Tóm lại, khi tại vị thì nhăn nhó nếu bị các cụ hưu trí níu tay chân, viết thư riêng, viết thư ngỏ, chỉ đạo… nhưng khi bản thân cũng thành hưu trí thì trăm phần trăm các vị cựu quan chức cần cái nơi sinh hoạt xã hội riêng ấy như cần hơi thở.
Vốn dĩ nhiều năm đứng trên đỉnh cao, họ không có bạn, hoặc cực kỳ hiếm hoi những người bạn thực sự. Họ hầu như không có bạn học hay quan hệ hàng xóm, do khác quá xa về hoàn cảnh. Đến họ hàng xa khi không còn được hưởng lợi do người thân làm quan đem lại thì có vẻ cũng phai nhạt đi chữ tình, huống gì bạn học hay xóm giềng. Nên các câu lạc bộ cựu quan chức chính là niềm vui, là sự tái lập không gian xã hội đã từng có, là bằng chứng để các ông thấy mình "vẫn thế", còn mạnh mẽ, khôn ngoan, trẻ khỏe, quan trọng và cần thiết cho nhiều người. Đó là nhu cầu tối thượng của con người, ở cái đỉnh cao nhất của tháp Maslow.
Nhưng, nếu vị cựu quan chức lại bị hầu tòa vì những tội lỗi trước đó thì sao ?
Sau khi ra tù (mức án có thể rất nhẹ), hoặc chỉ cần trong thời gian dính đến điều tra, truy tố, họ bị chính giai tầng của mình tẩy chay.
Vị am hiểu nọ kể : Tại các câu lạc bộ, không ai chào mừng họ đến nữa. Họ vẫn đến, nhưng sẽ nhiều người lảng xa hoặc giả vờ không nhìn thấy. Rồi có một người nào đấy nhẹ nhàng đi đến nói nhã nhặn " Tôi nghĩ anh không nên đến đây nữa".
Vì tuy họ về hưu nhưng vây cánh, các mối quan hệ làm ăn vẫn còn. Con cái cũng có thể đang làm quan. Nên với bề ngoài, danh tiếng là tối cao. Các cựu lãnh đạo không thể để một người mang án tù hoặc đang trong vòng điều tra được quyền ngồi ăn chung, đi cùng xe, vấy cái tiếng xấu và xui xẻo lên bản thân họ. Mặc dù lòng vả cũng như lòng sung, đã làm quan cộng sản chẳng mấy ai không "ăn", nhưng "ăn" bao nhiêu miễn chùi sạch mép thì còn có người vỗ vai mời một tách cà phê. Bị lộ thì dứt khoát không còn đồng chí nữa. Họ bị chính giai tầng của mình rút phép thông công. Con chiên ghẻ không được phép ở trong đàn chiên.
Sau khi bị mất sạch danh dự với bản án, sự trả giá về tinh thần lúc này thể hiện ở dạng mới, dai dẳng đến suốt đời. Các mối quan hệ gần như đứt sạch. Ra đường, hàng xóm chỉ trỏ xì xào, có người cười ngay vào mặt. Đi nước ngoài sống với con á ? Tiếng tăm không sành, môi trường không quen, không có ai lui tới, và nhất là sẽ bị chính cộng đồng Việt kiều sỉ vả khinh thường. Ở Việt Nam may ra còn có họ hàng.
"Đau khổ tận cùng. Chỉ ăn rồi ngủ, loanh quanh trong nhà chờ chết"-vị nọ tổng kết.
Cứ hình dung những ông già 70 tuổi, giàu có nên vẫn rất khỏe mạnh, trí tuệ vẫn sáng suốt, giờ chỉ còn tồn tại như cái bóng, không bạn bè, không quan hệ xã hội, loanh quanh trong nhà hết ăn rồi ngủ, đến lên phây chém gió cũng phải giấu tên, một đời kiến thức và kinh nghiệm từng trải nay trơ mắt mục rữa không thể trao truyền cho ai, ngày qua ngày đếm từng bữa cơm chờ chết. Tiền vận càng hào quang, càng lên xe xuống ngựa, hậu vận càng thảm thương.
Chỉ nghĩ đã rùng mình !
Tre
Nguồn : RFA, 24/01/2019
Tôi không tin có một lá đơn lái xe của Bộ Công thương tố cáo Bộ trưởng như đang lan truyền trên mạng.
Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo rà soát, xác định cụ thể về số lượng, chủng loại xe hiện có và phải cập nhật đầy đủ thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước. Ảnh: Hạnh Thảo
Vì nó lẻ mẻ
Thứ nhất, nếu thực sự lái xe của Bộ đứng đơn tố cáo thật, có lẽ thông tin sẽ không chỉ loanh quanh ở những thứ rất dễ gây phẫn nộ-nhưng thực chất lại khá lẻ mẻ như đánh xe chở vợ con và họ hàng bên ngoại đi mua sắm, đưa đón, hay nửa đêm chạy khắp Hà Nội lùng mua ruốc gửi vào cho vợ bộ trưởng kịp ăn trong bữa.
Ở Việt Nam, ai cũng biết lái xe riêng cho bộ trưởng, hay cho quan chức là vị trí không bao giờ một người không thân thuộc có thể ngồi vào. Chiếc xe là một trong những địa điểm an toàn và cất giữ nhiều bí mật nhất của họ. Họ bàn công việc, bàn tư việc, nhận điện thoại, chợp mắt, ăn nhẹ… trong xe, do vậy lái xe riêng thường (dứt khoát phải) là người có họ hàng ruột thịt, được hưởng lợi ích cho cả gia đình nhờ vào công việc béo bở này.
Vì sao lái xe riêng cho quan chức lại là béo bở ?
Là vì, quan chức ở Việt Nam, nhất là trong các ngành quyền lực nắm giữ các huyệt đạo kinh tế, luôn luôn có hàng ngàn người muốn làm thân để canh ty hùn hạp làm ăn hoặc xin xỏ chính sách, xin xỏ dự án. Nói cách khác, quan chức là những con dấu biết đi mà chỉ cần nó đóng xuống một tờ giấy nhẹ thì tiền và quyền ào ào chạy vào nhà những người được cầm tờ giấy đó đến nứt đố đổ vách.
Thư ký, bảo vệ, lái xe riêng chính là nhóm người thân cận nhất bên cạnh "con dấu". Những ai muốn làm thân hay làm ăn đều biết rõ trước hết phải lấy được lòng nhóm này thì mới hy vọng lọt qua cửa hẹp nhà quan.
Lấy lòng tất nhiên là bằng quà cáp tiền bạc biếu xén, bằng các lợi ích có thể có khác mà có khi chính vị quan cũng không ngờ.
Thân cận nhất, nắm giữ nhiều bí mật nhất của sếp, vì thế nhóm người này phải là những người được tin cậy nhất. Lái xe riêng cho quan chức, nguyên tắc tối thượng là luật im lặng. Bất kể thấy gì nghe gì cũng phải như câm như điếc. Chỉ một dấu hiệu nhỏ cho thấy sự trung thành tuyệt đối có chiều sứt mẻ thì anh lập tức lên đường.
Do mối quan hệ đặc biệt này, lái xe riêng cho quan chức Việt Nam mặc nhiên không chỉ cần hoàn thành phận sự công vụ, mà chính là một ô sin được nhà nước trả lương. Những lái xe được giao càng nhiều tư vụ như chở vợ con sếp đi học, đi chợ, đi khám bệnh, đi chơi, đi mua quà cáp biếu xén cấp trên, nhận hàng … thì càng chứng tỏ được tin cậy. Lợi ích cũng theo đó tăng lên.
Ở Việt Nam, nhất là ở Hà Nội, quyền lực công (theo đó là quyền lợi tư gắn chặt với nó) bao quát khắp các lĩnh vực. Tư sở cạnh tranh rất khó khăn. Kiếm được việc làm ổn định, nhàn tản, nhiều tiền, nhiều lợi như lái xe riêng cho quan chức chính là mơ ước của nhiều người. Chả cung cúc tận tụy hết lòng hết sức để chiếm được lòng tin của sếp thì thôi, làm gì có việc chỉ vì bị sếp sai làm ba cái việc lẻ tẻ mà uất ức, cảm thấy nhục nhã rồi đi đâm đơn tố cáo như cái lá đơn giả mạo đang trôi nổi trên mạng ?
Điều này dẫn đến điều thứ hai.
Chả cung cúc tận tụy hết lòng hết sức để chiếm được lòng tin của sếp thì thôi, làm gì có việc chỉ vì bị sếp sai làm ba cái việc lẻ tẻ mà uất ức, cảm thấy nhục nhã
Vì muốn mua ruốc cho quan bà thì chẳng đến lượt lái xe
Với quyền lực và lợi ích tập trung vào một số ít vị trí như vậy, "có muốn hầu mua ruốc cho phu nhân cũng chẳng đến lượt lái xe" như một ý kiến tôi đọc được trên mạng xã hội facebook. Người nhận xét hẳn rất hiểu cách thức vận hành của hệ thống cửa sau nhà các quan chức Việt Nam.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nói vào cuối tháng 11 "phải xây dựng Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và phòng, chống chạy chức, chạy quyền".
Giá chạy một cái chức là bao nhiêu ? Chẳng ai ngoài những người đã chạy và được chạy có thể nói rõ, nhưng chắc chắn, không phải chỉ lạnh lùng giao ra một con số là đủ. Một hệ thống chạy từ thấp lên cao, chạy từ già đến trẻ, anh có cơm (gà) em có cháo (sườn), thì ngoài tiền, còn phải đảm bảo sự hợp gu, tin cậy và trung thành. Nói theo một trend của dân cư mạng thì "Sống phải có cái tình". Cái tình thể hiện ở chỗ em quan tâm đến công việc nhà anh chị như chính (thực ra là hơn gấp bội) công việc nhà em, yêu thương tận tụy với con cháu nhà anh chị hơn gấp bội con cháu của chính em, kính ngưỡng, trọng vọng, chăm sóc họ hàng nhà anh chị gấp bội chăm sóc cha mẹ vợ con họ hàng anh chị nhà em. Giỗ nhà anh chị, con cái trong nhà chưa kịp nhớ thì các cô các chú đã nườm nượp ân cần nhắc nhở từ cách hàng tuần. Rồi tự tay lùng sục đồ tốt, hàng hiếm… mang đến. Rồi khi họ nhắm mắt, tay cầm chặt bó hương, nhắm mắt thành kính rì rầm khấn vái trước bàn thờ gia tiên nhà "một đồng chí anh" thì đến cụ tổ đang lim dim trên bàn thờ cũng phải tóe nước mắt vì cảm động, còn họ hàng "một đồng chí anh" thì hoang mang dụi mắt nghi ngờ phải chăng trước đây mình đã nhận nhầm con cháu !
Việc lớn còn chu tất hiếu nghĩa như vậy thì những thứ vụn vặt chăm sóc cho chị và cháu khi xa anh, từ chỗ nào làm móng tay cho chị, đến trái cóc chị muốn ăn đỡ buồn mồm, đưa chị đi spa, đi mua sắm… chẳng bao giờ đáng phải gọi là việc. Có sự phân công ngầm, đàn ông chủ ngoại, đàn bà chủ nội. Nội cung cấp trên là đấu trường của các phu nhân cấp dưới. Con sếp ốm là một cơ hội vàng. Phu nhân cấp dưới sẽ tay xách nách mang đủ thứ sơn hào hải vị đến tận nhà nấu ăn, thang thuốc, vuốt ve. Ai được ngồi cạnh bên đút cho cháu thìa cháo thì trong lòng sướng rơn bằng chết.
Sự nghiệp cạnh tranh để được quan bà ghé mắt, gửi gắm, tâm sự, nhờ vả hay sai phái, đi ăn đi chơi cùng… còn căng thẳng, khéo léo, cân não, gay gắt gấp bội lần cuộc cạnh tranh giữa các ông chồng cấp dưới. Hầu hạ tốt để quan bà thủ thỉ được một câu với chồng thì hiệu nghiệm thăng quan tiến chức cho phu quân còn gấp mấy mươi tiền bạc và sự trung thành tận tụy mà các ông phô diễn.
Cái việc hầu hạ như vậy vừa sang, vừa an toàn (ai cấm đồng nghiệp quan tâm giúp đỡ nhau), vừa dễ lừa gạt người trong cuộc là bản thân mình phải (tốt đẹp, đáng yêu đáng quý, trọng nghĩa trọng tình) thế nào mới được anh em quý đến thế đấy chứ… Tình cảm chân thật như vàng mười, tiền bạc hay chức tước có ai thèm nhắc đến nửa câu đâu nào.
Ngày trước, tết đến cả con phố Hà Nội hay Sài Gòn nơi quan chức tọa ngự, kẹt cứng xe cộ, quán cà phê đối diện anh nhìn tôi, tôi nhìn anh, không xếp hàng mà đều tăm tắp người nọ vào 5 phút thì biết điều đi ra nhường người khác tiến vào. Nhà sếp quà ngập từ bếp ra sân không hết.
Bây giờ "Việc tặng quà ngày càng đơn giản, năm mới người ta chỉ cần tặng vài quyển sổ, kèm theo thẻ tín dụng và người được tặng ra rút ngay thì ai biết, ai hay ? Chính tôi đã được tận mắt thấy, sờ thấy hình thức biến tướng của quà tặng này" (GS.TS Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn nói trên báo Đất Việt).
Theo ông Phố, "người ta không đợi đến Tết mới biếu, tặng quà mà có thể nhân bất cứ dịp gì, từ đám hỏi, đám giỗ đến ma chay, sinh nhật, ngày lễ..". và "Người đưa hối lộ không đưa thẳng cho cấp trên, mà đưa cho vợ, con cấp trên, hay chuyển khoản... thành ra không có bằng cớ gì để nói". Hối lộ cũng không còn trực tiếp như thế nữa mà tinh vi vô vàn : suất du học bổng (kèm căn hộ, chiếc xe) cho cháu, gói khách hàng làm đẹp hạng Kim cương cho chị, căn hộ + chiếc xe hạng sang cho cô bồ đương nhiệm… thực tế biến ảo vi diệu mà chắc chắn chẳng ai trong chúng ta đây có thể kịp nghĩ ra được.
Thế cho nên chính sách trong lĩnh vực này của Việt Nam rất nhiều điều thú vị. Trước kia thì cấm tặng quà tết cho cấp trên, cấm "nâng đỡ không trong sáng" (đã làm cái việc không trong sáng thì bố thằng tây nào khoe ra cho biết mà cấm ?). Mới đây nhất thì đã văn minh tới mức "cấm nịnh cấp trên" (Đề án Văn hóa công vụ của Bộ Nội vụ).
Cấm như thế nào ? Chẳng lẽ phát cho cấp dưới cái máy ghi âm, tự động bật mỗi khi nói chuyện với cấp trên, rồi cuối tháng cả cơ quan ngồi lại xả băng nghe từng chữ một ? Hay là cấm nịnh qua mạng xã hội, vì tôi thấy nhiều sếp bà cứ up bất cứ tấm ảnh nào lên mạng xã hội thì cả lò cấp dưới vào tấm tắc hết "Đẹp quá chị ơi" lại "Trẻ như gái đôi mươi chị ạ" hay "Con em xem ảnh xong hỏi cô diễn viên điện ảnh nào thế hả mẹ". Hay là cấm nịnh qua cuộc phê bình đảng viên, kiểu như "Chúng em nghiêm khắc phê bình anh không được làm việc quá giờ, quá sức" ?
Trò trẻ mị dân, nghe đến buồn cười nhưng ngẫm kỹ lại thấy một sự bất lực và rối ren không hề nhẹ của những người đang "cố gắng chỉnh đốn".
Bao giờ còn độc quyền, độc tôn, còn Nhà nước to-xã hội nhỏ, thì còn tham nhũng, hối lộ, chạy chức, chạy quyền, nịnh nọt, bợ đỡ… chẳng cần giấu giếm. Có quái gì một lá đơn hàng fake (nhiều khả năng do bên đối thủ cạnh tranh tung ra) mà khiến quốc dân đồng bào ngỡ ngàng đến thế ?
Cây đời mãi mãi tươi xanh hơn chúng ta tưởng nhiều.
Tre
Nguồn : RFA, 22/01/2019 (Tre's blog)
Tham khảo :
http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/cam-tang-qua-tet-k...
http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/chinh-tri-viet-nam/uy-vien-ubkttu-...
Sơ luận mang tính đặt vấn đề về các loại nhục quốc thể, tỉnh thể, thành phố thể, phường thể, ngành nghề thể ở Việt Nam nhân tổng kết 2018
Cách đây hai năm, một nữ du khách Việt bị cướp giật túi xách, mất toàn bộ giấy tờ và tiền bạc ngay giữa trung tâm Sài Gòn. Nhiều người Việt Nam khi đó đau đớn thốt lên "nhục quốc thể".
Ngày cùng tháng tận năm 2018, ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, cũng thốt lên vụ 152 người Việt Nam lợi dụng du lịch để bỏ trốn ở lại Đài Loan là "nhục quốc thể".
Ông Nhưỡng nói thế, theo tôi có phần đúng. Nhưng chưa đủ.
Cuối năm, lệ thường nên tổng kết nhìn nhận lại những gì đã xảy ra trong năm. Vì thế tôi xin làm thư ký miễn phí cho ông Nhưỡng, bổ sung có hình ảnh mang tên Nhục các loại thể, để cho nó trọn vẹn.
Nhục thủ đô thể
Hà Nội đi vào thơ ca với đặc sản tắc đường, ô nhiễm không khí và lờ vờ, chậm chạp trong xử lý công việc "Hà Nội không vội được đâu".
Tắc đường ở Xã Đàn. Ảnh trên vietnamnet
"Theo dữ liệu chất lượng không khí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người dân Hà Nội đang phải tiếp xúc với không khí bị ô nhiễm xếp thứ 2 trong số 23 thành phố được khảo sát ở một số quốc gia Đông Nam Á (bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Indonesia).Bình quân 91% số ngày trong 3 tháng đầu năm, mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội vượt tiêu chuẩn cho phép của WHO" (theo Tạp chí Môi trường và cuộc sống 20/9/2018).
Ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Ảnh trên vov
Nhục Sài Gòn thể
Sài Gòn, thành phố lớn nhất Việt Nam, dĩ nhiên cũng phải giữ vững ngôi vị trùm cuối trong các thể loại nhục.
Đầu tiên và bền vững nhất : cơ bản xóa sạch điểm ngập nước trong thành phố. Từ vài chục điểm giờ chỉ còn một điểm, là NGẬP TOÀN THÀNH PHỐ.
Chiều tối ngày 26/9/2018 tại Thành phố Hồ Chí Minh, cơn mưa lớn kéo dài khiến cho hàng loạt tuyến đường bị chìm trong biển nước. Hình ảnh được chụp từ trên cao tại đường Đông Du, Quận 1. Ảnh : Facebook Ngô Nhật Hoàng.
Dân tình bèn có thơ rằng :
Đinh Công Tráng ngập tới háng
Nguyễn Thông ngập tới mông
Nguyễn Thị Tú ngập tới zú
Phạm Văn Hai ngập tới vai
Nguyễn Trung Trực ngập tới ngực
Nguyễn Du ngập tới ku
Nguyễn Thị Minh Khai ngập tới tai
Hai Bà Trưng ngập tới lưng
Lý Tự Trọng ngập tới cổ họng
Hàm Nghi ngập tới ti
Phan Huy Ích ngập tới đít
Hầm Thủ Thiêm ngập tới… chiêm !
Tiếp theo là cả dàn cán bộ lãnh đạo thành phố kéo nhau vô tù… họp chi bộ cho đủ số :
Ông Nguyễn Thành Tài, cựu Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã bị bắt. Ảnh trên PLO
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020, ông Tất Thành Cang vừa bị cách toàn bộ chức tước. Trước đó, cựu Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Tài bị khởi tố vụ án, bắt tạm giam về tội Vi phạm các quy định quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Cựu Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín cũng bị cơ quan CSĐT Bộ Công an tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can do "Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng đất đai" liên quan khu đất vàng trên đường Hai Bà Trưng, quận 1.
Ông Tất Thành Cang vừa bị cách hết chức tước. Ảnh trên 24h
Nguyên Bí thư Quận uỷ quận 2 Nguyễn Hoài Nam, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Đào Anh Kiệt, nguyên Phó trưởng Phòng Quản lý sử dụng đất, Sở Tài nguyên và môi trường Trương Văn Út… cũng bị khởi tố, bắt tạm giam vì tham nhũng, liên quan đến các dụ án Metro Bến Thành-Suối Tiên, Thủ Thiêm, các khu đất vàng trong nội đô thành phố.
Nhục Đà Nẵng thể
Cuối năm 2017, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII bị cách toàn bộ chức tước do liên quan đến bằng cấp, sử dụng nhân sự, nhận hối lộ.
Nguyễn Xuân Anh, cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Ảnh trên Zing
Tháng 4/2018, Bộ Công an khởi tố hai cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng là ông Văn Hữu Chiến và ông Trần Văn Minh. 11 người khác gồm ông Nguyễn Điểu (nguyên giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường), Trần Văn Toán (nguyên phó giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường), ông Đào Tấn Bằng (Bí thư Đảng ủy khối các khu công nghiệp), ông Nguyễn Viết Vĩnh (Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa), ông Lê Cảnh Dương Giám đốc Ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp), ông Nguyễn Văn Cán (nguyên chánh văn phòng UBND Đà Nẵng), ông Phan Xuân Ít (nguyên phó chánh Văn phòng UBND Đà Nẵng), ông Nguyễn Công Lang (nguyên giám đốc Công ty quản lý nhà Đà Nẵng) ; ông Phan Ngọc Thạch (nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Đà Nẵng) ; ông Trần Phi (nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Đà Nẵng) và ông Huỳnh Tấn Lộc (Tổng giám đốc công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng).
Tất cả đều do hối lộ, tham nhũng, liên quan đến Vũ "nhôm".
Ông Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND Tp Đà Nẵng. Ảnh trên vietnamnet
Nhục phường thể
Đầu tháng 12, cháu gái 12 tuổi tên Y ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương bị tai nạn tử vong trên đường đi học về. Cha của cháu lên đến UBND phường Tân Phước Khánh làm thủ tục khai tử, xin cấp giấy chứng tử cho cháu. Mặc dù đã có đầy đủ giấy xác nhận của công an nhưng cán bộ phường này vẫn trả lại và nói hồ sơ làm chưa đúng. Ông mất đến 3 lần lên xuống vẫn bị nói hồ sơ không đúng. Sau khi báo chí vào cuộc, cán bộ phường mới thừa nhận thiếu sót "do chưa nghiên cứu kỹ hồ sơ".
Sau các loại nhục địa phương thể, bây giờ chúng ta đi vào các loại nhục ngành thể.
Nhục Đảng thể
Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam kiêm chủ tịch nước, ông Nguyễn Phú Trọng nói từ đầu nhiệm kỳ khóa 12 đến nay, chưa đầy 3 năm, hơn 60 cán bộ thuộc diện Trung ương Đảng quản lý đã bị thi hành kỷ luật, trong đó có 5 uỷ viên Trung ương Đảng đương nhiệm. 3 người trong số đó đã bị đưa ra khỏi Ban chấp hành Trung ương Đảng. Ông Trọng nói "đây là con số chưa từng có".
Ông Trương Minh Tuấn nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, bị miễn nhiệm chức vụ vào tháng 10/2018 do liên quan đến vụ mua bán AVG. Ảnh trên Dân trí
Ông Trần Quốc Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, Ủy viên trung ươngĐảng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk, bị cảnh cáo do những vi phạm, khuyết điểm trong thời gian giữ cương vị Bí thư Đảng uỷ, Cục trưởng Cục B41, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục 5 (Bộ Công an). Ảnh trên Infonet
Nhục công an-quân đội thể
Gần 20 tướng công an, quân đội bị cách chức, khởi tố, bắt giam, kỷ luật … do có liên quan tham nhũng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó có 2 cựu thứ trưởng Bộ Công an.
Hai cựu thứ trưởng Bộ Công an Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành khi còn tại vị. Ảnh trên VOV
Nhục nhà băng thể
Hàng loạt "bố già", lãnh đạo ngân hàng bị bắt liên quan đến tham nhũng, hối lộ, gây mất tài sản Nhà nước. Ngân hàng BIDV : Trần Bắc Hà, Trần Lục Lang. Ngân hàng Đông Á : Trần Phương Bình. Ngân hàng Xây dựng Việt Nam : Nguyên Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Công Danh (đã bị tuyên 30 năm tù). Ngân hàng Nông nghiệp Cần Thơ : Giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng tín dụng. Phạm Công Danh. Cuối năm 2017 là Ngân hàng Sacombank với Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Trầm Bê. Tổng các vụ việc gây thất thoát đến hàng trăm ngàn tỷ đồng.
Ông Trần Bắc Hà. Ảnh trên cafeF
Nhục dầu khí thể
Hàng chục cán bộ cấp cao của tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng như lãnh đạo các công ty con, lần lượt bị bắt. 6 người từng là thành viên Hội đồng thành viên PVN đều bị kết án. Nguyên Phó tổng giám đốc PVN bị kết án 30 năm tù. Ông Đinh La Thăng, nguyên bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN bị kết án 18 năm tù, bồi thường 600 tỷ đồng. Một cựu lãnh đạo của công ty con, Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam là Trịnh Xuân Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới năm 2011, bị hủy tư cách đại biểu quốc hội, trốn sang nước ngoài, sau đó bị bắt về.
Liên quan đến các sai phạm của Trịnh Xuân Thanh, ngoài Đinh La Thăng, Bộ Chính trị- Ban Bí thư, Ủy ban kiểm tra Trung ương Trung ương đã kỷ luật 7 lãnh đạo cao cấp. trong đó có 3 nguyên ủy viên trung ương (gồm một nguyên bộ trưởng ; một nguyên phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương ; một nguyên bí thư Tỉnh uỷ) và 2 thứ trưởng đương nhiệm.
Ông Đinh La Thăng và ông Trịnh Xuân Thanh. Ảnh trên Dân Việt
Nhục quản lý rừng thể
Rừng phòng hộ Sóc Sơn (Hà Nội) bị hàng trăm biệt thự và công trình xây dựng trái phép của tư nhân băm nát, trong đó có "Việt phủ Thành Chương" của họa sĩ Thành Chương và tư gia của nữ ca sĩ Mỹ Linh.
Năm 2006, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về việc đất rừng phòng hộ Sóc Sơn bị bán ồ ạt, nhưng cho đến nay tình hình chỉ tăng chứ không giảm.
Công trình xây dựng trái phép đang hoàn thành trên đất rừng phòng hộ Sóc Sơn. Ảnh trên báo Lao động.
Nhục báo chí thể
Nữ phóng viên Đào Thị Thúy Bình, báo Thương hiệu và Công luận tống tiền doanh nghiệp nước ngoài đóng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang 70.000 USD để gỡ bài báo nói về vi phạm của mình. Luật sư cho biết bà này sẽ đối mặt với mức án từ 12-20 năm tù.
Mặc dù chưa có thẻ nhà báo nhưng nữ phóng viên đã tống tiền doanh nghiệp lần này là lần thứ hai.
PV Đào Thị Thúy Bình tại cơ quan điều tra. Ảnh trên Soha
Nhục Mỹ Đình thể
Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao, ông Vương Bích Thắng cho biết hiện nay Khu Liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình vẫn nợ gần 70 tỉ tiền thuế cho thuê đất dài hạn, đồng thời mất khả năng chi trả 314 tỉ đồng tiền thuê đất.
Khu Mỹ Đình. Ảnh trên vietnambiz
Nhục trạm BOT thể
Theo Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, nhiều tuyến giao thông quan trọng, duy nhất được Chính phủ cho phép thực hiện dự án BOT để tổ chức thu phí nhưng đã thu quá cao làm tăng giá cước vận tải. Hoặc làm đường một nơi, thu phí một nơi khác bù cho dự án. Bố trí quá nhiều trạm thu phí không theo quy hoạch, gây ùn tắc giao thông, đặt trạm không đúng khoảng cách quy định… dẫn đến tăng tổng mức đầu tư, đội vốn quá cao, gây bức xúc và tạo gánh nặng rất lớn cho người dân và doanh nghiệp, tăng chi phí cho sản xuất kinh doanh trong nước không hợp lý, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đặc biệt, phần lớn các dự án BOT sử dụng vốn vay ngân hàng và một số lớn dự án được Chính phủ bảo lãnh.
Người dân xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, Thành phố Hà Nội, lập hàng rào chắn các phương tiện qua lại. Ảnh trên báo Dân Việt.
Nhục đóng tàu thể
Vụ án tại Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), đại án tham nhũng trong thời gian dài, làm mất vốn nhà nước đến hơn 16 triệu USD thời giá cách đây khoảng hơn mười năm. Với 2 án tử hình cho Trần Văn Liêm (nguyên tổng giám đốc Vinashinlines) và Giang Kim Đạt (quyền trưởng phòng kinh doanh Vinashinlines). Sau tái cơ cấu, SBIC (tên gọi của Vinashin sau tái cơ cấu) dự kiến nợ dự phòng ngân sách mà nhà nước phải ứng trả thay trong 10 năm tới lên tới 63,2 nghìn tỷ đồng.
Giang Kim Đạt. Ảnh trên PLO
Vinalines (Tổng công ty Hàng hải Việt Nam) lỗ thêm 174 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2018, nâng tổng lỗ lũy kế đến cuối quý 3/2018 lên hơn 3.400 tỷ đồng.
Nhục pháp đình thể
Họa sĩ Lê Linh, tác giả bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt kiện công ty Phan Thị đòi quyền tác giả. Suốt 12 năm liền vụ án không được xét xử. Trong đó có 7 năm vụ án bị ngâm tại TAND quận 1 Tp. HCM.
Họa sĩ Lê Linh tự vẽ về hành trình đi kiện
Họa sĩ Lê Linh tại phòng chờ phiên tòa sáng 18/12. Ảnh trên VnExpress
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho biết, năm 2018, đã ra lệnh bắt tạm giam 22 cán bộ là Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Chấp hành viên để phục vụ điều tra, truy tố ; Số tiền tham ô, nhận hối lộ, chiếm đoạt có vụ trên 1 tỷ đồng…Trong đó có một nữ thẩm phán ở Hà Nội nhận 300 triệu đồng để chạy án, một thẩm phán khác ở Bắc Giang nhận 60 triệu để tuyên mức án thấp nhất cho một tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cuối cùng là các loại nhục nhân dân thể
Loại nhục này rất đa dạng.
Liên quan đến nhục vì ngu còn tỏ ra nguy hiểm, có nhóm 6 người ở Hà Tĩnh, nhỏ nhất 35 tuổi, lớn nhất 58 tuổi, mua một con voọc đã bị bắn bị thương về, cùng nhau ăn óc sống của nó rồi làm thịt nhậu. Toàn bộ quá trình họ đều live stream đầy đủ trên mạng, tích cực giúp công an rất nhanh chóng phá án.
Voọc là loài động vật có tên trong Sách đỏ Việt Nam.
Nhóm người giết voọc, ăn óc sống tại đồn công an. Ảnh trên báo Hà Tĩnh
Nhục nhân dân thể còn phải kể tên anh hùng rải đinh Lê Trung Hiếu ở Hải Phòng. Hiếu có tiệm sửa xe nhỏ ở gần cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện. Do ế ẩm, Hiếu đem đinh ra rải dày đặc trên khắp mặt cầu Tân Vũ để các xe qua lại bị thủng lốp, phải vào tiệm của Hiếu để sửa. Lực lượng chức năng dùng máy bơm nước áp lực cao để thổi gom đinh, dùng máy rà… vẫn không xuể.
Ảnh trên báo An ninh thủ đô
Một loại nhục bền vững khác thuộc nhánh nhục này diễn ra tại Mỹ Đình, sau hôm thi đấu lượt đi của đội tuyển Việt Nam tại AFF cúp.
Xung quanh Mỹ Đình ngập trong rác sau đêm thi đấu. Ảnh từ facebook và các báo Việt Nam.
Nhân dân ở chung cư còn sở hữu một loại nhục khác rất đặc trưng, gọi là "nhục chung cư thể". Đó là kungfu ném đồ vật từ tầng cao xuống.
Ngay buổi chiều lễ Giáng sinh 25/12/2018, tại chung cư Lotus House ở Tp.Vinh, tỉnh Nghệ An, một em bé ba tuổi đang chơi với mẹ ở sân chung cư thì một mảng bê tông ném trúng đầu, tử vong.
Ở chung cư Linh Đàm (Hà Nội), túi đựng bỉm, rác, bao cao su, thậm chí nguyên một dao thớt gỗ nặng bị ném từ các căn hộ tầng trên xuống sân chung cư.
Bộ dao thớt từ tầng 11 ném xuống sân trong chung cư Linh Đàm, Hà Nội. Ảnh trên báo Lao động
Sơ sơ, tính ra ngành nào, lĩnh vực nào, dịa phương nào, từ dân đến quan ở Việt Nam cũng đều có các thể loại nhục đặc thù, đa đạng, rộng khắp, có tính sáng tạo cao, bền vững và liên tục phát triển theo thời gian.
Có lẽ hàng năm chúng ta phải làm một quyển sách theo mô hình Guiness, để thống kê, phân loại và tính điểm Nhục Việt Nam trong các ngành, các giới và các cấp, mới có thể đưa ra một cái nhìn toàn diện, khách quan, có tính khoa học về đặc sản này của đất nước mến yêu.
Rất mong các quý độc giả chung sức đóng góp một tay, tùy theo sức của mình vào công trình có ý nghĩa này. Chúng sẽ sống mãi trong lịch sử hào hùng của nước Việt.
Tre
Nguồn : RFA, 29/12/2018 (Tre's blog)
Tham khảo :
http://vietnamnet.vn/vn/phap-luat/ky-su-phap-dinh/hoa-si-theo-duoi-vu-ki...
https://vnexpress.net/thoi-su/cau-vuot-bien-dai-nhat-viet-nam-bi-rai-dinh-day-dac-3849220.html
http://cafef.vn/nguy-co-phai-tra-no-thay-vinashin-63000-ty-20161025134710289.chn
http://soha.vn/xa-hoi/chi-thay-nhuc-quoc-the-khi-nan-nhan-la-nguoi-nuoc-...
https://baomoi.com/ha-noi-xep-thu-2-ve-o-nhiem-khong-khi-tai-dong-nam-a/c/27807612.epi#&gid=1&pid=2
https://vov.vn/xa-hoi/tuyen-metro-nghin-ty-ben-thanh-suoi-tien-qua-nhieu...
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-trong-ngay/infographics-ong-tat-thanh-can...
https://vnexpress.net/thoi-su/da-nang-sap-xep-nhan-su-sau-khi-nhieu-can-bo-bi-bat-3816589.html
https://vov.vn/nhan-su/nam-2018-hang-loat-tuong-cong-an-quan-doi-bi-ky-luat-va-hau-toa-851946.vov#p2
http://soha.vn/sai-lam-chet-nguoi-dan-den-nhung-do-vo-o-ngan-hang-dong-a-20181106135802404.htm
https://vnexpress.net/giai-tri/hoa-si-12-nam-theo-vu-kien-tac-quyen-than-dong-dat-viet-3860722.html
https://vnexpress.net/giai-tri/hoa-si-12-nam-theo-vu-kien-tac-quyen-than-dong-dat-viet-3860722.html
https://vov.vn/vu-an/bat-tham-phan-toa-huyen-o-bac-giang-nhan-hoi-lo-de-...
https://anninhthudo.vn/oto-xe-may/cau-vuot-bien-tan-vu-lach-huyen-bi-rai-dinh-nhieu-lan/792272.antd
http://soha.vn/dao-thot-roi-tu-tang-11-chung-cu-o-linh-dam-gia-dinh-co-g...
Sát nhà tôi là nhà vợ chồng một công chức về hưu sớm. Họ làm thêm và tiết kiệm bằng cách nuôi gà, nuôi chim cút, nuôi nhím, trồng rau.
Cái chuồng nuôi vài chục con gà của họ đặt sát hàng rào phân cách hai nhà.
Hình minh họa. Một người bán gà ở trên một con đường ngoại thành Hà Nội hôm 16/2/2009 - AFP
Cách đó chỉ hai mét, qua cái sân nhỏ, là phòng ngủ của tôi.
Mỗi sáng, chưa đến 5 giờ, bọn gà hò nhau gáy vang !
Tôi, của đáng tội, cũng hay tỏ vẻ yêu thiên nhiên lắm. Cơ mà bị thiên nhiên đánh thức đều đặn vào cái giờ ấy, trong khi mình muốn và được quyền ngủ đến 8 giờ cơ thì cái tình yêu ấy xem chừng cũng yêu yếu dần đi, rồi đến ngày đoản mệnh.
Thêm vào đấy là mùi phân gà. Chưa có quy định nào yêu cầu nuôi gà trong thành phố thì phải tắm (gà) thường xuyên, cũng chưa ai thấy con gà nào xài khử mùi (thơm mát, trắng mịn như ngọc trai, TV hay quảng cáo) nên mùi phân của cái bọn gà ấy không thể nào gọi là dễ chịu cả.
Tiếp đến là con mạt gà cuốn theo chiều gió bay vào nhà, khiến chúng tôi gãi xoành xoạch suốt cả ngày.
Nhắc thì anh ấy "ní nuận" : "Đất nhà tôi, tôi làm gì kệ xác". Ừ mà phòng khách nhà anh ta cũng bên cạnh chuồng gà.
Đành phải đưa đơn ra tổ dân phố.
Các nhà bên cạnh cũng đồng loạt than vãn. Anh ấy nhượng bộ bằng cách mua nilon với lưới về quây kín cái chuồng bên phần đất anh ta. Lâu lâu nilon thủng thì lại thay.
Hình minh họa. Một người đàn ông lớn tuổi nhìn một chuồng chim treo cao cùng với quần ao đang phơi bên ngoài căn hộ của mình ở khu phố cổ Hà Nội hôm 5/1/2000. AFP
Ở cuối khu thì có một anh khác trồng cả một vườn hoa rực rỡ bên ngoài đường đi. Anh yêu và siêng năng chăm sóc cây hoa lắm lắm.
Phiền nỗi, anh toàn chăm bằng các biện pháp đặc sệt "sinh thái", như để dành nước tiểu vào vại, om thật lâu rồi múc ra tưới hoa và cây cảnh.
Lạy giời, hoa đẹp thì đẹp lắm, tươi thì tươi lắm, nhưng mỗi lần anh tưới hoa thì hàng xóm cứ phải bịt mũi nghiến răng rõ lâu.
Cho nên hễ đọc các bài báo ca ngợi những ngôi nhà giữa lòng thủ đô "đưa được mô hình vườn-ao-chuồng" vào thành phố, "tạo nên một vẻ xanh mát organic cho thành thị", tôi lại rưng rưng thương xót những hàng xóm của họ.
Có những ngôi nhà ống bốn tầng nhưng chủ nhà tự dựng lên 3 tầng nữa bằng fibro ciment và gỗ, để làm chuồng nuôi lợn (ăn cho nó sạch bác ạ, dạo này thực phẩm đáng sợ lắm). Bên cạnh chuồng lợn là chuồng gà. Dưới tầng 2 là ao cá.
Bên cạnh đấy là cái phuy ủ chất thải và phân gà, để làm đất bón rau. Úi giời ơi cứ là xanh mơn mởn ! Sâu á, cứ gọi là đầy đất. Rau sạch thì mới có sâu nhá, hàng chuẩn đấy bác ạ !
Báo chí ca ngợi họ cứ như tân Cô-lông-bô phát hiện ra châu Mỹ. Chả những đủ ăn lại còn thừa thãi vì bán rau gà cá lợn sạch cho hàng phố. Góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Mấy năm nay dân Việt Nam hễ cứ đọc báo là run lẩy bẩy. Nào rau muống tưới nhớt gây ung thư. Nào cá rô phi gây ung thư. Nào mít nhúng hóa chất gây ung thư. Nào chảo chống dính gây ung thư. Nào ăn nhiều đường gây ung thư…
Nói chung, cứ cầm đến báo chí là lại thấy cái gì đấy gây ung thư !
Mà tất cả tin tức gì về ung thư đều được share dữ dội trên mạng. Người người tát (tag) nhau. Nhà nhà tát (tag) nhau. Tẩy chay.
Ngay cả khi những kỹ sư nông học, bác sĩ, những nhà khoa học phản biện và chia sẻ kiến thức đúng trên báo hay trên trang mạng cá nhân, dân ta vẫn không tin.
Có doanh nghiệp đang bán mít sấy, bán chạy đùng đùng thì tin mít (dứa, chuối) ung thư dội xuống. Chả ai dám mua nữa. Mít (dứa, chuối) tươi bỏ thối, mít (dứa, chuối) khô may mà xuất khẩu nên còn vớt vát. Khóc nỉ khóc non, họ mời các nhà khoa học tổ chức hội thảo, mời cả nông dân và báo giới đến thông tin rộng rãi.
Cơ mà chúng (dân) ông vẫn chả thèm tin.
Họ không tin chả phải vì có cơ sở để nghi ngờ chứng minh của các nhà khoa học. Không tin là bởi vì trước nay nhiều cái không tin được quá, cớ gì lần này ta đổi ý ?
Tại vì rằng thì là cái con niềm tin nó đỏng đảnh, nó dở người, nó khó nuôi lắm. Cho ăn no thì nó vẫn chưa chắc sống mãi, mà dính tí nước bẩn thì nó lăn đùng ra chết (xã hội Việt Nam mình hình như cái con niềm tin ấy nó không hợp hệ sinh thái, thỉnh thoảng lắm mới trông thấy nó đã đành, nó lại còn thường xuyên chết yểu).
Hình minh họa. Một người bán đồ ăn trên vỉa hè ở Hà Nội hôm 14/1/2014 AFP
Thế là những bà mẹ quê càng vất vả trăm chiều, để mà nuôi một đàn con chắt chiu (thưa ông Phạm Duy, ông đáng đánh đòn vì cái tội tiên đoán quá đúng như thế), tháng tháng đóng thùng gửi rau, gà, lợn, cá ra thành phố cho con. Những dịp nghỉ dài ngày, dân phố về quê khệ nệ ôm theo bao gạo, tải rau, cả những bu gà, bao tải dứa đựng vịt.
Trên tàu hỏa, trên xe đò, những cái bu gà vịt sẽ được đặt ở ngay giữa sàn xe, trên lối đi. Chúng thò đầu ra ngắm con đường lên tỉnh, phấn khích kêu quàng quạc và ị sực nức.
Người cùng chuyến xe hay chuyến tàu thì chẳng còn cách nào khác là bịt mũi "thông cảm".
Trong những chuyến tàu từ Bắc vào Nam, không ít lần tôi gặp những bà mẹ miền Trung sắp nắp thồ đến hai ba bao tải cao ngất, đậu xanh, gạo, bánh đa, và cả than củi để xông hơ cho con gái mới sinh, ở Sài Gòn.
Báo chí thổi bùng lên cơn phấn khích nông thôn hóa thành thị, vườn ao chuồng hóa cao ốc, gà hóa khu dân cư. Toàn dân nô nức phấn khởi thực hành chế độ nông dân sân thượng. Đi làm về thì dọn phân ủ phân trộn phân, trong giờ làm thì tranh thủ lên mạng vào Hội nông dân sân thượng học hỏi kinh nghiệm, gần hết giờ thì chạy trước để còn tạt chỗ nọ chỗ kia mua đất, mua giống, mua phân, mua trấu rải chuồng gà...
Bất chấp sự nguy hiểm tiềm tàng của những cái sân thượng nhà ống hay những cái ban công chung cư đột nhiên phải cõng đến hàng trăm hộp xốp chứa đầy đất và phân bón ; hay mùi nước tiểu, mùi phân và ký sinh trùng phát tán khắp nơi từ những cái chuồng gà hay chuồng lợn sát bên phòng ngủ.
…
Các anh chị đọc đến đây chưa ? Rõ khổ, đã bảo đừng đọc rồi cứ không chịu nghe cơ. Tôi đã bảo trước lỗi không phải tại tôi mà lị. Đáng ra tôi không viết cái sớ (vừa dài thườn thượt, vừa khăn khẳn phân gà phân lợn) thế này để làm hỏng một cuối tuần đẹp đẽ của các anh chị. Tôi muốn viết những bài thơ tình (bịa) xanh tươi, có hoa thơm bướm lượn, có những chú ong vo ve trong nắng vàng bên ly cà phê thơm ngát cơ.
Nhưng mà biết làm thế nào, khi mà cái ban công ngắm trăng của chúng tôi đã được khuyến mãi với những cái chuồng gà organic thời thượng đến như thế ?
Tre
Nguồn : RFA, 07/12/2018
Chú thích :
https://kienthuc.net.vn/khoe-dep/phat-hien-soc-an-ca-ro-phi-co-the-bi-ung-thu-606167.html
https://baomoi.com/da-mat-san-thuong-100m2-trong-rau-nuoi-ga-tha-ca-nhot-tho/c/19880519.epi
Mấy hôm nay khi ông Trần Bắc Hà bị bắt, ngoài việc thi nhau kể những giai thoại về sự ngạo mạn, hung hãn, lố bịch của ông khi còn đắc thế, dân mạng Việt Nam còn chuyền tay nhau một bức ảnh do facebooker Trương Huy San (Huy Đức) đăng lên.
Ông Huy Đức viết : "Trong bức ảnh này (Bogaya, Ấn Độ), khi xếp bằng dưới gốc bồ đề nơi được cho là Phật tổ từng ngồi, Bắc Hà là người duy nhất có dáng điệu rúm ró khác thường. Đây là giai đoạn mà ở quốc gia này, Bắc Hà chỉ ‘dưới Ba Dũng’ ; và hách dịch với phần còn lại, vậy nhưng khi đối diện với thần linh nhìn ông ta vô cùng sợ hãi".
Ông Trần Bắc Hà (áo xanh ngoài cùng bên phải) trong chuyến công du Ấn Độ cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi năm 2014 - Courtesy Fb Truong Huy San
Tôi cũng lấy bức ảnh về xem. Trái với ông Huy Đức, tôi thấy dáng ngồi hơi sụm lưng xuống của ông Trần Bắc Hà không có vẻ gì là "rúm ró khác thường". Có thể là ngồi lâu, mệt. Cũng có thể ngồi sụm lưng xuống như thế ông ấy dễ chịu hơn.
Tuy nhiên, sự thành kính của những vị mặc comple có mặt trong ảnh thể hiện rõ trên từng nét mặt thì khỏi phải bàn. Từ lâu rồi việc số đông quan chức Việt Nam hết lòng tin vào tâm linh và phong thủy không còn là chuyện lạ. Không xác tín được nhưng người ta đồn rằng hầu hết các quan chức lớn đều có một (hoặc một đội) thầy (phong thủy, tướng số, tử vi) riêng, lo từ gót chân lên đỉnh đầu. Xem giờ trước khi quyết định một việc quan trọng đã đành, còn phải xem màu sắc trang phục, hướng ngồi, tuổi tác của thủ hạ thân tín. Không những của bản thân người ấy mà còn của vợ, của chồng họ, để tính toán những gì tả phù hữu bật.
Khi ông Nông Đức Mạnh còn tại vị, người ta đồn mái tóc của ông (rẽ ngôi lệch, ngôi không nằm trên đầu mà nằm tại thái dương) chính là kết quả của thầy tướng số. Chữ ký của nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với nét gạch đậm ở dưới dài hết bề ngang trang giấy, cũng thế.
Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh với đầu ngôi rẽ (hình chụp ở Hà Nội hôm 25/4/2006) AFP
Người ta kể : đến Tết, việc chính của các phu nhân không phải là ngồi nhà đợi họ hàng (và cấp dưới) đến chúc tết (người ta chúc hết cả trước tết rồi, và phải xếp hàng, trông nhau mà vào chúc). Không. Các quan bà phải lo đi chùa. Cầu khấn, trả lễ, van vái, hứa hẹn thay cho ông. Thường phải đi hết 10 cảnh chùa ngay trong vài ngày đầu năm. Và đi chùa nào, đi giờ nào, "đi" bao nhiêu, thì có thầy tính hộ hết. Vụ này không cần đồn mà tôi làm chứng được.
Thành kính, một lòng một dạ tin tưởng thế cho nên các ngôi chùa to vĩ đại cứ thay nhau mọc lên tại Việt Nam. Cách đây mấy tháng tôi đi Tiền Giang đúng ngay dịp khánh thành ngôi chùa, à không, phải gọi là quần thể chùa, tên là Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, chiếm trọn (theo con số trên website Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam là 30 ha ; theo trang vntrip.vn về du lịch thì sau đó 30 ha + 20 ha nữa- "tất cả do phật tử hiến tặng" ; còn theo những người khác đồn, thì hiện tại đang là 60 ha ; chả biết đường nào mà lần) một vùng giữa rừng tràm và rẫy khóm xanh ngắt của huyện Tân Phước.
Bữa ấy, (lại nghe đồn) có một vị hiến tặng tượng phật, nhà chùa làm lễ an vị. Xe hơi xếp hàng dài từ vài cây số ngoài cổng lớn thiền viện. Cách một cây số, công an đã ra hiệu cho xuống xe hết đi bộ vào vì xe quá đông. Xung quanh thiền viện, xe đậu áng chừng cả ngàn chiếc. Trên khu đất mênh mông bạt ngàn những người là người chen chúc. Rất nhiều thanh niên, trung niên mặc đồ lam phật tử, tay cầm bộ đàm, nói giọng Bắc mới đi qua đi lại. Nghe kể những kiến trúc ở đây đều là lấy theo nguyên mẫu bên Ấn Độ, kinh phí tính hàng trăm tỷ.
***
Điểm lại, mới chục năm nay trên ba miền Bắc Trung Nam đã có 4 quần thể chùa to lớn : ở miền Bắc có Bái Đính ; ở miền Trung-Bình Định có Dự án tâm linh Phật pháp Linh Phong của chính ông Trần Bắc Hà vừa bị bắt ; ở miền Nam hồi trước có khu chùa mang cái tên quá oách Đại Nam quốc tự tại Bình Dương, bây giờ chắc Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác đã thay thế. Và (lại người ta đồn), những dự án chùa này cực kỳ hoành tráng này xây lên đều để làm hòn đá tảng tâm linh cho các vị lãnh đạo, quan chức cấp cao nào đó.
Trái ngược với việc chủ nghĩa cộng sản tuyên bố (và giáo dục chính thống cho) vô thần, thực tế tại Việt Nam, càng ngày người ta càng dễ tin, càng tin say sưa và nhu cầu tin vào những điều vô hình ngày càng tăng. Năm sau cao hơn năm trước.
Bình dân thì lạy rắn, xá cây, vọng hòn đá, rình những sự kiện đặc biệt như đám tang chết bất đắc kỳ tử cùng lúc nhiều người, hay bất cứ cái gì có vẻ lạ lùng để đánh lô đề (hôm đám tang ông Võ Nguyên Giáp, dân lô đề khoe đánh theo số xe chở linh cữu-trúng đậm). Những tin tức ly kỳ kiểu người đẻ ra rắn luôn hút lượng đọc khủng khiếp, kèm theo vô số xuýt xoa.
Hình minh hoạ. Các nhà sư làm lễ cho cố Chù tịch nước Trần Đại Quang tại chùa Quốc Tự ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 23/9/2018 - AFP
Người ta bắt đầu nói nhiều đến nhân quả, đến kiếp sau, đến sự trừng phạt và ban thưởng của Đấng Giấu mặt (ối giời ơi may quá Cô thương, cháu nhà tôi nó được vào nhà nước, mất có mấy trăm triệu thôi các bác ạ). Người ta cũng không quên trả thù và dọa dẫm trong chính lời cầu xin với thánh thần (cái thằng cạnh nhà nom mà ghét, dám xây cao hơn nhà chúng con ạ cầu xin thánh thần quật chết cha nó đi). Người ta treo hình Phật trên facebook và comment "Nam mô a di đà Phật". Những hãng thời trang nhanh nhẹn đã kịp thiết kế đủ kiểu mẫu áo lam để gái trai già trẻ mặc đi chùa. Treo tượng phật trên facebook trở thành một dấu hiệu nhận diện. Mặc áo lam đi chùa (phải nhớ selfie đấy nhá) trở thành một mốt thời trang. Các khóa học thiền trở thành một thứ chứng chỉ cho sự tinh hoa, tri thức. Và càng bỏ tiền sang tận Thái Lan, Myanmar, vào rừng tu… thì càng được trầm trồ là "tu sang" !
Nguyên nhân ở chỗ, ở Việt Nam, tài năng, nhân cách và phẩm giá không phải là yếu tố đảm bảo thành công hay hạnh phúc. Với công danh, điều tiên quyết để một "đồng chí" tiến cao trên hoạn lộ là "đồng chí" ấy phải là con một "đồng chí" khác. Với kinh doanh, những quan hệ ruột rà, em út, chiến hữu, sân trước sân sau đủ để đảm bảo một doanh nghiệp mua bán nước bọt phất lên như diều. Còn các cô "gái ngành" thì công khai lên báo khoe giàu, khoe sang, làm gương sáng cho vô khối cô gái khác thèm thuồng và noi theo.
Người dân bình thường thì hoang mang vì chẳng có điều gì chắc chắn. Đi làm còm cọm cả đời đóng tiền bảo hiểm thì Quỹ bảo hiểm xã hội lúc nào cũng phập phồng sợ vỡ. Sáng đi làm, chẳng biết tối có nguyên lành về nhà không vì tai nạn giao thông quá khiếp. Gửi tiền ngân hàng, bị mất thì ngân hàng bảo đi mà đòi cái thằng lừa đảo ấy (thật bất tiện vì nó lại là chính là giám đốc chi nhánh cái ngân hàng ấy). Bệnh thì tự bán nhà bán cửa chạy chữa…Hiện tại hoang mang, tương lai cũng rứa. Trong cái xã hội chả biết thế quái nào mà lần như thế, chả tin vào đấng vô hình, vào sự may mắn, thì tin vào ai ?
Ấy bởi cái mâu thuẫn xé người ấy nên cũng chưa bao giờ dân Việt Nam dễ hờn (cả thế giới) đến thế. Mà khi hờn, người ta lại có sở thích chém nhau. Đang chạy bon bon trên đường, thấy đứa khác vượt lên trên mình-chém. Uống nước mía chê dở-chém. Khen ngon-cũng chém ! Và chả duyên cớ gì, vẫn chém ! Như mới đây một đám giang hồ vác mã tấu xông vào tìm địch thủ, thấy một nhóm thanh niên đang ngồi cà phê gần đấy bèn tranh thủ chém phứa lấy vài nhát.
Thậm chí những nghề nghiệp mà tiêu chí là phải khó hờn nhất như bảo mẫu, cô giáo tiểu học…, người ta cũng hờn ! Nên cô giáo treo học sinh lên, bảo mẫu nhúng đầu học sinh vào thùng nước, và người trông trẻ đập thằng bé vài tháng tuổi cứ bùm bụp.
Hóa ra, tin tâm linh nhiều thế mà xem ra dân Việt chẳng mát tính lên được tí nào cả.
Với những nơi gọi là linh thiêng, người ta cũng giữ một cái thái độ rất là hai mặt. Một mặt thì gọi rùa là "cụ Rùa", lo lắng tái tê khi "cụ" sa sút sức khỏe (cụ Rùa mà chết đi thì hồ Gươm còn đâu là linh thiêng nữa). Một mặt, người ta nghiễm nhiên xem hồ Gươm là cái hố rác công cộng, ném vào từ phế thải vật liệu xây dựng cho đến vỏ hộp xốp, kim tiêm, bao cao su…
Niềm tin tâm linh dâng trào mạnh mẽ khiến đất sống của các thầy tu cũng màu mỡ lên gấp bội. Chùa chiền bây giờ phải "lớn nhất Đông Nam Á", "tượng phật cao nhất Đông Nam Á" "to nhất Đông Nam Á" với những tượng phật tạc nguyên khối từ ngọc đỏ ngọc xanh… Càng đắt tiền, càng xa hoa càng được xem là linh thiêng. Sự tỉnh thức, tĩnh lặng trong tâm trí không còn là điều thu hút phật tử đông đảo nữa.
Hình mình hoạ : hình chụp hôm 15/2/2011 - một bức tượng Phật cao 67 m được cho là cao nhất Việt Nam ở Đà Nẵng AFP
Có vẻ như đây là một cặp phạm trù đối nghịch : người bình dân thì mê mụ, dễ bị dắt mũi. Người có điều tà ám trong lòng thì cái tay càng hung hãn, cái đầu càng lo sợ quả báo, còn cái tâm càng giục giã phải "lập công chuộc tội".
Nhưng, soi lại các trường hợp những nhân vật trùm cuối ở Việt Nam, điển hình như ông Trần Bắc Hà mới đây, có vẻ như họ đã sai trong cách "chuộc tội". Hoặc, do quen hối lộ nên họ cũng chỉ biết có mỗi một kiểu chuộc bằng cách hối lộ thánh thần (cho nó nhanh, được việc) chăng ?
Ai dè thánh thần chứng tỏ các ngài có những quan niệm hết sức độc lập về sự chuộc tội, rất khác với người phàm.
Tiền muôn bạc vạn bỏ ra xây trường, xây chùa, đúc chuông tô tượng, thần thánh vẫn nhận. Nhận để tái cơ cấu chứ ! Nhưng cái mồm niệm phật mà cái tay ra sức vơ vét tiền bẩn, làm hại đất nước thì dù thành kính bao nhiêu, kết quả cuối cùng cũng chỉ là "thành kính phân ưu" đấy thôi.
Cơ mà chả biết các anh có nhận ra tí nào không, hay là lại tưởng thần thánh dỗi vì hối lộ chưa đủ mức ?
Tre
Nguồn : RFA, 02/12/2018
Tham khảo :
https://www.vntrip.vn/cam-nang/thien-vien-truc-lam-chanh-giac-tien-giang-79887
http://www.thtg.vn/ngay-169-thien-vien-truc-lam-chanh-giac-se-to-chuc-an-vi-thanh-tich-tu-dong-tam/
https://phunutoday.vn/nguoi-lon-vo-tu-xa-rac-ho-guom-tre-cam-cui-nhat-d19063.html